Chương Một Nẻo Về Chân Tâm

13 Tháng Giêng 201100:00(Xem: 6328)

T U B Ụ I
Truyện dài của Trần Kiêm Đoàn
TITAN Corporation xuất bản 2006

CHƯƠNG MỘT

 Nẻo Về Chân Tâm

 

Khi những con ngựa chiến không còn sôi máu đỏ, khi vó câu dập dồn và tiếng hí hống hách giữa rừng binh lửa chỉ còn là một dư vang của quá khứ, đó là lúc những con tuấn mã đã già. Người ta không nỡ bắt đi kéo xe hay làm thịt nên thả rông cho chúng lang thang gặm cỏ với đám trâu bò hiền lành quen kéo cày, tải xe cho đến khi chấm dứt một kiếp đời thầm lặng. Trên đồng cỏ bình yên, ngựa thồ và chiến mã có khác gì nhau. Có khác chăng là mỗi chiều về cất tiếng hí, âm vang của ngựa chiến vẫn còn chút âm hưởng ngang tàng như còn tiếc thương thuở nghìn bờm gió lộng.

Cuộc binh đao giữa Tây Sơn và Nguyễn Vương chấm dứt trên chiến trường và thanh bình đã đến với lê dân, chim muông, cây cỏ. Nhưng một cuộc chiến mới âm thầm, không biên cương, không tuốt gươm trần và không vang rền vó ngựa lại bắt đầu khai diễn ở chốn cung đình.

Văn thần để khô bút trận. Võ tướng tìm giá treo gươm. Những kiện tướng một thời áo bào thay chiếu, giờ quyết hơn thua lấn lướt nhau, cố kiếm một chỗ quỳ gần vua để được ngài nhìn cho thấy rõ mặt ở sân chầu. Vua chỉ muốn ngắm giang sơn hoa gấm và điện ngọc ngai vàng trước mắt. Vua Gia Long thường tỏ vẻ khó chịu trước những lời nhắc nhở đoạn đường quá khứ, nếm mật nằm gai; vua muốn quên những tháng ngày bị quân Tây Sơn truy kích, cả tôi lẫn chúa phải chia chung mảnh ván qua sông, phải đói khát lênh đênh từ Côn Sơn qua Phú Quốc. Vua chỉ muốn giữ ngai vàng vững chắc và chỉnh đốn giềng mối quốc gia theo khung, theo nếp rạch ròi thuận vị, chính danh: Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử. Những cử chỉ thân mật, gần gũi, góp lời, gợi ý đùa vui như thuở còn bôn ba trên bước đường chinh chiến giờ bị coi là phạm thượng, khi quân. Như quan Thượng thư bộ Lễ đã đôi lần lên tiếng với quan Tổng trấn Bắc Kỳ Nguyễn Văn Thành, cánh tay phải của vua trong mười năm chiến đấu, về thái độ thân mật của ông ta đã làm vua khó chịu, giảm mất thiên uy trước quần thần.

Càng ngày, những văn võ thần một thời giúp chúa Nguyễn làm nên sự nghiệp như Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Khiêm, Nguyễn Thái Nguyên, Lê Quang Định... chia phe kết nhóm, thành những đối thủ của nhau giữa chốn triều đình: Quan thì sợ bị vua thất sủng, vua thì sợ quan làm phản tiếm ngôi, cho nên nghi lễ của triều đình mỗi ngày một nặng nề nghiêm nhặt. Quan chức thì tìm cách dò xét nhau để mật tấu, tâng công.

Trong số những người hiếm hoi chọn lựa thái độ “công thành, thân thoái”, theo gót Phạm Lãi, Trương Lương thuở đó là một vị hoàng thân nổi tiếng tài cao học rộng. Vị hoàng thân sống như một nhà ẩn sĩ tại phủ Ông Hoàng khiêm tốn phía Tây Bắc chùa Linh Mụ, ít người được gặp mặt nhưng hầu như mọi người đều biết tiếng qua tin đồn và giai thoại. “Trí Hải” - là biệt hiệu mà người đời đặt cho ông để chỉ trí óc ông rộng mênh mông như biển cả. Tin đồn rằng trong phủ của ông hoàng Trí Hải không có vàng bạc châu báu mà chỉ chứa toàn sách vở bút nghiên. Sách ông đọc chất cao như núi và mực ông mài để chép sách làm thơ nhiều đến nỗi làm đen thẩm cả nước đại hồ. Trí Hải đam mê sách vở đến độ có những gia nhân phục dịch tại phủ Ông Hoàng đã hơn ba năm mà chưa hề được gặp tận mặt để vái chào chủ nhân lần nào.

Trí Hải là niềm hãnh diện chung của hoàng tộc. Vua Gia Long lên ngôi hoàng đế, thống nhất sơn hà nhưng giới sĩ phu Bắc Hà có khí tiết và tài năng vẫn thờ ơ, không tỏ lòng quy phục vì họ vẫn hoài niệm Lê triều, vẫn hướng về “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Dưới mắt họ, Nguyễn Ánh, nhân vật thời đại có ý chí kiên trì và sắt đá nhưng thiếu cái hào quang bừng bừng sấm dậy của Nguyễn Huệ, mà cũng chẳng xuất thân từ hàng vương tôn hiển hách đất Thăng Long. Trí Hải vô hình chung đã trở thành một đáp số của vấn đề. Trong chinh chiến, ông đã vào sinh ra tử phò vua xưng nghiệp đế. Lúc thanh bình ông quy ẩn không chịu nhận một tước vị quyền bính nào của vua ban cả. Trí Hải chỉ xuất hiện vào những dịp cực kỳ trọng đại của triều đình như trong các dịp quốc lễ thiết đại triều nghi hoặc để tiếp kiến các phái bộ đại sứ thần ngoại quốc. Với dáng dấp uy nghi, kiến thức uyên bác, và tài ứng biện trùng trùng như mây bay nước chảy của ông bên cạnh vua, tuy Trí Hải không nắm giữ một địa vị nào rõ rệt nhưng ông lại được coi như một vị tối uy cận thần. Ông là vị hoàng thân duy nhất được vua đích thân xa giá đến đàm đạo tận tư dinh. Có một thời, nhiều nhân vật tai mắt hàng đầu của hoàng tộc và triều đình coi Trí Hải như là tai mắt của vua. Họ nườm nượp kéo đến tiếp kiến vị hoàng thân để nói tốt người nầy, chê bai người nọ với ước mong đến tai vua cho thỏa lòng ao ước vùi dập kẻ thù hay được hoàng thượng gia ân ban bổng lộc. Nhưng tất cả đã rơi vào im lặng vì Trí Hải đã nghiêng tai thần sấm mà nghe chuyện thế nhân nên chuyện thị phi chỉ là tiếng ồn ào vô nghĩa. “Nhãn để phù vân khan thế sự - Mắt nhìn thế cuộc giống mây trôi”, nên Trí Hải đã được đời trả lại sự cô liêu của một kẻ đứng bên lề.

