Nền Tảng Ban Đầu

03 Tháng Ba 201400:00(Xem: 8760)


NẾN TẢNG BAN ĐẦU
Thầy Tâm Hạnh

thich_tam_hanhTháng bảy, mưa ngâu. Chúng tôi đến Thường Chiếu gặp lúc cơn mưa chiều vừa ập tới. Thoáng thấy lần đầu mà cảm giác như đã thân quen. Sung sướng, hân hoan vì đã được đến một nơi hằng lâu từng mơ ước. Nhưng không thiếu những bồn chồn, lo sợ bởi không biết mình có đủ phúc duyên được ở lại nơi này?

Và rồi, cơn mưa cũng tạnh, đất trời sáng trong và mát hẳn ra. Chúng tôi được thầy Tri khách hướng dẫn lên đảnh lễ Hòa thượng Viện trưởng cùng quý thầy trong Ban lãnh đạo để trình xin sở nguyện của mình. Được quý ngài chấp thuận, trong tôi bỗng như thoát xác, tâm thái hân hoan, vui sướng lạ thường!

Vừa tốt nghiệp xong Phổ Thông Trung Học, nhưng thân hình ốm nhom khoảng 35 ký, quý thầy thường gọi tôi là “nhóc”. Lúc này Thường Chiếu đã tương đối khá hơn trước rồi, nhưng vẫn còn nghèo và khó khăn nhiều mặt lắm. Nhà lá, chùa tôn, mặc áo vá, cơm không đủ ăn, thức ăn toàn là bí đỏ xào và một ít đậu tương hột kho mặn đắng. Hôm nào có phật tử ở xa đến cúng dường trai tăng thì bữa ăn mới có được một ít đậu hủ khìa sả ớt, tô canh chua, hay mỗi thầy một gói mì chay vào buổi sáng. Cày sâu cuốc bẩm, làm ruộng, cuốc rẫy, làm vườn. Mỗi ngày lao tác hai buổi, nhưng đời sống tu hành của các thiền sinh nơi đây phấn khởi và có sức sống mãnh liệt. Huynh đệ thương yêu đùm bọc, sớt cơm chia áo và đặc biệt là ai nấy đều ham học, ham tu. Nghe pháp đến đâu, thấm tận tâm can đến đấy. Hễ đi ngang qua nơi nào có mở băng giảng của Hòa thượng tôn sư, dù bận rộn đến đâu cũng tranh thủ ngồi lại nghe một đoạn rồi mới đành lòng tiếp tục đi làm công việc. Ngoài thời khóa chung, có rất nhiều thầy tự ngồi thiền thêm vào những thời gian hiếm hoi tranh thủ được.

Chúng tôi được Hòa thượng tôn sư và quý thầy nhận vào cho phép xuất gia tu học đúng dịp Thiền viện bắt đầu mở khóa đào tạo căn bản. Những bài kinh vở lòng, những oai nghi phép tắc cơ bản, học Hán tự... cho đến những bộ kinh Nguyên thủy, Đại thừa, Thiền sử, Ngữ lục..., mỗi mỗi đều được Hòa thượng và quý thầy tận tâm giảng dạy một cách thấu đáo. Quý ngài luôn hun đúc, sách tấn. Tất cả khiến cho trong mỗi thiền sinh trỗi dậy một tinh thần thiết tha tu học hăng hái vô cùng, không hề biết mệt mỏi. Chỉ mới ba năm như thế thôi, nhưng các thiền sinh tự nhận thấy mình được trưởng thành rất nhiều. Từ Kinh, Luật, Thiền cho đến kinh nghiệm trong công phu đều nhận chân rõ rệt. Ngẫm lại mới thấy, được đào tạo căn bản, kỹ lưỡng, chu đáo và chuyên nghiệp cho một người tu trong thời gian đầu mới vào chùa thật rất quan trọng. Một tâm hồn ngây dại trong chân trời giác ngộ. Sự trong trắng tinh khôi trong nếp nghĩ, cách nhìn. Một tấm lòng sẵn sàng đón nhận, học hỏi, tu hành, hạ thủ công phu mãnh liệt..., nếu được nuôi dạy căn bản, chu đáo, tất cả sẽ hình thành nên một bậc pháp khí sau này. Điều đó Hòa thượng tôn sư và quý thầy Lãnh đạo nơi đây đã vận dụng, uốn nắn thiền sinh chúng tôi trở thành những người hữu ích hiện tại. Không kể đến các bậc có căn khí đặc biệt, những người mới phát tâm tu hành, nếu buổi đầu vàng son ấy không gặp được bậc Thiện tri thức tận tâm nuôi dạy thì những sự trong trắng, thiết tha ban sơ kia sẽ bị chai lì theo thời gian, những điều căn bản nhất không có được, về sau có nỗ lực đến đâu cũng khó bề tiến bộ sâu hơn trên con đường khám phá, giác ngộ bản tâm, khó hình thành được phong cách của một con người có đạo lý chân thật. Đây sẽ là kim chỉ nam muôn đời không thể đổi khác.

Chiều chiều Sư phụ Trụ trì thường xuống các tăng đường. Nếu thấy có người tọa thiền hay ngồi học thì Ngài rất vui, tôn trọng và Ngài đi thật nhẹ nhàng sợ làm động niệm đại chúng. Nhưng nếu gặp chú nào lang thang lửng thửng một cách vô bổ thì Ngài gọi lại chỉ cho một vài công việc để cột con ngựa hoang đang dong ruỗi, nhốt chú khỉ leo cây chuyền cành. Cứ mỗi sáng và chiều, Hòa thượng tôn sư đi quanh viện một vòng để xem xét đời sống tu học của huynh đệ chúng tôi. Có lần thấy hạt điều rơi xuống đất, Ngài lấy gậy khoanh tròn làm dấu. Đến chiều vẫn chưa thấy ai nhặt, Ngài gọi thầy Tri viên đến hỏi: “Hồi sáng mấy chú có đi làm vườn không?” Thầy Tri viên thưa: “Bạch thầy, có.” Ngài chỉ hạt điều đã được vẽ khoanh tròn và bảo: “Sao hạt điều này vẫn còn nằm nguyên đây chưa được nhặt?” Chúng ta thường hốt được cả đống hạt điều một cách nhẹ nhàng, nhưng với một hạt điều thì xem thường, bỏ rơi, quên nhặt. Với những việc lớn mọi người thường tươm tất, còn việc nhỏ thì lại xem thường nên bị sơ suất, sai lầm đưa đến thất bại, khổ đau. Từ việc lớn làm Phật làm Tổ, cho đến những việc nhỏ như cuốc rẫy, làm ruộng, chăm vườn, phơi áo, bửa củi, nấu cơm..., hết thảy đều được Ngài chăm chút, dạy bảo chu đáo như thế. Ngoài những thời khóa tu học được Hòa thượng tôn sư đặc biệt đào tạo, huynh đệ chúng tôi còn học được rất nhiều từ đời sống thường nhật của Ngài và quý thầy. Cách đi đứng, nói năng, lúc nghiêm trang hay nói cười hoan hỷ, đến cả lúc lắng nghe, cách xử lý công việc..., tất cả đều đặc biệt, ấn tượng, in sâu vào tâm khảm để hình thành nên mỗi con người thiền sinh chúng tôi tự lúc nào chẳng rõ.

Cứ đến bốn giờ chiều là mọi người bắt đầu dỏi mắt nhìn về phía nhà mát Tây đường. Thoáng thấy bóng áo vàng với chiếc nón lá rộng vành, trên tay cây gậy trúc là chúng tôi rủ nhau đến đó để được Hòa thượng tôn sư truyền năng lượng bằng những câu chuyện thiền vắn tắt. Có lần Ngài nói:

- Tôi nghe mấy chú thưa với tôi: “Chúng con nghe thầy giảng dạy nhắc đến chơn tâm, phật tánh, bồ đề, niết bàn mãi mà không có điều gì khác lạ hơn.” Tôi khẳng định rằng: “Nếu có một cái gì đó vượt lên trên ‘điều kia’ thì chúng đều là những thứ huyễn hóa, không thật.”

Nét thanh thoát nhẹ nhàng vừa nói vừa cười một cách hoan hỷ nhưng đầy cả quyết của Ngài đã khiến một thiền sinh sơ cơ như tôi tâm can thình lình chấn động, bất chợt lạc an, tin sâu tánh phật, vững bước tiến tu, tận đến mấy mươi năm sau rồi mà vẫn còn in đó, nhớ mãi mồn một như ngày đầu mới được nghe vậy. Tuy chưa thành Phật thành Tổ, nhưng đây sẽ là một vị Phật đi suốt trong tôi từ kiếp này sang kiếp khác, đánh thức, thôi thúc, dẫn đường, chỉ bảo để tu hành cho đến ngày viên thành Phật đạo. Đó là điều trọng yếu của buổi đầu mà Hòa thượng Tôn sư mong mỏi thiền sinh nơi đây cần phải đạt được.

Nơi Chân Huệ Thiền Tự ở Trung Hoa, tại cửa vào nơi thờ Lục tổ có đề hai chữ “tông phong”; cửa vào nơi thờ ngài Thần Tú giáo thọ sư thì ghi “tổ đức”. Nếu không khéo học đạo, thoạt nhìn thoáng qua chúng ta thường có khái niệm phân hai. Thường cảm phục Lục tổ Huệ Năng với tông phong bình dị mà siêu nhiên, cao vút; thường nhìn ngài Thần Tú với một bậc giáo nghĩa uyên áo, khuôn phép chu viên. Tại Thiền viện Thường Chiếu này, trải qua quá trình tu học, chúng tôi nhận ra nơi đây có điều đặc biệt. Hòa thượng tôn sư và quý thầy đã hướng dẫn, chỉ dạy, rèn luyện thiền sinh chúng tôi thật tròn đủ. Tâm tông sáng tỏ ngay mỗi hành động làm ruộng, bửa củi, mặc áo, ăn cơm. Giáo nghĩa, phép tắc, quy củ, oai nghi đều được vẹn toàn, mọi việc trôi tròn mà chưa từng rời tâm thể. Lý sự viên dung, thể dụng trong nhau, không có mảy may xen hở, phân hai cách biệt. Ngay thể tánh lóng lặng mà diệu dụng vô bờ. Muôn ngàn công việc đến đều tùy thời tùy duyên làm lợi ích, nào có chạm đến được tâm thể trong lặng, sáng ngời kia! Ngay muôn thứ vô vàn kia mà vẫn lặng sáng trong ngần, không động. Xanh ra xanh, vàng ra vàng, rõ ràng không nhầm lẫn, nào có mảy may bị xanh vàng đỏ trắng khuấy động bao giờ! Cuộc đời của Hòa thượng tôn sư và quý thầy nơi đây là những tập sách sống động, sâu xa, vô vàn những điều hay, chúng tôi học mãi cũng không bao giờ hết được. Nay viết ra đây một vài ấn tượng thuở sống thiền sinh nơi này để tỏ bày tấc lòng cảm bội niệm ơn sâu sắc trên Hòa thượng tôn sư và quý thầy đã dày công nuôi dạy cho huynh đệ chúng tôi từng bước trưởng thành, cũng là đôi điều sẻ chia cùng chư vị pháp hữu có duyên. Muốn thấy rõ hơn, mời quý vị mạnh dạng một phen đến trong đây để chính mình cảm nhận thấu đáo hơn nhé.

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười Một 2018(Xem: 7016)
23 Tháng Ba 2018(Xem: 6014)
18 Tháng Mười Một 2016(Xem: 7213)
24 Tháng Năm 2016(Xem: 7411)
Tôi muốn lý giải về 10 lời nguyện này. Trong kinh hoa nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử trên con đừờng tìm Đạo gặp gỡ và tu tập qua 53 vị thày (biểu tượng 53 bước tu tập để thành Phật bằng con đường Bồ tát Đạo) Trãi qua tất cả từ những vị thày từ nhửng kỹ nữ ăn chơi tới những Bồ tát lớn nhât Vị thày đầu tiên là Văn Thù Bồ Tát , tượng trưng cho Căn bản trí- là cái trí căn bản nằm tiển ẩn trong mọi chúng sanh nhưng không hiển lộ vì bị ngăn che bởi nhửng nghiệp lực..Vị thày thứ 53 sau cùng là Phổ Hiền Bồ Tát (tượng trưng cho hậu đắc trí là cái trí hiểu và ứng dụng được căn bản trí để có thể độ được chúng sanh-ý niệm từ Duy thức học). Sự thể hiện của hậu đắc trí có thể cảm nghiệm từ lục độ bước qua thập độ- Lục độ là bố thí, trì giới,nhẫn nhục,tinh tấn,thiền định và trí huệ. Bước qua thập độ thêm phương tiện , nguyện , lực,trí…Ta thấy lục đệ lục độ là trí mà thập đệ thập độ cũng là trí.Nhưng sự khác nhau là giữa căn bản trí và hậu đắc trí.
28 Tháng Tư 2016(Xem: 6913)
Tỳ-kheo có một nghĩa là bố ma, làm cho ma phải khiếp sợ. Ma chướng trong đường tu rất nhiều, bên trong và bên ngoài, thường gọi là nội ma ngoại chướng. Nhưng kỳ thực, có người tu không làm cho ma khiếp sợ mà ngược lại sợ ma, đi theo và làm quyến thuộc của ma. Nghĩa là bên trong không hàng phục được phiền não, bên ngoài không qua được chướng ngại. Thời Phật tại thế, Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đa là một điển hình.
23 Tháng Ba 2016(Xem: 7114)
Không phải ngẫu nhiên mà Đức Phật xem việc gần gũi vua quan là nạn, và mạnh mẽ cảnh tỉnh chúng Tăng: “Gần gũi bậc vua chúa vương gia có mười việc phi pháp”. Phi pháp ở đây là không phù hợp với Chánh pháp, không giúp ích cho việc thành tựu mục tiêu phạm hạnh và giải thoát của hàng xuất gia.
22 Tháng Ba 2016(Xem: 7214)
Người xuất gia mang trên mình pháp tướng đầu tròn, áo vuông, nguyện hủy hình để khác biệt với thế thường, sống đời thoát tục. Chưa nói đến tâm giải thoát hay tuệ giải thoát vốn ẩn tàng, sâu kín bên trong, hãy xem các hình thức bên ngoài như uy nghi và ứng xử trong đời sống hàng ngày thì phần nào cũng biết được công phu của hàng xuất sĩ.
20 Tháng Giêng 2016(Xem: 7835)
Thường thì khi chưa thành tựu về một điều gì chúng ta cảm thấy không vui. Nhưng khi đã toại nguyện, đã có những gì mong ước thì cũng chỉ vui được một thoáng rồi qua nhanh. Thực chất thì chưa được hay đã được đều có nỗi khổ riêng, vì cái tâm mong muốn của con người dường như không có điểm dừng.
13 Tháng Giêng 2016(Xem: 8043)
Ai cũng biết xuất gia tu hành đúng Chánh pháp thì gieo trồng được nhiều công đức, phước báo. Nhưng thực tiễn thì không phải ai cũng được xuất gia, nên Thế Tôn mới trợ duyên cho hàng Phật tử tại gia phát tâm xuất gia gieo duyên, có thời hạn, ít nhất là một ngày đêm tập sự xuất gia như tu Bát quan trai chẳng hạn.