Tưởng Nhớ Cư Sĩ Liên Hoa

21 Tháng Ba 201300:00(Xem: 4809)

TƯỞNG NHỚ CƯ SĨ LIÊN HOA 
Hoang Phong

 Cư sĩ Padma Liên Hoa là một nhà thơ dạt dào tình cảm, với một tấm lòng rộng mở và một con tim luôn ngập tràn từ bi. Dù chưa hề gặp mặt mà chỉ quen nhau trên "Trang nhà Liên Hoa" (http://www.lien-hoa.net/) thế nhưng người viết vẫn mạn phép xin được gọi ông là một người bạn, một người bạn cùng đi trên một con đường, chỉ khác nhau là một người đã đến trước và một người vẫn còn lẽo đẽo theo sau.

 Cư sĩ - và cũng là nhà thơ Liên Hoa (1951-2012) người sáng lập và quản lý "Trang nhà Liên Hoa" đã ra đi ngày mùng 7 tháng 2, năm Nhâm Thìn (28.02.2012). Hôm nay tình cờ nhìn lên tờ lịch lại chợt nhớ đến ông, một người đã hết lòng và tận tụy vì Đạo Pháp. Xin mạn phép chuyển ngữ một bài thơ Đường của Vương Duy (701-761) để tưởng nhớ và mến tặng cư sĩ Liên Hoa và cũng để kỷ niệm ngày ông ra đi cách nay vừa tròn một năm.

 Vương Duy không những là một nhà thơ mà còn là một họa sĩ, một nhà thư pháp và một nhạc sĩ lừng danh, thế nhưng vào cuối đời ông cũng đã từ bỏ tất cả để tu thiền. Bốn thế kỷ sau vào thời nhà Tống, nhà thơ Tô Đông Pha (1037-1101) đã tỏ bày sự ngưỡng mộ của ông đối với tài thi họa của Vương Duy như sau: "Mỗi khi thưởng thức một bài thơ của Vương Duy thì tôi đều hình dung ra cả một bức tranh; mỗi khi ngắm nhìn một bức tranh của Vương Duy thì tôi lại thấy hiện ra cả một bài thơ". Thơ của Vương Duy luôn phản ảnh tinh thần Phật Giáo thật sâu sắc, núi và rừng trong thơ và tranh của ông biểu trưng cho tánh không trong giáo lý nhà Phật. Ông đã trước tác bài thơ dưới đây vào một mùa xuân cách nay khoảng 13 thế kỷ.

 Xin mạn phép được chuyển ngữ bài thơ của ông bằng ba cách khác nhau: a) thơ bảy chữ, b) thơ năm chữ, và c) một phiên bản dưới dạng tóm lược với hy vọng những ý tứ và xúc cảm của bài thơ sẽ được sáng tỏ hơn qua ba cách phỏng dịch khác nhau chăng ?

春中田園作

 屋上春鳩鳴,
村邊杏花白。
持斧伐遠揚,
荷鋤覘泉脈。
歸燕識故巢,
舊人看新歷。
臨觴忽不御,
惆悵遠行客。

Xuân trung điền viên tác

Ốc thượng xuân cưu minh,
Thôn biên hạnh hoa bạch.
Trì phủ phạt viễn dương,
Hà sừ chiêm tuyền mạch.
Quy yến thức cố sào,
Cựu nhân khán tân lịch.
Lâm thương hốt bất ngự,
Trù trướng viễn hành khách

Tạm dịch nghĩa:

Trước tác giữa mùa xuân nơi thôn ấp (1)

Ngày xuân chim gáy [chim cu] hót trên mái nhà, 
Thôn bên hoa hạnh [hoa mơ / hoa mận / plum tree] nở trắng xóa.
Cầm rìu đẵn [mé] cành liễu vướng,
Tự tay [lấy] cuốc khơi mạch suối [cho nước tuôn].
Én về tìm đúng nơi tổ cũ.
Bạn cũ nhìn [lên] tờ lịch mới,
Nhìn xuống chén rượu, chợt [thấy buồn] không nhắp,
Lòng đau [nhớ] đến người viễn khách đã đi [xa].

(1) - Hai chữ này trong nguyên bản là "điền viên", nghĩa từ chương là "ruộng vườn", thế nhưng hai chữ "ruộng vườn" trong tiếng Nôm mang ý nghĩa khá bao quát, không diễn tả được khía cạnh xúc cảm của hai chữ "điền viên". "Điền viên" trong Hán ngữ mang ý nghĩa là một nơi thôn ấp, một chốn quê nhà (thí dụ như "vui thú điền viên"). Do đó xin tạm dịch hai chữ "điền viên" là "thôn ấp".

a)

Trước tác nơi thôn ấp giữa mùa xuân

Trước tác nơi thôn ấp giữa mùa xuân
Trên mái ngày xuân chim gáy hót,
Trắng xoá thôn bên hoa mận nở.
Cầm rìu đẵn bớt cành liễu vướng,
Lấy cuốc khai mương dòng suối chảy.
Én về tìm đúng nơi tổ cũ.
Bạn xưa (2) nhìn lên tờ lịch mới,
Trên tay chén rượu buồn không nhắp,
Nhớ người viễn khách chốn xa xăm
 (Hoang Phong chuyển ngữ)

(2) - "Bạn xưa" trong câu này chính là tác giả Vương Duy. Ngày xuân nhìn lên tờ lịch mới, ông nhớ đến một người bạn cũ đã ra đi. "Bạn xưa" tạm dịch từ hai chữ "cựu nhân" trong nguyên bản. "Cựu nhân" ở đây có nghĩa là một "người bạn cũ" hay "một người bạn ngày xưa". Chữ "cựu nhân" khác nghĩa với chữ "cổ nhân" hay "cố nhân" có nghĩa là "người xưa", do đó nếu dịch chữ "cựu nhân" là "người xưa" thì không đúng nghĩa. Trong câu này Vương Duy dùng cách chơi chữ rất hay: Người cũ nhìn lên tờ lịch mới, (Cựu nhân khán tân lịch), do đó cũng có thể dịch chữ "cựu nhân" là "bạn cũ" để giữ được cách chơi chữ của Vương Duy, thế nhưng nếu dịch là "bạn cũ" thi lại rơi vào lỗi "lập đi lập lại", bởi vì chữ "cũ" đã được dùng ở câu trước (Én về tìm đúng nơi tổ cũ) .

b)
Trước tác nơi thôn ấp giữa mùa xuân

Mái xuân chim gáy hót,
Thôn bên hoa mận nở.
Đẵn bớt cành liễu vướng,
 Khai suối, dòng nước tuôn.
Én về tìm tổ cũ.
Nhìn lịch nhớ người xưa,
Chén rượu buồn quên nhắp.
Thương người đi xa xăm.
 (Hoang Phong chuyển ngữ)

Cách dịch với mỗi câu gồm năm chữ tuy phù hợp với "nhịp thơ" trong nguyên bản tiếng Hán, thế nhưng không lột được hết ý và cũng không khơi động được tròn vẹn xúc cảm trong bài thơ của Vương Duy.

c)
Nhớ một người bạn cũ đi xa
(tóm lược ý trong bài thơ của Vương Duy)
 Thôn xưa cảnh cũ nay còn đấy,
Nhìn lịch chợt nhớ người năm cũ.
Chén rượu cầm tay buồn quên nhắp,
Thương người viễn khách chốn xa xăm.

Mục đích tóm lược bài thơ là để giúp người đọc dễ nhận thấy ý chính trong bài thơ của Vương Duy. Tuy nhiên và dù sao đi nữa thì cũng cần hiểu rằng năm câu đầu trong bài thơ tám câu của Vương Duy không phải là những câu thừa, mà đúng hơn là những câu chuẩn bị thật tinh tế và vô cùng khéo léo nhằm nêu lên bối cảnh đã gợi lên cho tác giả niềm thương nhớ một người bạn cũ đã đi xa.

Xin tưởng niệm nhà thơ Liên Hoa
Bures-Sur-Yvette, 21.03.13
Hoang Phong chuyển ngữ


Xem thêm TRANG THƠ CỦA CƯ SĨ LIÊN HOA



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tám 2014(Xem: 3754)
“Trang hỡi Trang, em là vì sao sáng / Giữa khung trời mây trắng với trăng thanh” / Một công trường lưu dấu tích tên em / Nay bị di dời, Trang ơi em có biết Năm mươi năm giữa Sài Gòn náo nhiệt Chợ Bến Thành nhộn nhịp khách lại qua / Mỗi một khi nhìn bức tượng kiêu sa / Lòng thương tiếc một nữ sinh đã chết / Đạn lạnh lùng thấu tim em ngã gục
05 Tháng Sáu 2014(Xem: 6766)
Hôm ghé lại nhà em mừng sinh nhật / Ngày đìu hiu lòng phố cũng đìu hiu / Ngỡ ngàng sao giữa bóng sắc muôn chiều / Câu chào đón như lời ca thánh thót
18 Tháng Giêng 2011(Xem: 18471)