Đất nước và vương triều trải qua bao đổi thay của buổi đầu dựng nghiệp nhưng vị hoàng thân đó vẫn say sưa vây màn đọc sách. Có chăng một người bạn văn chương là cậu ấm Nguyễn Văn Thuyên, con trai của đệ nhất công thần Trung quân Nguyễn Văn Thành. Ấm Thuyên là một công tử nổi tiếng tài hoa phong nhã của kinh thành Huế đương thời. Thuyên đỗ cử nhân rất sớm nhưng không chịu ra làm quan, mà lập hội Tao Đàn ở phường Đông Ba để tiêu khiển bằng cầm, kỳ, thi, tửu. Trí Hải một thời kết bạn tâm giao với Ấm Thuyên và rất tương đắc trong những cuộc bình thơ, xướng họa, nhưng cái khác của hai tâm hồn đã đưa họ đi xa mỗi người một cõi. Trí Hải với kinh nghiệm thiếu thời đi đó đi đây với giám mục Bá Đa Lộc đã sớm nhận thức được rằng, có một thế giới phương Tây đằng sau chân trời đang bừng bừng trỗi dậy. Có những lối suy nghĩ khác với Luận Ngữ, Trung Dung. Có nhiều cách khác để thể hiện lòng trung quân ái quốc hơn là chỉ biết phủ phục ở sân chầu. Ấm Thuyên cũng cưu mang cái hào khí của tuổi trẻ, nhưng ước mơ xa nhất vẫn chưa ra khỏi xã hội hoàng kim thời Nghiêu Thuấn. Người hùng lui tới cũng chỉ quanh quẩn hình ảnh tráng sĩ cầm gươm lên ngựa hay mài kiếm dưới trăng. Hành động bão nổi cũng không xa hơn Kinh Kha qua bờ sông Dịch. Cảm xúc bi tráng nhất cũng quanh quẩn với tâm sự kẻ sang Tần. Sinh hoạt của Ấm Thuyên và thi hữu trong Hội Tao Đàn trở nên phù phiếm, vui buồn với phong hoa tuyết nguyệt, khóc gió thương mây. Ấm Thuyên càng chiêu mộ những danh sĩ trong giới bút nghiên, Trí Hải càng rút về lặng lẽ, cuốn mình trong vỏ ốc cô đơn.

Năm Gia Long thứ 13 (1814), vụ án “Văn chương phản nghịch” đã làm xôn xao khắp nước và lay động tận gốc rễ giới bút nghiên đương thời của kinh thành Huế.

Nguyên nhân vụ án là cậu ấm Nguyễn Văn Thuyên nghe danh ở Thanh Hóa có hai nhân vật lỗi lạc là Nguyễn Đức Nhuận và Nguyễn Văn Khuê, nên đã làm một bài thơ tâm tình sai người nhà, tên Nguyễn Trương Hiệu, mang thư ra Thanh Hóa và mời họ vào Huế chơi. Bài thơ như sau:

Văn đạo Ái Châu đa tuấn kiệt,

Hư hoài trắc tịch dục cầu ty.

Vô tâm cử bảo Kinh Sơn phác,

Thiên tướng phương tri Ký Bắc kỳ.

U cốc hữu hương thiên lý viễn,

Cao cương minh phượng cửu thiên tri,

Thử hồi nhược đắc Sơn Trung tể,

Tá ngã kinh luân chuyển hóa ky.

 

(Ái Châu nức tiếng lắm nhân tài

Mong ngóng cầu hiền đã bấy nay

Ngọc quý Kinh Sơn tài sẵn có

Ngựa hay Ký Bắc tiếng vang đầy

Hương tỏa hang sâu xa nghìn dặm

Tiếng phượng gò cao chín tầng mây

Sơn Tể phen nầy mong gặp gỡ

Cùng ta xoay chuyển vận đất nầy)

 

Xét về mặt văn chương thuần túy thì đây là một bài thơ hay, mặc dầu hơi sáo ngữ và quá tâng bốc kẻ hiền tài chưa gặp mặt. Tuy nhiên hai câu kết đã bị suy diễn bởi kẻ thù và bởi lòng nghi ngờ âm mưu thoán nghịch thường xuyên và sẵn có trong lòng của vua Gia Long, nên mười bốn chữ oan nghiệt sau chót đã gây nên thảm trạng ngút trời: Đệ nhất công thần Nguyễn Văn Thành phải tự tử trong ngục và con trai Nguyễn Văn Thuyên bị án phân thây.

Sơn Trung Tể là “Tể Tướng Trong Núi”, dựa theo tích Đào Hoàng Cảnh, đời Lương Vũ Đế, học thức uyên bác mà không muốn ra làm quan, vào núi ở ẩn. Mỗi khi vua có chuyện quốc sự phải cho người vào núi tìm hỏi kế. Vì vậy người đời sau đặt là “Sơn Trung Tể Tướng”. Xét về mặt chính trị, thì bài thơ trên đây rất dễ bị xuyên tạc và trở thành lợi khí để hãm hại phe thù nghịch. Cái chết của Nguyễn Văn Thành còn là vì ông xuất thân từ hàng quý tộc, văn võ toàn tài, lại có cậu con trai nối dõi tài hoa. Ông lại có ý coi thường Tả quân Lê Văn Duyệt, xuất thân con nhà dân dã, lại là một họan quan. Oái oăm thay, vua lại giao vụ án cho Lê Văn Duyệt xử nên cha con Nguyễn Văn Thành đã bị hạ ngục ngay tức khắc.

Sau thảm họa Ấm Thuyên, Trí Hải càng nhận rõ hơn cái phù phiếm của sách vở từ chương và cái bọt bèo phi lý của thân phận con người. Đã có tiếng thở dài trăn trở trong thơ ông:

 

Bắt chước người xưa ta vây màn đọc sách,

Ba năm trường không thấy mặt nhân gian.

Khi ngoảnh lại thấy hồn bay mây trắng,

Và quanh ta cỏ dại mọc hoang đường! (P.Đ.T)

 

Rồi đến một ngày đầu Xuân không lâu sau đó, cả kinh thành và hoàng cung nhốn nháo khi nghe tin Trí Hải cùng đám tùy tùng lặng lẽ rời tư dinh trong một cuộc hành trình đi về hướng Tây Bắc, tìm lên núi Huyền Trang cách xa kinh thành cả năm bảy ngày đường.

Theo dõi chuyến đi của Trí Hải, người ta kể lại rằng:

Trí Hải đã vượt suối trèo non tìm lên chùa Từ Vân trên núi Huyền Trang, phía Tây núi Kim Phụng, đến gặp thiền sư Trúc Lâm, một nhà sư nổi tiếng đạo cao đức trọng của phái Liễu Quán thời đó, để hỏi con đường đi tìm chân lý.

Trong hang núi cheo leo chỉ có mây bay và gió thoảng, Trí Hải đến gặp sư Trúc Lâm đang nhập thiền định. Chờ mãi vẫn thấy nhà sư im lìm như tượng đá. Đã ba ngày chờ đợi, vẫn không thấy nhà sư động tĩnh, mặc dầu hơi thở điều hòa chứng tỏ nhà sư ở trong trạng thái tham thiền nhưng tỉnh thức.

