Thắm Nói: "Trong Nhờ - Đục Chịu"

13 Tháng Ba 201711:30(Xem: 4193)
  THẮM NÓI: "TRONG NHỜ - ĐỤC CHỊU" 
                                                                             

sa di qua do
Qua bờ....

Mỗi lần nhìn thấy dáng người con gái ốm yếu với khuôn mặt hơi hốc hác đầy vết thâm nám ngoài chừng 30 tuổi từ ngoài cổng bước vào và đặt nhẹ chiếc nón lá rách vành xuống ngay một góc tường là tôi biết không ai ngoài Thắm.

Thắm là người đã dạy cho tôi về bài học vô thường ở đời sâu sắc nhất, vì cứ nhìn vào khuôn mặt Thắm mỗi lúc về chùa là tôi đủ biết, hôm nay Thắm buồn hay Thắm vui, Thắm khổ đau hay hạnh phúc. Nói vậy thôi, chứ tôi biết Thắm ít khi nào được vui lắm, vì cuộc đời của Thắm đang mắc kẹt trong cái khổ, khổ đến nỗi mà hai con mắt của Thắm cũng đã mờ đi nhiều lắm vì Thắm khóc, khóc vì những trận đòn roi tàn bạo của chồng.

Chồng hổng có thương Thắm, vì chồng cứ đánh vào đầu, vào mặt Thắm hoài vậy đó, chồng bảo Thắm là vợ, là con gái thì phải xem chồng như cha, như trời.

Thắm khóc, khóc một mình, khóc vì nỗi uất ức mà chịu đựng trong nỗi cô đơn thầm kín của một người con gái không nói nên lời ngoài việc chấp nhận số phận của đời mình.

Hết chồng rồi đến mẹ chồng, cũng có thương Thắm đâu, cũng đánh vào đầu, vào tay, vào mông bầm hết cả người.

Có lần đau quá, Thắm chạy thật nhanh ra ngoài đường vừa đi vừa khóc mà hổng biết đi đâu, vì Thắm đâu còn cha, còn mẹ, còn gia đình nữa đâu mà tìm về để khóc lóc, nương tựa hay than thở như người ta.

Mỗi lần như thế là Thắm về chùa, về ngồi ngay góc cây đa ở chùa mà Thắm khóc trong sự lén lút vì sợ tôi và mấy sư phát hiện thì ngượng và mắc cỡ lắm.

Chồng và mẹ chồng của Thắm có hiểu, có biết là Thắm đau khổ thế này đâu, mà họ chỉ nghĩ là cần phải dạy cho Thắm bài học, bài học làm dâu, làm con hay con ở, chứ có phải là con người với con người đâu.

Tôi thương Thắm nhiều lắm, thương người con gái hiền lành chất phác của Thắm, thương khuôn mặt khắc khổ đen đúa và đầy vết sẹo trên con người của Thắm với những dấu tích của những trận đòn roi cũ và mới.

Nhưng bù lại, Thắm có hai đứa con mà đứa nào cũng thương Thắm, nhất là đứa con trai, tuy nhỏ nhưng mỗi khi thấy cha mình đánh mẹ (Thắm) là nó cứ chạy vào mà cắn lấy tay cha nó để cứu mẹ, rồi nó cũng phải chịu chung những trận đòn vì mẹ, rồi đứa con gái thì khóc, khóc nhiều lắm, khóc vì mẹ, vì số phận của chính mình nữa.

Nên hai đứa ghét cha, ghét bà nội, ghét nhiều lắm. Vì họ đã làm cho mẹ của tụi nó phải khổ, phải tủi nhục, phải mặc cảm với đời. Đứa con trai của Thắm thì nó cứ nói với mẹ, nó sẽ mau lớn, lớn thật mau để sau này nó sẽ bảo vệ mẹ của nó để không còn ai dám ăn hiếp mẹ của nó nữa. Nghe đến đó, Thắm khóc, Thắm ôm chầm lấy hai đứa con mà khóc.

