Chúng Ta Đến Trần Gian Này Để Làm Gì?

29 Tháng Mười 201300:00(Xem: 18149)

CHÚNG TA ĐẾN TRẦN GIAN NÀY ĐỂ LÀM GÌ? 
Nguyễn Thế Đăng

Theo quan niệm bình thường, kém sáng suốt, thì chúng ta đến trần gian này để tìm kiếm những thực phẩm, của cải của trần gian để hưởng thụ.

Mật ngọt của trần gian này nhiều lắm. Nào giàu có, tiếng tăm, quyền lực, tình yêu, gia đình… Rồi sau đó ra đi, bỏ lại buổi tiệc đời cho những người đến sau. Bỏ lại cho người khác với rất nhiều nuối tiếc, chẳng đem theo được gì.

Trong quá trính tìm kiếm và hưởng thụ ấy, chúng ta làm những hành động gây khó khăn, khổ đau cho người khác. Có một tranh giành, bám giữ, tiêu thụ nào mà không gây tổn thương cho người khác và thiên nhiên?

Ngược lại với thái độ trên là thu rút lại, chẳng muốn làm gì cả, chẳng muốn phát triển, mở mang, sáng tạo. Như con ong chỉ muốn ở trong tổ của mình, không hút nhụy hoa để làm ra mật, để cho các hoa được thụ phấn mà làm ra một mùa trái ngọt. 

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống.”

Trong kho tàng văn hóa Phật giáo không thiếu gì những câu chuyện, những đoạn kinh nói về người trí nên sống như thế nào nơi thế gian này. Ở đây là một bài kệ để chúng ta hiểu rõ hơn: Đâu là thái độ thích đáng của con người trước đời sống? Sống thế nào? Sống để làm gì? Sống làm sao cho hạnh phúc thật sự?

 Ong hút mật rồi bay
 Không hại đến sắc hương
 Người trí đi đó đây
 Trong làng mạc như vậy.
 (Pháp cú, Phẩm Hoa, 6)

Với người không sáng suốt, đến đời này là để tham lam chiếm đoạt, để có nhiều hơn, bất kể người khác và thiên nhiên. Cuộc sống như thế tạo ra năm độc tham, sân, si, kiêu căng và tà kiến. Năm độc này gây nhiễm ô làm cho đời sống nặng nề. Trong quá trình chiếm đoạt bạo động của mình, người ấy làm hư hại đời sống chung quanh bằng những tính khí và hành động của mình. Như một con ong tham lam muốn giành giật cho nhiều, muốn có được cho nhiều. Hành động này không chỉ làm hư hoại những đóa hoa, mà còn tự làm cho cánh dính đầy phấn, nhựa, rốt rồi không thể bay lên nữa, chỉ bò loanh quanh và chờ chết.

Nắm lấy, kéo về mình, cất giữ là một thói quen, một nghiệp sâu nặng của con người. Ngay từ nhỏ, khi còn bò trên nệm, chúng ta cố trườn tới để nắm lấy một đồ vật trước mặt. Nếu nắm lấy được thì bỏ vào miệng. Lớn lên, chúng ta nắm bắt nhiều hơn. Thế giới đối với chúng ta nằm trong giới hạn của cái ta nắm lấy và cái của ta do nắm lấy được. Khi lập gia đình, chúng ta vẫn gọi là lấy vợ, lấy chồng.

Cuộc sống bình thường là sự mở rộng cái ta và cái của ta. Và ai cũng biết, sự mở rộng này có giới hạn. Ngay cả quốc gia, lớn hơn một cá nhân rất nhiều, cũng bị giới hạn trong biên giới lãnh thổ của mình. Hai quốc gia cùng muốn nắm lấy một miếng đất nào đó, nếu không ai chịu nhường ai, thì xảy ra chiến tranh.

Nắm lấy là một thói quen, một nghiệp của con người. Thế nên, năm uẩn tạo thành con người được định danh là năm thủ uẩn. Năm uẩn nắm lấy (thủ) và chính sự nắm lấy (thủ) tạo thành sức mạnh cho các uẩn.

Nắm lấy là một hành động thói quen chủ yếu thuộc về tâm thức. Cũng chính sự nắm lấy thuộc về tâm thức này khiến con người bị trói buộc về mặt tâm thức vào đối tượng mình nắm lấy. Càng nắm giữ nhiều thì sự lệ thuộc càng nhiều. Cuối cùng, do không nhìn rõ những hành động của mình, con người bị lệ thuộc, bị trói buộc bởi nhiều thứ mà họ nghĩ là vĩnh viễn của họ ở trần gian này. Những thứ ấy dầu do chúng ta làm ra đi nữa thì cũng không hoàn toàn thuộc về chúng ta. Chúng ta chỉ mượn tạm, chỉ thuê thôi, và khi ra đi qua đời khác, chúng ta phải bỏ lại tất cả.