Cuối cùng Trí Hải phải lên tiếng:

- Thưa thiền sư, tôi chỉ là một kẻ vô danh, được người đời kêu là Trí Hải. Kẻ hậu sinh vốn xuất thân từ chốn hoàng cung nhưng bình sanh ham mê đèn sách. Suốt 10 năm trường chuyên tâm nghiên cứu, giam mình trong thư phòng, học cho đến khi thuộc làu kinh sử Đông Tây kim cổ với ước mong luận ra con đường cứu đời giúp nước. Nhưng càng ngày, chữ nghĩa càng làm cho tôi hôn mê trong trận đồ bát quái của sách vở từ chương, không tìm ra được con đường tiến thoái để thực sự đi vào cuộc đời. Nay được nghe danh thiền sư là bậc đạo cao đức trọng và đạo Phật của thiền sư là giáo lý cao siêu cứu khổ giúp đời. Bởi vậy, hôm nay tôi lặn lội đến đây xin thỉnh ý thiền sư để mong tìm ra một con đường, không phải là con đường đi vào rừng thiêng của chữ nghĩa kinh sách, mà chính là con đường đi vào cuộc đời.

Sau câu nói đó, Trí Hải xiết bao vui mừng khi thấy sư Trúc Lâm từ từ mở mắt nhìn thẳng vào người viễn khách. Ánh mắt của nhà sư trong như pha lê, sắc lạnh như bảo kiếm và tràn đầy ánh sáng của một buổi bình minh. Vẫn im lặng! nhưng Trí Hải cảm thấy như người đối diện đang nhìn xuyên suốt quá khứ và vị lai của mình qua ánh mắt. Nhà sư mở miệng. Trí Hải nín thở đợi chờ. Nhưng tất cả chỉ là hai tiếng gọn lỏn phát ra từ cửa miệng nhà sư:

- Con gà!

Từ những triền núi thấp thoáng giữa rừng mây khói xa xăm bên kia có tiếng vọng lại:

- Con gà! Con gà! Con gà!

Âm thanh nhẹ như gió lá xào xạc qua rừng cây, nhưng cũng mạnh như hải triều âm dâng lên từ phương Đông huyền diệu.

Trí Hải hồi hộp đợi chờ những lời lẽ minh triết tiếp theo nhưng nhà sư đã từ từ nhắm mắt lại. Ba ngày tiếp theo, núi vẫn núi, cây vẫn cây, và im lặng vẫn chìm sâu trong im lặng. Người viễn khách bâng khuâng tự hỏi:

- Chỉ có vậy thôi sao?!

Trên yên ngựa quay về lối cũ, đoàn tùy tùng chỉ thấy một hoàng thân Trí Hải đầy ưu tư và lẩm bẩm một mình: “Con gà?! Con gà?!”

Tiết Thanh Minh năm Quý Dậu, số người đi dự hội Đạp Thanh ở kinh thành thưa thớt vì tất cả đều tò mò tập trung đến dinh hoàng thân Trí Hải để tham dự hoặc quan sát, theo dõi “Đại Hội Con Gà” sẽ được tổ chức tại đó.

Số là sau khi từ giã thiền sư Trúc Lâm trở về Thái Ấp, Trí Hải đã cho mời tất cả văn nhân, tài tử, học giả nổi tiếng đương thời về dinh để truy tìm cho ra mọi triết lý cao xa có liên quan đến giống gà. Hơn 3 ngàn cuốn sách được đem ra tra cứu. Vô số định nghĩa về gà do hơn một ngàn học sĩ đương thời cống hiến vẫn không làm thỏa mãn vị hoàng thân đang muốn thoát khỏi mê đồ của chữ nghĩa nầy.

Giống gà hiền lương, vô tư đã bị những đầu óc thông thái nhìn qua những cặp kính màu: Màu đỏ của tham vọng, màu xám của hận thù, màu rong rêu của nịnh hót, màu phôi pha của nông cạn, màu âm u của si mê... Con gà sống thực giữa cuộc đời bỗng nhiên mất hút, mỗi khuynh hướng vẽ ra một hình ảnh con gà kỳ dị riêng tư. Con gà đã trở thành một cái cớ để cho người ta bám vào đó mà leo lên giấc mơ khanh tướng, công hầu.

Có nhiều vị khoa bảng đi xa hơn cho rằng gà là một linh vật vì gà là một trong tam sinh để cúng thần linh. Giò gà mang thông điệp của thần thánh nên có người giết gà cầu nguyện để đem giò coi bói với hy vọng tìm ra bí quyết đời mình. Có nhiều nhà thơ, nhà văn lấy làm tiếc và trách nhà sư Trúc Lâm tại sao không nói đến con én mùa Xuân, con quốc nhớ nước, con sơn ca hót lồng lộng trên trời xanh, con hoàng oanh hát chào nhà quý tộc... mà lại nói đến con gà thấp bé tầm thường.

Suốt một tháng trường, Trí Hải càng cố đào sâu về triết lý con gà, trí óc ông lại càng rối loạn vì những mớ lý thuyết bòng bong của những nhà thông thái chỉ biết vùi đầu trong sách vở như ông.

“Đại Hội Gà” là một cố gắng cuối cùng của Trí Hải để bước ra khỏi tháp ngà của sách vở, lý thuyết suông mà đi vào thực tế. Thực tế ở đây là những gì ngắm nhìn và sờ mó được. Trong đại hội nầy, Trí Hải kêu gọi bất cứ ai có những loại gà, giống gà độc đáo và kỳ lạ nhất hãy mang về tham dự đại hội. Đến giờ Ngọ, cái dinh cơ đồ sộ của hoàng thân Trí Hải đã đầy đặc những gà. Hơn 500 loại gà từ rừng núi cho đến đồng bằng, sông biển đều được đem ra đấu xảo. Mọi người xem đều hứng thú: Có những giống gà kỳ lạ như rồng, như phượng, như ác điểu, như chim muông. Chỉ riêng Trí Hải vẫn thất vọng, hờ hững đắm mình trong suy tư. Ông muốn quên đi chuyện “Con Gà” nhưng ánh mắt kỳ diệu và danh tiếng lẫy lừng của sư Trúc Lâm vẫn đè nặng trí óc và tâm hồn ông như một nỗi ám ảnh dằng dặc bám lấy những nẽo suy tư.

Rừng nhân sĩ đã lui gót, đại hội gà đã tàn, Thái Ấp đã trở về nếp sinh hoạt thường nhật với cảnh êm đềm và tịch liêu của nó. Suốt mấy đêm liền Trí Hải vẫn ngồi đăm chiêu trong đêm thâu.

Đêm xuống đã lâu rồi, gia nhân đã mấy lần nhắc hoàng thân dùng trà khuya đi ngủ mà Trí Hải vẫn ngồi yên lặng trong sương đêm. Ông nhìn bầu trời đầy sao, nghe gió về trong lá, cảm nhận cái mát lạnh mơn man của mùa Xuân chín và chìm lắng trong dòng suy nghĩ. Mùi hoa phù dung thoang thoảng cho ông biết đã quá nửa đêm. Ông ngước nhìn những vì sao hiu hắt và thao tức trăn trở cho đến quá canh tư.

Giữa không gian vô cùng và thinh không lắng đọng, tiếng chuông công phu buổi sớm của chùa Thiên Mụ từng tiếng thong thả nối đuôi nhau. Từ lặng im, một tiếng chuông bỗng vang lên, ngân nga, nhỏ dần rồi tắt lịm như biểu hiện cho một kiếp người.

