QUÁN ĐỈNH MẬT TẬP KIM CƯƠNG Những giáo pháp mở đầu Ngày 10 tháng 12 năm 2015 Hunsur, Karnataka, Ấn Độ, 09 Tháng 12 năm 2015 – Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm chính điện học viện Mật thừa Gyumey lúc 12 giờ trưa. Ngài đỉnh lễ tôn tượng, bảo tòa, tới chào các Lama, Ganden Tri Rinpoche, ngài Sakya Dagtri, Sharpa Chöjey, Jangtse Chöjey và Ling Rinpoche, và các trụ trì, các trụ trì trước đây và an tọa trên bảo tòa. Sau khi tán tụng những câu kệ đỉnh lễ Đức Phật, Bài kệ tán 17 bậc Đạo sư của truyền thống Nalanda và ngài Jetsun Sherab Sengey, bậc thầy sáng lập trường Đại học. Ngài bắt đầu chia sẻ giáo pháp với đại chúng: "Ngày nay, thế giới đang tăng trưởng mạnh mẽ về vật chất. Nhưng Tây Tạng vẫn còn trong tình trạng hỗn loạn. Phần lớn chúng ta đang phải sống ở nước ngoài, nhưng chúng ta không chỉ duy trì được đời sống mà vẫn có thể trì giữ truyền thống của mình. Truyền thống này bao gồm văn hóa và trí tuệ của các đạo sư Nalanda, có thể được minh xác thông qua Lô-gic và lý trí. Ba trung tâm tu học vĩ đại- Sera, Drepung và Ganden - Gyumey và Học viện Gyutö và Tashi Lhunpo là những nơi đã trì giữ truyền thống này. "Rất nhiều người đã mất từ sau sự kiện năm 1959 tới nay, trong số đó có những bậc thầy được truyền cảm hứng của truyền thống Nalanda, các ngài đã nuôi dạy, truyền trao giáo pháp cho thế hệ sau. Trong quá khứ, khi bậc đạo sư Je Tsongkhapa đặt câu hỏi các môn đệ, ai sẽ là người trì giữ giáo pháp của ngài, đặc biệt là Tantra Mật Tập Kim Cương, ngài Jetsun Sherab Sengey đã phát nguyện trì giữ giáo pháp này. "Ngày hôm nay, tại nơi đây, tôi sẽ chia sẻ pháp thoại và truyền trao quán đỉnh Mật Tập Kim Cương (Guhyasamaja). Mật Tập Kim Cương là vua của các Phụ tục Tantra. Bản chất của tantra là hợp nhất và thành tựu tam thân của một vị Phật. Hợp nhất ở đây có nghĩa hợp nhất thân và tâm. Mật Tập Kim Cương bao gồm những luận giải đặc biệt về bằng cách nào có thể hợp nhất ba trạng thái chết, trung gian và tái sinh trên cùng một đạo lộ. Ngài Long Thọ, Thánh Thiên (Aryadeva) và Nguyệt Xứng (Chandrakirti) đều có những luận giảng về Mật Tập Kim Cương và trong số 18 bộ luận của đạo sư Je Tsongkhapa thì có tới 5 bộ luận giảng về giáo pháp này. Nếu không có Học viện Mật thừa, giáo pháp Mật Tập Kim Cương sẽ không thể được tri giữ tới tận ngày nay. Tôi xin được tri ân tất cả những ai đã nỗ lực để chúng ta có được cơ hội ân hưởng giáo pháp này ngày hôm nay.” Ngài nhắc tới giáo pháp Các giai tầng của Đạo lộ giải thoát mà ngài đang truyền trao theo lời thỉnh cầu của Ling Rinpoche, và dạy rằng ngài sẽ kết thúc giáo pháp này lần này tại Tashi Lhunpo. Ngài dạy rằng Tashi Lhunpo được biết tới là trung tâm tu học cao cấp về logic và tri thức luận; và Gendun Drup cũng vậy. Ngài dạy rằng sau khi thụ nhận quán đỉnh Mật Tập Kim Cương từ Ling Rinpoche, ngài đã hoàn thành pháp thực hành giai đoạn phát triển hàng ngày. Bởi Je Rinpoche đòi hỏi giáo pháp này một cách rất nghiêm ngặt, nên điều quan trọng là phải nỗ lực đào sâu năm giai đoạn của đạo lộ trong mình. Bởi vậy những người thụ nhận giáo pháp ngày hôm nay nên thực hành nghi quỹ này hàng ngày và nếu có thể cần phải nhập thất. Cách thức thực hành phổ biến là trì tụng nhưng như Khedrup Rinpoche đã dạy nếu có thể nên thực hành nghi quỹ này trong thiền quán tĩnh lặng sẽ tốt hơn. Ngài chia sẻ rằng bản thân mình đã thực hành như vậy bất cứ khi nào có thời gian. Ling Rinpoche đã thực hành rất nhiều lần một cách rất kỹ càng, đặc biệt khi có những ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài. Để thực hành nghi quỹ này đòi hỏi phải được rèn luyện những pháp tu phổ thông như thức tỉnh Bồ đề tâm và thấu hiểu tính không. Ngài thông báo rằng ngài sẽ luận giải bộ Xưng Tán Duyên Khởi và Viên Mãn Định Mệnh. Ngài dặn kỹ, nếu quý vị bị chi phối bởi tám món bận tâm thế tục thì điều đó có nghĩa là mình không thực hành Pháp và nếu không nuôi dưỡng Bồ đề tâm thì pháp thực hành của quý vị không phải là giáo pháp Đại thừa. "Trước khi chia sẻ giáo pháp, tôi thường luận giải một số nền tảng như là những điểm nhập môn. Trong số hàng ngàn thính chúng đang vân tập nơi đây, có tới hơn 9000 ngàn người đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới. Chúng ta thường phát nguyện: “Nguyện hết thảy chúng sinh đều được an lạc và nhân an lạc”. Ngài Tịch Thiên dạy rằng: “Những ai không ban trải niềm an lạc của chính mình xoa dịu nỗi khổ đau của chúng sinh, thì chắc chắn không thể đạt tới quả vị Phật. Bởi bằng cách nào họ có thể tìm được niềm an lạc trong biển khổ luân hồi? Trong khi đó, trên thế giới ngày nay, nhiều xung đột, tranh đấu, tàn sát lẫn nhau chỉ vì sự khác biệt tôn giáo. Tất cả chúng ta đều là con người, giống như nhau chúng ta đều mong cầu hạnh phúc và muốn tránh khổ đau.Vậy thì tại sao chúng ta lại mang khổ đau cho người khác? Bằng cách nào chúng ta có thể mang lại niềm an lạc cho người? Ở phương diện này, lời cầu nguyện: “Nguyện hết thảy chúng sinh mẹ đều được ân hưởng hạnh phúc”, rất cần thiết. "Chúng ta cần làm những điều lợi lạc cho người khác. Lòng nhân ái là căn bản của hạnh phúc. Bản chất của mọi tôn giáo là nuôi dưỡng từ tâm. Đây là tinh túy trong giáo lý của tất cả tôn giáo. Tất cả đều mang một thông điệp chung. Mặc dù có sự khác nhau về quan điểm triết học, ở điểm có tôn giáo cho có đấng sáng tạo, có tôn giáo cho không có đấng sáng tạo, tuy nhiên mục đích chung của các tôn giáo là trưởng dưỡng tình thương yêu và lòng bi mẫn. "Các truyền thống Phật giáo Tạng truyền đều bắt nguồn từ Ấn Độ. Chúng ta thực hành theo cùng một đức Phật và trì giữ truyền thống Phật giáo Nalanda. Khenpo Jigme Phuntsok đã từng tham dự buổi quán đỉnh Mật Tập Kim Cương mà tôi truyền trao, và lần này, ngài Sakya Trizin đã hiện diện nơi đây với chúng ta. Tôi xin được tri ân sự hiện diện của ngài. Khi còn ở trong nước, rất hiếm khi các bậc Thầy của các truyền thống gặp gỡ nhau, tuy nhiên ngày nay chúng ta không chỉ gặp gỡ mà còn lân mẫn nhau nhiều hơn. "Bởi vì chúng ta đều như nhau, chúng ta đều là con người, cho nên tôi có tâm nguyện thúc đẩy các giá trị con người nói chung. Với tư cách là một tăng sĩ, tôi đã nỗ lực thúc đẩy hòa hợp và hiểu biết giữa các tôn giáo. Tôi cũng là một người mà người dân Tạng đặt niềm tin và mong nguyện. Bởi vậy, mặc dù tôi đã rời trọng trách chính trị, nhưng tôi vẫn tâm nguyện giúp trì giữ ngôn ngữ Tạng và truyền thống Nalanda với những quan kiến triết học thâm sâu và trí tuệ về sự vận hành của tâm thức và các phiền não. Tôi cũng rất quan tâm tới tình trạng sinh thái ở Tây Tạng hiện nay.” Sau đó Ngài bắt đầu tụng đọc nhanh bộ Xưng Tán Duyên Khởi. Ngài nhắc nhở sự cần thiết phải điều phục vô minh, và duyên khởi giúp đối trị lại hai quan điểm cực đoan. Ngài nhớ lại Ngodrup Tsognyi, một trong những vị thị giả tranh biện có trí tuệ rất sắc bén về lý Trung đạo, ngài trích dẫn câu kệ thứ 19: Qua lý nhân duyên sinh khởi Ngài dạy rằng, thính chúng hãy noi theo dấu chân của Je Rinpoche, tiếp tới ngài tụng đọc bộ kinh văn “Viên mãn Định mệnh”, bộ kinh văn ghi lại quá trình tu học của đạo sư Tsongkhapa. Ngài luận giải rằng, mục đích của các tông phái là điều phục vô minh, nhưng họ thường có khuynh hướng mong muốn có nhiều của cải vật chất. Ngài dạy rằng sự tiến bộ về mặt đạo tâm cũng rất cần thiết. Ngài không muốn nhắc nhiều tới quá trình tu học của mình, nhưng ngay từ khi còn nhỏ ngài đã được lắng nghe và học về lý Trung đạo và Bồ đề tâm. Ban đầu, để thấu hiểu, khai phát Bồ đề tâm thực sự dường như là một điều gì đó rất xa vời, nhưng sau khi nhận luận giải từ Khunu Lama Rinpoche, ngài cảm thấy việc nuôi dưỡng Bồ đề tâm đúng là hiện thực. Ngài nhắc tới câu kệ thứ 60 trong bộ luận “Nhập Trung quán luận” của ngài Tsongkhapa- “vạn pháp chỉ là định danh”, khi ấy đã “đánh gục” ngài giống như một tia chớp. "Không có lựa chọn nào khác là phải trải qua tiến trình văn-tư-tu. Nếu quý vị giữ được tiến trình này, quý vị sẽ thấy sự chuyển hóa diễn ra nơi thân tâm chính mình.” Sau đó ngài tiếp tục luận giải trước tác“Bài ca bốn Chính Niệm” của đức Đạt lai Lạt ma đời thứ 7, bộ luận về kho tàng tâm giác ngộ của bậc thầy và tỉnh thức tâm giác ngộ, được trích dẫn là khởi nguồn những câu kệ đầy truyền cảm trong “Ba điểm tinh yếu trên con đường đạo” của đạo sư Je Rinpoche. Bị cuốn trôi bởi mãnh lực của bốn dòng nước lũ, Những câu kệ tiếp theo luận giảng sự thức tỉnh về thân chính là thân linh thiêng và sự thức tỉnh quan kiến về tính không. Cuối cùng, Ngài bắt đầu tụng đọc bộ “Những luận giảng rời rạc về Trước tác Xưng tán Duyên Khởi của đạo sư Tsongkhapa” của ngài Choney Lama Lobsang Gyatso. Ngài sẽ hoàn thành việc tụng đọc này trước khi bắt đầu chuẩn bị các nghi thức cho lễ quán đỉnh Mật Tập Kim Cương vào ngày mai. Quán đỉnh Mật Tập Kim Cương – những giáo pháp Sơ khởi Ngày 11 tháng 12 năm 2015 Hunsur, Karnataka, Ấn Độ, 10 tháng 12 2015 - Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm chính điện lúc 7 giờ sáng. Ngài chào Ganden Tri Rinpoche, Sharpa và Jangtse Chöjeys, và ngài Sakya Trizin. Buổi lễ có sự hiện diện của các vị trụ trì, nguyên là trụ trì của tự viện Namgyal và chư tăng của Học viện Gyumey bắt đầu cử hành những nghi thức cầu nguyện, cúng dường mandala. Âm thanh trì tụng, hòa lẫn với giai điệu của linh chử tràn đầy năng lực giống như chính thời gian mà đạo Je Tsongkhapa đang cử hành nghi thức cùng chúng đệ tử cách đây 600 năm. Khi nghi thức cúng dường kết thúc, vào khoảng 10h30, Ngài tiến ra bên sân ngoài, tham dự buổi lễ kỷ niệm 26 năm ngài được trao giải Nobel Hòa bình. Đại diện các cộng đồng Rabgyeling tại Hunsur đã tri ân, cúng dường ngài một ngọn đèn bơ bằng vàng để ngài sử dụng hàng ngày tại nơi cư trú của mình. Tự viện trưởng của Học viện Gyumey đọc diễn văn, tiếp theo các sinh viên và nhân viên của Snowland cúng dường ngài bức tranh Đức Phật Trường Thọ Amitayus. Bộ trưởng bộ lao động công cộng của Karnataka, ngài Mahadevappa đã đọc một bản trích lược dài cuộc đời và những thành tự của ngài. Vị chủ tịch của huyện Hunsur, ngài Manjunath tiếp tục đọc bản trích này với sự nhấn mạnh rằng, Kannada đã nhận được sự gia trì của ngài cũng giống như toàn bộ xứ Ấn Độ vậy. Một đại diện của người Tạng đã lên bày tỏ sự trân trọng chính quyền Karmataka đã không ngừng nỗ lực trợ giúp cộng đồng người Tạng. "Tôi xin chào và gửi lời tôn trọng tới các vị đại diện của Chính quyền Karnataka, bạn hữu từ khắp nơi trên thế giới và các thành viên của Hunsur Rabgyeling. Sự kiện hôm nay đã trùng hợp tốt với các giáo ở đây tại Gyumey. Tôi đặc biệt cảm ơn các sinh viên đã có buổi trình diễn tuyệt vời. "Tôi muốn cảm ơn Tiến sĩ Mahadevappa và ngài Manjunath trước lòng tốt mà chính quyền Karnataka và mọi người đã mang lại cho người Tây Tạng. Karnataka thường được gọi là bang Mysore, với thủ đô ở Mysore. Tôi đến đây vào năm 1956 khi ngài Nijalingappa, "người thiết lập nên Karnataka 'là bộ trưởng. Ông có một mối quan tâm đặc biệt đối với người Tạng. Sau năm 1959, khi chúng tôi trở lại Ấn Độ, Thủ tướng Nehru đã viết thư cho chính quyền tiểu bang, đề nghị nếu có thể trợ giúp, cung cấp đất, nơi ở cho người Tạng định cư. Chính quyền Karnataka đã trợ giúp nhiều nhất và hiện có tới hơn 30 ngàn người Tạng đang định cư nơi đây. "Các tự viện lớn được tái lập nơi đây đã trì giữ truyền thống Nalanda, truyền thống tu học thông qua ghi nhớ các kinh văn, kinh luận gốc, sau đó sau đó suy tư lý nghĩa và tranh biện. Trên nền tảng này, chúng tôi đã trì giữ giáo pháp Đại thừa và Kim cương thừa. Sự thực hành một cách toàn diện giáo pháp rất có lợi lạc cho thế giới, đặc biệt nguồn tri thức về tâm, sự vận hành của các phiền não rất hữu ích cho con người ngày nay. "Khi chúng tôi đến Ấn Độ, chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã trợ giúp chúng tôi rất nhiều. Tại nơi đây, các đời chủ tịch tiếp sau ngài Nijalingappa cũng đã trợ giúp chúng tôi rất nhiều. Từ tận đáy lòng, chúng tôi xin được tri ân quý vị." "Nhận giải Nobel Hòa bình là một vinh dự, nhưng tôi vẫn là một tu sĩ Phật giáo giản dị thôi, tôi mong nguyện cho hòa bình và bất bạo lực. Trong 30 năm qua tôi cũng đã tham gia vào những đối thoại với các nhà khoa học hiện đại. Tôi đã học hỏi được rất nhiều về thế giới bên ngoài và họ cũng đã học hỏi được nhiều về tâm thức, ý thức và những cảm xúc. Ngôn ngữ Tạng là phương tiện diễn tả chính xác nhất nguồn tri thức về tâm và triết học Phật giáo." Đức Đạt Lai Lạt Ma tặng quà cho hai đại diện của Karnataka và ngài trụ trì Học viện Gyumey đọc những lời tri ân: "Nguyện cầu quý ngài trường thọ và có thể trở lại miền đất Tuyết, an tọa trên bảo tòa trong cung điện Potala.” Quay trở lại chính điện sau giờ trưa, ngài lại tiếp tục tụng đọc trước tác “Những lời bình rời rạc về Xưng tán Duyên Khởi" của Choney Lama Rinpoche. Ngài bắt đầu nghi thức sơ bộ cho quán đỉnh Mật Tập Kim Cương bằng phát xuống chiếc bánh để tiêu trừ chướng ngại. Ngài dạy rằng: "Ngày hôm qua, khi tụng đọc, chúng ta thấy bộ kinh văn “Viên mãn Định mệnh” có nhắc tới hai thừa Phật giáo là Kinh thừa và Tantra thừa. Kinh thừa là nhân thừa, chú trọng tới việc thực hành sáu Ba-la-mật, trong khi Tantra thừa là Quả thừa. Trong lịch sử có nhiều người phản đối việc cho rằng Kim cương thừa được truyền dạy bởi chính đức Phật, nhưng ngài Long Thọ đã viết nhiều luận giải sâu rộng lập luận rằng chính đức Phật đã truyền dạy Kim cương thừa. Tương tự như vậy, ngài Di lặc trong bộ luận “Đại thừa Trang Nghiêm Luận” lập luận rằng chính đức Phật đã truyền trao giáo pháp Đại thừa. Tantra được gọi là bí mật bởi vì, ngoại trừ Thời Luân Kim Cương, giáo pháp này không được truyền trao rộng rãi và công khai trước đại chúng. Có thể phân loại giáo pháp của đức Phật thành Hiển giáo giành cho đại chúng nói chung, như Tứ Diệu Đế, và giáo pháp chỉ giành cho những chúng sinh có căn cơ, hay có cơ duyên riêng với từng loại Pháp cụ thể. "Giáo pháp Kinh thừa không là nhân để thành tựu sắc thân một vị Phật mặc dù giáo pháp trí tuệ là nhân đạt tới Pháp thân Phật. Sắc thân là thân phụng sự lợi ích chúng sinh, thành tựu được thông qua thực hành Yoga Bản tôn. Ngài luận giảng về các mức độ khác nhau của thức và bằng cách nào những ấn tượng giác quan hiện diện khi chúng ta đang thức. Chúng sẽ ngừng tác động khi ta ngủ, nhưng thức vi tế vẫn hiện diện trong giấc mơ và thậm chí còn vi tế hơn khi chúng ta trong giấc ngủ sâu. Khi chúng ta bị ngất hay bất tỉnh, dòng tâm thức vi tế vẫn vận hành, còn dòng tâm vô cùng vi tế thì vẫn vận hành ở thời điểm chết. Ngài có nhắc tới hiện tượng có nhiều người, thân của họ không bị phân hủy sau khi đã chết lâm sàng. Phật giáo Tạng truyền luận giải đó là do thức vi tế vẫn còn và do đó thân vẫn có thể duy trì được. Ngài nhắc tới 30 trường hợp mà ngài chứng kiến, bao gồm cả thầy giáo thọ của ngài là Ling Rinpoche, ngài vẫn trong trạng thái nhập định 13 ngày và Ganden Tripa đời thứ 100 trong 18 ngày. Một số người bạn của ngài là những nhà khoa học rất quan tâm nghiên cứu hiện tượng này và đã cung cấp thiết bị, dụng cụ để quan sát những hiện tượng vật lý đang diễn ra trong những trường hợp này. Mặc dù có một số kết quả nghiên cứu nhưng vẫn chưa thuyết phục. Ngài liên hệ hiện tượng này với một thảo luận phức tạp hơn về việc sử dụng các giọt, khí và năng lượng trong thực hành Tantra, và dạy rằng, những điều này được luận giải rất rõ ràng trong giáo pháp Mật Tập Kim Cương. Đối với Je Rinpoche, Đại Uy Đức Bố Kim cương là pháp thực hành nền tảng, Mật Tập Kim Cương là pháp thực hành chính yếu và Thắng Lạc Kim Cương là pháp thực hành tăng trưởng. Ngài tiếp tục truyền trao các nghi thức căn bản bao gồm truyền giới nguyện Bồ tát, chia cỏ Kusha và ban lời khai thị về quát sát các giấc mơ. Ngài dạy là sẽ truyền trao quản đỉnh chính thức vào ngày mai. Chính thức truyền trao quán đỉnh Mật Tập Kim Cương Ngày 12 tháng 12 năm 2015 Hunsur, Karnataka, Ấn Độ, ngày 11 Tháng 12 năm 2015 - Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu truyền trao giáo pháp sớm hơn so với ngày hôm qua. Ngài quang lâm chính điện Học viện Gyumey lúc 6 giờ sáng và tiếp tục cùng chư Tăng cầu nguyện trước mandala cát để cử hành nghi thức quán đỉnh. Ngài cùng đại chúng tán tụng bài kệ “Tán thán Jetsun Sherab Sengey”. Ngài bắt đầu chia sẻ giáo pháp,. "Một câu kệ trong 'Tổng quan về Tantra' có đoạn,"Những ai nguyện cất bước trên con đường Tantra trước hết phải là người thực hành Pháp. Người đó phải là một thành viên của Tăng đoàn. Có nhiều cách phân loại khác nhau, tuy nhiên tôi cho rằng Abhayakara đã viết, Tăng đoàn bao gồm chư tăng, ni và những ưu bà di, ưu bà tắc có giới nguyện. Cộng đồng tự viện có giới nguyện riêng và cũng phù hợp khi những hành giả cư sĩ có giới nguyện của mình. Những hành giả cư sĩ có thể trì giữ một, một số hay năm giới. Ngài Gyalwa Dromtonpa đã phát thêm nguyện sống đơn độc, và sẽ rất tuyệt với nếu quý vị có thể phát nguyện này. Trong ngôn ngữ Tạng, người trì giữ giới, trước hết có nghĩa là đức hạnh giúp chấm dứt khổ đau. Nói cách khác, tránh làm điều ác là con đường dẫn tới giải thoát. Sẽ rất tốt nếu có thể phát nguyện trì giữ giới này nhưng không bắt buộc. "Gần đây ở Nashik, khi tham dự Kumbha Mela, tôi đã gặp một Swami mà mình đã biết từ trước, ngài cũng là một học giả, có am hiểu sâu về trước tác “Trí tuệ Căn bản” của đức Long Thọ. Ngài chia sẻ với tôi về giới trong truyền thống Hindu và về những tín đồ trước khi gia nhập ashram đều phải phát nguyện trì giữ một số giới.” "Ở đây chúng ta đang bàn về giới nguyện không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm. Những giới ngày sẽ không thể trì giữ được nếu người đó trong tình trạng say rượu, bởi vậy điều cần thiết là phải tránh uống rượu.” “’Tổng quan về Tantra’ có nói rằng, quy y là nền tảng của tất cả các Pháp. Sự chuyển hóa là kết quả của thực hành Pháp sẽ không diễn ra tức thời mà phải trải qua tiến trình thực hành với sự nhẫn nại, tinh tiến, biết nhìn bậc Thầy là Phật và Tăng đoàn chính là những đồng tu nâng đỡ ta trên con đường đạo. Dù quý vị có quyết định phát nguyện giữ bao nhiêu giới đi nữa thì cần phải đảm bảo rằng mình có thể trì giữ tinh nghiêm được những giới đó và phải trở thành thành viên của Tăng đoàn.” Ngài hướng tới nhiều thính chúng là người Tạng, phần lớn trong số họ ít khi được lắng nghe những giáo pháp này. Ngài cũng luận giải rằng khi có nhiều thời gian hơn thì theo truyền thống, trước khi truyền trao quán đỉnh, cần tụng đọc, truyền khẩu “50 câu kệ về bậc Thầy”, bởi vì nương tựa nơi bậc thầy là nền tảng của đạo lộ, “20 câu kệ Bồ tát Giới” và một kinh văn giới thiệu ngắn những giới căn bản và giới thô phạm của Kim cương thừa. Ngài có nhắc tới bộ luận của đức Atisha “Ngọn đèn của Đạo lộ Giải thoát” được trước tác rất dễ hiểu giành cho người Tạng theo lời thỉnh cầu Jangchub Ö. Trong trước tác này, ngài Atisha đã viết về những thứ lớp trên đạo lộ giải thoát, bao gồm cả những luận giải về thực hành Tantra. Đây là là trước tác căn bản cho cả bốn truyền thống Phật giáo Tạng truyền. Trong truyền thống Longchenpa và trong “Pháp bảo của sự giải thoát” của truyền thống Kagyu. Trong truyền thống Sakya cũng dựa trên nền tảng này khi luận giải Ba Quan Kiến trong giáo pháp “Đạo và Quả”. Ngài cũng dạy rằng, không ai có thể thực hành Tantra nếu không có hiểu biết về Tính không. Thực sự để đối trị những phiền não và những che chướng nhiễm ô, đòi hỏi phải có trí tuệ tính không và Bồ đề tâm giác tỉnh. Ngài Aryadeva có trước tác “400 câu kệ” và ngài Chandrakirti có trước tác “Nhập Trung quán luận” và “Những ngôn từ trong sáng”. Đây là những bộ kinh văn quý vị cần tìm đọc hiểu. Ngài nhận xét rằng mặc dù chư ni trong quá khứ không thường nghiên cứu triết học, nhưng ngày nay các vị đã có thể tham dự chương trình tu học trong hơn 20 năm. Đã có những quyết định rằng vào năm tới, những ai đủ tiêu chuẩn sẽ được nhận học vị Geshe-ma. Ngài mong trong thời gian tới sẽ có thêm những người nữ cư sĩ tu học lô-gic, triết học và trở thành giáo sư. Ngài cũng dạy rằng, Phật giáo đã phát triển sâu rộng tại miền đất Tuyết nhưng còn nhiều người vẫn thiếu hiểu biết. Ngài rất hoan hỷ được biết ngày có nhiều Phật tử Tạng quan tâm tới việc học và nghiên cứu giáo pháp. "Chúng ta phải là Phật tử thế kỷ 21 với trí tuệ hiểu biết về Pháp. Một khi có trí tuệ hiểu biết, quý vị sẽ có năng lực lợi ích người khác một cách đích thực. Cần phải trải qua quá trình văn-tư-tu, khởi phát niềm xác tín và hòa nhập, thấm nhuần sự hiểu biết với dòng tâm của mình. Đối với luận giảng về Bồ đề tâm, sẽ không có bộ kinh văn nào phù hợp hơn “Nhập Bồ tát Hạnh” của ngài Tịch Thiên và quý vị nên bắt đầu học chương 8 và 6. Giống như vậy, chương 26 bộ “Trí tuệ Căn bản” của ngài Long Thọ sẽ luận giải giúp quý vị hiểu biết về tiến trình tái sinh khi bị chi phối bởi vô minh là như thế nào, chương 18 luận giải trí tuệ về duyên khởi giúp đối trị sự vô mình đó.” Sau đó Ngài bắt đầu trao quán đỉnh, hoàn thành giai đoạn mở đầu trước giờ trưa. Sau giờ trưa, ngài tiếp tục luận giảng rằng, ngài Shantideva đã dạy sau khi đã rèn luyện sự thức tỉnh trong vô số kiếp, chư Phật ba đời đều thấy và xác quyết rằng tâm thức mang lại lợi lạc nhất chính là Bồ đề tâm giác tỉnh. Ngài dạy rằng thậm chí theo quan điểm thế tục thông thường thôi cũng thấy những ai biết quan tâm, chia sẻ cho tha nhân sẽ sống một đời sống hạnh phúc. Tuy nhiên ngày nay nền giáo dục hiện đại lại mang tới cho con người rất nhiều sân hận, nghi ngờ và tham ái. Rất thiếu vắng một trái tim nồng ấm và tâm thức vị tha. Ngài khích lệ thính chúng hãy tư duy về lợi ích của tâm tỉnh thức dựa trên nền tảng của trí tuệ tính không. Ngài tiếp tục truyền trao quán đỉnh Mật Tập Kim Cương. Cuối cùng ngài dạy rằng sẽ có một khóa cúng dường tsog và hôm nay là ngày 30 tháng 10 trong năm- tưởng niệm ngày viên tịch của đức Đạt lai Lạt ma đời thứ 13. Khi khóa lễ kết thúc, ngài khuyên tất cả thính chúng hãy tận dụng cơ duyên này chiêm bái mandala cát. La Sơn Phúc Cường trích dịch Nguồn: Dalailam. com/news |