Ứng Xử Cao Thượng Với Mẹ Chồng

02 Tháng Ba 201520:36(Xem: 7176)

THÍCH NHẬT TỪ

CHÌA KHÓA HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Nhà xuất bản Hồng Đức 2015


Ứng Xử Cao Thượng Với Mẹ Chồng

blankBạch Thầy, con có nỗi đau, nỗi buồn này muốn chia sẻ cùng bạn đọc và mong nhận được từ Thầy một lời khuyên. Con và chồng con lấy nhau được gần 10 năm và sinh được 1 bé gái giờ đã 8 tuổi. Khi con bắt đầu về làm dâu nhà chồng thì được bố mẹ chồng tuyên bố cho 1 mảnh đất. Chúng con đã dành dụm tiền bạc, vay mượn thêm bạn bè xây được ngôi nhà 2 tầng. Khi tặng cho chúng con mảnh đất, bố mẹ cũng chuyển luôn quyền sở hữu đất cho vợ chồng con.

Những cách đây gần 1 năm, bố chồng con ốm nặng, mẹ chồng con đã đòi lại căn nhà với lí do bán đi lấy tiền chữa bệnh cho bố. Vợ chồng con đã nói chuyện với ông bà và xin phép được lo toàn bộ số tiền chữa bệnh và dưỡng bệnh cho ông, còn căn nhà chúng con xin phép được giữ lại. Mặc dù đã thuyết phục nhiều lần nhưng bố mẹ chồng không chịu, lại thêm chồng con vào hùa với bố mẹ chồng, kết quả là con đã phải trả lại ngôi nhà (sang tên lại sổ đỏ cho ông bà). Uất ức và thất vọng vì cách cư xử của nhà chồng con đã đi thuê nhà ở riêng. Bố mẹ chồng tuyên bố từ con, cắt đứt mọi quan hệ.

Con đã rất buồn và đau đớn khi cất bước ra đi. Suốt gần 10 năm làm dâu con luôn là người con dâu chu toàn, luôn là người “nâng khăn sửa túi” cho mẹ chồng mỗi khi họ nhà chồng có việc hiếu, việc hỉ. Giờ con bị gia đình nhà chồng hắt hủi, ra ở riêng thì mẹ chồng mới biết được khi vắng người con dâu như con hụt hẫng, và mất thăng bằng. Bà chẳng còn ai đi lễ chùa cùng, không ai đưa bà về quê, lo sắm lễ Tết (2 người con dâu còn lại của bà họ cũng không nhìn mặt bà từ nhiều năm trước).

Cách đây 1 tuần mẹ chồng ngỏ ý làm lành với con nhưng nỗi đau kia chưa thể nguôi ngoai trong con, con vẫn rất giận cách cư xử của mẹ chồng. Bố mẹ con vẫn dạy phải yêu kính bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ, hơn nữa con lại là một cô giáo dạy Văn, con không nỡ làm điều gì trái với đạo Hiếu. Thầy hãy dạy con cách tháo bỏ nỗi hận thù này. Con xin cảm ơn Thầy!

Thầy Thích Nhật Từ trả lời

Tỏ tường trắng đen

Có lẽ hoàn cảnh của chị là một trong những tình huống hiếm gặp nhưng có thật trong đời. Cha mẹ chồng chị tặng đất cho vợ chồng chị cất nhà nhưng khi khó khăn lại đòi luôn cả đất lẫn nhà, trong khi căn nhà là do vợ chồng chị tích góp và mượn tiền bạn bè xây dựng nên.

Về đạo lý, cha mẹ chồng của chị đã làm một việc không nên làm. Thứ nhất, đất đã cho con cái thì không nên đòi lại quyền sỡ hữu, nếu anh chị không tình nguyện làm việc ấy. Theo luật Dân sự của Việt Nam, việc cha mẹ chồng cho đất cho vợ chồng chị là hoàn toàn tự nguyện, thủ tục chuyển nhượng đã hoàn tất, đất chuyển nhượng đã chuyển sang tên hai vợ chồng chị và anh chị đã cất nhà trên đất thì theo luật, cha mẹ chồng chị không thể đòi lại, dù vì lý do tiếc nuối hay vì kinh tế khó khăn. Thứ hai, từ lô đất được cha mẹ chồng cho, anh chị “đã dành dụm tiền bạc, vay mượn thêm bạn bè xây được ngôi nhà 2 tầng” thì ngôi nhà này không thuộc tài sản của cha mẹ chồng chị. Việc đòi lại đất đã cho mà còn lấy luôn nhà của con cái là điều không nên. Điều lạ là việc làm không phù hợp với luật Dân sự của cha mẹ chồng cuối cùng lại được chồng chị đồng tình hưởng ứng, đẩy chị vào tình huống khó xử và bất đắc dĩ phải thuận tòng theo chồng.
Lẽ ra, theo luật, anh chị có quyền từ chối việc “sang tên lại sổ đổ cho ông bà. Giải pháp mà chị đề nghị là hay nhất trong tình huống éo le này: Anh chị phát tâm lo tiền chữa bệnh và dưỡng bệnh cho cha chồng và xin phép cha mẹ chồng giữ lại căn nhà do tài chính của anh chị dựng lên trên mãnh đất được cho. Ở đây, cha mẹ chồng chị đã ứng xử theo lối suy nghĩ “lẽ đương nhiên phải thế.” Vì đại nghĩa gia đình, chị đã quyết định cao thượng trả đất và tặng luôn cho cha mẹ phần căn nhà do tiền của anh chị tích góp nên. 

Đừng để nuối tiếc giết chết hạnh phúc

“Của người khác không phải là của mình” không chỉ là quan niệm tích cực mà còn có khả năng giúp chị vượt qua các khổ đau do tiếc nuối căn nhà mà anh chị đã chuyển tên cho cha mẹ chồng. Cảm giác bị “uất ức và thất vọng” cộng với phần không khéo xử lý khổ đau đã làm cho chị “thuê nhà ở riêng.”

Nói theo Đức Phật, từ một khổ đau là yêu cầu trả nhà không đúng của cha mẹ chồng, chị vướng vào nhiều khổ đau khác. “Buồn bã, đau đớn” trong tâm “khi cất bước ra đi” đã dẫn đến tình trạng căng thẳng hơn, bị bố mẹ chồng tuyên bố “cắt đứt mọi quan hệ.” Đã mất nhà mà còn mất cả các quan hệ thân thiết bên nhà chồng. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến hạnh phúc của gia đình chị. Trong hoàn cảnh của chị, khó mà tránh khỏi nỗi đau đơn và uất ức như chị đã trải qua.

Tiếc nuối chuyện đã qua về những mất mát trong đời, ta có thể đánh mất hoặc giết chết hạnh phúc cần có ở hiện tại. Hạnh phúc theo Đức Phật là sự trải nghiệm và làm chủ cảm xúc ở hiện tại. Nếu hiểu việc chị trả lại đất và tặng nhà cho cha mẹ chồng chị là một sự cúng dường, có lẽ chị sẽ đỡ khổ đau. Cảm giác bị đòi đất và phải bất đắc dĩ trả luôn căn nhà, đã làm chị không thể sống hạnh phúc được. 

Dù sao thì chị cũng đã hiến tặng cho cha mẹ chồng căn nhà, phương tiện xây dựng tổ ấm cho gia đình chị. Đó là hành động tốt. Đừng để hành động tốt này bị cảm giác tiếc nuối phá vỡ tính chất tốt đẹp của nó. Chị nên thực tập thay đổi nhận thức từ “cảm giác bị đòi” thành nhận thức “tôi phát tâm cúng dường cho cha mẹ chồng” căn nhà, trong đó, có công sức, mồ hôi, tiền bạc và tình cảm của chị, chị sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Chị cần nhận diện sự thật là căn nhà của anh chị không còn nữa, tiếc nuối và uất ức vì nó chỉ làm cho chị khổ đau nhiều hơn và không thể sống hạnh phúc với bên chồng, nhất là chồng con chị.

Hãy vẫy tay chào với quá khứ, nhất là quá khứ khổ đau. Đừng nỗ lực hâm nóng quá khứ khổ đau bằng ký ức và kinh nghiệm tiêu cực. Quá khứ đã qua rồi. Hiện tại là hiện thực. Hãy để nỗi đau gắn kết với căn nhà đó được trôi qua, như thể nó chưa từng xảy ra vậy. Tôi biết là đây là một thực tập khó làm. Khi nỗ lực với quyết tâm, chị sẽ làm được. Ai cũng cần nỗ lực trị liệu cảm xúc tiêu cực của bản thân. Đây là cách thương chính mình có giá trị.

Không nên nuôi lớn hận thù

Từ việc “cắt đứt mọi quan hệ”, mẹ chồng chị đã chủ động “làm lành” âu cũng là dấu hiệu tích cực. Là dâu “chu toàn” biết “nâng khăn sửa túi” đúng lúc và đúng chỗ mà bị cha mẹ chồng lấy lại đất và nhà thì quả thật đáng buồn. Tôi tin chắc rằng giờ đây, mẹ chồng chị sau thời gian suy nghĩ lại, đã nhận ra rằng bà và chồng bà đã sai, trong ứng xử với con dâu, nên đã làm cho gia đình tan nát. Cảm giác dễ bị “hụt hẫng và mất thăng bằng” dễ xảy ra với người lớn tuổi, khi họ không tự mình làm được tất cả mọi thứ và luôn nhờ vào sự trợ giúp của con cháu, nhất là trong tình huống mẹ chồng chị. Khi chị “ra ở riêng”, mẹ chồng chị mới cảm thấy thắm thiết về tình người. “Gương vỡ lại lành” là lối ứng xử phù hợp với đạo lý làm người và đạo Phật.

Là cô giáo dạy Văn, tức dạy cách học làm người, chị nên rộng lượng quên hết chuyện đã qua, quên đi “cách cư xử của mẹ chồng”. Giận tức là kẻ thù của hạnh phúc. Khi nào trái tim của chị chưa thể bình yên, khi ấy chị vẫn còn tiếp tục sống trong bất hạnh. Cuộc đời đã có quá nhiều bất hạnh và khổ đau, quên đi được khổ đau nào là đỡ khổ đau ấy. Đối với người đã có gia đình thì cha mẹ chồng/vợ cũng chính là cha mẹ mình. Chị rất may mắn có được cha mẹ ruột rất hiểu biết, dạy chị “phải yêu kính bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ.” Đây là gia tài tinh thần và văn hóa ứng xử rất cần thiết mà chị đã sở hữu được.

Hận một kẻ thù, thực ra, chỉ làm cho tâm mình khổ đau nhiều hơn. Hận thù người thân và ở đây là cha mẹ chồng lại càng khổ đau nhiều hơn nữa. Chấp vào sự toàn hảo của người thân, khi bất hạnh xảy ra, ta dễ chìm sâu trong uất hận. Thương chính mình trong tình huống này là buông xả khổ đau càng sớm càng tốt. Để “tháo bỏ nỗi hận thù này” chị nên thực tập một số điều sau đây:

a) Đón nhận sự làm lành. Không có gì hạnh phúc cho bằng khi mẹ chồng chị nhận ra được sai lầm và “ngỏ ý làm lành.” Điều này có nghĩa là bà đã thấy cách cư xử của bà là sai lầm nên muốn sửa đỗi. Thói thường cha mẹ dễ tự ái, do tự trọng sai lầm, ít khi xin lỗi con cháu. Nếu trước đây chị đã cao thượng “tặng” luôn cho cha mẹ chồng ngôi nhà duy nhất của vợ chồng chị thì giờ đây chị mở lòng đón nhận sự làm lành của mẹ chồng càng chứng minh chị cao thượng hơn. Dù có lỗi gì đi nữa thì bà cũng là chính là mẹ chồng của chị. Đừng vì lỗi của mẹ chồng mà chị ứng xử lỗi đạo hiếu với bà. Làm tròn hiếu đạo với cha mẹ hai bên là ứng xử văn hóa có giá trị.

b) Không xem mình là nạn nhân. Quán vô ngã là nghệ thuật vượt qua tính cách bị làm nạn nhân. Nạn nhân là người bị ứng xử sai, dẫn đến tình trạng bị khổ đau. Giữ tâm lý “là nạn nhân” chị khó có thể “nguôi ngoai” để làm lành với mẹ chồng. Chị là một người tốt, hãy biết tưởng thưởng cho mình hạnh phúc. Hạnh phúc lớn nhất của chị trong tình huống này là “làm lành” để kết thúc khổ đau với mẹ chồng. Đây cũng là cách chị giúp mẹ chồng tháo mở nỗi đau ở bà. Mẹ chồng chị sai lầm. Bà nhận ra điều đó. Điều đó làm bà bất an. Biết đâu, lối sống rộng lượng và cao thượng của chị sẽ giúp bà thay đổi quan điểm ứng xử. Về sau khi cha mẹ chồng chị trăm tuổi già, tài sản riêng của cha mẹ chồng và căn nhà vợ chồng chị trả lại cũng thuộc về vợ chồng chị.

Không xem mẹ chồng là tác nhân khổ đau. Mặc dù biết rất rõ do suy nghĩ lệch lạc mà mẹ chồng chị đã làm cho cả gia đình chị bị khổ đau. Vì vì thói gia trưởng của mẹ chồng mà đề nghị đúng đắn của vợ chồng chị bị phớt lờ. Do mẹ chồng chị viện lý do cha chồng bệnh cần tiền thuốc thang mà vợ chồng chị phải chuyển quyền sử dụng nhà đất cho cha mẹ chồng, dẫn đến tình trạng gia đình ly tán. Ai cũng dễ dàng nhận ra được điều này. Tuy nhiên, nếu chị không ngừng lối suy nghĩ “do mẹ chồng mà mọi thứ trở nên tồi tệ” thì chị không thể sống hạnh phúc và gia đình chị tiếp tục sống trong khổ đau. Do đó, cách tốt nhất là không tiếp tục xem mẹ chồng là tác nhân gây ra khổ đau cho chị và gia đình. Chị đừng nên trù dập cảm xúc của chị chỉ vì chị chưa có thể nguôi ngoai trong lòng.

MỤC LỤC 
CHÌA KHOÁ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 2015(Xem: 7583)
Bạch thầy, con và chồng con sống với nhau hơn 5 năm và đã có hai con trai. Chồng con hơn con 13 tuổi nhưng anh gia trưởng và khô khan lắm. Mọi công việc to nhỏ trong gia đình anh tự làm và tự quyết, không bao giờ bàn bạc hay hỏi ý kiến của con. Thậm chí ngay cả kinh tế anh cũng là tay hòm chìa khóa. Con chỉ là người làm và sinh con, chăm con thôi.
20 Tháng Tư 2015(Xem: 115468)
Hiện nay, thế giới đang có sự rối loạn, không hiểu biết, tranh cãi về bệnh tâm thần, thiền định, và sự liên hệ giữa hai đề tài này. Các chuyên gia về sức khỏe thể chất, và tâm thần cũng không hiểu rõ phạm vi nghề nghiệp của họ. Họ cũng không hiểu cái gì là thiền định. Bởi vậy đối với người bình thường họ sẽ rất bối rối.
15 Tháng Tư 2015(Xem: 6108)
Bạch Thầy, con thật may mắn khi lấy được một người vợ thông minh, tài giỏi, sắc sảo và rất đảm đang. Tuy nhiên, cô ấy có một thú vui là mua sắm, có thể nói vợ con nghiện mua sắm. Con có cảm giác là khi đi mua sắm cô ấy mất hết lí trí và phải tiêu đến đồng tiền cuối cùng mới thôi.
09 Tháng Tư 2015(Xem: 7156)
Kính thưa Thầy, bản thân con đã trải qua hai mối tình, hiện tại con đang yêu một người, năm nay con 27 tuổi còn người yêu của con 39 tuổi. Con và anh ấy quen nhau đã hơn một năm rồi và dự định năm sau sẽ kết hôn. Con nhận thấy trong tình yêu lúc nào cũng có buồn và vui, người mình yêu lúc nào cũng có khuyết điểm, không có ai là hoàn hảo.
08 Tháng Tư 2015(Xem: 6258)
Trong 12 giá trị sống đã được UNESCO khẳng định và định hướng cho nhân loại trong hiện tại và tương lai, “Giản dị” rất thân thuộc với giá trị văn hóa truyền thống dân tộc ta bởi nó được xem là một đức tính tốt đẹp vốn có của con người Việt Nam.
07 Tháng Tư 2015(Xem: 8867)
Chúng ta thường nhìn nhận hạnh phúc bằng những cái thể hiện ra bên ngoài của mỗi người, kể cả bản thân mình như sự tự hào, kiêu hãnh, niềm vui sướng khi thõa mãn nhu cầu; trong khi hạnh hạnh phúc thực sự lại nằm ở bên trong sâu thẳm của tâm hồn chúng ta, là một cảm xúc bên trong.
05 Tháng Tư 2015(Xem: 6302)
Bạch Thầy, con và chồng con đã sống với nhau hơn 10 năm và có hai con gái. Chồng con là người chăm chỉ, hiền lành, chu đáo với vợ con. Tuy nhiên anh ấy là người không khéo ăn nói và không lãng mạn.
29 Tháng Ba 2015(Xem: 7014)
Bạch Thầy, con xây dựng gia đình muộn, khi con đã ngoài 30 tuổi. Chồng con hơn con gần 20 tuổi, anh ấy đã có một đời vợ trước và 2 cô con gái. Chúng con sống với nhau hơn 2 năm rất hạnh phúc nhưng chưa có con chung.
24 Tháng Ba 2015(Xem: 6991)
Bạch Thầy, gia đình con nhiều năm qua sống rất vui vẻ, hạnh phúc. Chúng con có 2 cô con gái, một cháu 15 và 1 cháu lên 8. Chẳng hiểu sao 1 năm trở lại đây chồng con nằng nặc đòi sinh thêm con với hi vọng sẽ là cháu trai.
17 Tháng Ba 2015(Xem: 6183)
Bạch Thầy, vợ chồng con lấy nhau được 15 năm và có một cháu gái năm nay 12 tuổi. Chúng con ở chung với gia đình nhà chồng nhưng bố mẹ chồng không hợp cả hai vợ chồng con nên thường xuyên có xích mích.