Tất cả chúng sanh lớn như loài người, nhỏ như các loài động vật đều có bổn phận để sanh tồn, như con người có bổn phận của con người, con kiến có bổn phận của con kiến, con ong có bổn phận của con ong, con chim, con sâu đều có bổn phận của con chim của con sâu..v..v.... Nguyễn Công Trứ thường ca ngợi về bổn phận của các loài động vật như : “Ta xem loài vật nhỏ, trong lòng ta tưởng mộ, ong kiến biết hợp đoàn, chim sâu còn luyến tổ, có nước không biết yêu, không bằng chim cùng sâu, có đoàn không biết hợp, ong kiến hơn ta nhiều..v..v.....” Các động vật thuộc loài hạ đẳng còn biết bổn phận đoàn kết và biết luyến tổ để sống còn để tồn tại thì huống hồ là loài người, nguyên vì các nhà hiền triết cho rằng loài người có trí khôn hơn loài vật. Cho nên vấn đề Bổn Phận là nguyên động lực lẽ sống của tất cả chúng sanh để hiện hữu và tồn tại trong cộng đồng duyên sanh của từng chủng loại.
II.- VẤN ĐỀ BỔN PHẬN :
A. Bổn Phận : Là những điều kiện mà nhiệm vụ của con người cần phải làm, như bổn phận làm cha, bổn phận làm mẹ, bổn phận làm con, bổn phận làm thầy, bổn phận làm trò..v..v....
Trong cộng đồng duyên sanh của xã hội loài người, mỗi người đều có bổn phận như nhau để thăng tiến cuộc đời và bổn phẩn đó của loài người tuỳ theo danh nghĩa tùy theo chức năng của họ mà định mức giá trị. Vị tổng thống thì có bổn phận của vị tổng thống, vị tỉnh trưởng thì có bổn phận của vị tỉnh trưởng, người công nhân thì có bổn phận của người công nhân..v..v...., Phật Tử xuất gia thì có bổn phận của Phật Tử xuất gia và Phật Tử tại gia thì có bổn phận của Phật Tử tại gia.
B. Phật tử : (Tiếng Phạn Budha-putra) là người tin thuận theo giáo pháp của Phật và thừa kế gia nghiệp của Phật, tức là người muốn thành Phật và có bổn phận làm cho hạt giống Bồ Đề của Phật được truyền thừa mãi trong nhân gian không cho mất. Theo Kinh Bồ Tát An Lạc Bản Nghiệp, quyển thượng giải thích: “Tất cả chúng sanh thuận theo Phật, nhớ nghĩ đến Phật, cũng có thể thành Phật nên gọi là Phật Tử.” Theo Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương Tiện và Kinh Phạm Võng, quyển hạ cho rằng: “Phật Tử là những tín đồ Phật Giáo thọ giới Bồ Tát Đại Thừa”.
C.- Phật tử Tại gia : (Tiếng Phạn Grha-pati, tiếng Pali là Gaha-pati), là thánh chúng tại gia của Phật Giáo. Giáo đoàn của Phật Giáo thời kỳ đức Phật còn tại thế ở Ấn Độ gồm có bốn chúng: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di. Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni là hai chúng xuất gia làm biểu tượng trang nghiêm cho giáo đoàn Phật Giáo và Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di là hai chúng tại gia nhập thế hổ trợ cho giáo đoàn hiện hữu và tồn tại trong thế gian. Phật tử tại gia đã là đệ tử của đức Phật, muốn trở thành những đứa con xứng đáng thì phải làm tròn bổn phận như sau:
1.- Phải đi theo con đường của Phật đã đi. Đức Phật là bậc đã hoàn toàn giác ngộ, đầy đủ năng lực phi phàm, trí tuệ siêu việt, đức hạnh viên mãn. Với ý nguyện cứu độ chúng sanh, ngài đã làm những việc mà chúng sanh không thể làm, ngài đã bỏ ngai vàng làm kẻ ăn xin, năm năm tầm sư học đạo, sáu năm tu khổ hạnh, bốn mươi chín ngày nhập định nơi cội cây Bồ Đề và nhờ những công hạnh này ngài trở thành bậc đại giác thế tôn. Từ đó suốt năm nươi năm ngài tuyên dương chánh pháp để cứu độ chúng sanh và vạch cho chúng sanh con đường giác ngộ và giải thoát. Chúng ta hãy nên đi theo con đường mà ngài đã vạch sẵn, đừng chạy theo những con đường nào mới lạ không qua sự kinh nghiệm của ngài để khỏi bị lầm đường lạc lối trước muôn nẻo ảo tưởng giả tạo được trang trí đầy hoa thơm cỏ lạ.
2.- Chúng ta phải làm theo những việc của Phật đã làm, phải làm theo những lời chỉ dạy của Phật, phải chứng thành đạo quả như Phật đã chứng. Để báo đáp công ơn sâu dầy và cao cả của đức Thế Tôn ra tay tế độ chúng sanh trong đó có chúng ta, Phật tử xuất gia cũng như Phật tử tại gia phải làm tròn những bổn phận nêu trên mà đức Phật đã trao truyền. Đối với những bổn phận nói trên, riêng Phật tử tại gia cần phải thể hiện những điều kiện cần thiết như dưới đây :
III.- BỔN PHẬN HỘ TRÌ PHẬT PHÁP :
Phật tử xuất gia phải có bổn phận hoằng truyền Phật Pháp thì Phật tử tại gia phải có bổn phận hộ trì Phật Pháp để cho tàng cây Bồ Đề của Phật che mát khắp thế gian, để cho hương thơm Bồ Đề của ngài lan tràn khắp thế giới và để cho tất cả chúng sanh nhờ ân đức của ngài gội nhuần mưa pháp tăng trưởng căn lành. Trong giáo đoàn truyền giáo của đức Phật thiết lập, hai chúng xuất gia và tại gia mặc dù nếp sống khác nhau, hành sử khác nhau, nhưng quan hệ chặt chẽ lẫn nhau và hổ trợ cho nhau trên con đường tu tập cũng như hoằng truyền chánh pháp.
Như Kinh Như Thị Ngữ 107 đã nói lên sự quan hệ giữa chúng xuất gia và chúng tại gia như sau : “Chúng xuất gia nhờ chúng tại gia giúp đỡ những đồ dùng như: quần áo, thức ăn, chỗ ở..v..v.... ; chúng tại gia nương chúng xuất gia mà tiếp nhận giáo pháp và phạm hạnh. Cả hai bên nương nhau tu hành theo chánh pháp.”
Trước khi ý niệm bổn phận của mình, chúng ta nên ôn lại những gương sáng ngời của các bậc tiền nhân đã đóng góp công trình hộ trì Phật Pháp vô cùng lớn lao mà lịch sử Phật Giáo ghi son đậm nét.
A.- NOI GƯƠNG CÁC BẬC TIỀN NHÂN :
Theo Lịch Sử Phật Giáo, những gương sáng của các bậc tiền nhân thuộc Phật tử tại gia đã đóng góp hết mình cho công cuộc truyền bá chánh Pháp đến được khắp chốn cùng nơi trên thế giới. Những điểm son đó được ghi lại danh tánh như sau:
1.- Tại Ấn Độ : Sau khi đức Phật Thích Ca Thành đạo nơi cội Bồ Đề, những Phật tử tại gia thuộc Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di hộ trì Phật Pháp giúp cho đức Phật truyền bá chánh pháp cứu độ chúng sanh. Phật tử Ưu Bà Tắc đầu tiên hộ trì Phật Pháp chính là vua Tần Bà Sa La, nước Ma Kiệt Đà, vua đã thành lập Tịnh Xá Trúc Lâm giúp cho đức Phật làm trung tâm truyền đạo cứu đời. Từ trung tâm này nhờ sự tận lực hổ trợ của Vua Tần Bà Sa La, đức Phật Thích Ca phát huy tư tưởng của mình đã chứng ngộ soi sáng và giải thoát mọi khổ đau cho chúng sanh.
Kế đến Phật tử Tu Đạt, biệt hiệu Cấp Cô Độc cũng thuộc Ưu Bà Tắc phát nguyện hộ trì Phật Pháp xây dựng một trung tâm thứ hai tên là Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên để hổ trợ đức Phật mở rộng chánh pháp tại nước Kiều Tát La (Kosala). Điều đặc biệt trong nước này, có tín nữ thuộc Ưu Bà Di tên là Mạt Lợi Phu Nhân ( Mallikà), biệt hiệu là Thắng Man Phu Nhân, vợ của vua Ba Tư Nặc (Pasenadi), bà phát nguyện tứ sự cúng dường cho đức Phật và chư Tăng thời bấy giờ. Hơn nữa một tín nữ khác không thua kém Mạt Lợi Phu Nhân tên là Visàkhà thuộc nước Ương Già Tộc ( Anga ) con nhà triệu phú Dhananjaya, bà phát bồ đề tâm trợ duyên cho đức Phật và Tăng Đoàn trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp cứu độ chúng sanh. Từ đó tư tưởng giác ngộ của đức Phật Thích Ca trong 50 mươi năm truyền bá nhờ các Phật tử tại gia nồng cốt tận tâm hổ trợ cho nên được soi sáng khắp cả vùng Trung Ấn. Điều đó được thấy trong các kinh, như Kinh Duy Ma Cật, Kinh Thắng Man, Kinh Hoa Nghiêm..v..v.... giới thiệu rất nhiều Phật tử nam nữ cư sĩ tại gia Bồ Tát hộ trì chánh pháp quang đại khắp nơi trên thế giới.
Cách 300 năm Phật Thích Ca nhập diệt trở về sau cũng có rất nhiều hàng Bồ Tát tại gia đứng ra truyền bá đạo giác ngộ của đức Thế Tôn. Điển hình như vua A Dục đứng ra tổ chức đại hội kiết tập kinh điển Phật Giáo lần thứ ba và thành lập tám phái đoàn truyền giáo các quốc gia trong và ngoài nước. Theo Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ của Hoà Thượng Thích Thanh Kiểm, trang 92- 93, những quốc gia mà tám phái đoàn đến truyền giáo gồm có: Hy Lạp, Ai Cập, Syria, Aparàntaka, Kamboja, Pulinda, Bhoja, Pitinika, Andhra, Cola, Pàndya, Tambapanni (Tích Lan). Sau khoảng 600 năm Phật nhập diệt, tức là khoảng thế kỷ thứ I Tây Lịch, vua Ca Nị Sắc Ca ( Kaniska) thuộc nước Tukhàra (Nhục Chi) sau khi thong nhất Ấn Độ tiếp tực sự nghiệp của A Dục Vương đứng ra tổ chức đại hội kiết tập kinh điển Phật Giáo lần thứ tư và hổ trợ các nhà truyền giáo mở rộng qua các nước như: Parthia ( An Tức thuộc Ba Tư), Kashgar (Sớ Lặc), Yarkand ( Xa Sa), Khotan (Vu Điền)..v..v.... gây ảnh hưởng đến Trung Quốc.
2.- Tại Trung Quốc : Những Phật tử tại gia trọng yếu trong sự hộ trì Phật Pháp qua các lãnh vực như : phiên dịch kinh luận, ấn hành kinh sách, tổ chức hội đoàn học Phật..v..v.... gồm có các vị: An Huyền, Chi Khiêm, Nhiếp Thừa Viễn, Tâm Thái, Bành Thiệu Thăng, Dương Văn Hội..v..v.... đã từng phát huy chân lý Phật Giáo sáng rực cả vòm trời Trung Quốc.
3.- Tại Nhật Bản : vị Phật tử tại gia đầu tiên hộ trì Phật Pháp là Thái tử Thánh Đức cùng hoàng thất, quý tộc nổ lực đưa Phật Giáo phát triển mọi mặt như: kiến trúc, mỹ thuật, văn học..v..v.... và truyền mãi đến ngài nay.
4.- Tại Việt Nam : những Phật tử tại gia có công không nhỏ hộ trì Phật Pháp trong sự nghiệp truyền thừa Phật Giáo Việt Nam gồm có :
a.- Theo Đạo Phật Và Dòng Sử Việt trang 20-21 của Hoà Thượng Thích Đức Nhuận, vào khoảng năm 435 Trước Tây Lịch kỷ nguyên, Phật tử đầu tiên mang Phật Giáo từ Ấn Độ vào Việt Nam gieo giống Bồ Đề nơi mảnh đất quê hương làm chất liệu sống và ý nghĩa sự sống cho con Lạc cháu Hồng chính là Phò Mã Chữ Đồng Tử và Công Chúa Tiên Dung Mỵ Nương cháu của Hùng Vương đời thứ ba. Kế đến vào khoảng thế kỷ thứ IX TL, Đinh Tiên Hoàng Đế là vị vua hộ trì Phật Pháp đắc lực yểm trợ Thiền sư Ngô Chân Lưu hết mình phát huy chánh pháp bằng cách tổ chức hệ thống Tăng Cang và thừa nhận đạo Phật là quốc giáo của toàn dân. Kế đến triều đại đời Lý (1010- 1225) , suốt 215 năm, các vua chúa, cũng như các quần thần thi đua xây dựng chùa tháp, tổ chức đạo tràng khắp nơi giúp cho các tu sĩ xuất gia giảng kinh thuyết pháp, hoằng hoá chúng sanh. Có thể nói, trong 215 năm của triều đại nhà Lý, Phật Giáo Việt Nam lại càng được phát triển lớn mạnh vào đời sống xã hội, mở mang khắp cả quốc gia và tô bồi nền văn hoá Việt Tộc sáng ngời đến tuyệt đỉnh vinh quang. Từ đó về sau, có rất nhiều Phật tử tại gia lỗi lạc tiếp nối gương tốt của tiền nhân hộ trì Phật Pháp hổ trợ tu sĩ đem mạch sống pháp nhũ vào đời biến thành nền đạo của tổ tiên ông bà.
b.- Đến năm 1930 trong giai đoạn phục hưng Phật Giáo Việt Nam, các Phật tử tại gia lỗi lạc xuất hiện như: Thiều Chửu, Nguyễn Hữu Kha ở Bắc Việt, Tâm Minh Lê Đình Thám, Chơn An Lê Văn Định ở Trung Việt, Bác sĩ Nguyễn Văn Khoẻ, Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Bác sĩ Lê Văn Cầm..v..v... ở Nam Việt. Những vị này đã đóng góp rất lớn công đức trong sự nghiệp làm sống dậy và sáng ngời tinh thần Phật Giáo dân tộc.
B.- BỔN PHẬN ĐỐI VỚI TỰ THÂN :
Phật tử tại gia muốn hộ trì Phật pháp trước hết tự thân phải hộ trì tự giác, nghĩa là phải hộ trì những pháp để tiêu diệt Kiến Hoặc và Tư Hoặc. Những pháp để tiêu diệt Kiến Hoặc và Tư Hoặc của Tự giác gồm có:
1.- Đối với tự thân :
a.- Phải hộ trì pháp Tam Quy, nghĩa là phải hành ba pháp quy y cho thuần
thục. Phải ý thức mình và chư Phật đồng một Phật Tánh sáng suốt, đồng một pháp tánh từ bi bình đẳng, đồng một thể tánh thanh tịnh hoà hợp.
b.- Phải hộ trì Ngũ Giới cho thuần thục, để thể hiện được giới đức vuông tròn chỉ đạo cho cuộc sống làm người đầy đủ ý nghĩa nhân cách. Nguyên vì Ngũ Giới là pháp hành nhằm đào luyện nhân cách và phẩm hạnh của con người trên phương diện tự giác với mục đích hoá giải những mầm mống bất thiện đã nằm sẵn trong tâm thức của mỗi con người.
c.- Phải hộ trì Thập Thiện cho thuần thục để giới thân huệ mạng viên thành và tạo nên đạo lực sung mãn đủ sức hoá giải tất cả phiền não của Kiến Hoặc và Tư Hoặc trong tâm thức của mình. Thập Thiện cũng là pháp hành ngoài sự hoá giải những mầm mống bất thiện trong tâm thức con người và còn bồi dưỡng giới thân huệ mạng đã lãnh thọ cho được nẩy nở trưởng thành.
d.- Phải chuyên cần hộ trì Bát Quan Trai Giới được tinh nghiêm để thiết lập con đường giác ngộ và giải thoát nối liền cõi Niết Bàn tịch tịnh của chư Phật an trụ nhằm mục đích giúp cho tâm linh của mình quan hệ đến với chư Phật trên cuộc hành trình chứng đắc.
Đây là những pháp căn bản của Phật tử tại gia cần phải tu tập để làm hành trang cho sự tự giác và chỉ đạo chúng sanh trong nhiệm vụ giác tha.
2.- Đối với vợ chồng :
Về mặt hình thức, gia đình là một đơn vị của xã hội và nhiều gia đình hợp lại thành xã hội. Cho nên xã hội có được sự an lạc hay không chính là do tất cả gia đình tạo nên và muốn cải thiện xã hội trước hết, chúng ta phải nhắm vào đơn vị gia đình để tu chỉnh. Còn gia đình là một xã hội nhỏ bao gồm chồng vợ con cái sống chung và quan hệ với nhau. Gia đình có được hạnh phúc hay không chính là do chồng vợ con cái có được hoà hợp thật sự hay không. Gia đình không được hạnh phúc chính là do cá nhân của mỗi người trong gia đình tạo nên. Muốn gia đình được hạnh phúc chân thật, trước hết mỗi người trong gia đình đó phải có tinh thần tự giác và chính họ phải ý thức bổn phận trong sự sống chung.
Về mặt tâm linh, gia đình là đơn vị biểu tượng đạo đức của dòng họ của tông môn. Dòng họ tông môn có được hiển vinh hay không chính là do gia đình đó có đạo đức hay không. Để tô bồi nền đạo đức làm người, vợ chồng trong gia đình phải có những bổn phận như sau :
a.-
Phải kính trọng lẫn nhau,
b.-
Phải áp dụng Pháp Lục Hoà trong việc sống chung,
c.-
Phải hoà hợp trong việc xây dựng gia nghiệp,
d.-
Phải kính trọng cha mẹ hai bên, không có cha mẹ hai bên thì
không có
vợ
chồng để mình thương yêu.
e.- Phải nhớ công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, không có cha mẹ thì không có mình và cha mẹ không hy sinh cá nhân thì mình không thể trưởng thành và đứng vững trong xã hội.
g.- Về tinh thần phải thấy mình quan hệ bảy đời với cha mẹ và dòng họ, nguyên vì cha mẹ bảy đời chỉ quá vãng về thân thể vật chất mà không phải quá vãng về tâm linh và còn quan hệ gần xa với con cháu về lãnh vực tâm linh này.
h.- Phai tế tự chu toàn khi cha mẹ qua đời để đền ơn một phần nào công sanh thành dưỡng dục của cha mẹ như núi Thái Sơn, như nước trong nguồn.
C.- Bổn phận đối với Phật sự :
Nhằm diệt trừ Trần Sa Hoặc của chúng sanh và Vô Minh Hoặc của ba cõi về phương diện giác tha, hàng Phật tử tại gia phải có bổn phận cắt đứt mọi sự ràng buộc phiền não qua sự quan hệ với cộng đồng nhân loại và thoát ly mọi sự mê hoặc của vô minh qua nguyên lý trùng trùng duyên khởi trong ba cõi với phương thức (mượn chúng sanh để diệt chúng sanh tâm). Để cắt đứt mọi sự quan hệ của phiền não và thoát ly mọi sự mê hoặc của vô minh, hàng Phật tử tại gia phải thực hiện những điều kiện sau đây làm hành trang trên đường tu tập:
1.- Phải hộ trì An Cư, nghĩa là chúng xuất gia có tổ chức đạo tràng an cư bất cứ ở đâu, chúng Phật Tử tại gia phải có bổn phận đến đó góp phần công đức đóng góp vào pháp an cư cho được hoàn mãn. Nên biết rằng, đạo tràng An Cư càng được duy trì thì mạng mạch của Như Lai càng được trường tồn trong thế gian.
2.- Phải hộ trì cơ sở Tổ Chức: Những cơ sở tổ chức , như Chùa Chiền, Niệm Phật Đường..v..v.... là những trung tâm do các bậc Tăng Già xuất gia đứng ra thành lập với mục đích phát huy chánh pháp phục vụ chúng sanh để báo đền ân đức của Phật. Chúng Phật tử tại gia phải hết lòng hộ trì bằng cách đến những nơi đó góp phần công đức chia xẻ Phật sự cùng với các bậc tôn túc Tăng Già.
3.- Phải vận động quần chúng ý thức trách nhiệm của mình là con của Phật và hướng dẫn họ tham gia vào các tổ chức Phật giáo để cùng nhau đắp xây ngôi nhà chánh pháp của Như Lai càng thêm huy hoàng, đồng thời khuyến khích họ hưởng ứng vào các đoàn thể Phật học chuyên nghiệp để phát huy đạo pháp theo sở trường ngành nghề, nhờ sở trường ngành nghề sự tu học của họ mới được tiến triển và đạo nghiệp của họ mới được viên thành.
4.- Phải hộ giáo, nghĩa là chỗ nào có thiết lập đạo tràng thuyết pháp do các bậc cao Tăng thạc đức đảm trách, phải vận động quần chúng cùng nhau đến đó nghe pháp để trí tuệ được khai thông trên lãnh vực văn huệ; tuy nhiên chúng ta mặc dù đã thông bác giáo lý, nhưng cũng phải tham gia đến nghe giảng pháp và sự nghe giảng pháp của chúng ta với nhiệm vụ là hộ trì Phật Pháp để khuyến khích những người mới bước chân vào đạo tăng thêm tín tâm. Những điều kiện nói trên cũng là phương pháp độ tha của hạnh Bồ Tát.
D.- Bổn phận đối với Phật sự hải ngoại :
Sau biến cố năm 1975, Phật tử Việt Nam vượt biên ra nước ngoài đi tìm tự do và đã được định cư khắp nơi trên thế giới. Nhưng các quốc gia mà Phật tử Việt Nam định cư không cùng một loại văn hoá và đạo đức với dân tộc Việt Nam cũng như với Phật Giáo Việt Nam. Cho nên dân tộc Việt Nam nẩy nở và phát triển trên những mảnh đất mới khác văn hoá khác đạo đức thì nhất định sẽ bị biến thái cũng giống như những loài hoa nhiệt đới được gieo trồng trên những mảnh đất hàn đới, dù có chăm sóc kỹ lưỡng đi nữa cũng khó khăn trong việc trưởng thành. Ý thức được những thực trạng nói trên, các bậc tôn túc Tăng Già tâm huyết kêu gọi các Phật tử tại gia khắp nơi vì tiền đồ đạo pháp và dân tộc ở xứ người, hợp tác nhau lại góp phần xây dựng nền móng văn hoá và đạo đức làm người để con cháu nương tựa trưởng thành trong sự hạnh phúc an vui chân thật. Mỗi chủng tộc đều có một tôn giáo để hổ trợ tinh thần cho chủng tộc đó, như chủng tộc Do Thái thì có tôn giáo của Do Thái, chủng tộc Mormon thì có tôn giáo của Mormon, chủng tộc Tây Tạng thì có tôn giáo của Tây Tạng..v..v....., chủng tộc Việt Nam thì cũng phải có tôn giáo của Việt Nam mà trong đây Phật Giáo chính là một trong những tôn giáo của chủng tộc Việt Nam. Điều đáng chú ý, người Tây Tạng cũng tỵ nạn như chúng ta, nhưng họ biết đưa chủng tộc và tôn giáo của họ hiển vinh tuyệt đỉnh mà các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến họ. Còn chúng ta vì thiếu sự kết hợp nhất trí cho nên không tạo được thế đứng như người Tây Tạng. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ Văn Phòng II Viện Hoá Đạo mong mõi các Phật tử tại gia khắp nơi trên thế giới ý thức trách nhiệm của mình cố gắng hợp tác cùng với Giáo Hội góp phần xây dựng đạo pháp và dân tộc để chuyên chở giống nòi trưởng thành và tồn tại muôn đời trên những mảnh đất tự do quê hương mới lập. Sự họp tác này của quý Phật tử tại gia hải ngoại chính là nghĩa cữ vô cùng trọng đại trên con đường phụng sự đạo pháp và dân tộc nơi xứ người.
IV.- KẾT LUẬN :
Những bổn phận vừa trình bày ở trước không phải của hàng Phật tử xuất gia hành sử mà những bổn phận đây chỉ dành riêng cho hàng Phật tử tại gia hộ trì. Những pháp hành về bổn phận đây không những lợi ích trên phương diện tự giác giác tha, tự độ độ tha mà còn đánh giá được tinh thần vị tha cứu đời của người con Phật. Muốn mình xứng đáng là đệ tử chân chánh của Phật, muốn gia đình của mình được hạnh phúc thực sự, muốn cho đạo hạnh của mình được vuông tròn, hàng Phật tử tại gia phải trải qua sự hành sử thuần thục những bổn phận căn bản nói trên. Nhất là tất cả cộng đồng Việt Nam hải ngoại hiện đang sống trong những nơi xứ sở hoàn toàn khác văn hoá, khác đạo đức, thì nhất định cần phải xây dựng đạo đức dân tộc làm nền tảng tâm linh cho giống nòi nương tựa. Tục ngữ có câu (Hoa thơm nhờ nhụy, người có giá trị nhờ đạo đức). Con người được may mắn là nhờ có đạo đức và đạo đức nếu như ra đi thì con người bị tai hoạ, đạo đức không có hình tướng cho nên không thể nắm bắt, nó đến với con người lúc nào không biết và ra đi lúc nào con người cũng không hay, nhưng có một điều là đạo đức được phát sanh từ nơi những bổn phận căn bản của con người. Hàng Phật tử tại gia, nhất là những Phật tử hải ngoại đã chọn đức Phật làm cha lành, đã chọn giáo lý của đức Phật làm lẽ sống cho nên phải có bổn phận phát huy chánh pháp phụng sự quần sanh trước hết là báo đáp công ơn sâu dầy của đức Phật và sau là tạo dựng đạo đức cho con cháu nương nhờ. Để hoàn thành nghĩa vụ cao cả của con Phật ở xứ người, toàn thể Phật tử tại gia hải ngoại phải nhất trí dấn thân, phải hết mình đoàn kết trong lãnh vực hộ trì Phật Pháp và nếu được như thế chí nguyện mới viên thành. [Một cây làm chẳng nên non, ba cây dụm lại nên hòn núi cao], cầu mong toàn thể Phật tử tại gia gần xa hãy quan tâm đến những điều tâm sự này với ý niệm thiết tha đạo pháp.
Ngày 17.4.2003THÍCH THẮNG HOAN