Vị Trí Của Nữ Giới Trong Giáo Dục Phật Giáo

23 Tháng Ba 201510:07(Xem: 6696)

Vị trí của nữ giới trong giáo dục Phật giáo

Thích Giác Toàn

 

thich_giac_toan_02Ngày nay, tuy giáo lý của Đức Phật đã được phổ biến rộng khắp, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những ý kiến cho rằng Phật giáo hạ thấp giá trị của người phụ nữ. Sự thật không phải như vậy và hiện nay trong giáo dục Phật giáo, phụ nữ có vị trí rất quan trọng và có những đóng góp giáo dục rất to lớn.

Phật giáo với giáo lý Khổ, Không, Vô ngã được xem là một tôn giáo vô cùng đặc biệt so với các tôn giáo khác. Nhưng chính giáo lý này lại có thể giải thích, giải quyết các sự vật, hiện tượng. Vô ngã thì vô chấp và vô phân biệt, không chấp trước và không phân biệt có người có ta, của người của ta, tức là bình đẳng.

Trong ý nghĩa rốt ráo, bình đẳng chính là nguyên lý“Tất cả là một, một là tất cả” (Kinh Hoa Nghiêm). Trong ý nghĩa xã hội, mọi người đều như nhau, đều đáng được tôn trọng, được yêu thương, bất kể bạn thù, sang hèn, giai cấp, nam nữ…

Khổ là thực trạng của cuộc đời. Đạo Phật là đạo giải thoát. Giải thoát là giải thoát cho mọi chúng sinh, không phân biệt đối với chúng sinh nào, và dĩ nhiên, không phân biệt nam nữ. Trong kinh Phật tự thuyết, Udana 55, phẩm Trưởng lão Sona, Đức Phật dạy rằng các dòng sông có tên khác nhau, nơi xuất phát khác nhau, lớn nhỏ khác nhau, nhưng khi chảy ra biển thì được gọi là biển lớn. Những người đi theo Phật, tu tập giáo pháp của Ngài thì đều được gọi là Thích tử chứ không hề có sự phân biệt nào. Ngài dạy,“Nước biển chỉ có một vị mặn; cũng vậy, này các Tỳ-kheo, giáo pháp của Như Lai chỉ có một vị là vị giải thoát” (Kinh Phật tự thuyết, đã dẫn).

Sự khác biệt không phải là giới tính, sự khác biệt duy nhất là nghiệp mà mỗi người đã tạo ra trong quá khứ. Phật dạy, “Bần tiện không vì sanh. Phạm-chí không vì sanh. Do nghiệp thành bần tiện. Do nghiệp thành Phạm- chí.”(Kinh Tập, Sutta Nipata, 142).

Vào thời Đức Phật, hai vấn đề xã hội nghiêm trọng nhất là sự phân biệt nam nữ khiến người nữ phải chịu nhiều bất công, khổ đau; và sự phân biệt giai cấp: Bà- la-môn, Sát-đế-lỵ, Phệ-xá, và Thủ-đà-la. Như trên đã nói, Đức Phật đã phê bác sự phân biệt này. Tuy vậy, có người vẫn thắc mắc về việc lúc đầu Đức Phật không đồng ý  cho lập Ni đoàn, về việc chế Bát kỉnh pháp buộc chư Ni suốt đời phải kính trọng Tăng, về việc Ngài bảo nếu có Ni đoàn thì Chánh pháp bị mất đi 500 năm tồn tại…

Ta cần nhớ rằng vào thời ấy, người phụ nữ bị khinh khi, không có giáo đoàn nào chấp nhận phụ nữ. Họ không được học hành, trình độ trí tuệ, văn hóa thấp kém do hàng ngàn năm phải sống như nô lệ. Những tuyên bố của Đức Phật chỉ có tính cách răn dạy và cần được hiểu theo nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ… Đức Đạt-lai- lạt-ma có giải thích lý do của vài chỗ tỏ ra có vẻ như vài tác phẩm Phật giáo chê bai phụ nữ: “Ví dụ, trong Bảo Tràng của ngài Long Thọ và trong Nhập Bồ-tát hạnh của ngài Tịch Thiên, những thứ có thể gây tội lỗi trong thân thể phụ nữ được bàn đến; tuy nhiên, các tác phẩm này không phải được viết nhằm phân biệt phụ nữ là thấp kém hơn. Thực ra, đông đảo những lời phát nguyện tu tập là của nam giới; do đó, những giải thích thuộc thiền quán về những thực thể gây tội lỗi của thân thể người phụ nữ là chủ yếu nhằm giúp nam giới thắng vượt sự ham muốn đối với thân thể nữ giới” (The Dalai Lama at Harvard, Snow Lion Publications, 1988).

