140. Kinh Chí Biên[1]

31 Tháng Năm 201100:00(Xem: 42770)
Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Trong sự nuôi sống, thấp kém nhất, cùng biên nhất, đó là đi khất thực. Thế gian rất húy kỵ, gọi là “đầu trọc, tay ôm bình bát bước đi.” Nhưng thiện nam tử ấy vì mục đích mà chấp nhận. Lý do vì sao? Vì nhàm tởm, ghê sợ sự sanh, già, bệnh, chết, sầu bi, khóc than, ưu khổ, áo não; hoặc để đạt đến biên tế của toàn vẹn khối lớn đau khổ này. Các ngươi há không phải với tâm như vậy mà xuất gia học đạo chăng?”

Các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Thật sự như vậy.”

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Người ngu si kia, với tâm như vậy mà xuất gia học đạo, nhưng lại sống theo tham dục, chìm đắm đến tận cùng, sự ô trược quấn chặt lấy tâm, ganh ghét, bất tín, lười biếng, mất chánh niệm, không chánh định, ác tuệ, tâm cuồng, rối loạn các căn, giữ giới hết sức lơ là, không tu Sa-môn, không phát triển rộng lớn.

“Cũng như người dùng mực để giặt những đồ bị mực dính dơ; lấy máu rửa máu, lấy dơ chùi dơ, lấy bẩn trừ bẩn, lấy phân trừ phân, chỉ tăng thêm ô uế mà thôi; bỏ chỗ mờ mịt để vào chỗ mờ mịt, bỏ chỗ tối tăm để vào chỗ tối tăm. Ta nói người ngu si kia giữ giới Sa-môn cũng lại như vậy, nghĩa là nó sống theo tham dục, chìm đắm đến tận cùng, sự ô trược quấn chặt lấy tâm, ganh ghét, bất tín, lười biếng, mất chánh niệm, không chánh định, ác tuệ, tâm cuồng, rối loạn các căn, giữ giới hết sức lơ là, không tu Sa-môn, không phát triển rộng lớn.

“Cũng như đống tro tàn giữa những que củi tàn thiêu xác người trong rừng vắng. Núi rừng không cần đến nó, thôn ấp cũng không dùng đến nó. Ta nói người ngu si giữ giới Sa-môn cũng lại như vậy, nghĩa là nó sống theo tham dục, chìm đắm đến tận cùng, sự ô trược quấn chặt lấy tâm, ganh ghét, bất tín, lười biếng, mất chánh niệm, không chánh định, ác tuệ, tâm cuồng, rối loạn các căn, giữ giới hết sức lơ là, không tu Sa-môn, không phát triển rộng lớn.”

Rồi Thế Tôn nói bài tụng:

Người ngu muội hỏng đời dục lạc,

Và hư luôn mục đích Sa-môn.

Đạo và tục cả hai đều mất,

Như tro tàn theo ngọn lửa tàn.

Như thể giữa khu rừng hoang vắng,

Xác người thiêu còn lại tro tàn;

Dù thôn ấp, núi rừng, vô dụng;

Người tham mê dục vọng không hơn.

Đạo và tục cả hai đều mất,

Như tro tàn theo ngọn lửa tàn.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

Chú thích

[1]Tham chiếu Pāli, It. 91. Jīvita; S. 22. 80 Piiḍo. Tham chiếu Hán, No.765 (2.32) Bản Sự Kinh, phẩm 2 kinh 32.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2023(Xem: 858)
27 Tháng Chín 2022(Xem: 82924)
Lúc đầu, kinh điển Phật giáo gồm hai bộ chính là “kinh” (sutra) và “luật” (vinaya): “Kinh” ghi lại giáo lý của Đức Phật, “Luật” là những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho hàng tăng nhân tu hành tại các tự viện. Về sau này có thêm những lời chú giải về kinh và luật đó, và được gọi chung là “luận” (abhidharma), kết quả là có ba bộ sách gồm kinh, luật, và luận, tức là “Tam Tạng” (Tripitaka). Dần dần xuất hiện những dị biệt trong những lời giải thích về giáo lý của Đức Phật và giới luật của tự viện; và, điều đó gây ra sự phân rẽ trong cộng đồng Phật giáo, đưa tới sự phân chia thành hai bộ phái chính yếu đó là Thượng Tọa Bộ (Therevada) có tinh thần bảo thủ và Đại Chúng Bộ (mahasamghika) có tinh thần cấp tiến. Mỗi bộ phái có một bộ kinh điển riêng, được coi là chính thức bao gồm những quan điểm của mỗi phái.
16 Tháng Chín 2020(Xem: 5331)
20 Tháng Tám 2018(Xem: 7176)