Trong quá trình tìm kiếm và nắm giữ cái của ta ấy, chúng ta càng củng cố thêm cái ta của mình. Cái ta càng được củng cố thì phiền não càng nhiều, sự thất vọng càng nhiều, tổn thương càng nhiều. Cũng cần phải nhìn rõ, không nắm giữ không có nghĩa là không có gì hết, không có cả một cái chén để ăn cơm. Như đã nói ở trên, nắm giữ là một cố tật của tâm thức. Người ta vẫn cầm cái ly để uống nước, nhưng người ta không bám chấp; thành thử, lỡ làm bể cái ly người ta vẫn không nổi giận, bực tức, tiếc rẻ đến điên cuồng. Người ta vẫn cầm cái ly, nhưng người ta tự do với cái ly. Nói rộng ra, người ta vẫn có, vẫn sử dụng những của cải của trần gian này nhưng tâm thức vẫn không bám trụ, không chấp đắm, và do đó, không khổ đau. Như thế, trần gian này thay vì là sự trói buộc thì nó đích thị là môi trường của tự do.

Trí huệ nghĩa là chúng ta vẫn có, vẫn dùng, vẫn thấy, vẫn nghe, nhưng không bám chấp, bám trụ kiên cố để thành ra khổ đau.

Kiểm điểm lại, mỗi người chúng ta đã phá hoại, đã làm hư hại bao nhiêu đóa hoa của tình bạn, của tình gia đình, của tình người, của những tương quan xã hội, của liên hệ với thiên nhiên chỉ vì sự mong muốn tranh giành chiếm đoạt hưởng thụ cho riêng mình.

Với người sáng suốt, họ đến với cuộc đời này mà không làm tổn hại cuộc đời. Họ đến để học thay vì cai trị, đến để cho, để cống hiến, để làm đẹp thay vì tham lam chiếm đoạt.

Họ đến với rừng hoa của cuộc đời này. Không phá hoại, không làm hư, không bóc lột, không khai thác cho đến kiệt quệ.

Họ có trí để rút ra tinh chất của đời sống mà không làm hư hại đời sống, như con ong hút tinh chất của hoa để làm ra mật mà không làm hư hoại đóa hoa.

Tinh chất, tinh túy, bản chất (essence) của đời sống là gì? Mật của hoa là gì? Đó là “thật tướng của tất cả các pháp”. Đó là “một vị bình đẳng của tất các pháp, một vị của sanh tử và Niết-bàn”. Kinh điển nói, người thể nghiệm được cái thật tướng vô tướng ấy thì không làm thay đổi, hư hoại bất kỳ sự vật nào. Người ấy không làm hư hoại, xáo trộn pháp nào, không gây tác hại cho ai, nhưng vẫn thu hoạch được “thật tướng của tất cả các pháp”. Đó là vụ mùa của Không, Vô tướng, Vô tác.

Người ấy ngộ nhập thật tướng của đời sống này nhưng không làm hư hại sứt mẻ đời sống. Người ấy hưởng thụ được tinh chất Thường Lạc Ngã Tịnh của đời sống mà thậm chí chẳng đụng chạm gì đến cuộc sống thường ngày của đời này.

 Những ai không tích trữ
 Không tham đắm vật thực
 Tự tại trong đời sống
 Không, Vô tướng, Giải thoát
 Như chim giữa hư không
 Đường bay không dấu vết
 (Pháp Cú, phẩm A-la-hán) 

Trí huệ là không bám nắm, không tích tập. Và điều có vẻ như nghịch lý với đời thường là chính sự không bám nắm, không tích tập này chính là tự do và an vui.

Người trí cởi mở những bám chấp, những nắm lấy trong tâm để tâm ấy là tâm tự do, không ràng buộc, không lệ thuộc. Đi qua cuộc đời này mà không làm hại, không gây đổ vỡ xáo trộn mà vẫn rút được cái bản tánh, cái giá trị tối thượng và tối hậu của đời sống, đó là trí huệ. Bởi vì trí huệ mới đưa đến tự do. Tự do là đi qua cuộc đời này mà không lấy không bỏ, do đó không đụng chạm, không tranh chấp: “Vào rừng không động cỏ. Vào nước không dậy sóng”.

Hơn nữa, người ấy không chỉ đi bằng một chân trí huệ. Mà còn bằng chân thứ hai là từ bi. Tâm từ bi là một tâm thái hòa bình, không muốn làm tổn hại cái gì, mong muốn tất cả đều được an vui, hạnh phúc. Mong muốn cho người khác và muôn loài được hạnh phúc và làm cho họ được hạnh phúc. Mong muốn cho người khác và muôn loài được thoát khỏi khổ đau và làm cho họ được khỏi khổ đau. Với một tâm từ bi như thế, cuộc đời người ấy ngập tràn hạnh phúc, ngập tràn cam lồ hạnh phúc.

Càng không bám chấp thì cuộc đời người ấy càng trải rộng trong tự do. Càng từ bi thì cuộc đời người ấy càng bao trùm đời sống bằng hạnh phúc. 
Thế giới này là môi trường của tự do và hạnh phúc. Thế giới này là nơi để chúng ta hành hương trong tự do và hạnh phúc. 

