Đức Đạt Lai Lạt
Ma thứ 14 & Mike Austin
VẦNG SÁNG TỪ PHƯƠNG ĐÔNG
Thích Nhuận Châu dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
Nhà xuất bản Lao Động
NHỊ ĐẾ
MIKE AUSTIN: Xin ngài trình bày về hai loại chân lý: chân lý tuyệt đối và chân
lý quy ước. Chúng là gì, và vận hành như thế nào?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Điều này rất quan trọng. Lấy cái bàn này làm thí dụ. Nếu người
ta tìm kiếm đối tượng thể hiện - tự thân cái bàn - thì không thể nào tìm ra
được. Nếu người ta chia cái bàn ra từng phần theo ý nghĩa chiều kích vật thể
hoặc theo phẩm tính chất lượng, thì không thể nào tìm ra được tính chất tổng
thể cái bàn là gì.
Thực vậy, đối với tâm thức chúng ta, có sự phân biệt rõ ràng giữa toàn thể và
từng phần khi chúng xuất hiện trước chúng ta, dường như cái toàn thể tách biệt
với từng phần - các phần tách biệt với toàn thể.
Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy. Bây giờ, khi khảo sát theo hướng này,
chúng ta sẽ không bao giờ thấy được cái bàn. Dù vậy, sự không tìm thấy này
không có nghĩa là cái bàn không hiện hữu. Chúng ta đang sử dụng nó, đúng không?
Nhưng nếu chúng ta tìm kiếm, thì chúng ta không thấy nó.
Thế nên có hai cách thức tồn tại của cái bàn. Một là sự thừa nhận “cái bàn”
bằng tâm thức mà không cần phải phân tích, và “cái bàn” chỉ hiện hữu theo quy
ước. Loại “cái bàn” ấy chỉ được tìm thấy trong dạng tâm thức ấy. Tuy nhiên, nếu
bạn xem “cái bàn” như là một đối tượng, nếu bạn không hài lòng với chỉ cái vật
thể mà bạn đặt tay lên, mà tìm kiếm để khám phá xem nó thực sự là gì trong các
phần - hoặc phần này là “cái bàn”, hay phần kia là “cái bàn” - thì sẽ không có
bất cứ điều gì có thể tìm thấy được là “cái bàn”. Tại sao có sự không tìm thấy
cái bàn? Vì “cái bàn” là một cái gì đó mà nếu tìm kiếm bằng phân tích sẽ không
thể thấy được.
Bây giờ tâm thức khám phá được gì qua việc tìm kiếm “cái bàn” trong những bộ
phận của nó? Chỉ tìm thấy được sự không tìm thấy cái bàn. Chính tự thân sự
không tìm thấy này là một tính chất của cái bàn, là tính chất cơ bản, nền tảng
của nó. Sự không tìm thấy này là bản chất tối hậu của cái bàn. Những gì vi tế
hơn không hiện hữu. Do vậy, đây chính là phương thức tuyệt đối hay tối hậu để
thiết lập nên thực thể gọi là “cái bàn”.
Kiểu tồn tại này được tìm thấy trên phương diện đồng nhất “cái bàn” và tính
chất cơ bản, nền tảng của nó. Do vậy, sự không tìm thấy của cái bàn là kiểu tồn
tại thực sự của cái bàn.
Như vậy, dựa trên một cơ sở, cái bàn có hai bản tính: một được tìm thấy bởi tâm
không phân tích, và một được tìm thấy bởi tâm phân tích. Rồi dựa trên một cơ sở
khác, có một đối tượng được tìm thấy bởi tâm thức phân biệt thực tại tuyệt đối
và một đối tượng được tìm thấy bởi tâm thức phân biệt theo quy ước. Vì thế nên
nói rằng: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc.” Hai điều này loại trừ lẫn
nhau. Hai sự thực ấy chỉ là một thực thể nhưng chúng loại trừ lẫn nhau.
MIKE AUSTIN: Loại trừ lẫn nhau như thế nào?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Về mặt hiện tượng, cái gì là chân lý tuyệt đối thì chẳng phải
là chân lý quy ước và ngược lại.
MIKE AUSTIN: Vậy sẽ là sai lầm khi nói rằng chúng khẳng định lẫn nhau?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Cái này không khẳng định cái kia. Dù vậy, nếu bạn dựa vào thực
tại tuyệt đối hoặc tánh không của cái bàn như là nền tảng và tìm kiếm xem nó có
thể tìm được không, thì nó sẽ trở thành chân lý quy ước theo nghĩa chính nó là
nền tảng đó. Trong mối tương quan với cái bàn, tánh không của nó là một chân lý
tuyệt đối, nhưng trong tương quan với thực tại của chính nó, có nghĩa là thực
tại của thực tại, thì đó là chân lý quy ước.
Nếu có cái gì đó là phương thức hiện hữu của chính nó thì thật mâu thuẫn! Do
vậy, thực tại của một cái gì đó không phải là thực tại của chính nó. Điều này
là bởi vì khi thực tại được tìm kiếm, khi bản chất của sự vật được tìm kiếm,
thì cũng đều không thể tìm được.
MIKE AUSTIN: Khi tánh không lần đầu tiên trình hiện trong tâm, nó như thế nào?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Cho dù thuật ngữ pháp tánh không có ý phủ định chút nào trong
đó, nhưng khi điều đó - thể tính hay thực tại của hiện tượng - trình hiện trong
tâm, thì nó phải trình hiện qua cội nguồn của sự phủ định. Sự phân biệt này rất
quan trọng.
Tôi sẽ trình bày trong ngữ cảnh về Nhị đế được đề ra trong tác phẩm Căn bản
Trung quán luận tụng của ngài Long Thụ. Phải chăng khi tồn tại trên cơ sở tự
tính được tìm ra, nó chẳng được lập thành bởi vì nó không tồn tại, hoặc dù nó
tồn tại, nó cũng không được tìm thấy bởi vì nó không thể nào có được dưới sự
phân tích? Chính là điều thứ nhất. Khi bạn quán sát cách thức sự vật trình hiện
trong tâm thức mình, thấy chúng xuất hiện như thể chúng được tìm thấy bằng sự
phân tích. Do vậy, nếu hiện tượng tồn tại như cách chúng trình hiện trong tâm
chúng ta, thì khi bạn quán sát chúng, chúng sẽ càng trở nên rõ ràng hơn. Thực
tế là chúng không như vậy, mà là một dấu hiệu rằng chúng không tồn tại như cách
chúng trình hiện. Nói tóm tắt, dù chúng trình hiện như chúng tồn tại trên cơ sở
tự tính, chúng vẫn không hiện hữu theo phương thức ấy.
Trong tâm bạn ban đầu đã có cảm giác rằng đối tượng không hiện hữu theo cách nó
đang trình hiện. Khi bạn quen với suy nghĩ này rồi, cuối cùng bạn sẽ có sự
khẳng định rằng đối tượng không tồn tại chút nào theo cách chúng đang trình
hiện. Ngay lúc đó, cảm nhận riêng của bạn về sự trình hiện là một kinh nghiệm
về sự trống rỗng, vốn chỉ đơn giản là không có sự tồn tại trên cơ sở tự tính.
Ngay khởi đầu của tiến trình này, đối tượng - cái này vốn là không - có thể vẫn
trình hiện. Theo cách dễ hiểu, như khi xem phim, bạn có thể phân biệt hai thời
gian khác nhau. Trong cả hai trường hợp, hình ảnh đều xuất hiện qua nhãn thức
bạn. Nhưng trong trường hợp thứ nhất, người ta chỉ quan sát hình ảnh, trong khi
với trường hợp thứ hai, bạn luôn có suy tưởng chắc chắn rằng điều này không hề
tồn tại như một sự kiện có thực.
Nếu bạn duy trì và phát huy ý tưởng rằng chúng không hiện hữu - nếu bạn tập
trung vào tính phi hiện hữu của nó - thì dần dần sự trình hiện sẽ tự biến mất.
Điều này là do nơi điều kiện tiên khởi tức thì của nhãn thức sẽ bắt đầu giảm
trừ đi. Do vậy, khi bạn bắt đầu khẳng định tánh không, đó chỉ đơn thuần là sự
phủ định hay vắng bặt của đối tượng phủ định - sự tồn tại trên cơ sở tự tính
được khẳng định. Ngay cả cho dù ban đầu đối tượng vẫn xuất hiện, thì dần dần
với sự tập trung vào tánh không, đối tượng sẽ biến mất. Rồi nhờ vào sự quán sát
tánh không của đối tượng, nên khi đối tượng tái trình hiện thì bạn sẽ sinh khởi
ý tưởng là nó không tồn tại theo như vẻ ngoài của nó.
Đây được gọi là trình hiện như huyễn. Đến mức này bạn có thể chế ngự được phiền
não của mình. Những tâm thức mê lầm này không còn cách nào để hiện hành vì
không còn sự hỗ trợ của ý niệm tồn tại trên cơ sở tự tính. Dù đối với người sơ
cơ, còn có những trường hợp khi ý niệm tồn tại trên cơ sở tự tính hoạt động như
một trợ thủ cho tâm thức đúng đắn, nói chung, không cần thiết một tâm thức như
vậy phải có sự giúp sức của sự nhầm lẫn về bản tính của sự hiện hữu.
Do vậy, một tâm thức nhận ra rằng đối tượng không tồn tại theo cách riêng của
nó sẽ rất có ích để ngăn ngừa sự phát triển phiền não, trong khi đó không làm
chướng ngại một tâm thức tốt lành.
MIKE AUSTIN: Trong khoảnh khắc nhận thức được tánh không - khi đối tượng biến
mất - cảm giác đó như thế nào?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Tôi chỉ nêu ra một ví dụ truyền thống. Chẳng hạn, hình chiếu
trong gương của một khuôn mặt là tánh không của cái đang là khuôn mặt, nhưng
tánh không của cái đang là khuôn mặt đó thì không có thực; tánh không của nó
tồn tại trên cơ sở tự tính của đối tượng thì có thực. Khi từ trong sâu thẳm của
tâm nhận ra sự vắng bặt dạng tồn tại của đối tượng, thì đến mức đó, các thức
khác không còn được phát huy nữa. Ngay cả ý niệm “đây là tánh không” cũng không
được tạo ra. Nếu bạn có ý tưởng “đây là tánh không”, thì tánh không ấy sẽ xa
lìa ngay. Cũng giống như một đối tượng dưới sự quán sát. Nó sẽ không đạt đến
mức hiện hữu như một đối tượng có thực của sự lĩnh hội bởi tâm thức.
MIKE AUSTIN: Thế là có sự biến mất ý niệm nhị nguyên?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Không, ngay cả ở đây vẫn còn ý niệm nhị nguyên. Có ý niệm nhị
nguyên của trình hiện từ đối tượng quy ước cũng như của trình hiện từ ý niệm về
tánh không.
MIKE AUSTIN: Nếu ngài muốn mô tả chính ý niệm về mặt quy ước, ngài có cho rằng
nó trong sáng, rỗng không, sống động và toả chiếu hay không?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Điều ấy rất khó mô tả. Để giải thích điều này chính xác thì rất
khó. Có nhiều dạng trình hiện nhị nguyên khác nhau. Một là trình hiện theo quy
ước - đối tượng như chúng ta thường thấy. Rồi có trình hiện của tồn tại trên cơ
sở tự tính; cũng có trình hiện của chủ thể và đối tượng như thể khác biệt nhau
và trình hiện của một hình tượng chung - hình tượng bao trùm mọi đối tượng
trong một nhóm đặc thù. Khi người ta đã quen với tâm trực nhận tánh không - tu
tập và thậm chí đi xa hơn và vượt lên trên định đẳng trì - và điều đó trở thành
trực giác; thì đối với tâm thức ấy các dạng trình hiện nhị nguyên đều mất sạch.
MIKE AUSTIN: Không có sự chiếu soi tự nhiên hoặc toả sáng đối với trình hiện
tánh không hay sao?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Không, nhưng về phương diện thực hành Tan-tra thừa lại là
chuyện khác. Đó không phải là từ quan niệm về tánh không, mà từ ý thức. Nhờ vào
sự chuyển hóa các thức thô động hơn mà có nhiều dạng trình hiện khác nhau.
Những trình hiện này là kết quả từ tâm thức vi tế hơn cũng như sự liên hệ với
thân được cấu tạo bởi những thành phần trắng, đỏ, v.v...
MIKE AUSTIN: Xin ngài có thể mô tả tâm của một đức Phật?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Những điều gì ngăn trở tâm đạt đến nhất thiết trí được gọi là
sở tri chướng. Về mặt sở tri chướng, còn có những tiềm năng được an lập bằng ý
niệm tồn tại trên cơ sở tự tính, và nguyên nhân khiến đối tượng hiện ra như thể
chúng tồn tại trên cơ sở tự tính hoặc hiện hữu một cách cụ thể. Cho dù hiện hữu
hư vọng của đối tượng chủ yếu là sai lầm của chủ thể - thức nhận biết đối tượng
ấy - nhưng cũng có thể có một số hiện tượng hư vọng của đối tượng là do tự
chúng bị nhiễm ô bởi vô minh hoặc những tiềm thể của vô minh. Từ trình hiện này
- thuộc đối tượng tồn tại trên cơ sở tự tính - có sự nhiễm ô khiến nhận thức về
nhị đế là hai thực thể khác biệt. Do sự nhiễm ô này, khi hiện tượng sinh khởi,
chúng dường như hiện hữu theo cách riêng của chúng, vì thế nên ngăn cản sự
trình hiện thực tại của chúng.
Tương tự, trong khi thực tại của đối tượng trình hiện thì chính đối tượng lại
không thể hiện ra. Chúng ta đang nói về sự trực nhận. Tuy nhiên, một khi sở tri
chướng này được loại trừ thì trong lúc nhận biết một đối tượng người ta có thể
biết được bản chất của chúng, và khi nhận biết được bản chất người ta có thể
biết được đối tượng. Khi ấy, tâm thức con người có thể trực nhận tức thời cả
đối tượng và bản chất của chúng.
Thế nên nhất thiết trí - từ quan niệm nhận biết đối tượng quy ước - là tâm thức
nhận ra được sự đa dạng của mọi hiện tượng. Từ quan niệm cái biết của thức về
bản chất của đối tượng, nó là tâm thức nhận biết phương diện thức hiện hữu của
các đối tượng, có nghĩa là tánh không. Nhưng đó chỉ là một tâm thức mà biết
được cả hai phương diện. Đây là khía cạnh đặc biệt về nhất thiết trí của đức
Phật.
MIKE AUSTIN: Tại sao nhất thiết trí tùy thuộc vào sự giải trừ câu sanh phiền
não thông qua tâm từ?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Động cơ để mong cầu nhất thiết trí là để cứu giúp người khác.
Để làm được như vậy, chúng ta phải biết cách cứu giúp người khác. Thế nên,
không được để cho bất cứ điều gì ngăn trở. Những sự nhiễm ô làm chướng ngại tri
kiến về những địa vị tu chứng khác nhau, những điều quan tâm, v.v... của hành
giả, đều là trở ngại chính của một vị Bồ Tát. Dù trong bất cứ trường hợp nào
thì sở tri chướng cũng không bao giờ có ích cho vị Bồ Tát. Trong khi đó, những
trở ngại cho sự giải thoát, tức là những phiền não, đôi khi lại có ích trong
việc lợi lạc cho kẻ khác (như khi người lãnh đạo có nhiều con cái để giúp cho
ông ta trong việc cai trị).
Việc sử dụng nhận thức về tánh không như sự đối trị sở tri chướng phụ thuộc rất
nhiều vào nguyện lực. Ngay cả sự nhận biết về tánh không trong tiến trình tương
tục của một vị Thanh văn hay Độc giác cũng không khác với sự nhận biết trong
tiến trình tương tục của một Bồ Tát Đại sĩ, nhưng vị Bồ Tát có khả năng đối trị
được sở tri chướng là nhờ vào nguyện lực và cũng nhờ vào công đức lớn lao.
Không có cách nào để sự tích tập trí tuệ dẫn đến thành tựu vị mà không có sự
tích tập công đức. Giống như khi bạn muốn đỡ một cây xà nhà, bạn cần phải dựng
lên hai cây cột. Dù bạn không cần cây cột này để dựng lên cây cột kia, nhưng để
đỡ cây xà lên thì nhất thiết phải dùng đến cả hai cây cột. Cũng vậy, để cho
nhận thức về tánh không trở thành Pháp thân Phật, nhất thiết phải có đủ những
nguyên nhân thiết yếu để phát sinh một Sắc thân.
MIKE AUSTIN: Làm thế nào để phương tiện từ bi và trí tuệ tánh không được hoàn
toàn đồng nhất với nhau?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Trong Viên mãn thừa, có sự mô tả về trí tuệ và phương pháp kết
hợp. Ví dụ, trước khi hành giả đi vào tu tập định lực đẳng trì về tánh không,
hành giả phải phát nguyện tu tập đạt đến giác ngộ vì tâm nguyện muốn cứu vớt
mọi chúng sinh. Thế nên tu tập định lực đẳng trì sẽ được kết hợp với nguyện lực
là tâm từ bi. Cũng vậy, khi hành giả tu tập hạnh từ bi - như bố thí, trì
giới.v.v... - thì những điều này phải được kết hợp với động lực của tâm trực
nhận tánh không. Thế nên trong phương pháp này, có sự hợp nhất của trí tuệ và
phương tiện, phương diện này ảnh hưởng đến phương diện kia.
Trong Man-tra thừa, có sự hợp nhất giữa phương tiện và trí tuệ trong tâm thức,
và còn là khía cạnh sâu thẳm hơn về sự hợp nhất trong Vô thượng Du-già Tan-tra.
MIKE AUSTIN: Trong tâm chư Phật, tính diệu lạc được hợp nhất với điều này như
thế nào?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Vâng, có cảm nhận về diệu lạc. Trong tâm niệm của chư Phật, mọi
hiện tượng đều là trình hiện thanh tịnh, và là trình hiện diệu lạc.
MIKE AUSTIN: Từ nhận thức riêng của một vị Phật, liệu hiện nay đau khổ có tồn
tại trong ngài hay không?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Có, nhưng không phải từ nhận thức riêng của đức Phật, mà là do
sự hiện hữu của đau khổ ở những người chịu đựng khổ đau.
MIKE AUSTIN: Trình hiện tồn tại trên cơ sở tự tính có diễn ra trong đức Phật
không?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Có, nhưng không phải từ nhận thức riêng của ngài, mà qua cách
trình hiện đối với một người chưa từ bỏ được sở tri chướng. Sự trình hiện tồn
tại trên cơ sở tự tính, nói chung là có hiện hữu. Nếu một sự kiện nào đó hiện
hữu và nó lại không hiện hữu đối với đức Phật thì sẽ là một sự mâu thuẫn. Do
vậy, bất kỳ sự hiện hữu nào cũng đều có hiện hữu đối với đức Phật, nhưng không
nhất thiết phải là từ nhận thức riêng của ngài. Chính là thông qua năng lực
trình hiện của nó đối với người khác và chỉ qua đó mà nó thực sự trình hiện.