Phật Giáo Và Nữ Quyền

14 Tháng Bảy 201416:29(Xem: 6140)

PHẬT GIÁO VÀ NỮ QUYỀN
Trần Khải

blankBình đẳng nam nữ là một trong các khái niệm căn bản của Phật Giáo. Thậm chí, có thể nói rằng bình đẳng nam nữ là nền tảng gốc, vì trong tận cùng, ai cũng đều có khả năng giác ngộ, bất kể tính pháí, giai cấp, chủng tộc, màu da...

Do vậy, trong Phật Giáo Việt Nam cũng từng có Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải luôn luôn được kính ngưỡng vì những công trạng về văn học, về dịch thuật, về giáo dục và về đóng góp cho Giáo hội.

Vấn đề bây giờ là, một số quốc gia theo Phật Giáo Nam Tôn không còn các ni đoàn nữa, thí dụ, ở Thái Lan. Và nỗ lực xây dựng ni đoàn ở Thái Lan đã bị cản trở rất nhiều, từ cả phía chính quyền và từ các Giáo hội.

blankNhà sư Ajahn Brahm đã viết một bài tham luận tựa đề “Bình Đẳng Giới và Trao Quyền Cho Nữ Giới Trong Phật Giáo Nguyên Thủy” -- bản gốc Anh văn của sư là “Gender Equality and the Empowerment of Women in Theravada Buddhism,” và bản Việt dịch trên Thư Viện Hoa Sen là do dịch giả Trần Như Mai chuyển ngữ.

Sư Ajhan Brahm được mời thuyết trình trong Lễ Hội Vesak 2014 tại Ninh Bình, Việt Nam, trong một hội thảo bằng Anh ngữ; và bài của Thầy đã được Ban Tổ Chức đồng ý sẽ để chính Thâỳ Brahm đọc. Giờ chót, Sư Ajhan Brahm được Ban Tổ Chức thông báo rằng bài của Thầy bị hủy bỏ, và Ban Tổ Chức không muốn Thầy phổ biến baì này.

Bài này có vấn đề gì? Có phải khi kêu gọi chấp nhận trở lại truyền thống của Đức Phật để xây dựng Ni Đoàn, là sẽ xích mích với các nhà sư Thái Lan, nơi không cho phép phụ nữ trở thành một tỳ kheo ni?

Bản tin trên Thư Viện Hoa Sen (http://dieungu.org/p13326a20690/binh-dang-gioi-va-trao-quyen-cho-nu-gioi-trong-phat-giao-nguyen-thuy) viết:

“Bản tin của Buddhist Channel (25/5/14 ): Cổ động cho việc Phát triển bình đẳng giới và trao quyền cho nữ giới là mục tiêu thứ 3 trong 8 Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ do Liên Hiệp Quốc công bố, và được Hội Đồng Phật Giáo Úc Châu Liên Bang (Federation of Australian Buddhist Councils = FABC) mạnh mẽ ủng hộ. Một trong những vị cao tăng của Úc, ngài Ajahn Brahm, được Việt Nam mời đọc tham luận về “Bình Đẳng Giới và Trao Quyền cho Nữ Giới” tại đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam vào tháng 5, 2014. Thật không may là Ajahn Brahm đã không được phép trình bày bài tham luận này do một lệnh cấm từ Ban Tổ Chức UN Vesak áp đặt chỉ một ngày trước khi hội nghị bắt đầu. Bài tham luận của Ajahn Brahm đã được Ban Tổ Chức Hội Nghị chấp thuận nhiều tháng trước khi hội nghị diễn ra.

Hội Đồng Phật Giáo Úc Châu Liên Bang rất thất vọng khi bị bỏ qua cơ hội này để cổ động cho vấn đề quan trọng về bình đẳng giới tại một sự kiện Phật Giáo quốc tế đón mừng ngày lễ trọng đại nhất của Phật lịch.