 (Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 186)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 9140)
Bill Gates là nguời khôn ngoan thức thời, có một hôm đã nghĩ ra được cái chân lý, là chết trên đống của cải của mình là một cái chết rất vô duyên, nên cả hai ông bà đã đồng tình cống hiến hết tài sản để giúp đỡ người nghèo: cứu đói, xây trường học, mở bệnh viện cho các nước nghèo khó.
21 Tháng Mười Một 2014(Xem: 5984)
Gần phân nửa số người Mỹ 85 tuổi mắc bệnh Alzheimer's, một chữ mà người Việt ở Mỹ đã quen thuộc và thường dịch là bệnh lẫn. Một số người còn mắc bệnh này khi chưa đến 65 tuổi, được gọi là bệnh lẫn sớm. Căn bệnh quái ác này thường lởn vởn trong óc tất cả chúng ta và nhiều người thường tự hỏi “Có phải mình đang mắc chứng Alzheimer's sớm?”
13 Tháng Mười Một 2014(Xem: 6897)
The Journal of Complementary Medicine tại Úc, năm 2006, vol 5 số 5 page 34, có nói về các loại thảo mộc liên quan đến bịnh tiểu đường, chẳng hạn như cây quế (Cinnamon), mà kết quả của nó được báo cáo khi nó được d̀ùng điều tṛi tại các bịnh viện, với những bằng chứng như sau:
11 Tháng Mười Một 2014(Xem: 12295)
Bài nói chuyện của bác sĩ William Li về một phương thức tiếp cận mang tính đột phá trong y học để chữa trị nhiều bệnh hiểm nghèo, nhất là các loại ung thư và béo phì, dựa trên những hiểu biết mới của bộ môn "angiogenesis" về cơ chế tạo mạch máu. Những hiểu biết này còn giúp tất cả chúng ta có thói quen ăn uống lành mạnh hơn để có đời sống khỏe mạnh và tuổi thọ cao hơn.
17 Tháng Mười 2014(Xem: 17829)
MORGAN HILL, California (VB) -- Báo San Jose Mercury News hôm 15-10-2014 có bản tin viết về trường hợp một buổi chữa bệnh thần kỳ do một vị y sĩ từ Việt Nam sang -- chữa bằng sức mạnh huyền bí. Bài báo nói về buổi chữa bệnh hôm Thứ Tư 15-10-2014, tại ngôi chùa Tâm Từ Buddhist Temple, ở thành phố Morgan Hill, ngoại ô của San Jose.
13 Tháng Mười 2014(Xem: 6380)
Làm người ai cũng muốn được mạnh khoẻ và sống lâu. Ở phương Đông trước thế kỷ thứ 20, các đạo sĩ vào núi luyện cách trường sinh và có tuổi thọ cao hơn người thường (70-80 tuổi thay vì 50-60 tuổi). Theo khoa học ngày nay, các đạo sĩ Lão Giáo đạt được tuổi thọ nhờ dinh dưỡng tốt vì ăn nhiều trái dâu và những loại quả nhỏ mọng nước không có hạt (berries) mọc hoang trong núi chứa nhiều chất kháng oxy hoá và tập thể dục (quyền Võ Đang) thường xuyên.
25 Tháng Chín 2014(Xem: 7022)
Người Việt có câu “Mười con không nuôi được cha mẹ”, nhưng bao giờ “Nước mắt (cũng) chảy xuôi”. Có lẽ đó cũng là kiếp luân hồi của con người. Đã có bao câu chuyện buồn về những người già ở phương Tây, nhưng với văn hoá, đạo lý truyền thống của người Việt dường như nỗi buồn đó còn là nỗi đau gấp bao lần vì những người già phải xa quê hương, nguồn cội... Bài tạp văn của Huy Phương mang đến cho bạn đọc một nỗi niềm đau đáu khó quên...
21 Tháng Chín 2014(Xem: 12169)
Đức Phật có nói đến “sự tái sinh”, nhưng tôi có cảm tưởng rằng hầu hết mọi người, kể cả một số bậc cao tăng học giả, đã hiểu lầm và giải thích sai lạc ý nghĩa của sự “tái sinh” theo quan điểm của Đức Phật. Họ noi về sự tái sinh theo cái cách mà những người khác nói về sự tái hiện thân, và họ nói rằng, ...
14 Tháng Chín 2014(Xem: 8493)
Cái tuổi 40 thiệt khó nói là già hay trẻ. So với tuổi 80 thì đó là nửa đường, nhưng với tuổi 70 thì đã quá nửa. Vậy rồi cứ nghe se mình một tí là nghĩ ngợi lung tung. Thời nay ngoài mấy kiểu chết bất trắc, còn có chuyện dư đường, dư mỡ. Không kể bệnh nan y, chỉ cần vài năm không chịu thử máu là chuyện gì cũng có thể xảy ra.
10 Tháng Chín 2014(Xem: 14798)
Hiểu được lẽ vô thường của Phật giáo, cố gắng tu tập thân tâm đưa mình đến an lạc luôn luôn thấy thân xác nhẹ nhàng, thì cũng sẽ thấy bệnh tật nhẹ hàng hơn phần nào. Thân tâm an lạc cũng làm cho mình bớt được những hỷ nộ ái ố do những căng thẳng cuộc sống gây nên cũng bớt được một số bệnh tật.