Đẩy thuyền và lật thuyền

16 Tháng Giêng 201515:20(Xem: 7057)

ĐẨY THUYỀN VÀ LẬT THUYỀN

Nguyên Cẩn

Nhận diện quốc nạn?

blankNếu như người ta phải tổ chức bầu chọn vất vả tốn kém và gây tranh cãi mới xác định được quốc hoa hay quốc phục thì ngày nay khi nói đến quốc nạn hay quốc nhục, ai ai cũng có thể chỉ ngay đó là… tình trạng tham nhũng đang hoành hành đến mức bất trị. Các đại biểu Quốc hội đều có chung nhận xét là chưa bao giờ từ “tham nhũng” lại có tần số xuất hiện nhiều như bây giờ, từ vỉa hè quán xá đến trường học nhà thương, ở ngoài đường phố hay trong công sở… Tham nhũng đã thách thức Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; hiển nhiên là thách thức sự kiên nhẫn và sức chịu đựng của công dân; xói mòn tình cảm, niềm tin của nhân dân về khả năng lãnh đạo của chính quyền.

Tại phiên thảo luận về phòng chống tham nhũng sáng ngày 1-11-2012, một đại biểu thuộc đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu, ông Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, đã lên tiếng kêu gọi tuyên chiến với tham nhũng.

Sự phẫn nộ của các vị đại biểu cũng chính là tâm tư bức bối của người dân đối với quốc nạn này. Nếu lãng phí trong việc chi ngân sách lấy từ tiền thuế là bòn rút tiền thu được từ mồ hôi xương máu của nhân dân, thì việc chi lấy từ tiền bán rẻ tài nguyên quốc gia lại là ăn mòn vào của để dành mà lẽ ra các thế hệ con cháu chúng ta phải được hưởng. Sự phung phí ngân sách đã quá đáng đến độ cam kết tăng lương dẫu chỉ 100.000 đồng hàng tháng cho mỗi công chức cũng không thực hiện được. Người ta ước tính số tiền thất thoát chỉ riêng vụ Vinashin cũng đủ xây 214.000 phòng học.

 Đam mê quyền lực

Vì sao tham nhũng lại có đất sinh sôi phát triển như vậy? Người ta phải trở lại “bản năng gốc” của con người, trước hết là sự “đam mê quyền lực” và sau đó là dục vọng cá nhân. Một trong những người khai sáng ra nền dân chủ Hoa Kỳ là Alexander Hamilton đã cảnh giác về sự đam mê không giới hạn ấy khi phát biểu, Tại sao chính quyền  được thành lập? Bởi vì đam mê của con người sẽ không tuân theo tiếng gọi của lý trí và công lý nếu không có sự kiềm chế”. Như vậy, một trong những nhiệm vụ của chính quyền là kiềm chế lòng đam mê của con người. Nhưng khi lòng đam mê ấy lại là hạt mầm được gieo trồng trên cánh đồng quyền lực và được nuôi dưỡng bởi “cơ chế” hay sự lỏng lẻo của hệ thống giám sát, được hưởng sự chăm bón của “nhóm lợi ích”, của “phe cánh” thì quyền lực lại nuôi dưỡng quyền lực, sẽ bám rễ sâu, leo nhanh, vươn cao và hút cạn dưỡng chất – là sức chịu đựng của dân – với một tốc độ khó tưởng tượng. Người ta cũng đã nghe quá nhiều cụm từ “chạy chức, chạy quyền”, đã thấy xuất hiện một thị trường mua bán quyền lực; và khi phải mua thì người ta phải nghĩ đến hoàn vốn, thu lợi…, bên cạnh đó là lối tư duy cục bộ, tư duy nhiệm kỳ khiến người ta chỉ nhắm mắt vơ vét, bất chấp hậu quả… Đó là lý do của những dự án “chỉ định thầu” dù không được phép, đó là nguồn gốc của “sân sau” của “công ty gia tộc”… Ngoài ra, còn một hình thức khác là “tham nhũng chính sách”, một hình thức tham nhũng vô cùng nguy hiểm. Loại tham nhũng này dựa trên những cơ sở của pháp luật, xuất phát từ vai trò chủ trì soạn thảo pháp luật, dựa trên cơ sở hợp pháp nên tinh vi hơn mà tác hại lại càng ghê gớm hơn. Về điều này, vị đại biểu thuộc đoàn Thái Nguyên là bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nhắc tới một công thức có tính ẩn dụ đã được quốc tế công nhận, rằng tham nhũng (TN) thì bằng với tình trạng độc quyền (ĐQ) cộng với sự bưng bít thông tin (BB) rồi trừ đi trách nhiệm giải trình (GT), hay: TN = ĐQ + BB – GT; và cho rằng“Hạn chế việc tiếp cận, công khai kết luận thanh tra như trong vụ Vinalines ảnh hưởng lớn đến việc chống tham nhũng”.

