Miễn Phúng Điếu Hay Phúng Điếu - Tâm Diệu

03 Tháng Tám 201000:00(Xem: 41335)

MIỄN PHÚNG ĐIẾU HAY PHÚNG ĐIẾU
Tâm Diệu

Có rất nhiều đám tang, không chỉ trong cộng đồng Phật Giáo mà cả trong các cộng đồng tôn giáo khác, khi đăng cáo phó thường ghi là: “Xin Miễn Phúng Điếu” và có một số cáo phó khác còn ghi rõ là: “Xin Miễn Phúng Điếu và Tặng Vòng Hoa”. Vậy xin hỏi: ý nghĩa của việc miễn phúng điếu này như thế nào? Nếu tang gia nhận tiền và tràng hoa người ta mang đến phúng điếu, thì người qua đời có mang nợ hay không? Và có nên nhận hay không nhận phúng điếu?

Trước hết chúng ta thử xem định nghĩa chữ Phúng Điếu là gì. Theo Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh, Phúng có nghĩa là đem lễ vật đến cúng người chết, Điếu là viếng thăm nhà có tang. Phúng điếu là mang lễ vật đến cúng người chết, thăm hỏi và chia buồn cùng tang gia. Lễ vật ở đây được hiểu là nhang, đèn, hoa, bánh trái và tiền bạc. Như vậy “Xin Miễn Phúng Điếu” có nghĩa là không nhận những thứ đó. Ngày nay người ta hiểu miễn phúng điếu có nghĩa là “xin miễn nhận tiền”.

Được hỏi về việc này, một cụ già nho học nói rằng, ngày xưa khi tang chủ niêm yết (báo tang) “Xin Miễn Phúng Điếu” có nghĩa là gia chủ không nhận tiền nhưng có thể nhận nhang đèn bánh trái. Đây là một tín hiệu báo cho bà con láng giềng biết, tang gia là những người có hiếu, có tình, có nghĩa đối với người thân qua đời, họ đủ sức lo liệu được tang lễ. Họ chỉ nhận nhang đèn bánh trái vì những thứ này không tốn kém bao nhiêu, còn tiền bạc thì tốn kém nhiều cho người đi phúng viếng, vả lại đối với tiền bạc, họ nghĩ rằng, chỉ có thân nhân người qua đời được hưởng, nên người sống nhận thì không tốt, vì người qua đời phải mang nợ, không biết kiếp nào mới trả được. 

Thật ra, đám tang có linh đình hay không, lễ cầu siêu, cầu nguyện có lớn hay không và phần mộ có to và đẹp hay không, tất cả đều dành cho người sống và đều làm đẹp, làm nở mày nở mặt cho người còn sống và chỉ giúp cho người sống an lòng mà thôi. Nếu như người qua đời khi còn sống có ý muốn dù âm thầm trong tâm hay nói ra là đám tang nên được tổ chức trang trọng, linh đình, mời nhiều thầy hay nhiều cha đến làm lễ với nhiều vòng hoa phướng liễn, thì dĩ nhiên, căn cứ theo luật nhân quả, thì phàm hễ có tác ý, tất nhiên là tạo nghiệp, có nhân thì có qủa. Dù nhận tiền hay hoa, thì người qua đời theo lý này vẫn mang nợ. Còn nếu như người qua đời khi còn sống dặn dò con cái tang lễ nên tổ chức đơn giản, không nhận phúng điếu thì đâu có gì phải mang nợ. Nếu có chăng chỉ là món nợ tinh thần của người quá vãng đối với tình cảm của người còn sống dành cho trước khi chết. 

Tưởng cũng nên biết thêm, việc phúng điếu bằng vòng hoa bắt nguồn từ văn hoá phương Tây, không phải là một tập tục của người Việt Nam ngày xưa. Đối với người Việt, theo Toan Ánh tác giả “Phong Tục Việt Nam”, thì “lễ phúng điếu thường là trầu cau trà rượu, hoặc những nhà nho học thì dùng những bức trướng hoặc những đôi câu đối, ca ngợi những đức hay tính tốt của người chết. Ở thôn quê, người trong làng xã thường dùng tiền để phúng viếng, một cách trực tiếp giúp đỡ thiết thực tang chủ trong lúc cần thiết v.v..” 

Ngày nay, tại các thành phố lớn ở Việt Nam người ta bắt chước văn hoá của người phương Tây hay dùng những vòng hoa tươi hoặc hoa cườm để phúng điếu người chết. Ngược lại, một số làng quê Việt Nam vẫn còn giữ được tập tục xưa. Trong các làng xã khi có người chết, bà con láng giềng mỗi người phụ giúp một tay với tang gia lo tổ chức đám tang, những người khác ở làng trên hay xóm dưới không giúp gì thì dùng tiền để phúng điếu. Đây là một hình thức giúp đỡ trực tiếp cho gia đình người chết để thanh toán các chi phí đám tang. Điều nầy, nói lên tinh thần tương thân tương trợ của người dân quê Việt Nam chúng ta. Vì thế, ở các vùng quê, ít có gia đình nào từ chối việc phúng điếu bằng tiền khi có người thân qua đời. Họ nghĩ rất đơn giản rằng, hôm nay mình nhận của người ta, mình mang nợ họ thì mai kia con cháu mình sẽ mang trả lại.

Tại các thành phố ngoài Việt Nam, đặc biệt như ở Bắc Mỹ và Tây Âu, nơi có đông người Việt sinh sống, thường họ có đời sống khá giả hơn. Do tình cảm gia đình, bè bạn và láng giềng không được gần gũi và ấm áp như ở thôn quê Việt Nam, nên người ta đã tự lo trước cho cái chết của họ một cách tương đối đầy đủ, mà không cần nhờ đến ai, làm phiền ai, kể cả con cháu sau này. Họ để dành tiền cho hậu sự này, qua việc mua bảo hiểm nhân thọ hay gia nhập vào các quỹ tương trợ để khi chết, gia đình có tiền sống và trang trải tất cả chi phí cho việc ma tang. Cho nên vấn đề nhận phúng điếu bằng tiền sẽ không là vấn đề cần thiết. 

Có lẽ chính vì thế mà các cáo phó hay thiệp báo tang in ở các nhật báo hải ngoại đa phần ghi là “xin miễn phúng điếu”. Đôi khi có một số cáo phó còn ghi rõ thêm: “thể theo ước nguyện của người quá cố, mọi đóng góp xin vui lòng gửi vào trương mục123456 cho hội từ thiện A hay cúng cho chùa B, nhà thờ C…” Tại nhà quàn, một số đám tang cẩn thận hơn còn để một thùng giấy ghi “xin miễn phúng điếu” và “mọi đóng góp xin cúng cho chùa A, nhà thờ B hay hội từ thiện C.” Riêng tại sở làm của một số công ty lớn do người Mỹ làm chủ, khi có nhân viên qua đời, họ không nhận tiền phúng điếu mà đưa cho các đồng nghiệp tên một hội từ thiện, yêu cầu gửi thẳng ngân phiếu ghi số tiền muốn phúng điếu đến địa chỉ đó. Số tiền gửi tặng hội từ thiện này, cuối năm sẽ được trừ thuế, mà tiền thì lại được tiêu vào việc có ích lợi cho người khác. 

Các việc làm này, một số người quan niệm rằng người chết sẽ không mắc nợ, nếu có nợ chăng chỉ là nợ tấm lòng của họ đến với mình, một số người khác cho rằng việc không nhận tiền phúng điếu mà nhận tiền cho các chùa, nhà thờ và hội từ thiện, chưa chắc đó là một giải pháp hay. Nhưng xét trên bình diện rộng, thì việc nhận tiền phúng điếu để làm việc từ thiện xã hội là một hình thức tương trợ lẫn nhau, vừa có lợi ích thiết thực cho xã hội mà cũng vừa đem lại sự an lạc cho hương linh người quá cố. Cả hai đều hoan hỷ, đều hưởng lợi: những người kém may mắn trong xã hội hưởng được một chút qùa của thân nhân và bằng hữu người chết để lại, người quá cố đã chết mà vẫn còn tạo được cái duyên lành có ích lợi cho tha nhân; đồng thời, thân nhân và bằng hữu người chết cũng có cơ hội bày tỏ tấm lòng với người quá cố và còn gián tiếp làm được một công việc phúc lợi cho đời. Người viết được biết ở Việt Nam, nhiều đám tang qua hình thức này đã giúp được nhiều phúc lợi cho cộng đồng. Đơn cử như sau đám tang của cụ ông Nguyễn Sằng, nguyên là một nhà giáo ở Nha Trang Khánh Hoà, vị đại diện cho tang quyến đã trao số tiền 200 triệu đồng phúng điếu trong tang lễ của cụ cho các quỹ từ thiện trong tỉnh. Trong đó: quỹ khuyến học 60 triệu đồng, quỹ từ thiện 60 triệu đồng, bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa 20 triệu đồng và các gia đình thương binh 60 triệu đồng.

mienphungdieuhayphungdieuRiêng nói về những vòng hoa, ngoài việc tô điểm cho tang lễ thêm phần trang trọng, giúp cho bầu không khí trong nhà quàn bớt vẻ lạnh lùng, còn mang ý nghĩa chuyên chở tình cảm của người sống với người chết, hy vọng thần thức người chết được hoan hỷ, vì thấy mình và con cái mình được nhiều người quý mến, được nhiều người biết đến (bản ngã). Tuy nhiên, hoa chỉ dùng được một hay hai ngày, rồi sau đó khi đưa đám đến huyệt mộ hay đến lò thiêu, thì những tràng hoa nầy cũng theo người chết mà vào thùng rác, thật là uổng phí! Nhưng, như trên đã trình bày, hoa là tiền nên người chết có thể phải gánh chịu món nợ này, nếu như khi còn sống có ý muốn trong tang lễ có nhiều hoa. 

Tưởng cũng nên biết cố đại lão Hoà thượng Thích Thánh Nghiêm, một vị Thánh Tăng thời hiện đại đã để lại di chúc trước khi Ngài viên tịch: “không đăng cáo phó, không phúng điếu, không xây mộ tháp, không lập bia tượng, không nhận vòng hoa, liễn đối. Lễ nghi phải vô cùng đơn giản, không lãng phí nhưng trang nghiêm”. Ngài cũng cho biết qua một buổi phỏng vấn trên đài truyền hình Đài Bắc lúc còn sống, Ngài có nói lại lời nói của đức cha La Quang, một vị giám mục hiền đức thuộc giáo xứ huyện Đài Bắc là “sau khi chết (ngài) không mong có người dâng hoa, không mong có người ca tụng công đức, cũng không mong phô trương, truy điệu” và cho biết khi cha La Quang qua đời, “tôi đến tưởng niệm, nhìn thấy quan tài của cha đặt trong đại sảnh, xung quanh chẳng có gì cả, đây là một gương mẫu rất tốt”.[1] Hai Ngài là những tấm gương sáng ngời cho hậu thế.

Nói tóm lại, miễn phúng điếu hay phúng điếu tùy thuộc vào quan niệm sống của người quá vãng và của tang quyến, tuỳ thuộc hoàn cảnh gia đình của tang quyến, tuỳ thuộc vùng địa dư và phong hoá của cộng đồng nơi người quá vãng đã sinh sống. Nếu ở miền thôn quê Việt Nam thì phúng điếu là một tập tục dễ thương nên được duy trì. Nếu ở các thành phố lớn ở Việt Nam, Tây Âu hay Bắc Mỹ thì miễn phúng điếu có thể là một lựa chọn khéo, phù hợp với hoàn cảnh và phong tục tập quán địa phương. Thật ra, đám tang có linh đình hay không, lễ cầu siêu, cầu nguyện có lớn hay không và phần mộ có to và đẹp hay không, tất cả đều dành cho người sống và đều làm đẹp, làm nở mày nở mặt cho người còn sống và chỉ giúp cho người sống an lòng mà thôi. 

Tâm Diệu

[1] http://www.dieungu.org/thichthanhnghiem-03.htm

Xem thêm: Cẩm Nang Cư Sĩ, Tâm Diệu (sách)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Tư 2016(Xem: 6369)
Mặc dù có một lịch trình huấn-luyện bận rộn tại Thái Lan, Bác Sĩ Suresh Kumar vẫn dành thời gian nói chuyện với nhà sư Phra Paisal Visalo, là Tu Viện Trưởng của Tu Viện Phật Giáo Wat Pasukato, và cũng là người sáng lập Hệ Thống Phật Giáo Cho Người Chọn Cái-Chết Bình-An (hospice)
12 Tháng Ba 2016(Xem: 8216)
Hiện nay, hầu hết người ta đều nghĩ rằng võ học Trung Quốc là xuất phát từ chùa Thiếu Lâm, võ thuật Thiếu Lâm là do Bồ-đề Đạt- ma sáng tạo, và Dịch cân kinh là thánh điển của võ học Thiếu Lâm! Nhưng thực ra quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Võ học Trung Quốc đương nhiên không xuất phát từ chùa Thiếu Lâm, võ thuật Thiếu Lâm không phải do Bồ-đề Đạt-ma sáng lập, và Dịch cân kinh cũng không phải là công phu của Phật môn.
01 Tháng Ba 2016(Xem: 6518)
Thi thoảng trong đời chúng ta nên suy nghiệm về cái chết. Đúng ra, chúng ta nên nghiệm về nó hàng ngày. Đức Phật khuyên nên nghĩ về cái chết thường xuyên ( Maraṇānussati ) vì làm vậy có nhiều cái lợi.Chúng ta hãy xem suy nghiệm về cái chết thì được lợi như thế nào.
05 Tháng Giêng 2016(Xem: 8055)
Miêu tả 2.500 trường hợp thuộc dữ liệu của trường Đại học Virginia (Hoa Kỳ) được các nhà nghiên cứu tìm hiểu cẩn thận kể từ khi bác sĩ Ian Stevenson nghiên cứu trường hợp đầu tiên cách đây 40 năm. Tiền kiếp - có hay không? trình bày các trường hợp này một cách rõ ràng và đi sâu vào giả thiết rằng ý thức vẫn có thể tồn tại sau khi bộ não chết đi. Đây là một cuốn sách thú vị và gợi suy nghĩ; nó có thể thách thức và làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn của độc giả về sự sống và cái chết.
25 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7373)
Nội dung chính của quyển sách như chính tác giả xác định trong phần giới thiệu là “để chuyển tải thông tin cực kỳ quan trọng” về cái khám phá “hạt nhân” của sức khoẻ tim mạch – một phân tử nhỏ bé mang tên Nitric Oxide. NO – như cách gọi của các nhà hóa học – được cơ thể sản sinh ra đặc biệt nhằm giúp các động mạch và mạch máu không bị xơ vữa gây đột quị
16 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 10523)
Vì vậy, ngày hôm nay, tất cả con cái, người thân tụ tập nơi đây với nhau, con hãy suy xét xem bằng cách nào cha mẹ của mình lại có thể trở thành con cái của mình đời hiện tại. Trong những đời trước con là con cái của cha mẹ, bây giờ họ trở thành con của con. Trí nhớ của họ giảm đi, đôi mắt của họ mờ đi. Đôi khi họ cắt ngang lời nói của con. Hãy đừng để những điều này làm lãng xao dòng tâm. Tất cả những ai đang chăm sóc người bệnh đều phải biết buông xả.
05 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6502)
Cấy ghép bộ phận cơ thể trở thành một cách điều-trị y-khoa đã được chấp nhận, để thay thế các bộ phận cơ thể đang hư-hỏng ở vào giai-đoạn cuối. Tuy nhiên, chỉ có bản thân chúng ta là có thể giúp cho việc hiến tạng thành công. Sau đây là một số sự thật quan trọng về việc hiến tặng bộ phận cơ thể:
15 Tháng Mười 2015(Xem: 8834)
Quả là một chuyện không được cho là bình thường vì đang khỏe mạnh yêu đời mà lại đi đến các nhà quàn hỏi thăm vấn đề hỏa táng hay chôn cất người chết vì nhiều người quan niệm rằng nói về cái chết là một điều cấm kỵ, có thể mang lại vận sui vào người.
01 Tháng Mười 2015(Xem: 5079)
Cổ nhân có câu: "sinh, bệnh, lão, tử". Bốn giai đoạn này không ai có thể tránh khỏi. Chuẩn bị ứng phó với bệnh tật và tuổi già của mình và của thân nhân mình là điều ai cũng có dịp nghĩ tới, kể cả chính kẻ viết bài này là tôi cũng đang sắp sửa bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi”.