Chương 09

12 Tháng Ba 201300:00(Xem: 2706)

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG
Vĩnh Hảo
Nhà Xuất Bản Chiêu Hà

CHƯƠNG CHÍN

Đang tu học yên ổn và vui vẻ với bạn học cùng lớp cũng như dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy Thông Chánh, bỗng có tin là tôi phải cùng chú Thiệt theo thầy tôi và một thầy học tăng trẻ khác qua ở chùa Linh Phong. Chùa này cũng ở trên đỉnh đồi Trại Thủy, nhưng nằm trên cánh khác của ngọn đồi. Theo địa lý thì đồi Trại Thủy có hình thù của một con dơi. Chánh điện Hải Đức nằm trên đầu dơi, còn chùa Linh Phong mà chúng tôi sắp đến thì nằm ở cánh phải. Cánh phải này đâm ra phía Mả Vòng, sát với quốc lộ số I. Như vậy, từ quốc lộ rẽ vào con đường đưa đến cổng chính Phật học viện Hải Đức, người ta phải đi ngang chùa Linh Phong. Đã có nhiều lần đi ngang đây, nhìn thấy ngôi chùa Linh Phong này từ xa, trên núi cao, tôi không để ý lắm. Không ngờ nay tôi trở thành một chú tiểu của chùa đó.

Nguyên xưa kia, trên trăm năm trước, ngôi chùa này còn là một ngôi miếu thờ Quan Công do một số người Hoa lập nên. Sau, có một vị sư già pháp hiệu là Phổ Tế từ Huế vào, nhận lời trụ trì và cải đổi ngôi miếu thành ngôi chùa, đặt tên là Linh Phong Cổ Tự. Nhưng người ta vẫn quen gọi chùa này là chùa Núi cho gọn thay vì gọi bằng cái tên dài dòng mà Hòa thượng Phổ Tế đặt cho. Sau mấy mươi năm trụ trì, Hòa Thượng Phổ Tế cất một thiền thất gần chùa rồi ẩn tu, không tiếp xúc tục khách nữa. Ngôi chùa vì vậy thiếu người trông nom. Các phật-tử người Hoa không mời được thầy về thay thế vị hòa thượng già, bèn nhờ cậy phật-tử Việt tại đại phương xóm Xưởng, tức xóm nhà nằm giữa chùa Núi và Phật học viện Hải Đức. Những phật-tử này cử người lên viện thỉnh cho được thầy tôi sang trụ trì. Vì đang bận lo nhiều Phật sự ở viện cũng như nhiều chùa khác nên tuy nhận lời, thầy tôi không có mặt thường xuyên tại chùa Linh Phong được. Đó là lý do thầy tôi đem theo một thầy học tăng trẻ và hai chú tiểu để phụ giúp trông coi công việc của chùa.

Đã sống ở viện yên ổn, chẳng ai muốn dời qua sống tại một ngôi chùa nhỏ bao giờ. Nhưng thầy học tăng trẻ kia vì ở ngoài Huế mới vào chưa có chỗ ở ổn định, nên nghe nói thầy tôi mới nhận chùa liền xin đi theo. Còn chú Thiệt là một chú tiểu ngoài Phú Yên vào, học cùng lớp tôi, xin đi theo vì muốn có thay đổi. Chỉ có tôi là không tự chọn chuyện đến chùa Linh Phong này; tóm lại, tôi bị thầy tôi chỉ định.

Tôi thực tình là không muốn đi, nhưng làm sai dám cãi lệnh thầy. Tôi có hơi bất mãn trong lòng khi thầy tôi quyết định đưa tôi sang một ngôi chùa nhỏ, bắt đầu một cuộc sống mới với những sinh hoạt tuy rằng cũng tu cũng học, nhưng không gian có vẻ như thu hẹp lại ở mọi chiều khiến cho tâm hồn trở nên nhỏ bé, tù túng, rất khó chịu.

Ngày rời viện để qua chùa Linh Phong, tôi muốn khóc. Tôi có cảm giác như bị lưu đày. Thầy Thông Chánh an ủi:

“Bên đó bên này có xa gì nhau đâu, cũng cùng trên một núi thôi mà!”

Mỗi chiều vào giờ phóng tham, thầy Thông Chánh từ viện qua chùa Linh Phong để dạy kèm cho tôi. Dù sao thầy Thông Chánh cũng được tự do hơn tôi nên thầy phải tìm đến trò đẻ dạy chứ không phải ngược lại như thường lệ.

Ngày đầu tiên đến chùa Linh Phong, thầy trò chúng tôi bốn người lo dọp dẹp, quét tước suốt ngày. Đến tối thì chỉ có thầy tôi là có chiếc giường sắt nhỏ để nghỉ đêm, còn thầy học tăng kia (pháp danh là Trừng Hùng) ngủ trên bộ ván gõ. Chú Thiệt và tôi thì treo mùng ngủ dưới đất. Lúc đó chưa có dãy Đông nên bốn thầy trò tập trung ngủ tại nhà Tây. Điện của nhà Tây cũng chưa hắt hay đã bị cháy bóng rồi nên phải thắp đèn dầu đêm ấy. Đêm buông xuống thì tối mịt tối mờ, y như ở nhà quê vậy. Ở mặt trước của chùa có bốn cây me cổ thụ trên trăm tuổi, ban ngày thì tỏa bóng mát rất lý tưởng, nhưng ban đêm có bước ra ngoài để tiểu tiện thì cũng phải rùng mình, kinh sợ cái dáng hùng vĩ mà âm u của chúng. Tưởng cũng cần nói thêm ở đây một chuyện không được thơ mộng nhưng lại là nét đặc biệt không thể bỏ qua của chùa Linh Phong: chùa không có cầu tiêu. Có lẽ vì xưa kia, nơi đây chỉ là một cái miếu thờ Quan Thánh của người Hoa, lâu lâu người ta mói thắp nhang, xin xăm, xong chuyện thì về nhà, có ăn uống hay ở chơi lâu đâu mà nghĩ đến chuyện “lớn”. Đến khi thỉnh được Hòa thượng Phổ Tế, người ta cũng không nghĩ đến chuyện xây cầu tiêu, vì Hòa thượng có ăn uống bao nhiêu đâu, lại sống đơn giản nữa, chẳng bao giờ đòi hỏi gì hết, nên người ta cũng lờ luôn chuyện xây cái cầu tiêu tiêu chuẩn. Như vậy, đã hơn trăm năm rồi, nơi đây không có cầu tiêu. Nhấn mạnh điều đó để tự an ủi rằng không phải chỉ có thầy trò chúng tôi mới chịu cái thiệt thòi, bất hạnh này.

Ngày đầu, tôi thắc mắc là cầu tiêu ở đâu. Tôi hỏi chú Thiệt, chú bảo tôi đi theo chú xuống ngõ bếp. Tôi tưởng cầu tiêu nằm phía sau nhà bếp, không ngờ đến ngang cửa bếp, chú lôi ta từ trong góc một cái cuốc, đưa tôi, nói tỉnh bơ:

“Cầu tiêu nè!”

Vậy mà thằng bé ít khi bị chê là ngu độn như tôi cũng không hiểu nổi, cứ hỏi:

“Là sao?”

Chú Thiệt cười ngặt nghẽo một lúc mới giải thích cho tôi hiểu. Té ra là vậy! Phải cuốc đất lên, làm một cái lỗ vừa phải đâu đó ngoài núi, nơi chỗ khuất, xong việc thì lấp đất lại, kiểu như mèo vậy. Khổ nỗi, dù chung quanh chẳng ai dòm ngó, cũng có cảm giác xấu hổ khó chịu, chẳng sao thoải mái được. Chuyện “đi ngoài” lâu nay đã là chuyện phiền, bây giờ lại càng phiền hơn.

Cầu tiêu là cái quan trọng, thiết yếu nhất mà người ta còn không chịu xây nói gì là cái buồng tắm. Cho nên, thường thường, chúng tôi phải chờ đến tối mới xách nước ra sau hiên bếp mà tắm. Chẳng có vách che, nhiều khi gió núi thổi mạnh run mà cũng đành chịu.

Vài hôm sau, có Phật tử dưới xóm lên đào một cái hố lớn phía sau núi để làm cầu tiêu cho chùa. Trên miệng hố, người ta có bắc ngang một tấm ván dày. Cầu tiêu đơn giản như vậy thôi nhưng dù sau cũng tươm tất và có vẻ ổn định hơn là mỗi lần đi là mỗi lần vác cuốc theo y như nông phu ra đồng. Quanh miệng hố hãy còn um tùm cây cỏ, như vậy cũng đỡ, không bị mang tiếng là trắng trợn. Tuy nhiên, con đường dẫn từ nhà bếp ra đến cầu tiêu dã chiến này thì ngoằn ngoèo, người đi dễ bị lạc vào ban đêm. Cũng từ cái ngoằn ngoèo, nó khiến người ta bước đến cầu tiêu một cách đột ngột. Nghĩa là nếu có ai ngồi sẵn nơi đó thì người đến sau chẳng làm sao mà biết được. Thậm chí người ngồi sẵn nơi đó cũng chẳng biết là có một người khác đang tiến về phía mình. Đang bước vòng qua vòng lại theo con đường bỗng đùng một cái: tới cầu tiêu. Nếu đã có người thì “A!” lên một tiếng, người kia cũng “A!” một tiếng, kẻ lật đật quay lưng, người đỏ mặt đỏ mày lo ẩn nấp, che giấu cái đồ mà ai cũng có. Lỡ một lần như vậy rồi nên thầy Trừng Hùng dặn chúng tôi:

“Lần sau có ra cầu tiêu phải nhớ tằng hắng mấy tiếng trước cho người ta biết. Đừng có làm thinh lủi lủi mà đi như vậy. Xớn xa xớn xác chẳng chịu ngó trước ngó sau gì hết!”

Dù đã dặn dò kỹ như vậy, thầy Trừng Hùng cũng chưa yên tâm. Mỗi lần có việc phải ra cầu tiêu, thầy luôn mang theo một tờ báo. Lỡ có ai lò mò ra cầu tiêu khi thầy đang có mặt ở đó thì thầy vừa tằng hắng vừa mở báo ra mà che. Trông thì có vẻ như đang thong thả đọc báo vậy thôi chứ thực ra ai mà muốn ngồi lâu nơi đó! Sau này, mỗi lần thầy Trừng Hùng đi việc mà tôi có hỏi tới thì chú Thiệt trả lời rằng:

“Thầy đi đọc báo rồi.”

Chú Thiệt lớn hơn tôi ba, bốn tuổi, lại là dân nhà quê đã quen việc ruộng rẫy nên biết rất nhiều việc từ lớn đến nhỏ trong chùa, ngay cả việc bếp núc là việc mà tôi cứ đinh ninh phải là việc của những người đàn bà. Ngày đầu tiên, chúng tôi lo dọn dẹp, có mấy cô phật-tử dưới xóm lên nấu cơm và thức ăn. Qua hôm sau, mấy cô không lên nữa, chú Thiệt xăn tay nấu cơm. Thầy Trừng Hùng thì nấu thức ăn, kho đậu hủ, xào cải với nấm rơm, nấu canh khổ qua, đủ món cả, ăn rất ngon. Thầy Trừng Hừng chỉ nấu một lần, sau đó thì giao cho chú Thiệt và tôi phụ trách luôn chuyện bếp núc hàng ngày. Giao chú Thiệt thì không sao, giao tôi thì tôi chết cứng. May sao chú Thiệt cũng vui vẻ làm hết. Được ngời khác ngưỡng mộ sự lịch lãm của mình cũng là một niềm vui lớn của con người mà.

Đến giờ nấu cơm, tôi xuống bếp theo chú Thiệt mà chỉ đứng lớ ngớ chứ chẳng biết làm gì. Tôi hỏi chú Thiệt:

“Sao chú biết nấu cơm hay vậy? Tôi không biết nấu cơm chú à.”

“Không sao, để tui nấu, chú làm việc khác, phụ lặt rau, rửa rau được rồi.”

Chú nói vậy tôi mới an tâm. Nhưng chừng một tuần lễ sau thì chú Thiệt đâm mạnh–chắc thấy rằng không biết gì như tôi thì sướng quá–rồi chú thưa với thầy Trừng Hùng rằng chuyện nấu ăn phải chia phiên chứ chú không chịu nấu hoài. Sau tuần đầu, thầy tôi chỉ có mặt tại chùa Linh Phong vào mỗi chủ nhật, nên bao nhiêu việc ở chùa đều do thầy Trừng Hùng quyết định. Thầy Trừng Hùng nghe chú Thiệt đề nghị hợp lý quá, chấp nhận ngay. Vậy là chia phiên, chú Thiệt nấu một ngày, tôi nấu một ngày. Trong sự quyết định của thầy Trừng Hùng cũng như chú Thiệt, tôi thấy cái vẻ cay cú hiểm ác muốn hành hạ tôi cho bỏ ghét chứ chẳng phải bình thường. Họ biết tôi rất khổ sở khi phải chịu trách nhiệm loay hoay một mình dưới bếp để lo ba bữa ăn trong một ngày. Nếu họ muốn tập cho tôi nấu thì cũng phải hướng dẫn tôi nấu tận tình và cần một thời gian cho tôi thực tập chứ đâu phải đột ngột quyết định chia phiên như vậy. Hẳn là họ mong đợi tôi ôm nồi xoong mà khóc dưới bếp mới hả dạ!

Điều khổ thêm cho tôi là vào buổi sáng đầu tiên đến phiên tôi nấu, thầy tôi từ viện qua chùa Linh Phong thật sớm. Có lẽ ngày ấy thầy tôi rảnh việc bên viện. Thấy thầy qua, tôi càng lo sợ hơn, vì buổi điểm tâm đầu tiên do tôi dọn sẽ có thầy tôi thưởng thức nữa. Nhưng tôi đã nấu xong rồi, chẳng biết làm sao khác hơn. Tôi cứ dọn. Món này đối với tôi thì khỏe lắm, không tốn nhiều thời gian, lại ngon nữa: cơm chiên. Chỉ khổ là thầy tôi sẽ không dùng được. Cơm hôm qua chú Thiệt nấu còn dư (một phần do tôi cố ý ăn ít lại một chút để có cơm thừa), hôm nay tôi đem chiên lại mà ăn. Món cơm này kể ra thì chẳng khó khăn gì. Bắt chảo dầu lên, chờ sôi. Thay vì khử tỏi, khử hành như ở nhà thừ khử “ba-rô” (chú Thiệt đọc như vậy. Tiếng Pháp là boireau, giống như hành lá nhưng củ và lá lớn hơn nhiều. Ở chùa dùng boireau thay hành tỏi là những thứ bị kiêng). Sau đó đổ cơm vào, xào, xáo, trộn qua trộn lại sao cho cơm thấm dầu đều hết rồi nêm muối, bột ngọt, tiêu. Lại trộn đều. Để một lúc cho cháy dòn tí xíu dưới đáy chảo càng ngon. Vậy là xong.

Cơm dọn lên bàn rồi, thầy Trừng Hùng hỏi tôi trong lúc thầy tôi và chú Thiệt đang lo dọn dẹp gì đó trên chánh điện:

“Chỉ vậy thôi sao?”

“Buổi sáng không ăn cũng được mà thầy. Có cơm chiên là quý rồi.”

Thầy Trừng Hùng khựng một lúc rồi nói:

“Bữa nay có thầy trụ trì qua mà nấu vậy đó hả, rồi thầy trụ trì dùng cái gì? Cơm thừa mà dám mời thầy sao?”

“Con nấu xong rồi thầy trụ trì mới qua. Con đâu cố ý dọn cơm chiên mời thầy. Bây giờ đâu biết nấu gì khác để dọn!”

“Tao đập chết bây giờ, mi nói ngang ngạnh như vậy đó hả?”

Tôi lặng thinh quay xuống bếp, nhưng cũng không giấu được vẻ bực mình quạu quọ của mình trên nét mặt. Thầy Trừng Hùng bước theo, nói:

“Nấu liền một cơm trắng nhỏ đi, rồi đồ ăn để tao nấu.”

Những tiếng “tao, mi” hằn học của thầy Trừng Hùng như làm tổn thương cái khối đạo tình đẹp đẽ nguyên vẹn mà tôi có được đối với đồng đạo kể từ khi bước chân vào chùa. Tôi lấy cái xoong nhỏ, vào kho đong gạo thì thầy tôi từ chánh điện bước xuống nhà Tây, ngồi vào bàn ăn. Thầy Trừng Hùng thưa:

“Bạch thầy, vì không biết thầy qua sớm nên chú Khang chỉ chiên cơm thôi chứ chẳng nấu gì. Con bảo chú nấu cơm trắng để mời thầy. Chú đang nấu dưới bếp, thỉnh thầy chờ thêm một lúc.”

Thầy tôi vui vẻ nói:

“Đâu có cần phải nấu chi nữa. Cơm chiên như vậy được rồi. Có chi ăn nấy cho khỏe. Điểm tâm mà bày vẽ chi nhiều. Kêu chú ấy lên ăn đi, đừng nấu nữa.”

Chú Thiệt vội xuống gọi tôi. May là tôi chưa vo gạo. Tôi theo chú Thiệt ngồi vào bàn ăn. Thầy tôi bưng chén cơm chiên hỏi:

“Cơm ai chiên vậy?”

Thầy Trừng Hùng đáp:

“Bạch thầy, chú Khang chiên đó. Hôm nay đến phiên chú nấu. Con chia phiên cho hai chú mỗi chú nấu một ngày.”

Thầy tôi cười, có vẻ như không chú ý lời thầy Trừng Hừng, quay qua hỏi tôi:

“Con cũng biết chiên cơm nữa hả? Cơm chiên này lâu lâu ăn một lần thì được, đừng chiên cơm thường xuyên ăn không tốt đâu.”

Rồi thầy tôi ăn ngon miệng. Tôi nhìn thầy mà ứa nước mắt. Thầy tôi không bao giờ ăn cơm chiên. Thầy cữ ăn những món có nhiều dầu. Lỡ có ăn vào là thầy bị đau bụng, khó tiêu. Bên viện, các dì vảo phải nấu riêng thức ăn cho thầy tôi chứ không nấu theo thức ăn của đại chúng. Nấu ăn cho thầy tôi, các dì vải không dùng bột ngọt, dầu ăn, đường cát, tiêu, ớt, v.v… Cơm hay thức ăn dọn cho thầy tôi cũng chẳng ai dám dọn cơm thừa hay thức ăn để cách đêm, vì mỗi lần thầy tôi ăn vào những món ăn như vậy là lâm bệnh mấy ngày. Vậy mà bây giờ thầy ngồi vào bàn, tự bới cơm lấy, ăn một cách ngon lành cái món cơm chiên đơn sơ mà nhiều độc tố do tôi nấu.

Sau bữa ăn, tôi đang rửa chén thì thầy Trừng Hùng xuống chỉ mặt tôi nói:

“Từ nay về sau không bao giờ chiên cơm nữa nghe chưa. Cơm có dư thì hai chú ăn đi, không được dọn cho mấy thầy.”

Trưa đến, tôi lại phải xuống bếp, hì hục nấu cơm một mình. Quả là một cực hình cho tôi mà chẳng ai hiểu thấu. Không, chắc là có hai người hiểu thấu chứ, đó là thầy Trừng Hùng và chú Thiệt. Hai người đó biết rõ là tôi xuống bếp nấu ăn sẽ hư sự vì tôi thật là chưa biết nấu ăn. Vo gạo xong, tôi đổ nước vào đầy nồi rồi lo chụm lửa. Khổ nhất là đun củi sao cho cháy. Tuần trước còn nấu bằng lò dầu hỏa nhưng thầy Trừng Hùng bày ra chuyện nấu bằng lò củi cho đỡ tốn kém–củi mua rẻ tiền mà cũng có thể gom được đàng sau núi. Hồi mới bắt đầu nấu bằng lò củi, chú Thiệt đã đun củi bằng cách đổ vào một ít dầu hỏa trước khi châm lửa. Thầy Trừng Hùng biết được liền quở: 

“Không được dùng dầu hỏa mà nhen lửa! Tao bảo nấu củi là để đỡ tốn dầu hỏa mà mi còn lấy dầu hỏa rưới vào củi, vậy sao gọi là tiết kiệm được!”

“Con rưới có chút xí cho dễ bắt lửa thôi mà!” chú Thiệt phân bua.

“Cũng không được nữa. Củi khô, chụm là phải cháy, cần gì dầu hỏa!”

Lần sau, không có dầu hỏa chú Thiệt vẫn nhen được lò củi một các dễ dàng vì chú thay dầu hỏa bằng sáp vụn lấy từ đèn cầy chảy ra. Ở chùa thì sáp vụn đâu có thiếu. Ngày nào cũng thắp đèn cầy cúng Phật mà. Nhưng thầy Trừng Hùng biết được lại la:

“Không được xài sáp vụn!”

Chú Thiệt không giấu được vẻ bực mình, hỏi lại:

“Sao vậy thầy? Sáp vụn không xài để đem đi đổ hết à?”

“Đừng có hỏi. Để dành sáp đó cho tao. Ngoài Huế người ta gom sáp đó lại thành kí mà bán chứ chẳng ai lai đi nhen lửa như mi cả.”

Vậy là dầu hỏa hay sáp vụn đều bị cấm trước khi đến lượt tôi nấu cơm. Thực ra không có dầu hỏa hay sáp vụn, chú Thiệt vẫn cứ nhúm củi cháy được như thường vì chú biết cách. Lúc chưa đi tu chú ấy còn biết nhúm lửa bằng lá hay rơm khô nữa kia, nói chi củi. Chỉ khổ là khổ cho tôi thôi. Tôi xé một mớ giấy báo, vùi dưới củi rồi đốt, chỉ thấy khói lên mù mịt; khi lửa bén được thì bùng lên một cái, cháy rụi hết giấy báo, củi vẫn nằm ì ra đó, chưa cháy được lớp vỏ khô bên ngoài. Loay hoay một lúc lâu mà không nhen được lò, tôi vừa quạu vừa tức thầy Trừng Hùng và chú Thiệt cố tình bức hiếp tôi. Cho dù tôi xuất gia với một chí nguyện kiên cường thì tôi vẫn cứ là một đứa con nít, bị ép quá thì cũng khóc thôi. Chẳng biết phải làm sao, tôi ngồi thừ ra một chặp. Chợt nghĩ đến bữa cơm phải dọn vào trưa nay, tôi thấy trong lòng bấn loạn lên. Tôi líu quíu nhét thêm giấy báo vào lò, lại mồi lửa đốt. Vẫn là khói. Nước mắt tôi chảy ròng ròng. Bỗng thầy tôi xuất hiện. Tôi đứng dậy khi thầy bước vào bếp.

“Khóc hả?”

“Bạch thầy không phải. Tại khói cay mắt.”

“Con mới nấu cơm lần đầu, phải không?”

“Dạ.”

Thầy tôi xăn tay áo, ngồi khom xuống, kéo hết mấy nhánh củi ra khỏi bếp lò. Đưa một khúc củi lên nhìn, thầy nói:

“Củi này chưa được khô. Nhen khó bắt lửa lắm. Chỉ lên khói thôi.”

Rồi thầy soạn đống củi nhỏ chất đống trong góc bếp, lôi ra một ít nhánh. Lấy từng khúc củi gõ thử lên đá để xem củi đã khô chưa. Thầy dạy tôi cách sắp củi vào lò, đan vào nhau, chừa khoảng trống ở dưới cho thông hơi. Từ khoảng trống đó, thầy đưa giấy mồi lửa vào. Củi bắt lưa dễ dàng, cháy phừng phực. Thầy xoay qua nhen lửa cho lò khác. Tôi chú ý học cách thầy làm. Hai lò đã cháy cả rồi, thầy bảo tôi bắt nồi cơm và xoong nước để nấu canh lên. Xoong nước nấu canh thì chẳng sao. Chỉ có nồi gạo thì thầy chắt bớt nước, nói rằng nhiều quá. Vậy mà tôi cứ tưởng đổ vào bao nhiêu nước cũng được! Thầy tôi nói:

“Nước nấu cơm căn cứ theo mực gạo mà đong. Mực nước cao hơn mực gạo hai lóng tay là vừa. Nhưng cũng tùy theo gạo mới gạo cũ nữa. Gạo mới thì ít nước lại một chút, chừng một lóng tay thôi.”

Thầy dạy tôi vậy nhưng rồi tự tay thầy nấu hết, từ nồi cơm đến xoong canh rau, đến món tàu hũ kho. Vừa nấu thầy vừa giải thích cho tôi rõ. Hai thầy trò đang lui hui dưới bếp thì thầy Trừng Hùng bước xuống. Thấy thầy tôi đang nêm nếm thức ăn, thầy Trừng Hùng cười bẽn lẽn:

“Thầy để chú ấy nấu cho quen chứ thầy làm vậy chú ỷ lại. Con chia phiên chú ấy là để tập cho chú đó.”

Thầy tôi chỉ cười, nói:

“Cũng tùy theo chuyện mà chọn cách dạy, cách tập. Không phải muốn một người mau biết bơi cứ đem thả họ xuống chỗ nước sâu rồi mình bỏ đi hết là tức khắc người ấy sẽ biết bơi. Phải có dạy, có giải thích, rồi phải có thời gian cho họ thực tập nữa chứ.”

“Lúc ở nhà, chín mười tuổi con đã biết nấu cơm rồi. Chú Khang mười hai, mười ba đâu còn nhỏ nữa, bạch thầy.”

“Thì tôi cũng vậy thôi. Nhưng mình ở nhà quê thì khác. Người ở phố có khi có gia đình, có con cái cả rồi cũng chưa chắc là họ biết nấu cơm bằng lò củi!”

Thầy Trừng Hùng cười thẹn:

“Thôi thầy lên nghỉ để con nấu cho chú ấy.”

Thầy tôi đáp:

“Xong hết rồi. Bày cho chú nấu vậy thôi chứ tôi đâu có nấu gì.”

Thầy tôi quay lên Tổ đường. Chờ thầy tôi đi khuất, thầy Trừng Hùng la:

“Sao để cho thầy trụ trì nấu vậy? Điệu ở chùa gì mà vô tích sự!”

Nói rồi thầy Trừng Hùng bỏ đi. Tôi ngồi lại một mình dưới bếp, thầm cám ơn những cử chỉ tế nhị của thầy tôi. Và tự dưng, trong lòng tôi nẩy sinh sự bất phục đối với thầy Trừng Hùng. Lẽ ra, theo luật Sa-di mà tôi học thì tôi không được bất bình hay khinh ghét các thầy tỳ-kheo; nhưng cái tính con nít của tôi nó vậy: nhịn mọi thứ ở bề ngoài thì được, nhịn nỗi bất bình bên trong thì không. Con nít nhạy bén lắm chứ. Người nào đáng phục thì phục, người nào không đáng phục thì không thể phục. Đành làm một chú tiểu bướng bỉnh (ngầm) vậy!

 

e

 

Chiều hôm ấy, thầy tôi lại tiếp tục xuống bếp dạy tôi nấu ăn. Thầy bảo tôi làm cho thầy coi, cái gì chưa được thì thầy chỉ thêm. Đối phó với nồi cơm hơi nhão như thế nào, nồi cơm bị sống như thế nào, thầy cũng dạy tôi biết cặn kẽ. Đầu tiên, gặp củi ướt không nhúm được lò, thầy lấy chai đèn dầu nhỏ của nhà bếp, rưới một ít dầu lên củi, rồi đốt. Lửa cháy bén dễ dàng. Tôi thưa:

“Tại thầy Trừng Hùng cấm tụi con xài dầu hỏa như vậy nên con không dám.”

“Tiết kiệm hả?”

“Dạ, con nghĩ là vậy.”

“Tiết kiệm là tốt! Tất cả vật sản của Tam bảo đều như vậy hết. Giữ gìn từng chút một, không phung phí, đó là tỏ ý trân trọng vật phẩm cúng dường của bá tánh đem đến. Nhưng lúc cần thiết cũng phải xài chứ! Bo bo giữ của cũng là một loại phiền não tệ hại mà người tu cần phải tránh. Có thấy nãy giờ con nhen lò lửa không cháy không? Trong trường hợp này mà cứ lo tiết kiệm thì vừa hao hơi tổn sức, vừa tốn thì giờ nữa. Đàng nào lợi hơn? Chịu tốn một chút dầu hỏa đi. Tại sao phải chịu nhọc để giữ gìn chút dầu chứ!”

Sau giờ cơm, tôi đang rửa chén thì thầy Trừng Hùng bước xuống nói:

“Mấy cái đít nồi cả tuần nay đen thui hết rồi. Chùi cho sạch như lúc mới mua về cho tao coi. Kêu thằng Thiệt xuống phụ một tay. Đáng lẽ mỗi lần nấu xong là mỗi lần chùi cho trắng chứ không để ngày này qua ngày kia như vậy. Tụi bây ở không làm chi để rồi phá, lo kiếm việc này việc nọ mà làm.”

Tôi không đi gọi chú Thiệt phụ giúp mà tự động lấy mấy cái vỏ dừa lo chùi đít nồi. Chùi đến mỏi cả tay mà nồi vẫn cứ đen. Một lúc sau thì chú Thiệt xuống, lần bầu trong miệng:

“Bữa nay đâu phải phiên tôi rửa chén đâu mà bắt tôi chùi nồi!”

“Tôi đâu có bắt chú chùi.”

“Thì ổng bắt đó. Mệt!”

Hai đứa tôi hì hục chùi, cạy, chà đít nồi trên cát, đủ thứ cách cho trắng nồi nhưng chỉ đỡ được phần nào thôi. Thầy tôi nghe tiếng động rọt rẹt ngoài hiên bếp thì bước xuống xem. Thấy chúng tôi chùi nồi thầy cười hỏi:

“Chùi chi vậy?”

Chú Thiệt đáp nhanh:

“Dạ thầy Trừng Hùng bảo chùi cho trắng thiệt trắng như lúc mới mua về.”

Thầy tôi cười nói:

“Nồi nấu bằng củi thì phải đen, mắc chi phải chùi. Chùi xong lại nấu đen nữa có phải là toi công không! Bỏ đó đi. Ăn xong rửa nồi rồi đem úp. Đừng có bày chuyện đó.”

Thầy Trừng Hùng nghe được bước xuống chữa ngay:

“Dạ, con bảo mấy chú chùi cho sạch ngó đẹp mắt hơn chứ nồi đen điu thấy ghê quá. Mà nồi của chùa mình là nồi mới mua chứ đâu phải là nồi xài lâu năm như người ta.”

“Trước khi cũ cũng đã là mới chứ! Có gì mới hoài đâu.”

Thầy Trừng Hùng chưa chịu thua:

“Với lại con cũng muốn tập cho các chú làm việc chứ không thôi các chú ở không chẳng có chi làm.”

Thầy tôi lúc này mới nghiêm giọng nói:

“Làm việc suốt ngày thì còn giờ đâu mà học. Phải cho mấy chú học chứ.”

“Hồi mới vào tu, con nhớ con đâu có được sướng như mấy chú bây giờ.”

“Điều đó không có nghĩa là phải bắt mấy chú khổ cho giống mình ngày xưa. Hồi xưa mình khổ thì bây giờ phải cầu mong cho mấy chú được sướng.”

“Sướng quá thì tu đâu có thành công, bạch thầy?”

“Khổ cũng không phải là cách để thành công. Thực ra hồi xưa mấy chú tiểu bị khổ sở, thiếu thốn vật chất là vì chùa quá nghèo hoặc không mấy quan tâm về tài chánh nên để các chú phải gánh. Các chú cũng không có trường lớp, ở chùa dạy chi biết nấy. Lâu lâu mới học được dăm ba chữ. Thời giờ rảnh rang, các chú phải lo làm việc chùa, hết việc này đến việc nọ. Nhất là các chùa nhà quê có ruộng có rẫy, công việc chẳng bao giờ ngớt. Bây giờ thì khác rồi. Giáo hội có chương trình đào tạo các chú ở các Phật học viện, lấy chuyện tu học làm chánh, kinh tế cũng có Giáo hội nâng đỡ, các chú chỉ có bổn phận là chú tâm học hành chứ đâu có ở không nữa mà thầy lo kiếm việc. Một điều nữa, hoàn cảnh các chùa ở Nha Trang này không giống các chùa ngoài Huế đâu. Thầy lưu ý một chút thì thấy sự sai khác. Rồi sau này, nếu có dịp vào Sài-gòn nữa, thầy sẽ thấy Sài-gòn cũng rất khác xa Nha Trang. Đem nếp sống của tăng sĩ Huế mà áp dụng cho tăng sĩ Nha Trang e có chỗ không ổn. Tôi không nói vấn đề giới luật, tôi chỉ muốn nói về nếp sinh hoạt hàng ngày mà thôi. Phải đi nhiều, sống nhiều, mở mắt ra mà nhìn những thực tế đó mới được.”

Thầy tôi nói rồi bỏ lên nhà trên. Thầy Trừng Hùng vẫn đứng đó, cười thẹn rồi nói với tôi và chú Thiệt:

“Thầy trụ trì tiến bộ quá, tao còn trẻ mà theo không kịp.”

Khi chúng tôi rời bếp để ra sân trước thì thầy tôi đã mặc áo thông y vào (thông y là loại áo mặc ra đường của các thầy tu Phật giáo tại Việt Nam, khác vối hậu y ca-sa là loại y phục mặc khi làm lễ). Thầy dặn chúng tôi khi nào tưới cây thì nhớ tưới mấy cây bồ đề của thầy mới trồng. Rồi thầy rời chùa Linh Phong để về viện. Chúng tôi đưa thầy ra cổng tam quan. Thầy Trừng Hùng và chú Thiệt quay vào khi thầy bước xuống tam cấp. Tôi đứng lại nhìn theo dáng thầy một lúc. Tôi mừng rằng tôi đã chọn được một vị thầy khả kính, độ lượng để nương theo mà tu học. Nếu chẳng may tôi chọn lầm một vị thầy có tính ý y như thầy Trừng Hùng thì chắc là… tôi bỏ tu sớm.

Thầy tôi vừa đến những bậc cấp cuối cùng để bước xuống đường thì thầy Thông Chánh từ bên viện cũng vừa mới qua. Hai thầy gặp nhau dưới chân núi, đứng lại nói chuyện với nhau một lúc. Tôi ngồi đó chờ thầy Thông Chánh lên.

Đường lên chùa Linh Phong có hai lối đi bằng tam cấp: một lối là tam cấp thẳng đứng xây bằng đá, trên hai trăm bậc dẫn từ cổng nhỏ dưới núi đi thẳng lên tam quan; một lối là tam cấp đi vòng xây bằng xi-măng, gồm khoảng hai trăm năm chục bậc cấp, đi vòng qua phía phải của cổng tam quan, ngang qua thiền thất của Hòa thượng Phổ Tế, vào đến sân chùa. Thầy Thông Chánh đi dốc thẳng cũng phải mất bốn phút không nghỉ mới tới được chỗ tôi ngồi. Tới nơi, thầy cũng phải thở dốc. Tôi nói thầy ngồi ngoài cổng tam quan cho mát, tôi vào mang nước ra cho thầy. Tôi đang rót nước lạnh định đem ra mời thầy Thông Chánh thì thầy Trừng Hùng chận lại hỏi:

“Nãy giờ đi đâu, sao không ngồi luôn ngoài đó ngó xe ngó cộ chạy qua chạy lại cho sướng?”

Tôi định bỏ đi không trả lời nhưng biết vậy là vô phép, tôi đứng lại đáp:

“Con mang nước ra cho thầy Thông Chánh, đang đợi con ở ngoài.”

“Thầy ấy qua chơi hay có việc gì không?”

“Dạ qua dạy con học.”

“Tại sao có lớp học rồi mà còn học thêm chi nữa? Bộ chương trình của lớp học không đủ để dạy chú à?”

Tôi thực là cứng họng, chẳng biết phải nói sao cho thầy ấy hiểu. Vừa lúc đó, thầy Thông Chánh bước vào. Thầy Trừng Hùng thấy thầy Thông Chánh thì đứng dậy chắp tay xá. Thầy Thông Chánh cũng chắp tay xá lại. Hai thầy chào nhau vui vẻ. Thầy Trừng Hùng có vẻ kính nể thầy Thông Chánh lắm, vì dù sao thầy Thông Chánh cũng là vị trưởng lớp xuất sắc (trong khi thầy Trừng Hùng chỉ mới là học tăng dự thính đang cố gắng được vào chính thức). Thầy Trừng Hùng cười giả lả:

“Mộ Phật, thầy qua chơi hả? Có thầy ghé chơi chùa nhỏ này thật là đại phúc đó nghen.”

“Khách sáo dữ vậy thầy, tôi qua hướng dẫn chứ Khang chút bài học thôi. Xin phép thầy nghe, tại tôi phải về lại viện, không ở lâu được.”

Nói rồi, thầy Thông Chánh kéo tôi ra ngoài tam quan, định giảng bài mới cho tôi học. Nhưng lòng tôi không được vui, tôi xin thầy Thông Chánh cho nghỉ, rồi tôi kể chuyện sinh hoạt của chùa Linh Phong cho thầy Thông Chánh nghe. Thầy Thông Chánh tỏ vẻ lo ngại cho việc tu học của tôi. Thây cho tôi biết chút ít lai lịch của thầy Trừng Hùng mà thầy được nghe kể lại từ một thầy khác cùng quê với thầy Trừng Hùng.

Đại khái là thầy Trừng Hùng cũng mới xuất gia đâu chừng bảy, tám năm trước. Cứ nghe giọng tụng kinh, nghi thức hành lễ, phong cách nói năng đi đứng của thầy thì cũng phần nào đoán được phần nào thời gian ở chùa của thầy rồi. Bảy, tám năm so với tôi thì kể như là lâu lắm. Nhưng với tuổi ba mươi của thầy Trừng Hùng thì bảy, tám năm xuất gia chỉ chứng tỏ rằng thầy mới xuất gia và đã xuất gia vào lúc hai mươi ba tuổi, cái tuổi mà những chàng thanh niên thế tục không nhiều thì ít đã thâm nhiễm mùi tục lụy và đã quen thuộc với những sinh hoạt thế gian. Thế gian cũng như cửa đạo đều có những lối sinh hoạt riêng mà khi người ta đa quen nếp ở mặt này thì khó mà bắt nhịp được với mặt kia. Khi xuất gia, thầy Trừng Hùng xin vào ngôi chùa lớn, đẹp nổi tiếng ở Huế: chùa Từ Hiếu. Đây là ngôi chùa mà năm xưa còn bé, thầy được cha mẹ mang vào để làm lễ quy y nên bây giờ xin xuất gia ở chùa này thì cũng hợp lý; và pháp danh thầy có được hôm nay (Trừng Hùng) cũng là pháp danh được ghi trong phái quy y thuở nhỏ. Nhưng thầy Trừng Hùng luôn luôn hãnh diện với nơi chốn xuất gia cũng như pháp danh của mình. Thầy nói rằng muốn thành chú tiểu xuất sắc, có hạnh kiểm thì phải vào chùa Từ Hiếu; rằng chỉ có chùa Từ Hiếu với những sinh hoạt nề nếp cổ truyền của cả trăm năm trước để lại mới đào tạo nên những cao tăng kiệt xuất cho Giáo hội; rằng những người xuất gia ở chùa Từ Hiếu từ trên xuống dưới đều làm ruộng, làm rẫy, cực nhọc quanh năm suốt tháng, ăn uống kham khổ, học ít tu nhiều, gần gũi đạo hơi là những người ở chùa khác; rằng điển hình như thầy Nhất Hạnh, một tăng sĩ sáng chói của Phật giáo, cũng xuất thân từ chùa Từ Hiếu này. Cho nên, không thể trách được rằng tại sao thầy Trừng Hùng lại muốn chú Thiệt và tôi phải khổ. Thầy cho rằng phải khổ mới tu được. Quan niệm này làm tôi nhớ đến câu nói của ông Bộ (chồng bà vú nuôi Ba Ngòi) trước đây, rằng “tu thì phải hành, hành là hành hạ xác thân chứ không chi khác”. Thầy Thông Chánh nói, chỉ vì thầy Trừng Hùng bị ảnh hưởng nếp sinh hoạt của chùa Từ Hiếu mà thôi, sống ở Nha Trang một thời gian có lẽ thầy ấy sẽ thay đổi. Thầy khuyên tôi cứ ẩn nhẫn, coi thời gian sống gần thầy Trừng Hùng như là thời gian thực tập hạnh nhẫn nhục vậy.

Tôi “dạ” nhưng trong lòng cũng không sao ngăn được ý nghĩ rằng sở dĩ thầy Trừng Hùng muốn hành hạ chúng tôi là vì muốn trả thù đấy thôi. Không phải tự nhiên mà tôi nghĩ ra điều ấy. Chỉ Thiệt nói với tôi đấy. Chú Thiệt có người anh em ruột tên là Giải, đang là học tăng ở viện Hải Đức. Có lẽ chú Thiệt cũng kể lể sao đó về tình hình sinh hoạt ở chùa Linh Phong cho thầy Giải nghe, nên thầy ấy mới đưa ra nhận xét như vậy. Rằng có lẽ hồi thầy Trừng Hùng đi tu bị lớp đàn anh hành hạ quá nên bậy giờ hành hạ lại lớp đàn em khác cho huề. Điều này nếu nhắm vào một thầy khác chắc tôi không dám tin. Nhưng đem áp dụng riêng cho trường hợp thầy Trừng Hùng thì tôi phải tin một cách mạnh mẽ, không cần xét lại.

(lược bỏ một số đoạn từ bản gốc)…

Tôi cố gắng không quan tâm những điều nhỏ nhặt để cho tâm nhẹ nhàng mà tu học. Sự nỗ lực của tôi trong giai đoạn sống ở chùa Linh Phong không phải là sự phấn đấu để vượt qua những cực khổ của đời sống vật chất, mà chình là sự phấn đấu để lòng mình không bị vướng bận hay tiêm nhiễm những cái tầm thường nhỏ nhen mà hoàn cảnh chung quanh cố tình khơi động.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Giêng 2011(Xem: 11557)
05 Tháng Giêng 2010(Xem: 29582)