Ý Nghĩa Danh Hiệu Bồ Tát Di Lặc, Địa Tạng, Vi Đà Hộ Pháp Và Tiêu Diện Đại Sĩ

02 Tháng Sáu 202122:40(Xem: 2690)
Ý NGHĨA DANH HIỆU BỒ TÁT DI LẶC, ĐỊA TẠNG, 
VI ĐÀ HỘ PHÁP VÀ TIÊU DIỆN ĐẠI SĨ


Sáng nay nắng ấm, gió vi vu thổi, quý Phật tử ai cũng phấn khởi như ngày tết vì hôm nay (Chủ nhật ngày 30 tháng 05 năm 2021) có nhiều niềm vui nhân đôi, nào là Chùa Hương Sen vừa tổ chức Phật đản, vừa tổ chức lễ an vị Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Địa Tạng, Hộ Pháp Vi Đà Thiên Tướng và Tiêu Diện Đại Sĩ lộ thiên.


BỒ TÁT DI LẶC (Sanskrit: Maitreya, Pali: Metteyya) là một vị Phật tương lai, kế tiếp sau thời Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni. Di Lặc dịch nghĩa là Từ Thị (bậc có lòng từ, ban từ bi hỉ xả cho người) hay còn gọi là Vô Năng Thắng (Bấc tối thượng, không ai hơn), Phật hoan hỉ (Laughing Buddha), vị hay mang niềm vui cho người khác, cho nên ngày vía của ngài là Mồng Một tết, ngày đầu năm vui thì suốt năm đều vui.  

Hình tướng của vị đương lai hạ sanh thành Phật Di Lặc mập tròn, bụng phệ tượng trưng cho sự giàu có, phồn thịnh; miệng cười toe toét dù cho sáu chú tiểu (lục tặc) chọt loét, quấy phá, thọt lỗ rúng… ngài vẫn cười hỉ xả, không phiền não, vướng bận, tâm hồn rỗng rang, tràn đầy lòng hoan hỉ. Vì ý nghĩa này, nên nhiều chùa Việt Nam hay Châu Á thờ ngài để mang niềm vui đến cho mình và người.


blank

Tượng Bồ tát Di Lặc lộ thiên bằng đá trắng Chùa Hương Sen


BỒ TÁT ĐỊA TẠNG VƯƠNG (Sanskrit: Kṣitigarbha) là một hóa thân bồ tát thường nguyện vào chốn u minh tối tăm của địa ngục để cứu độ chúng sinh bởi lẽ Ngài có một đại nguyện như sau: 

“Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật,

Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ-đề.”

Dịch nghĩa là “Từ nay cho đến vô số kiếp sau, tôi vì những chúng sanh tội khổ trong sáu đường mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho họ được giải thoát. Họ giải thoát hết rồi, thì lúc đó tôi mới chứng thành Phật đạo.”

Do lập nguyện bi mẫn rộng lớn như vậy, nên đến nay đã trải qua trăm nghìn muôn ức vô số kiếp, ngài vẫn còn là vị hóa thân Bồ Tát luôn lặn lội đến những nơi tối tăm, địa ngục A-tì, để cứu vớt, độ thoát tất cả chúng sinh đang bị tội khổ. 

Trên đầu của Bồ tát Địa Tạng Vương có đội mão năm đỉnh tượng trưng cho Ngũ Trí Như Lai (Đại Nhật Như Lai/Tỳ Lô Giá Na Như Lai, A Súc Bệ Như Lai, Bảo Sanh Như Lai, A Di Đà Như Lai và Bất Không Thành Tựu Như Lai) gia trì cho công hạnh của Địa Tạng.

Tay trái ngài cầm trái châu như ý sáng soi đường xuống ngục tối, trong khi tay phải cầm tích trượng (có 4 khoen) để giộng xuống đất, khiến những tội nhân đang bị hành hình đau khổ dưới địa ngục thức tỉnh, sám hối và chú tâm niệm Phật siêu thoát. 

Ngài cưỡi trên lưng con lân là một thú quý trong tứ linh hay tứ thánh thú (long, lân, quy và phụng). Chân phải của kỳ lân thì đạp trên viên ngọc mani, dưới bụng có bộ Kinh Khổng Tước. 

 

blank

Tượng Bồ tát Địa Tạng lộ thiên bằng đá trắng Chùa Hương Sen


Bồ tát Địa Tạng Vương và Bồ tát Di Lặc là hai trong sáu vị bồ tát quan trọng của Phật giáo Đại thừa thường được thờ trong chùa. Bốn vị còn lại là Bồ tát Quán Thế Âm Bồ tát, Đại Thế Chí, Văn Thù Sư Lợi, và Phổ Hiền. Các ngài đều vì chúng sanh khổ mà thị hiện đồng sự, tiếp cận để cứu khổ ban vui.


VI ĐÀ HỘ PHÁP VÀ TIÊU DIỆN ĐẠI SĨ


Vi Đà thiên tướng là một vị thần Hộ Pháp của Phật giáo, giữ gìn ngôi già lam thánh chúng. Ngài là một trong tứ Đại Thiên Vương và là người đứng đầu 32 vị thần tướng thuộc quyền của bốn Đại Thiên Vương. 

Ngài hiện thân là một vị thần hiền, phúc hậu, một vị thiên tướng (tướng trời) oai phong, nghiêm nghị, mặc áo giáp mũ sắt và giữ chày kim cương hộ Tam bảo thường còn tại thế gian.


1

Tượng Vi Đà Hộ Pháp lộ thiên bằng đá xám trắng Chùa Hương Sen


Tiêu diện đại sĩ (còn gọi là Ông Tiêu) cũng là một tướng trời với mặt mày hung dữ oai nghiêm để trị ác (nhất là những ai phá hoại ngôi tam bảo), trừ ma quỷ, hàng phục yêu quái, những thế lực xấu, tiệu cực. Ngài cũng mặc trang phục võ tướng, tay trái chống nạnh, tay phải cầm lá cờ, đội mão ba sừng, lưỡi le dài, răng nanh bén, hai mắt lồi to trợn ngược để răn đe người ác. 



2

              Tượng Tiêu Diện lộ thiên bằng đá xám trắng Chùa Hương Sen
 

Vi Đà Hộ Pháp và Tiêu Diện Đại Sĩ thường là một cặp hộ pháp song hành như vị thần hiền và thần dữ. Vi Đà thường dùng ái ngữ và phương pháp ôn hòa (nhu) để cảm hóa người trong khi Tiêu diện dùng phương pháp nghiêm khắc mạnh mẽ (cương), nhưng “bi thể giới lôi chấn” (dùng biện pháp mạnh như sấm, sét, nhưng gốc xuất phát từ tình thương muốn cảm hóa), mục đích của hai ngài đều nhằm bảo vệ Phật pháp trường tồn. 

Dưới đây là hai bài kệ tán thán công hạnh của hai ngài Hộ pháp:


Trời, A-tu-la, Dạ xoa thảy

Đến nghe pháp đó nên chí tâm

Ủng hộ Phật pháp khiến thường còn

Mỗi vị siêng tu lời Phật dạy.

Bao nhiêu người nghe đến chốn này

Hoặc trên đất liền hoặc hư không

Thường với người đời sanh lòng từ

Ngày đêm tự mình nương pháp ở.

Nguyện các thế giới thường an ổn

Phước trí vô biên lợi quần sanh

Bao nhiêu tội chướng thảy tiêu trừ

Xa lìa các khổ về viên tịch.

Hằng dùng giới hương xoa vóc sáng

Thường trì định phục để giúp thân

Hoa mầu bồ đề khắp trang nghiêm

Tùy theo chỗ ở thường an lạc.

Nam mô Tam châu cảm ứng

Hộ Pháp Vi đà Tôn Thiên Bồ Tát. (3 lần)


Vi Đà thiên tướng, Bồ Tát hóa thân,

Ủng hộ Phật Pháp phát nguyện rộng sâu,

Tay cầm thanh kiếm trấn áp ma quân,

Công đức vô biên thật khó nghĩ bàn.

Nam Mô Phổ Nhãn Bồ Tát Ma Ha Tát. (3 lần)



Hôm nay Chư Ni và Phật tử Chùa Hương Sen rất vui mừng làm lễ an vị Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Địa Tạng, Hộ Pháp Vi Đà Thiên Tướng và Tiêu Diện Đại Sĩ lộ thiên trong mùa Phật đản 2565, dương lịch 2021, dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Bửu Lợi, Hòa thượng Thích Kim Đài, Thầy Nguyên Tường, Sư bà Thích Nữ Như Hương, Ni sư TN Giới Hương, Sư cô Nguyên Hiếu, Sư cô Liên Tạng, Sư cô Viên Tiến, Sư cô Viên Chân, Sư cô Viên Trang, Sadini Diệu Hoa cùng quý Phật tử đồng hương tại Riverside và các vùng lân cận. 


blank
Lễ an vị Bồ tát Di Lặc tại Chùa Hương Sen

Vùng bán sa mạc Perris, quận Riverside, hoang sơ nắng nóng đầy bụi cát hôm nay trở nên xanh mát và hòa dịu khi có các tượng Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Địa Tạng, Hộ Pháp Vi Đà Thiên Tướng và Tiêu Diện Đại Sĩ về tọa lạc. Nhân dịp này thành tâm tri ân các thí chủ hảo tâm hỗ trợ tịnh tài và công sức trong việc thỉnh và an vị các ngài.


blank

Lễ an vị Bồ tát Địa Tạng tại Chùa Hương Sen


Cầu nguyện Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Địa Tạng, Hộ Pháp Vi Đà Thiên Tướng và Tiêu Diện Đại Sĩ linh thiêng gia hộ đại dịch Coronavirus trên toàn cầu sớm dứt hẳn, dân chúng sống khỏe mạnh, an toàn và tinh tấn tu tập.

Cầu nguyện các nạn nhân, bịnh nhân tử vong do nhiễm dịch Covid Corona hay các nhân duyên khác sớm siêu sanh về miền Cực Lạc thế giới Tây Phương.

Nam Mô A Di Đà Phật.


Mùa Phật Đản, ngày 31 tháng 05 năm 2021

Kính bút,


Thích Nữ Giới Hương

huongsentemple@gmail.com



blank


blank


Lễ Phật đản tại Chùa Hương Sen, ngày 30 tháng 05 năm 2021
 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Hai 2015(Xem: 8293)
Sáng nay, 07-02 (nhằm ngày 19-12-Giáp Ngọ), tại chùa Từ Tôn đã trang nghiêm tổ chức lễ đặt đá khởi công đại trùng tu chùa Từ Tôn (Đảo Hòn Đỏ, tổ Sơn Hải, phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)
13 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 5406)
Sau ngày lễ “ Thầy thuốc Việt Nam” tôi được duyên may theo anh Tùng Phong đi thăm chùa Từ Tôn trên đảo Hòn Đỏ. Đó là ngày 17 tháng giêng Ất Dậu. Tùng Phong nói với tôi : Thầy Chúc Minh sẽ đón chúng ta vào lúc 14 giờ.
11 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 13965)
Miền Tây cũng là nơi xuất thân của Hòa thượng ân sư Thích Thanh Từ. Tâm nguyện rộng lớn của Hòa thượng là trên vùng đất miền Tây này sẽ xây dựng một ngôi thiền việncho những người con Phật có một nơi tu học, tiếp nối, phát huy tôn chỉ và đường lối tu tập của thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, "một niệm chí thành muôn thiên hộ trợ".
08 Tháng Mười Một 2014(Xem: 10219)
Tu Viện Sơn Tùng là một tu viện Phật Giáo tọa lạc trên vùng đất cao 4000 Feet , cách thành phố Los Angeles khoảng hơn 1 giờ lái xe về hướng Đông Bắc. Thượng Tọa Thích Minh Dung, người khai sáng và trụ trì ngôi già lam này cho biết tu viện Sơn Tùng rộng 5 mẫu Tây, với mặt đất bằng phẳng có thể sử dụng được toàn bộ. Hiện Thượng tọa đã trồng hàng trăm cây tùng núi và nhiều loại cây cảnh khác.
08 Tháng Mười 2014(Xem: 14052)
Đáng lý ra thì ngôi chùa Việt Nam Quốc Tự được xây dựng quy mô lớn lao theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Khôi Nguyên La Mã. Nhưng vì sự tranh đấu liên tục của giáo hội lúc bấy giờ nên chưa xây dựng ngôi chùa theo đồ án và rồi sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất 1975 thì có thời gian 10 năm chùa bị hoang phế nên nhà nước tạm thời trưng dụng… Nay chính quyền thành phố đã hoàn trả thêm 7000 mét vuông và GHPGVN đang xúc tiến xây lại toàn bộ Việt Nam Quốc Tự với kinh phí dự trù 150 tỷ đồng…
12 Tháng Chín 2014(Xem: 8303)
Phật giáo du nhập Việt Nam từ đầu thế kỷ thứ nhất (tk 1), gần hai nghìn năm. Trong chuỗi dài lịch sử ấy, trải bao nhiêu triều đại từ thời Hai Bà Trưng (39 – 43 sau tây lịch) cho đến thời cực thịnh của Phật giáo, Đinh-Lê-Lý-Trần (từ tk 10 đến đầu tk 15), rồi Hậu Lê (tk 15 đến 18), Nhà Nguyễn Tây Sơn (cuối tk 18 sang đầu tk 19), nhà Nguyễn (tk 19 – 20), cho đến ngày nay, có thể nói là đã có hàng vạn ngôi chùa được dựng nên khắp ba miền đất nước.
04 Tháng Chín 2014(Xem: 9250)
Câu chuyện về một chuyến đi đã tạo cho chúng tôi thêm nhiều suy tư về lẽ mầu nhiệm của Phật pháp. Như Đức Phật đã dạy trong kinh Pháp Cú: Ý dẫn đầu các pháp. Khi chúng ta phát nguyện với một hạnh nguyện trong tâm ý, nhưng đôi khi việc làm lại do vô minh dẫn dắt, khi đủ duyên, chúng ta sẽ bắt gặp sự gia hộ, dẫn dắt chúng ta trở về con đường như hạnh nguyện ban đầu.
01 Tháng Chín 2014(Xem: 4741)
Ở Hà Nội, phía Tây hồ Hoàn Kiếm, dọc theo trục Bắc Nam, có một đường phố ngắn (chỉ 300m) phía Bắc tiếp nối với phố Lý Quốc Sư, phía Nam đụng với phố Trường Thi, nằm gọn trong phường Hàng Trống thuộc quận Hoàn Kiếm, mang tên Phố Nhà Chung , thời Pháp thuộc gọi là Rue de la Mission (phố Hội Truyền Giáo hoặc Phố Hội Thừa Sai).
15 Tháng Sáu 2014(Xem: 9050)
Nằm cách cố đô Huế chừng 14 cây số, về huớng Tây, với địa danh là thôn Đồng Chầm (Hòn Vượn), phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế, có một ngôi chùa, một rừng thiền được gọi là Huyền Không Sơn Thượng (hoặc Huyền Không 2).