Tôn Giáo Nào Không Làm Bạn Trở Nên Mù Quáng? - K. Sri Dhammananda, Thích Nữ Diệu Hương Dịch

24 Tháng Mười Một 201200:00(Xem: 7014)

TÔN GIÁO NÀO
KHÔNG LÀM BẠN TRỞ NÊN MÙ QUÁNG?
K. Sri Dhammananda
Thích Nữ Diệu Hương dịch

tongiao1Theo tôn giáo một cách mù quáng không có chút hiểu biết nào cả sẽ tước đoạt giá trị tâm linh của tôn giáo và phẩm giá của mình.

Nhiều người trên thế giới này đi theo tôn giáo, và tôn giáo đó phù hợp với tâm trí của họ. Một người phạm các giới điều của tôn giáo sẽ trở thành người nguy hiểm cho xã hội. Điều không có nghi ngờ rằng các nhà khoa học, tâm lý có thể mở rộng phạm vi trí thức, nhưng họ không thể nói với chúng ta mục đích cuộc sống, những điều mà một tôn giáo đúng đắn có thể nói được.

Con người chọn một tôn giáo có ý nghĩa và dựa trên lý trí tùy theo niềm tin của người đó chứ không chỉ đơn thuần dựa vào đức tin truyền thống tập quán và giáo điều. Không ai có quyền buộc tội một người phải chấp nhận đi theo một tôn giáo, không ai được lợi dụng sự nghèo khổ, nạn thất học, hoặc kêu gọi lòng xúc cảm để khiến người vào đạo. Tôn giáo phải được tự do lựa chọn.

Người ta nên được tự do để lựa chọn tôn giáo của riêng mình tùy theo sở thích và khả năng hiểu biết. Theo tôn giáo một cách mù quáng không có chút hiểu biết nào cả sẽ tước đoạt giá trị tâm linh của tôn giáo và phẩm giá của mình. Nhân loại có khả năng hiểu biết và ý thức sẵn có để có thể phân biệt những gì là đúng và những gì là sai. Họ có thể thích nghi với hoàn cảnh, do đó nên chọn một tôn giáo mà thích hợp với họ và phù hợp với hiểu biết nhân sinh của họ. Họ phải được hướng dẫn một cách đúng đắn và cho họ một cơ hội để quyết định tùy thích mà không có sự ép buộc nào cả.

1. Con đường trung đạo

Tôn giáo được giới thiệu ở đây là một hệ thống giáo dục thực tiễn cho việc tu dưỡng tâm trí mà việc tu dưỡng đó được phát hiện trên thế giới cách đây 25 thế kỷ bởi một bậc đạo sư đầy lòng từ bi và trí tuệ. Tôn giáo này được biết là "Trung đạo, một cách sống chân chánh, một hệ thống triết học đạo đức, một tôn giáo của tự do và lý trí". Tôn giáo này dạy chúng ta thực hành 3 điều chính, đó là: tránh làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, và giữ tâm ý thanh tịnh.

Thông điệp này rất giản dị, đầy ý nghĩa và thực tiễn, nhưng người ta gặp phải những khó khăn khi họ bắt tay vào tu tập do tính chất non kém vốn có của con người. Đức hạnh của con người đóng vai trò quan trọng trong tôn giáo này. Có lần đức Thế Tôn nói rằng: "giáo pháp của ta không phải đến để tin, mà đến để thấy và tu tập". Điều này khuyến khích chúng ta nghiên cứu giáo lý của đức Phật một cách đầy đủ và do đó cho phép chúng ta dùng trí phán xét của chính mình để quyết định về việc liệu chúng ta có nên chấp nhận giáo pháp này hay không. Không ai được yêu cầu đến và chấp nhận đi theo tôn giáo này mà chưa có chút hiểu biết nào về giáo lý của nó. Nghi lễ và cầu nguyện rườm rà sẽ không có giá trị hay ý nghĩa tôn giáo đích thực. Không có đức tin và tu tập mù quáng hoặc các giáo lý bí truyền trong Phật giáo. Tất cả mọi thứ đều được mở ra cho sự lựa chọn của những người đi theo mà họ được quyền tự do xem xét các giáo lý và đặt vấn đề bất cứ lúc nào họ muốn làm sáng tỏ nghi ngờ của mình. Theo Đức Phật, một người không nên tin bất cứ điều gì chỉ vì do bậc thánh nói ra hoặc chỉ vì nó được chấp nhận bởi truyền thống, hoặc được chấp nhận bởi nhiều người, nhưng một người nên vận dụng ý thức và trí tuệ của mình cũng như chấp nhận nó chỉ khi nào nó có giá trị trong khi thực hiện điều đó.