Khi Đức Phật cho phép thành lập Ni đoàn do Ngài Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahaprajapati) đứng đầu, chư Ni được dạy dỗ và rất nhiều vị Ni đạt thánh quả. Trong Trưởng lão Ni kệ, ta tìm thấy 73 trường hợp chứng đắc A-la-hán của chư Tỳ-kheo-ni, và hiển nhiên còn rất nhiều vị Ni đắc A-la-hán chưa được kể hết. Đó là các nữ Tôn giả như Maha Pajapati Gotama (còn gọi là Kiều- đàm-di, Gotami), Khema, Uppalavana, Kisagotami, Sona, Bhadda Kundalakesa, Patacara, Dhammadina, Sumana, Ubiri, Subba, Siha…

Các nữ đệ tử chứng đắc của Đức Phật là những vị trí tuệ cao vời, có thần thông, đã là những nhà thuyết giảng tài ba. Kinh Hoa Nghiêm có nhắc chuyện Thiện Tài đồng tử cầu đạo đã xin thọ giáo với Tỳ-kheo-ni Sư Tử Tần Thân và nhiều vị khác, kể cả những vị Ưu-bà-di. Hoàng hậu Malliaka (Mạt-lỵ) giảng cho vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) về ái, ái sinh khổ (Kinh Ái sinh, Trung A-hàm; Kinh Piyajatika, Trung bộ); nữ Tôn giả Khema giảng cho vua Pasenadi về ý nghĩa tuyệt đối, bất khả tư nghì, về Như Lai (Kinh Tương ưng bộ IV)… Tương ưng bộ kinh, chương V, Tương ưng Tỳ-kheo-ni kể từng trường hợp   của mười vị Tỳ-kheo-ni đã chiến thắng Ác ma đến dụ dỗ, hăm dọa; điều này cũng chứng tỏ bản lĩnh trong tu tập của chư Tỳ-kheo-ni thời Đức Phật.

Sự khác biệt nam nữ chỉ là giả tạo, chỉ lấy tướng trạng mà phân biệt. Trong kinh Duy-ma-cật, phẩm 7, ta thấy có kể chuyện một thiên nữ đệ tử của Phật có thần thông, có trí tuệ, đã đối đáp với Tôn giả Xá-lợi-phất về sự vô phân biệt trong Phật pháp, về giả tướng; và để giải đáp cho câu hỏi của Tôn giả Xá-lợi-phất vì sao chuyển sang thân nam giới, vị thiên nữ đã trả lời, “Mười hai năm nay con cố tìm tướng nữ thân mà không thấy thì chuyển thân là chuyển cái gì?”. Kinh Pháp Hoa, phẩm Đề-bà-đạt-đa kể chuyện Long Nữ được Bồ-tát Văn-thù hóa đạo liền thành Phật ngay đó.

Trong kinh Tương Ưng bộ, phẩm Tăng trưởng, kinh Tăng trưởng Nữ nhân, Đức Phật đã ca ngợi, khích lệ các nữ đệ tử của Ngài như sau: “Tăng trưởng về lòng tin, tăng trưởng về giới hạnh, tăng trưởng về nghe nhiều, tăng trưởng về thí xả, tăng trưởng về trí tuệ; này các Tỳ- kheo, được tăng trưởng với năm sự tăng trưởng này, một nữ thánh đệ tử được tăng trưởng trong thánh tăng trưởng, nắm giữ được những lõi cây (căn bản, tinh vi), nắm giữ được những điểm tốt đẹp nhất về thân”.

Đức Phật còn xác nhận sự chứng đạt của nhiều Tỳ- kheo-ni hay nữ cư sĩ. Ví dụ, trong kinh Đại bát-niết-bàn (Trường bộ), Ngài dạy: “Này A-nan, Tỳ-kheo-ni Nan-đà đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, sanh thiên giới và từ đó nhập Niết-bàn, không trở lại đời này nữa.” Và: “Này A- nan, nữ cư sĩ Sujata diệt trừ ba kiết sử, chứng dự lưu, nhất định không còn đọa ác đạo, đạt đến chánh giác”.

Ngay cả người phụ nữ mà những người được gọi là có đạo đức thời ấy thường tránh xa như kỹ nữ Ambapali, Đức Phật cũng thuận theo thỉnh cầu đến thọ trai và giảng Pháp tại nhà nàng, trong khi đó Ngài từ chối thỉnh cầu của đám thanh niên Licchavi quý phái. Về sau, nữ Tôn giả Ambapali tu theo Phật pháp và chứng quả A-la-hán. (xem kinh Đại-bát Niết-bàn vừa dẫn).

Dù trong thời Ngài, người phụ nữ qua nhiều ngàn năm bị đối xử bất công, trí tuệ chậm lụt, Đức Phật vẫn nhìn thấy khả năng tiến bộ trong tu tập mà phát huy Phật tánh vốn có trong mỗi chúng sanh, khả năng giải thoát, thành Phật của họ không thua kém gì nam giới nên đã chấp nhận phụ nữ vào Tăng đoàn. Khi vua Ba-tư- nặc (Pasenadi) tỏ vẻ buồn vì hoàng hậu Mạt-lỵ (Malika) vừa sinh con gái chứ không phải con trai như mong muốn, Đức Phật đã dạy:“Này Nhân chủ, ở đời có nhiều thiếu nữ có thể tốt hơn con trai; họ có trí tuệ, giới đức; họ khiến nhạc mẫu thán phục, họ sinh con trai là anh hùng, là quốc chủ” (Tương Ưng bộ, Tương ưng Kosala, phẩm 1, Người con gái).

Những trích dẫn trên từ kinh điển cũng đủ chứng tỏ Phật giáo là một tôn giáo cổ xưa, là tôn giáo đầu tiên   công nhận bình đẳng giới, bênh vực quyền lợi người phụ nữ. Lịch sử tu tập và hoằng hóa của các nữ đệ tử Phật đã chứng tỏ trí tuệ, đạo đức, khả năng tinh tấn, chứng đắc của phụ nữ không thua sút nam giới. Và dĩ nhiên vị trí, vai trò, chức năng xã hội của người phụ nữ cũng xứng đáng ngang hàng với nam giới.

Trang web Tripod có đăng tải hình ảnh và tóm tắt các hoạt động của 31 vị Tỳ-kheo-ni thuộc Kim cương thừa nổi tiếng. Đó là những nhà tu chân chính, học giả, tiến sĩ, nhà giáo dục, nữ giảng sư (Female teachers in Buddhism) đã hoạt động tại nhiều nước trên thế giới. Báo chí (ngày 29/7/2010) đăng tin một đề nghị gần như được mọi người chấp nhận về danh sách 20 vị nữ giảng sư lớn đang còn sống và hoạt động tại Hoa Kỳ. Trang web Buddhanet.netđăng tin và danh sách 7 phụ nữ nổi bật của Phật giáo là các học giả, giảng sư, các nhà giáo dục, sáng lập viên các tổ chức Phật giáo và một tu viện đang hoạt động tại Thái Lan được tôn vinh nhân ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3/2002.

Khó có thể kể hết các tổ chức, các trang web, các tu viện mà việc hoằng pháp, giáo dục Phật giáo nổi tiếng trên thế giới của Ni giới, xin chỉ nêu một vài danh xưng: Women active in Buddhism, Network of Buddhist Women in Europe, Sakyadhita, Tibetan Nuns’ Project, Ayya Khema International Buddhist Mandir, Therevada Budd, Therevada Buddhist Writings by Women, Aranya, SkyDancer, Chinese Bhikhunis in the Ch’an Tradition, Zen Women, UU Sangha…

Có lẽ Tỳ-kheo-ni Ayya Khema (1923-1997) là vị Ni trưởng nổi tiếng nhất trên thế giới trong thế kỷ XX. Ngài sinh tại Berlin (Đức quốc) trong gia đình Do Thái, là nhà nghiên cứu Phật học, nhà giáo dục, sáng lập nhiều tổ chức Phật giáo, đặc biệt là Tổ chức Nữ Phật tử Toàn cầu Sakyadhita (Sakyadhita, World-wide Buddhist Women) trong quá trình hoạt động của Ngài khắp các châu lục. Ngài đã viết 25 cuốn sách và đã được dịch ra cả chục ngôn ngữ.

Tại Việt Nam, sử sách ghi rằng từ đầu thế kỷ I đã có các vị Ni là các công chúa Bát Nàn, Thiều Hoa, Vĩnh Huy, Phương Dung… Các Ni sư nổi tiếng đời Lý là Diệu Nhân, đời Trần là Từ Quán… Chư vị là những thiền gia, giáo dục đông đảo Ni chúng.

Trong thế kỷ XX, nhiều vị Ni trưởng được xem là những nhà giáo dục đóng góp lớn lao cho công cuộc hoằng pháp, phát triển mạng mạch Phật giáo trên đất nước ta, đã sáng lập hoặc đứng đầu nhiều Ni trường (một số Ni trường do chư Hòa thượng sáng lập rồi giao lại). Có thể kể một số Tỳ-kheo-ni nổi tiếng về đạo hạnh, hoằng pháp, giáo dục trong thời gian này như Ni trưởng Diệu Trường. Ở Hà Nội có các Ni trường nổi tiếng như: Sơn Môn Am, Hàng Than, Viên Minh, Bồ Đề, Vân Hồ… với các Ni sư Đàm Kiều, Đàm Chất, Đàm Thuận, Đàm Thu, Đàm Soạn… Tại Huế, không ai là không biết hồng danh của chư Ni trưởng như Sư bà Diệu Không, người dạy dỗ đông đảo chư Ni thành những vị có vai vế trong ngành giáo dục, ủng hộ, giúp đỡ các trường Phật học, các tổ chức Phật giáo, Học viện Phật giáo, vị giảng sư, nhà nghiên cứu, dịch thuật kinh điển; Sư bà Thể Quán được xem là người sáng lập trường sư phạm mẫu giáo đầu tiên tại Huế; Sư bà Diệu Tấn giảng dạy Phật học cho Ni chúng và cho học sinh ở Trường Bồ Đề, Sư bà Viên Minh, Thể Thanh… tận tụy với việc đào tạo chư Ni…Tại TP.HCM, các Ni sư Hải Triều Âm, Diệu Tịnh, Huyền Cơ… đã không mệt mỏi giáo dục chư Ni, thành lập các Ni trường. Đặc biệt Ni trưởng Như Thanh còn mở trường dạy miễn phí cho trẻ em nghèo, mở các trung tâm giáo lý cho chư Ni, thành lập Ban Quản lý Ni bộ Nam Việt, lại là nhà thơ, nghiên cứu, dịch thuật kinh điển nổi tiếng với 20 tác phẩm đã xuất bản. Công lao đóng góp của chư Ni qua việc lập chùa, mở trường, giảng pháp tại các tỉnh thành trên toàn quốc từ xưa đến nay thật khó kể xiết.

Những sự kiện kể trên cho thấy khả năng đóng góp của nữ giới cho giáo dục Phật giáo là rất lớn. Hình ảnh người phụ nữ gợi liên tưởng đến hình ảnh người mẹ do sự dịu dàng, nhu hòa, tỉ mỉ, cẩn thận, rất cần thiết cho việc giảng dạy. Các nghiên cứu khoa học đều cho thấy phụ nữ không hề thua kém nam giới về trí tuệ, đó là chưa kể khả năng nhạy bén trong công việc, trong giao tế có thể nữ giới còn cao hơn nam giới.

Luật Phật không nói đến trường hợp Ni dạy Tăng, cư sĩ dạy Tăng Ni. Ngày nay, Giáo hội ta cũng như các hội đoàn Phật giáo khác tại nhiều nước trên thế giới, chấp nhận cho Tăng Ni theo học ở các trường học với chương trình ngoại điển thì sự việc chư vị chịu sự dạy dỗ của các vị thầy cô là cư sĩ Phật tử hoặc không theo tôn giáo nào hoặc theo các tôn giáo khác là chuyện thường tình. Đến khi nền giáo dục Phật giáo nước ta phát triển mạnh mẽ hơn, việc mở trường học dạy theo chương trình nhà nước thì tình trạng cư sĩ dạy tu sĩ, Ni dạy Tăng sẽ khó tránh được. Để tránh sự nghèo nàn trong giáo dục Phật giáo thì những trường hợp như thế thiết tưởng có thể châm chước bằng cách tạo ra một nghi thức nào đó. Ví dụ, trước khi một vị Ni đứng lớp dạy cho chư Tăng hay một cư sĩ dạy cho Tăng Ni, cần có một vị Tăng có thân phận cao tuyên bố trước lớp đề tài giảng dạy và có mấy lời giao cho người sắp dạy và báo cho học viên biết rằng mình ủy nhiệm việc dạy (thay mình) giảng bài. Cũng cần nhớ là Đức Phật từng dạy Ngài A-nan rằng về sau có thể bỏ đi những điều luật nhỏ nhặt.

Cũng là quá chậm khi mãi đến vài năm gần đây Giáo hội ta mới thành lập phân ban đặc trách Ni giới. Cũng là quá chậm khi số thành viên Hội đồng Trị sự và các Ban Trị sự tỉnh thành, Ban Đại diện quận huyện gồm quá ít chư Ni và cư sĩ Phật tử, thậm chí có nơi không có nữ Phật tử. Điều này làm chậm sự phát triển của Giáo hội và hạn chế sự phát triển của giáo dục Phật giáo tại Việt Nam. ■

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn