VNN phỏng vấn Viện Chủ

28 Tháng Tư 201100:00(Xem: 3221)

VNN Phỏng Vấn T.T. Thích Viên Lý

Trước nhiều diễn biến dồn dập đang xảy ra với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Quê nhà, hãng thông tấn VNN đã hân hạnh được Thượng Tọa THÍCH VIÊN LÝ, từ Hoa Kỳ, dành cho một cuộc phỏng vấn đặc biệt sau đây do phóng viên Võ Triều Sơn thực hiện. Xin kính mời Quý vị theo dõi.
Võ Triều Sơn (VNN)

VNN: Kính Bạch Thượng Tọa, trước hết, xin Thượng Tọa cho biết hiện tình sức khoẻ và tình trạng quản thúc của Nhị Vị Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ hiện như thế nào?

Thượng Tọa Thích Viên Lý (TT. Thích Viên Lý): Về sức khỏe, năm nay, Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống, 86 tuổi và Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, 74 tuổi. Trong điều kiện sinh sống bình thường và được chăm sóc sức khỏe kỹ, người ta ở vào tuổi đó cũng khó tránh những bệnh tật đau yếu. Nhị vị Hòa Thượng trong suốt 21 năm qua bị giam cầm, quản thúc, đặc biệt có những thời gian dài phải sống trong tình trạng khắc nghiệt về tinh thần cũng như vật chất kể cả vấn đề ăn ở, thuốn men do đó đã có nhiều lúc tình trạng sức khỏe của hai Ngài đã được báo động. Nhưng nhờ nội lực thâm hậu, ý chí luôn hướng đến sự an nguy của dân tộc và đạo pháp mà không quan tâm đến sức khỏe của bản thân, nên hai Ngài đã vượt qua được sự suy yếu của thể chất. Ngoài các chứng bệnh kinh niên và tuổi cao thì tương đối sức khỏe Nhị vị Hòa Thượng bình yên trong lúc này.

VNN: Xin Thượng Tọa cho biết nhận định về sự kiện nhà cầm quyền CSVN cho phép Hòa Thượng Thích Huyền Quang được thăm viếng một số Chùa chiền, tiếp xúc với một số nhân vật cao cấp của nhà cầm quyền và ngoại quốc cùng Quý Tăng Ni trong đó có Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN)?

TT. Thích Viên Lý: Về tình trạng quản thúc, Hòa Thượng Thích Quảng Độ vẫn bị canh giữ và kiểm soát nghiêm ngặt ngay tại chính ngôi Chùa của Ngài, không được liên lạc với bên ngoài và ngược lại. Chỉ có hiện tượng lạ mới xảy ra gần đây là Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang đã được đến thăm viếng và đàm đạo riêng với Ngài nhưng bây giờ hãy còn quá sớm để kết luận về ý nghĩa của hiện tượng này. Riêng Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang sau gần 2 năm bị cầm tù tại Sài Gòn và 21 năm bị lưu đày tại một ngôi chùa nhỏ hẻo lánh ở Quảng Ngãi, bị từ chối để được đi chữa bệnh ở Sài Gòn theo chính đề nghị của bác sỹ Nhà nước, nhưng bất ngờ sau đó Ngài được phép đi chữa bệnh ở Hà Nội, được sắp xếp có cuộc hội kiến với Thủ Tướng Phan Văn Khải, được các nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ kể cả ông Đại Sứ Hoa Kỳ Raymond F. Burghardt đến vấn an, sau đó là những chuyến viếng thăm của Ngài tại Huế, Sài Gòn và được đông đảo Tăng Ni Phật tử đón rước long trọng, đạo tình. Tại Sài Gòn, Ngài cũng được sắp xếp để có cuộc tiếp kiến của Ông Lê Thanh Hải, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố và cuộc thăm viếng của Bà Emi Lynn Yamauchi, Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Điều đáng lưu ý là mọi phương tiện di chuyển, chỗ lưu trú đều được sắp xếp có tính cách chỉ định. Cũng hãy còn quá sớm để có thể kết luận rằng ý nghĩa nào đối với những diễn biến này, Một cách khác, có thể nói đây chỉ mới là những hiện tượng, thực chất của vấn đề cần thêm thời gian và những thay đổi cụ thể từ nội dung Hiến Pháp của nhà nước đến sự thực thi bản Hiến Pháp đó và bản chất của chế độ, tuy nhiên có thể khẳng định rằng, do áp lực quốc tế mạnh mẽ, đặc biệt đến từ Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu và do sự tranh đấu kiên trì của chư Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước, mà nhà cầm quyền cộng sản phải thực hiện giải pháp nhất thời qua việc Thủ Tướng Phan Văn Khải hội kiến với Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, rồi sau đó để cho Hòa Thượng "tự do" đi lại, thăm viếng, gặp gỡ tại một số nơi, dù "tự do đi lại" này còn do Ban Tôn giáo và Công an đi kèm "hộ tống", chứ Hòa Thượng chưa được phép toàn quyền quyết định như ý mình. Trong một chế độ độc tài, độc đảng, kinh nghiệm cho thấy, mọi sách lược đều có tính cách giai đoạn nhằm đáp ứng cho những nhu cầu xã hội, chính trị, kinh tế... để thực hiện mục tiêu củng cố địa vị độc tôn của đảng thay vì để bảo đảm và phát huy các quyền dân sự và chính trị của người dân như đã được minh định trong các Công Ước Quốc Tế và hiện đang được thực thi rộng rãi tại nhiều quốc gia. Trước xu thế và khát vọng của nhân loại về Tự do Dân chủ với đầy đủ các quyền dân sự và chính trị, các chế độ độc tài toàn trị sẽ lần lượt bị đào thải. Do đó, thời gian sẽ giúp ta thấy rõ những ý nghĩa của những diễn biến mới đây liên quan đến Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Hòa Thượng Thích Quảng Độ.

VNN: Cảm ơn Thượng Tọa. Qua tin tức, chúng con được biết, trong thời gian ở Sài Gòn, Hòa Thượng Thích Huyền Quang có đến Thanh Minh Thiền Viện để đàm đạo với Hòa Thượng Thích Quảng Độ trước sau 3 lần. Xin Thượng Tọa có thể cho biết Nhị Vị Hòa Thượng đã đàm đạo về những vấn đề quan trọnng nào?

TT. Thích Viên Lý: Trong thời gian ở Saigon, từ 2.5 đến 14.5.03 thì Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống đã có 3 lần gặp gỡ với Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Bản tin của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế là cơ quan thông tin và phát ngôn của Viện Hóa Đạo, đã nói rõ rằng Nhị Vị Hòa Thượng cùng nhau bàn bạc Phật sự, cùng đồng tình trên tổng quan việc chấn chỉnh nội bộ Giáo Hội sau một thời gian dài bị tê liệt vì ngoại chướng. Tuy nhiên nhị vị Hòa Thượng quyết định chỉ tiến hành Phật sự vào tháng 6 dương lịch này, sau khi Hòa thượng Thích Quảng Độ được giải chế vào ngày 1.6. Có thể nói trong ba lần đàm đạo tại Thanh Minh Thiền Viện giữa Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Hòa Thượng Thích Quảng Độ, với tư cách là hàng giáo phẩm lãnh đạo, có trách nhiệm trước tiền đồ của Phật Giáo Việt Nam, mối quan tâm chính của hai Ngài là làm thế nào để Phật Giáo Việt Nam không bị lôi cuốn vào các hoạt động chính trị dưới sự chi phối và điều khiển của bất cứ tổ chức, đảng phái chính trị nào cũng như làm thế nào để chỉnh đốn ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam đang có nhiều phức tạp sau gần ba mươi năm dưới chế độ Cọng sản và từ đó có thể thực hiện các công tác hoằng pháp, văn hóa, giáo dục, từ thiện xã hội v.v...

VNN: Trước sự kiện nầy, một số nhà phân tích Tây Phương cho rằng CSVN đang có những chỉ dấu sẽ có cởi mở Dân chủ tại Việt Nam. Thượng Tọa nghĩ sao về nhận định nầy?

TT. Thích Viên Lý: Như đã được trình bày ở trên, điều quan trọng không phải có hay không những chỉ dấu sẽ cởi mở Dân chủ tại Việt Nam, bởi vì nếu có, cũng có thể chỉ là giai đoạn và là hiện tượng. Điều cần biết là thực chất của những cởi mở, nếu có. Mà điều này cần phải chờ. Là người Việt Nam và là Tăng sĩ Phật Giáo chịu chung vận mệnh đau khổ với dân tộc và đất nước, chúng tôi không quen tiên liệu hay đánh giá tình hình theo kiểu các nhà quan sát Tây Phương. Thực tế dạy cho chúng tôi rằng cái gì xẩy ra trước mắt thì mới dám tin.

VNN: Thông Cáo Báo Chí ngày 5.5.03 của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế tại Paris cho biết: Khi đến Sài Gòn, Hòa Thượng muốn ở Chùa riêng nhưng nhà cầm quyền CSVN lại chỉ định Ngài phải về tá túc ở Chùa Ấn Quang. Sự kiện nầy có ý nghĩa gì, kính thưa Thượng Tọa?

TT. Thích Viên Lý: Như đã trả lời ở câu 2 trên đây. Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang chưa có tự do hoàn toàn trong việc đi lại và gặp gỡ. Việc Đại Lão Hòa Thượng 3 lần gặp gỡ Hòa Thượng Thích Quảng Độ mà không có sự chứng kiến theo dõi của Công an là một sự kiện mới. Ngoài ra sự chọn lựa nơi ở trong thời gian đến Saigon, hay ở lại một hai hôm ở Thanh Minh Thiền Viện với Hòa Thượng Thích Quảng Độ thì không thực hiện được. Vì Ban Tôn giáo Thành phố và công an chỉ định nơi tạm trú là Chùa Ấn Quang, tức trụ sở Thành Hội của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Qua các sự kiện này chúng ta có thể khẳng định rằng Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang chưa được hoàn toàn tự do, vì như đã trình bày, mọi phương tiện di chuyển và nơi lưu trú của Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang đều được sắp xếp có tính cách chỉ định. Có người đã gọi đùa tình trạng hiện nay của Ngài là bị ‘‘quản thúc di động’’.

VNN: Dư luận hiện nay có đề cập đến nhiều về sự hiệp nhất của hai Giáo Hội: PGVNTN và Phật Giáo do nhà nước quản lý. Nhân đây, xin Thượng Tọa cho biết quan điểm của GHPGVNTN về sự hiệp nhất nầy như thế nào? Và triển vọnh hiệp nhất sẽ ra sao, kính thưa Thượng Tọa?

TT. Thích Viên Lý: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là Giáo Hội dân lập có truyền thống 2000 năm lịch sử. Cho đến năm 1981 thì Đảng Cộng sản và Nhà nước XHCN cho thành lập một tổ chức Phật Giáo nằm dưới sự kiểm soát và điều khiển của Đảng và Mặt Trận Tổ Quốc. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sở dĩ bị đàn áp khốc liệt sau năm 1975, là vì Giáo Hội không chịu sự kiểm soát hay làm công cụ cho bất cứ thế lực chính trị nào. Cho nên vấn đề căn bản hiện nay là đòi hỏi phục hồi quyền sinh hoạt chính đáng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Điều này cũng được công luận quốc tế quan tâm hậu thuẫn, mà điển hình là bản Quyết Nghị của Quốc Hội Âu Châu thông qua ngày 15.5.03 cũng yêu sách như thế. Không ai muốn tôn giáo của mình bị phân hóa và chi phối, do đó, Thống Nhất Phật Giáo là hoài bão và tâm nguyện thiết tha của toàn thể Tăng tín đồ Phật Giáo Việt Nam. Do vậy Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trở về hiệp nhất với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, thì chỉ là một việc tất yếu như con sông hòa nhập vào đại dương và nếu không có sự chi phối, áp lực và điều khiển của các thế lực chính trị bên ngoài mà ở đây là Đảng Cọng sản Việt Nam thì vấn đề Thống Nhất Phật Giáo sẽ thành tựu sớm và tốt.

VNN: Cảm ơn Thượng Tọa. Phản ứng của Giáo Hội do nhà nước quản lý như thế nào trước sự kiện nầy, kính thưa Thượng Tọa?

TT. Thích Viên Lý:Chúng tôi chưa được nghe một phản ứng công khai nào trên sự việc này ; tuy nhiên, muốn biết phản ứng của Giáo Hội nhà nước như thế nào, chúng ta nên xét qua hai yếu tố hợp thành Giáo Hội này, đó là Tăng Ni Phật tử Việt Nam và Nhà nước Cộng sản Việt Nam. Như đã được trình bày, đại bộ phận Tăng tín đồ Phật Giáo Việt Nam rất thiết tha mong muốn Phật Giáo Việt Nam luôn luôn là một, trong lúc đó, Nhà nước Việt Nam cho đến nay vẫn còn duy trì chính sách chi phối, kiểm soát và điều khiển các tôn giáo, trong đó có Phật Giáo Việt Nam ; do vậy, sự hợp nhất tốt đẹp cho Phật Giáo Việt Nam chỉ có được khi nào nhà nước không còn duy trì chính sách xen vào nội bộ và muốn điều khiển Phật Giáo Việt Nam cũng như các Tôn giáo khác như là một công cụ để tuyên truyền và củng cố quyền lực cho chế độ.

VNN: Nếu xem sự kiện trên đây là một nhượng bộ của nhà cầm quyền CSVN đối với GHPGVNTN, dù rằng còn rất giới hạn và đầy những cạm bẫy, theo Thượng Tọa nghĩ, sự nhượng bộ đó là do áp lực mới đây của quốc tế hay do ảnh hưởng của những nổ lực đấu tranh liên tục của Cộng đồng Việt Nam hải ngoại? Lời Kêu Gọi Dân Chủ Cho Việt Nam mà Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã công bố ngày 21.2.2001, có tác dụng như thế nào đối với sự nhượng bộ nầy?

TT. Thích Viên Lý: Tôi không nghĩ những diễn biến mới đây là một sự nhượng bộ của nhà cầm quyền CSVN đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Tôi nghĩ rằng đó là một bước đi mới của một chính sách nhằm đáp ứng tình tình hình mới của Việt Nam. Một cách tổng quát tình hình mới của Việt Nam xuất phát từ những áp lực diễn ra dưới mọi hình thức, đặc biệt do hai áp lực, thứ nhất đến từ quốc tế, thứ hai đến từ cuộc tranh đấu kiên trì của chư Tăng Ni và Phật tử trong cũng như ngoài nước. Tuy nhiên, phải công nhận là áp lực quốc tế hết sức quan trọng và có tác dụng quyết định, do xu thế thế giới ngày nay là xu thế cộng tác và hỗ tương. Trong tương quan ấy và muốn có viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ và các nước Âu Châu, thì Hà Nội không thể coi thường áp lực và yêu sách của các nước Âu Mỹ trên phạm vi nhân quyền và tự do Tôn giáo. Lời Kêu Gọi Cho Dân Chủ Việt Nam do Hòa Thượng Thích Quảng Độ nhân danh Hội Đồng Lưỡng Viện, tức Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, công bố ngày 21.2.2001, là lập trường của Giáo Hội trên tiến trình chuyển hóa Dân chủ cho đất nước làm nền tảng cho sự phát triển và tái thiết quốc gia cũng như sự tham gia của mọi thành phần dân tộc bất phân chính kiến. Sự tác hưởng của Lời Kêu Gọi thấy rất rõ qua sự hậu thuẫn và ủng hộ của hàng trăm nhân sĩ và chính trị gia quốc tế, từ Quốc Hội Hoa Kỳ đến Liên Hiệp Âu Châu. Phía người Việt ở hải ngoại, có thể nói lần đầu tiên từ gần ba mươi năm qua đây là sự hưởng ứng sâu rộng với một số lượng trên ba trăm nghìn chữ ký hậu thuẫn.

VNN: Thượng Tọa nghĩ sao về việc nhà cầm quyền CSVN không đưa Hòa Thượng về quản thúc tiếp tục tại nơi cũ là Chùa Quang Phước ở Quảng Ngãi mà sẽ đưa Ngài đến nơi mới là Tu Viện Nguyên Thiều ở Bình Định? Về mặt quản thúc, Tu Viện Nguyên Thiều có những gì khác không so với Chùa Quang Phước?

TT. Thích Viên Lý: Nếu chưa được minh định bằng văn bản rằng Ngài đã được hoàn toàn tự do và trên thực tế Ngài vẫn chưa có quyền trở về chỗ cũ hoặc bất cứ nơi nào Ngài muốn, Ngài vẫn chưa có quyền đi lại mà không bị hạn chế và kiểm soát thì dù ở Chùa Quang Phước thuộc Quảng Ngãi hay Tu Viện Nguyên Thiều ở Bình Định cũng không có gì khác, nghĩa là vẫn còn bị chỉ định cư trú. Chúng ta nên nhớ rằng Tu viện Nguyên Thiều vẫn là nơi mà Nhà cầm quyền muốn đưa Đại Lão Hòa Thượng về cư ngụ mấy năm trước đây. Vì trước đây họ muốn chứng minh với dư luận quốc tế là Hòa Thượng đã được trả tự do theo kiểu đổi địa chỉ nhưng không đổi sự quản chế. Hiện nay thì tình hình đã đổi sau vụ gặp gỡ Thủ Tướng, nhưng vẫn tiếp tục chỉ định Ngài cư trú ở Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, với cùng một lý do.

VNN: Như vậy, phải chăng đây là chính sách biến nhà Chùa thành nhà giam như Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, đã đề cập đến trong Thư Khẩn gửi từ Chùa Quảng Hương Già Lam ngày 28.3.03?

TT. Thích Viên Lý: Nghị Định 31/CP cho phép quản chế tại gia, tại Chùa, tại Nhà thờ... từ 6 tháng đến 2 năm bất cứ ai bị nghi ngờ, mà không thông qua tòa án. Trường hợp bị quản thúc nghiêm ngặt nội bất xuất ngoại bất nhập của Hòa Thượng Thích Quảng Độ ngay tại Thanh Minh Thiền Viện hiện nay không khác gì một nhà giam. Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ đã nói không sai, đó là chính sách biến nhà Chùa thành nhà giam. Chính vì vậy mà Quyết Nghị Quốc Hội Âu Châu 15.5.03 đã yêu sách Nhà cầm quyền Hà Nội hủy bỏ Nghị Định phi luật pháp này.

VNN: Cảm ơn Thượng Tọa. Ngày 20.3, Hòa Thượng Thích Huyền Quang đã gửi cho Thủ Tướng CSVN Phan Văn Khải một Yêu Sách 6 Điểm của GHPGVNTN. Xin Thượng Tọa cho biết, cho đến nay, nhà cầm quyền CSVN đã có những phản ứng như thế nào? Và theo Thượng Tọa thẩm định, họ sẽ đáp ứng Yêu Sách 6 Điểm trên của Giáo Hội ra sao?

TT. Thích Viên Lý: Không phải là từ ngày 20.3. 03, sau Yêu Sách 6 Điểm mà đã gần 30 năm qua, đặc biệt từ 1992, Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống đã gửi hàng chục văn thư khiếu nại về tình trạng đàn áp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất kể từ sau 1975. Nhưng cho đến nay chưa có một đáp ứng nào từ phía chính quyền và cũng chưa thẩm định được là họ sẽ đáp ứng như thế nào.

VNN: Ngày 29.5 vừa qua, Văn Phòng 2 Viện Hóa Đạo GHPGVNTN Hải Ngoại đã công bố Bản Lên Tiếng Trước Hiện Tình Phật Giáo Tại Việt Nam. Theo tin của Đài BBC vừa cho biết, Nhà cầm quyền CSVN đã quyết định tiếp tục quản thúc Hòa Thượng Thích Quảng Độ thêm ít nhất là 3 tháng nữa, kể từ ngày hết hạn quản thúc 1.6.03. Kính thưa Thượng Tọa, đây có phải là phản ứng của Nhà cầm quyền CSVN đối với Bản Lên Tiếng trên đây của Giáo Hội không hay vì lý do nào khác? Và sự kiện Hòa Thượng Thích Quảng Độ tiếp tục bị CSVN quản thúc như thế sẽ ảnh hưởng ra sao đối với GHPGVNTN trong tình hình mới hiện nay, kính thưa Thượng Tọa?

TT. Thích Viên Lý: Tôi không nghĩ Bản Lên Tiếng của Văn Phòng 2 Viện Hóa Đạo vào ngày 29 tháng 5 năm 2003 đã đưa đến việc CSVN quyết định tiếp tục quản thúc Hòa Thượng Thích Quảng Độ trong một thời gian hiện chưa biết chính xác dù mới đây Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao của Nhà nước CHXHCNVN, bà Phan Thúy Thanh đã tuyên bố là Hòa Thượng sẽ được tự do sớm; tuy nhiên, dẫu CSVN có quyết định thế nào thì những hành hoạt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất dưới sự lãnh đạo của Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Hòa Thượng Thích Quảng Độ cũng không bị ảnh hưởng ở mặt tôn chỉ và lập trường, tất nhiên nếu Hòa Thượng Thích Quảng Độ được tự do sớm thì đây là mong ước chung của toàn thể Phật Giáo đồ trong và ngoài nước.

VNN: Thượng Tọa có nghĩ rằng một khi Việt Nam có được tự do Tôn giáo thực sự đương nhiên có tự do chính trị không? Tại sao?

TT. Thích Viên Lý: Tự do Tôn giáo là một trong những quyền tự do căn bản của con người được Liên Hiệp Quốc đề cao và bảo đảm qua Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân sự và Chính trị và cũng là một trong những dấu chỉ căn bản cho thấy một đời sống tốt đẹp, vững mạnh của xã hội dân sự trong sinh hoạt quốc gia. Khi nào tự do Tôn giáo cùng những tự do căn bản này được tôn trọng thì mới tạo cơ sở cho Dân chủ thiết lập và ngược lại.

VNN: Thượng Tọa nhận định như thế nào về Nghị Quyết về Công Tác Tôn Giáo của Hội Nghị Lần Thứ 7 (Phần 2) của Ban Chấp hành Trung Ương Đảng CSVN, ban hành vào cuối tháng 2 vừa qua? Tại sao CSVN lại phải ban hành Nghị Quyết ấy vào lúc nầy? So với Nghị Định 261999 NĐ-CP ngày 19.4.1999, sự kềm siết Tôn giáo tại Việt Nam có gì thay đổi không? Nếu có thì như thế nào, kính thưa Thượng Tọa?

TT. Thích Viên Lý: Nghị Quyết này thắt chặt việc kiểm soát Tôn giáo kỹ càng hơn, dù rằng được che đậy khôn ngoan hơn. Cứ mỗi lần có một sắc luật, nghị định, chỉ thị, hướng dẫn mới về công tác Tôn giáo là thêm một lần thắt chặt việc kiểm soát hơn trước, dù rằng đáp ứng hơn với tình hình khách quan hay trước các yêu sách và áp lực quốc tế. Chỉ cần đọc kỹ một vài điều khoản như Điều 11, 15 và 20 chẳng hạn trong Nghị Quyết mới, ta sẽ thấy rõ những sự kiện như đã đề cập. Theo tôi sở dĩ Cộng sản ban hành Nghị Quyết ấy trong lúc này là vì họ quá lo sợ trước các nan đề về Tôn giáo, dân tộc thiểu số và đất đai.

VNN: Cảm ơn Thượng Tọa. Thượng Tọa nhận định như thế nào về triển vọng của cuộc đấu tranh vì Dân Tộc và Đạo Pháp của GHPGVNTN hiện nay? Những yếu tố nào để minh chứng điều ấy, kính thưa Thượng Tọa?

TT. Thích Viên Lý: Đấu tranh không nằm trong phạm trù phát triển, vì mục tiêu của đấu tranh là bảo vệ sự sống còn của dân tộc, đạo lý dân tộc và văn hóa truyền thống của dân tộc. Thủ Tướng Phan Văn Khải hội kiến với Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang vừa qua là một minh chứng hiệu quả của cuộc đấu tranh Phật Giáo từ trong ra đến ngoài nước đã tạo nên nguồn hậu thuẫn và ủng hộ của thế giới, khiến Đảng và Nhà nước XHCN không thể xem thường và phải xoa dịu bước đầu nhằm đánh lạc hướng dư luận thế giới. Tôi tin rằng, công cuộc đấu tranh chung vì Dân tộc và Đạo pháp cuối cùng chắc chắn sẽ mang lại sự thành công tốt đẹp vì hơn bất cứ lúc nào, xu thế Tự do, Dân chủ hóa hoàn cầu là xu thế hiện đang được toàn thể nhân loại và đại khối dân tộc đồng tâm đẩy mạnh ngoại trừ phần nhỏ những phần tử trục lợi vì danh.

VNN: Xin Thượng Tọa một câu hỏi cuối: Thượng Tọa còn điều gì muốn chia sẻ thêm cùng Quý độc giả của VNN nữa không?

TT. Thích Viên Lý: Điều tôi muốn nói ở đây là phải sống trong nền văn hóa dân tộc, đạo lý dân tộc, thì mới có thể tranh đấu bảo vệ dân tộc ấy. Nếu không sống và tranh đấu như thế, con người trở thành sản phẩm của ngoại bang hay ý thức hệ ngoại bang. Cũng cần nói thêm ở đây là, quốc nạn và pháp nạn là nghĩa vụ chung của mọi con dân, do vậy tích cực hoạt động nhằm mang lại Tự do, Dân chủ, phồn vinh cho tổ quốc và dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu mà dù ở trong hay ngoài nước đều cần phải quan tâm thực hiện. Tin rằng với nỗ lực không ngừng của mỗi chúng ta, tổ quốc và dân tộc Việt Nam sẽ sớm được Tự do, Dân chủ và giàu mạnh.
Chân thành cảm ơn nhà báo Võ Triều Sơn đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt này. Cầu nguyện Anh và bảo quyến vô lượng an lạc, phước huệ miên trường.

Võ Triều Sơn: Đại diện cho thông tấn VNN, con xin chân thành cảm tạ Thượng Tọa Tổng Thư Ký đã giành nhiều suy nghĩ và thì giờ quý báu cho VNN thực hiện cuộc phỏng vấn rất hữu ích nầy. Xin kính chúc Thượng Tọa dồi dào sức khoẻ và luôn được kiết tường trong Ơn Phật.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn