THÔNG BẠCH XUÂN GIÁP THÌN

08 Tháng Hai 202407:57(Xem: 1662)

THÔNG BẠCH XUÂN GIÁP THÌN

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Tăng Ni,
Kính thưa quý Thiện tín Cư sĩ Phật tử,
 
Thành - trụ - hoại – không là cấu trúc nền tảng của triết lý Phật giáo về vũ trụ quan. Sinh - trụ - dị - diệt là bốn trụ cột căn bản của giáo nghĩa Phật pháp về nhân sinh quan. Mọi hiện hữu trên thế gian vốn vô thường huyễn hóa. Thời gian dù quá khứ, hiện tại hay tương lai đều cũng chỉ là những khái niệm mang tính nhị nguyên tương đối chứ chưa phải là lý tánh tuyệt đối. Trên phạm trù tục đế, chặng đường Quý Mão (2023) đã đi qua và bánh xe thời gian lại tiếp tục xoay vần để đưa chúng ta tiếp tục một cuộc hành trình mới của năm Giáp Thìn (2024), một năm mới với nhiều tin tưởng và hy vọng.
 
Trước hết, thay mặt Hội Đồng Điều Hành Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại, xin kính lời vấn an sức khoẻ đến chư Tôn đức Giáo phẩm Tăng Ni, lời chúc sách tấn đến quý Thiện tín Cư sĩ Phật tử cũng như nhất tâm cầu nguyện hòa bình an lạc đến khắp muôn loài chúng sanh.
 
Năm Quý Mão vừa qua là năm nhân loại chúng ta đã phải đối mặt với hàng loạt các vấn nạn xã hội, từ biến động kinh tế thế giới, khủng hoảng thiên tai toàn cầu, xung đột vũ trang, đối kháng chính trị, độc tài phi dân chủ, biến đổi khí hậu, công nghệ truyền thông tiêu cực cho đến các vấn đề liên quan đến tâm linh tôn giáo… Đây được xem là dấu chấm hỏi lớn, là bài toán nan giải cần có các giải đáp kịp thời vì sự phát triển bình ổn chung của toàn thể con người và xã hội.
 
Phật pháp không ngoài thế gian pháp, Đức Phật dạy rằng, giáo pháp của Như Lai vì đời mà trụ thế, đệ tử của Như Lai vì đời mà lên đường tuyên dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh. Nhận thức được điều đó chúng ta mới thực sự ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với sự hạnh phúc và an lạc của chúng sanh từ mỗi vị trí mà mình đang đứng.
 
Mỗi người là mỗi phần tử nhỏ cấu thành nên một xã hội lớn. Do đó, muốn chuyển hoá những bất ổn của thế giới bên ngoài trước hết mỗi người phải tự chuyển hoá chính mình và từ mỗi công việc mình đang đảm nhận mà nỗ lực chu toàn trọng trách và sứ mệnh, đây chính là tiền đề cho sự ổn định và tăng triển của xã hội.
 
Là một tu sĩ Phật giáo, để Đạo pháp trường tồn và lưu bố, mỗi người phải là một ngọn đèn trí tuệ để tự soi sáng mình và soi sáng cho người thông qua việc trau dồi giới đức và thiền định, lấy giới luật làm kim chỉ nam cho mọi lời nói, tư duy và hành động. Bên cạnh đó cũng phải tinh tấn trau dồi tri thức nội - ngoại điển, tránh xa mọi cám dỗ từ vật chất đến tinh thần. Mọi phương tiện hoằng dương chánh pháp đều phải được xây dựng trên nền tảng chánh tri kiến. Tăng Đoàn là biểu tượng của sự hoà hợp và thanh tịnh, chính sự tịnh hợp của Tăng Đoàn, sự trang nghiêm thoát tục toát lên từ oai nghi đạo hạnh của đệ tử Phật là phục sức đẹp nhất trang hoàng cho Đạo pháp, là tấm gương mẫu mực cho đời và là thành trì kiên cố mà không một thế lực nào có thể phá hoại được.
 
Với mỗi Phật tử tại gia, việc nỗ lực tìm hiểu, học hỏi và hành trì Phật pháp chính là con đường ngắn nhất để đến với Đạo và chứng đạo, vì thế phải thiết lập niềm tin chân chánh đối với ba ngôi Tam Bảo để không bị lung lay trước những tà kiến sai lầm. Mỗi cư sĩ tại gia ngoài việc là những Phật tử học Pháp – hành Pháp đồng thời cũng là những cánh tay hộ pháp đắc lực trong việc xiển dương Phật pháp, dùng Đạo độ Đời thay vì đem Đời vào Đạo. Cư sĩ chính là một chi thể của Tăng Đoàn, do đó việc xây dựng một tập thể hoà hợp tương kính và năng động, khế lý và khế cơ là điều kiện tất yếu và là nền tảng tiên quyết cho sự vững mạnh của Phật Giáo.
 
Phật giáo Việt Nam với chiều dài hơn 2000 năm lịch sử, trải qua bao thăng trầm với những chứng tích hùng hồn về một giai thời Phật giáo Lý - Trần cực thịnh, để lại những dấu ấn tinh hoa về một Vạn Hạnh thiền sư tài đức kiêm toàn, một Khuông Việt quốc sư vì Đạo lớn mà dấn thân nhập thế, một Giác Hoàng Điều ngự chống gậy thiền mà trấn giữ giang san, một quốc sư Phước Huệ đã nêu cao ngọn cờ chấn hưng Phật giáo, đào tạo tăng tài, một Quảng Đức Bồ tát đã thắp lên ngọn lửa đại hùng với trái tim yêu thương bất diệt… viết lên trang sử vàng son rạng rỡ của Phật giáo nước nhà, để lại tấm gương sáng ngời cho bao đời hậu thế.
 
Phật giáo là nền giáo dục thánh đức Toàn Giác, sự phát triển của Phật giáo không nằm ở việc tục hóa mà chính là Phật hóa nhằm huân đúc một nhân cách khả ái và đạo phong khả kính. Phạm hạnh thanh tịnh của người xuất gia cũng như đạo đức thánh thiện của các Phật tử tại gia và bi nguyện xả thân phục vụ chúng sanh chính là thước đo chuẩn xác nhất xác định giá trị truyền thống đặc hữu của Phật giáo trên trường quốc tế. Đức Phật dạy, hãy đầy đủ đức tin, giới đức, bố thí, đa văn, tinh tấn và trí tuệ, thành tựu sáu nhân tố này, với tất cả lòng biết ơn, sự bao dung và đức thành thật… sẽ mang lại vô số phúc lạc và sẽ biến thế giới phiền não cấu nhiễm thành tịnh độ tự tại thanh lương.
 
Nhân dịp đầu năm mới, thành tâm chúc nguyện chư liệt vị phước huệ trang nghiêm, Bồ đề tâm kiên cố, đạo nghiệp vững bền, phát huy chí nguyện hoằng pháp lợi sanh, tiếp nối bước chân đại hạnh của chư liệt vị tổ sư tiền bối. Cầu nguyện Phật pháp xương minh, tòng lâm hưng thịnh, thế giới an hưởng thái bình, muôn sinh an lạc, cùng khắp pháp giới chúng sanh đồng thành Phật đạo.
 
Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Từ Thị Di Lặc Tôn Phật.
Phật Lịch 2568 - Hoa Kỳ ngày 04 tháng 02 năm 2024
Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành
Tỳ kheo Thích Viên Lý

blank

blank
 
 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Sáu 2023(Xem: 3408)
Phật pháp tại thế gian thời kỳ mạt pháp xuất hiện nhiều dị giáo làm cho hành giả sơ tâm tu tập dễ vướng các chướng do không biện được chánh, tà. Bởi thiếu phân định nên dễ đi vào con đường thành kiến sai lầm khiến một đời nỗ lực tu tập nhưng cứ mãi lẫn quẩn trong vòng luân chuyển của khổ đau, sanh tử. Với xuất phát điểm nơi tâm hướng đến con đường giải thoát, hành giả tu tập cần nương nhờ vào đoàn thể Tăng già - là những người thừa tự pháp của Phật, chọn đúng đường hướng hầu mong thoát khỏi cái khổ trần thế, thoát khỏi sự thiêu đốt của nhà lửa đang bốc cháy hừng hực nơi Ta Bà uế trược.
12 Tháng Sáu 2023(Xem: 2836)
Đức Phật đã từng dạy, trong mỗi chúng sanh đều có Phật tính và đều là những vị lai Phật. Hy vọng rằng mùa Phật đản về cũng là lúc chúng ta trở về với Phật tính, lắng nghe Pháp âm trong chính mình, để mỗi thời khắc đều là Phật thị hiện và, mỗi tấc đất trong cõi Ta Bà này đều là y báo trang nghiêm của chư Phật Thế Tôn. Có như vậy chúng ta mới thật sự đón mừng một mùa Phật Đản với tất cả tâm thành và ý nghĩa.
12 Tháng Sáu 2023(Xem: 2701)
Xin kính mời quý vị đón đọc Nguyệt San Diệu Pháp số 4 Mọi ý kiến đóng góp hoặc gửi bài vở xin gửi về địa chỉ email: Chuadieuphaptvl@gmail.com
29 Tháng Năm 2023(Xem: 4929)
Mùa Phật đản chính là lúc tất cả chúng ta nhớ nghĩ và cảm niệm ân đức cao dày của Đức Từ Phụ Thế Tôn, đồng thời cũng là lúc để quán chiếu tự tâm, phát huy thiện căn, hiển lộ Phật tính để an trú với “vị Phật” trong chính mình, mỗi người là một Pháp thân trang nghiêm pháp giới; nhất là giữa bối cảnh lịch sử có nhiều khủng hoảng, hận thù, chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, nhân hoạ… như ngày nay.
04 Tháng Năm 2023(Xem: 2730)
Xin kính mời quý vị đón đọc Nguyệt San Diệu Pháp số 4 Mọi ý kiến đóng góp hoặc gửi bài vở xin gửi về địa chỉ email: Chuadieuphaptvl@gmail.com
03 Tháng Tư 2023(Xem: 2992)
I. Đại Lễ Phật Đản chung, PL 2567 sẽ long trọng cử hành vào lúc10 giờ sáng, Thứ Bảy ngày 10 tháng 6 năm 2023, nhằm ngày 23 tháng 4 năm Quý Mão tại Chùa Điều Ngự; II. Khoá An Cư ngắn hạn sẽ được tổ chức từ ngày 12 tháng 6 đếnngày 21 tháng 6 năm 2023 tại Chùa Điều Ngự; III. Đại Hội Khoáng Đại III sẽ được tổ chức vào ngày 15 và 16tháng 6 năm 2023 tại Chùa Điều Ngự. Để ba Phật sự trọng đại của Tăng Đoàn được thành tựu viên mãn. Thay mặt Hội Đồng Điều Hành, chúng con/ tôi trân trọng Thông Tư đến chư Tôn đức Giáo phẩm Tăng Ni và quý Thiện tín Cư sỹ, Huynh trưởng, Phật tử về thời gian - địa điểm tổ chức Đại Lễ Phật Đản chung, Khoá An Cư ngắn hạn và Đại Hội Khoáng Đại III của Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại;
02 Tháng Tư 2023(Xem: 2932)
NGUYỆT SAN DIỆU PHÁP_NO.3 THÁNG 3_2023 Xin kính mời quý vị đón đọc Nguyệt San Diệu Pháp số 3 Mọi ý kiến đóng góp hoặc gửi bài vở xin gửi về địa chỉ email: Chuadieuphaptvl@gmail.com