- Bốn Chân Lý Cao Quý His Holiness The Dalai Lama - Tuệ Uyển Chuyển Ngữ
- Bốn Chân Lý Thâm Diệu Hay Tứ Diệu Đế Đại Đức Narada - Phạm Kim Khánh Dịch
- Bốn Sự Thật Nhiệm Mầu Tác Giả: Joseph Goldstein Dịch Giả: Nguyễn Duy Nhiên
- Tứ Đế Thích Đức Thắng
- Tứ Đế Và Quan Điểm Của Bồ Tát Long Thọ Tt. Thích Đức Thắng
- Tứ Diệu Đế Bình Anson Trích Dịch
- Tứ Diệu Đế Ajahn Sumedho - Dương Vĩnh Hùng Dịch
- Tứ Diệu Đế Phạm Kim Khánh
- Tứ Diệu Đế Thích Nhật Quang Thiền Viện Thường Chiếu
- Sự Thật Về Chân Lý Công Ước Thích Tâm Thiện
- Kinh Chuyển Pháp Luân - Bài Pháp Đầu Tiên Trích: Đức Phật Và Phật Pháp - Hòa Thượng Narada, 1980 Phạm Kim Khánh Dịch Việt, 1998
- Kinh Chuyển Pháp Luân Tương Ưng Bộ, Dhammcakkappavattana Sutta
- Khái Niệm Tổng Quát Về Tứ Diệu Đế Ht. Thích Thiện Hoa (Trích Trong Phật Học Phổ Thông)
- Tứ Diệu Đế Thích Nhất Hạnh
Phạm Kim Khánh
Vào một thuở nọ Đức Thế Tôn ngự trong khu rừng của ông Jeta (Kỳ Đà), Jetavanna, gần thành Sàvatthi (Xá Vệ). Khi đêm về khuya, có một vị trời dung nhan lộng lẩy, hào quang tỏa ra sáng rực toàn thể khu tịnh xá, tên Rohitassa, đến hầu Phật. Lúc đến gần Đức Phật vị trời Rohitassa kính cẩn đảnh lễ Ngài, xong đứng qua một bên. Rồi vị trời Rohitassa bạch hỏi Đức Thế Tôn:
"Bạch Hóa Đức Thế Tôn, có thể được chăng, bằng cách đi mãi, đi mãi, ta biết được, thấy được, hoặc đến được, mức tận cùng của thế gian. Nơi mà không có sanh, không có già, không có chết, không từ giả cõi nầy và không tái sanh trở lại?"
-- Không thể được, nầy đạo hữu, Như Lai tuyên ngôn rằng bằng cách đi mãi, đi mãi, ta không thể biết được, thấy được, hoặc đến được, mức tận cùng của thế gian, nơi mà không có sanh, không có già, không có chết, không từ giả cõi nầy và không tái sanh trở lại.
-- Quả thật tuyệt luân, Bạch Hóa Đức Thế Tôn, thật là phi thường, Bạch Hóa Đức Thế Tôn, Ngài đã ban dạy một cách tuyệt vời rằng không thể nào biết, thấy, hoặc đến, tận mức cùng tột của thế gian bằng cách đi, đi mãi.
Trong một tiền kiếp của tôi, lúc ấy là đạo sĩ tên Rohitassa, con của Ông Bhoja, nhờ có thần thông, có thể đi trên không trung. Bạch Hóa Đức Thế Tôn, tôi đi mau như thế nầy. Thí dụ như có người kia, một tay thiện xạ, đã dày công tập luyện, có tài, và đã thuần thục trong nghề bắn cung. Người ấy giương một cây cung thật cứng và bắn một mũi tên nhẹ, toàn hảo, xuyên qua một khoảng dài bằng bề ngang của cái bóng cây kè, thì trong khoảng thời gian mà mũi tên lướt xuyên qua bóng cây kè, tôi có thể bước một bước dài từ biển Đông sang biển Tây. Đi nhanh và bước dài như vậy, lúc ấy tôi nguyện đi, đi mãi cho đến mức cùng tột của thế gian. Và xuyên qua những ngày tháng còn lại của đời tôi -- cả trăm năm -- ngoài những thời gian cần thiết để ăn uống, đi giải và nghỉ ngơi, tôi đi trọn cả trăm năm, nhưng cũng không đến được mức tận cùng của thế gian, và phải chết dọc đường. Thật là tuyệt diệu, Bạch Hóa Đức Thế Tôn, quả thật là phi thường, Bạch Hóa Đức Thế Tôn, Ngài đã ban dạy một cách tuyệt vời rằng không thể nào biết, thấy, hoặc đến, mức tận cùng của thế gian bằng cách đi mãi, đi mãi.
-- Quả thật vậy, nầy đạo hữu, Như Lai tuyên ngôn đúng như vậy. Không phải bằng cách đi mãi, đi mãi, mà có thể đến tận mức cùng tột của thế gian, chấm dứt đau khổ."
*
Để tìm hiểu chân lý về bản chất của đời sống, thông thường người ta hướng tầm mắt ra bên ngoài hay lên trên. Phật Giáo dạy ta nhìn vào bên trong chính bản thân mình. Đức Phật thành đạt Đạo Quả Vô Thượng, Chánh Đẳng Chánh Giác cũng nhờ tìm hiểu chân lý nơi bản thân Ngài. Một mình giữa rừng sâu, ngày đêm trầm tư mặc niệm, gom tâm quan sát từng yếu tố vật chất và tinh thần của bản thân mình, Đức Phật đã tìm ra ánh Sáng Chân Lý. Vì thế, Ngài dạy rằng tất cả chân lý của thế gian đều nằm vỏn vẹn trong tấm thân (nhỏ bé) dài một sải nầy.
Đức Phật luôn luôn đề cập đến các vấn đề có liên quan đến đời sống con người, và những lời dạy quý báu của Ngài luôn luôn căn cứ trên những sự kiện và những chân lý thực tiễn mà mọi người đều có thể quan sát, chứng nghiệm, và kiểm soát. Phật Giáo là một tôn giáo căn cứ trên lý trí.
Phật Giáo đặt nền tảng trên bốn chân lý gọi là Tứ Diệu Đế, tiếng Phạn là Ariya Sacca.
Ariya, bậc Hiền Thánh, là người hoàn toàn trong sạch, người đã gội rửa mọi ô nhiễm, mọi tham vọng, đã thành đạt Thánh Đạo và Thánh Quả, bậc Thánh Nhân. Đạo Quả Phật cao thượng hơn tất cả các Thánh Quả.
Sacca (sanskrit: Satya) là chân lý, cái gì thật sự có, sự thật hiển nhiên, tuyệt đối, vĩnh cửu, bất di dịch, một sự kiện không còn bàn cãi hay tranh luận nữa. Chân lý không thể bị hoàn cảnh, thời gian, hay sự vật chi phối. Chân lý không thể biến đổi.
Ariya Sacca, bao gồm bốn chân lý cao siêu thâm diệu, Tứ Diệu Đế, là những chân lý mà bậc Thánh Nhân hoàn toàn trong sạch, tức Đức Phật, đã tìm ra. Ariya Sacca hay Tứ Diệu Đế cũng có nghĩa là những chân lý khả dĩ đưa chúng sanh đến nơi hoàn toàn trong sạch của các bậc Thánh Nhân. Tứ Diệu Đế là những chân lý thiên nhiên, sẵn có từ muôn đời, không phải do Đức Phật tạo ra. Dầu có Đức Phật hay không, những chân lý ấy vẫn hiện hữu. Đức Phật chỉ là người đã khám phá những chân lý ấy và truyền dạy lại cho thế gian, vốn bị màn vô minh bao phủ. Bốn chân lý ấy là:
Khổ
Đế (Dukkha Ariya Sacca),
Tập
Đế (Samudaya Ariya Sacca),
Diệt
Đế ( Nirodha Ariya Sacca), và
Đạo
Đế (Magga Ariya Sacca).
Tập sách nầy là những bài viết riêng rẻ bao gồm những thành phần khác nhau của Tứ Diệu Đế.
I
Khổ
Phật
giáo và vấn đề đau khổ
Đức Phật, lúc sanh ra là Thái Tử Siddhartha (Sĩ Đạt Ta, hay Tất Đạt Đa), một người như tất cả mọi người. Vào năm 35 tuổi Ngài khước từ cuộc sống trên nhung lụa của cung vàng điện ngọc và trở thành Đạo Sĩ Gotama (Cồ Đàm). Sau sáu năm theo học với các vị đạo sư trứ danh thời bấy giờ và thực hành các pháp tu khổ hạnh đến mức cùng cực mà không thâu đạt được kết quả mong muốn, Đạo Sĩ Gotama tìm đến nơi vắng vẻ tại Uruvela (Ưu Lâu Tần Loa), giữa khu rừng tươi tốt, bên cạnh một dòng sông ngoạn mục, rồi ngày đêm gom tâm quan sát từng yếu tố vật chất và tinh thần của chính bản thân mình Ngài tìm ra ánh Sáng Chân Lý, trở thành Phật, bậc Chánh Đẳng Chánh Giác (Sammà Sambuddha). Từ đó, trong 45 năm trường, Đức Phật Gotama đi cùng khắp miền Bắc xứ ấn Độ, từ làng nầy đến làng khác, từ tỉnh nọ đến tỉnh kia, đi trên các con đường lớn và các nẽo nhỏ, để ban bố cho nhân loại bức thông điệp hòa bình và an tịnh, bủa rộng vừng hào quang từ bi và trí tuệ vô lượng vô biên của Ngài bao trùm tất cả sanh linh. Tôn giáo do Ngài sáng lập được gọi là Phật Giáo.
Như vậy, Phật Giáo xuất phát từ nhân sinh, hướng về nhân sinh, và nhằm phục vụ nhân sinh.
Đức Phật không đặt nền tảng giáo lý trên sự sợ sệt một oai lực siêu thế huyền bí nào, cũng không dạy hàng tín đồ phải mong nhờ sự giúp đỡ nào từ bên ngoài, hay trông đợi một sự cứu rỗi từ trên ban xuống. Trong kinh Kalàma Sutta (Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A-Hàm, quyển 1) Đức Phật dạy chẳng nên vội vã tin chắc một điều gì mà phải luôn luôn dùng lý trí quán trạch, quan sát, xét đoán tỉ mỉ, tận tường, phân biệt đâu là lẽ phải rồi mới quyết định tin cùng không. Ngài dạy người Kalàma, "Không nên chấp nhận điều gì là chân lý chỉ vì tập tục cổ phong truyền lại như thế, chỉ vì có lời đồn đãi như vậy, chỉ vì điều ấy đã có ghi chép trong kinh sách, chỉ vì mình ức đoán hay suy diễn như thế. Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì mình thấy bề ngoài hình như nó là vậy, chỉ vì điều ấy thích hợp với thành kiến của mình, hay chỉ vì vị tu sĩ đã thốt ra điều ấy đã được ta kính trọng từ trước ...
"Tuy nhiên ... khi tự các con hiểu rõ rằng, 'Những điều nầy hợp luân lý, những điều nầy không đáng bị khiển trách, những điều nầy được các bậc thiện trí thức tán dương, nếu thực hiện những điều nầy sẽ được an vui hạnh phúc', thì hẳn các con phải hành động đúng như vậy."
Để tìm hiểu chân lý về bản chất của kiếp nhân sinh thường người ta nhìn ra bên ngoài và nhìn lên trên -- hướng ngoại và hướng thượng. Phật Giáo dạy hướng nội, hãy nhìn vào bên trong bản thân mình, bởi vì:
"Trong tấm thân nhỏ bé nầy (nguyên văn: tấm thân dài một sải nầy), cùng với tri giác và tư tưởng, Như Lai tuyên bố thế gian, nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian, và con đường dẫn đến chấm dứt thế gian." -- Kinh Rohitassa Sutta.
Danh từ loka mà ở đây được phiên dịch là "thế gian" hàm xúc ý nghĩa thế gian đau khổ, và đau khổ là kinh nghiệm của thế gian bên trong ta.
Dukkha là danh từ Pàli mà Đức Phật dùng để chỉ cái thường được phiên dịch là đau khổ. Vậy, để được rõ ràng hơn, ta hãy tìm hiểu ý nghĩa bao hàm trong chữ dukkha.
Trong quyển "The Buddha and His Teachings", Ngài Đại Đức Nàrada giải thích: "Đứng về phương diện cảm giác, dukkha là cái gì làm cho ta khó chịu đựng ("du" là khó, "kha" là chịu đựng). Nếu xem như một chân lý trừu tượng, dukkha hàm xúc ý nghĩa khinh miệt, "du", và trống rỗng, "kha". Thế gian nằm trong sự đau khổ, và như vậy là đáng khinh miệt, không đáng cho ta bám níu. Thế gian là một ảo ảnh, không có thực chất. Do đó thế gian là rỗng không, hư vô. Vậy, dukkha có nghĩa là một hư vô đáng khinh miệt, không đáng cho ta luyến ái và bám níu."
Trong bài thuyết trình về Tứ Diệu Đế, "The Significance of The Four Noble Truths" -- The Wheel Publication No.123), ông V.F. Gunaratna giải thích danh từ dukkha như sau:
"...Danh từ Dukkha gồm hai thành phần, "du" và "kha". "Du" là một tiếp đầu ngữ hàm xúc ý nghĩa xấu, thấp kém, đê tiện, hèn hạ, hay tầm thường. "Kha" là trống rỗng, nông cạn. Hai thành phần nầy hợp chung lại ám chỉ một cái gì xấu, không đáng được ưa thích, bởi vì nó trống rỗng, huyền ảo, không có thực chất, không làm thỏa mãn, và thường được phiên dịch là "đau khổ", hay "khổ não". Tuy nhiên hai chữ, đau khổ và khổ não, chỉ bao hàm những ý niệm về một trạng thái khó chịu, tinh thần hay vật chất, mà không diễn đạt trạng thái rỗng không, huyền ảo và không thực của Phạn ngữ dukkha. Dukkha không những phải gợi trong tâm ta những ý niệm không làm thỏa mãn của sự vật trên thế gian, trạng thái không thực, và dĩ nhiên, đưa đến thất vọng, phiền muộn và bất ổn của tất cả những gì tạo nên môi trường sống của chúng ta. Dukkha bao gồm trạng thái chênh lệch, chao động và xáo trộn triền miên nối tiếp mà tất cả chúng sanh phải chịu vì không tìm được trong thế gian nầy trạng thái vững bền, ổn định và thường còn. Tất cả sự vật bên trong và bên ngoài ta đều ở trong trạng thái luôn luôn sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, vô cùng tận, tạo nên cảnh "bất toại nguyện" và "bất ổn định" của toàn thể vũ trụ."
Trong Bài Pháp Đầu Tiên, gọi là Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật mô tả cái khổ như sau:
"Hởi nầy các Tỳ Khưu, bây giờ, đây là chân lý thâm diệu về sự khổ. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ. Tóm lại, bám níu vào ngũ uẩn là khổ."
Một câu chuyện thuật lại như sau:
Người kia đi quanh quẩn giữa một khu rừng mênh mông đầy chông gai và đá nhọn. Trong khi lang thang bất định anh sực nhìn lại phía sau, và thấy một thớt voi đang rượt theo. Giựt mình, anh vụt chạy. Voi đuổi theo. Chạy đến một cái giếng cạn, anh định nhảy xuống để tránh voi. Nhưng thấy dưới đáy giếng có con rắn độc. Thớt voi lù lù trờ tới. Hoảng hốt, anh chụp lấy một dây rừng từ cây cao lòng thòng phía trên miệng giếng và vội vã trèo phăng lên, bất chấp gai nhọn đầy trên sợi dây, quàu trầy cả mình mẩy và tay chân. Lúc ấy anh chàng ngước mặt nhìn lên, thấy một ổ ong. Bầy ong bay tủa ra vây đánh anh. Phía trên nữa có hai con chuột, một trắng một đen, đang cặm cụi gậm nhấm sợi dây mà anh đang đeo trên đó. Vừa lúc ấy một giọt mật từ ổ ong rơi xuống ngay vào miệng anh. Bấy giờ, quên cả thớt voi đang rượt, con rắn độc đang nằm dưới đáy giếng, sợi dây đầy gai nhọn quàu trầy cả mình mẩy, bày ong đang vây đánh, và hai con chuột đang gậm nhấm sợi dây, anh mê mệt thọ hưởng giọt mật một cách thỏa thích..."
Đó là hình ảnh của cuộc sống mà chúng ta đang sống: Người lang thang lạc bước giữa rừng là chúng ta. Khu rừng mênh mông đầy chông gai và đá nhọn là kiếp nhân sinh trong vòng luân hồi. Thớt voi tượng trưng cho Tử Thần. Con rắn độc nằm dưới đáy giếng là sự già nua. Sợi dây rừng đầy gai nhọn là sự sanh. Bầy ong là những nổi khổ đau luôn luôn đe dọa tình trạng an lành của chúng ta. Giọt mật hình dung những thú vui hiếm hoi trong đời sống. Hai con chuột, một trắng, một đen, là ngày và đêm...
Quả thật vậy, cuộc sống của chúng ta trong vòng luân hồi không giống như một vườn hoa hồng tươi đẹp, lộng lẩy màu sắc và bát ngát hương thơm, mà tựa hồ như một khu rừng mênh mông, đầy chông gai và đá nhọn. Trên bước viễn du trong vòng luân hồi từ vô lượng kiếp, chúng ta vẫn còn đang lặn hụp trong những kiếp sống triền miên tiếp diễn mà không tìm được lối thoát. Hạnh phúc mà phần đông chúng ta mong tìm chỉ là sự thỏa mãn một vài ước vọng. Nhưng vừa khi đạt đến điều mong mỏi ta lại ước mơ điều khác, và cứ thế không ngừng. Chúng ta không bao giờ thỏa mãn trọn vẹn, vì không bao giờ biết là đủ. Lẽ dĩ nhiên, một ước vọng không được toại nguyện làm cho ta đau khổ. Nhưng dầu có được toại nguyện đi nữa, ta lại lo âu, bận tâm suy nghĩ để gìn giữ, sợ nó mất đi. Trong cảnh cơ hàn ta ước mong được sang trọng giàu có, rồi khi được giàu sang ta lại lo sợ phải nghèo đói cơ cực. Nhưng trong cuộc sống vô thường tạm bợ nầy có thú vui nào tồn tại mãi mãi, có hạnh phúc nào vĩnh tồn. Mặt trời mọc ở phương Đông chỉ để lặn ở phương Tây, hoa nở tốt tươi buổi sáng để rồi tàn úa về chiều, mọi cuộc sum họp vui vầy đều phải chấm dứt trong cảnh phân tán chia ly, vừa lúc sanh ra đời đã mang theo mầm mống chết. Chừng ấy nổi sầu muộn càng sâu đậm. Trong thế gian huyền ảo, tạm bợ và vô thường, ngã chấp, và đầy tham vọng nầy, chúng ta không thể tìm được hạnh phúc thật sự, trường tồn vĩnh cửu.
Sanh, già, bệnh, chết, là những gì mà trong đời sống không ai có thể tránh khỏi. Và bốn trạng thái đau khổ ấy được tượng trưng trong câu chuyện bằng sợi dây, con rắn độc, gai nhọn trên sợi dây, và thớt voi.
Cái sanh mà trong câu chuyện được tượng trưng bằng sợi dây đầy gai nhọn phải được hiểu là sự sống, và sự sống trong một kiếp bắt đầu lúc vừa được bà mẹ thọ thai, không phải lúc con lọt lòng mẹ. Vài người tưởng tượng thai bào như một nơi chốn ấm cúng đầy đủ tiện nghi, hay như một tịnh thất đượm nhuần tình thương mà con người ẩn rút vào đó một thời gian để tịnh dưỡng tâm linh. Trong thực tế, được thọ thai vào lòng mẹ không giống như hiện thân vào nằm trong một đóa hoa sen đẹp đẽ, tinh khiết và có mùi thơm ngọt ngào êm dịu. Trái lại, tứ bề là những gì nhơ nhớp, tanh hôi. Không có gì là hấp dẫn cho cả mẹ lẫn con. Sau chín tháng mười ngày chịu đựng mọi khổ đau nằm trong một cái bọc, em được kéo lôi, thoát ra khỏi lòng mẹ, và đưa vào đời. Một lần nữa, mẹ và con vô cùng đau đớn. Mẹ nhăn nhó rên siết, con cất tiếng chào đời bằng giọng la khóc ... trong khi mọi người khác hân hoan thỏa thích đón mừng.
Khi nói sanh là khổ, không phải chúng ta chỉ nghĩ đến nỗi khổ nhọc và hiểm nguy gây nên do cảnh mang nặng đẻ đau, mà sâu xa hơn, ta phải nhận thức rằng chính cái sanh là đầu dây mối nhợ, là khởi duyên, tạo cho cái khổ bám vào. Nếu không sanh tức không có sự sống, và không sống tức không có khổ. Vì lẽ ấy mục tiêu cứu cánh của người Phật tử là thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi, tức thoát ra khỏi mọi khổ đau. Nhưng bản chất tự nhiên của chúng sanh là cố bám vào sự sống, giống như anh chàng bị gai quàu trầy cả mình mẩy mà vẫn đeo chắc sợi dây, vì ái dục là một năng lực vô cùng hùng mạnh, luôn luôn tiềm tàng ngủ ngầm trong tất cả mọi người. Chính ái dục -- thô kịch hay vi tế -- thúc đẩy ta đeo níu, cố bám chắc vào sự sống dưới mọi hình thức và do đó, dẫn dắt ta mãi mãi phiêu bạt trong biển trầm luân.
Đã sanh ra, tất trưởng thành và đi dần đến cảnh già nua. Trong câu chuyện, con rắn độc nằm dưới đáy giếng tượng trưng cho tuổi già. Danh từ "jarà" mà Đức Phật dùng ở đây không phải chỉ riêng tuổi già, mà hàm xúc ý niệm "đi dần đến tuổi già", hay "hư hoại" đi dần đến "diệt vong". Như vậy có sự biến đổi từ lúc còn trong bào thai chớ không đợi đến lúc lọt lòng mẹ. Lẽ dĩ nhiên, tóc bạc răng long, lưng còm gối mỏi, là cảnh già nua phát lộ ra ngoài và nổi bật một cách hiển nhiên, tất cả mọi người đều thấy. Nhưng từ khi được mẹ thọ thai, trong từng phút, từng giây, từng khoảnh khắc, chúng ta luôn luôn biến đổi, liên tục trưởng thành, không ngừng trở thành một cái gì mới, rồi đi dần đến cảnh già nua, diệt vong và tan rã.
Tất cả mọi sự vật được cấu thành (sankhàra, hành) đều phải hư hoại và diệt vong. Lẽ dĩ nhiên, cơ thể vật chất của chúng ta -- do nhiều thành phần lớn nhỏ cấu hợp -- ắt phải hoại diệt. Đó là dukkha, đau khổ, đối với những ai hằng bám níu vào thân của mình, chấp rằng đây là "tôi", cái nầy "của tôi". Chúng ta có thể nhìn sự hư hoại của thân và tâm dưới ba phương diện. Trước tiên là một phần của thân hư hoại, không thể hoạt động như ý ta muốn, như một cánh tay hay một cái chân bại xụi, một bộ phận trong mình bị tê liệt v.v. ... và hằng trăm triệu chứng ương yếu khác. Trường hợp thứ nhì là giác quan hư hỏng, như đui mù, câm điếc chẳng hạn. Và thứ ba là tâm thần hư hoại, như thần kinh rối loạn, mất trí nhớ, trở nên lãng trí, không còn hiểu biết rõ ràng. Tất cả những trạng thái hư hoại ấy đều đưa đến đau khổ. Nhưng nếu so sánh, hai phương diện hư hoại đầu, dầu rất khó chịu đựng, vẫn không sâu xa bằng phương diện thứ ba. Ta có bị tật nguyền thế nào, trạng thái đau khổ chỉ kéo dài trong một kiếp sống, trong khi người mà tâm thần hư hoại ắt không đủ sáng suốt để đi theo con đường của Giáo Pháp, và như vậy, phải chịu khổ đau triền miên trong nhiều kiếp sinh tồn.
Nhiều bạn trẻ rất hãnh diện với thân hình cường tráng, phương phi khỏe mạnh, của mình, vẫn không thích nghĩ hay nói đến tuổi già, để trọn vẹn thọ hưởng những thú vui của thời niên thiếu. Nhưng dầu ta có nghĩ đến cùng không, nó vẫn ở đâu đây. Con rắn độc vẫn luôn luôn nằm dưới đáy giếng. Tình trạng già nua đến với ta từng giây, từng phút, và thâu ngắn đời sống của chúng ta trong từng chặp tư tưởng (sát-na). Bao nhiêu người trong chúng ta chịu bình tâm suy niệm về hiện tượng chết?
Có sanh, có sống là có bệnh. Bệnh hoạn dĩ nhiên hiện hữu trong đời sống, và trong câu chuyện, được tượng trưng bằng những gai nhọn trên sợi dây. Dầu già, dầu trẻ hay bất luận ở lứa tuổi nào, ta cũng có thể lâm bệnh. Tấm thân ô trược nầy chỉ là nơi nương tựa của bao nhiêu bệnh hoạn tật nguyền. Đức Phật dạy: " Hãy nhìn cái thân đẹp đẻ nầy, một khối đau đớn, một ổ bệnh tật, được người ta bận tâm đến nhiều, nhưng không chứa đựng gì bền vững, không có gì tồn tại."
Có những bệnh của cơ thể, cũng có những bệnh tinh thần. Cả hai, bệnh tinh thần hay bệnh của cơ thể vật chất, đều là nguyên nhân sanh khổ. Vào thời Đức Phật, có một cụ già tên Nakulapita, một hôm đến bạch với Ngài:
--"Bạch Hóa Đức Thế Tôn, nay con đã già yếu, thân thể gầy còm, đi đứng lụm cụm, tuổi quá cao. Con đã đến mức tận cùng của kiếp sống, thường bệnh hoạn và luôn luôn ương yếu. Cúi xin Đức Thế Tôn mở lượng từ bi khuyên dạy, an ủi thế nào để con có thể an hưởng phước báu lâu dài."
--" Đúng vậy, nầy ông Thiện Nam, quả thật thân thể của ông đã yếu đuối mỏi mòn. Tuy nhiên, nầy ông Thiện Nam, người nào mang thân nầy mà khoe khoang rằng mình hoàn toàn mạnh khoẻ, chỉ trong chốc lát thôi, người ấy cũng là điên cuồng. Như vậy nầy ông Thiện Nam, ông hãy tu tập suy niệm như sau, 'dầu thân nầy có ương yếu, ta sẽ không để cho tâm bệnh hoạn."
Cụ già Nakulapita nghe được lời dạy của Đức Phật thì lòng phấn khởi, hoan hỷ đảnh lễ Ngài rồi ra đi. Và cụ đến bạch với Ngài Sàriputta (Xá Lợi Phất), xin Ngài giải thích thêm, thế nào là thân thể bệnh hoạn mà tâm cũng bệnh hoạn, và thế nào là thân bệnh mà tâm không bệnh. Đức Sàriputta dạy:
"Nơi đây (trong trường hợp nầy), nầy ông Thiện Nam, người không phân biện rõ ràng Giáo Pháp, không tu tập theo lời dạy của Giáo Pháp, xem thân thể nầy là chính mình (là tự ngã), thấy tự ngã nằm trong thân thể, thân thể trong tự ngã. Người ấy nói, "tôi là thân nầy, thân nầy là của tôi", và ý tưởng ấy thâm nhiễm lâu ngày nhiều kiếp như vậy. Đến khi cơ thể biến đổi, tàn tạ và ngày càng trở nên tồi tệ thêm, theo định luật vô thường, bất ổn định, dính liền với mọi sự vật, mọi kiếp sinh tồn, thì cảm nghe buồn rầu, âu sầu đau khổ. Người ấy ta thán, than van, tuyệt vọng.
"Người ấy xem thọ, tưởng, hành, thức là tự ngã, xem chính mình nằm trong thọ, tưởng, hành, thức, hoặc xem thọ, tưởng, hành, thức nằm trong chính mình, và nói, "chính ta là ngũ uẩn, ngũ uẩn là ta, cái nầy là thọ, tưởng, hành, thức, của ta, và cứ thế, ý niệm tự đồng hóa với ngũ uẩn thâm nhiễm người ấy. Do đó, khi thọ, tưởng, hành, thức biến đổi -- vì bản chất của nó là bất ổn định và luôn luôn biến đổi -- thì người ấy buồn rầu, ta thán, âu sầu và tuyệt vọng. Đó, nầy ông Thiện Nam, là thân bệnh hoạn mà tâm cũng bệnh hoạn.
"Và bây giờ, thế nào là thân ương yếu bệnh hoạn mà tâm cường tráng khoẻ mạnh? Người được giáo dục đầy đủ, tu tập thuần thục trong Giáo Pháp của bậc Thánh Nhân, người ấy xem thân nầy không phải là tự ngã, và tự ngã không nằm trong thân nầy. Người ấy không nói, "Tôi là thân nầy, thân nầy là tôi", mà cũng không bị ý niệm ấy thâm nhiễm. Như vậy, khi thân biến đổi và tàn tạ, người ấy không âu sầu, không phiền muộn v.v... Cùng thế ấy, người ấy không xem thọ, tưởng, hành, thức, là chính mình, cũng không xem tự ngã mình nằm trong bốn uẩn ấy. Người ấy không bị ý niệm kia thâm nhiễm và không nói, "thọ, tưởng, hành, thức, là tôi, tôi là thọ, tưởng, hành, thức". Vì không thâm nhiễm những ý niệm sai lạc ấy, khi thọ, tưởng, hành, thức, biến đổi, người ấy không âu sầu, không phiền muộn v.v..."
Một nguyên nhân khác đưa đến đau khổ (dukkha) mà không ai có thể tránh là cảnh sanh tử biệt ly, bởi vì chết là nghìn thu vĩnh biệt. Trên bước thênh thang trong vòng luân hồi đã bao nhiêu lần ta chết, và đã bao nhiêu lần ta khóc cái chết của một người thân.
Chúng ta hãy lắng tai nghe Đạo Hữu Huỳnh Thanh Long ngỏ lời nhắn nhủ người khách lữ hành đang lạc lối giữa rừng:
"Hởi
người khách lữ hành trên cõi thế
Đi
lang thang vô định đã bao đời!
Vòng
tử-sanh sanh-tử, nẽo luân hồi
Trong
Tam Giới xoay đi rồi chuyển lại!
Vô
lượng kiếp khóc cha rồi khóc mẹ
Khóc
vợ con, quyến thuộc, kẻ thân yêu,
Khóc
cửa nhà, tài sản sớm tiêu điều!
Từ
vô thỉ khóc than bao cảnh khổ.
Những
giọt lệ đắng cay người đã đổ
Còn
nhiều hơn nước mặn khắp trùng dương!
Hởi
người khách lữ hành trên cõi thế
Đi
lang thang vô định đã bao đời!
Vòng
tử-sanh sanh-tử, nẽo luân hồi
Trong
Tam Giới kiếp nầy rồi kiếp khác!
Từ
vô thỉ mỗi đời người bỏ xác
Khắp
địa cầu phủ trắng đống xương khô!
..."
Sanh, trụ, diệt, là định luật chung của muôn loài vạn vật. Trong thế gian hiện tượng nầy có cái chi luôn luôn tồn tại? Có cuộc sum họp nào mãi mãi vững bền? Có cuộc sống nào không đi dần đến cái chết? Cứng rắn như sắt đá, to lớn như hành tinh, hung dữ như ác thú, khôn ngoan như loài người, tất cả đều phải hoại diệt. Cũng như từ cành cây có nhiều trái rơi rụng, trái non có, trái già có, trái chín mùi có, cùng thế ấy, từ cành cây của đời sống ta có thể rơi lìa bất luận ở lứa tuổi nào, từ sơ sinh, thiếu sinh, tráng niên v.v... chí đến khi niên cao tuổi lớn. Già chết, trẻ chết, giàu sang chết, quyền quý chết, bần hàn chết, tối tăm ngu muội chết, thông minh sáng suốt chết ... cái chết không dành riêng cho một người, một gia đình, một xóm làng, một quốc gia hay dân tộc nào, mà đó là số phần của tất cả mọi chúng sanh trong Tam Giới, từ Dục Giới, Sắc Giới, đến Vô Sắc Giới, từ hạng ngạ quỷ, cầm thú, đến chư Thiên, chư Phạm Thiên. Chúng ta bước vào đời và trưởng thành giữa những người thân yêu: nào ông bà, cha mẹ, nào cô bác, cậu dì, nào anh chị em, nào thân bằng quyến thuộc, thầy cô, xóm giềng v.v... Chúng ta thương yêu nhau, vui cười với nhau, chia xẻ ngọt bùi với nhau, rồi lần lượt mỗi người ra đi một ngã tùy theo cái nghiệp của mình đã tạo. Đến như thế nào ra đi dường thế ấy. Chúng ta đến một thân một mình, với hai bàn tay trắng. Cũng một thân một mình, chúng ta sẽ ra đi với hai bàn tay không.
Đối với phần đông chúng ta, chết là diễn biến đau khổ trọng đại nhất trên đời, vì chúng ta suy tư sai lạc. Trong thực tế, cái chết không giống như một chằn tinh hung dữ ẩn núp đâu đây trong lùm bụi bên đàng, chực hờ lúc ta trờ tới là chụp lấy ăn thịt. Cái mà ta gọi là chết chỉ là cái gì đã xảy đến ta vô số lần trong kiếp sống, chỉ khác ở một điều là lần nầy hiện tượng chết biểu lộ dưới một hình thức hiển hiện hơn. Sách Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi Magga) dạy rằng trong ý nghĩa cùng tột, chúng sanh chỉ sống trong thời gian một chặp tư tưởng [1]:
"Tựa hồ như bánh xe lăn trên mặt đất, trong một điểm thời gian vòng bánh xe chỉ chấm đất ở một điểm. Cùng thế ấy, kiếp sống của chúng sanh chỉ tồn tại trong khoảnh khắc của một chặp tư tưởng, hay như ta thường gọi, một sát-na tâm. Khi chặp tư tưởng ấy chấm dứt, chúng ta nói rằng chúng sanh ấy chấm dứt".
Như vậy trong từng khoảnh khắc của kiếp sống, chúng ta đang chết và đang tái sanh. Vì mê muội, không phân biệt được bản chất thật sự của cái chết tạm thời trong mỗi khoảnh khắc, nên chúng ta lo sợ một cái chết đặc biệt, xảy đến vào phút cuối cùng của kiếp sống, mà không thấy rằng đó chỉ là sự chấm dứt tạm thời của một hiện tượng tạm thời. Trong câu chuyện kể trên, cái chết được hình dung như thớt voi luôn luôn theo bén gót "khách lữ hành" đang "lang thang vô định" giữa khu rừng bát ngát mênh mông của đời sống.
Sanh, già, bệnh, chết, là những cái khổ mà, mặc dầu không ai tránh khỏi, chỉ đến với ta vào một giai đoạn nào. Ta chỉ sanh một lần và chết một lần, chỉ trở nên già nua vào lúc xế chiều của cuộc sống và, trừ phi phải bị một chứng bệnh kinh niên bất khả trị, ta chỉ lâm bệnh từng lúc. Nhưng còn những đau khổ khác có tánh cách thường xuyên hơn, được Đức Phật mô tả trong bài kinh Chuyển Pháp Luân như sau: "... sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ. Tóm lại, bám níu và ngũ uẩn là khổ."
Đó là những phiền phức và đau khổ khác không ngớt ve vãn để phá tan tình trạng an lành của ta. Trong câu chuyện, đó là bầy ong không ngừng bay vo vo bao phủ khách lữ hành đang lạc lối trên cõi thế.
Phải sống chung với người mình không ưa thích là một điều khổ. Chung sống với một người điên, với kẻ sát nhân hung bạo, tàn ác, với một tên trộm luôn luôn chực hờ để đánh cắp vật gì của mình, với người có tánh lăng loàn lang chạ, người gian dối, thô lỗ cộc cằn, người có tánh đâm thọc, đem chuyện đầu nầy nói xấu ở đầu kia, rồi đem chuyện đầu kia về dèm pha ở đầu nầy, sống với người rượu chè say sưa, hư hèn mất nết v.v... đều là khổ. Vả lại đoạn "người mình không ưa thích" ở đây, có thể là một con thú hay một vật làm cho mình khó chịu, cũng có thể là thời tiết quá lạnh hay quá nóng, hoặc nữa là một công ăn việc làm để sinh sống mà mình không thích.
Tất cả những hoàn cảnh ấy đều là nguyên nhân đưa đến đau khổ.
Cùng một thế ấy, phải xa lìa người thân kẻ yêu là nguyên nhân gây đau khổ khác không thể tránh. Con xa cha mẹ, cha mẹ xa con, chồng lìa vợ, vợ lìa chồng, bạn bè xa cách, quyến thuộc chia ly, đều là khổ. Nhưng có hợp là có tan, đó là lẽ tự nhiên. Cảnh sum hợp trên thế gian là tạm bợ. Và đời sống của chúng ta, gặp gỡ nhau trên thế gian cũng không bền bỉ lâu dài. Tất cả những mối liên hệ trong gia đình, trong xã hội, như cha mẹ, anh chị em, chồng vợ, bạn bè quyến thuộc v.v... tất cả đều tạm bợ.
Sống với người không ưa thích ta bị mũi tên có tẩm thuốc độc "sân hận" gây thương tích. Xa lìa người thân kẻ yêu, ta sẽ bị mũi tên tẩm thuốc độc "tham ái" bắn vào mình. Chúng ta mến yêu, muốn mãi mãi sống bên cạnh những người, những sinh vật, hay những vật dụng mà ta thương mến hay ưa thích, nhưng rồi tham vọng ấy không được thỏa mãn trọn vẹn và chúng ta thất vọng và đau khổ. Trong một thế gian mà tính khát khao ham muốn và gắn bó luyến ái luôn luôn ngự trị và cảnh phân tán chia lìa là điều không thể tránh thì làm thế nào chúng ta có thể vượt thoát ra khỏi được hai hình thức đau khổ nầy? Chúng ta hằng ngày lặn hụp bơi lội trong biển vô thường và trong lúc ấy, chính ta cũng không ngừng biến đổi, thì chắc chắn là phải chịu hai loại đau khổ thường xuyên nầy.
Như vậy, bằng cách nầy hay cách khác, chúng ta không thể tránh khỏi cảnh "mong muốn mà không được". Điều mong ước mà không thành tựu làm cho ta đau khổ. Trái lại, những cảnh ngộ nghịch lòng hay những điều mà ta ít mong mỏi nhất, lắm khi đến với ta một cách đột ngột. Những trường hợp nghịch cảnh tương tợ trở thành không thể chịu đựng và đau khổ đến đổi vài người yếu tánh và kém hiểu biết phải nghĩ đến việc quyên sinh tánh mạng, tưởng chừng như chết là giải quyết mọi vấn đề đau khổ.
Về điểm nầy Đức Phật dạy rằng chúng sanh phải chịu cảnh già, bệnh, chết, phiền muộn, ta thán, đau đớn, âu sầu, tuyệt vọng. Chúng ta lại mong muốn "phải chi ta khỏi bị cảnh già, bệnh, chết, phiền muộn, ta thán, đau đớn, âu sầu và tuyệt vọng! Phải chi những hoàn cảnh bất hạnh kia đừng bao giờ đến với ta!" Nhưng không phải chỉ bằng cách mong muốn suông mà ta có thể chận đứng, làm cho những hoàn cảnh bất hạnh ấy không đến với ta. Và điều ước muốn mà không thành tựu là nguyên nhân đưa đến đau khổ. Đức Phật nhiều lần nhấn mạnh rằng mong ước suông không thể nào bảo vệ chúng ta. Đường lối duy nhất để thoát khỏi đau khổ là thực hành Giáo Pháp, phát triển tuệ minh sát.
Để chấm dứt đoạn mô tả đau khổ (dukkha) Đức Phật dạy: "... sankhittena pancupàdànakkhandhà dukkhà" có nghĩa "tóm tắt, ngũ uẩn thủ là khổ". "Ngũ uẩn thủ" là bám níu (upàdàna, thủ) vào ngũ uẩn (pancàkkhandha).
Thủ (upàdàna) là ái dục tăng cường đến mức cao độ. Chấp thủ ngũ uẩn, là sai lầm xem ngũ uẩn là "tôi" và "của tôi", những thực thể không biến đổi, rồi ôm chặt, cố bám vào, và đó là nguyên nhân sanh khổ.
Đây là sắc thái rất tế nhị của dukkha (khổ), và cũng là sắc thái bền bĩ dính liền và gần gủi nhất với chúng ta. Năm nhóm bám níu nầy -- sắc, thọ, tưởng, hành, thức -- là những thành phần cấu hợp nên chúng sanh. Do nghiệp đã tạo trong tiền kiếp, tức do khuynh hướng tâm tánh (anusaya) ngủ ngầm trong luồng nghiệp, chúng ta bám níu vào ngũ uẩn từ thuở bắt đầu kiếp sống hiện tại. Và trong kiếp hiện tại ta tiếp tục tạo nghiệp bằng cách luôn luôn ham muốn, khát khao ôm vào, hoặc ghét bỏ xua đuổi, điều nầy vật nọ. Cả hai trường hợp, ham muốn ôm vào và ghét bỏ xua đuổi, đều là hai hình thức bám níu (thủ) khác nhau. Nhưng bản chất của cái mà ta bám níu -- ngũ uẩn -- là bất ổn định, không ngừng sanh rồi diệt, và như vậy bám níu vào nó không khác nào lấy tay hốt lên một nắm nước và mong rằng nước sẽ ở lại mãi trong tay. Chắc chắn là ta phải thất vọng, đau khổ. Điểm nầy sẽ được đề cập đến ở phần sau, đoạn Sankhàra dukkhatà, Hành-khổ. [2]
Trên đây là phần đen tối của cuộc sống mà chúng ta đang sống. Tuy nhiên, trong khu rừng của đời sống không phải chỉ có chông gai và đá nhọn. Thỉnh thoảng ta cũng gặp một vài kỳ hoa dị thảo, một vài bông hoa tươi đẹp, hay một vài giọt mật ngọt ngào. Chính những giọt mật hiếm hoi ấy làm cho ta say đắm, quên hẳn mọi sầu khổ và hiểm nguy. Và trong khi chúng ta mãi mê thọ hưởng giọt mật thì hai con chuột, một trắng một đen, tượng trưng ngày và đêm, không ngừng gặm nhấm sợi dây đời sống. Mỗi ngày qua đưa ta đến gần cái chết hơn một ngày. Mỗi đêm qua đưa chúng ta đến gần cái chết hơn một đêm.
Phật Giáo đặt trọng tâm vào sự đau khổ (dukkha) nhằm chấm dứt đau khổ. Trong khi dạy rằng đau khổ là đặc tánh nổi bật của đời sống, Phật Giáo nhìn dukkha dưới ba sắc thái:
a. Khổ-khổ (dukkha-dukkhatà) -- đời sống hiển nhiên là đau khổ. Đau khổ là trạng thái hiển nhiên mà mọi người đều có thể trông thấy.
b. Vô-thường-khổ (viparanàma dukkhatà), đau khổ vì vô thường. Viparanàma là thay đổi, biến chuyển, thay hình đổi dạng. Bản thể của đời sống là đau khổ vì bản thể của vạn pháp là vô thường.
c. Hành-khổ (sankhàra-dukkhatà) Trạng thái đau khổ cố hữu dính liền với chúng sanh trong sự cấu thành chúng sanh. Chính bản chất của chúng sanh là đau khổ. Tự chúng sanh là đau khổ. Chính ngũ uẩn là đau khổ.
Khổ-Khổ (dukkha-dukkhatà)
Trong quyển "The Buddha's Ancient Path" Ngài Đại Đức Piyadassi Mahà Thera viết:
"Đối với người có quan kiến chân chánh, tức hiểu biết và không luyến ái, một sự kiện nổi bật rõ ràng minh bạch là trong toàn thể thế gian chỉ có một vấn đề: vấn đề đau khổ, bất toại nguyện (dukkha). Tất cả những vấn đề khác, đã được hay chưa được biết, đều trọn vẹn nằm trong vấn đề có tánh cách phổ cập nầy. Nếu vạn nhất có việc gì trở thành vấn đề, thì đương nhiên việc ấy phải dính liền với trạng thái bất toại nguyện, hay nếu muốn dùng một danh từ khác, trạng thái xung đột, bất ổn. Xung đột giữa ý muốn của ta và các diễn biến của đời sống. Và lẽ dĩ nhiên, mọi người đều cố gắng giải quyết vấn đề. Nói cách khác, nỗ lực của mọi người là chấm dứt trạng thái bất toại nguyện ấy, là kiểm soát, chế ngự cuộc xung đột đã làm cho ta ưu phiền, đau khổ.
"Chúng ta nhìn vấn đề duy nhất ấy dưới nhiều khía cạnh khác nhau, vấn đề kinh tế, vấn đề xã hội, vấn đề chánh trị, vấn đề tâm lý, chí đến vấn đề tôn giáo. Phải chăng tất cả các vấn đề ấy đều phát nguyên từ dukkha, đau khổ, bất toại nguyện? Nếu không phải vậy, nếu các vấn đề ấy không phải là đau khổ, bất toại nguyện, tại sao ta cố gắng giải quyết? Giải quyết một vấn đề phải chăng là để làm giảm suy trạng thái bất toại nguyện? Tất cả các vấn đề đều tạo nên bất toại nguyện, và nỗ lực của ta nhằm chấm dứt tình trạng ấy."
Đối với V.F. Gunaratna, một vị cư sĩ Phật tử người Tích Lan, chỉ cần nhìn quanh ta với cặp mắt quan sát và tâm suy tư là ta sẽ thấy hiển nhiên nổi bật đặc tánh đau khổ của đời sống. Trong một bài thuyết trình về Tứ Diệu Đế ông nói:
"Có đời sống của người nào từ bé đến già mà phẳng lặng im lìm như mặt nước ao hồ, không bị chút lo âu, sợ sệt, buồn rầu, làm chao động? Có gia đình nào chưa từng khóc cái chết của một người thân? Tìm ở đâu ra một trái tim chưa từng bóp siết nhói đau và chưa bao giờ sầu muộn? Và chính trong giờ phút nầy -- ngay lúc tôi đang nói và quý vị đang nghe -- có bao nhiêu trăm, bao nhiêu ngàn, hơn nữa, bao nhiêu triệu người đang trằn trọc hay nằm vùi trên giường bệnh, ở nhà hay ở trong các bệnh viện, trong thế gian rộng lớn và dẩy đầy đau khổ nầy? Bao nhiêu triệu bệnh nhân khác, cũng trong giờ phút nầy, đang nằm trải mình trên bàn mổ, giữa hai trạng thái sống và chết? Bao nhiêu người khác nữa đã đến mức tận cùng của cuộc đời, cũng trong giờ phút nầy, đang cố bám lấy hơi thở mà hầu như không còn trở lại nữa, và cố hớp lấy từng hớp, hơi thở cuối cùng? Và bao nhiêu triệu cha mẹ, con cái, bạn bè, đang than khóc sự ra đi của thân bằng quyến thuộc?
"Không thấy tức không biết, ngoại trừ người suy tư. Vậy thử nhìn qua thế gian chung quanh ta để nhận thấy đến mức độ nào đói rét và nạn thất nghiệp đã gây đau khổ cho nhân loại? Có phải chăng đó là dấu hiệu không thể lầm lẫn chỉ rõ tánh cách phổ cập của dukkha, đau khổ?"
Đó là sắc thái đau khổ hiển nhiên (dukkha-dukkhatà) của đời sống mà mỗi người đều có thể nhận thấy.
Vô-Thường-Khổ (viparanàma dukkhatà)
"Đau khổ vì đời sống là vô thường", là sắc thái thứ nhì của dukkha.
Khi mà tất cả mọi sự vật đều biến đổi, không có gì ổn định, không có gì vững bền, không có gì tồn tại giống hệt nhau trong hai khoảnh khắc kế tiếp, thì hậu quả dĩ nhiên là có trạng thái vô thường, bất ổn định, bất điều hòa, những khía cạnh khác nhau của dukkha.
Đau khổ là một cảm giác, danh từ Phật Giáo là thọ (vedanà). Theo, Vi Diệu Pháp (abhidhamma), sách tâm lý học Phật Giáo, có năm loại thọ.
a. Somanassa, thọ hỷ, là cảm giác thích thú về tinh thần, tức hạnh phúc, như cảm nghe hoan hỷ khi nhận được một tin lành, nghe một thời Pháp thích thú, xem một bức tranh đẹp v.v...
b. Domanassa, thọ khổ, là cảm giác đau khổ về tinh thần, như khi nhận một bạo tin, nghe những lời nói hung ác, thấy những cảnh tượng bạo tàn v.v...
c. Sukha, thọ lạc, là cảm giác thích thú về vật chất, như khi dùng một bửa ăn ngon, nằm giường êm, đi xe tốt v.v...
d. Dukkha, cảm giác đau đớn, thiếu tiện nghi, như uống thuốc đắng, đi ngoài trời nắng nóng v.v...
e. Upekkha, thọ xả, là cảm giác vô ký, không lạc không khổ.
Trong thực tế, khi tinh thần được hạnh phúc thì vật chất cũng được vui thích và trái lại, khi cơ thể vật chất được thoải mái thì tinh thần cũng được khoan khoái yên vui. Vậy, ta có thể gom hai cảm giác hoan hỷ thỏa thích -- tinh thần và vật chất -- làm một, gọi chung là sukha, lạc.
Cùng một thế ấy, ta gom hai cảm giác đau khổ khó chịu -- tinh thần và vật chất - làm một, gọi là dukkha.
Đến đây thọ hay cảm giác còn ba: sukkha, cảm giác vui thích, tinh thần và vật chất; dukkha, cảm giác đau khổ, tinh thần và vật chất; và upekkha, cảm giác vô ký.
Trong ba loại thọ nầy, upekkha, thọ vô ký, rất yếu ớt, hầu như không có. Ta có thể xem như không có thọ vô ký. Còn lại hai loại, thọ lạc và thọ khổ (sukha và dukkha), cảm giác vui thích và cảm giác đau khổ, tinh thần và vật chất. Nhưng trong trạng thái luôn luôn biến đổi của mọi sự vật bên trong và bên ngoài ta không thể có hạnh phúc vững bền, tức không có hạnh phúc thật sự. Trong khi hoàn cảnh biến đổi -- và tất cả đều phải biến đổi -- chính cái hương vị ngọt bùi của hạnh phúc, sukha, cũng trở thành vị đắng cay của đau khổ, dukkha.
Vậy, rốt cùng chỉ còn lại cảm giác đau khổ, tinh thần và vật chất.
Thú vui được có tài sản sự nghiệp, thú vui được lợi lộc, thú vui được danh thơm tiếng tốt, được vinh quang phú quý, thú vui gia đình, thú vui với thân bằng quyến thuộc v.v... thật là dễ chịu, thích thú. Tuy nhiên, tất cả đều biến đổi, và cuối cùng cái chết phải đến sẽ chia rẽ tất cả. Đến chừng ấy nỗi sầu muộn cũng sẽ sâu đậm tương đương với thú vui trước kia. V.F. Gunaratna viết:
"Có người nào dám bảo rằng điều may mắn sẽ không trở thành rủi ro và những điều kiện thuận lợi, thỏa đáng, sẽ tiếp tục còn thoả đáng? Đặc tánh vô thường luôn luôn tiềm tàng trong mọi sự vật. Chừng nào mà đặc tánh nầy còn tồn tại thì chừng ấy còn lo sợ, còn làm cho chúng ta đau khổ, vì chúng ta không muốn những điều kiện thỏa đáng ấy bị chấm dứt hay gián đoạn. Đó là sắc thái viparanàma của đau khổ. Từ thuở bình minh của lịch sử nhân loại, tình trạng bất an toàn của những gì tốt đẹp trong đời sống đã nói lên tình trạng đau khổ."
Vua chúa lo sợ cho tình trạng an toàn của ngôi vị mình. Người thường dân lo sợ cho tình trạng an toàn của mạng sống mình. Người cao sang quyền quý lo sợ cho địa vị mình. Người tư bản lo sợ cho sự an toàn của sự nghiệp mình. Người làm công lo sợ cho sự an toàn của công ăn việc làm của mình. Nếu mọi sự vật đều biến đổi thì không thể có thanh bình an lạc. Nếu không thể có thanh bình an lạc tức có xáo trộn, bất ổn, và lo sợ. Và đó là dukkha, đau khổ.
Chẳng những sự vật tạo thú vui phải biến đổi mà chính người thọ hưởng thú vui ấy cũng luôn luôn biến đổi. Như vậy, chúng ta đang mục kích cảnh tượng buồn cười, những chúng sanh luôn luôn biến đổi cố gắng rượt theo, bám lấy những vật cũng luôn luôn biến đổi: hình ảnh một cái bóng chạy đuổi theo và cố chụp cho được một cái bóng khác, trong lúc ấy mong rằng sẽ chiếm được một điều gì có thực chất. Về điểm nầy, Ngài Piyadassi Mahà thera giải thích:
"Xuyên qua khả năng nhạy của giác quan (lục căn), con người bị ngoại cảnh, đối tượng của giác quan (lục trần) thu hút và thích thú trong ấy. Do đó có sự thọ hưởng, hay trạng thái hoan hỷ trong lục trần. Đó là sự kiện hiển nhiên, không thể phủ nhận, vì tất cả chúng ta đều thường xuyên chứng nghiệm. Tuy nhiên cả hai, sự thọ hưởng và đối tượng thích thú của nó, đều không thể tồn tại lâu dài. Cả hai đều phải biến đổi. Bây giờ, khi người kia không thể giữ lại, hay bị mất đi những lạc thú, theo lẽ thông thường thì người ấy buồn rầu, sầu muộn, thất vọng. Người ấy cũng không thích cái gì mình đã nhàm chán và luôn luôn đi tìm những thích thú mới, giống như những con bò thả ăn ngoài đồng, luôn luôn đi tìm bãi cỏ mới. Tuy nhiên, đặc tánh của những thích thú mới cũng là vô thường, phù du tạm bợ, chỉ tồn tại nhất thời rồi trôi qua. Như thế, những lạc thú của đời sống, dầu ta có thích thú nó cùng không, vẫn là bước đầu, mở đường vào trạng thái đau khổ."(The Buddha's Ancient Path)
Trong quyển "The Buddha and His Teachings", Ngài Đại Đức Nàrada viết:
"Hạng người thường chỉ thấy lớp mặt bên ngoài, nhưng bậc Thánh Nhân thì có khả năng thấy thực tướng của sự vật. Đối với các Ngài, tất cả đời sống đều là khổ và các Ngài nhận thấy rằng không thể có hạnh phúc thật sự, hoàn toàn bền vững, trong một thế gian huyền ảo, tạm bợ, và vô thường.
"Không thể có hạnh phúc trường tồn vĩnh cửu trong một thế gian luôn luôn biến đổi. Hạnh phúc vật chất chỉ là sự thỏa mãn một vài ước vọng. Nhưng khi ta vừa đạt được nó thì nó đã vội lìa bỏ ta. Dục vọng không khi nào được thỏa mãn trọn vẹn. Không bao giờ ta cho là đủ."
Hành-Khổ (sankhàra-dukkhatà)
Sắc thái thứ ba của đau khổ là sankhàra dukkhatà, hành-khổ. Sankhàra, hành, là một danh từ có rất nhiều ý nghĩa. Nơi đây danh từ nầy bao hàm tất cả những gì được cấu tạo do nhiều nguyên nhân cùng hợp lại, một cấu hợp, một nhóm, một khối. Theo Phật Giáo con người là sự cấu hợp của hai phần, danh và sắc, phần tâm linh và phần vật chất.
Về phần vật chất, với khoa học hiện đại ta biết rằng cơ thể vật chất của chúng ta là sự cấu hợp của nhiều tế bào, tế bào là sự cấu hợp của nhiều nguyên tử, và nguyên tử bao gồm âm điện tử, dương điện tử, trung hòa điện tử, những thành phần luôn luôn biến đổi, từng giây, từng khoảnh khắc, và không ngừng di động. Như vậy, con người, sự cấu hợp của vô số những thành phần luôn luôn biến đổi, tức cũng không ngừng biến đổi.
Hơn hai ngàn năm trăm năm về trước Đức Phật dạy rằng hai thành phần danh và sắc, tâm linh và vật chất, ở trong trạng thái luôn luôn di động. Dựa theo Tạng Luận (Abhidhamma Pitaka) ngài Đại Đức Nàrada giải thích sự biến đổi của vật chất như sau: "Từ ngàn xưa những nhà hiền triết Ấn Độ cũng tin có một nguyên tử bất khả phân tán gọi là "Paramànu". Theo sự tin tưởng thời bấy giờ, 36 Paramànus hợp thành một anu; 36 Anus hợp thành một Tajjàri; 36 Tajjàris hợp thành một Ratharenu. Một hột bụi nhỏ mà ta thấy vởn vơ trong làn ánh sáng được gọi là "Ratharenu". Như vậy, một Paramànu là một phần 46,656 (1/46,656) của một ratharenu.
Với nhãn quan siêu phàm, Đức Phật phân tách Paramànu và tuyên ngôn rằng Paramànu bao gồm những năng lực tương quan với nhau gọi là Paramathas, hay thành phần chánh yếu của vật chất. Những Paramathas ấy là Pathavi (Đất), Ópo (Nước), Tejo (Lửa), và Vàyo (Gió), được gọi là Tứ Đại Chánh Yếu, hay gọi tắt là Tứ Đại. Tứ Đại là những đơn vị căn bản của vật chất, luôn luôn pha lẫn với bốn chuyển hóa của nó là màu sắc, hương, vị và bản chất dinh dưỡng.
Tứ Đại và bốn chuyển hóa luôn luôn dính liền nhau và liên quan với nhau rất mật thiết. Nhưng trong một loại vật chất, thành phần nầy có thể trội hơn thành phần khác. Thí dụ như trong đất thành phần Pathàvi (Đất) trội hơn ba thành phần kia. Trong nước, thì thành phần Ópo (Nước) trội hơn. Trong lửa thì thành phần Tejo (Lửa) trội hơn. Và trong không khí thì thành phần Vàyo (Gió) trội hơn. Như vậy, vật chất gồm có những năng lực và những đặc tính trong trạng thái liên tục biến đổi, luôn luôn trôi chảy như một dòng suối.
Về phần tâm linh, Ngài Đại Đức Nàrada viết:
"Tâm, thành phần quan trọng hơn trong guồng máy phức tạp của con người, gồm có 52 trạng thái tâm gọi là tâm sở, luôn luôn biến đổi. Thọ (vedanà) hay cảm giác, là một. Tưởng (sannà) hay tri giác, là một tâm sở khác. 50 tâm sở còn lại được gọi chung là sankhàra (hành), hay những sinh hoạt có tác ý của tâm. Tất cả 52 tâm sở đều phát sanh trong thức (vinnàna). Theo triết học Phật Giáo, không có khoảnh khắc nào mà tâm có thể trống không, nghĩa là không có khoảnh khắc nào mà không có một loại tâm duyên theo một đối tượng, vật chất hay tinh thần. Thời gian tồn tại của một loại tâm như vậy gọi là chặp tư tưởng, hay sát-na tâm. Khi một chặp tư tưởng diệt, tức khắc có một chặp mới phát sanh. Như vậy, những chặp tư tưởng liên tục nối tiếp, và thời gian tồn tại của một chặp tư tưởng thật ngắn, khó có thể quan niệm.
"Mỗi chặp tư tưởng gồm ba giai đoạn: sanh (uppàda), trụ (thiti) và diệt (bhanga). Ngay khi một chặp tư tưởng vừa trải qua giai đoạn diệt (bhanga), tức khắc giai đoạn sanh (uppàda) của chặp tư tưởng kế nổi lên. Trong tiến trình luôn luôn biến đổi của đời sống, mỗi chặp tư tưởng khi diệt, chuyển tất cả năng lực và tất cả những cảm giác đã thâu nhận cho chặp tư tưởng kế. Một chập tư tưởng mới bao gồm những tiềm năng do chặp tư tưởng trước trao lại và thêm vào đó, còn cái gì khác, và cái gì khác đó là kinh nghiệm và cảm giác riêng của nó. Như vậy có sự luân lưu không ngừng của tâm. Luồng tâm giống như dòng suối, luôn luôn trôi chảy. Chặp tư tưởng mới không hoàn toàn giống như chặp trước, bởi vì thành phần cấu tạo đã đổi mới, mà cũng không hoàn toàn khác, bởi vì cả hai đều cùng nằm trong một luồng sống, một dòng đời. Không có chúng sanh đồng nhất, nhưng có sự đồng nhất trong tiến trình đời sống của chúng sanh."
Bốn loại hiện tượng tâm linh -- thọ, tưởng, hành, thức -- hợp với một hiện tượng vật chất, sắc, tạo nên ngũ uẩn, năm nhóm, năm khối, năm thành phần cấu thành một chúng sanh. Mỗi cá nhân là sự cấu tạo của năm nhóm ấy.
Như vậy, cơ thể vật chất của con người không phải là một thực thể đơn thuần, nguyên vẹn, không biến đổi, mà là một tiến trình luôn luôn tiếp diễn. Tâm cũng luôn luôn biến đổi như một sự tiếp nối liên tục, giống như một dòng sông không ngừng trôi chảy và không bao giờ tồn tại giống hệt nhau trong hai khoảnh khắc kế tiếp. Mỗi giây, mỗi khắc trôi qua thì ở một điểm nào trên dòng sông, nước cũng trôi đi, nhường chỗ cho nước từ một điểm khác trôi đến. Điều nầy đưa ta đến két luận: Danh-sắc -- hay sự cấu thành của tâm và thân -- cấu thành chúng sanh phức tạp mà ta gọi là con người không phải là một thực thể tự mình có khả năng tồn tại vĩnh cửa, mà chỉ là một tiến trình liên tục diễn tiến. Chính vì lẽ ấy mà nó là dukkha, đau khổ.
Vậy, sự đau khổ cố hữu dính liền với con người trong sự cấu thành con người. Chính bản chất của khối ngũ uẩn là dukkha, đau khổ. Đó là sắc thái sankhàra dukkhatà, hành-khổ.