Bài phát biểu của Ajahn Brahm trình bày một luận điểm vững chắc về việc truyền đại giới Tỳ-kheo-ni trong truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy, được hổ trợ bằng những tham khảo trích dẫn từ lời dạy của Đức Phật và những qui định trong Luật Tạng về việc điều hành sinh hoạt Giáo đoàn Phật giáo.”(hết trích)

Bài diễn thuyết của Sư Ajahn Brahm là một bản văn cực kỳ xuất sắc, tuy rất dài, nhưng có thể trích vài đoạn quan trọng như sau:

“Vào ngày 1 tháng 12 năm 1955, ở thành phố Montgomery thuộc tiểu bang Alabama, một phụ nữ người Mỹ gốc Phi châu đã từ chối lệnh của người tài xế xe buýt bảo bà phải nhường chỗ ngồi của mình trên xe bus cho một hành khách da trắng. Hành động đơn giản bày tỏ thái độ bất tuân ấy vì mục đích công bằng xã hội đã trở thành một trong những biểu tượng quan trọng nhất của Phong Trào Dân Quyền hiện đại ở Hoa Kỳ. Người phụ nữ ấy là Rosa Parks. Quốc Hội Hoa Kỳ đã gọi bà là “đệ nhất phu nhân của dân quyền” và là “bà mẹ của phong trào tự do”. Ngày 1 tháng 12 được tưởng niệm ở các tiểu bang California và Ohio của Mỹ như là “Ngày Rosa Parks”. Rosa Parks đã trở thành một Phật tử trước khi bà qua đời vào năm 2005 ở tuổi 92. Người ta có thể suy đoán rằng biểu tượng phụ nữ chống kỳ thị chủng tộc này đã chọn Phật Giáo bởi vì tôn giáo này rất thích hợp đế xúc tiến các vấn đề công bằng xã hội.

Trong bài tham luận này, tôi sẽ thảo luận bằng cách nào Phật giáo có thể xúc tiến vấn đề công bằng xã hội đặc biệt đối với Mục Tiêu Thứ Ba (MTT3) trong Những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ của Liên Hiệp Quốc (LHQ), qua đề tài: Bình Đẳng Giới và Trao Quyền Cho Nữ Giới. Tôi sẽ hướng trọng tâm vào giới lãnh đạo tăng đoàn hiên tại của Phật giáo Nguyên Thủy về nhu cầu cần bày tỏ rõ ràng sự cam kết của chính họ đối với MTT3 của Những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ LHQ thông qua sự công nhận việc truyền đại giới Tỳ-kheo ni. Chỉ lúc đó tăng đoàn mới có thể sử dụng ảnh hưởng lớn lao của họ để làm cho thế giới chúng ta công bằng hơn, một thế giới trong đó con người được đánh giá bởi nhân cách của họ chứ không phải bởi giới tính...

...Là những Phật tử ủng hộ lý tưởng từ bi vô điều kiện và tôn trọng con người, đánh giá con người theo cách hành xử của họ chứ không phải theo nguồn gốc họ sinh ra, chúng ta phải chuẩn bị tốt vị thế của mình để chứng tỏ tài lãnh đạo của chúng ta vể vấn đề phát triển bình đẳng giới trong thế giới hiện đại và đem lại kết quả là giảm thiểu nỗi thống khổ cho một nửa dân số trên thế giới này. Hơn nữa, nếu Phật giáo cần phải duy trì tính chất thích hợp với thời đại và phát triển, thì chúng ta phải đối đầu trực tiếp để giải quyết những vấn đề này. Nhưng làm sao chúng ta có thể bàn về vấn đề bình đẳng giới trong khi một số trong những tổ chức Phật giáo Nguyên Thủy vẫn còn phân biệt giới tính?

Ở Úc, Giáo hội Cơ Đốc Anh đại diện cho 17.1% dân số (theo Thống kê 2011) và vẫn duy trì tính chất hợp thời của họ bằng cách chấp nhận tấn phong nữ giám mục. Vào tháng 5 năm 2008, ở Perth, tôi được mời tham dự lễ thụ phong vị nữ giám mục đầu tiên trên thế giới của Giáo Hội Cơ Đốc Anh, đó là Giám mục Kay Goldsworthy. Giới truyền thông đã đáp ứng vô cùng tích cực đối với việc công nhận phụ nữ trong Giáo hội Cơ Đốc Anh. Những bước tiên phong như vậy đã tỏa sáng làm lộ rõ sự nổi bật đáng chê trách của các tôn giáo khác ở Úc vốn vẫn còn phân biệt đối xử dựa trên căn bản giới tính. Nhưng việc này lại tỏa ánh sáng tích cực vào Phật Giáo Nguyên Thủy ở Perth hiện đã có chư ni được thọ đại giới Tỳ-kheo-ni.

Thật không may là những chùa chiền tu viện Phật Giáo Nguyên Thủy khác ở Úc và ở các nơi khác trên thế giới vẫn còn giữ chặt không cho phép ni chúng được thọ đại giới để làm thành viên chính thức của Giáo đoàn. Tôi sẽ tranh luận về sau rằng không có một căn bản giới luật nào trong Luật Tạng, là Bộ Giới Bổn nguyên thủy của Phật Giáo, phủ nhận quyền được thọ đại giới của ni chúng. Hơn nữa, khi một số thành phần của Phật Giáo Nguyên Thủy nói chung vẫn được xem là đã ngăn cản một cách không hợp lý việc thọ đại giới của ni chúng, thì họ không có thẩm quyền đạo đức để bàn về bình đảng giới. Họ đã đánh mất cơ hội bàn về việc trao quyền cho nữ giới trong các lãnh vực khác của xã hội và xúc tiến Mục Tiêu Thứ Ba của Những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ...”(hết trích)

Bạn có thể đọc trọn bản văn qua link ở trên. Đâ là một bài lý luận tuyệt hảo về bình đẳng giới tính trong hàng tu sĩ Phật Giáo – nghĩa là, Phật giáo đã đi trước xã hội hơn 2000 năm trong nỗ lực bình đẳng tính phái.

Nhưng chuyện chưa hết. Sau khi Ban Tổ Chức Vesak 2014 giờ chót hủy bỏ bài diễn thuyết của nhà sư Ajahn Brahm, một vận động mới đang mời gọi chữ ký để Sư Ajahn Brahm được mời thuyết trình bài này trong Vesak 2015.

Khởi động việc tìm chữ ký này là cô Claralynn N. ở Anh quốc. Hiện nay, chỉ trong hơn 2 tuần lễ đã có 3,025 chữ ký.

Thỉnh nguyện thư này viết:

Thỉnh nguyện thư yêu cầu Hội Nghị Phật Đản Liên Hiệp Quốc (UNDV) mời Thầy Ajahn Brahm phát biểu về bình đẳng giới tính tại Hội Nghị sẽ được tổ chức vào năm 2015.

Chúng tôi ký tên dưới đây, hết sức kinh ngạc và vô cùng thất vọng trước sự việc bài tham luận của Ajahn Brahm về Bình Đẳng Giới đã bị cấm trình bày tại hội nghị của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2014 ở Vietnam.

Bài tham luận này rõ ràng đã đáp ứng đúng với Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ Thứ 3 của Liên Hiệp Quốc (Cổ Động Vấn Đề Bình Đẳng Giới và Trao Quyền Cho Nữ Giới) mà Ban Tổ Chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc đã cam kết ủng hộ thông qua mối quan hệ của họ với Liên Hiệp Quốc. Hơn nữa, bài tham luận của Ajahn Brahm đã được (Ủy Ban Duyệt Xét) chấp thuận để trình bày tại hội nghị (nhiều tháng trước đó), rồi bỗng nhiên chỉ 36 giờ trước khi hội nghi diễn ra theo lịch trình đã được ấn định, thì có lệnh cấm trình bày bài tham luận này.

Đối với chúng tôi những cuộc đối thoại tự do và công khai là rất quan trọng. Vì thế chúng tôi yêu cầu Ban Tổ Chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, theo đúng tinh thần của Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ Thứ 3 của Liên Hiệp Quốc, hãy cổ động cho những cuộc đối thoại về sự tham gia của nữ giới (vào Giáo Đoàn) trong Phật Giáo Nguyên Thủy hiện đại, bằng cách mời Ajahn Brahm trình bày trước công chúng bài tham luận của Ajahn Brahm về Bình Đẳng Giới trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc kỳ tới vào năm 2015.


