Hài cỏ bờ sương

13 Tháng Chín 201613:42(Xem: 5664)

HÀI CỎ BỜ SƯƠNG 
Toại Khanh

 

blankHọ cưỡi sóng trùng dương mà đi về những miền đất lạ, coi thân sinh tử như giọt sương mai và hành trang chỉ là một lòng đại nguyện không muốn chỉ riêng mình thoát cõi trầm luân….

Họ chân cứng đá mềm qua những miền gió cát chất đầy đầu lâu xương trắng, những sơn đạo hoang vu chỉ có gió núi mưa rừng và hành trang vẫn là một chữ thương đời…

Họ một đời ẩn tích sơn lâm để làm cái gương sống đạo cho muôn người sinh tử theo đó mà tiến tu…

Họ học giả, họ thiền sư, họ du tăng, họ chẻ đá khai sơn gầy dựng đạo tràng, họ mở đạo tạo tăng để tìm người truyền thừa mạng mạch tông môn, họ chịu đánh chửi khinh miệt, họ gánh hết khổ nạn nhân quần, họ làm mọi sự gian truân chỉ vì một chữ Phật ở đời. Phật là hiểu, là thương, là bao dung, là chia sẻ chân tình không điều kiện. Đời mất Phật rồi thì thiên hạ quay về với thuở hồng hoang. Hồng hoang ngay từ trong tâm thức, với những trái tim không tình người và những khối óc chỉ biết sắt thép. Đại khái buồn ghê gớm. Vậy là đời cần có Phật.

Tôi muốn thưa rằng họ là những Phật Âm, Huyền Trang, Giám Chân, Pháp Hiển, Nghĩa Tịnh, A Đề Xá, Tôn Khách Ba,…Không có họ, có lẽ Phật giáo hôm nay không có kinh điển và cái gọi là tông môn. Thiếu hai món này, dám hỏi đạo Phật còn lại gì. Kiểu Phật giáo bất lập văn tự gì đó thực ra đã tan theo ngọn lửa trà-tỳ ngay sau ngày Thế Tôn viên tịch. Đời nay không có kinh văn thì hậu nhân cầu pháp khác gì người nấu sỏi tìm cơm !

Rồi chuyện đời biển dâu, hữu hình hữu hoại, Phật còn bỏ đời mà đi thì nói gì hàng môn đệ phàm nhiều hơn thánh. Thời mạt pháp đời càng gieo neo nghìn lần mà đạo lực người hoằng dương ngày một thiếu hụt. Đã huyễn hoá, đời nay càng thêm nhiều trò huyễn hoá, đạo nghiệp hoằng dương từ đó cũng phải thêm chút cơ xảo để hướng dẫn người sơ học và đó cũng là cái cớ chẵng đặng đừng cho bao thứ thị phi tan nát can tràng.

Tôi nhớ từng viết ở đâu đó rằng đời vì lục căn mà trầm luân thì người hành đạo giải thoát cũng phải từ lục căn mà tìm ra chỗ thoát. Hiền thánh xưa đạo lực thâm hậu với cơ man những phương tiện diệu dụng, người sứ giả Như Lai hôm nay đôi khi chỉ còn biết trông cậy vào vài món du hí tam muội thời thượng. Tất thảy những hình ảnh, âm thanh khả dĩ chở được ít nhiều gợi ý cho người học đạo đều được tận dụng như những thân cây, mảnh gỗ, hay thùng thau chum chóe cho người chết đuối trên dòng. Ý nghĩa tận dụng đó dĩ nhiên cũng bị lợi dụng thê thảm, nhưng suy cho cùng, nói theo Cơ-Đốc-Giáo, người hoằng dương chính là những kẻ vác thập giá khổ nạn mà đi, chen lấn với cả những người anh em ham chơi để làm cho xong nghiệp lớn và dĩ nhiên tai tiếng chia đều !

Một buổi khuya cách đây mấy hôm tình cờ đọc thấy một bài báo trong nước rồi thì nói như Quang Dũng “Đường đi không gió lòng sao lạnh”, nghĩa là không dưng mà cứ nghe bùi ngùi một nổi riêng không tên gọi.

Bài báo do một tay ký giả trong nước xem chừng cũng là người mộ Phật. Chỉ một bài phóng sự con con đăng báo mà tác giả cứ như rút hết tâm tình mà tán, mà dặm như chuyện riêng đời mình.

Chuyện kể về một vị đại ca giang hồ ở Đà Lạt sau những sóng gió gặp phải trên đường lăn lộn đã một ngày ngẫu nhiên tìm đến với Phật qua câu chuyện về một nhà sư nghệ sĩ ở Huế. Bài viết thâm thiết chí tình và ly kỳ như tiểu thuyết Duyên Anh nhưng lại là chuyện có thật. Bỏ hết những ngày tháng gay cấn máu hận, chàng trai trẻ kiêu bạt kia đã phủi tóc xuất gia và chọn lấy một kiểu sống đạo thật lạ và cũng rất thời thượng: Hoằng dương bằng máy ảnh !

Nhà sư trẻ đó đã chọn lấy một con đường vừa sức mình và có lẽ cũng là người khai sơn phá thạch cho một kiểu tu hành thời đại. Sao cũng là hoằng dương hết, đưa người về với Phật qua những âm thanh, sắc tướng cũng là một kiểu lợi tha. Tôi bỗng nhớ đến một nét riêng rất độc đáo trong văn hoá tâm linh Việt là hầu như người Việt nào cũng bắt đầu yêu Phật bằng những tiếng chuông chiều mõ sớm nghe được ở đâu đó, có khi chỉ là tiếng vọng từ một quảng đời thơ ấu. Rồi thì hình ảnh một bát hương, một mái chùa, đều là một phần hồi ức của tuyệt đại đa số người Việt nông thôn. Trong những trường hợp đó, mùi thơm vi diệu ở cõi Chúng Hương gì đó bên Phật giáo Bắc truyền có lẽ không gần gũi bằng chút mùi nhang phảng phất bên bờ ruộng buổi chiều hay những thảo am lẽ loi đâu đó bên lưng đồi, chân núi. Cả cái Pháp Âm Sư Tử Hống gì ấy cũng không ru được long người hữu hiệu như một tiếng chuông rơi rớt đâu đó trong một buổi chiều muộn. Tôi nhớ mấy câu truyện ngắn của Tự Lực Văn Đoàn cũng đã tận dụng những tiếng chuông chùa ở xóm làng Bắc Việt để làm nền cho không ít những tình huống rất tế nhị. Thế là mùi hương hay âm thanh nếu được vận dụng đúng chỗ cũng cứ là những con đò đưa người sang sông.

Dĩ nhiên không thể đem so sánh một chút mùi nhang hay một tiếng chuông chiều với một tấm ảnh nghệ thuật, nhưng tôi cứ muốn thưa rằng gì cũng tốt, làm sao thấy được thì thôi. Cái quan trọng vẫn là cái đó đưa ta về đâu.

Nói chuyện người rồi lại nhớ chuyện ta. Từ rất lâu ngày, tôi vẫn có những giây phút như quên mình trước những tấm ảnh nghệ thuật của Phật Giáo Nhật Bản. Những khi đó, tôi cơ hồ đã quên mất những gì là Tào Động, Lâm Tế để chìm sâu vào một khuôn sân trải đầy cát trắng, một bóng người đen sẩm bên cạnh lầu chuông, một dòng nước rót nhẹ vào hốc đá từ một cái máng tre hay đôi bàn chân ai đó như đang bước nhẹ nhàng thanh thản trên một sàn gỗ và xa xa ngoài sân là vài ba chiếc lá vàng im tiếng. Chỉ chừng đó thôi, lòng đủ thanh thản để hít sâu thở chậm, để nhớ Phật và quên hết ưu phiền. Trộm nghĩ, nếu tiếp tục xem thêm vài chục tấm hình tâm đắc kiểu đó thì coi như tôi đã có ít nhất một giờ trầm tưởng, một kiểu công phu của nhà Phật. Người nghệ sĩ tác giả của mấy bức ảnh đó rõ ràng đã hoằng pháp theo cách riêng của mình để cứu vớt một tục khách là tôi, giúp tôi quên mất gì là Nam Truyền Bắc Phái, Đại Tiểu Hiển Mật,.. để đơn giản nhớ tới những chuyện căn bản nhất là buông hết mọi gánh nặng, xoá nhoà mọi biên giới để đạt tới những gì cao rộng nhất. Tôi đã yêu mấy tấm ảnh đó đến mức quên mình dốt chữ Hán để đùa rỡn văn tự bằng cách dịch sai chữ Nhiếp Ảnh thành Bắt Bóng, là trò chơi ghi lại khoảnh khắc sinh diệt của một quá khứ phù du, là trò chơi dạy người ta hiểu rõ bài học Khắc Dấu Mạn Thuyền rất mực thâm hậu.

Hai đêm nay cứ ngũ sâu một tí lại mơ thấy mình bỏ hết kinh tượng để cầm lấy cái máy ảnh lang thang đâu đó bên Ấn, bên Tàu để chiêm ngắm vạn hữu bằng công phu Nhiếp Ảnh Tam Muội. Nhưng trời ạ, lúc quay về quán trọ mới hay chiếc máy trên tay mình lâu nay chỉ là loại máy Kodak chụp hết cuộn phim thì vất. Giật mình thức giấc rồi thì có được một bài học nửa lạ nửa quen: Mắt tuệ kém cõi thì khả năng ghi nhận dễ có vấn đề.

Xin cảm ơn sư CH, người đã rũ áo giang hồ đề trở thành phương trượng ngôi chùa Định Quang rách nát mà thiền vị bên dưới chân đèo Hải Vân. Tôi cũng xin cảm ơn anh nhà báo đã viết bài về nhà sư kỳ lạ đó và dĩ nhiên cũng phải cảm ơn những người đã đọc bài viết này của tôi. Chỉ cần trong lòng có Phật, trong tim có tình người thì thể hiện nào cũng là một cách thế lợi tha. Thôi thì muôn nẻo hoằng dương, đưa nhau được một đổi đường cũng vui !

 

TOẠI KHANH
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Chín 2016(Xem: 6620)
26 Tháng Chín 2016(Xem: 5244)
23 Tháng Chín 2016(Xem: 5768)
26 Tháng Tám 2016(Xem: 7765)
23 Tháng Tám 2016(Xem: 6030)
Khí hậu mùa hè cực nóng và khô dễ gây hỏa hoạn tại nhiều tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ. Cả miền Nam và Bắc California năm nay bị cháy rừng liên tục mấy vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, thiêu rụi nhiều ngàn mẫu rừng và hàng trăm ngôi nhà. Đã có nhiều gia đình bị buộc phải di tản trước khi lửa cháy đến khu gia cư của họ. Điều khó tin là một trong các vụ cháy rừng ở miền Bắc California lại do một người đàn ông cố ý phóng hỏa. Trong khi các tin tức về Thế vận hội Olympic tại Rio, Brazil, cũng như chuyện bầu cử ở nước nọ nước kia, hay chuyện Pokémon Go… được đưa lên đầu trang các báo và đài, thì chuyện hỏa hoạn phá hoại môi sinh trong một tiểu bang bị hạn hán kéo dài, dường như chỉ là tin tức thông thường ít người quan tâm, trừ khi cơn lửa cháy đến gần khu vực của họ.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 5782)
Tôi lớn lên trong làn hương Phật tự. Mấy chục năm dài những tưởng chỉ có một phương trời Cổ Ấn trong lòng, nhưng hình như không phải chỉ có vậy. Tự chỗ sâu kín nhất của một trái tim đầy ắp phàm tình, thực ra vẫn còn đó một góc riêng thật độc lập cho cái gọi là tình quê.
26 Tháng Bảy 2016(Xem: 5969)
09 Tháng Bảy 2016(Xem: 6259)
Tại 1 trong 4 cuốn sách nổi tiếng của ni sư Ayya Khema người Đức mà tôi rất yêu kính “Khi nào chim sắt bay” (3 cuốn còn lại là “Vô ngã vô ưu”, “Tôi là ai” và “Ốc đảo tự thân”, trong đó có cuốn “Vô ngã vô ưu” của ni sư được giải thưởng sách tôn giáo hay nhất thế giới mà cá nhân tôi đã đọc nhiều lần, cả bản tiếng Anh “Being nobody, going nowhere” và tiếng Việt), chúng ta được đọc những dòng chữ tiên đoán từ hai ngàn năm về trước rằng, khi nào chim sắt bay và ngựa chạy trên 4 bánh xe thì Đạo Phật sẽ lan tỏa sang phương tây. Những ngôn từ này luôn in sâu trong tâm tôi ngay từ lần đầu tiên tôi đọc được cách đây hơn chục năm đến tận bây giờ.
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 7542)
Sau 40 năm xa quê hương, năm 2005, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trở về Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên tôi may mắn được gặp Thầy. Tiếp đó 2 lần tiếp theo Thầy lại được về với đất Việt thân yêu của chúng ta là vào các năm 2007 và 2008. Thế rồi từ đó thiền sư Thích Nhất Hạnh không còn được về Việt Nam nữa. Tiếc thay! Từ sau năm 2008, những ai muốn gặp Thầy phải sang các nước châu Âu hay Mỹ, Nhật, Úc,… Tôi may mắn được bên Thầy lần thứ 4 vào năm 2013 tại Làng Mai Thái Lan. Đó là lần may mắn hiếm có cho những người con Việt đang sống ở đất nước Việt Nam được gặp Thầy. Bởi nơi gần nhất, gần Việt Nam mình nhất mà có thể gặp được Thầy là Thái Lan. Có mấy ai có đủ điều kiện và cơ hội để qua Mỹ qua Pháp… gặp Thầy Nhất Hạnh đâu!