Từ ngàn xưa, tất cả chúng sanh đều mưu tìm hạnh phúc và cố tránh đau khổ. Từ thế hệ nầy đến thế hệ khác con người cố gắng khắc phục cảnh vật bên ngoài, điều chỉnh những điều kiện thiên nhiên để tạo tiện nghi, làm cho cuộc sống của mình thoải mái dễ chịu. Trong nhiều lãnh vực con người đã thành công. Tuy nhiên, với bao nhiêu cố gắng và thành công, con người ngày nay có hạnh phúc thật sự và không còn đau khổ nữa không? Bao nhiêu cố gắng có giúp ta chận đứng, làm cho thân nầy đừng bệnh hoạn, đừng đi đến cảnh già nua và mãi mãi sống đời không? Ta có còn phải sống chung với người, với vật, hay sống trong hoàn cảnh mà mình không ưa thích không? Ta có còn phải xa lìa người hay vật thân yêu nữa không? Ta có luôn luôn thành đạt những điều mong mỏi không?
Lẽ dĩ nhiên, cũng giống như củ cải mà người ta treo lủng lẳng trước đầu con lừa. Lừa nỗ lực bước tới để táp lấy cải, nhưng không bao giờ được. Con người luôn luôn cố gắng điều chỉnh thiên nhiên để tạo hạnh phúc và chữa trị chứng bệnh đau khổ cho mình, nhưng không bao giờ viên mãn thành công.
Tại sao? Vì con người chỉ tìm cách trị bệnh trên bề mặt mà không đi sâu đến tận căn nguyên. Hạnh phúc và đau khổ phát sanh từ đâu, và được duy trì tại đâu? Hạnh phúc và đau khổ phát sanh và được duy trì trong tâm. Vấn đề phát sanh nơi nào thì ta phải giải quyết ngay tại đó. Ta phải giải quyết vấn đề hạnh phúc và đau khổ ngay chính trong tâm nầy. Thay vì tìm cách sửa đổi hoàn cảnh bên ngoài để thích hợp với mình, việc làm vượt qua khỏi khả năng của mình, Phật Giáo dạy nên tự sửa đổi chính mình để sống thích ứng, điều hòa với thiên nhiên, phải điều chỉnh cái nhìn của mình đối với sự vật để có một quan niệm sống điều hợp với hoàn cảnh, nhằm sữa dọn thân tâm hoàn toàn trong sạch, và cuối cùng thoát ra khỏi mọi hình thức đau khổ.
Hầu như tất cả mọi người đều nhận thức rằng hạnh phúc quả thật hiếm hoi mà đời sống thì dẩy đầy đau khổ. Nhưng trước cái khổ, mỗi người, mỗi giới có thái độ khác nhau. Có hạng người lý trí hóa sự khổ, dùng lý trí phân tách, suy luận, giải thích cái khổ. Có hạng người khác thần thánh hóa sự khổ, cho rằng khổ là điều kiện tất yếu để con người vươn mình lên như những đóa hoa sen từ bùn nhơ nước đục vượt đến chỗ thanh khí an lành và rực rỡ nở tung trong ánh sáng ban mai. Có người cố tình lãng quên những nỗi khổ đau để yên tâm thọ hưởng chút ít lạc thú của đời. Cũng có người nhận thấy cái khổ rồi ủ dột âu sầu, sanh ra yếm thế bi quan. Chúng ta không nên tự lường gạt mình, cố tình hiểu rằng không bao giờ có hoàn cảnh khổ đau trên thế gian. Đó là phương cách lánh khổ của chim đà điểu. Khi thấy có hoàn cảnh hiểm nguy sắp đến thì vội vã cắm mỏ lùi trong cát để không thấy. Chúng ta phải mở rộng mắt nhìn thẳng vào vấn đề. Khi ta chấp nhận rằng đã từ lâu mình mãi cặm cụi vát trên vai bao nhiêu ưu phiền và đau khổ thì chừng đó ta sẵn sàng đặt xuống gánh nặng để khoan thai rảo bước trên con đường đưa đến tự do và hạnh phúc thật sự trường cửu.
Phật Giáo nhận cái khổ như một sự kiện hiển nhiên sẵn có và dính liền với đời sống. Nhưng Đức Phật không dừng bước tại đây để buồn rầu, hay để cầu nguyện cho chúng sanh. Như vị lương y, khi nhận thấy và xác nhận rằng thật sự có bệnh, thì tìm phăng lên nguyên nhân của chứng bệnh, và sau khi xác nhận rằng chứng bệnh có thể chữa trị, kê toa và chỉ dạy bệnh nhân phương thức trị liệu thích hợp. Cùng thế ấy, Đức Phật xác nhận đau khổ là chứng bệnh trầm kha của chúng sanh, ái dục là nguyên nhân làm phát sanh đau khổ, và ta có thể nhổ tận gốc rễ, diệt trừ ái dục. Rồi Ngài chỉ dạy phương thức diệt trừ ái dục, chấm dứt đau khổ. Đó là Bát Chánh Đạo, bao gồm Giới, Định, Tuệ.
Như vậy, Phật Giáo không bi quan, cũng không lạc quan, mà thực tiễn. Người Phật tử không tự dối mình, cho rằng thế gian nầy quả thật là cảnh giới mong mỏi, và hạnh phúc vẫn phảng phất đâu đây. Phật Giáo không hề khuyên bảo chúng ta phải tin rằng mọi việc đều tốt đẹp trong kiếp sống nầy hay trong kiếp tới. Phật Giáo không mê hoặc con người bằng những liều thuốc ngủ: "Con hãy uống viên thuốc nầy. Khi Tử Thần đến, liều thuốc nầy sẽ cứu con tỉnh dậy và con sẽ sống vĩnh viễn, mãi mãi đẹp đẽ và vinh quang."
Người Phật tử có thái độ của người thấy con rắn bò dưới chân, tự nhủ rằng đây là một sinh vật nguy hiểm, rồi tìm cách lánh xa, không âu sầu ủ dột, ngồi yên một chỗ để than khóc vái van, hoặc tự dối mình, mãi mê vui chơi, lờ hẳn thực tế. Người Phật tử hành động như vậy cũng không phải là đào tẩu, vì đào tẩu là lẫn trốn, sợ bỏ chạy, không dám ứng phó với những bất hạnh của đời sống. Người đào tẩu khác hẳn với người biết suy tư, đang nỗ lực chạy thoát ra khỏi cảnh hiểm nguy.
Hằng ngày ta có thể kinh nghiệm và nhận thức tánh cách vô thường của vạn pháp. Hoa nở rồi tàn. Con người sanh ra, trưởng thành, rồi chết. Mọi sự vật đều luôn luôn biến đổi. Không có cái gì tồn tại vững bền trong hai khoảnh khắc kế tiếp. Do lý vô thường có đau khổ. Đau khổ là một thực tại của đời sống. Đau khổ dính liền với đời sống, Phật Giáo dạy chúng ta tận dụng khả năng để quan sát, suy luận, và đối phó với thực tế.
Trong bộ Samyutta Nikàya, Tạp A-Hàm có đoạn như sau:
Một lần nọ, Đức Thế Tôn ngự tại Kosambi, trong khu rừng cây simsapa. Lúc ấy, nắm trong tay một nắm lá, Ngài hỏi các vị tỳ khưu: "Các con nghĩ thế nào, nầy chư Tỳ Khưu, số lá nằm trong bàn tay Như Lai và số lá trên cây trong khắp khu rừng nầy, số lượng nào nhiều hơn?
-- Bạch Hoá Đức Thế Tôn, số lá nằm trong tay Ngài hẳn thật không bao nhiêu, nhưng lá trên cây trong khắp khu rừng nầy thì rất nhiều.
-- Cùng thế ấy, nầy chư Tỳ Khưu, những gì Như Lai chứng ngộ mà không truyền dạy, quả thật là nhiều, như số lá trên cây. Như Lai chỉ truyền dạy một ít.
Tại sao? Nầy chư Tỳ Khưu, tại sao Như Lai không truyền dạy tất cả?
Nầy chư Tỳ Khưu, là bởi vì có những điều quả thật vô ích, không thiết yếu để có đời sống thanh cao trong sạch, những điều không dẫn đến nhàm chán, dứt bỏ, chấm dứt, an tịnh, thấu đạt trọn vẹn, giác ngộ, Niết Bàn. Vì vậy, nầy chư Tỳ Khưu, Như Lai không công bố những điều ấy.
Và nầy chư Tỳ Khưu, Như Lai công bố những gì?
Đây
là đau khổ;
Đây
là nguyên nhân sanh đau khổ;
Đây
là sự chấm dứt đau khổ;
Đây
là con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ.
Đó là những điều mà Như Lai công bố. Và tại sao, nầy chư Tỳ Khưu, Như Lai công bố những chân lý ấy? Bởi vì các chân lý ấy hữu ích, thiết yếu để có đời sống thanh cao, trong sạch, dẫn đến nhàm chán, dứt bỏ, chấm dứt, an tịnh, thấu đạt trọn vẹn, giác ngộ, Niết Bàn. Vì vậy, nầy chư Tỳ Khưu, Như Lai công bố các chân lý ấy."
Chú thích:
[1] Chặp tư tưởng, hay sát-na tâm, được giải thích là một phần triệu, triệu của khoảng thời gian một cái chớp.
[2] Xem đoạn về Hành Khổ
(http://www.budsas.org/uni/u-4de-pkk/4de-01.htm)