Truyền Thông Hạnh Phúc

14 Tháng Mười Hai 201400:17(Xem: 4930)

THÍCH NHẬT TỪ

CHÌA KHÓA HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Nhà xuất bản Hồng Đức 2015


Truyền Thông Hạnh Phúc

blankBạch Thầy, con năm nay 18 tuổi, học lớp 12. Gia đình con có 2 chị em gái, em con năm nay 12 tuổi. Con có một nỗi buồn không biết chia sẻ cùng ai. Bố mẹ con (đặc biệt là mẹ con) rất yêu và chiều em gái con, chẳng mấy khi quát mắng em, em muốn gì đều được đáp ứng ngay. Ngược lại, với con thì mẹ rất nghiêm khắc, luôn trách móc, cáu kỉnh. Nhiều lúc con có cảm giác như con không phải là con ruột của mẹ, mà là con nuôi, con nhặt ở đâu về. Mỗi lần bố mẹ đối xử không công bằng với con là con rất tủi thân, hằng đêm con vẫn khóc thầm. Con tự hỏi con mắc lỗi gì? Con đã làm gì sai để bố mẹ hắt hủi con như vậy? Con luôn là học sinh giỏi, ở nhà con lễ phép, chăm chỉ, rất ít khi làm trái ý bố mẹ, vậy mà... Con mong Thầy giúp con tìm ra câu trả lời và cho con những lời khuyên để có thể thay đổi được tình hình này. Con rất yêu bố mẹ, nhiều khi con muốn nói: “Mẹ ơi, con yêu mẹ!” nhưng không hiểu sao con không thể thốt ra được...
Đặng Minh Hòa, Kiên Giang

Thầy Thích Nhật Từ trả lời

Không nên phân bì với em út

Thông thường, trong một gia đình có hai con trở lên, người con út thường được cha mẹ quan tâm, chăm sóc nhiều hơn người con lớn. Cái cảm giác “tuổi đã lớn” bằng với “người trưởng thành” làm cho một số cha mẹ không nghĩ rằng “nhu cầu chiều chuộng” đứa con đã lớn là cần thiết nữa. Trong khi đó, đứa con út thường được chiều chuộng hơn, vì cha mẹ thường nghĩ nó chưa được trưởng thành; từ đó, cha mẹ thường thể hiện nhiều sự quan tâm và chăm sóc hơn. Thay vì phân bì với em út, con hãy nên vui mừng rằng mình đã lớn rồi, biết tự chăm sóc, còn em mình nhỏ hơn, nên cần đến bàn tay và trái tim thương yêu của cha mẹ hơn. Làm chị mà biết nhường cho em là một điều phúc, có gì đâu mà phải buồn và khóc, phải không? Thi thoảng, trong một số tình huống, ở ngưỡng cửa thành người lớn của con cái, một số cha mẹ trở nên nghiêm khắc hơn, để mong cho con hoàn thiện về nhân cách. Do vậy, mỗi lỗi lầm nho nhỏ thôi cũng đã mời gọi lời la rầy và trách
móc của cha mẹ rồi. Càng quan tâm nhiều, muốn cho con của mình giỏi giang, có những cha mẹ càng thể hiện sự “khó tính” với đứa con được quan tâm, lòng những mong cho con trưởng thành nhân cách thật sự. Đây là một hiện tượng tâm lí gia đình khá phổ biến ở những nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Con nên làm quen với hiện tượng này để không còn cảm thấy tủi thân, một cảm giác tiêu cực, mà duy trì nó trong nội tâm, hạnh phúc sẽ bị thiêu đốt.

Đừng tủi thân và khóc thầm

Khi nghĩ mình bị cha mẹ “đối xử không công bằng”, một số người con, phần lớn là con gái phát sinh tâm lí “tủi thân”, dễ khóc thầm. Tâm lí “tủi thân” vốn là tiêu cực này nếu không dừng lại sẽ làm nảy sinh một chuỗi phản ứng tiêu cực khác như mặc cảm, tự ti, buồn chán, than vãn, thở dài, trầm cảm, tuyệt vọng... Người ta có thể nói đến và đạt đến công bằng xã hội và công bằng pháp lí nhưng khó đạt được sự công bằng tình cảm, vì nhịp đập của tình cảm không dựa trên cán cân lí trí mà là cảm xúc. Cha mẹ con thấy em con còn nhỏ (mới 12 tuổi) nên chăm sóc nhiều hơn; âu cũng là chuyện thường tình. Điều này không phải là sự mất công bằng tình cảm. Con nên hiểu trái tim của cha mẹ để mừng cho em gái của con. Là một học sinh giỏi ở trường và là đứa con ngoan ở nhà con, con nên lấy các đức tính mà con đang sở hữu như “chăm chỉ, lễ phép, ít khi làm trái ý bố mẹ” làm hành trang cho hạnh phúc. Đừng vin vào các đức này để mặc cảm và tự làm khổ bản thân, vốn là điều không nên. Thực ra, con có “mắc lỗi lầm” gì đâu, con có bị bố mẹ “hắt hủi” đâu mà phải tự làm khổ. Con giỏi và chững chạc như thế nên cha mẹ con nghĩ rằng con đã tự lập được rồi, và do vậy, ít quan tâm hơn. Khi quan tâm thì mong con được trọn vẹn hơn, toàn hảo hơn, nên gắt gao hơn. Mong con hiểu được điều này để cuộc sống trở nên hạnh phúc và có ý nghĩa hơn.

Học truyền thông tình thương

Để có thể “thay đổi được tình hình”, con nên nỗ lực thực hiện ba việc sau:

Thứ nhất, không nên có cảm giác “con là con nuôi” được cha mẹ con “nhặt ở đâu về.” Cảm giác tai hại này như một cặp kính màu, mà khi con đeo vào thì cảm giác bị tổn thương sẽ gia tăng. Do vậy, khi tình thương yêu thật sự của cha mẹ dành cho con, con vẫn cảm thấy chẳng có gì, hoặc khó có thể nhận ra được.

Thứ hai, con tập làm quen với lối ứng xử: “Nói với cha mẹ” thay vì “nói về cha mẹ.” Nói về cha mẹ là đề cập đến cha mẹ như một đối tượng vắng mặt, con đơn phương nói các thông tin con cảm nhận về cha mẹ, có thể đúng nhưng cũng có thể là một chiều và sai. Điều quan trọng là, khi “nói về cha mẹ” với người khác, cha mẹ con đâu hề biết và cảm nhận, để thay đổi tích cực, nếu lời con nói về cha mẹ là đúng và chân thành. Nói với cha mẹ, con sẽ chia sẻ cảm xúc của con trước lối ứng xử của cha mẹ dành cho con. Từ đó, cha mẹ con có cơ hội hiểu rõ tâm lý và cá tính của con, nhờ đó, gia đình sẽ trở nên trên thuận dưới hòa, tình thương khắng khít, đầm ấm, an vui hơn. Hơn thế, khi chia sẻ trực tiếp với cha mẹ, có những gì cha mẹ bị con hiểu lầm mới được sáng tỏ, nhờ đó, cha mẹ và con hiểu và thương nhau nhiều hơn.

Thứ ba, nếu truyền thông được xem là một nhịp cầu thông tin thì truyền thông tình thương là đầu mối của hạnh phúc, nhất là hạnh phúc gia đình giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái. Trong truyền thông hạnh phúc, tránh tình huống biến “giả định thành thực tiễn.” Thực tiễn chỉ có một, trong khi giả định về thực tiễn thì quá nhiều. Dĩ nhiên, trong nhiều giả định, chỉ có một giả định đúng với thực tiễn mà thôi. 

Con nên tập truyền thông như con mong muốn, và điều này rất cần thiết: “Mẹ ơi, con kính thương mẹ lắm.” Nếu con mặc cảm với cha thì đổi ngôi một thành cha: “Cha ơi, con kính thương cha lắm”. Truyền thông tình thương là “thực phẩm” của hạnh phúc. Già trẻ, nam nữ, vai trò xã hội nào cũng cần đến các chất liệu hạnh phúc này. 

Nên nhớ, “lời nói không mất tiền mua” không chỉ có giá trị trong các xã giao, mà còn tác động tích cực đến tình thương yêu trong từng gia đình. Khi con nói lên được điều con muốn nói, dù nói trong nước mắt và uất nghẹn, con sẽ giúp cha mẹ hiểu con nhiều hơn và đúng hơn. Chỉ một vài lời nói mà có thể thay đổi được tình hình thì xứng đáng làm biết mấy, phải không con?!

MỤC LỤC 
CHÌA KHOÁ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Mười 2015(Xem: 4427)
Nghề trồng cây ăn quả đã là một nghề có từ rất lâu. Nhiều người đã giàu lên từ nghề này, như vùng trồng phật thủ uy tín ở Đắc Sở, Hoài Đức
28 Tháng Chín 2015(Xem: 5230)
Không có quy luật nào trong Phật giáo buộc con người phải kết hôn, hoặc là ở độc thân hoặc là sống một đời sống hoàn toàn trinh bạch. Giới luật cũng không đặt ra cho người Phật tử buộc họ phải sinh con cái hoặc là điều chỉnh số lượng con cái mà họ phải sinh. Đạo Phật cho phép mỗi cá nhân hoàn toàn có quyền tự do quyết định cho chính bản thân mình về tất cả những vấn đề liên quan đến đời sống hôn nhân gia đình.
25 Tháng Chín 2015(Xem: 10511)
Đức Phật luôn hiện hữu quanh ta, theo từng bước ta đi, từ hòn sỏi ven đường đến cành cây, chiếc lá, đâu đâu ta cũng có thế thấy Phật. Phật Giáo Giữa Đời Thường ghi lại trải nghiệm mỗi ngày.
17 Tháng Chín 2015(Xem: 4867)
Câu chuyện tôi yêu thích viết về người mẹ, lấy ra từ cuốn tiểu thuyết đoạt giải Nobel của tác giả Toni Morrison, Đôi Mắt Mầu Xanh Thẳm Như Bầu Trời (The Bluest Eye).
31 Tháng Bảy 2015(Xem: 6215)
Một cao tăng được mời đi dự tiệc, giữa bàn tiệc bày đầy những món ăn chay trang trí vô cùng đẹp mắt, bỗng ông phát hiện trong một đĩa có miếng thịt heo, một đệ tử đi theo cao tăng cố ý dùng cái đũa bới miếng thịt lên, ...
31 Tháng Bảy 2015(Xem: 9058)
Khi được khen ai cũng vui tươi, Khi bị chê ai cũng buồn chán, Người khôn vượt khỏi khen chê, Thân tâm an ổn, vui tươi làm lành.
31 Tháng Bảy 2015(Xem: 7444)
“Bát phong trong nhà Phật” nghĩa là Tám ngọn gió đời, là Tám pháp thế gian, là thước đo người tu hành chân chính. Tám gió này hay làm con người vọng động, điên đảo mà sinh ra vui vẻ, hạnh phúc hoặc phiền muộn, khổ đau.
31 Tháng Bảy 2015(Xem: 7564)
Có một Phật tử nhân ngày đầu năm đến Thiền Viện thăm Thiền sư và sau đó yêu cầu Thiền sư chúc phúc. Thiền sư liền chúc như sau: “Ông chết, cha chết, con chết, cháu chết, chắt chết, và chít chết.” Vị Phật tử nghe xong quá kinh hoàng, hoảng sợ nói: “Kính bạch thầy, hôm nay là ngày đầu năm sao thầy chúc con toàn sự chết chóc, thật là xui xẻo và bất hạnh cho gia đình chúng con.
25 Tháng Bảy 2015(Xem: 4761)
Tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho chính mình. Như tác giả nổi tiếng Andrew Matthews từng viết: “Bạn tha thứ cho mọi người vì chính lợi ích thiết thân của bạn. Nó sẽ làm cho bạn hạnh phúc hơn.”
22 Tháng Bảy 2015(Xem: 12852)
Tôi được mời thuyết giảng về “Bảy bí quyết sống hạnh phúc”, nhưng thật khó để hạn chế các bí quyết xuống chỉ còn có bảy! Thật ra có nhiều bí quyết hơn thế, nên tôi hy vọng rằng khi bạn sống với chánh niệm, trí tuệ và lòng từ bi, bạn sẽ trở nên ý thức về các bí quyết khác nữa.