Đức Phật dạy về con đường tám ngành bao gồm: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm va chánh định. Con đường trung đạo độc nhất vô nhị này dẫn chúng ta đến cuộc sống thánh thiện và an lạc.

Trung đạo không phải là con đường siêu hình hoặc lễ nghi, cũng không phải là chủ nghĩa giáo điều hoặc chủ nghĩa hoài nghi, cũng không phải là tham đắm dục lạc hoặc ép xác khổ hạnh, cũng không phải là thuyết trường tồn hoặc thuyết đoạn diệt, cũng không phải là chủ nghĩa bi quan hoặc lạc quan mà là con đường giác ngộ, một phương pháp giải thoát khỏi khổ đau. Tôn giáo này không đồng ý rằng nhân loại đau khổ ngày nay bởi vì những tội lỗi do tổ tiên của con người đã gây ra. Trái lại, mỗi con người tự chiêu cảm cho chính mình phước đức hoặc tội lỗi. Chính con người có trách nhiệm đối với khổ đau hoặc hạnh phúc của chính mình. Một người đi theo con đường trung đạo sẽ tìm ra an lạc và hạnh phúc đích thực và có thể dẫn đến một đời sống cao quý mà không làm nô lệ cho các căn của chính mình, vì sự đóng góp cho hòa bình, hòa hợp của thế giới.

2. Gieo gì gặp nấy

Tôn giáo này đáp ứng cho những khát vọng cao quý và sâu sắc nhất của con người và có thể xoa dịu những căng thẳng trong đời sống hàng ngày và trong giao tiếp với những người khác; ngoài ra, Phật giáo còn gợi ra một cuộc sống có ý nghĩa. Nó không đem đến sợ hãi trong lòng người. "Ở hiền gặp lành", "Gieo gió gặt bão". Đó là những quy luật phổ quát. Tôn giáo này hoàn toàn đồng ý với quy luật này, từ đó người ta phải "gặt hái những gì người ta gieo trồng". Ác nghiệp mà con người gây ra là do bởi tham, sân, si của họ. Khuyết điểm này chỉ có thể vượt qua bằng chính sự chứng ngộ của mình. Hạnh phúc và khổ đau mà con người thụ hưởng trên thế gian này không phải do các tác động bên ngoài mà do chính những hành động thân khẩu ý thiện hay ác mà họ đã tạo ra. Vì lý do này, Phật giáo nói rằng : "Hiện tại là kết quả của quá khứ và tương lai là kết quả của hiện tại ".

Theo lời dạy này, nguyên nhân và kết quả đóng vai trò quan trọng trong đời sống chúng ta. Trong vòng nhân quả, nguyên nhân đầu tiên thì không thể thấy vì nguyên nhân đó đã trở thành kết quả và kết quả này lần lượt trở thành nguyên nhân.

3. Bậc đại đạo sư

Người sáng lập tôn giáo này không phải là một nhân vật thần thoại mà là một bậc đại đạo sư thật sự đã sống trong cuộc đời này. Ngài chưa từng coi mình như một bậc siêu nhân mà coi mình như là một con người giác ngộ chân lý tối thượng, đó là biết được bí mật cuộc đời, nguyên nhân đích thực của khổ đau và hạnh phúc. Ngày nay, bậc đạo sư này không chỉ được kính ngưỡng bởi hàng trăm triệu tín đồ của Ngài mà còn bởi giới trí thức và có văn hóa trên khắp thế giới. Bậc thánh thiện, bậc giải thoát, bậc cải cách xã hội, bậc có tư tưởng dân chủ, và bậc nâng cao đời sống con người, đã nhập diệt ở tuổi 80 để lại đằng sau một đạo lý cao thượng cho nhân loại tu tập như là một phương tiện cho việc giải thoát khỏi đau khổ, sợ hãi và lo âu của con người. Đạo lý này cũng có thể giúp con người đạt được hạnh phúc trong cuộc đời tại thế gian này và cuộc đời mai sau và đưa đến giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau của nhân loại.

Bậc đạo sư này đã an ủi gia quyến của những người quá cố và đã giúp những người nghèo bị bỏ quên bên lề xã hội, làm thanh cao những cuộc đời bị lừa gạt, làm trong sáng những người lầm lạc tội lỗi. Người khuyến khích những người yếu đuối, đoàn kết những người bị chia rẽ, giác ngộ những người vô minh, sáng tỏ những người thần bí, nâng cao những người thấp hèn, và tán dương những người cao thượng. Cả giàu lẫn nghèo, thánh nhân hoặc người phạm tội đều kính mến Ngài như nhau. Các vua anh minh hoặc hôn quân, các công tôn vương tử nổi danh hoặc vô danh, những trưởng giả hào phóng hoặc keo kiệt, các học giả kiêu căng hoặc khiêm tốn, người nghèo túng thiếu thốn, người bị áp bức, người làm công việc hạ tiện, kẻ giết người độc ác, gái điếm bị khinh rẽ… Tất cả nghe lời dạy trí tuệ và từ bi của Đức Phật đều được lợi ích và sống đời sống an lạc thánh thiện.

Tấm gương cao quý của Ngài là một nguồn truyền cảm cho tất cả. Vẻ mặt đầy đặn và sáng rỡ của Ngài thật sự tạo những cảm giác êm dịu trong ánh mắt của những người sầu muộn. Thông điệp an lạc và độ lượng của ngài được chào đón với tràn đầy hỉ lạc và làm lợi ích bất tận cho tất cả mọi người có cơ duyên được nghe và thực tập. Ý chí sắt đá của Ngài, trí tuệ thậm thâm, lòng từ bi bao la vô bờ bến, vị tha, cuộc xuất thế có tính chất lịch sử, sự thanh tịnh hoàn toàn, nhân cách vĩ đại, những phương pháp mẫu mực của Ngài đều được vận dụng để tuyên bày giáo pháp của Ngài - tất cả những yếu tố này truyền cảm cho khoảng 1/5 dân số thế giới ngày nay đã hoan nghênh và tôn thờ Ngài như một bậc vô thượng sư.

Bậc đạo sư cao thượng này đã hy sinh các dục lạc trần gian vì lợi ích của nhân loại khổ đau mà tìm cầu chân lý để chỉ dạy con đường giải thoát khỏi khổ đau. Ngài thăm viếng những người nghèo trong khi các vua chúa đều viếng thăm Ngài. 45 năm sau khi thành đạo, Ngài đã cống hiến đời mình cho sự giác ngộ chúng sanh lầm đường lạc lối.

Bậc đạo sư này không làm ai sợ hãi và cũng không bị sợ hãi bởi bất cứ ai. Đây là một trong những nguyên lý mà cần nên được trau giồi trong thế giới do chiến tranh tàn phá - nơi mà những điều quý giá nhất là mạng sống thì bị cúng tế ở bàn thờ bạo lực hung ác và là nơi mà các loại vũ khí đang gây ra sự sợ hãi, căng thẳng và hận thù.

Ngài là một nhà khoa học hoàn hảo trong lãnh vực của đời sống. Ngài là một nhà tâm lý học toàn thiện, người có thể phân tích bản chất đích thực của tâm - lời dạy của Ngài được hoan nghênh được tán dương như là một tôn giáo khoa học duy nhất. Đối với các đại triết gia và những nhà tư tưởng không thành kiến, Ngài là một bậc thầy đã thấu hiểu các pháp hữu vi trong bối cảnh thích ứng của nó. Đối với những nhà đạo đức, Ngài có quy tắc giới luật cao nhất và biểu tượng cho sự hoàn thiện nhất. Ngài là một gương mẫu hoàn hảo của tất cả giới đức mà Ngài tuyên thuyết. Đối với các nhà duy lý, Ngài là một bậc đạo sư có tâm hồn rộng rãi nhất, đã nhận thức đúng các vấn đề tranh cãi của con người. Đối với những nhà tư tưởng tự do, Ngài là một bậc đạo sư luôn khuyến khích mọi người tư duy tự do mà không có dựa vào các giáo điều tôn giáo. Đối với những nhà theo thuyết bất khả tri, Ngài là một con người đầy trí tuệ hiểu biết và từ bi.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Ngài là một trong những bậc đạo sư có sức thuyết phục nhất. Ngài không bao giờ sử dụng sự ép buộc hoặc gây sợ hãi như là một phương tiện để đạt mục dích giáo hóa. Ngài đã giới thiệu một cách sống có ý thức cho mọi người để được an tịnh mà không lưu tâm đến nhãn hiệu tôn giáo.

Ngài là một người phục vụ khiêm tốn của nhân loại, bình thản trước những lời khen hoặc chê, không nao núng ngay cả lúc bịnh tình nguy ngập nhất.

4. An lạc, hạnh phúc và giải thoát

Bậc đạo sư này đã chỉ con đường đi tới an lạc, hạnh phúc và giải thoát. Phương pháp hướng dẫn của Ngài là phóng khoáng, hợp lý, khoa học và có thể hiểu được đưa đến giác ngộ.

Ngày nay thông điệp an lạc của bậc đạo sư này quan trọng và đặc biệt cho con người đang bị cuốn vào hận thù, tham lam, hiềm tỵ, kiêu mạn, tham muốn nắm giữ thế giới này.

Bậc đạo sư này đã sanh ra trong thế gian này, đã xua tan màn đêm vô minh và cứu độ thế gian khỏi những tai ách của nó. Khắp nơi trên thế giới nhiều người sống không có niềm tin hoặc không có tu tập bất kỳ hình thức của tôn giáo nào. Tuy nhiên, nếu họ chỉ lấy một chút vấn đề rắc rối để nghiên cứu và những gì bậc đạo sư này đã dạy, họ có thể dể dàng làm trong sáng những nghi ngờ của mình nếu có và được thuyết phục theo tôn giáo mà tôn giáo đó có thể đóng góp tốt đẹp nhất cho hạnh phúc của con người.

Liệu người ta có tin vào Ngài hay không, tuy nhiên giáo pháp của Ngài đã có ảnh hưởng sâu sắc đối với tất cả mọi người. Thông điệp của Ngài trao tặng cho thế giới không có bất kỳ bạo lực, cũng không làm rơi một giọt máu nào. Đây là một điều đáng nhớ trong lịch sử thế giới mà đã được ấn dấu vào bằng hàng chữ vàng. Giáo pháp này minh họa lộ trình mà theo đó nhân loại có thể vượt thoát từ một thế giới của bất mãn đến một thế giới mới của ánh sáng từ bi, an lạc, hạnh phúc và thỏa mãn. Giáo pháp 2500 tuổi của bậc đạo sư này có đầy đủ năng lực để đối đầu với bất kỳ thách thức nào mà không thể đảo lộn hoặc phải đưa ra một lời diễn dịch mới cho giáo lý nguồn gốc của nó. Gíao lý này có thể được chấp nhận mà không sợ mâu thuẫn với những khám phá và phát minh khoa học hiện đại. Giáo lý này coi trọng giới đức như là một trong những yếu tố cần thiết cho việc đạt đến giải thoát. Yếu tố khác là trí tuệ. Giới đức và trí tuệ có thể được so sánh như đôi mắt và đôi chân của một người. Giới đức giống như cổ xe có thể mang con người đi tới cổng giải thoát nhưng chìa khóa thật sự để mở cổng đó là trí tuệ.

5. Hạnh phúc tối thượng

Những người theo tôn giáo này không coi chính mình như là những người được cho duy nhất có thể có được cơ hội để đến hạnh phúc tối thượng. Họ tin rằng con người tạo ra địa ngục hoặc thiên đường của chính mình tùy theo cách sống và đau khổ trong địa ngục hoặc chứng nghiệm an lạc tối thượng có thể được thực nghiệm ngay trên cuộc đời này, thay vì trong cuộc sống kế tiếp, như phần đông người ta đã tin tưởng. Bậc đạo sư này không bao giờ nỗ lực thuyết giảng giáo pháp của mình bằng sự đe dọa người ngang qua hỏa ngục, hoặc bằng sự ấn chứng cho họ có đời sống trên thiên đường vĩnh hằng, mà bằng sự phơi bày chân lý. Theo những lời dạy này, bất cứ ai cũng có thể thọ hưởng hạnh phúc tối thượng miễn là người đó có cách sống chân chánh. Thiên đàng không phải giành riêng hoặc độc quyền cho một giáo phái hoặc cộng đồng tôn giáo đặc biệt nào cả mà nó nên được mở rộng cho tất cả bất cứ ai sống đời sống cao thượng. Khoan dung, nhẫn nhục và sự hiểu biết là đức hạnh đáng kính mà những người theo tôn giáo tán thành giữ gìn. Từ bi, bác ái và cảm thông không chỉ đối với con người mà còn mở rộng ra cho tất cả các loài có tình thức - Vì sự phá họai đời sống con người và sinh vật, là sự độc ác và phi lý và tương phản lại với giáo lý của tôn giáo này.

Tôn giáo này khiến những tín đồ của mình tôn trọng quan điểm của những người khác để sống đời sống hòa hợp.

6. Phương thức sống

Tôn giáo này trong sáng hợp lý và đưa ra những câu trả lời hoàn thiện cho tất cả mọi khía cạnh và những vấn đề quan trọng của đời sống chúng ta. Tôn giáo đã cung cấp một nền tảng vững chắc để giúp nhân loại hướng đến một đời sống tốt đẹp và tích cực hơn.

Tôn giáo này không phân chia con người thành 2 nhóm: "được cứu rỗi" và "bị ruồng bỏ" mà là một tôn giáo có hiểu biết văn minh và dạy chúng ta phương cách chế ngự cũng như thanh lọc tâm.

Những người theo tôn giáo này không nên cầu nguyện van xin. Họ tin vào tầm quan trọng của tự lực và trong hiệu năng của thiền định mà đưa con người đến tự chinh phục, tự điều ngự, tự thanh tịnh, khinh an và giác ngộ bản chất thiền định có công năng như là một liều thuốc bổ cho thân và tâm.

7. Con người có thể họach định cuộc đời của mình

Tôn giáo này cho rằng tâm là có sức mạnh lớn - là đấng sáng tạo, kẻ hủy diệt con người và cũng là kiến trúc sư cho số phận của mỗi con người. Do đó, con người có khả năng hoạnh định bất kỳ điều gì nếu vị ấy biết cách phát triển và sử dụng tâm mình một cách đúng đắn.

Thật ra, tôn giáo này là ngọn hải đăng tuyệt vời cho việc hướng dẫn nhân loại đi đến an lạc, hạnh phúc vĩnh viễn. Sự thật là thế giới ngày nay đang bị rối rắm với sự hiểu lầm về chủng tộc, chính trị, tôn giáo, các nhóm đối lập và ý thức hệ. Để giải quyết những vấn đề phức tạp này, con người cần phải rèn luyện tinh thần vị tha và độ lượng lẫn nhau và điều này có thể được trau giồi dưới sự hướng dẫn của tôn giáo này mà đã in đậm tính chất đạo đức cho lợi ích rộng lớn.

Con người phải đến để thấy rằng sự phát triển tâm linh là quan trọng hơn trong việc đạt được tiến bộ vật chất vì hạnh phúc và an lạc đích thực của nhân loại. Con người cũng nên tu tập chân lý, phụng sự, bố thí và yêu thương nếu muốn thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn để sống còn.

8. Thực tại

Bậc đạo sư ngang qua sự giác ngộ của mình đã tuyên bố rằng :

Đạo đức cao cả nhất có thể đạt được trong việc trau giồi lòng từ bi bao la.

Hạnh phúc tối thượng là hạnh phúc xuất phát từ định tĩnh của tâm hồn.

Chân lý cứu cánh là chân lý được đòi hỏi ngang qua sự hiểu biết các nguyên nhân đau khổ của con người.

Tôn giáo cao thượng nhất là tôn giáo chỉ dạy về phát triển trí thức, đạo đức và sự thanh tịnh tâm.

Triết lý vĩ đại nhất là triết lý giới thiệu phương cách sống thực tiễn có thể khả thi mà không chỉ dựa vào giáo điều và niềm tin.

Tôn giáo này không cản trở bất kỳ ai đọc và học giáo lý của tôn giáo khác và không cho phép sự cuồng tín. Một kẻ cuồng tin không thể cho phép chính mình được hướng dẫn vì lý trí hoặc ngay cả vì nguyên lý quan sát và phân tích khoa học. Do đó, người theo tôn giáo này là một người tự do với tâm mở rộng và không có phụ thuộc vào bất cứ ai trong việc phát triển tâm linh của mình.

Nếu bạn chú ý học ít nhiều về các nguyên lý tôn giáo hoặc những nguyên tắc đạo đức và tu tập tâm theo tôn giáo này thì bạn sẽ vứt bỏ những sự hiểu lầm trước đây mà bạn đã có về nó. Một người không chỉ nên phán xét giá trị của một tôn giáo chỉ bởi sự xem xét một số các điều tu tập nào đó do những người lầm đường, thay vì vậy bạn nên cố gắng để hiểu giáo lý nền tảng của tôn giáo đó.

9. Tin vào trí tuệ của mình

Thay vì đặt con người và số mệnh của mình dưới sự kiểm soát tùy tiện của những thế lực vô danh bên ngoài và buộc mình quỵ lụy trước năng lực siêu nhiên như vậy, tôn giáo này đã nâng cao vị trí con người và ban cho con người lòng tự tin vào trí tuệ của chính mình. Trí tuệ dạy con người các cách tu tập và phát huy tiềm năng con người.

Tôn giáo này dạy chúng ta có lòng vị tha đối với những người khác. Những người theo tôn giáo này tránh xa các điều ác không chỉ bởi vì sợ quả báo từ một vài nguyên nhân không thấy mà còn bởi vì chứng nghiệm các ác nghiệp gây ra đau khổ cho chúng sanh.

Động cơ làm thiện của họ giúp cho những người khác không phải là để làm hài lòng đấng tối thượng để được ban ơn mà vì lòng từ bi và giải thoát họ khỏi khổ đau.

Ở đây trong tôn giáo này chúng ta có thể tìm ra con đường đi tới trí tuệ và sự thánh thiện hoàn toàn mà không dựa vào bất kỳ năng lực bên ngoài nào. Chúng ta có thể đạt được trí tuệ cao nhất ngang qua sự thực chứng mà không ngang qua sự "mặc khải". Chúng ta có thể rửa sạch tội lỗi mà không cần sự trợ giúp của người đại diện đấng cứu rỗi nào. Chúng ta có thể đạt được giải thoát trong chính đời này bởi sự tu tập chân chánh với khả năng của chúng ta mà không mong đợi nó xuất hiện trong kiếp tới. Tôn giáo này dạy rằng con người không phải vì tôn giáo mà tôn giáo phải vì con người. Điều đó có nghĩa là không trở thành nô lệ cho bất kỳ tôn giáo nào, con người phải tự nỗ lực để áp dụng tôn giáo cho sự giải thoát và tốt đẹp hơn của mình.

10. Điều gì có thể thực hiện

Không có dục lạc trần gian thì cuộc đời có thể tồn tại được không ?

Không có đức tin vào sự bất tử thì con người có thể có đạo đức không?

Không có dựa vào sự trợ giúp từ những năng lực bên ngoài thì con người có thể hướng đến sự chân chánh không ?

Không có lễ nghi cúng kiến, con người có thể sống đời sống tôn giáo không ?

Không có đức tin và lòng trung thành, con người có thể tu tập không ?

Không có khổ đau ngang qua sự trừng phạt tôn giáo nào đó, con người có thể đạt đến giải thoát không ?

Không có tạo sự sợ hãi trong tâm, con người có thể đi theo các nguyên lý tôn giáo nào đó không ?

Không có cưỡng bách và đe dọa người khác chúng ta có thể giới thiệu một tôn giáo đúng đắn không ?

Không có những đức tin mù quáng và tư tưởng giáo điều trong danh xưng tôn giáo thì tôn giáo có thể thuyết phục quần chúng sống đời sống đúng đắn không ?

Một người có thể truyền bá tôn giáo mà không phải là bậc huyền bí hay tu sĩ không ?

"Vâng! " nhà sáng lập tôn giáo đã trả lời như vậy. Những mục đích này có thể đạt được bởi sự giúp đỡ, thanh tịnh, giới đức và trí tuệ.

Việc nhận thức quy luật nhân quả như đã được giải thích trong tôn giáo này đã làm sáng tỏ và giải quyết những vấn đề khổ đau của con người, bí mật về vận mệnh và trên hết là sự bất bình đẳng của con người. Hiểu được quy luật này sẽ đưa chúng ta sự khuây khỏa, niềm hy vọng, sự tự tin và quả cảm.

11. Tôn giáo hiện đại

Đây không phải là một lý thuyết hay một tôn giáo chỉ để tin mà là một phương thức sống thánh thiện và thực tiễn. Đây là một trong những tôn giáo cổ xưa nhất trong lịch sử mà đã đem đến sự tu dưỡng tốt đẹp nhất cho nhân loại. Giờ đây tôn giáo này là hiện đại nhất trên mọi phương diện khi chúng ta so sánh với những thành quả hiện đại. Tôn giáo khuyên bảo mọi người không nên trở thành nô lệ cho bất kỳ năng lực ngọai lai nào mà nên trau giồi tiềm năng đang tiềm ẩn trong chính mình và dùng nỗ lực cũng như trí tuệ của chính mình để hóa giải những vấn đề của chính mình.

Tôn giáo này có tất cả những phẩm chất mà đòi hỏi một tôn giáo chân chánh phải có và những phẩm chất đó luôn luôn thích hợp trong thế giới hiện tại và tương lai. Đó là lý trí tiến bộ và hợp lý. Thật là một điều lợi ích cho bất cứ ai nghiên cứu và chứng nghiệm giá trị của tôn giáo này trong thế giới hiện đại. Tôn giáo này được công nhận là khoa học hơn khoa học, tiến bộ hơn mọi tiến bộ trong lãnh vực tâm linh. Nó là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để ứng dụng cho việc duy trì hòa bình, hòa hợp và hiểu biết của thế giới.

12. Vô phân biệt

Chính tôn giáo này, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới đã nổi lên cuộc cách mạng chống lại hệ thống phân chia giai cấp và đem đến sự bình đẳng cho con người, tùy theo, cơ hội bình đẳng đối với tất cả mà chia họ thành mỗi tầng lớp xã hội. Cũng chính tôn giáo này, lần đầu tiên đã giải phóng phụ nữ bằng sự khuyến khích họ tu tập tôn giáo mà tôn giáo đó ban cho sự bình đẳng xã hội. Bậc đạo sư đã tuyên bố rằng các cửa thành công và thịnh vượng được mở ra cho tất cả trong mọi hoàn cảnh sống dù cao hay thấp, thánh hay phàm, bất cứ người nào mà quan tâm, truy tìm và khát vọng về sự hoàn thiện. Ngài đã không ép buộc đệ tử của mình làm nô lệ cho chính Ngài hoặc lời dạy của ngài nhưng ban cho họ sự tự do tư tưởng hoàn toàn để họ có thể đạt đến sự tự tin.

Tôn giáo này phân loại chúng sanh thành danh và sắc trong một trạng thái biến đổi liên tục trong từng sát na. Danh và sắc sanh diệt tương tục như một vòng xoay liên tục.

Do đó không có gì tồn tại vĩnh viễn hoặc trong thế giới này hoặc cảnh giới khác. Vì mọi vật tồn tại ở bất kỳ nơi nào trong vũ trụ cũng đều là trống không, chỉ là sự kết hợp của các yếu tố và năng lực. Đó chính là bản chất của các pháp mà ngày nào đó sẽ tan rã và các pháp sẽ biến mất hoàn toàn. Tôn giáo này cũng đã dạy chúng ta rằng các pháp do nhân duyên cấu thành đều bị chi phối bởi sự thay đổi và xung đột theo các quy luật chung của vũ trụ.

Những nguyên lý mà do tôn giáo này quán sát thì không phải là giáo điều. Do sự trì giữ các giới như : không sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối và uống rượu thì hành giả có thể thanh tịnh chính mình và có khả năng làm người khác sống an lạc.

13. Mục đích

Mục đích của chúng tôi trong việc xuất bản quyển sách này là không phải giáo hóa những người khác đi theo niềm tin của chúng tôi mà là để giác ngộ họ làm thế nào để tìm kiếm an lạc và hạnh phúc cũng như tu tập sự nhận thức đúng đắn mà không dựa vào niềm tin mù quáng. Chúng tôi khuyến khích mọi người thực hành tôn giáo riêng của họ một cách đúng đắn nếu họ có thể tìm thấy một cách đúng đắn, cao quý mà không làm giảm chân giá trị con người của mình.

Tuy nhiên tôn giáo này có thể là lời giải đáp cho những vấn đề nhân sinh, tâm lý và tôn giáo của bạn. Hoặc có thể gợi ra một hướng đi trong sáng cho suy nghĩ của bạn về các vấn đề tôn giáo và triết học. Tôn giáo cũng có thể giúp bạn hiểu biết cách sống và di sản văn hóa Châu Á. Bạn có thể tìm thấy trong tôn giáo này sự hướng dẫn tâm linh cho các nhu cầu thế giới hiện đại.

Tôn giáo này đem lại cho thế giới một tinh thần, một hy vọng mới, một hướng đi mới, chân lý của nó và sự cần thiết của nó được tìm thấy và cảm nhận trong hôm nay cũng như ngày xưa. Tôn giáo vĩ đại này được nói ở đây là "Phật giáo" và người sáng lập tôn giáo giáo này không ai khác hơn là "Đức Phật Cồ Đàm".

Cái đó cũng có thể là mục đích của các bạn, chúng tôi mời các bạn hãy đến gần hơn để nhìn tôn giáo và ý tưởng của người sáng lập tôn giáo này. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ các bạn trong việc tìm cầu chân lý. Vì vậy, phải không có thành kiến, tránh định kiến giáo điều tôn giáo và cố gắng tim cầu chân lý.

Thích Nữ Diệu Hương dịch từ nguyên tác tiếng Anh "What is this Religion " của Đại lão HT. K. Sri Dhammananda, trong tác phẩm "Các Viên Ngọc Trí Tuệ của Phật giáo" (Gems of Buddhist Wisdom), CBBEF, Taiwan, 1996, trang 17-33.

NHỮNG HẠT NGỌC TRÍ TUỆ PHẬT GIÁO - Thích Tâm Quang dịch



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn