Người Phật Tử Việt Nam Trong Bối Cảnh Đạo Phật Tại Mỹ Diệu Huyền

16 Tháng Mười Hai 201200:00(Xem: 11420)

NGƯỜI PHẬT TỬ VIỆT NAM
TRONG BỐI CẢNH ĐẠO PHẬT TẠI MỸ
Diệu Huyền
(Bài tham luận trình bày trong “Hội Luận 2012 - Phật giáo Việt Nam tại Mỹ - Nhìn về Tương Lai,
Cơ hội và Thách thức"” của Hội Phật học Đuốc Tuệ tại California, ngày 16/12/2012)


TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐẠO PHẬT TRÊN ĐẤT MỸ VÀ VỊ THẾ CỦA NGƯỜI VIỆT

Kể từ năm 1975, nhiều làn sóng người Việt Nam đã ồ ạt di tản qua Mỹ, tạo thành một cộng đồng sinh động với nhiều sắc thái chính trị và tôn giáo. Một thế hệ đã trôi qua với nhiều thay đổi, cùng với sự chuyển mình theo dòng thời gian của đất nước Hoa Kỳ, nơi chúng ta nhận làm quê hương thứ hai. Một sự kiện đáng chú ý nhất là sự phát triển của Phật giáo tại Mỹ. Trong năm 2007, cơ quan PEW chuyên nghiên cứu về các sắc thái tôn giáo, văn hóa và chính trị của dân Mỹ đã đưa ra một bản phúc trình, theo đó tỷ lệ người Mỹ theo đạo Phật đã tăng vọt 170%, đứng hàng thứ ba về số lượng tín đồ, chỉ sau Thiên Chúa Giáo và Do Thái Giáo. Tuy nhiên, bản phúc trình này được coi là chưa chính xác vì đã bỏ sót những người Mỹ gốc Á không thông thạo tiếng Anh. Trong tháng 7 năm 2012, cơ quan PEW đã đưa ra một bản phúc trình mới, trong đó chủ đề là người Mỹ gốc Á Châu với những khuynh hướng tôn giáo khác nhau.

Theo bản phúc trình mới nhất này, tỷ lệ người Mỹ gốc Á theo đạo Phật là 14% trong tổng dân số 17 triệu dân Mỹ gốc Á, có nghĩa là vào khoảng 2.4 triệu người. Nếu bổ túc con số này với con số trên 1.5 triệu người Mỹ theo đạo Phật của phúc trình PEW năm 2008, con số người Mỹ theo đạo Phật có thể lên đến gần 4 triệu người, trong đó tỷ lệ người Mỹ gốc Á chiếm 60%, và người Mỹ bản xứ chỉ vào khoảng 800,000 người.

Điều đáng chú ý nhất là mặc dù người Mỹ gốc Việt chỉ chiếm 10% của tổng số dân Mỹ gốc Á, nhưng số Phật tử Việt Nam lại chiếm hơn 1/3 (38%) số Phật tử gốc Á, có nghĩa là đông đảo nhất trong các thành phần của Phật tử Mỹ nói chung. Ngoài sự hiện diện đông đảo, Phật tử Việt Nam nổi bật hơn các sắc dân Mỹ gốc Á khác trong những hoạt động tôn giáo tích cực và mức độ tu tập cao. Họ đánh giá vai trò của tôn giáo là rất quan trọng trong đời sống, so với khuynh hướng "vô thần" của một số đông người Mỹ gốc Á khác. Khoảng 80% Phật tử Việt Nam có bàn thờ tại gia, trong khi các Phật tử Á Châu khác chỉ có 43%. Một nửa tổng số Phật tử Việt Nam (51%) đều có ăn chay định kỳ, trong khi các Phật tử Á Châu khác chỉ có 10%. Phật tử Việt Nam cũng thường cầu nguyện nhiều hơn các Phật tử Á Châu khác, ít nhất một lần một ngày với tỷ số là 37%, và thường đi lễ chùa hơn, cũng như tham dự cả những buổi lễ của các tôn giáo khác. Tuy nhiên, tỷ số người thực tập thiền mỗi ngày cũng không xê xích nhiều so với các Phật tử gốc Á khác (khoảng 11% so với 16% các Phật tử gốc Á khác).

(Theo tài liệu của The Pew Forum: Asian Americans: a mosaic of faiths - Poll 7/19/12)

http://www.pewforum.org/Asian-Americans-A-Mosaic-of-Faiths-overview.aspx

Những điều nói trên chứng tỏ Phật tử Việt Nam chiếm một vị thế quan trọng trong toàn cảnh đạo Phật tại Mỹ.

phattuvietnam005phattuvietnam003phattuvietnam001

NHỮNG YẾU TỐ ĐÓNG GÓP VÀO TÍNH TÔN GIÁO CỦA PHẬT TỬ VIỆT NAM TẠI MỸ

Sự mới mẻ của cộng đồng và yếu tố văn hóa:

So với các sắc dân Á Châu khác như Trung Hoa và Nhật Bản, người Việt Nam đến Hoa Kỳ sau cả một thế kỷ. Các cộng đồng di dân Á Châu khác đa phần đã hòa nhập vào dòng chính của nước Mỹ và đã truyền đến thế hệ thứ 4, thứ 5, trong khi người Mỹ gốc Việt phần lớn vẫn còn thuộc thế hệ thứ nhất và thứ hai, còn gắn bó nhiều với truyền thống văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh đó, ngôi chùa Việt Nam đã trở thành một hình ảnh của quê hương đối với người Việt tại Mỹ, là nơi chốn để tìm lại những nét văn hóa thân thuộc.

- Hoàn cảnh đặc biệt của người Việt di dân:

Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, người Việt di tản sang Mỹ trong sự chia lìa đột ngột với quê hương, như cây bị tróc gốc, đem theo nhiều vết hằn thương đau của quá khứ, với những nghịch cảnh phải đối phó, những kinh nghiệm "vô thường" và khổ não" in sâu - đó cũng là một yếu tố để tìm đến một nguồn nương tựa tâm linh để được bình an và giải thoát.

- Sự hoạt động của các cơ sở Phật giáo và chùa chiền:

Sự hoạt động tích cực của các cơ sở Phật giáo và chùa chiền cũng là một yếu tố để tạo thêm niềm tin cho Phật tử tại Mỹ. Chùa chiền được dựng lên ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, cử hành những nghi thức tôn giáo truyền thống, tổ chức những ngày lễ hội Phật giáo, đáp ứng lại nhu cầu tâm linh và tín ngưỡng của người Việt. Những tài liệu về đạo Phật, các băng giảng, CD hay DVD đều được phổ biến rất nhiều ở trong các chùa, các tiệm ăn chay, cũng như trên các trang mạng internet đã giúp cho sự truyền bá Phật pháp được dễ dàng.

Ngoài ra, các sinh hoạt như trường Việt ngữ, gia đình Phật tử và nhiều sinh hoạt văn hóa khác đã thu hút một số lớn người đến chùa và từ đó có cơ duyên học hỏi Phật pháp. Có những người không biết gì về đạo Phật nhưng khi có người thân qua đời và đến chùa làm lễ cầu siêu, trong nỗi đau của sự mất mát và không khí thiêng liêng của sự cầu nguyện, đã cảm nhận một biến chuyển tâm linh và từ đó phát tâm tu tập.

 

LIÊN HỆ MẬT THIẾT GIỮA ĐẠO PHẬT VÀ VĂN HÓA VIỆT

Như trên đã nói, sự gắn bó với nền văn hóa dân tộc là sợi dây nối kết người Việt tại Mỹ với chùa và đạo Phật. Trong nền văn hóa Việt Nam, Phật giáo đã đóng một vai trò quan trọng. Nhìn lại lịch sử, những thời kỳ vàng son nhất như triều đại Lý, Trần cũng là những thời kỳ đạo Phật được phát triển huy hoàng nhất. Đạo Phật đã luôn luôn hiện diện, hòa quyện trong nền văn hóa dân gian để trở thành một phần trong nền tảng tâm linh và nếp sống của đại đa số dân Việt, như trong câu thơ của cố hòa thượng Mãn Giác:

 Mái chùa che chở hồn dân tộc

 Nếp sống muôn đời của tổ tông.

Mái chùa đã là một hình ảnh quen thuộc ở khắp nơi trong đất nước, là nơi quy tụ những sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa, là linh hồn của nếp sống làng mạc Việt Nam. Tiếng chuông chùa ngân vang đã trở thành thân thiết trong đời sống hàng ngày, như tiếng gọi nhắc nhở in sâu trong lòng người:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Quốc, canh gà Thọ Xương

Trên nền tảng đó, đa số dân chúng ở Việt Nam tuy không biết nhiều về giáo lý Phật nhưng vẫn được truyền dạy cách sống đạo đức như trong ngũ giới của Phật pháp: không giết người, không trộm cắp v.v.., biết đến lý nhân duyên như : “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” , “Uống nước nhớ nguồn” v.v.., biết luật nhân quả như: “Gieo gió gặp bão”, “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác” …, biết mở lòng từ bi như: “Thương người như thể thương thân”, "Lá lành đùm lá rách"... và tin có luân hồi, có kiếp trước kiếp sau v.v… “Phật” hay “Bụt” thường được nhắc đến trong những truyện cổ tích như một vị thánh nhân thân thuộc, gần gũi với con người, với lòng từ bi hay cứu giúp những người lành đang trong hoàn cảnh khốn khó. Đạo Phật đã trở thành một phần của nền tảng văn hóa Việt Nam, đã tồn tại theo lịch sử dân tộc trải qua bao thế kỷ thăng trầm của đất nước. Như nhà thơ Hồ Dzếnh đã viết:

 Trang sử Phật

 Đồng thời là trang sử Việt

 Trải bao độ hưng suy

 Có nguy mà chẳng mất…

 

HÌNH ẢNH CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ VIỆT NAM TẠI MỸ

Nói về định nghĩa Phật tử, trong thời Đức Phật tại thế, Phật tử bao gồm bốn chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di (nam tu sĩ, nữ tu sĩ, nam cư sĩ, nữ cư sĩ). Một định nghĩa khác là người có quy y Tam Bảo nơi chùa, có pháp danh và thọ năm giới được gọi là Phật tử. Tuy nhiên, để có phạm vi rộng rãi hơn, ở đây tất cả những người tự nhận là theo đạo Phật cũng sẽ được kể đến, trong đó có những người đã tìm hiểu giáo lý và có niềm tin nơi Tam Bảo, tuy chưa làm lễ quy y chính thức, nhưng đã tự quy y nơi tâm, cũng có thể gọi là Phật tử.

Thành Phần Phật tử Việt Nam tại Mỹ:

phattuvietnam011phattuvietnam009phattuvietnam007

■ Có những người theo đạo Phật vì truyền thống gia đình, theo nề nếp sẵn có từ trước đến nay - tuy không biết nhiều về giáo lý Phật, nhưng vẫn có lòng tin nơi Phật và cầu nguyện đến ngài những khi cần thiết, cũng như đến các chùa chiền trong những dịp lễ. Nếp sống văn hóa Việt Nam là sợi dây ràng buộc họ với đạo Phật và chùa chiền hơn là niềm tin và sự hiểu biết về đạo pháp. Tùy theo nhân duyên, họ có thể trở thành những Phật tử thuần thành, hay có thể trở thành những người “vô tôn giáo” hay cải đạo theo những diễn biến đến trong cuộc đời. Càng những thế hệ về sau, khi sự hòa nhập vào môi trường của dòng chính làm loãng đi bản sắc dân tộc, ảnh hưởng của nền văn hóa truyền thống Việt Nam sẽ bị phai mờ dần, sợi dây ràng buộc các con cháu người Việt với đạo Phật hay các chùa chiền sẽ càng bị mai một. Tình trạng này hiện nay đã bắt đầu và sẽ còn tiếp tục trong tương lai.

■ Thành phần khác là những Phật tử thuần thành, hiểu biết giáo lý và có niềm tin nơi Phật Pháp, trong số đó có những người có trình độ học thức cao, thông thạo ngoại ngữ nên có nhiều phương tiện tiếp cận với các nguồn giáo lý của đạo Phật cũng như của các tôn giáo khác. Họ không chỉ giới hạn trong phạm vi Phật giáo Việt Nam, mà còn tìm hiểu thêm những truyền thống Phật giáo của các tông phái và dân tộc khác, từ đó lựa chọn pháp môn nào thích hợp cho mình. Hiện nay, những tài liệu về đạo Phật được phổ biến rất nhiều, ngoài kinh điển và sách vở bằng tiếng Việt, còn có những tác phẩm nổi tiếng Anh ngữ được các học giả viết và dịch, những tạp chí tiếng Anh chuyên về Phật giáo như Tricycle, Shambhala v.v... Thêm vào đó, trang mạng internet là phương tiện cung cấp những tài liệu Phật pháp phong phú nhất, như những bài giảng của các vị thầy nổi tiếng, những bài viết, những băng giảng bằng truyền thanh hay truyền hình. Một số các học giả, cư sĩ còn đóng góp tích cực hơn trong nền văn học Phật giáo hải ngoại bằng cách viết hay dịch các tác phẩm từ tiếng Anh sang Việt hay Việt sang Anh, và lập những trang mạng Phật giáo có giá trị trên internet, như trang mạng Thư Viện Hoa Sen đã thu hút cả triệu người trên thế giới vào xem.

Cơ sở tu học:

Những cơ sở tu học cho người Phật tử Việt Nam tại Mỹ gồm đại loại như sau:

■ Chùa chiền: là nơi các Phật tử đến dự những buổi lễ, sinh hoạt, cúng dường, làm những việc công quả hay Phật sự, thọ bát quan trai mỗi tháng v..v…. Chùa là cơ sở quan trọng nhất cho sự tồn tại của Phật giáo Việt Nam, là nơi tụ hội những sinh hoạt tôn giáo và văn hóa, xã hội. Các chùa Việt Nam phần lớn theo khuynh hướng Tịnh Độ, một số thuộc Phật giáo nguyên thủy, và một số khác là những thiền viện của các môn phái Thiền khác nhau. Các Phật tử tham gia những hoạt động của chùa, đồng thời cũng học hỏi giáo lý, tụng kinh niệm Phật, thực tập thiền v.v... Cũng có một số rất ít Phật tử, phần lớn thuộc giới trẻ, đi các chùa Tây Tạng thuộc Mật tông, và các trung tâm thiền của Nhật Bản và Mỹ. 

■ Đạo tràng: một số Phật tử lập các đạo tràng tại gia với sự hướng dẫn của một vị tăng hoặc ni, tập thiền, lạy Phật, pháp thoại v.v… Các đạo tràng này có một số Phật tử giới hạn, gặp nhau định kỳ, và các Phật tử cũng có thể vừa tu theo đạo tràng, vừa đến sinh hoạt các nơi khác. Các Phật tử trong giới này phần lớn có khuynh hướng tu thiền.

■ Hội trường: Một số cư sĩ, học giả lập ra những nhóm hội mời một số tu sĩ đến tổ chức những buổi giảng pháp quy mô trong hội trường. Các nhóm hội này có những đường hướng riêng, tổ chức tương đối chặt chẽ và phát triển tốt đẹp, quy tụ được một số đông người tham dự những buổi diễn thuyết. 

Quá trình tu học và lợi ích:

Mỗi Phật tử có những nhân duyên khác nhau, quá trình tu tập khác nhau, nhưng tựu chung không ngoài ba bước đường "Văn, Tư, Tu" căn bản.

 ■ Văn và Tư - Học hỏi giáo lý: Vì một nhân duyên nào đó, người Phật tử có dịp gặp gỡ với đạo Phật, đầu tiên là nghe, đọc, hiểu giáo lý của Đức Phật, rồi có sự cảm nhận sâu xa, từ đó phát tâm muốn chuyển hóa và tu tập. Nhân duyên với Phật pháp có thể có sẵn từ khi mới sinh ra, cũng có khi là những chủng tử tiềm ẩn và đến một lúc nào đó gặp thuận duyên sẽ phát lộ, để cho người Phật tử tỉnh ngộ trước cảnh đời tục lụy và muốn đi theo con đường giải thoát. Bước đầu tiên ấy cũng có thể gọi là bước đầu của sự "giác ngộ".

 ■ Tu -Thực hành: Sự học hỏi giáo lý phải đi đôi với sự thực hành mới có hiệu quả. Những pháp môn chính được thực hành là Thiền và Tịnh Độ. Cũng đã có nhiều Phật tử Việt Nam tu theo Mật Tông nhưng chưa trở thành một cộng đồng đáng kể.

 Phật tử Việt Nam tại Mỹ theo các pháp môn Thiền khác nhau như thiền nguyên thủy hay Minh Sát Tuệ, thiền kiến tánh của Đại Thừa, thiền theo pháp môn Làng Mai, nhưng tựu chung đều qua những bước căn bản như điều thân và tâm qua sự quán hơi thở và tư tưởng trong thế ngồi vững chãi, khiến tâm bớt tạp loạn, đưa đến sự an định và phát sinh trí tuệ. Thiền cải thiện sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần, giúp có cái nhìn khách quan hơn đối với chính mình và với thực tế, bớt những phản ứng theo cảm xúc.

 Tịnh Độ hay niệm Phật là cách hữu hiệu để giải trừ vọng tâm, qua sự tập trung chú ý nơi thính giác (đọc niệm và nghe). Phối hợp với một tâm chân thành, niệm Phật sẽ tạo nên một lực cảm ứng, cho cảm giác thanh tịnh nhẹ nhàng.

 Thiền và Tịnh tuy cách tu khác nhau nhưng chung cuộc sẽ đem đến kết quả như nhau. Sự chuyển hóa đến từ từ nhưng vững chắc. Những tập khí tiêu trừ sẽ đem lại trạng thái an bình tự tại trong đời sống.

 Ngoài ra Phật tử Việt Nam tại Mỹ cũng phối hợp sự tu tập với ăn chay, thực tập dưỡng sinh và khí công để có sự an lạc trong cả tâm lẫn thân.

 ■ Sức mạnh trong tu tập: Học hỏi giáo lý và thực tập tu cho bản thân chưa đủ, còn phải có bạn đồng tu, đồng hành trong sự hòa hợp thì mới thêm sự khích lệ và lợi lạc, trong tinh thần Tăng Bảo của Phật, Pháp, Tăng. Các khóa tu Bát Quan Trai tại chùa, cũng như các đạo tràng, hay khóa tu Thiền ở một số trung tâm là nơi các bạn đạo gặp gỡ, cùng nhau tu tập và trao đổi ý kiến kinh nghiệm, từ đó có sức mạnh của tha lực thêm với tự lực, phát xuất một niềm vui thanh tịnh nhẹ nhàng.

 ■ Kết quả sự chuyển hóa nơi thân và tâm:

 Sự chuyển hóa nơi thân và tâm được hiển lộ ngay nơi cung cách hành xử, lối sống và nét mặt của người Phật tử. Sự an bình tự tại tỏa ra từ người Phật tử sẽ có ảnh hưởng đến những người chung quanh, đem lại một cảm giác an vui thoải mái.

 

NHÌN VỀ TƯƠNG LAI

Không ai có thể dự đoán được tương lai, mà chỉ có thể nhìn bức tranh toàn cảnh trong hiện tại để phần nào đưa ra những khái niệm về những gì có thể xẩy ra. Như trên đã nói, Phật tử Việt Nam là một lực lượng đông đảo nhất trong giới Phật tử gốc Á của Mỹ, đã đóng góp rất nhiều không chỉ riêng cho Phật giáo Việt Nam, mà còn cho các truyền thống khác như Tây Tạng, Trung Hoa, Miên Lào v.v.. cũng như một số cơ sở của người Mỹ bản xứ. Nhìn chung, Phật giáo Việt Nam tại Mỹ có nhiều nét sinh động khởi sắc, tuy nhiên, đa phần vẫn tách rời với Phật giáo bản xứ Mỹ, với những nghi thức hành lễ riêng biệt, với ngôn ngữ Việt Nam xử dụng trong tất cả những sinh hoạt tôn giáo. Điều này không chỉ giới hạn trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam, mà cũng là một tình trạng chung của tất cả những truyền thống Phật giáo Á Châu khác.

Nhìn về nền Phật giáo tại Mỹ, kể từ ngày đạo Phật bắt đầu phát triển từ thập niên 1960-1970 tới nay, mặc dù những tư tưởng của đạo Phật đã càng ngày càng xâm nhập vào các lãnh vực trong xã hội như khoa học, triết lý, văn hóa, thương mại v.v…, đạo Phật tại Mỹ vẫn chưa thành hình được như một tôn giáo có hình thức tiêu biểu và thống nhất, mà vẫn còn là sự kết hợp rời rạc của những tổ chức Phật giáo bản xứ và các truyền thống Phật giáo Á Châu khác nhau. Các hệ phái có ảnh hưởng mạnh nhất là Mật tông Tây Tạng, Thiền Tông và Phật giáo nguyên thủy.

Các học giả thường chia Phật tử tại Mỹ ra làm hai thành phần: thành phần Phật tử bản xứ Mỹ “đổi đạo” từ đạo khác v.v.., và thành phần Phật tử “gốc” từ các sắc tộc Á Châu nhập cư, trong đó có Phật tử Việt Nam. Hai thành phần này do sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và cách thức tu tập nên thường sinh hoạt riêng biệt, và chưa thấy có hi vọng gì hội nhập với nhau trong tương lai gần. Các chùa chiền tại Mỹ, phần lớn do dân nhập cư Á Châu dựng lên, thường chỉ phục vụ cho nhu cầu của Phật tử các nước Á Châu liên hệ, hành đạo theo nghi thức tín ngưỡng truyền thống, thường xa lạ và khó dung hợp được với các Phật tử Mỹ bản xứ. Trong tình trạng thiếu tăng sĩ bản xứ người Mỹ có khả năng dạy và truyền đạo, tại nhiều nơi những tịnh thất riêng lẻ đã được lập nên do một vị cư sĩ đệ tử của một tông phái nào đó hướng dẫn, tụ họp một số người cùng nhau tự tu tự học, chủ yếu là tu thiền. Đa số họ là những người thuộc thành phần trí thức, muốn đi tìm một phương tiện xả bỏ những áp lực đời sống qua thiền định và không chú trọng nhiều đến phương diện tôn giáo của đạo Phật. Nhiều người Mỹ xem đạo Phật chỉ như một triết thuyết, không phải như một tôn giáo, có khi chỉ như một phương tiện trị liệu tâm lý, hoặc trong cái nhìn thiện cảm hơn là "một tôn giáo phi tôn giáo”… và chỉ muốn áp dụng một số phương diện trong đạo Phật cho mục đích riêng hơn là gia nhập vào đạo Phật như một tôn giáo mới. Hiện nay có một khuynh hướng mới muốn “thế tục hóa” đạo Phật, đồng hóa vai trò của cư sĩ và tăng sĩ, lược bỏ một vài giới luật và một số khái niệm căn bản như thuyết luân hồi và nghiệp v.v... Khuynh hướng này chưa biết sẽ đi về đâu, nhưng đã có một vài ý kiến quan ngại đạo Phật tại Mỹ có thể bị biến thể để củng cố thêm cái ngã, xa rời bản chất cốt lõi "vô thường" và "vô ngã ". Dù thế nào, điều hiển nhiên là đạo Phật đã và đang có ảnh hưởng trên đời sống tinh thần của người Mỹ, bằng bất cứ hình thái nào. Với lực lượng năng động, Phật tử và Phật giáo Việt Nam sẽ cần có những hành động tích cực hơn để gây dựng nền Phật giáo chung cho nước Mỹ.

Hiện nay, đã có sự hiện diện của lớp Phật tử Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai. Họ theo đạo Phật trong sự hiểu biết giáo lý và nhận thức được sự lợi ích của đạo Phật trong đời sống, nên thường có nhiệt tâm, hoạt động tích cực trong các đạo tràng v.v.., đóng góp công sức và tài lực trong những việc Phật sự. Có cơ duyên được trưởng thành trong môi trường văn hóa Phật giáo truyền thống, lại hội nhập được vào dòng chính của nước Mỹ, họ có thể là một nhịp cầu nối giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo của người Mỹ bản xứ. Tuy nhiên, tỷ số này vẫn còn rất ít – đa phần những Phật tử thuộc thế hệ thứ nhất không truyền lại được niềm tin cho thế hệ thứ hai, và đạo Phật cũng không phải là một tôn giáo có hệ thống giáo điều tổ chức chặt chẽ để ràng buộc tín đồ vào niềm tin, cho nên một số người theo đạo Phật vì truyền thống gia đình có thể bị lung lạc do ảnh hưởng của những nhân tố và hoàn cảnh bên ngoài, dễ rời bỏ để đi theo các niềm tin khác.

Là Phật tử Việt Nam, chúng ta may mắn đã được nuôi dưỡng trong nền văn hóa đạo Phật, được tiếp cận với tinh hoa của Phật-Pháp-Tăng truyền lại từ ngàn xưa. Đó là cả một kho tàng trân bảo mà chúng ta được thụ hưởng, thật đáng tiếc nếu thế hệ mai sau không lãnh hội được.

 Liệu Phật giáo Việt Nam tại Mỹ có rơi vào vết chân của những truyền thống Phật giáo khác như Trung Hoa, Nhật Bản của thời tiền bán thế kỷ 20 không?

Lịch sử có thể tái diễn, nhưng cũng có thể biến đổi theo những nhân duyên mới. Đạo Phật tại Mỹ tiến triển như thế nào sẽ tùy thuộc vào nhân duyên và phước đức của người dân Mỹ, trong đó có chúng ta.

Ở các nước tân tiến, khoa học và kỹ thuật phát triển tột bực đã đem lại một đời sống tiện nghi vật chất, nhưng sự bất an cũng gia tăng rất nhiều. Hơn lúc nào hết con người ngày nay cần có một điểm tựa tinh thần, một niềm tin tâm linh nâng đỡ, nhưng cũng đòi hỏi một giáo lý có tính thuyết phục, không phải là những giáo điều có tính cách hoang đường dựa trên niềm tin tuyệt đối. Hiện nay, xu hướng chung trên thế giới là càng ngày người ta càng tìm đến đạo Phật, bởi vì Pháp Phật là một giáo lý đầy nhân bản, tập trung vào đối tượng chính là con người, với những vấn đề căn bản của con người như sinh lão bệnh tử, vô thường, khổ não và vô ngã. Đạo Phật với tính cách khách quan như khoa học đã được nhà bác học Einstein cho là "Tôn giáo thích hợp nhất trong mọi thời đại." Như thế, xu hướng tìm hiểu đạo Phật sẽ còn tiếp diễn, và một ngày nào đó đủ duyên thế hệ con cháu chúng ta cũng sẽ tìm về với đạo Phật. 

Phật tử Việt Nam của những thế hệ mai sau sẽ đi theo khuynh hướng thực dụng và khoa học của người Mỹ. Vì vậy, người giảng pháp tại Mỹ cần phải biết Anh ngữ và thích ứng với tình thế trong sự giảng dạy, nên nói đến những khía cạnh thực tiễn nhiều hơn là những điều huyền hoặc và giáo điển cao siêu, ngôn ngữ xử dụng cần phải được đơn giản hóa, bớt đi những danh từ Phật học khó hiểu để dễ thu hút được người nghe.

Hoằng dương pháp Phật không chỉ dành riêng cho giới tu sĩ, mà còn là nhiệm vụ cho tất cả Phật tử chúng ta. Một trong những vấn đề chính phải đối phó là tình trạng lão hóa của những Phật tử Việt Nam tại Mỹ trong hiện tại, và làm sao tiếp nối được lực lượng Phật tử năng động trong tương lai. Đây là một vấn đề nan giải, cần đến sự góp sức của tất cả mọi người để giải quyết phần nào. Trong phạm vi nhỏ bé của người Phật tử, những gì chúng ta có thể làm được, trong lúc này và cho mai sau, là tiếp tục truyền thống văn hóa đạo Phật, thiết lập thời khóa tại gia thực hành tu tập cả về Tánh lẫn Tướng, tìm cách gieo căn lành đến các người thân và con cháu trong gia đình cũng như những người có duyên gần cận. Sự tu tập của chúng ta, dù ít dù nhiều, cũng gây một ấn tượng nào đó và ảnh hưởng đến những người thân cận, để một lúc nào đó, khi nhân duyên đến, hột giống Phật đã được gieo trồng đó sẽ sinh sôi nẩy nở, và thế hệ con cháu của chúng ta sẽ muốn tìm lại gia tài Pháp bảo đã được ông bà cha mẹ trân quý, gìn giữ trong truyền thống gia đình. 

Mặt khác, chúng ta cũng nên tiếp sức với các cơ sở Phật giáo, chùa chiền Việt Nam v.v.. mở rộng vòng tay đến các Phật tử Mỹ bản xứ cũng như thế hệ trẻ, giúp truyền bá Phật pháp song ngữ trong tinh thần “tuỳ duyên bất biến”. Làm như thế, chúng ta sẽ đóng góp phần nào trong việc trợ duyên cho sự tiếp nối của đạo Phật, không chỉ cho Phật giáo Việt Nam, mà còn cho Phật giáo nói chung - để một ngày nào đó, cây non của đạo Phật đã được gieo trồng tại đất nước Mỹ sẽ ngày một thêm lớn mạnh và tỏa rộng, đem lại sự lợi ích và an lạc cho thế nhân, ở bất cứ một vùng đất nào, không phân biệt văn hóa và chủng tộc.

 

Diệu Huyền

(Tháng 12- 2012)

phattuvietnam015■ Tên thật Lê Ngọc Bảo, sinh quán Hải Phòng, Việt Nam.

■ Tốt nghiệp đại học năm 1973, Waseda University, Tokyo - Japan.

■ Qua Mỹ năm 1985, làm việc với chính phủ tiểu bang California, nay đã về hưu.

■ Cộng tác với tạp chí Trúc Lâm. Đã viết và dịch một số sách về Phật giáo: Từ Nụ Đến Hoa, Thiền sư Bạch Ẩn- cuộc đời và ngữ lục, Mùi Hương Lan, Điển Tọa Giáo Huấn, ...

■ Website: ngocbao.org

Dịch Phẩm Online (TVHS)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn