Làm Gì Khi Chồng Đi Sớm Về Muộn?

07 Tháng Sáu 201521:13(Xem: 4979)

THÍCH NHẬT TỪ

CHÌA KHÓA HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Nhà xuất bản Hồng Đức 2015

LÀM GÌ KHI CHỒNG ĐI SỚM VỀ MUỘN?

Bạch Thầy! Chồng con từ ngày chuyển sang công ty mới đã thay đổi rất nhiều. Anh ấy gần như không còn dành thời gian cho vợ con, gia đình nữa. Anh ấy đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về (thường xuyên về nhà sau 1h sáng). Khi về thì mệt nhoài lăn ra ngủ như chết nên cả ngày vợ chồng con gần như không có lúc nào nói chuyện với nhau, cả nhà không lúc nào ăn cơm cùng nhau, ba tháng trở lại đây do con “đấu tranh ” rất nhiều: Khóc lóc, giận dữ, làm ầm, thủ thỉ... thì chồng con cố gắng về nhà ăn cơm với hai mẹ con con lúc 8h tối để rồi sau đó, lúc 9h30 lại tiếp tục... đi làm. Con không thể hiểu được công ty anh ấy làm việc kiểu gì mà sếp gọi lúc nào là nhân viên phải có mặt lúc ấy, bất kể giờ giấc. Có những đêm chồng con bật dậy để trả lời điện thoại hoặc tin nhắn của sếp lúc 2-3h sáng. Bạn bè con nghĩ chắc chồng con phải mang về cho con nhiều tiền lắm nhưng thực ra lương anh ấy chẳng được bao nhiêu, cũng chỉ bằng lương cán bộ văn phòng như con. Con đã quá mệt mỏi, nhiều lúc con muốn buông xuôi, con không thể chịu được cảnh có chồng mà như không, con trai con gần như không có bố. Lâu lắm rồi gia đình con không có một ngày nghỉ đích thực của cả gia đình, chuyện riêng tư của hai vợ chồng lại càng không. Con có nên ly hôn không ạ? Thầy hãy giúp con!

Chu Thị Bạch Yến, Cần Thơ

Vì lý do chồng phải làm việc tất bật ngày đêm, “từ sáng sớm đến tối mịt mới về” mà chị “muốn buông xuôi” và “ly hôn với chồng”, theo tôi, là không chính đáng và có phần vội vã. Là người trong cuộc, thấy rõ rằng do “thay đổi công ty” mà chồng chị buộc phải “sếp gọi lúc nào là phải có mặt lúc ấy, bất kể giờ giấc”, chị nên cảm thông và nâng đỡ tinh thần của chồng, để giúp chồng tìm ra giải pháp thoát khỏi các khó khăn và bế tắc hiện tại.

Để xác định rõ đâu là nguyên nhân chính của hiện tượng trên và đâu là giải pháp khả thi cho vấn nạn “đi sớm về khuya” của chồng chị, chị nên khảo sát các tình huống sau đây:

Về khuya vì ham vui và nhậu nhẹt

Đi chơi khuya và về khuya đối với một số đàn ông là thói ham vui, mà theo Đức Phật là “ham vui khổ vô cùng”. Quán nhậu, quán bia ôm, quán karaoke, quán cà phê, bàn bi-a, tiệm hớt tóc thanh nữ,. thường là những bến đỗ của phần lớn các đấng mày râu ham vui sau giờ làm việc. Còn có một số lý do khác khiến đàn ông về khuya vào các dịp như gặp lại bạn cũ, bà con từ xa, thăng chức, lên lương, trúng mánh trong làm ăn, mừng con thi cử đỗ đạt,. Theo mô tả của chị, xem ra, chồng chị không thuộc mô típ của hai hạng người này. Đối với tình huống sau, về khuya chỉ là hy hữu, đáp ứng nhu cầu giao tế và thể hiện tính lịch lãm thì không có gì là đáng nói. Riêng với tình huống đầu, thói ham vui của các ông là tiêu cực, một mặt thể hiện thái độ “ỷ vào vợ” lo chu tất trong ngoài, mặt khác thể hiện sự thiếu trách nhiệm, thiếu nghiêm túc với vợ con, tạo ra cảnh cãi vã, chiến tranh lạnh, cười ra nước mắt. Nếu người vợ không khéo léo khuyên chồng dành nhiều thời gian cho gia đình về lâu và về dài, chồng chị có thể vướng vào các tật xấu và bị bệnh tật từ nghề nghiệp và lối sống này, là điều khó tránh khỏi.

Về khuya vì công việc bất khả kháng

Do tính chất công việc, một số nghề đòi hỏi chồng (vợ) không thể về sớm được, và do đó, khó có thể dành nhiều thời gian cho người thân thương, dù trong thâm tâm rất mong muốn. Làm tài xế của tuyến đường xa, tài xế taxi, tài xế riêng của sếp, giới văn nghệ sĩ biểu diễn về đêm, nhân viên nhà hàng và quán xá buổi tối,... là những người có thời gian “lệch pha” với người thân thương ở nhà.

Khi công việc và nhiệm vụ của chồng có tính chất “bất khả kháng”, trong lúc chưa có nghề nghiệp tốt hơn, sự cảm thông và chia sẻ gánh nặng của vợ dành cho chồng sẽ làm cho chồng bớt đi các gánh nặng tâm lý, sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn mỗi khi có mặt ở nhà và nỗ lực sắp xếp thời gian để có mặt thường xuyên ở nhà. Sự hỗ trợ của người vợ sẽ làm cho người chồng “đi sớm về khuya” cảm thấy nhẹ nhõm và do vậy không lợi dụng lòng tốt của vợ để làm các việc bất chính trong hôn nhân.

Trong trường hợp của gia đình chị, dù là nguyên nhân bất khả kháng, tôi e rằng có điều gì đó bất thường trong các tình tiết như chồng chị thường xuyên về nhà sau một giờ sáng trong trạng thái mệt đừ và lăn ra ngủ, không có ngày nghỉ trong tuần, vợ chồng không có dịp nói chuyện với nhau, không ăn cơm chung, con không được chồng chăm sóc, không còn “chuyện vợ chồng”, có chồng mà như không và khi chị “khóc lóc, giận dữ, làm ầm, thủ thỉ” thì chồng mới dành một hai giờ cho gia đình rồi tiếp tục đi tối về khuya. Chị cần tâm sự với chồng và tìm hiểu rõ căn cội của việc thường xuyên đi sớm về khuya này để tránh tình trạng ngụy biện hay biện hộ cho thói quen ham chơi như một số trường hợp của các đấng mày râu khác.

Đừng tạo thành thói quen xấu

Dù xuất phát từ nguyên nhân nghề nghiệp hay lý do cá nhân thì việc “đi sớm về khuya” thường xuyên của các đức lang quân sẽ tạo thành một thói quen xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến hạnh phúc gia đình và chất lượng cuộc sống. Các cảm giác không an tâm, sợ mất, hoài nghi, ghen tuông, cô đơn,

trống vắng, có bạn đời cũng như không. sẽ làm cho người vợ ở nhà sống trong tủi phận và nước mắt. Tương tự, việc thường xuyên “về khuya” của người vợ cũng tạo ra cảm giác tiêu cực ở người chồng.

Khi việc “về khuya” được quan niệm như “một phần tất yếu trong cuộc sống” người về khuya thường hay biện hộ cho thói quen xấu này, mà lẽ ra họ phải cố gắng khắc phục để vượt qua. Thấy rõ sự giới hạn của lý do và biện hộ, các ông chồng nên biết dừng lại đúng giới hạn cho phép để tránh tình trạng hờn dỗi, bất hòa, tranh cãi và mất hạnh phúc. Với tư cách làm vợ và làm mẹ trong gia đình, người phụ nữ nên sử dụng tình cảm, sự khôn ngoan để can gián chồng, không tiếp sức cho chồng đi sớm về khuya như một thói quen thiếu trách nhiệm và ỷ lại.

Tìm kiếm và thay đổi công việc thích hợp

Nếu tình trạng công việc của chồng là một điệp khúc “vũ như cẩn” thì việc hy vọng chồng chị thay đổi thói quen không còn “đi sớm về khuya” là điều bất khả thi, vì anh ấy chỉ là nhân viên làm công ăn lương của một công ty, không có quyền lựa chọn mà chỉ có trách nhiệm phải tuân thủ theo mệnh lệnh, kế hoạch của sếp.

Thực ra nếu làm công việc “dị hợm” và bất đắc dĩ này mà “lương chẳng được bao nhiêu” bất quá cũng “chỉ bằng lương cán bộ văn phòng” thì việc hy sinh hạnh phúc gia đình cho công việc ấy, trong mọi tình huống, theo tôi là điều nên suy nghĩ lại, nếu không nói là không đáng và không nên.

Mâm cơm gia đình, sự quan tâm đến người thân, dành thời gian chăm sóc nhau, cùng chia sẻ trách nhiệm với con cái, giảm căng thẳng cho nhau và vun bồi hạnh phúc vợ chồng. được xem là các yếu tố tạo nên văn hóa gia đình Việt, mang đậm chất nhân văn. Thay vì thể hiện sự bất mãn bằng cách “đấu tranh, khóc lóc, giận dữ, làm ầm”, tôi khuyên chị nên ngồi lại với chồng, “thủ thỉ” và phân tích lợi và hại, được và mất của nghề nghiệp hiện tại của chồng, để giúp anh ấy nhận ra được sự thiệt hơn của công việc, để cùng định hướng và tìm ra một nghề nghiệp khác ổn định hơn và đôi lúc lại có thu nhập cao hơn, góp phần cải thiện hạnh phúc gia đình đang trong tình trạng bị đánh đố và thử thách. Có thể phải mất một thời gian mới tìm được công việc có thu nhập tốt, mang tính ổn định và bền vững, hoặc trong thời gian chờ đợi có việc mới, gia đình chị gặp ít nhiều khó khăn về tài chính, anh chị cũng nên mạnh dạn tìm kiếm giải pháp thích hợp, làm giảm thiểu bất hạnh hơn trong hiện tại. Bằng mọi cách và trong mọi tình huống, lời chia sẻ, kêu cứu và góp ý chân thành của chị đối với chồng phải làm cho anh ấy có cảm giác thèm mái ấm gia đình để quay về, thèm sự đồng cảm và chia sẻ, thèm bàn tay chăm sóc dịu dàng của vợ, thèm cái khăn ướt lau mặt và một tách trà ngon, thèm cái cảm giác ôm ấp và dìu dắt con trong nhà,... Sự khéo léo của chị sẽ có thể giúp vợ chồng chị không còn cãi vã, không còn chiến tranh lạnh. Có như thế, gia đình chị sẽ được “chuyển nghiệp” thoát khỏi mệt mỏi, khổ đau, bế tắc.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Bảy 2015(Xem: 4218)
Học để hoàn thiện chính mình là việc học suốt cả cuộc đời, chẳng thể nào được tốt nghiệp trọn vẹn, nếu ta không có đủ ý chí và nghị lực.
20 Tháng Bảy 2015(Xem: 10084)
Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân mình về câu chuyện thành công và hạnh phúc? Thành công trong hạnh phúc hay hạnh phúc trong thành công. Hy vọng những trải nghiệm của thầy được chia sẻ trong video clip dưới đây sẽ là nguồn cảm hứng cho chính bạn và trả lời những câu hỏi về chính con đường mình đang lựa chọn.
14 Tháng Bảy 2015(Xem: 4761)
Để được sống trọn vẹn với tình yêu không hề đơn giản chút nào, có người đang sống bên nhau nhưng không có tình yêu thật sự. Nhưng chia tay trong tình yêu chưa hẳn là đã mất hết tất cả, mà trên đường mình đang đi còn rất dài các em ạ.
12 Tháng Bảy 2015(Xem: 6432)
Phật dạy “Ái Biệt Ly Khổ” tức yêu nhau mà phải chia ly thì đau khổ. Đau khổ là thường tình vì người ta tưởng rằng cái người mà ta đang yêu là “vật sở hữu” của mình. Nay “vật sở hữu” mất đi, ta nuối tiếc và ghen tuông, hận thù nếu “vật” ấy lọt vào tay kẻ khác. Thế nhưng, nói thật ra trên cõi đời này không có cái gì là “của mình”.
16 Tháng Sáu 2015(Xem: 7838)
Hằng ngày đọc báo, nghe đài hay sử dụng phương tiện truyền thông gì, chúng ta cũng nghe, biết đến những tin tức làm kinh hoàng người bình thường: Mẹ bỏ con ngoài sọt rác; cha đánh con đến chết; tạt acid/đốt cháy người tình/vợ/chồng; giết người không quen biết chỉ vì một cái nhìn, một câu nói… Tất cả khiến chúng ta, những người bình thường không khỏi tự hỏi điều gì đã xảy ra đối với tình thương yêu, lòng tử tế của con người đối với nhau.
26 Tháng Năm 2015(Xem: 6374)
Đời sống của chúng ta là một chuỗi dài nhân duyên được hỗn hợp, bao gồm cả tốt lẫn xấu. Nếu chúng ta chỉ yêu thích cái tốt, ghét cái xấu, thì đời sống tinh thần của mình sẽ trào dâng cảm xúc vui buồn mà thành ra có khổ đau nhiều hơn là hạnh phúc.
24 Tháng Năm 2015(Xem: 6299)
Cùng với những người khác chung tay, góp sức hoàn thành những mục tiêu mà cuộc sống và công việc đặt ra, chúng ta đều nhận được nhiều lợi ích và giá trị tốt đẹp và có những cảm nhận bổ ích khác nhau. Hợp tác là một nhu cầu cần thiết trong công việc giúp chúng ta giải quyết công việc riêng cũng như công việc chung tốt hơn và hiệu quả hơn, đồng thời người biết hợp tác sẽ luôn nhận được sự hợp tác của người khác.
18 Tháng Năm 2015(Xem: 7038)
'Sự Tha Thứ Là Món Quà Tặng' được viết và trình diễn đặc biệt cho cuộc viếng thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 khi ngài đến thăm Trường Đại Học Limerick, trường tổ chức kết hợp với Richard Moore, Hội Những Trẻ Em Trong Lằn Tên Mũi Đạn.
15 Tháng Năm 2015(Xem: 12376)
Ở đời, chúng ta thường thấy có người bên ngoài dáng vẻ giàu sang, thành công, đi xe sang trọng, nhà ở thật đẹp và quý phái. Nhưng trên thực tế, họ rất chật vật trong đời sống hằng ngày.