Kết Hợp Giáo Phái Nguyên Thủy Và Đại Thừa Để Thích Nghi Với Xã Hội Đang Sống

09 Tháng Mười Một 201300:00(Xem: 15389)

KẾT HỢP GIÁO PHÁP NGUYÊN THỦY & ĐẠI THỪA:
Để thích nghi với xã hội đang sống
Thích Trí Quảng

 Từ khi thống nhất sinh hoạt Phật giáo đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua hơn ba mươi năm hoạt động. Lúc mới bắt đầu thống nhất sinh hoạt, chúng ta còn nhiều cách biệt, nhưng từng bước có sự gần gũi và gắn bó hơn nhờ chư Tăng Nam tông và Bắc tông cùng học chung một trường. Chư Tăng Bắc tông được học giáo lý Nguyên thủy và chư Tăng Nam tông cũng học giáo lý Đại thừa.

Nhờ vậy, chư Tăng rút kinh nghiệm sống không tách biệt, kế thừa truyền thống Nguyên thủy và cũng chấp nhận tư tưởng mới của Đại thừa để ứng dụng vào thời đại mới. Thực tế cho thấy việc chư Tăng Nam tông và Bắc tông cùng học chung và trao đổi kinh nghiệm, dần dần chúng ta hiểu nhau và phát triển nhịp nhàng cùng với xã hội đi lên.

blank
Đoàn kết - Hòa hợp - Trưởng dưỡng đạo tâm - Trang nghiêm Giáo hội - Ảnh: TL

Khóa tu lần này có những nét đặc biệt hơn lần trước, dù vẫn giữ được truyền thống của Phật giáo Nam tông từ thời Phật tại thế nghĩa là đến mùa an cư, chư Tăng tìm trụ xứ để tham thiền, suy tư và tu học, đến khi mãn hạ, chư Tăng tập trung một chỗ, khác với truyền thống của Bắc tông hay Phật giáo Phát triển, Phật giáo Đại thừa.

Phật giáo Đại thừa có nhận thức mới là trong mùa an cư nếu mỗi vị an cư riêng để tu vẫn tốt, nhưng nếu một ngàn tu sĩ sống chung với nhau, cùng trao đổi, cùng tu thì quý hơn. Vì mùa nắng, mỗi người đi một phương giáo hóa theo Phật dạy, nhưng sang mùa mưa thay vì ở am cốc tu thiền thì chư Tăng tập trung vào một trụ xứ. Nhờ sống chung có cọ xát mới biết được mình đúng hay sai, tốt hay xấu để khắc phục phần xấu và phát huy điểm tốt.

Ngoài ra, tổ chức Bắc tông có Thiền chủ chủ trì khóa tu mùa an cư. Thiền chủ được kính trọng nhất mới thay Phật chỉ dạy kinh nghiệm tu hành cho các tu sĩ trẻ. Nhờ an cư được học với Trưởng lão và trao đổi với các bạn đồng hành đồng sự, nên trở về hoằng pháp ít bị trở ngại. Thật vậy, tôi nhận trách nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp trên 25 năm và vượt qua được khó khăn, vì có bạn đồng hành cùng sống chung trong các mùa an cư và học hỏi lẫn nhau, nên hiểu biết được tâm tình của nhân dân từng vùng, từ đó giúp tôi hoằng pháp dễ dàng. Đó là điều mà tôi muốn chia sẻ với tu sĩ Nam tông. Chúng ta cần học chung và trao đổi hiểu biết mới thấy được cái tốt của nhau; nếu không, dễ chấp pháp và có thành kiến với tu sĩ khác pháp môn.

Năm nay ở chùa Bửu Quang này, bước đầu tập trung chư Tăng Nam tông trong một tháng cùng sống chung với nhau ba ngày để học hỏi hiểu biết và kinh nghiệm tu tập của nhau cũng như học chủ trương chính sách của Nhà nước; đó là điều tốt giúp cho quý vị sau này ít gặp trở ngại trên con đường hoằng pháp. Điểm thứ hai tôi thấy đáng mừng là kỳ tuyển sinh vào Học viện Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh năm nay, Tăng Ni tương đối có trình độ tốt hơn và đồng đều. Trong khóa IX vừa qua, chúng tôi phải hạ điểm sàn xuống 30 điểm nhưng vẫn không có đủ người trúng tuyển. Năm nay nâng điểm sàn lên 40 nhưng có đông Tăng Ni trúng tuyển, đặc biệt là hệ phái Nam tông có một Tăng và hai tu nữ trúng tuyển.

Tôi gợi ý để chư Tăng Nam tông suy nghĩ. Phật giáo Đại thừa không quan trọng hình thức, nhưng quan trọng đạo đức và trí tuệ. Vì vậy, không phân biệt nam nữ, già trẻ, hay xuất thân từ giai cấp nào, nhưng chúng tôi kính trọng người có đạo đức, có trí tuệ. Người có trí tuệ thì dù ở thành phần nào, chúng tôi cũng coi là bậc thầy để mình học được. Người có đạo đức thì dù ở thành phần nào, chúng tôi vẫn kính trọng đạo đức của họ. Đó là tinh thần cầu học của Đại thừa mà đỉnh cao là kinh Hoa nghiêm.

Trong kinh Hoa nghiêm, Thiện Tài không chỉ cầu học với các bậc cao đức mà còn tham học với các thành phần xã hội. Dĩ nhiên đầu tiên, Văn Thù Bồ-tát dạy Thiện Tài cầu học với bậc đạo cao đức trọng để nói lên rằng đạo đức đứng hàng đầu.

Kinh Hoa Nghiêm diễn tả Văn Thù thuyết pháp cho sáu ngàn Tỳ-kheo. Điều này chúng ta không thấy có trong Phật giáo Nguyên thủy, nhưng tại sao Phật giáo Đại thừa lại ghi nhận việc sáu ngàn Tỳ-kheo cầu học với Văn Thù Sư Lợi và kinh Hoa nghiêm coi việc này là quan trọng. Tôi gợi ý để quý vị suy nghĩ từ đâu cho chúng ta thấy sáu ngàn Tỳ-kheo tập hợp ở chỗ Đức Phật nhập Niết-bàn là quan trọng. Từ ý này, chúng ta hiểu là Phật dạy sau khi Ngài Niết-bàn thì chư Tăng phải lấy giới luật, lấy kinh điển làm thầy. Giới luật và kinh điển hay lời Phật dạy còn thì coi như Phật hiện hữu, đó là điểm thứ nhất Phật giáo Nam tông có. Điểm thứ hai Phật giáo Nam tông dạy rằng chư Tăng họp lại để chia sẻ, trao đổi hiểu biết và kinh nghiệm để tu cho đúng là phát triển đạo đức và trí tuệ của mình làm lợi ích cho cuộc đời. Và khi sáu mươi Tỳ-kheo đắc quả A-la-hán, Phật dạy mỗi thầy đi một hướng để làm lợi ích cho số đông và chư Thiên. Đó là tư tưởng căn bản của Phật giáo Nam tông mà Phật giáo Đại thừa rút ra để xây dựng tư tưởng Đại thừa sau Phật nhập diệt sáu trăm năm.

Sáu ngàn Tỳ-kheo tập hợp và Văn Thù Sư Lợi xuất hiện, đó là một vị Bồ-tát vô hình tiêu biểu cho trí tuệ của sáu ngàn Tỳ-kheo, không phải một Bồ-tát cỡi sư tử đến dạy các Tỳ-kheo. Nhiều khi chư Tăng Nam tông nghĩ Văn Thù mang hình thức cư sĩ, nên không thể lạy ông này. Hay Phật giáo Nam tông coi Bồ-tát Di Lặc là người kế thừa Phật Thích Ca và Ngài sẽ hạ sanh thành Phật, nhưng vẫn không lạy Di Lặc, vì Di Lặc đang đóng vai vua Trời. Trước kia, tôi gặp Hòa thượng Siêu Việt, ngài nói rằng khi nào Di Lặc thành Phật thì chúng tôi lạy, nhưng hiện nay Di Lặc là Bồ-tát đóng vai vua Trời, nên Sa-môn không lạy được. Tôi nói rằng tu sĩ Bắc tông lạy Văn Thù là lạy trí tuệ tập thể của sáu ngàn Tỳ-kheo, không phải lạy cư sĩ. Vì chúng ta xuất gia không lạy cha mẹ thì không có lý do gì mà lạy người thế tục và người thế tục cũng không dám cho chúng ta lạy. Tôi lạy Bồ-tát Văn Thù là lạy trí tuệ của sáu ngàn Tỳ-kheo trong kinh Hoa nghiêm, vì sáu ngàn vị này tập hợp lại đưa ra phương hướng đúng đắn tiêu biểu cho trí tuệ của Phật giáo phù hợp với xã hội.

Đức Phật huyền ký rằng khi xã hội thay đổi thì trí tuệ của chư Tăng cũng cần thích nghi với hoàn cảnh sống mới có thể tồn tại và phát triển được, nhưng trí tuệ tập thể này phải có sự hòa hợp của Tăng chúng. Vì vậy, kinh Hoa nghiêm gọi Văn Thù là Ngũ trí nghiêm thân Đại trí Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, không phải Văn Thù là người thực, nhưng tiêu biểu cho trí tuệ tập thể đưa ra ý kiến mới, vì xã hội đổi mới, thời đại mới thì tất yếu sinh hoạt của Phật giáo cũng có hướng đổi mới để thích nghi. Như vậy, những gì thích nghi thì chúng ta duy trì, không thích nghi thì không dùng.

Văn Thù nói với sáu ngàn Tỳ-kheo rằng phải đi đến Phước Thành để độ Thiện Tài. Nói cách khác, đây là ý mới của sáu ngàn Tỳ-kheo thống nhất như vậy, vì cách Phật xa, lòng người ly tán và tệ nạn nhiều, cho nên Phật giáo cần có cái nhìn đổi mới để tồn tại.

Văn Thù phải đến độ Thiện Tài, nghĩa là chư Tăng tu hành phải nghĩ đến tương lai, nghĩ đến người trẻ tuổi mới có thể gánh vác Phật sự lớn lao trong tương lai. Điều này cũng gợi cho tôi để ý đến tu sĩ trẻ. Phật giáo Nam tông cũng dạy rằng Tỳ-kheo trẻ đáng sợ, hôm nay họ chưa được việc, nhưng mười năm hay hai mươi năm sau, họ làm được việc. Điển hình như hai mươi năm trước, Thượng tọa Bửu Chánh là học Tăng mà tôi giảng dạy, nhưng nay ông trở thành lãnh đạo của Giáo hội, là Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương, Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, có thể thay tôi làm được việc lớn. 


Tôn tượng Đức Bồ-tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi

 

Văn Thù dạy chúng ta quan tâm đến thế hệ trẻ, chăm sóc bồi dưỡng để thế hệ trẻ đi lên. Nếu chỉ lo chăm sóc người già, Phật giáo trở thành viện dưỡng lão không còn sức sống. Thể hiện lời dạy của Văn Thù khuyên quan tâm đến giới trẻ, Phật giáo Đại thừa mở trường đào tạo Tăng tài. Tôi còn nhớ lúc mới thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981, Hòa thượng Đức Nhuận là vị Pháp chủ thứ nhất của Giáo hội đã yêu cầu Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho phép mở trường đào tạo Tăng Ni. Ngài đứng đến khi Thủ tướng đồng ý thì ngài mới ngồi xuống, còn chưa được Thủ tướng chấp nhận, ngài vẫn đứng. Cuối cùng, Thủ tướng nói sẽ để tâm đến yêu cầu của ngài Pháp chủ và sẽ giải quyết. Nhờ đó, chúng ta mới có trường cao cấp Phật học đầu tiên cho đến trường trung cấp Phật học và ngày nay, chúng ta có thế hệ Tăng Ni trẻ gánh vác Phật sự cả nước.

Ý thứ hai là Văn Thù tìm Thiện Tài cho chúng ta suy nghĩ thêm rằng phải tìm người cho xuất gia, không phải ai cũng có thể xuất gia tu hành thành Phật. Hòa thượng Trí Quang dạy tôi rằng muốn chạm tượng Phật phải tìm gỗ trầm hương, nghĩa là phải tìm người đạo đức và thông minh mới truyền trao giáo pháp. Xưa kia, Tổ Đạt Ma đi khắp Ấn Độ nhưng không tìm được người truyền trao giáo pháp, ngài mới sang Trung Hoa gặp được Thần Quang để truyền hiểu biết là thiền. Người có khả năng hiểu biết và tiếp thu mới truyền được, cho nên Văn Thù phải tìm Thiện Tài. Điều thứ hai là Thiện Tài sanh ở Phước Thành nhằm chỉ cho người có phước mới tạo được phước. Phật dạy rằng người nghèo đói, khổ sở thường nhiều tham lam và oán hận. 

Văn Thù tìm Thiện Tài dạy đạo nghĩa là trí tuệ tập thể có ý kiến mới là tìm người trẻ dạy đạo, tìm người có tiền của để hộ đạo. Trước nhất dạy họ đạo đức làm người. Vì vậy, Văn Thù bảo Thiện Tài lên núi tìm Đức Vân Tỳ-kheo, hay nói cách khác, đi tu phải tìm bậc cao đức để học đạo. Thể hiện lý này, theo Phật giáo Bắc tông, người tu xuất gia rồi phải nương theo Hòa thượng trong năm năm để rèn luyện thành người đạo đức mới có thể giáo hóa người khác. Còn nóng vội làm Phật sự nhưng thiếu đạo đức sẽ bị gãy nửa chừng.

Đầu tiên phải học được đạo đức nghĩa là sống giữa cuộc đời nhưng không bị cuộc đời làm ô nhiễm, không bị tánh xấu của cuộc đời thay đổi mình. Như vậy, rèn luyện Tỳ-kheo có tâm kiên định gặp việc đáng giận không giận, gặp cám dỗ không ham muốn, mới đứng vững trong xã hội nhiều cạm bẫy.

Rèn luyện đạo đức xong, Đức Vân bảo Thiện Tài muốn đi xa hơn phải gặp Hải Vân Tỳ-kheo là người trí thức đã dành trọn mười hai năm nghiên cứu giáo lý sẽ cho Thiện Tài kinh nghiệm và hiểu biết rõ ràng. Thể hiện ý này, khi ta nuôi ông đạo có khả năng học thì phải cho vô trường học. Ở đây, các sư trẻ được vào trường để nâng cao trình độ tri thức là điều rất tốt.

Đức Vân Tỳ-kheo nói với Thiện Tài rằng nếu theo ông suốt đời thì ông chỉ dạy trở thành người tốt, nhưng muốn hiểu biết phải học với Hải Vân Tỳ-kheo. Hải Vân dạy rằng ông ở biển suốt mười hai năm, nhìn vào biển thấy tất cả các loài có sở thích khác nhau; nói cách khác là học giáo lý Nguyên thủy là học kinh nghiệm lớn trong một đời du hóa của Đức Phật tùy theo yêu cầu mà Ngài giáo hóa thích nghi. Đến nơi nào, Phật dạy Tỳ-kheo thích ứng với nơi đó để sống đúng đắn, tốt đẹp. Hải Vân tổng hợp tất cả kinh nghiệm sống tốt đời đẹp đạo, vì giáo lý Phật ứng dụng vào cuộc đời mà không làm mất tư chất của người tu.

Thiện Tài học được những kinh nghiệm xử thế có giá trị thiết thực rồi, Hải Vân bảo Thiện Tài nên đến Thiện Trụ Tỳ-kheo để học thiền mà ta thường gọi là Thiền chỉ và thiền quán. Nghĩa là có trí tuệ và đạo đức mới tiếp thu và ứng dụng thiền vào cuộc sống. Người ham tu thiền, nhưng chưa có trí tuệ và đạo đức thì khó đạt được kết quả. Trước khi học thiền, phải học đạo đức và giáo nghĩa hoàn chỉnh, sau đó thiền sư mới dạy chúng ta cách an trụ chánh định. Nếu ban đầu chưa có đạo đức mà vào định sẽ dễ lạc vào tà định, ngoại đạo. Phải xây dựng đạo đức vững chắc, kinh nghiệm tôi thấy rõ vào thiền quán, tâm chúng ta đứng yên thì thế giới vô hình hiện ra, tất cả quá khứ nghiệp duyên liền xuất hiện. Khi tôi trao đổi với Hòa thượng Nhất Hạnh, ngài nói rằng vào thiền phải cẩn thận vì sẽ có những trận cuồng phong, những đợt sóng ngầm và các loài thủy quái. Tất cả những tác hại này ở trong tâm thức chúng ta; nếu chưa có đạo đức thì gặp đá ngầm làm bể thuyền, bị thủy quái bắt chúng ta. Vì vậy, theo Phật giáo Đại thừa phải ít nhất sau năm năm tu hành, đạo đức và trí tuệ vững vàng mới thính giáo tham thiền.

Khi có đầy đủ đạo đức, trí tuệ và an trụ chánh định, Thiện Tài đi vào cuộc đời, thiền gọi là thõng tay vào chợ, tức tu hành vững rồi, vào cuộc đời làm được việc và học với Di Già y sư ở chợ. Điều này nhắc nhở chúng ta một là tu tại gia, hai là tu chợ rồi mới tu ở chùa. Vào chợ là vào cuộc đời thì phải học kinh nghiệm sống với người ở trên cuộc đời. Vào chợ gặp Di Già dạy cách buôn bán. Di Già dạy phải mua mắc bán rẻ. Tôi nhận ra ý mà các Hòa thượng Nhật nói rằng muốn làm giàu phải bán rẻ, vì họ mua được giá rẻ mới tuyên truyền cho người khác và như vậy sẽ bán được nhiều. Người Nhật áp dụng triệt để lý này. Trái lại, một số người muốn mua rẻ bán mắc thì một người mua lầm sẽ nói cho mười người và cứ như vậy sẽ không ai đến mua nữa. Có giáo sư Nhật triển khai ý này, nói rằng làm ăn của Phật giáo là phải chân thật. Vì vậy, khi họ hứa điều gì thì phải cung cấp đúng như vậy, hay tốt hơn mới giữ được uy tín của mình và con cháu sau này. Có thể thấy rằng Phật giáo không những chỉ nghĩ đến hiện tại mà còn nghĩ lâu dài cho con cháu, nên không được lừa dối. Theo Phật, giữ được bản chất của tu sĩ và cư sĩ tốt là con đường tiến đến quả vị Phật mà kinh Hoa nghiêm dạy.

Học xong với Di Già, ông dạy Thiện Tài đến Giải Thoát trưởng giả là người nổi tiếng giàu có nhưng rất nhàn hạ. Thực tế tôi tiếp xúc với một số người giàu có, họ than rằng vì bị công việc bao vây, nên không ngủ được, không ăn được. Như vậy thì làm sao sống thọ. Phật dạy chúng ta giải thoát là chính dù giàu hay nghèo, vì nhờ nếp sống giải thoát mới dựng nên sự nghiệp; còn lòng bất an khổ đau thì tâm trí mờ tối không thể phát triển sự nghiệp. Người giàu có đạo đức khác với người giàu có bóc lột. Tôi tiếp xúc với người giàu có trong Phật giáo. Họ cho biết số tài sản có được tiêu xài đến đời con cháu vẫn còn, nhưng nếu họ không làm việc thì một ngàn công nhân không có lương để sống. Họ làm giàu vì lo cho công nhân thợ thuyền, nên những người này hết lòng làm cho họ. Thời Phật tại thế, ông Cấp Cô Độc nổi tiếng bố thí cúng dường nhiều. Ông này có phước kỳ lạ, dùng vàng để lót cả khu vườn của Kỳ Đà và dâng cúng Phật xong thì số vàng trở về lại nhà ông. Giáo sư Nhật triển khai ý này rằng Cấp Cô Độc giàu có tột bực là do hết lòng vì người, đùm bọc chia sẻ tình thương và vật chất cho những người làm công, họ mang ơn ông nên đã tận tụy phục vụ làm tăng số lợi nhuận đáng kể trong công việc kinh doanh của ông.

Có thể nói học đạo với Giải Thoát trưởng giả là học làm giàu lương thiện cho bản thân và cho đất nước. Ý này phát xuất từ Phật giáo Nguyên thủy đã được áp dụng thích nghi với hoàn cảnh xã hội của nhiều nơi theo Phật giáo Đại thừa. Và đó là bài học lớn để quý sư suy nghĩ xem nên kết hợp điều nào của Phật giáo Nguyên thủy với Phật giáo Đại thừa để chúng ta cống hiến cho cuộc đời. Làm được như vậy là thể hiện được lời Phật dạy và đóng góp được cho xã hội đi lên. Cầu chúc quý vị được an lạc trong mùa tu.
HT.Thích Trí Quảng
(Bài giảng tại trường hạ chùa Bửu Quang, Thủ Đức, thuộc Phật giáo Nam tông Kinh, ngày 20-8-2013)

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Mười 2014(Xem: 5591)
Trong bất cứ một cộng đồng nào đều có nhiều tầng lớp khác nhau, nhiều chủng loại con người khác nhau sống cùng trong đó, thì chắc chắn luôn có sự hiện diện của nhiều mặt tư tưởng khác nhau, phát sinh nhiều vấn đề liên quan.
09 Tháng Chín 2014(Xem: 7824)
Nhiều người vẫn tin rằng bất kỳ ai cũng được sinh ra với một số mệnh riêng. Số mệnh ấy quy định hoàn cảnh ra đời của mỗi người (Sinh ra trong gia đình giàu sang hay nghèo hèn…). Số mệnh cũng chi phối tố chất của mỗi người (Sinh ra với thân tướng đẹp hay xấu, khỏe mạnh hay đau yếu, thông minh hay ngu đần...).
01 Tháng Chín 2014(Xem: 11102)
Trong Tứ Diệu Đế của đạo Phật, chân lý đầu tiên là khổ đế. Khổ đế là một đề tài rất phổ thông trong nhạc Trịnh Công Sơn: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”, ông đã hát trong Gọi tên bốn mùa. Cuộc đời đầy khổ và buồn vì không có gì trường cửu cả.