Sau khi lo cho hai đứa con đi học, dọn nhà cửa và lo công việc xong là Thắm lấy cái nón lá để đi về chùa, thường thì Thắm lủi thủi xuống bếp để phụ nấu ăn, để công quả với mấy cô chú Phật tử, mỗi lúc như thế Thắm vui lắm, vì Thắm thấy mình được gần gũi với các sư, sư nào cũng hiền lành, dễ mến, và trưa nào sau khi cúng ngọ xong cũng để dành vài cái bánh ít, cục xôi, hay trái cam, trái mận... đã chú nguyện (tụng kinh) để cho Thắm dùng mà còn để Thắm mang về làm lộc cho hai cháu, khi ấy Thắm cảm thấy hạnh phúc lắm vì Thắm thấy mình được quan tâm, nhất là các sư, sư nào cũng thương, thương cái bất hạnhhoàn cảnh của Thắm. 

Cho nên Thắm cứ nói với lòng, Thắm ước ao sau này Thắm mà có tiền thì Thắm sẽ đem về cúng dường các sư, Thắm sẽ mua cho các sư mỗi vị một đôi dép mới, chứ Thắm thấy mấy sư ai cũng mang dép tổ ong cũ xì mà cái đế mũ thì mòn tới gót chân mà vẫn còn sử dụng, rồi Thắm ước ao thêm sau này Thắm mà trúng số độc đắc thì Thắm sẽ mua cúng dường các sư mỗi vị một cái máy tông đơ để ủi tóc, vì có lần Thắm vô tình thấy tôi và mấy chú nhỏ dùng lưỡi lam để tự cạo nên cứ bất cẩn đứt da đầu chảy máu lênh láng, Thắm nhìn mà sợ hú hồn, hú vía. Rồi Thắm chạy đi lấy muối để cho tôi kiềm máu, rồi Thắm nói - trời đi tu gì mà khổ quá, đúng là "ăn chay xót ruột - cạo đầu tróc da" mà, Thắm chợt thương, thương các sư nhiều lắm, vì Thắm thấy tội nghiệp cho các sư quá, mà Thắm thì lại không có khả năng, nên Thắm buồn và Thắm khóc ngon lành, rồi mấy sư thấy Thắm khóc mấy sư lại cứ tưởng là Thắm lại vừa bị chồng đánh nữa. Chứ ai ngờ là Thắm khóc vì mấy sư, vì thương những người trẻ mà đã biết tu hành trong cảnh thiếu thốn giản đơn nhìn tội nghiệp lắm.

Chiều nay, tôi thấy Thắm lại xách cái nón lá bước vào, khuôn mặt của Thắm đầy máu me đang chảy ra trên trán, tôi hốt hãi bàng hoàng trong trong lát, tôi la toáng lên: - Trời, Thắm bị gì mà máu me không vậy. Vào đây tôi lấy thuốc kiềm máu cho, nghe tôi nói Thắm ra hiệu ngượng ngùng và bảo: - Dạ, thôi sư không sao đâu, con quen rồi. Rồi Thắm khóc, nhìn thế tôi cũng khóc theo.

Rửa vết thương xong, tôi lấy bông gòn và băng keo dán lên trán cho Thắm, tôi bảo: - Trời, con gái con lứa gì mà từ đầu tới chân toàn là vết chân chim không, Thắm cười nhẹ và ngượng ngạo vô cùng.

Tôi chợt buồn mà nói tiếp như ghẹo chọc: - Mà sao lại bị ra thế này. Bữa nào nó chạm mạch là khùng khùng điên điên luôn đó, rồi tôi cười nhẹ.

Thắm bảo: - Chiều nay, chồng Thắm bị thua số đề, mua cái đầu mà nó ra cái đuôi, nên ổng tức, ổng đi uống rượu say mềm về rồi kiếm chuyện nói là do Thắm xui xẻo, ám khí nên mới làm ổng thua, rồi cứ thế mà lấy cái chai rượu ném vào đầu Thắm, may mà Thắm né kịp nên trúng ngay trên trán chứ không là chuyển viện không kịp, kể đến đó rồi tự nhiên hai hàng nước mắt Thắm rơi liên tục xuống đất, tôi biết vì Thắm tủi thân và bất lực trước cuộc sống hiện tại với gia đình chồng.

Tôi nói trong vẻ hơi giận: - Sao Thắm không ly dị ổng đi, chứ tự mình chuốc khổ vào thân chi hoài vậy.

Thắm nhẹ trả lời trong mếu máo: - Ly dị rồi con biết phải đi đâu - về đâu hả sư.

Tôi nói tiếp: - Ủa rồi gia đình cha mẹ của Thắm, người thân của Thắm đâu.

Cứ thế là Thắm bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc đời của Thắm, Thắm nói:

Hồi trước khi ba mẹ Thắm còn sống, gia đình của Thắm khá giả lắm, mẹ Thắm làm Giáo viên, còn ba Thắm thì làm Bác sĩ, cả nhà ở chung với bà nội và Thắm còn có thêm một đứa em trai nữa. Khi đó Thắm đang đi học lớp 10 còn đứa em thì học lớp 7, Thắm được sự thương yêu của gia đình nên cuộc đời Thắm hạnh phúc lắm, Thắm được mặc áo dài trắng thước tha dưới những con phố và những hàng cây của những buổi chiều Sài-gòn nắng nhạt cùng chúng bạn, Thắm được thảnh thơi vui đùa với cuộc sống đầy đủ vật chất và sự hồn nhiên của một người con gái mới lớn, khi đó ai cũng nhìn Thắm cũng khen ngợi Thắm là con nhà có phúc, tiểu thư cành vàng lá ngọc, vì thế mà mấy cậu thanh niên mỗi lần thấy Thắm ra đường là cứ chạy theo sau mà ghẹo chọc, vừa kể cho tôi nghe mà Thắm vừa hồi tưởng trong niềm hạnh phúc giản đơn đầy tế nhị với cặp mắt đăm chiêu đầy luyến tiếc.

Rồi bước ngoặt lịch sử thay đổi, thì cuộc đời của Thắm cũng đổi thay từ đó, nhà của Thắm bị tịch thu, cha mẹ Thắm và cả gia đình bị đưa đi kinh tế mới, Thắm và đứa em thì không còn được đi học nữa. Đêm nào, ngồi trước dưới mái nhà tranh dưới ánh trăng khuya rọi chiếu vào bên khung cửa, ba cũng khóc, ba khóc nhiều lắm, vì ba buồn, ba không còn được làm bác sĩ nữa, mẹ thì không còn được đi dạy, bà nội thì do lo buồn mà trở bệnh nặng trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề. Nhìn cảnh đó, Thắm thương ba, thương mẹ nhưng có biết làm sao, Thắm không còn được đi học nữa, nên Thắm cố gắng đi làm, vì còn nhỏ nên Thắm chỉ đi bán bánh cam dạo để có tiền mua thuốc chữa bệnh cho bà nội và mua gạo nấu cho gia đình.

Ba thì buông xuôi cho số phận, mẹ thì đau buồn và già đi, và cứ thế liên tục là những trận cãi vã cũng chỉ vì tiền, vì đói. Thắm là con gái, là con, là chị của đứa em, Thắm đau khổ lắm khi nhìn ba mẹ, nhìn hoàn cảnh gia đình mình như vậy - kể đến đây thì Thắm không ngăn được dòng nước mắt.

Rồi được vài năm sau thì tình cảnh gia đình ngày càng bế tắc nợ nần, vì ba mẹ phải đi vay mượn khắp nơi để chạy chữa cho nội, ba nói ba không nỡ để nội phải chết, ba muốn nội phải sống, phải sống với gia đình và con cháu, nhưng có tiền đâu mà tiếp tục cứu chữa, thế là nội mất, rồi ba buồn khi không chịu được nỗi tủi nhục của người con trai và không tin vào thực tại nên lúc nào ba cũng uống rượu để quên đi cơn sầu, ba không thấy mình là một Bác sĩ trên bộ đồ Blouse trắng uy phong của thuở nào nữa mà giờ đây là một người đàn ông vô dụng, rồi ba không cam chịu được nên đêm đó ba say rượu về mua xăng đốt nhà khi mẹ và út đang ngủ, còn Thắm thì đã đi lấy bánh để sáng mai bán nên đêm đó ba và mẹ, út đều chết hết cả.

Về tới nhà, nhìn ba, nhìn mẹ, nhìn đứa em thân yêu của mình đang nằm trơ trọi dưới nền đất, lúc đó Thắm chỉ biết kêu gào trong nỗi đớn đau. 

- Ba mẹ ơi! Sao nỡ bỏ con, Út ơi! xin đừng bỏ chị. Chị cô đơn lắm Út ơi! Ba mẹ ơi!

Rồi Thắm giận ba lắm, Thắm không thèm thắp hương cho ba luôn, vì ba là một người đàn ông không như những gì Thắm nghĩ, ba đã giết mẹ, đã giết em của Thắm và để cuộc đời của Thắm phải bơ vơ như thế này, ba có biết là ba mẹ, út chết đi thì sướng rồi, còn Thắm ở lại thì phải chịu trăm ngàn đắng cay, bị người này, người kia ăn hiếp như một đứa con không nhà, không cha, không mẹ, không người thân.

Nhưng rồi Thắm cũng gượng sống từng ngày lặng lẽ một mình, vừa đi rao bán bánh trong đêm ở những con đường vắng mà vừa khóc vì nhớ mẹ, nhớ út, rồi thấy mình cô đơn giữa cuộc đời này lắm, nên nhiều lần Thắm chỉ muốn chết đi cho rồi.

Nhưng đi bán được vài năm thì Thắm tìm gặp được thằng Mã bán vé số, rồi lấy nó làm chồng để có chỗ nương tựa nhưng nào ngờ phận gái thuyền viên trong nhờ - đục chịu. Ai dè nước gì mà đục quá sức tưởng tượng, nên đành chịu thôi!

Chắc cũng bởi vì vậy, mà gia đình chồng coi thường Thắm bởi xem Thắm như người được họ cứu vớt và cưu mang, mà cũng không trách được người ta, vì thân phận đơn côi không cha mẹ người thân hay gia đình thì phải cam chịu phận hèn để mà sống vì con.

Nghe đến đây, tôi vội ngắt lời: - Ai cho Thắm nói như vậy, ở đời thì mỗi người đều có giá trị riêng của họ, không ai có thể tự cho mình cái quyền chà đạp hay xúc phạm lên nhân phẩm của người khác, dù họ là ai và thế nào đi chăng nữa, họ được sinh ra và có một đời để sống, thì mình cũng vậy. Thắm là vợ, là mẹ thì Thắm sống hết trách nhiệm của người vợ và người mẹ của hai đứa con, nhưng không có nghĩa là họ lấy cái quyền làm chồng, làm cha mà chà đạp lên cái quyền làm vợ, làm mẹ của Thắm.

Thắm nhẹ giọng tiếp lời: - Nhưng đời nó vậy rồi, Thắm phải biết làm sao hả sư, cái nghiệp của mình thì mình chịu thôi!

Nghe Thắm nói vậy, tôi cũng không biết phải khuyên thế nào, tôi vội nghĩ: - Nếu khuyên Thắm ly dị chồng, thì chẳng khác nào tôi là Ông sư chảnh choẹ thích xen vào chuyện gia đình của người khác, mà lỡ có chuyện gì thì chắc Gia đình chồng của Thắm kéo tới chùa chửi tơi bời, lúc đó chắc Thầy trụ trì đuổi tôi ra khỏi chùa thì còn bơ vơ đáng thương hơn Thắm nữa, còn cứ để Thắm chịu đựng hoài như vậy thì cuộc đời của Thắm quả là tội nghiệp như đang sống trong cảnh địa ngục trần gian.

Đúng là thân phận con người giữa đời, đôi khi muốn thoát ra cái gì đó mà có được đâu khi họ phải đối diện với trăm ngàn sợi dây ràng buộc từ thể xác lẫn tâm hồn, biết là khổ, là đau mà phải gượng để sống với nó và vì cái gì đó.

Thắm cũng vậy, chẳng khác nào phải cam, phải chịu rồi xem đó là nghiệp, là duyên để tự mình an ủitiếp tục gượng sống.

Suy nghĩ một hồi lâu, tôi nói: - Thôi Thắm dắt hai đứa con trốn đi nơi khác để làm lại cuộc đời đi, chứ đừng dại gì mà tự trói cuộc đời mình vào trong cái khổ như vậy nữa, không chừng một ngày nào đó Thắm sẽ chết dưới tay chồng mình đó, chứ con người mà cứ bị đánh, bị đập như vậy hoài thì làm sao mà sống nỗi. Rồi chồng Thắm nữa cứ sống mà coi thường, chà đạp lên thân phận của người khác như vậy mà còn gì nữa đâu là tình, là nghĩa mà gắn bó với họ.

Thế là, Thắm cũng nghe lời tôi nói, đêm đó Thắm đợi chồng uống say về mê ngủ, Thắm dắt hai đứa con đến chùa, tôi lén lút đập ống heo ra để lấy số tiền mà mình đã dành dụm được từ cô chú Phật tử cúng dường khi đến chùa với định bụng là sẽ để dành mua tập vở mới khi nhập học để phụ với thầy. Tối đó, tôi lén thầy trụ trì ra cổng đứng chờ Thắm và gọi điện cho chú xe ôm nhờ đưa Thắm ra bến xe.

Cầm những đồng tiền tôi đưa, Thắm khóc, khóc nhiều lắm, Thắm cứ nói liên tụccảm ơn sư, cảm ơn sư nhiều lắm, vì đã thương và lo cho Thắm. Rồi Thắm đưa hai đưa con ngồi trên xe cùng với giỏ quần áo để phía trước, Thắm thì ngồi phía sau ôm hai con lại, vừa lau nước mắt.

Chiếc xe ôm bắt đầu nổ máy chạy đi, tôi đứng nhìn theo mà hai dòng nước mắt chảy dài, tự nghĩ: - Trời, có ai là con trai mà lanh chanh như tôi không trời, lỡ có chuyện gì là chết chắc, rồi tôi cũng không biết phải làm gì ngoài cầu nguyện cho Thắm được bình an và tìm được lối thoát cho đời mình, nghĩ vậy xong rồi tôi khóc, khóc ức ức như con nít vậy, chắc vì thương Thắm, thương hai đứa con và thương cho những thân phận con người.

Vài tháng sau, Thắm báo là Thắm đã ổn định rồi, hiện đang ở nhà trọ và đi làm công nhân cho xưởng may nào đó trên Biên Hoà một tháng được 4-5 triệu. Rồi hai đứa con cũng được đi học lại, Thắm ở đây tuy vẫn còn khó khăn thiếu thốn nhưng Thắm thấy bình an, vì không còn sợ những trận đòn roi của chồng và hổng còn bị mẹ chồng chửi mắng ăn hiếp nữa.

Thắm còn khoe: - Tháng này Thắm lãnh lương xong, sẽ đi siêu thị kiếm mua cho tôi cái máy cạo tóc để tôi không còn phải cạo bằng lưỡi lam đứt đầu chảy máu nữa.

Nghe đến đó - tôi khóc.

Tôi bảo: - Ừ, sư vui lắm, nhưng Thắm ở trên đó nhớ rảnh là dắt hai đứa con đi chùa thường xuyên, ở đâu thì mái chùa cũng là nơi chở che và bảo bọc văn hoá tâm linh của con người, của dân tộc mình và để có chỗ nương tựa đạo đức tinh thần, rồi tôi thuyết pháp cho Thắm nghe thêm:

- Con người mà chỉ có vật chất không thì chưa đủ, vì ai mà sống vì vật chất nhiều thì cũng sẽ bị nó làm cho khổ nhiều, nên phải thường xuyên bồi dưỡng đạo đức tâm linh của đời mình để có thêm chỗ nương tựa tinh thần cho những lúc cô đơn, tuyệt vọng.

Thắm vừa nghe tôi nói mà vừa dạ, dạ liên tục rồi cúp máy.

Lòng chợt vui khi biết Thắm đã ổn định và cuộc sống đã bắt đầu nở hoa.

Rồi tôi thầm hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ được bình an khi không bị gia đình chồng của Thắm phát hiện và kéo đến chùa chửi bới tơi bời hoa lá huệ là hạnh phúc nhất đời rồi.

Thắm hỉ, nơi đó bình an hỉ. 

Giác Minh Luật

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Hai 2018(Xem: 3973)
07 Tháng Chín 2016(Xem: 4617)
09 Tháng Tám 2016(Xem: 4800)
NỘI DUNG Toàn quyển Báo Ứng Nhân Quả Lục gồm 25 tiết, mỗi đầu tiết, như ở tiểu thuyết chương hồi của Trung Hoa, ý chánh đều được ghi lại bằng hai câu thơ 7 chữ, ở đây được ghi bằng hai câu 6 chữ. Đọc những câu nầy từ đầu đến cuối sách ta có thể có khái niệm về câu chuyện cũng như về tư tưởng chánh của tác giả.
11 Tháng Tám 2015(Xem: 5170)
Vào đời vua Trần Nhân Tôn, dưới chân núi Thiên Thai có một nhà ẩn sĩ họ Khưu, tánh tình lập dị, không màng danh lợi mà quanh năm chỉ say mê hoa kiểng.
22 Tháng Bảy 2015(Xem: 5950)
Nội dung câu chuyện Sợi tơ nhện tuy chỉ gói ghém một lời răn rất đơn giản về tính ích kỷ, nhưng cấu kết câu chuyện được xây dựng trên cơ sở triết lý Nhân Quả của Phật giáo, những gì đang diễn ra trước mắt vừa là quả của nghiệp chướng trước đó, vừa là nhân của những gì sẽ xảy ra trong tương lai, hay cực đoan hơn, sắp xảy ra ngay sau đó.
18 Tháng Bảy 2015(Xem: 4412)
Chàng họa sĩ giang hồ trở lại ngôi biệt thự ấy vào đầu mùa xuân. Ngôi biệt thự nằm trên một khu đất hình vuông, diện tích áng chừng hai mẫu Tây, bốn mặt tường dựng đứng cách biệt với thế giới bên ngoài. Chàng còn nhớ rõ như in, mặt tiền ngôi biệt thự ngăn bởi một con đường tráng nhựa rộng rãi, là bãi biển với hàng dừa xanh tắp
03 Tháng Sáu 2015(Xem: 7434)
Dòng đời xuôi ngược ngược xuôi, vô vàn các mối tương tác đan xen, thoạt nhìn tưởng như bình lặng nhưng sự thực, chúng đang dệt nên bầu không khí sinh hoạt của xã hội: sôi động, muôn hình nghìn tía lại cũng gai góc hiểm lụy. Hình ảnh chợ đời_cách nói của nhân gian_ sao đắc ý đến vậy!