Bài viết về “Bình đẳng giới tính” bằng tiếng Anh của Ajahn Brahm: http://tinyurl.com/n22lcnv

Xin quý vị hãy ký tên vào bản Kiến Nghị này: http://petition2014.org/3616363436253634365236073618-vi7879t.html

Thực sự, chúng ta nói nữ quyền là không chính xác, khi đọc kỹ bài diễn thuyết và thỉnh nguyện thư. Chỉ nên nói là Bình Đẳng Tính Giới vậy.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Tư 2016(Xem: 7957)
Nói đến Giáo hội Tỳ-kheo Ni, lập tức chúng ta nghĩ ngay đến sự kiện Đức Thế Tôn chưa chấp thuận lời cầu xin gia nhập Tăng đoàn của Di mẫu Mahaprajapati. Để được phép xuất gia, Di mẫu Mahaprajapati đã chấp thuận tuân thủ Bát Kỉnh Pháp một cách vô điều kiện. Thế nhưng, theo như lời Phật dạy, Ni chúng được chư vị Tỳ-kheo truyền giới. Không có nơi nào trong Luật tạng đề cập chư Đại đức Tăng phải yêu cầu các giới tử Ni tuân thủ Tám pháp Bát kỉnh mà Đức Thế Tôn đã đưa ra cho Tôn giả Mahapajapati. Các Tỳ-kheo Ni ý thức rằng, chính vì sự nhận thức chưa thấu đáo về bối cảnh và con người, trong sự kiện Đức Phật chế định Bát Kỉnh Pháp mà ngày nay Giáo đoàn Tỳ-kheo Ni tại Ấn Độ và các quốc gia Phật giáo khác đã phải nỗ lực, phấn đấu rất nhiều mới có thể khẳng định sự tồn tại của mình trong lòng Phật giáo.
25 Tháng Ba 2016(Xem: 7004)
Chúng ta cần phải lưu ý đến một điểm thật quan trọng và tế nhị là dù mình đã đạt được nhiều kinh nghiệm luyện tập thiền định, nhưng không phải vì thế mà tránh được sự mê hoặc của các cảm tính (feeling/cảm nhận) thích thú (pleasant/dễ chịu), chẳng qua vì chúng tạo ra cho mình mọi thứ ảo giác ở nhiều cấp bậc khác nhau. Thật hết sức khó cho chúng ta nhận thấy được các sự biến đổi và tính cách phù du của chúng. Chẳng những chúng không mang lại được sự thích thú thật sự nào mà chỉ tạo ra thêm căng thẳng cho mình, và chỉ vì không hiểu được điều đó nên mình cứ tiếp tục bám víu vào chúng.
19 Tháng Ba 2016(Xem: 7726)
Dưới đây là phần chuyển ngữ bài báo của một nữ ký giả và biên tập viên người Thái Sanitsuda Ekachai trên báo Bangkok Post về một phụ nữ Mỹ thật phi thường là bà Jacqueline Kramer. Bà từng là một ca sĩ có tiếng, từng độc diễn trên các sân khấu ở San Francisco, nhưng đã hy sinh tất cả để nuôi con nhờ vào tâm Phật bên trong lòng bà. Bà tin rằng một phụ nữ nuôi nấng con cái, làm bếp, dọn dẹp nhà cửa cũng có thể đạt được giác ngộ.
19 Tháng Ba 2016(Xem: 7688)
Dưới đây là phần chuyển ngữ bài thuyết trình của bà Gabriela Frey với chủ đề "Phụ nữ và Phật giáo", trước cử tọa của tổ chức Ki-tô giáo FHEDLES (Femmes et Hommes, Égalité, Droits et Libertés, dans les Églises et la Société/Nữ và Nam giới, Công bằng, Luật pháp, Tự do, trong Nhà thờ và ngoài Xã hội). Buổi thuyết trình diễn ra ngày 5 tháng 12 năm 2013, và sau đó đã được ghi chép lại và phổ biến trên nhiều trang mạng, trong số này có trang mạng của Tổ chức FHEDLES trên đây và Hiệp hội Sakyadhita Quốc Tế (Sakyadhita International Association of Buddhist Women/Hiệp hội Phụ nữ Phật giáo trên thế giới).
19 Tháng Ba 2016(Xem: 7265)
Lời giới thiệu của người dịch Một người con gái sinh trưởng trong một gia đình bình dị ở một khu phố nghèo của thành phố Luân Đôn, tình cờ một hôm đọc được một quyển sách về Phật giáo, bỗng chợt cảm thấy mình là một người Phật giáo mà không hề hay biết. Cơ duyên đã đưa người con gái ấy biệt tu suốt mười hai năm liền, trong một hang động cao hơn 4000m trên rặng Hy-mã Lạp-sơn. Ngày nay cô gái ấy đã trở thành một ni sư Tây Tạng 73 tuổi, pháp danh là Tenzin Palmo, vô cùng năng hoạt, dấn thân và nổi tiếng khắp thế giới.