Từ trong Thái Ấp, một tiếng gà gáy sáng vừa cất lên. Tiếng gà gáy như một thứ âm thanh nẩy mầm từ lòng đất, vắt qua bầu trời và rơi vào một thế giới xa xăm. Hồi chuông công phu quyện với tiếng gà gáy sáng có một sức hút lạ lùng làm cho Trí Hải lắng nghe. Tiếp theo là tiếng gà gáy sáng thi nhau rộn rã đủ sức lay động cả bình minh và tâm hồn Trí Hải. Có tiếng gà thanh thoát cao vút với nhiều cung bậc u trầm như tiếng hò ru con của người cô phụ. Có tiếng gà trong suốt mời gọi tươi vui. Có tiếng gà vừa cất lên đã vội vàng rơi xuống. Có tiếng gà khàn khàn như tiếng ho hiu hắt của cụ già. Trong một khoảnh khắc thời gian, trí óc của vị hoàng thân lênh đênh, chơi vơi rồi bùng vỡ ngập tràn ánh sáng. Ông ngạc nhiên nhìn lại chính mình rồi tự hỏi:

- Ta là ai? Ta chỉ là thân xác của một đứa trẻ sơ sanh với linh hồn một cụ già đã chết? Hay ta là một sinh vật vô cớ rớt xuống giữa đời và mọc mầm, đâm nhánh, ăn ngủ, làm việc rồi theo thời gian lụi tàn như một thân gỗ mục? Ta hiện hữu giữa đời mà đời không hiện hữu ở trong ta? Tại sao mấy chục năm qua ta chưa hề nghe được một tiếng gà gáy sáng? Phải chăng chỉ vì ta quên hiện tại rồi loay đào bới một dĩ vãng xa xăm và sống mơ mộng cho một tương lai chưa đến nên đã bao năm qua ta không biết trên đầu có một bầu trời xanh, bên cạnh ta có những con người thân thương đang sống, và trong xóm kia có những tiếng gà?

Tiếng chuông chùa vẫn ngân nga trong gió, tiếng gà vẫn rộn rã trong sương, Trí Hải cảm nhận sự hiện hữu của thế giới, của chính mình và bỗng nhiên cảm thấy một niềm hạnh phúc vô biên tràn đầy trong hơi thở.

- Cuộc đời chính là đây! Sao ta chưa vào đời? Trí Hải đứng bật dậy đúng lúc người hầu cận trung thành vừa bước đến, cất giọng kính cẩn:

- Bẩm hoàng thân đại nhân, trời đã sáng. Xin mời ngài dùng chén trà sen kẻo nguội.

Trí Hải cười vui thành tiếng, nói với người hầu cận:

- Này lão nhân! Ngươi cũng thức trắng đêm với ta sao? Ô! Trà thơm quá, ngươi ngồi xuống uống với ta một chén đi nào.

Lão hầu cận mở to mắt, nhìn kỹ người đối diện để xem cho rõ đây là người giả hay người thật. Đã bao nhiêu năm hầu cận vị hoàng thân nầy, người lão bộc sống trung thành và âm thầm như chiếc bóng. Đối với lão, Trí Hải thật phải là một người lạnh lùng, đôi mắt lúc nào cũng chăm chăm vào trang sách, ra lệnh cho lão bằng những cái vẫy tay và lắc đầu hay gật đầu nửa vời mệt mỏi. Bỗng dưng hôm nay lại xuất hiện một Trí Hải biết cười, biết khen trà thơm và lạ lùng hơn nữa là mời lão cùng uống trà. Người lão bộc chỉ có thể phản ứng bằng những lời dè chừng:

- Bẩm đại nhân, kẻ lão nô nầy không dám...

Trí Hải bật cười thành tiếng, đùa vui vời ông lão:

- Ông lão đừng sợ. Đêm qua ta thức suốt đêm nên nghe được tiếng gà. Tiếng gà gáy như một sự nhắc nhở rằng, có lão bên cạnh ta. Trà tam tửu tứ, ta cần một người đối ẩm dù chỉ là một chung trà. Nào, lão ngồi xuống đây, chúng ta cùng uống trà để chung vui một ngày mới.

Thoái thác không được, ông lão đành im lặng nhấp chén trà để vui lòng chủ.

Trong cuộc đối ẩm bất đắc dĩ, ông lão toàn “Dạ, thưa…” và chỉ trả lời cung kính vừa đủ lời, đủ ý mỗi khi được hỏi, thế nhưng đối với Trí Hải lại thích thú vô cùng. Ông đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác khi khám phá ra rằng, vị lão nô âm thầm như chiếc bóng bên cạnh ông mấy chục năm qua không phải là một thứ vật dụng trong nhà biết cử động mà là một con người có suy tư và chia sẻ.

Bao nhiêu năm qua, người lão bộc và vị hoàng thân sống kề cận nhau như hình với bóng nhưng chưa một lần nhìn thấy nhau. Vị hoàng thân như một hòn núi thái sơn sừng sững nhưng lạnh lùng và cô quạnh. Người lão bộc như một khe suối nhỏ nhoi róc rách chảy dưới chân cầu. Sự “khai ngộ” hôm nay như một trận đại hồng thủy để cho khe suối và núi cao biết nhau rằng, mỗi giọt nước tầm thường đều mang tính chất của đại dương và mỗi ngọn núi uy nghi đều đến từ hạt bụi.

Mãi uống trà và trò chuyện, mặt trời đã mọc quá cây sào. Biên giới ngăn cách giữa ông lão và vị hoàng thân dần dần nhỏ lại. Đến gần trưa thì những người dân trong Thái Ấp đã thấy hai người khách lạ có dáng dấp quý tộc nhưng ăn mặc tầm thường giống nhau, một già, một trẻ đi bên nhau vào tận mỗi thôn cùng xóm vắng của những vùng lân cận kinh thành.

Vốn khao khát cuộc sống và yêu thương con người đến quặn mình, Trí Hải cố gắng phá tung những chấn song của chiếc lồng son quý tộc đã nhốt ông hơn nửa cuộc đời. Cần phải gọt dũa lớp vỏ thô cứng đóng thành hào lũy giữa bình dân và quý tộc để xây dựng tín hiệu giữa quần chúng và kẻ cầm quyền, đó là tín hiệu của trái tim. Dần dà, Trí Hải đã học được tiếng gáy của con gà, đó là tiếng gáy hồn nhiên, trong sáng, gần gũi, thân thương không ẩn chứa một mặc cảm, một định kiến, một mưu mô đen tối nào cả.

Sau vụ gặt hái tháng Tư, những người nông dân trong Thái Ấp bỗng xôn xao và hoảng hốt khi họ biết rằng “ Cậu Ấm lỡ thời,” cái tên thân mật dành cho người thư sinh tuổi trung niên hàng ngày gần gũi, chuyện trò, hát dặm với trai làng, chia sẻ với các cụ già, đùa vui với đàn trẻ nhỏ, chính là hoàng thân Trí Hải, vị chủ nhân tối cao của Thái Ấp mà họ trước đây chỉ nghe tên chứ chưa từng biết mặt.

Từ khi khám phá ra người đàn ông nhân hậu, xuề xòa đó là hoàng thân Trí Hải, mối giao tình hồ hỡi, thân thương giữa nhà đại quý tộc và quần chúng bình dân mới chợt loé lên đã chìm hẳn lại. Trí Hải đi đến đâu mọi người đều e dè, cung kính, xa cách vì sợ mang tội bất kính. Cái biên cương giữa bình dân và quý tộc đã do lịch sử xây lũy, đắp thành cao chất ngất đâu dễ gì phá đi một sớm một chiều. Trí Hải muốn bước vào đời nhưng vẫn đi bên cạnh cuộc đời. Giới quý tộc và bình dân chưa thể nhận ra nhau vì họ không nói cùng chung một ngôn ngữ, không cùng một suy tư và cũng chẳng chung nhau những nỗi vui buồn qua tiếng cười hay tiếng khóc.

Những đêm dài trăn trở lại đến. Tiếng chuông công phu chùa Thiên Mụ vẫn thanh thoát, tiếng gà vẫn giục giã đầu thôn nhưng Trí Hải lại phờ phạc với nỗi bơ phờ của người lạc bước giữa cuộc đời tầm thường mà cuốn hút nầy. Ông muốn đưa cả hai cánh tay ra cho đời bắt lấy, nhưng đời lại lạnh lùng và cung kính khước từ. Trí Hải có cảm tưởng chơi vơi như mình là kẻ ngồi ở đầu non để nhìn khe suối róc rách reo vui dưới lưng đèo. Thèm một ngụm nước trong lành, nhưng khi xuống lưng đèo thì nước rút xuống đồng bằng và khi cố tới đồng bằng thì nước lại trôi xuôi về biển.

Lại vang vọng trong đêm thâu tiếng chuông Thiên Mụ. Tiếng chuông như hữu tình mà vô ngã vì thế sự thăng trầm mà muôn năm tiếng chuông vẫn thế; chẳng biểu cảm mảy may hay đeo chút buồn vui nhân thế.

 

***

 

Chùa Từ Vân lặng lẽ đón hai người khách cũ đã mệt nhoài vì sương nắng đường xa. Trí Hải và lão bộc âm thầm khăn gói lên đường tìm sư Trúc Lâm. Vẫn chỉ là núi rừng và khung cảnh cũ nhưng cái lạnh của núi rừng nhức buốt từng thớ thịt mà sư Trúc Lâm vẫn tham thiền trong tư thế kiết già với mảnh áo choàng đơn sơ. Đợi đến ngày thứ ba, Trí Hải mới đến bên nhà sư lên tiếng:

- Thưa thiền sư, theo lời của ngài, tôi đã học được tiếng gáy của con gà; mở lòng thật rộng và cúi mình thật thấp để gần gũi với lê dân nhưng rốt cuộc tôi vẫn bị tách rời đứng bên lề trơ trọi. Vì vậy, tôi trở lại đây để xin theo thiền sư học hỏi. Lần nầy chưa tìm ra hướng đi tôi quyết sẽ không xuống núi trở về. Xin thiền sư nhủ lời chỉ bảo.

Sư Trúc Lâm nhìn dịu dàng vào đôi mắt của người viễn khách, môi nở nụ cười mát rượi và bao dung như giọng nói ấm áp thật bất ngờ:

- Thiện hữu, mời người ăn trước đã.

Trí Hải thắc mắc:

- Thưa thiền sư, ba ngày qua tôi đã ăn nhiều bữa và ăn no lắm rồi.

Nhà sư trả lời và nhắm mắt vào thiền định:

- Không! Thiện hữu chỉ gắng nhét cho đầy bụng chứ chưa ăn.

Trí Hải lui về nhà trai khi bữa cơm chay buổi chiều đã được người lão bộc dọn sẵn chờ đợi. So với những bữa ăn hàng ngày thịnh soạn của một ông hoàng thì bữa cơm chay đạm bạc tại một ngôi chùa heo hút trong rừng sâu như chùa Từ Vân nầy trông nghèo nàn đến tội nghiệp. Trí Hải lặng lẽ ngồi xuống cầm đũa, nhìn chén cơm bốc khói trước mặt và còn nghe văng vẳng lời vọng như chuông vang của nhà sư “Thiện hữu chỉ gắng nhét cho đầy bụng chứ chưa ăn!”. Trí Hải cầm đũa, nhắm mắt hít một hơi dài như muốn tập trung tất cả mọi cảm giác vào cái “ăn”. Mùi cơm dìu dịu nhẹ nhàng len vào khứu giác và lần đầu tiên ông ngạc nhiên hỏi người lão bộc đứng bên cạnh:

- Cơm hôm nay nấu bằng loại gạo gì mà lại thơm ngào ngạt như vậy?

Đến lượt ông lão ngạc nhiên:

- Bẩm tôn ông, chùa nghèo không có gạo de An Cựu hay gạo Nàng Hương như ở dưới phủ nên phải nấu tạm cơm gạo hẩm. Gạo nầy là gạo xấu nhất trong các loại gạo đó ạ.

Trí Hải gật gù và miếng cơm vào miệng, gắp rau rừng chấm với nước tương. Ông vừa nhai vừa cảm nhận được vị ngọt và bùi của cơm. Vị rau rừng vừa ngọt vừa pha chút chua chua chát chát, rau luộc xanh thoang thoảng như mùi lan núi. Những hạt tương đậu nành vỡ ra, mặn mà và ngọt lịm trong từng kẻ răng.

Trí Hải khám phá ra một thế giới nhỏ bé nhưng kỳ diệu trong từng miếng ăn. Ông như một đứa trẻ mới được bú giòng sữa Mẹ Thiên Nhiên lần đầu trong đời. Ông quên mùa đông giá lạnh bên ngoài, quên người lão bộc đứng hầu bên cạnh, quên tất cả những chân trời mơ ước cao xa. Ông nghe được cả những cảm giác run run phập phồng trong thân thể mình đang náo nức đón lấy nguồn sống từ hạt đậu, miếng cơm. Nước mắt ông ứa ra vì biết ơn những bàn tay đã làm ra hột gạo, trân trọng những mạch đất đã nuôi lớn cọng rau.

Người lão bộc dọn dẹp mâm cơm với chén dĩa sạch trơn và nghe Trí Hải nói với bóng mình: “Tội nghiệp mình! Bao năm qua ta chỉ nhét thức ăn cho đầy bụng, bây giờ mới được ăn!”

Sáng hôm sau, Trí Hải đến gặp sư Trúc Lâm. Ông đã hơi quen với không khí tĩnh lặng trong ngôi chùa cổ kính này. Ông không còn thấy khó khăn khi nói với nhà sư như nói với một bức tượng:

- Thưa thiền sư, tôi đã ăn và đã hiểu lời dạy của ngài: “Có thì có tự mảy may. Khi không cả thế gian này cũng không.”

Sư Trúc Lâm lại mỉm cười. Nụ cười trong sáng và dễ dãi quá, không ẩn chứa một gợn phê phán, khen chê. Nhà sư hỏi Trí Hải, giọng vô tư nhưng tha thiết như nói với một đứa trẻ lạc đường:

- Thiện hữu có thấy con cọp nằm và con công múa ở đâu không?

Trí Hải trả lời thành thật:

- Từ dưới nhà trai lên núi tôi chẳng thấy gì cả.

Nhà sư nói tiếp trong dáng cười chưa tắt:

- Vì thiện hữu chỉ nhìn mà không xem nên chưa thấy!

Vốn đã quen dần với lối nói của nhà sư, Trí Hải còn hoang mang nhưng biết hỏi thêm cũng vô ích nên rời chùa, trở lại khu nhà trai dưới chân núi. Ông uống tách chè xanh và lững thững bước ra ngoài.

Núi rừng mùa Đông lạnh và trơ vơ nhưng lại mang vẻ đẹp lão tùng chịu đựng tuyết sương. Lá khô trải thảm dày trên đá sỏi. Nắng đã lên nhưng chưa thắng nổi sương rừng và gió núi nên cả không gian và thời gian nơi này còn nhuộm trắng tóc mây. Trí Hải nhìn quanh, chân trời xa bị mây và sương che khuất nên mắt ông đậu trên từng phiến đá, gốc cây. Ông không biết đi đâu, không có một cõi đi về hay đâu đâu cũng là cõi đi về nên chẳng bước vội. Rừng vắng quá nên ông nghe cả tiếng bước chân mình dẫm xào xạc trên lá. Bước chậm quá nên ông thấy bàn chân mình dò dẫm tìm đường trên mặt sỏi. Một cảm giác mát lạnh và bình an đi từ gan bàn chân chuyển dần lên mắt, lên tóc nên ông thấy bình thản lạ lùng trong suy nghĩ và trong vắt trong mắt nhìn.

Xa, rất xa, trong vầng sương nắng ẩn hiện, ngọn núi đá màu xanh thẩm và tím ngắt hiện ra sừng sững trên nền trời trắng đục làm Trí Hải bàng hoàng giật mình. Rõ ràng trước mắt ông là trái núi hổ phục - hình con cọp nằm - mà sư Trúc Lâm nói đến. Chờn vờn phía đuôi “con cọp” là triền núi xẻ ba, cây mùa đông có đám lá rụng trơ xương, đám màu xám, màu đỏ, màu vàng, màu xanh trông giống hình một con công đang múa. Trí Hải chân vẫn cất đi nhè nhẹ, thần trí lâng lâng, mắt không rời “con hổ nằm và con công múa” đẹp lãng đãng và phiêu bồng với mây núi như một kỳ quan. Cái đẹp thiên nhiên cuốn hút con người làm cho Trí Hải ngỡ như mình đã hoà tan với đất, không biết mình đang hóa thành cây cỏ hay cây cỏ là hiện thân của chính mình.

Ông sực tỉnh để nhận ra thằng người nhỏ bé của mình khi chân bước lên tam cấp của chùa. Sư Trúc Lâm đã đứng đó tự bao giờ. Hai người nhìn nhau không lên tiếng, “đối diện đàm tâm”. Im lặng rất lâu nhưng nhà sư và viễn khách đã nói với nhau hàng ngàn câu chuyện.

Nắng đã lên cao. Trí Hải ngước lên nhìn sư Trúc Lâm mỉm cười và nhà sư gật đầu. Im lặng. Chia tay.

Cũng vẫn là con đường cũ mà khi về lại Trí Hải có cảm tưởng như mới đi lần đầu. Trước đây, con đường chỉ là một phương tiện để tìm đến với sư Trúc Lâm nên chân bước trên đường mà đầu vẩn vơ nghĩ về phương trời khác. Nay cũng trên con đường rừng gập ghềnh ấy, nhưng khi bước lên sỏi đá, Trí Hải biết mình đang bước, đang sống thực và làm chủ lấy bước chân của mình. Lần đầu tiên trong đời, ông vừa đi vừa nhìn cảnh vật và sự sống chung quanh. Ông ngắm những con sáo núi làm tổ trên cây phong và thấy được con đường chập chùng xa lắc nầy tiếp nối bừng lên sự sống. Ông cũng thấy mình đang sống, đang bước đi thanh thản như con kiến đang bò trên đường dài.

Về lại Thái Ấp sau một cuộc hành trình xa, Trí Hải cảm thấy một cái gì vừa đổi khác. Ông tạt qua ruộng lúa, vườn cà, nương khoai... ngỡ ngàng và thú vị như người từ thế giới khácvừa mới đến trái đất lần đầu. Ông ngồi xuống nâng niu từng chồi non, từng đọt bông, từng ngọn lá. Gặp người dân Thái Ấp ông nhoẻn miệng cười dễ dãi và bắt chuyện với họ tự nhiên như những người bạn cũ thân thương. Ông không còn cảm thấy mình cao hơn họ và cũng chẳng thấy mình thấp hơn họ. Ông chỉ thấy mình cũng là một con người có đủ tính chất vui, buồn, hờn, giận... như muôn ngàn người khác, thế thôi.

Chính lúc Trí Hải không bắt chước mà sống thực hồn nhiên như tiếng gáy con gà thì cũng là lúc ông đã quên đi bản thân mình là ông hoàng, là chủ Thái Ấp, là người đã ba năm vây màn đọc sách, là nhà quý tộc muốn cúi xuống thật thấp, “hạ cố” đi vào cuộc đời và bị cuộc đời quay lưng từ khước. Khi ông thôi không còn quay quắt vào đời thì chính cuộc đời tự động mở ra và vây bủa lấy ông. Người dân Thái Ấp đã nhận được tín hiệu từ trái tim nên tự động tìm đến với Trí Hải. Họ vẫn dành trọn vẹn cho ông lễ nghi, cung kính nhưng không còn sợ hãi vì mối giao tình phát khởi từ những tấm lòng chân thành và nhân hậu với nhau, đó là sự tương kính gần gũi và yêu thương.

Tiếng chuông công phu chùa Thiên Mụ đêm đêm rót vào bầu trời xứ Huế đã mấy trăm năm, nhưng chuông vẫn không cạn mà Huế cũng chẳng đầy.

Suốt mấy mươi năm, Trí Hải đã nghe quen tiếng chuông nên dần dần không còn nghe nó nữa, như những đứa con xứ Huế khôn lớn còn mấy ai nhớ mùi sữa mẹ đọng trên vành môi. Tiếng chuông ngân vẫn u trầm dìu dặt nhưng không một giọt chuông nào rơi vào hồn Trí Hải vì lòng ông đã đầy đặc chuyện đời, trí ông đã ngổn ngang trăm mối. Khi tâm thức không còn khoảng trống cho hiện tại và mất đi sự ngạc nhiên tươi mát trẻ thơ thì tiếng chuông hay tiếng đồng vọng của đất trời cũng chỉ là dư âm dội vào tường gạch vỡ.

Sau “Đại Hội Con Gà”, tiếng chuông Thiên Mụ cùng với tiếng gà đánh thức bình minh lại nhen nhóm trở về với Trí Hải. Tiếng chuông giọt ngắn giọt dài rơi vào lòng ông lúc nầy cũng như những giọt mưa đêm rơi vào lòng biển động. Mất hút, lạnh lẽo, mù sương. Ông nôn nao dậy sóng đi tìm một nghĩa sống cho đời trong khi tiếng chuông vẫn khoan thai, thanh thản, vô tình trôi như chiếc thuyền nan trên sông Hương trước chùa Thiên Mụ. Có lúc ông say đắm bằng nỗi đam mê vụng dại với tiếng chuông, nhưng cũng có lúc ông giận hờn, bất mãn vì tiếng chuông quá thản nhiên trước những thao thức trăn trở của con người. Ông muốn tiếng chuông phải “đeo sầu”, phải có cái “ngã” trong khi tiếng chuông lại hoàn toàn vô ngã.