 Biện pháp cải lương

Khi nói về việc chống tham nhũng, vị đại biểu thuộc đoàn Quảng Nam là ông Phạm Trường Dân, đương kim Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: “Chúng tôi thấy rằng khi phát hiện vụ tham nhũng thì thường bị tác động từ các cấp lãnh đạo cũng như chỉ huy, làm cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác điều tra thấy khó xử lý trong quá trình điều tra”.

Trong khi đó, một vị đại biểu thuộc đoàn Trà Vinh là bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các  vấn đề xã hội, bình luận: Khi bị phát hiện, người tham nhũng có ba chạy: chạy án từ có tội thành không tội, chạy tội từ tội nặng thành tội nhẹ, và chạy tù từ tù ngồi thành tù treo”.

Những phát biểu trên minh họa một thực tế là hệ thống luật pháp vừa muốn trừng trị kẻ có tội tham những, đồng thời lại vừa muốn lấy những đặc điểm như nhân thân, thành tích quá khứ của bị cáo ra để châm chước giảm tội, cho hưởng án treo. Vì thế, không thể nói tòa sai khi xử nhiều án treo; vì nếu cả 100 bị cáo tham nhũng trước đây đều có công hay xuất thân từ gia đình “tốt”, thì tòa cũng có thể cho hưởng án treo đủ cả 100. Như vậy, có thể nói chính việc áp dụng luật pháp không đồng đều cho mọi đối tượng đã cản trở việc chống tham nhũng. Vì thế, vấn đề là cần xem xét lại những quy định về các điều kiện để được hưởng án treo đối với tội phạm tham nhũng. Nói đến tham nhũng, người ta thường nghĩ và nói nhiều đến hành vi đưa và nhận hối lộ. Nhưng khi đã cho rằng tham nhũng là quốc nạn thì lại phải có giải pháp tương ứng để tăng hiệu quả phòng chống. Xử lý người nhận hối lộ, đồng thời cũng xử lý cả người đưa hối lộ tức là chặn cả hai đầu. Như thế thì khi một người tố giác hành vi nhận hối lộ đồng nghĩa người ấy tự tố cáo chính mình, tròng đầu mình vào vòng “tố tụng” … Thực tế đã từng có nhà báo bị dính “bẫy” này khi tìm cách chứng minh người khác phạm tội. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng trong điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn nhưng tội phạm tham nhũng vẫn phức tạp, tinh vi, nhân dân kêu ca, oán trách. Trung ương cũng kết luận phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu”. Vì sao ư ? Vì tham nhũng biến hóa như Phạm Nhan và có nhiều gương mặt. Theo một số đại biểu, tham nhũng ngày càng khó phát hiện bởi mang gương mặt của kẻ “ba liên”. Đó là liên doanh trong nội bộ, liên thông từ dưới lên trên và đặc biệt là liên kết với nhau chặt chẽ. Khi bị phát hiện, họ cũng dễ dàng thoát án do thực hiện “ba chạy”, là chạy án, chạy tội, chạy tù.

Nhiều nhà làm luật đã yêu cầu phải thực hiện cho được bốn chống:

1. chống bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, bao biện, trù dập;
2. chống đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, xin cho, bắt tay, móc nối;
3. chống chạy thành tích, chạy chức, chạy dự án, chạy trách nhiệm, “được thì ưu điểm thuộc về tôi; sai trái, khuyết điểm thuộc về chúng ta”; và
4. chống để tội phạm trốn ngoài vòng pháp luật do lộ thông tin.

Về việc “đánh” tham nhũng, đại biểu Trần Đình Nhã đề nghị “… đã đến lúc phải thay đổi cách đánh và cả người đánh. Về cách đánh, phải như đánh tội xâm phạm an ninh quốc gia, đánh một tên gián điệp, một kẻ nội gián, một kẻ khủng bố. Đánh tham nhũng phải đánh từ ngoài vào, đánh từ trên xuống… Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy cơ quan điều tra cấp tỉnh vất vả, thậm chí bất lực thế nào khi điều tra các tội tham nhũng của quan chức cấp tỉnh”. Đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội quyết định thành lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm tham nhũng, một loại cơ quan độc lập do Quốc hội lập ra, báo cáo công tác trước Quốc hội. Cơ quan này tập trung vào việc tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác về tội phạm tham nhũng, khởi tố điều tra, truy tố ra tòa án những người phạm tội tham nhũng. Ngoài ra, đại biểu Hà Nội đề xuất đưa chế định hồi tố vào luật để xử lý những trường hợp cán bộ chưa bị phát hiện hoặc đã phát hiện có hành vi tham nhũng nhưng vì lý do để bảo đảm ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia hoặc lý do đặc biệt khác mà chưa thể xử lý người đó. Vì hành vi tham nhũng diễn ra khi họ còn đang đương chức nên việc hồi tố sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý để mọi đối tượng tham nhũng đều bị xử lý một cách nghiêm minh như kinh nghiệm nhiều nước đã áp dụng.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến thuộc đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu nêu quan điểm cho rằng không cần sửa đổi bất cứ luật nào, chỉ cần thực hiện trách nhiệm quản lý một cách nghiêm túc thì “… sẽ không có hàng chục con tàu cũ được mua về. Nếu giám sát tốt, sẽ không có bê tông cốt tre, sẽ không có những con đường, công trình vừa làm xong đã  hỏng. Không cần sửa đổi bất cứ luật nào nếu người đứng đầu nghiêm túc thì cấp dưới không dám nhũng nhiễu…”.

Theo nhận định của nhiều người, Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành đã tương đối tốt. Vấn đề là mọi quy định của luật đều thực hiện không nghiêm túc, rất hình thức và thiếu giám sát, kiểm tra.

 Làm hề thì khỏi làm quan…

Bổ sung cho lý do nhân thân, nhiều bị cáo tham nhũng còn được châm chước vì lý do thiếu năng lực quản lý. Điều này làm người ta nhớ đến chú hề Hoạn trong vở kịch Bài ca giữ nước của nhà viết kịch hiện đại Việt Nam, Tào Mạt (1930-1993). Hề Hoạn được vua Lý Thánh Tông thương, muốn phong ông ta làm ‘vua hề’ nhưng ông ta từ chối, cho rằng một mình nhà vua không thể phong một ‘vua hề’ vì diễn trò có hay thì dân mới phong là ‘vua hề’. Còn nếu vua phong cho một chức quan thì “được phần áo mũ, mất phần thảnh thơi”. Vả lại, “làm quan thì phải coi việc, hề thì phải làm trò, vừa làm quan vừa làm hề mà không phải bậc đại tài thì quan dở, hề nhạt”. Cách từ chối của hề Hoạn hết sức chuyên nghiệp, rằng việc gì mình giỏi thì hãy làm, đừng vì ai yêu cầu mà ngồi nhầm ghế. Đấy là chuyện Việt Nam ngày xưa. Còn ngày nay, chẳng những đang ngồi rất đúng cái ghế của mình, nhưng chỉ nhầm lẫn trong ứng xử cũng đủ khiến một viên tướng cảm thấy cần phải từ chức. Đó là trường hợp tướng David Petraeus, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Hoa Kỳ đã làm đơn xin từ nhiệm khi bị phát giác có một mối quan hệ ngoài hôn nhân, mặc dù ông đã từng đảm nhiệm các cương vị khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới, có đóng góp ở cả những mặt trận khốc liệt như Trung Đông. Thì ra, xưa cũng như nay, những người tự trọng luôn biết đến chính danh định phận.

 Khi lòng tham làm lật thuyền?

Theo Montesquieu trong Tinh thần Pháp luật (L’Esprit des Lois) thì bất kỳ ở đâu có quyền lực đều xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, vì thế, nhà nước phải thiết lập pháp chế nhằm giới hạn quyền lực.

Đưa ra những nguyên tắc kiểm soát quyền lực có lẽ chưa đủ để thực thi việc chống tình trạng lạm quyền  này. Người ta cần đi xa hơn trong việc xây dựng các thể chế cụ thể để kiểm soát quyền lực, như chế độ bỏ phiếu bất tín nhiệm, chế độ điều trần của các ban chuyên môn của Quốc hội, việc đảm bảo sự độc lập của các tòa án. Những nhà lập hiến cũng đã nhìn ra những lỗ hổng của pháp chế nên trong Tờ trình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, họ đã đề cập: “Cần sửa đồi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng và bảo vệ đất nước, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế’.

Cũng có người đề nghị cần giáo dục cán bộ tiết chế lòng tham (?), trau giồi tư đức bằng những lớp tập huấn, bằng công việc thực tế… Nhưng dù bằng cách nào đi nữa, nếu không cải tạo môi trường“ô nhiễm”bấy lâu, không có những thiết chế vững vàng, không có sự nghiêm minh của luật pháp… thì việc “phòng chống” hay có người nói “tiêu diệt” tham nhũng vẫn chỉ nửa vời bất chấp việc kê khai tài sản, quản lý thu nhập… hay kiểu gì đi nữa thì cũng không hiệu quả. Mà như vậy, quốc nạn sẽ trở thành “đại nguy”. Đại nguy ở chỗ tham nhũng đang thách thức sự kiên nhẫn và lòng bao dung của nhân dân. Một khi dân đã không còn sức chịu dựng được nữa thì cực kỳ nguy hiểm. Nói như đại biểu Trần Đình Nhã: “Nghị quyết của Đảng nói rằng tham nhũng đang thách thức sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước. Tôi muốn nói thêm là tham nhũng cũng đang thách thức Quốc hội, nguy hiểm hơn là thách thức sự chịu đựng của nhân dân”.

Trong đợt tiếp xúc cử tri TP.HCM ngày 17.10 vừa qua, ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước, đã nhắc lại lời nói bất hủ của Nguyễn Trãi: Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Tất nhiên, người dân không thể và không bao giờ dại dột lật thuyền nếu lèo lái con thuyền ấy là những người lãnh đạo dù lớn dù nhỏ đều là những người đức độ, trong sáng và tận tụy lo toan cho họ. Chính những kẻ không biết giới hạn lòng tham từ quyền lực đến của cải mới làm lật thuyền vì đi ngược hướng gió “lòng dân”, ngọn gió đấy luôn tiềm ẩn những sức mạnh phi thường có thể đẩy thuyền lao vút về những chân trời rực rỡ nhưng cũng sẵn sàng nhấn chìm những con thuyền chứa đầy dục vọng cá nhân.

 Phật giáo nói gì về trị nước?

Người lãnh đạo lý tưởng trong giáo lý nhà Phật là một vị Chuyển luân vương (Cakkavatti), đủ tài năng, đức độ trị nước đúng theo Chánh pháp, đem lại hạnh phúc cho toàn dân. Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Tu Hành (Trường A-hàm số 6) và kinh Luân Chuyển Luân Thánh Vương (Trường Bộ kinh III, ĐTK Việt Nam) cho thấy rằng nhà vua dùng Chánh pháp trị dân tạo nên hòa bình, thịnh trị, an lạc, hùng cường; là điều kiện để  phát triển mạnh cả về quốc phòng, an ninh, về tổ chức kinh tế, tài chính, và cả về văn hóa, xã hội, đạo đức…

Thế nào là trị dân theo pháp? Đức Phật dạy:

Nhà vua phải y theo Chánh pháp, trọng pháp, kính pháp, suy nghĩ về pháp, tôn vinh pháp, ca tụng pháp, dựng phướn pháp, cờ pháp, y vào pháp mà bảo hộ các thể nữ, quần thần,quân nhân Sát-đế-lợi, cưsĩ, làngxóm, thànhthị, Sa-môn, Bà-la-môn cho đến chim chóc, thú vật, cây rừng”. Trong Nikaya Jataka (Kinh Bổn sanh) I, II, III và V, Đức Phật có nhắc đến 10 đức tính (tức 10 bổn phận) của một vị vua như sau:

  1. Quảng đại, từ ái;
  2. Giữ gìn giới đức: không giết hại, không bóc lột, không cướp của, không gian dâm, không dối trá, không rượu chè;
  3. Vì hạnh phúc của nhân dân, sẵn sàng hi sinh lợi lạc, danh vọng và cuộc đời mình vì nhân dân;
  4. Liêm chính, thành thực, thể hiện nghiêm túc nhiệm vụ của mình;
  5. Dịu dàng, hòa ái;
  6. Nghiêm chỉnh, đúng đắn, sống giản dị, không xa hoa, biết chế ngự mình;
  7. Không ganh ghét, thù hận;
  8. Không sử dụng bạo lực;
  9. Vị tha, kiên nhẫn, thông cảm với người;
  10. Không khắc nghiệt, hòa hợp với nhân dân.

Người lãnh đạo phải là gương mẫu; mà điều đòi hỏi cao nhất là đức. Đức mới là cái gốc; tất nhiên phải kèm theo cái tài phụ cho cái đức ấy. Theo Sớ giải kinh Pháp Cú (Dhammapadatthakathà), ngài Buddhaghosa ghi nhận rằng Đức Phật có lưu ý đến vấn đề tổ chức một nền hành chánh nhân đạo. Đức Thế Tôn chỉ ra rằng cả một xứ bị suy vong, đốn mạt và khốn khổ khi những người nắm vận mạng quốc gia như vua chúa, quần thần, quan lại quá đỗi tham tàn và bất công. Muốn cho xứ sở được thanh bình thạnh trị thì những người cầm quyền phải công minh, chánh trực. Với trí tuệ và lòng từ vô hạn, Đức Phật hiểu rất rõ vấn đề này nên mỗi khi nói chuyện với các vị quốc vương về chính sự, Ngài thường khuyên họ phải trau dồi tư đức. Người đời sau cũng kế thừa lời dạy ấy và nhấn mạnh rằng Tôn trọng Chánh pháp là tôn trọng sự thật, tôn trọng sự sống và tôn trọng giá trị con người (HT.Thích Minh Châu). Con thuyền đất nước đang đi lên, vượt qua vòng xoáy. Các nhà lãnh đạo phải luôn nhớ rằng bến bờ của nó là sự phát triển kinh tế và xã hội, luôn hướng về hạnh phúc toàn dân với tính cách là những người chủ thực sự của đất nước. Từ nhìn nhận vấn đề đến hành động thực tế luôn là một khoảng cách, nhưng vượt qua khoảng cách ấy nhanh hay chậm là trách nhiệm của mỗi người đang có mặt trên con thuyền, với sự quyết tâm cao nhất là từ phía những người lãnh đạo, những ai thực lòng muốn xây dựng một đất nước an bình, thịnh trị và… trong sạch. (TC. Văn Hóa Phật Giáo)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn