107. Kinh Lâm (I)[1]

31 Tháng Năm 201100:00(Xem: 41684)
Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo[2]:

“Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở. Hoặc không có chánh niệm sẽ được chánh niệm; tâm chưa định sẽ được định; nếu chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa diệt tận sẽ được diệt tận; chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì sẽ chứng đắc Niết-bàn. Điều người học đạo cần như áo, chăn, uống, ăn, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống, tìm cầu tất cả một cách dễ dàng, không khó khăn’.

“Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng này để ở, nếu không có chánh niệm vẫn không được chánh niệm, tâm chưa được định vẫn không được định, chưa giải thoát vẫn không được giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn vô thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo, chăn, uống, ăn, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống, tìm cầu tất cả một cách dễ dàng, không khó khăn, vị Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, ‘Ta xuất gia học đạo không phải vì áo chăn, không phải vì ăn uống, giường chõng, thuốc thang, cũng không phải vì các vật dụng cho đời sống. Nhưng ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm vẫn không được chánh niệm, tâm chưa định vẫn không được định, chưa giải thoát vẫn không được giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn. Nhưng những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.

“Tỳ-kheo ấy đã quán như vậy rồi, phải từ bỏ khu rừng này để đi nơi khác”.

“Tỳ-kheo nương vào một khu rừng[3] để ở. Vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm sẽ được chánh niệm, tâm chưa được định sẽ được định, chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.

“Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng để ở, hoặc không có chánh niệm liền được chánh niệm, tâm chưa định liền được định, chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách rất khó khăn, vị Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, ‘Ta xuất gia học đạo không phải vì áo chăn, không phải vì ăn uống, giường chõng, thuốc thang, cũng không phải vì vật dụng cho đời sống. Nhưng ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm thì liền được chánh niệm, tâm chưa định liền được định, chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách rất khó khăn’.

“Tỳ-kheo ấy đã quán như vậy rồi, phải ở lại khu rừng này”.

“Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm sẽ được chánh niệm, tâm chưa định sẽ được định, chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa hết sẽ được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì sẽ chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’. 

“Rồi vị Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm vẫn không có chánh niệm, tâm chưa được định tĩnh vẫn không được định tĩnh, nếu chưa được giải thoát vẫn không được giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách rất khó khăn. Vị Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, ‘Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm vẫn không được chánh niệm, tâm chưa được định tĩnh vẫn không được định tĩnh, nếu chưa giải thoát vẫn không được giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như: áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách khó khăn’.

“Tỳ-kheo quán như vậy rồi, phải lập tức từ bỏ khu rừng này ngay trong đêm mà đi, chớ có cùng người cáo biệt”.

“Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm liền được chánh niệm, tâm chưa định liền được định, chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Và những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.

“Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Đã nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm liền được chánh niệm, tâm chưa định liền được định, chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn. Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, ‘Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm liền được chánh niệm, tâm chưa định tĩnh liền được định tĩnh, nếu chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.

“Tỳ-kheo đã quán như vậy rồi phải nương vào khu rừng này để ở trọn đời cho đến lúc mạng chung.

“Cũng như các trường hợp nương vào khu rừng để ở, cũng vậy, giữa bãi tha ma, giữa thôn ấp hay sống với người khác”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
 

Chú thích

[1] Bản Hán, quyển 27. Tương đương Pāli, M.17. Vanapatthasuttaṃ.

[2] Pāli: vanapatthapariyāyaṃ dessāmi, Ta sẽ giảng “Pháp môn tòng lâm”.

[3] Đến một khu rừng khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2023(Xem: 859)
27 Tháng Chín 2022(Xem: 82925)
Lúc đầu, kinh điển Phật giáo gồm hai bộ chính là “kinh” (sutra) và “luật” (vinaya): “Kinh” ghi lại giáo lý của Đức Phật, “Luật” là những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho hàng tăng nhân tu hành tại các tự viện. Về sau này có thêm những lời chú giải về kinh và luật đó, và được gọi chung là “luận” (abhidharma), kết quả là có ba bộ sách gồm kinh, luật, và luận, tức là “Tam Tạng” (Tripitaka). Dần dần xuất hiện những dị biệt trong những lời giải thích về giáo lý của Đức Phật và giới luật của tự viện; và, điều đó gây ra sự phân rẽ trong cộng đồng Phật giáo, đưa tới sự phân chia thành hai bộ phái chính yếu đó là Thượng Tọa Bộ (Therevada) có tinh thần bảo thủ và Đại Chúng Bộ (mahasamghika) có tinh thần cấp tiến. Mỗi bộ phái có một bộ kinh điển riêng, được coi là chính thức bao gồm những quan điểm của mỗi phái.
16 Tháng Chín 2020(Xem: 5331)
20 Tháng Tám 2018(Xem: 7178)