Cũng vẫn là tiếng chuông Thiên Mụ của trăm năm trước, cũng vẫn là tâm hồn Trí Hải của trăm năm sau sao bây giờ lại khác. Trí Hải sống với tiếng chuông như sống với một em bé nhỏ hay một bác nông phu. Chuông và người cùng sống, cùng ăn và cùng thở. Đêm khuya ông vẫn nói chuyện rì rào với chuông. Ông hiểu chuông hơn bao giờ hết. Trí Hải không cần phải thức khuya dậy sớm mới nghe được tiếng chuông khi trong lòng ông có nắng hòa với tiếng chuông sâu thăm thẳm phát khởi tự tâm hồn.

Ông nghe tiếng gió từ muôn phương. Ông thấy cành trúc từ vạn cổ. Ông cảm tiếng chuông từ tám hướng. Ông nhận tiếng gà từ làng thôn. Tiếng gió, cành trúc, tiếng chuông, tiếng gà và lòng người gặp nhau từ vô ngã.

Có một ngày, người lão bộc nghe vị chủ nhân gõ vào sừng trâu mà hát:

 

Gió đưa cành trúc là đà,

 Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.

 

Hát ngêu ngao như một người lãng tử và chơi đùa với đám mục đồng như thuở ấu thơ. Trí Hải được sống ngây ngất với từng giây phút trôi qua mà không một chút tiếc nuối với cuộc đời quá dài hay quá ngắn. Đầu óc ông trở nên khoảng khoát như một bầu trời mơn man mây trắng và lòng ông tĩnh lặng như ánh trăng vằng vặc trên đồi xa. Rừng sách vở vẫn còn là một dấu ấn chưa phai nhưng đã được phủi bụi và được xếp vào ngăn riêng của nó. Nhờ vậy, ông đã bắt đầu tập nói chuyện triết lý cao siêu bằng ngôn ngữ chất phác và đơn sơ như nói vè hay kể chuyện Tấm Cám. Dường như đôi khi ngôn ngữ là một phương tiện nghèo nàn, bất lực và yếu đuối trước im lặng suy tư. Lý sự là chiếc ghe chòng chành mà im lặng là chiếc cầu vững chãi để qua sông, giòng sông tư tưởng có bờ bên nầy là bão nổi bon chen tuyệt vọng và bên kia là trầm tư tĩnh lặng tuyệt vời.

 

***

 

Có đám bụi đất đỏ của đàn trâu đạp lúa đang về và có đám bụi mù của vó ngựa phi nhanh trên đường quê Thái Ấp. Đối với Trí Hải thì đám bụi nào cũng giống nhau, vó trâu hay vó ngựa cũng chỉ là những bước đi dấy lên từ đất, nhưng đối với người dân Thái Ấp thì vó ngựa có người kỵ mã mang lệnh bài của triều đình là một biến cố. Mọi người lập tức dạt ra hai bên đường và dắt trâu nép xuống bờ ruộng cho tuấn mã với kỵ sĩ gò mình trên yên phi nhanh về phía dinh ông hoàng. Trí Hải đang kể chuyện về giống vịt trời cho đám trẻ con chen lấn nhau, hoác miệng cười vang bên bờ ruộng. Ông cung tay thi lễ đón nhận lệnh của vua triệu vào cung khẩn cấp với vẻ bình thản như nghe chuyện xảy ra hàng ngày trong Thái Ấp. Điều đó đã làm cho mọi người và ngay cả sứ giả ngạc nhiên đến độ sững sờ. Một Trí Hải nghiêm trang, trịnh trọng, lạnh lùng và cách biệt không còn dấu vết nơi ông. Trước khi bước lên cỗ xe song mã lộng lẫy của triều đình vào nội thành, Trí Hải còn vui cười vẫy lũ trẻ sợ hãi ngồi im thin thít hay chạy biến loanh quanh để dặn dò lúc về ông sẽ kể tiếp chuyện vịt trời.

Trên đường vào đại nội, vị quan bộ lễ đi rước hoàng thân kể rằng, sau vụ án “văn chương phản nghịch” ấm Thuyên, vua bị mang tiếng là bạc đãi trung thần và khắt khe với hiền sĩ. Vua cố tìm cách lấy lại niềm tin của giới nhân sĩ Bắc Hà bằng cách cho vời vào cung một phái đoàn nhân sĩ đất Thăng Long. Nhóm nhân sĩ, gồm nhiều nhân vật danh tiếng và các học sĩ lừng lẫy xứ Bắc, vào Huế để được thấy tận mắt uy thế của thiên triều và giang sơn hoa gấm của đất Thần Kinh. Trong hơn mười ngày qua, giới nhân sĩ Bắc Hà không làm vua hài lòng vì họ vẫn xa cách và lạnh nhạt trước những tiểu yến và đại yến được mở ra tưng bừng để chiêu hiền đãi sĩ. Với quyền uy thiên tử, chém đầu ba họ thì chỉ cần một cái gật đầu, nhưng chinh phục được lòng người thật khó. Thế nhưng, bên cạnh lớp hủ nho miền Bắc xun xoe nịnh bợ để mưu cầu áo cơm và chức tước lợi danh mà thời nào cũng có, giới sĩ phu ưu tú đất Thăng Long không khuất phục trước quyền thế, không mờ mắt trước hư danh, không dễ dãi chấp nhận những lời biện thuyết của giới học sĩ Đàng Trong. Sự từ chối lời mời ở lại phò vua, giúp nước của họ đã làm cho cả triều đình Huế vừa bối rối vừa ngấm ngầm tức giận, nên mọi hy vọng đang đổ dồn vào Trí Hải…

Đại yến đang mở ra tại Ngự Viên. Đội ngự binh gươm giáo sáng lòa. Các quan trong phẩm phục đại yến. Gấm màu, lụa là thêu, áo mũ gắn hột cườm, mã não và đồ trang sức quý giá lóng lánh như ánh sao. Cung tần, thị nữ đẹp rực rỡ và thơm mát như những hình hài không có thật ở trần gian... Bỗng mọi người đều “ồ” lên kinh ngạc khi Trí Hải bước vào. Một hoàng thân Trí Hải có dáng đi đường bệ với khuôn mặt nhìn thẳng lạnh lùng trong phẩm phục triều nghi có thể chói lòa trong đêm tối đâu rồi. Một Trí Hải khác có dáng đi khoan thai, khuôn mặt vẫn thanh tú nhưng màu da trắng xanh nay trở thành rám hồng vì nắng gió. Nét cười khoan hòa dễ dãi và đôi mắt tinh anh nhưng lại ấm cả vùng trời đang đậu trên từng người quen và khách lạ. Áo quần đơn sơ mà thân thiện như người nông dân đi ăn giỗ. Một thoáng xôn xao nổi lên trong đám nhân sĩ Bắc Hà. Người ta tự hỏi, một vị hoàng thân tiếng tăm như Trí Hải lại là một người bình thường và đơn giản đến thế sao.

Buổi đại tiệc bắt đầu khi xa giá của nhà vua ngự đến. Những lễ nghi quan cách rườm rà lúc đầu từng bước nhường lại cho mục đích chính của buổi ngự yến là cuộc đấu trí tay đôi giữa nhân sĩ Bắc Hà và giới học sĩ đất Thần Kinh nhằm thuyết phục khách Thăng Long ở lại ra tay phò vua giúp nước. Các Văn minh điện đại học sĩ, Võ hiển điện đại học sĩ, Cần chánh điện đại học sĩ cùng các danh gia, danh sĩ Thần Kinh đối mặt với sĩ phu Bắc Hà trên chiến trường trùng điệp, võ trang bằng lý thuyết và tư tưởng của Bách gia Chư tử. Khi hai bên đều có kẻ tung người hứng không để hở đường tơ kẻ tóc thì Trí Hải và Lê Trung Ẩn, thủ lãnh sĩ phu Bắc Hà vẫn ngồi im lặng lắng nghe. Hai phe chưa ai nhường ai nửa chữ. Đêm trôi dần, cuộc đấu xoay chiều đến hồi gay cấn qua chuyện “chính danh”. Dù lời lẽ bóng bẩy nhẹ như tơ trời, dù sự ngụ ý xa xôi như sao khuya leo lắt, nhưng ai cũng hiểu là hai phía đang nói đến vương mạng của nhà Lê và nghiệp đế của nhà Nguyễn. Mọi con mắt đều đổ dồn về phía Trí Hải và Lê Trung Ẩn khi luận bàn chuyện “tiếm quyền và tiếm văn”. Phía nhân sĩ Bắc Hà thì cho rằng, chỉ có câu ca dao duy nhất phát xuất từ miền Bắc:

 

Gió đưa cành trúc là đà,

 Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương.

 

Và đời sau có người thêm vào hai câu để cho nguồn mạch ca dao hoàn chỉnh hơn. Nhưng hơi hướm “bác học” trong hình ảnh của hai câu ca dao “con” đã làm lạc điệu tính dân gian cỏ nội hoa đồng hồn nhiên, nên không được yêu chuộng bằng hai câu “mẹ”:

 

Mịt mùng khói tỏa ngàn sương,

 Nhịp chày An Thái, mặt gương Tây Hồ.

 

Giới học sĩ Thần Kinh thì lại dùng mọi luận chứng lịch sử để cho rằng, chỉ có một câu ca dao xuất phát từ Huế, sau khi chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Hoàng cho khởi công xây dựng vào năm 1601:

 

Gió đưa cành trúc là đà,

 Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.

 

Vô hình chung, Trí Hải và Lê Trung Ẩn biến thành thủ lãnh của hai phe. Thế nhưng im lặng kéo dài. Mãi đến khi nhà vua lên tiếng gọi hai người ngõ lời, Trí Hải mới đứng lên. Mọi người như nín thở chờ đợi những lời minh triết cao siêu, những biện giải hùng hồn như sấm dậy do vị hoàng thân uyên bác nầy sắp sửa nói ra. Trí Hải mỉm cười nhìn Lê Trung Ẩn và đồng thời cũng bắt gặp nét cười trả lại. Hai nét cười tỏa hào quang của sự đơn sơ như cỏ nội hoa đồng, của sự cảm nhận sâu xa và trọn vẹn. Hai lối nhìn tinh anh, sâu thẳm nhưng nhu hòa không gợn một chút thách đố khen chê. Trí Hải đọc mấy câu thơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ nói với vua Trần Nhân Tôn về cái tâm tĩnh lặng, vô ngã:

- Giữa ba nghìn thế giới,

Có chung một nụ cười.

 Trăm nhánh sông vô ngã:

 Chung một giòng ra khơi.

 

Thiên Mụ, Trấn Võ, Thọ Xương... đều là tên đặt, là danh từ, là huyễn tướng. Tên sông không phải là giòng sông, tên đường không phải là con đường, ngón tay chỉ mặt trăng không phải là mặt trăng. Cho nên, tranh nhau cái tên gọi là hoàn toàn vô ích, phù phiếm. Tiếng gió lao xao qua cành trúc, tiếng chuông, tiếng gà đến và đi từ vô ngã, không lời. Chấp ngã, nhiều lời sinh ly tán!

Nhiều người thở dài thất vọng. Với họ, Trí Hải đã mất đi khả năng hùng biện khóa lưỡi kẻ đối đầu. Trí Hải đã mất tài bẻ gãy mọi lý luận của địch thủ sắc bén như chẻ tóc làm tư.

Mọi người lại nhổm dậy. Đến lượt Lê Trung Ẩn đăng đàn lên tiếng. Ông mượn lời của Hương Hải Thiền Sư nói với vua Lê Dụ Tôn về cái tâm rỗng lặng:

 

- Nhạn bay cao vút trời xanh,

 Nước soi bóng nhạn mong manh giữa vời.

 Nhạn đi bóng mất lưng trời,

 Nước không lưu giữ bóng ngời thoáng qua.

 

Thiên Mụ, Trấn Võ, Thọ Xương và tiếng gió, tiếng chuông, tiếng gà đều là giả tướng, không có thật. Khi tâm lắng nghe là có, khi tâm khép lại là không. Khi đã không thì cả thế gian này cũng không. Không có chấp ngã mà cũng chẳng có vô ngã. Quyết tranh nhau cái không có để về đâu?!

Trong khi mọi người còn đang ngơ ngác thì Trí Hải và Lê Trung Ẩn đã tiến lại gần nhau, cầm tay nhau như hai người bạn cố tri, như hai người anh em từ kiếp trước và nhìn vào mắt nhau rất sâu như đọc hết những thế giới thâm u ẩn tàng sau dáng cười rất nhẹ. Nhà vua cũng cả cười bước xuống cầm tay họ và chư khách cũng bùng vỡ tiếng cười vui không ẩn ý, mưu toan. Đêm tàn nhưng đại tiệc chưa tan. Bỗng tất cả đều lặng im vì tiếng chuông công phu của chùa Thiên Mụ vừa lọt vào Ngự Viên.

Trí Hải cầm tay Lê Trung Ẩn rung rung, ngỏ lời nhỏ nhẹ như ngâm thơ; phiêu lãng như tiếng mây trời từ mấy nghìn năm trước:

- Nước non muôn thuở không hay có. Một cõi đi về phát tự tâm…

Lê Trung Ẩn tìm trong giọng nói và nét nhìn của Trí Hải sự chân thành và đơn giản đến độ siêu thoát… và gật đầu.

Nhóm nhân sĩ Bắc Hà, cùng nhìn một hướng về phía giang sơn thay cho nụ cười kiêu bạt, cùng lên tiếng:

- Vâng, chúng tôi sẽ ở lại!

Trong mắt vua, ngời ánh phong quang và thoáng nét phong trần nhưng thuần hậu của tay hảo hán Lương Sơn Bạc, người đã vào sinh ra tử để thống nhất sơn hà, dựng nên nghiệp đế.

Tiếng chuông Thiên Mụ từ hai trăm năm trước vẫn ngân nga mà cũng chẳng bao giờ có thật.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn