Nick Vujicic – một con người bình thường?

22 Tháng Ba 201503:42(Xem: 5814)
Nick Vujicic 
– một con người bình thường?
Nhụy Nguyên

nick
Nick Vujicic trên sân khấu lộ thiên ở Mỹ Đình

Lời Ban Biên Tập: Nick Vujicic , một tín hữu Kitô Giáo, anh hùng không chân, không tay sẽ đến thăm Việt Nam lần thứ 3 vào tuần tới để trò chuyện và khơi dậy nguồn cảm hứng về nghị lực sống đến cộng đồng người Việt. Mọi kinh phí để đón anh đến Việt Nam cả ba lần đều do một đại gia Phật Tử đài thọ. Có nhiều cách nhìn khác nhau về sự kiện này, phía nhà nước cho rằng Việt Nam có tự do tôn giáo và liên tôn hoà hợp, một số tín hữu Kitô Giáo xem như một cơ hội tuyệt vời để rao giảng lời Chúa và một số tín đồ Phật Giáo lo sợ bị ảnh hưởng trong việc cải đạo. Tuy nhiên, trong số những người Phật Giáo vẫn có cái nhìn khác hơn. Chúng tôi giới thiệu đến quý độc giả một cái nhìn khác này của một nhà văn Phật tử, cộng tác viên thường xuyên của ban biên tập (click vào tên tác giả phía trên bên tay trái để xem các bài viết khác của tác giả):

Cũng lạ. Có một nhân vật chẳng những không tay mà tạo hóa còn “nặn” thiếu mất đôi chân - đó là Nick Vuficic. Từ lúc lọt lòng, Nick là cơn ác mộng triền miên của mẹ. Nick cũng từng nghĩ mình là “một sai lầm của tạo hóa”. Điều hiển nhiên là khoa học sẽ không thể giải thích tại sao nhân loại trong sự đa dạng của biến đổi gen lại góp thêm một khuôn mặt như Nick.

Mỗi khi thấy Nick, tôi thường nghĩ về đạo Phật. So sánh là một sai lầm và có phần lệch lạc, tuy nhiên tôi vẫn nhớ một câu trong kinh Hoa Nghiêm, đại ý, Bồ Tát nếu cần dùng thân gì để độ liền hóa hiện thân ấy. Trong thế gian từng xuất hiện thật nhiều con người khiếm khuyết vẫn một lòng hy sinh bản thân phụng sự đại chúng. Nhưng Nick hiện tại là người không tay không chân hữu ích nhất với nhân loại.

Trước hết, Nick là đứa con trọng hiếu. Người Phật tử, tiêu chuẩn cơ bản trước hết là hiếu. Phật nói, nếu hai vai ta cõng mẹ cha vung vãi phân và nước tiểu, cứ cõng như vậy đến cuối đời cũng chưa trả hết công ơn. Từ lúc biết việc, Nick nhận thức được muôn vàn khó khăn trong lúc tay chân mình không chịu… mọc ra. Nỗi tuyệt vọng ngày mỗi lớn và lúc lên 10 Nick đã suy nghĩ “nghiêm túc” về chuyện tự tử. Nhưng Nick lại không dìm nổi mình xuống đáy bồn tắm, bởi hành động này chính là “tội lỗi lớn nhất với cha mẹ”. Nhịp tim của Nick đập mãnh liệt, anh ngoi mình khỏi mặt nước và trước mắt vẫn là bầu trời cao rộng.

Hiếu đạo đã thôi thúc Nick “kiến tạo” một cuộc sống tràn đầy năng lượng. Không tay không chân, không phải là điều quá hệ trọng. Nick “chỉ cần đôi cánh của khát vọng” để “mơ những ước mơ lớn lao”.

Nhiều người chân tay đầy đủ song nếu phải quét rác hốt phân thì che mặt. Nhiều người nguyên vẹn đến hoàn hảo lại dùng tay bới móc chuyện thị phi và dùng chân chà đạp kẻ khác. Nick như hột mít nhưng lóng lánh kim cương. Phật pháp giải thích nguyên do ngồi gần người không quen biết vẫn thân thương quá đỗi, là bởi tâm người ấy sáng; tâm sáng thì thân thể tỏa từ trường bao dung hòa ái. Ai cũng muốn gần gũi Nick bởi tâm anh luôn hướng về cõi thiện lương sâu thẳm.

Nick trong công việc thường ngày không những nụ cười luôn sẵn mà chính cả khuôn mặt của anh đang cười. Anh sống giữa thiên đường đúng nghĩa và tự mình phụng sự thiên đường ấy. Một thiên đường không phải của các vị vua gây dựng từ máu xương muôn người.

Xem hình ảnh Nick nằm trên chiếc ván trượt lao đi dưới nhịp chân bao người giữa phố, rồi lúc anh dụi đầu xuống mặt ván gồng mình đĩnh đạc đứng lên mới thấm thía niềm kiêu hãnh. Hẳn Nick phải tập đứng dậy không tính xuể bao lần. “Kiên nhẫn là một điều tuyệt vời nhưng đó cũng là điều khó nhất”. Sự kiên nhẫn của Nick nên hiểu theo nghĩa rộng, không đơn thuần những hoạt động phục vụ tự thân như ăn mặc, tắm rửa… mà còn nhẫn với nỗi kỳ vọng của mẹ cha, của người thân bè bạn, nhẫn trước lời chê bai từ những tâm hồn ích kỷ.

Nick đã khổ công “tu” nhẫn. “Lục độ” trong nhà Phật, nhẫn nhục tạm ví: nếu ai chửi mình, thì không có người chửi, không có câu chửi và không có ta bị chửi; chẳng phải vô cảm nhút nhát, mà hành giả đang kiểm soát sự dao động của tâm. Nếu bình lặng trước mọi vọng động, tâm ấy chính là Bồ đề, là linh tri tâm.

Đức Phật trong đời quá khứ từng là một tiên nhân. Có lần vua dẫn cung nữ vào rừng; thấy cung nữ vây quanh vị tiên, ghen tức nổi lên vua bèn hỏi “Đạo là gì?”. Tiên nhân đáp “Đạo là nhẫn nhục.” Vua nói, “Nếu nhà ngươi nhẫn nhục thì cho ta xin hai cái lỗ tai.” Nhà vua nói xong liền cắt hai tai của vị tiên. Vẻ mặt tiên nhân vẫn không biến sắc. Cứ thế vua tiếp tục “tùng xẻo”... Thay vì căn hờn, tiên nhân đã phát đại nguyện vút lên cao xanh: tương lai thành Phật sẽ độ ông vua này trước bởi đã giúp ta tu hạnh nhẫn nhục cuối cùng, để trả ơn. Kiếp sau ông tiên chính là Phật Thích Ca; còn vị vua là đệ tử đầu tiên Kiều Trần Như được Ngài độ.  

Nick đã biết xoay ý niệm từ “mê” qua “giác”. Thay vì oán trời tước đoạt chân tay; anh lại vận dụng “cái không” ấy làm tấm gương cho triệu triệu con người lâm vào đường cùng. “Tôi cảm ơn mình đã không có chân tay!” Cho nên chữ nhẫn của Nick có thể ví với Shiva - thần hủy diệt; nhưng là hủy diệt để sáng tạo.

Mạnh Tử nói: “Nếu trời sắp trao vận lớn cho ai, thì bắt người đó phải khổ cực, ruột héo gan mòn để thử chí…” Phật lại dạy: “Chiến thắng vạn người không bằng chiến thắng bản thân”. Chiến thắng cám dỗ của ngũ dục lục trần, chính là hành pháp nhẫn nhục. Nick - một biểu tượng sáng ngời của sự chiến thắng bản thân, trải lòng với nhân loại. Hàng ngàn bài diễn thuyết tại nhiều nước trên thế giới, Nick đang “rộng tu cúng dường” theo Phổ Hiền hạnh nguyện, xiển dương thiện nghiệp, trì níu cái ác lên ngôi giữa một thế giới phẳng đầy động loạn.

Có thể người ta sẽ cho tôi quá lạm dụng tinh thần đạo Phật gán vào một người chưa là Phật tử như Nick. Nếu hiểu hễ chân tu là phải đầu trọc, bận áo phước điền thì chưa hẳn khế hợp với kinh điển. Thời Phật Thích Ca còn tại thế có vị Phật “tại gia” Duy Ma Cật. Lúc Phật “tại gia” thuyết giảng, Phật Thích Ca liền bảo những đệ tử cao thâm nhất đến nghe pháp, và cung kính lễ lạy đúng như với mình.

Nick có Phật tính không? Có, như bao người. Phật bảo chúng sanh ai cũng là Phật vị lai. Nếu chiến thắng được chính mình (tức chiến thắng ma tâm, quỷ tâm, ác đạo tâm) thì Phật tính hiển lộ tròn đầy. Đây cũng là ý nghĩa trong câu nói của Nick: “Thật sai lầm khi nghĩ mình chẳng có ý nghĩa gì”, “Người ta đánh giá bạn như thế nào cũng đừng buồn, vì bạn là một người đặc biệt”. Tố chất “đặc biệt” Nick đưa ra, gần như là Phật tính (dẫu vô minh tạm thời giăng phủ). Nếu tham sân si mạn nổi sóng, thì Phật tính mờ nhòa như sóng nước làm vỡ khuôn trăng. Tâm mới là cội gốc đời người. Nick “có được” là nhờ luyện cái ý chí “không bao giờ khuất phục trước số phận”.

Chúng ta thường xem những vị cao tăng đại đức là Thánh rồi hồn nhiên phát biểu: “Người như vậy sao không đắc đạo cho được”. Nhưng ta lại chẳng lần theo tiểu sử khổ công tu hành của họ. Nếu ai chứng quả thấp nhất, thì con đường họ kinh qua phải muôn trùng cách trở, không ai dễ gì lần theo “lối mòn” ấy mà mong nhập vào dòng thánh cho được.

Có một nguyên lý thú vị được nhiều giảng sư nêu lên để phản tỉnh: Phật thường đưa những người dở ra thị hiện trước nhân loại. Minh chứng là rất nhiều người dân quê mùa thậm chí không biết chữ song gặp Phật pháp liền đoạn nghi, thiết tha niệm Phật và kết quả biết trước chính xác ngày giờ được vãng sanh về Cực Lạc. Ý nhắc người đời “dở như vậy cũng thành Phật” huống hồ…

Nếu chúng ta xem Nick là một nhân vật siêu phàm, một nhân vật đặc biệt nhất trong những nhân vật đặc biệt; nếu chúng ta cứ nhất nhất bảo “Nick là hy hữu, ai nào bì kịp” thì chúng ta tự vùi lấp phần tinh túy nhất của đời mình. Nick là một người bình thường, nhưng sự bình thường nào trong mỗi người cũng trở nên siêu thường nếu biết khai mở bản thể chìm khuất dưới những tầm thường uế trược.

Tôi thật sự ấn tượng với maquette trang quảng cáo của tập đoàn Hoa Sen (đơn vị đã tài trợ kinh phí để đón Nick Vuficic đến Việt Nam): người không tay không chân rạng ngời tọa trên một bông sen. Một sinh mệnh thai sanh từ người mẹ song hình ảnh đó như con người này từ liên hoa mà hóa sanh, dẫu sứ mệnh và con đường phía trước của Nick hẳn vẫn còn ngả rẽ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 7587)
Sau 40 năm xa quê hương, năm 2005, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trở về Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên tôi may mắn được gặp Thầy. Tiếp đó 2 lần tiếp theo Thầy lại được về với đất Việt thân yêu của chúng ta là vào các năm 2007 và 2008. Thế rồi từ đó thiền sư Thích Nhất Hạnh không còn được về Việt Nam nữa. Tiếc thay! Từ sau năm 2008, những ai muốn gặp Thầy phải sang các nước châu Âu hay Mỹ, Nhật, Úc,… Tôi may mắn được bên Thầy lần thứ 4 vào năm 2013 tại Làng Mai Thái Lan. Đó là lần may mắn hiếm có cho những người con Việt đang sống ở đất nước Việt Nam được gặp Thầy. Bởi nơi gần nhất, gần Việt Nam mình nhất mà có thể gặp được Thầy là Thái Lan. Có mấy ai có đủ điều kiện và cơ hội để qua Mỹ qua Pháp… gặp Thầy Nhất Hạnh đâu!
01 Tháng Bảy 2016(Xem: 5424)
28 Tháng Năm 2016(Xem: 5671)
Tôi nhớ rất rõ năm 1973, kỳ thi tuyển vào trung học (lớp Sáu) được tổ chức rất nghiêm ngặt. Cảnh sát gác vòng trong vòng ngoài. Phụ huynh các thí sinh thì nôn nóng, hồi hộp tụ tập rất đông bên ngoài cổng trường. Nội dung thi bao gồm 8 môn học, coi như học môn nào thi đủ môn ấy, hình như chỉ miễn môn thủ công hay nhạc, thể dục,...Nếu thi trượt, thí sinh sẽ phải ghi danh học các trường tư thục tư nhân hoặc của các tổ chức tôn giáo như trường Bồ Đề( Phật giáo), Thiên Hựu( Công giáo), v.v...
11 Tháng Năm 2016(Xem: 6234)
Trên bầu trời âm nhạc Việt Nam, Trịnh Công Sơn đã, đang và chắc chắn sẽ là một ngôi sao sáng mãi. Những bài hát bất tử về “quê hương, tình yêu và thân phận” của “người hát rong qua nhiều thế hệ” này vẫn mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho những tâm hồn yêu thích chiều sâu triết lý nhân sinh, muốn tìm được ý nghĩa và mục đích sống đích thực.
05 Tháng Năm 2016(Xem: 5614)
Tôi sinh ra ở xã Đông Hòa, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Tôi lớn lên ở đó và đến 13 tuổi mới chuyển về Hà Nội sống và học tập. Vậy mà tôi vẫn đau đáu hướng về quê tôi. Cả xã Đông Hòa của chúng tôi chỉ có 1 ngôi chùa nhưng do một ông thầy cúng phụ trách. 2 xã trên là Đông Thọ và Đông Dương cũng có 2 ngôi chùa nhưng lại vẫn không có nhà sư. Vậy nên, hồi nhỏ, tôi có được thực sự đến chùa bao giờ đâu.
29 Tháng Tư 2016(Xem: 5692)
Đây là một bài viết ngắn, tóm tắt quan điểm và nhận định của riêng tôi về những vấn đề thường thấy đem ra thảo luận trên các diễn đàn Phật giáo. Viết ra để chia sẻ và cũng là một dịp tốt để cô đọng lại những gì mình đã tìm tòi, suy tư, trải nghiệm trong thời gian qua. Hoàn toàn không có ý chê bai, phê bình người khác, mà cũng không có ý bênh vực, biện minh cho con đường của mình.
29 Tháng Tư 2016(Xem: 5351)
Tuấn vẫn thích chủ đề này; đầu óc rối bù, càng đọc tụng, càng mờ mịt. Từ ngày vô tình tìm thấy cuốn sách "bước đầu học Phật" trên ngăn kệ sách trong tiệm bán sách cũ, như vớ được của quý, ngấu nghiến đọc.
29 Tháng Tư 2016(Xem: 5722)
“Tay thầy trong tay con” là cuốn sách tôi nghiền ngẫm cả tuần nay. Đọc và nghĩ. Đọc và ngẫm. Ngẫm về mình, về Thầy, về cuộc đời, về sự vi diệu của Phật Pháp. Tôi như bừng tỉnh. Tôi như đổi đời. Xung quanh tôi bao người đang thay dổi mỗi ngày.
29 Tháng Tư 2016(Xem: 6067)
Trong kinh Lăng Nghiêm, ở chương Đại Thế Chí Niệm Phật, ta được học rằng trong khi mẹ nhớ con và đi tìm con, nếu con cũng nhớ mẹ và đi tìm mẹ thì thế nào mẹ và con cũng tìm được nhau và hai mẹ con sẽ không bao giờ xa nhau. Điều này cũng đúng với liên hệ thầy và đệ tử: nếu thầy có chủ tâm đi tìm đệ tử trong khi đệ tử cũng có chủ tâm đi tìm thầy thì chắc chắn là thầy và đệ tử sẽ gặp nhau. Thầy tìm được con thì thầy nắm tay con để đi trên con đường thực tập, con trở thành thầy và thầy có trong con. Và như thế trong tay con đã có tay thầy.