Số mệnh

09 Tháng Chín 201415:52(Xem: 7906)

SỐ MỆNH

Chánh Tấn Tuệ

ta_dang_lam_gi_doi_taNhiều người vẫn tin rằng bất kỳ ai cũng được sinh ra với một số mệnh riêng. Số mệnh ấy quy định hoàn cảnh ra đời của mỗi người (Sinh ra trong gia đình giàu sang hay nghèo hèn…). Số mệnh cũng chi phối tố chất của mỗi người (Sinh ra với thân tướng đẹp hay xấu, khỏe mạnh hay đau yếu, thông minh hay ngu đần...).

Số mệnh cũng chi phối mối tương quan với những người khác (Được nhiều người thương yêu giúp đỡ hay bị nhiều người ghét bỏ hãm hại…). Số mệnh cũng chi phối sự thăng trầm trong cuộc đời (Lúc nào thì cuộc sống được an vui, lúc nào thì gặp nhiều tai ương hoạn nạn, lúc nào sự nghiệp thăng hoa, lúc nào thì lụn bại...).

Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng ta hãy cùng giải quyết các câu hỏi sau: Có hay không có số mệnh? Số mệnh do đâu mà có? Số mệnh là tất định hay bất định? Ta có thể làm gì với số mệnh của chính mình?

Có hay không có số mệnh?

Trước đây, cuộc sống của con người lệ thuộc rất lớn vào sản xuất nông nghiệp. Năm nào được mùa thì no đủ. Năm nào thất mùa thì đói kém. No đủ thì xã hội an vui, ít trộm cắp. Đói kém thì xã hội bất ổn, nhiều trộm cắp, thậm chí tàn hại lẫn nhau. Cuộc sống của con người an vui no đủ hay không, tùy thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp lệ thuộc vào thời tiết. Theo quan điểm của nhiều người ở thời ấy, thời tiết phụ thuộc vào ý muốn, sự sắp đặt của thượng đế hay ông trời. Như vậy vận mệnh của con người là do ông trời an bài, sắp đặt.

Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã chỉ ra rằng ý muốn hay sự sắp đặt của ông trời, thật ra chỉ là các quy luật tự nhiên. Nếu biết được các quy luật này, chúng ta có thể làm chủ sản lượng nông nghiệp, khống chế dịch bệnh. Do đây cuộc sống con người không còn lệ thuộc nhiều vào thời tiết. Vận mệnh của con người, từ tay ông trời được chuyển giao vào tay con người. Ông trời không còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người, nên niềm tin vào số mệnh do trời sắp đặt cũng phai nhạt bớt.

Hiện nay, nhiều người tin rằng số mệnh không sẵn có. Số mạng của ta tùy thuộc vào mức độ trí tuệ, mức độ sáng tạo, mức độ siêng năng, ý chí phấn đấu của ta mà nó trở thành tốt hay xấu. Số mệnh của ta do chính ta tạo ra ngay trong đời này. Quan điểm này được biện minh, khi trên thế giới có những người sinh ra trong điều kiện bình thường, nhưng nhờ có sự siêng năng, sáng tạo v.v… vẫn tạo ra được một sự nghiệp lừng lẫy. Những người siêng năng học hỏi, siêng năng làm việc dễ có một cuộc sống, một sự nghiệp tốt hơn những người ham chơi lười biếng.

Mặc dù thế, quan điểm trên có nhiều khiếm khuyết. Nó không lý giải được sự sai khác về hoàn cảnh, tố chất của mỗi người khi ra đời. Không lý giải được tại sao hai người cùng có hoàn cảnh như nhau, tri thức tương đương, không khác nhau nhiều về khả năng sáng tạo, lại có hai sự nghiệp khác nhau. Có những người dù luôn cố gắng học hỏi làm việc mà đời sống khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Có những người sống một cách nhàn hạ, không cố gắng nhiều mà cuộc sống vẫn dễ dàng tốt đẹp. Ngay ở nơi một người, có những lúc dù rất cố gắng siêng năng, sự nghiệp vẫn không thăng tiến, nhưng có những lúc dù không cố gắng nhiều, sự nghiệp vẫn tiến triển vượt bực. Và trong cuộc sống, có những sự kiện may mắn hay xui xẻo khi xuất hiện có thể thay đổi cuộc sống của ta một cách mạnh mẽ. Sự xuất hiện của các sự kiện ấy nhiều khi nằm ngoài mọi tiên liệu của chúng ta, ngoài dự đoán của các ngành khoa học, nhưng nó có thể gây ra hậu quả to lớn vượt xa mọi khả năng phấn đấu của ta.

Rõ ràng cuộc đời và sự nghiệp của ta không chỉ phụ thuộc vào ý chí phấn đấu của ta. Nó còn phụ thuộc vào những yếu tố khác, mà chúng ta gọi là “thời vận”. Thời vận là một biểu hiện của “số mệnh”. Như vậy, dù đang ở trong thời đại khoa học, dù có tinh thần khoa học triệt để, chúng ta vẫn không thể phủ nhận vai trò của “số mệnh” trong cuộc đời của mỗi người.

Nguồn gốc của “số mệnh”

Vì không thể phủ nhận “số mệnh”, nên câu hỏi kế tiếp là “số mệnh” do đâu mà có?

Đây là đề tài được nhiều tôn giáo, nhiều đạo gia, nhiều triết gia quan tâm. Hiện chúng ta có rất nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng có thể quy tất cả vào hai quan điểm chính.

1- Số mệnh do một thế lực bên ngoài tạo ra. Như có tôn giáo cho rằng, số mệnh là do trời hay một vị thượng đế sắp đặt.

2- Số mệnh do chính mỗi người tự tạo ra. Quan điểm này lại được phân thành hai:

- Số mệnh do chính mỗi người tự tạo lấy trong đời này.

- Số mệnh do chính mỗi người tự tạo lấy qua nhiều đời trong quá khứ và đang tiếp tục tạo ra trong đời này. Có thể xem đây là quan điểm của nhà Phật. Thật ra, nhà Phật không gọi là số mệnh mà gọi là nhân quả nghiệp báo. Vì cuộc đời là một chuỗi nhân quả nghiệp báo tương tục không gián đoạn.

“Số mệnh” của mỗi người mang tính tất định hay bất định?

Chúng ta có thể xem số mệnh là một chuỗi thăng trầm đổi thay trong cuộc đời của một người. Nếu chuỗi đổi thay ấy được xác định một cách rõ ràng theo thời gian, chúng ta có thuyết định mệnh. Trong trường hợp này, số mệnh mang tính tất định.

Thông thường quan điểm cho rằng số mệnh do trời sắp đặt, dễ được diễn dịch thành thuyết định mệnh. Thuyết này có một nhược điểm: Nếu số mệnh là định mệnh, không thể thay đổi thì mọi tạo tác của ta trong đời này trở thành vô nghĩa. Thật ra, đối với một số tôn giáo lớn, dù vẫn cho số mệnh do trời hay thượng đế sắp đặt, nhưng nếu chúng ta sống thuận ý trời, đẹp ý Chúa thì vẫn được những tưởng thưởng xứng đáng. Nói vậy là đã thừa nhận số mệnh có phần bất định.

Với quan điểm cho rằng, số mệnh do chính chúng ta tự tạo ngay trong đời này, vậy khi chưa có ý thức tạo lập cuộc đời, số mệnh hoàn toàn bất định. Nhiều triết gia phương Tây, dù không đề cập đến số mệnh, nhưng vô tình họ đã ủng hộ quan điểm này, khi cho rằng con người chỉ sinh ra một lần trong đời, không có quá khứ, không bị ràng buộc bởi quá khứ. “Thượng đế đã chết rồi”(1) nên không còn ai sắp đặt cho ta một số mệnh. Yếu tính của con người là tự do. “Người nào tự mình tự do lựa chọn, tự mình tạo nên mình, tự mình là thành quả của mình, kẻ ấy mới đích thực hiện hữu”(2). Việc cho rằng, chúng ta sinh ra với một số mệnh như tờ giấy trắng, hoàn toàn bất định, số mệnh trở thành thế này hay thế kia tùy theo sự tạo tác của ta, sẽ vấp phải các nhược điểm như đã nói ở phần I.

Với quan điểm cho rằng, số mệnh do chính ta tạo ra trong quá khứ và đang tiếp tục tạo ra trong hiện tại thì số mệnh này không hẳn là tất định cũng không hẳn là bất định. Quan điểm này của nhà Phật không vấp phải các nhược điểm trên và cho ra một lý giải hoàn toàn phù hợp với thực tế. Quan điểm này được trình bày đầy đủ qua lý Nhân quả Nghiệp báo.

Theo lý Nhân quả, bất kỳ một sự kiện nào xuất hiện trong đời đều có nguyên nhân của nó. Các nguyên nhân này do mỗi người tự tạo lấy, thông qua ba nghiệp thân, khẩu, ý nên gọi là "nghiệp nhân". Trong ba nghiệp, ý đóng vai trò chủ đạo.

Những nghiệp nhân thời quá khứ khi đủ duyên cho ra quả thời hiện tại.

Những nghiệp nhân thời quá khứ và đang được tạo ra ở thời hiện tại, khi đủ duyên sẽ cho ra quả ở thời vị lai.

Quả là những sự kiện xuất hiện trong đời sống của ta.

Những nghiệp nhân thời quá khứ và hiện tại liên tục cho ra quả thời hiện tại và vị lai. Những quả ấy nối tiếp nhau tạo thành dòng sống của mỗi người. Do không thể truy tìm dược chỗ khởi đầu của dòng sống, nên nói rằng dòng sống đã xuất hiện từ vô thủy(3). Đời người chỉ là một đoạn ngắn trên dòng sống dài như vô tận ấy. Như vậy, chúng ta, ai cũng trải qua vô lượng đời kiếp, trôi lăn trong sanh tử luân hồi cho đến ngày hôm nay. Đời sống hiện tại, là cái quả nối tiếp của những đời quá khứ và là nhân của các đời vị lai.

Các nghiệp nhân được phân thành hai loại, thiện và ác(4). Nghiệp nhân thiện cho ra quả tốt. Nghiệp nhân ác cho ra quả xấu. Nếu quá khứ tạo được nhiều nghiệp nhân thiện thì hiện đời sẽ có nhiều sự kiện tốt xuất hiện trong đời sống của ta. Ngược lại, sẽ có nhiều sự kiện xấu xuất hiện trong đời. Trong quá khứ, chúng ta đã tạo nhiều nghiệp nhân, thiện ác lẫn lộn, nên hiện đời cuộc sống có lúc tốt, lúc xấu, lúc thăng, lúc trầm… Chính điều này đã làm nên ý nghĩa của số mệnh.

Như vậy số mệnh không do một vị thượng đế hay một ông trời sắp đặt mà do chính mỗi người tự tạo lấy trong quá khứ và đang được tiếp tục tạo ra trong hiện tại.

Do cuộc sống ở hiện đời là cái quả của những gì chúng ta đã gây tạo từ những đời trước, nên khi sinh ra chúng ta phải thừa hưởng những nghiệp nhân mà chính mình đã tạo ra trong quá khứ. Như vậy chúng ta không sinh ra với một số mệnh hoàn toàn bất định, mà vẫn có một “số mệnh” chi phối đời sống của chúng ta. Chính “số mệnh” này đã quy định hoàn cảnh, tố chất của mỗi ngươi khi được sinh ra. Do mỗi người đều tạo ra những nghiệp nhân riêng, nên hoàn cảnh của mỗi người khi ra đời cũng riêng khác.

Dù “số mệnh” đã có khi ra đời, nhưng “số mệnh” đó lại do ta tạo ra dưới sự chi phối của lý Nhân quả, nên nó không phải là định mệnh không thể thay đổi. Nếu “số mệnh” là định mệnh thì mọi hành vi tư tưởng của ta trong đời này hoàn toàn vô nghĩa. Sống đạo đức hay phi đạo đức, sống vị kỷ hay vị tha, sống lười biếng hay siêng năng v.v… đều như nhau. Điều này không phù hợp với thực tế. Cho nên, “số mệnh” vẫn có phần bất định.

Ta có thể làm gì với “số mệnh” của chính mình?

Do “số mệnh” có phần bất định, nên chúng ta có thể chỉnh sửa thay đổi “số mệnh” của chính mình. Vì “số mệnh” chịu sự chi phối của lý Nhân quả, nên muốn thay đổi “số mệnh”, chúng ta phải biết cách vận dụng lý Nhân quả.

Như đã nói, chúng ta tạo ra các nghiệp nhân thông qua thân, khẩu và ý. Vì thế chúng ta cũng phải nương nơi thân, khẩu, ý của chính mình mà sửa đổi “số mệnh” của mình. Muốn “số mệnh” tốt đẹp hơn, chúng ta cần làm các việc thiện, hạn chế các việc ác. Do từ nhân tới quả phải mất một khoảng thời gian, nên những việc làm tốt có thể chưa cho quả tốt liền. Lại nữa, nếu những nhân ác ở quá khứ còn nhiều và mạnh, nó sẽ ngăn trở các nghiệp nhân tốt vừa tạo ra cho quả sớm. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy mình đã làm nhiều việc tốt mà hoàn cảnh vẫn chưa thay đổi. Ở đây đòi hỏi chúng ta phải có niềm tin vào lý Nhân quả, kiên trì thực hành, kết quả sẽ đến.

Cách làm trên, là hướng ra ngoài làm các việc thiện thông qua thân và khẩu. Do ý đóng vai trò chủ đạo, nên muốn sửa đổi “số mệnh” một cách tích cực, chúng ta phải hướng vào trong sửa đổi tâm ý của chính mình. Ngoài làm các việc thiện, trong sửa đổi tâm ý sao cho phù hợp với đạo lý, chúng ta sẽ thay đổi được “số mệnh” của chính mình và thành quả sẽ đến ngay trong hiện đời.

Một câu chuyện thời quá khứ

Liễu phàm tiên sinh, tác giả cuốn Liễu phàm tứ huấn, khi còn nhỏ đã mất cha. Thay vì như số đông, đi học để ra làm quan, ông nghe lời mẹ theo nghề thuốc.

Một hôm, tiên sinh lên chùa Từ Vân chơi, gặp một cụ già, râu dài, tướng mạo như tiên. Tiên sinh ngưỡng mộ, tới chào hỏi. Cụ già hỏi:

- Người có mạng làm quan, năm tới sẽ đậu tú tài. Sao giờ còn lang thang ở đây, không lo học?

Tiên sinh trình bày nguyên do. Rồi hỏi thăm tên họ, quê quán cụ già. Được biết, cụ họ Khổng, người Vân Nam, là người được chân truyền cuốn Hoàng cực kinh thế thư của Thiệu Khang Thiết. Sách này căn cứ Kinh dịch và số học để bói về thời thế đất nước và vận mệnh con người. Nghe vậy, tiên sinh mời cụ về nhà gặp mẹ và nhờ xem số cho mình.

Cụ bói cho tiên sinh không việc nào không đúng, từ việc nhỏ đến việc lớn. Năm nào thi đậu cấp gì, thứ hạng bao nhiêu, năm nào làm quan, bao lâu v.v… cụ đều nói rất chính xác. Tiên sinh ghi chép đầy đủ những gì cụ Khổng đã bói cho: Tuy có làm quan nhưng không đậu được tới cử nhân. Năm 53 tuổi ngày 18 tháng 3 giờ Sửu mất tại nhà. Không có con nối dõi…

Do thấy đời mình diễn ra đúng y những gì mà cụ Khổng đã bói, ngay cả những việc lúc đầu tưởng chừng sai, rốt cuộc cũng không thể sai, nên tiên sinh tin chắc rằng, con người đã có một số mệnh an bài. Việc thăng quan tiến chức, giàu sang hay phú quý đều có thời có lúc của nó, đã được trời ấn định.

Năm 35 tuổi, Tiên sinh có duyên gặp Thiền sư Vân Cốc Pháp Hội trên núi Thê Hà. Ngồi thiền với Thiền sư suốt ba ngày. Sau buổi tọa thiền, Sư hỏi:

- Sở dĩ con người không thể trở thành thánh nhân, vì bị những vọng niệm lăng xăng quấy rối. Ngươi ngồi ba ngày mà không thấy khởi lên môt niệm nào, làm sao được vậy?

Tiên sinh trả lời:

- Sau khi cụ Khổng lấy số mạng cho con, con thấy cuộc đời sống chết vinh nhục đều do trời sắp đặt. Dù muốn dù không cũng chẳng thay đổi được gì. Suy nghĩ thêm cũng vậy thôi, nên không còn suy nghĩ.

Thiền sư Vân Cốc bật cười nói:

- Ta tưởng ngươi là kẻ xuất chúng, nào ngờ chỉ là kẻ phàm phu.

Tiên sinh không hiểu, hỏi lại.

Sư đáp:

- Tâm người nếu còn lăng xăng thì còn bị âm dương khí số trói buộc, làm sao bảo là không có số mệnh? Nhưng số mệnh chỉ chi phối người thường, là người sống suốt đời chìu theo tánh mình(5), không biết thay đổi. Còn đối với người có sự chuyển biến mạnh mẽ, số mệnh không thể chi phối. 20 năm nay, Khổng tiên sinh chỉ cho ngươi thấy số mệnh mà ngươi không thể thay đổi số mệnh chút nào. Vậy không phải phàm phu là gì?

Liễu Phàm thắc mắc:

- Không lẽ người ta có thể thoát khỏi sự chi phối của số mệnh hay sao?

Thiền sư Vân Cốc đáp:

- Mạng do ta tạo, phước do mình tìm. Kinh thư, Kinh thi đã dạy rõ ràng như vậy. Kinh Phật cũng dạy: “Mong cầu giàu sang sẽ giàu sang. Mong cầu sinh trai gái sẽ sinh trai gái. Mong cầu sống lâu sẽ sống lâu”.

Tiên sinh không đồng ý:

- Mạnh Tử nói: “Không tìm thì thôi, tìm sẽ được. Tìm như vậy có lợi ích vì tìm được. Đó là tìm bên trong. Còn tìm không đúng cách thì kết quả phụ thuộc vào số mệnh, tìm như thế vô ích. Vì đó là tìm bên ngoài ta”. Như nhân nghĩa đạo đức, đó là những gì ở trong ta, ta có thể đạt được bằng sức mình. Còn tìm công danh phú quý là cái ở bên ngoài ta, tìm như vậy làm sao tìm được.

Sư trả lời:

- Mạnh Tử nói rất đúng. Chỉ vì ngươi hiểu chưa đúng. Ngươi không nghe Lục tổ nói: “Tâm ta như miếng ruộng, phước họa do mình trồng”, phải ở trong lòng mà gieo thì không gì là không được. Tìm do ta, không riêng nhân nghĩa đạo đức mà công danh phú quí cũng sẽ được hết. Trong và ngoài đều được, tìm như vậy, mới có lợi ích vì tìm được. Ngược lại, nếu không xem xét trong lòng, chỉ một mực hướng ra ngoài tìm cầu, xem thì thấy có vẻ đúng cách nhưng được hay không thì tùy số mệnh. Cuối cùng trong ngoài đều mất, nên Mạnh Tử nói vô ích là vậy.

Thiền sư Vân Cốc hỏi tiếp:

- Ngươi tự xét lại xem, ngươi có xứng đáng đậu tiến sĩ hay không? Có xứng đáng có con nối dõi hay không?

Tiên sinh kiểm điểm khá lâu, rồi đáp.

- Dạ con không xứng. Vì những người thi đậu làm quan là người có phước, con không phước. Con không lo xây dựng đức hạnh để tiếp nhận phước lớn. Tánh con thường bực bội bồn chồn, chịu không nổi những phiền toái vụn vặt xảy ra trong đời sống. Lòng hẹp hòi không thể bao dung, thường lấy tài mình chèn ép người. Lại hay thích sao làm vậy, không suy nghĩ cặn kẽ. Lời nói không thận trọng, thường nói bậy. Những điều như thế là tánh vô phước, làm sao xứng đáng với con đường khoa cử. Con cũng không đáng có con, vì chỗ nào càng dơ thì càng nhiều sinh vật, nước trong ít tôm cá. Con có tật thích sống sạch cho riêng mình. Đó là nguyên nhân thứ nhất không con. Bầu không khí hòa thuận sẽ làm cho mọi loài sinh sôi, mà tánh con hay nóng giận bực bội, đó là nguyên nhân thứ hai không con. Yêu thương là nền tảng của sự sinh sôi, còn khắt khe ích kỷ là nguồn gốc của sự không sinh dục. Con chỉ biết yêu quý danh vọng tiết tháo của mình, thường không thể hy sinh giúp đỡ người khác… ngoài ra còn nhiều lỗi lầm không sao nói hết.

Thiền sư Vân Cốc nghe xong, nói:

- Đâu phải chỉ có vấn đề thi cử mới như vậy. Những cái khác cũng vậy. Người thấy lý lẽ, biết đó là phước báu của mình. Người không biết, sẽ giải thích bằng định mệnh trời kêu ai nấy dạ. Thật ra trời chỉ xử lý trên những gì con người có. Có bao giờ thêm bớt chút nào theo ý riêng của mình đâu(6).

Thiền sư nói tiếp:

- Nay ngươi đã biết được nguyên nhân không đậu tiến sĩ, không có con, thì cứ nhắm vào nguyên nhân đó mà sửa chữa. Phải tích bồi công đức. Phải bao dung lỗi lầm của người khác. Phải hòa thuận yêu thương mọi người. Phải giữ gìn sức khỏe. Khổng tiên sinh đoán ngươi không đậu Tiến sĩ, không có con. Đó là số trời đã định. Nhưng ta vẫn có thể không tuân theo. Từ nay về sau, ngươi phải trau dồi tánh hạnh đạo đức cho nhiều. Hết lòng làm thiện. Tích bồi âm đức. Phước này do mình tạo, không thể không hưởng.

Tiên sinh theo đó mà thực hành.

Đúng như lời của Thiền sư Vân Cốc nói. Cuộc đời của ông không còn diễn biến theo số mệnh mà Khổng tiên sinh đã bói cho. Thay vì sống 53 tuổi, ông sống tới 74 tuổi. Thay vì không đậu cử nhân, ông đậu tới tiến sĩ. Thay vì không có con, ông có một người con trai, sau này cũng đậu tiến sĩ. Vì thế ông đã viết ra cuốn Liễu phàm tứ huấn để dạy con. Trong đó có nói: “Ai cho họa phúc do mình tạo, là lời thánh hiền. Còn cho trời định, là lập luận của hạng phàm tục”.

Như vậy dù sinh ra với một số mệnh, nhưng nếu biết vận dụng lý Nhân quả nghiệp báo một cách đúng đắn, ngoài làm thiện, trong sửa ý, chúng ta vẫn sửa đổi được số mệnh của chính mình.

Chánh Tấn Tuệ

___________________________

(1) Lời của Nietzsche (1844-1900), một triết gia người Phổ.

(2) Quan điểm của Heidegger và J.P Sartre trong cuốn Chủ nghĩa hiện sinh - P. Foulquié. Thụ Nhân dịch.

(3) Thành Duy Thức Học ghi: “Khế kinh Đại thừa A-tì-đạt-ma nói “Giới từ vô thủy lại, hết thảy pháp đều nương...”.

(4) Kinh phân thành 3 loại: Thiện nghiệp, ác nghiệp, tịnh nghiệp. Tịnh nghiệp thuộc phần xuất thế, nên đây không bàn đến.

(5) Tánh, nói đủ là tâm tánh, ở đây chúng ta hiểu là tâm ý, nhưng là cái ý đã được huân tập rất lâu, trải qua nhiều đời. Nó trở thành kiên cố cứng ngắt, tưởng chừng như không thể thay đổi, nên gọi là tánh. Cái tánh ý này đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra tư tưởng và hành vi của một người. Các nghiệp nhân theo đó mà hình thành và làm nên số mệnh của con người. Nếu sửa được tánh ý này, con người sẽ thay đổi được số mệnh của mình.

(6) Do tùy thuận theo chỗ hiểu của Tiên sinh, nên Thiền sư Vân Cốc cũng nói Trời, nói số mệnh. Qua đó hiển bày nhân quả nghiệp báo chi phối đời sống con người.

BÀI ĐỌC THÊM:
http://dieungu.org/a20485/thien-menh-dinh-menh-so-menh-hay-nghiep-qua



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười 2013(Xem: 38618)
01 Tháng Bảy 2013(Xem: 7520)
Tôi thực sự bắt đầu viết quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học vào năm 1960 (thực sự khởi từ năm 1959), nghĩa là lúc tôi được mười tám và mười chín tuổi. Bây giờ tôi gần 30 tuổi. Bao nhiêu nước chảy trôi phăng qua cầu trong mười năm trời. Bây giờ nhìn lại chặng đường xưa, tôi không ngờ lúc 18 – 19 tuổi tôi lại thông minh dễ thương như vậy, rồi nhớ lại lúc 13-14 tuổi cho đến lúc 16 tuổi, tôi đã xuất bản một quyển, sách về ngôn ngữ học và đã viết trên 20 quyển sách về văn học quốc tế và ngôn ngữ học (trong đó có một quyển mà Nguyễn Hiến Lê đề tựa giới thiệu và ngạc nhiên không ngờ tôi mới 16 tuổi), sau này khi tôi được 18 tuổi thì tôi đốt sạch hết tất 20 quyển ấy!