PHẬT GIÁO VÀ THẦN THÔNG Đại sư Tinh Vân - Phước Tâm dịch Thần thông là sức mạnh bất khả tư nghì vượt trên thường thức và thể năng, do tu tập thiền định và trí tuệ mà có được. Phật giáo có nói đến sáu hình thức thần thông: 1, Thiên nhãn thông; 2, Thiên nhĩ thông; 3, Tha tâm thông; 4, Thần túc thông; 5, Túc mệnh thông; và 6, Lậu tận thông. Muốn đạt được trọn vẹn các thần thông này thì hành giả phải tu trì theo con đường của Phật. Lục thần thông lấy tuệ làm gốc. Với ngũ thần thông (chưa đạt đến Lậu tận thông) thì chỉ cần nương vào tu tập Tứ thiền là có được. Ngoại đạo cũng có thể tập luyện để có đủ ngũ thông, nhưng với Lậu tận thông thì chỉ có thánh giả Phật giáo mới có thể đến được. Thần thông còn có các cấp độ, tầng thứ. Sách Đại thừa nghĩa chương chia thần thông làm bốn loại: Báo thông, Dược thông, Chú thông và Tu thông; Sách Tông kính lục thì phân thần thông thành năm loại: Đạo thông, Thần thông, Y thông, Báo thông và Yêu thông. Tầng thứ của thần thông phức tạp, chủng loại lại bất nhất, vốn không phải là con đường cứu cánh giải thoát nhân sinh. Tuy vậy, so với Phật pháp thuần khiết thì thần thông có thể đáp ứng lòng mong mỏi hay thỏa mãn tâm lý hiếu kỳ của con người bình thường; vì vậy chư Bồ-tát có lúc coi thần thông như là pháp môn phương tiện hoằng hóa độ sinh. Chẳng hạn, lúc Phật giáo mới truyền vào Trung Quốc dưới thời Đông Hán, các ngài Ca-diếp- ma-đằng và Trúc-pháp-lan đã hiển thần thông để truyền pháp. Có lúc để mang niềm hy vọng đến cho chúng sinh đang chịu khổ nạn mà hiển thần thông, như sự thị hiện của Bồ-tát Quan Thế Âm, giải cứu chúng sinh khổ nạn. Có lúc dùng thần thông cứu giúp tình cảnh khốn đốn của nhân dân trong thời loạn lạc, như Phật Đồ Trừng vì muốn cứu giúp bách tánh, mà phải chịu đau đớn như nhục hình để cảm hóa Thạch Lặc, Thạch Hỗ tàn bạo hiếu sát, khiến cho bọn họ phục nể mà buông bỏ đồ đao. Mặc dù như thế, thần thông cuối cùng cũng chỉ là một trong tám vạn bốn ngàn pháp môn của Phật giáo, là phương tiện nhất thời, vốn không phải Phật pháp rốt ráo. Như trường hợp vị đệ tử của Phật là Tôn giả Tân- đầu-lô-phả-la-đọa dùng thần thông để “lấy lòng mọi người”, nhưng gặp phải chướng đạo, không được vào Niết-bàn, là một ví dụ. Thần thông cũng không phải vạn năng, có lúc thần thông không thắng được nghiệp lực; nghiệp lực mới là sức mạnh lớn nhất thế gian, bởi vì thần thông cũng không thể đi ngược lại nhân quả, cho nên dù Tôn giả Mục-kiền-liên là bậc đệ nhất thần thông, cá nhân Ngài cũng không có cách nào cứu vãn mẫu thân thoát ly nỗi thống khổ trong địa ngục. Lại nữa, muốn cầu chứng thần thông, cần có đủ bốn điều kiện dưới đây, mới không đến nỗi sa vào ngã rẽ sai lầm của thần thông: Thứ hai, trú với tịnh giới: Đã tu dưỡng giữ gìn giới cấm, lấy giới luật ràng buộc thân tâm của mình, thì sẽ không ỷ vào thần thông mà làm ẩu làm càn, bởi vì chỉ ở trong tịnh giới mới biết được nên lấy (thủ) hay nên bỏ (xả). Thứ ba, hành với nhẫn nại: Nếu không có công lực nhẫn nại, sẽ cứ động một tí là triển hiện thần thông, dẫn đến làm hại người mà hại cả mình. Thứ tư, sử dụng với trí tuệ: Thần thông không thể loại trừ những trói buộc phiền não căn bản; kẻ không có trí tuệ mà có thần thông thì chỉ càng làm tăng thêm phiền não cho chính mình; cho nên chính việc thể hội được chân lý của Phật pháp trong đời sống bình thường, tịnh hóa được ba nghiệp, hành xử bằng đạo đức, mới thật là thần thông chân chính. Sự lưu truyền của Phật pháp trong thế gian thường nương vào chân lý, không ở thần thông. Lúc Đức Phật trú ở thế gian, toàn bộ sinh hoạt của Ngài vốn không khác với người bình thường; kinh Kim Cang đã ghi nhận tỉ mỉ về đời sống hàng ngày của Ngài. Đức Phật lấy từ bi, trí tuệ, đạo đức, nhân cách để giáo hóa và khuyên răn chúng sinh; Ngài không dùng thần thông mê hoặc Thực ra, ý nghĩa của thần thông vốn không nhất định là để chỉ các pháp thuật biến hóa thần bí. Hết thảy sự việc bốn bề xung quanh chúng ta đang diễn ra hàng ngày, như sự xoay vần của bốn mùa, sự chuyển đổi của ngày đêm, hoa nở hoa tàn, trăng tròn trăng khuyết, cho đến thế giới kỳ diệu được trình hiện trong đời sống của các loài động thực vật, đều vô cùng kỳ diệu; uống trà giải khát, ăn cơm đủ no, người giỏi bơi lội nổi trôi trên mặt nước, kẻ khéo đạp xe giữ cân bằng một cách tự nhiên thoải mái… có thể nói tất cả những điều này đều là thần thông. Thần thông là những tích lũy kinh nghiệm của con người, là biểu trưng của trí tuệ, là sự vận dụng siêu thường của năng lực; vì vậy, nên biết người tu hành chẳng mấy quan tâm đến có hay không có thần thông; điều quyết định nằm ở chỗ bồi dưỡng nhân cách đạo đức, ở chỗ chứng ngộ trí tuệ Bát-nhã thể hiện lý Không. Phật giáo nhân gian khởi xướng việc giữ gìn năm giới, thực hành mười điều thiện. Hành giả có thể nghiêm cẩn trì giới tức là đã có nền móng để bồi dưỡng thiền định thậm thâm, đã có công phu thiền định và trí tuệ có thể hiển phát; khi ấy có thể hiểu rõ đạo đức là kho báu vô tận; nếu đạo đức không viên mãn thì thần thông cũng không thể thành tựu. Cho nên có thể nói, lấy đạo đức cảm hóa con người thì quan trọng hơn nhiều so với thần thông.■ Nguồn: “Phật giáo & Thế tục” (佛 教‧世俗) trong bộ sách Phật học giáo khoa thư (佛學教 科書) của Tinh Vân (星 雲?), NXB. Từ Thư Thượng Hải xuất bản, năm 2008. • (TC. Văn Hóa Phật Giáo 159) |