218. Kinh A-na-luật-đà (I) [1]

31 Tháng Năm 201100:00(Xem: 42233)

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ các Tỳ-kheo vào lúc xế trưa từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật-đà[2] , cúi đầu đảnh lễ sát chân, rồi ngồi sang một bên, bạch rằng:

"Chúng tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho mới dám trình bày."

Tôn giả A-na-luật-đà nói:

"Chư Hiền, muốn hỏi xin cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ."

Khi ấy các Tỳ-kheo bèn bạch rằng:

"Làm thế nào một Tỳ-kheo chết an lành, mạng chung an lành?"

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

"Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền; đó gọi là Tỳ-kheo chết an lành, mạng chung an lành."

Các Tỳ-kheo lại hỏi:

"Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết an lành, mạng chung an lành chăng?"

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

"Chư Hiền, Tỳ-kheo không phải chỉ cùng đích như vậy là chết an lành mạng chung an lành. Lại nữa, này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo chứng đắc như ý túc về thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, lậu tận trí, lậu tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đó là Tỳ-kheo chết an lành, mạng chung an lành."

Các Tỳ-kheo lại hỏi:

"Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết an lành, mạng chung an lành chăng?"

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

"Chư Hiền, Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết được an lành, mạng chung được an lành."

Lúc bấy giờ các Tỳ-kheo nghe những điều Tôn giả A-na-luật-đà nói khéo ghi nhớ và thuộc kỹ xong, rời chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lạy sát chân Tôn giả A-na-luật-đà, đi quanh ba vòng rồi lui ra.

Tôn giả A-na-luật-đà thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả A-na-luật-đà thuyết, hoan hỷ phụng hành.


1.  Không có Pāli tương đương.

2.  Xem kinh 184, 185 trên, và nhiều kinh khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2023(Xem: 860)
27 Tháng Chín 2022(Xem: 82927)
Lúc đầu, kinh điển Phật giáo gồm hai bộ chính là “kinh” (sutra) và “luật” (vinaya): “Kinh” ghi lại giáo lý của Đức Phật, “Luật” là những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho hàng tăng nhân tu hành tại các tự viện. Về sau này có thêm những lời chú giải về kinh và luật đó, và được gọi chung là “luận” (abhidharma), kết quả là có ba bộ sách gồm kinh, luật, và luận, tức là “Tam Tạng” (Tripitaka). Dần dần xuất hiện những dị biệt trong những lời giải thích về giáo lý của Đức Phật và giới luật của tự viện; và, điều đó gây ra sự phân rẽ trong cộng đồng Phật giáo, đưa tới sự phân chia thành hai bộ phái chính yếu đó là Thượng Tọa Bộ (Therevada) có tinh thần bảo thủ và Đại Chúng Bộ (mahasamghika) có tinh thần cấp tiến. Mỗi bộ phái có một bộ kinh điển riêng, được coi là chính thức bao gồm những quan điểm của mỗi phái.
16 Tháng Chín 2020(Xem: 5332)
20 Tháng Tám 2018(Xem: 7181)