V: Đời Sống Tinh Thần

21 Tháng Tám 201000:00(Xem: 28012)

ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT
Thực hiện với sự hợp tác của MATTHIEU RICARD
Chuyển ngữ từ tiếng Tây tạng sang tiếng Pháp: CHRISTIAN BRUYAT
Chuyển ngữ Pháp Việt: Hoang Phong Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội 2009

V
ĐỜI SỐNG TINH THẦN

Lời khuyên người tin vào tôn giáo

Tất cả mọi người đều có quyền có niềm tin hay không. Tuy nhiên khi đã theo một tôn giáo nào và tin vào những gì tôn giáo ấy thuyết giảng thì hãy xem trọng những lời thuyết giảng ấy và nhất là tránh đừng có hôm nay thì tin, ngày mai thì lại không. Chớ nên hành động bừa bãi, lời nói phải đi đôi với sự suy nghĩ.

Một số người nghĩ rằng : « Nếu tôi đã đặt niềm tin vào Phật giáo thì tôi phải hội đủ khả năng để sống một cách hoàn toàn và trọn vẹn, còn nếu không thì tôi sẽ bỏ đạo !». Thái độ muốn « được tất cả hay là bỏ hết » là một thái độ thường thấy ở người Tây phương. Tiếc thay, chẳng có cách nào giúp ta đạt được sự toàn thiện một cách nhanh chóng cả. Muốn đi đến đích phải tập luyện từ từ : có phải đấy là điều cốt yếu hay chăng ? Ta cũng không nên nói rằng : « Dù có tập hay không tập thì cũng thế, tôi sẽ chẳng bao giờ làm được ! ». Hãy tự đặt cho mình một mục tiêu rõ rệt và dùng mọi cách để đạt cho được mục tiêu ấy thì từ từ thế nào rồi ta cũng sẽ thực hiện được.

Mỗi người có một bản chất khác nhau, cái thích nghi cho người này lại có thể không phù hợp với kẻ khác. Đấy là một điều luôn luôn phải ghi nhớ khi phán đoán về các tôn giáo và các con đường tâm linh khác. Sự đa dạng của tín ngưỡng tương ứng với sự đa dạng của con người. Ngay cả trong trường hợp không bắt buộc ta phải nhìn tín ngưỡng trên khía cạnh đa dạng đó đi nữa thì vẫn có nhiều người đã và sẽ tìm thấy sự trợ giúp lớn lao của tín ngưỡng. Hãy ghi nhớ điều ấy trong lòng, nhất là vì mọi tôn giáo đều xứng đáng để được kính trọng. Điều này vô cùng hệ trọng !

Còn một điều khác cần nói thêm là tất cả các tôn giáo đều có những nghi lễ cá biệt, tuy nhiên mỗi tôn giáo đều hàm chứa một số sắc thái có tính cách cơ bản hơn. 

Chẳng hạn như trong cách tu tập của Phật giáo thì điều cốt yếu là phải khắc phục được tâm thức. Đấy không phải là một việc dễ dàng vì nó đòi hỏi một sự cố gắng thật kiên trì, thế nhưng nhiều người lại cứ xem đó là một việc thứ yếu. Một mặt thì họ tin vào giáo lý Phật giáo, mặt khác thì lại không đủ sức để biến niềm tin của mình thành hiện thực. Người tu tập chỉ biết an lòng với những nghi thức lễ lạc bên ngoài, những màn trình diễn hào nhoáng của lễ bái, còn kinh kệ thì đọc trên đầu môi cho có lệ.

Trong các nghi lễ Tây tạng, người ta thích dùng trống, chuông, chũm choẹ và các loại nhạc cụ khác. Nhiều người nhìn vào đó và cho rằng : « Đấy là những người đang lo tu tập Phật giáo ! ». Tuy nhiên thật sự thì việc tu tập không hẳn là đúng như thế. Đấy chỉ là cách giúp cho họ tránh sự xao lãng không tập trung được tâm thức để nhận thấy những ảo giác trong thế gìới này để biểu lộ tình thương, lòng từ bi và tinh thần Giác ngộ. Cách tu tập ấy đòi hỏi thật nhiều nghị lực và sự tập trung cao độ của tâm thức và đấy mới thật sự là cách tu tập thâm sâu của Phật giáo. Có phải thế hay chăng ? 

Người ta cũng thấy một hiện tượng tương tự đối với những người theo Thiên chúa giáo. Đi lễ nhà thờ ngày chủ nhật, đọc thật nhanh vài lời cầu nguyện, mắt thì nhắm lại, nhưng khi phải đối đầu với những khó khăn thường nhật thì trong trí lại phát sinh mọi ý nghĩ không phù hợp chút nào với tôn giáo của mình, không có một khả năng nào để phát lộ đức tin hay một thái độ thích đáng với lời dạy của Đấng Ki-tô.

Dù sao đi nữa, những điều ấy cho thấy ta chẳng có gì biến đổi cả, vẫn rập khuôn như những kẻ khác mà thôi. Ta chỉ biết tỏ lộ đức tin trong khoảng thời gian của một buổi lễ nhưng trên thực tế thì tuyệt nhiên không thực thi được một điều gì thuộc vào đức tin của mình cả.

Tôn giáo cũng tương tự như một phương thuốc điều trị. Phương thuốc ấy mang lại hiệu quả khi ta ốm đau, nhưng không phải lúc ta đang khoẻ mạnh. Khi mọi sự đều tốt đẹp thì đâu cần mang thuốc men ra khoe với kẻ khác và bảo với họ rằng : « Cái này thật tuyệt vời, cái này đắt, cái này màu sắc rất đẹp ». Dù dáng dấp bên ngoài như thế nào thì chức năng duy nhất của một phương thuốc vẫn là việc chữa trị cho lành bịnh. Nếu thuốc men không mang đến một lợi ích nào cả khi ta thật sự cần đến thì cũng không nên phô bày chúng ra làm gì. Tương tự như vậy, một tôn giáo hay một con đường tu tập tâm linh phải tỏ ra hữu hiệu vào những lúc tâm thức gặp khó khăn. Nếu ta cứ tiếp tục phô trương tín ngưỡng khi mọi sự đều trôi chảy, nhưng đến lúc phải đối đầu với khó khăn mà ta cũng chẳng hơn gì những kẻ thường tình thì như thế có ích lợi gì đâu ?

Điều quan trọng chính là làm sao để thấm nhuần thật sâu vào tâm thức những lời giảng huấn hay cách tu tập mà ta đã thu nhận được và đem chúng ra áp dụng vào đời sống thường nhật. Đấy là một điều không thể làm được ngay tức khắc mà chỉ có thể khắc phục dần nhờ vào sự tập luyện chuyên cần. 

Lời khuyên người không tôn giáo

Số người không tôn giáo rất đông. Đó là quyền của họ mà không ai có thể ép buộc họ phải thay đổi. Điều quan trọng là cuộc đời họ cần có một ý nghĩa nào đó, tức là từ trong thâm tâm, họ phải được sung sướng... Cứ đi tìm hạnh phúc nhưng không được làm hại kẻ khác. Nếu như sự toại nguyện của họ lại phát xuất ? đến ? từ những khổ đau của kẻ khác thì sớm muộn chính họ cũng sẽ gánh chịu khổ đau.

Đời sống con người kéo dài tối đa khoảng một trăm năm và nếu so sánh với những kỷ nguyên địa chất thì thật là quá ngắn. Nếu trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy mà ta làm những việc độc ác thì cuộc đời ta sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng hạnh phúc nhưng không ai được phép phá hoại hạnh phúc của người khác. Mục đích sự hiện hữu của con người là không được làm cho bất cứ ai đau khổ. Dù cho ta đạt đến tột đỉnh của giàu sang và hiểu biết nhưng nếu không có lòng từ bi và không biết kính trọng người khác thì sự hiện hữu của ta cũng chẳng xứng đáng là sự hiện hữu của con người. Cứ vui sống trong hạnh phúc và tránh tối đa không làm thiệt hại cho người khác, đấy là những gì mà con người có quyền và đây cũng là điều đáng mang ra để áp dụng cho mình. 

Phần đông chúng ta cho rằng hạnh phúc tùy thuộc vào sự chiếm hữu của cải vật chất. Tuy nhiên thật hết sức rõ ràng là của cải vật chất không hội đủ điều kiện để mang lại hạnh phúc. Chỉ cần nhìn chung quanh là ta cũng sẽ thấy ngay điều này. Nhiều người có đầy đủ tiện nghi nhưng thường xuyên phải uống thuốc an thần, hoặc rơi vào cảnh rượu chè say sưa cốt để làm nhẹ bớt âu lo. Ngược lại là những người không có gì cả nhưng lại hạnh phúc, thư giãn, khoẻ mạnh và sống lâu.

Tôi xin nhắc thêm một lần nữa rằng điều quan trọng hơn hết không phải là sự thoả mãn thô thiển và nhất thời của các cơ quan giác cảm mà chính là sự thoả mãn trong tâm thức. Vì thế muốn trở thành một người tốt thì phải giúp đỡ kẻ khác, kềm bớt tham vọng và hài lòng với số phận của mình, và đây là những điều không nhất thiết chỉ dành riêng cho những người có tôn giáo. Tôi nói ra những điều đó không phải để làm vui lòng một vị Trời hay để bảo đảm sẽ được tái sinh trong những điều kiện tốt đẹp. Tôi chỉ ngụ ý rằng nếu những ai muốn tìm thấy sự an bình trong nội tâm thì không thể nào không nghĩ đến những điều vừa nói trên đây.

Tiến bộ kinh tế và kỹ thuật càng gia tăng lại càng làm cho chúng ta ràng buộc vào nhau nhiều hơn, tức là bị lệ thuộc giữa người này với người kia nhiều hơn. Tất cả những gì ta làm đều tạo ra ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới này và những ảnh hưởng ấy sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra mà thôi. Tình trạng chung của thế giới lại phản hồi và ảnh hưởng đến hạnh phúc hay khổ đau của từng cá nhân. Không như trong quá khứ, ngày nay khi phóng nhìn vào mọi sự vật thì tầm nhìn của ta cũng cần phải mở rộng và vượt lên trên những quan điểm hẹp hòi. Ta không thể chỉ nhìn thấy một yếu tố duy nhất hay một nguyên nhân duy nhất là đủ mà phải quán xét mọi sự trên thật nhiều khía cạnh.

Tôi không có ý nói rằng ta phải chối bỏ hạnh phúc của mình và hy sinh tất cả cho hạnh phúc của người khác. Tôi chỉ muốn nói là cả hai không thể tách rời nhau. Nếu như ta cảm thấy liên hệ đến sự an bình và hạnh phúc của tất cả mọi người trên địa cầu này thì hãy tập nhìn mọi sự một cách bao quát hơn và ý thức được tầm quan trọng ở thái độ của mỗi cá nhân.

Có khoảng sáu tỉ người trên địa cầu. Trong số sáu tỉ người ấy thì một phần lớn chỉ quan tâm đến những tiện nghi vật chất mà chẳng hề chú tâm gì đến tôn giáo hay đời sống tâm linh. Những người không-tôn-giáo chiếm phần lớn nhân loại, vì thế dĩ nhiên là cách suy nghĩ và hành vi của họ giữ một vai trò then chốt trong sự tiến hóa của thế giới này. Dù sao thì cũng đáng mừng vì sự kiện biết cư xử như một con người không cần phải dựa vào một tôn giáo nào cả mà chỉ cần là một con người !

Ngay cả súc vật cũng thế, những con thú biết sống hợp đoàn sẽ thu hút các con thú khác. Những con thú hung dữ sẽ làm cho các con thú khác bỏ chạy. Hãy nhìn những con chó hung hăng cũng sẽ thấy, những con chó khác dù to lớn hơn cũng tránh xa.

Điều đó cũng đáng để so sánh với cách cư xử của con người. Những ai tự chủ được mình, có những ý tưởng nhân ái và ngôn từ nhã nhặn thì nhất định sẽ có nhiều bạn hữu hơn. Người khác sẽ cảm thấy an lành bên cạnh họ và ngay cả súc vật cũng muốn đến gần họ. Bất cứ trong hoàn cảnh nào họ cũng tạo ra được một bầu không khí êm ái mà kẻ khác không muốn rời xa. 

Ngược lại, khi ta có những ý tưởng bấn loạn không kiểm soát được, ngôn từ khiêu khích và hành vi hung hăng, thì nhất định kẻ khác sẽ lánh xa và họ sẽ cảm thấy khó chịu khi bị bắt buộc phải tiếp xúc với ta. Họ sẽ không quan tâm đến những gì ta muốn nói, có thể ta chưa kịp cất lời thì họ đã tìm cách ngoảnh mặt đi nơi khác. Họ không thể nào tìm thấy hạnh phúc hay vui đùa bên cạnh ta được. Cuộc sống của ta sẽ trở nên khó khăn hơn, có đúng thế không ?

Dù rằng chúng ta quá đông đúc trên địa cầu này nhưng mỗi người trong chúng ta chỉ biết nghĩ đến riêng mình mà thôi. Ta lệ thuộc vào kẻ khác để có thức ăn, có áo mặc, có một chỗ đứng trong xã hội, để trở thành nổi tiếng, nhưng dù thế ta lại xem những người liên hệ mật thiết với ta là kẻ thù. Có phải là hết sức phi lý không ?

Tuy nhiên, chỉ cần quan tâm đến kẻ khác bằng hành vi và ý nghĩ trong đầu thì ta sẽ tìm thấy hạnh phúc và an vui ngay trong cuộc sống này, đấy là tôi chưa kể đến những kiếp sống trong tương lai. Khi gặp phải khó khăn thì ta sẽ có người bên cạnh để tâm sự và giúp đỡ, chưa kể trường hợp mà kẻ thù của ta có thể sẽ trở thành bạn ta nữa.

Khi chỉ biết nghĩ đến bản thân mình và xem người khác là thù địch thì ta còn sẽ phải đương đầu với những khó khăn hết sức phi lý mà chính ta là người chịu trách nhiệm. Trong thế giới tân tiến ngày nay, nếu như sự sống bắt buộc phải cạnh tranh thì ta vẫn có thể làm tốt hơn người khác nhưng không cần phải đè bẹp họ.

Lời khuyên người tu hành,
các nhà sư và cố đạo

Hầu hết những người tu hành đều không lập gia đình. Cuộc sống độc thân được nhiều tôn giáo xem là rất quan trọng vì nhiều lý do khác nhau. Theo Phật giáo, nếu muốn đạt được Giác ngộ thì trước hết phải loại bỏ những nọc độc của tâm thức, khởi sự là những thứ nọc độc thô thiển nhất. Nọc độc nguy hiểm hơn hết là dục vọng, thứ nọc độc này chắc chắn sẽ buộc ta vào thế giới luân hồi, tức vòng tái sinh. Nếu nghiên cứu kỹ mười hai mối dây tương liên (1), giải thích mười hai giai đoạn trói buộc con người vào thế giới luân hồi, ta sẽ nhận thấy nghiệp trong quá khứ, nếu không có dục vọng tác động thì cũng không thể phát sinh ra quả được.

Trong số những thể loại khác nhau của dục vọng thì ham muốn dục tính là thứ mạnh nhất, bởi vì nó liên đới đồng loạt với tất cả các đối tượng của năm cơ quan giác cảm : hình tướng, âm thanh, mùi, vị và xúc giác. Vì thế nếu muốn loại bỏ dục vọng thì trước nhất phải tấn công vào thứ dục vọng nóng bỏng nhất. Tiếp theo sẽ nhắm vào những dục vọng khác, từ thô thiển đến tinh tế. Khi chận đứng được dục vọng và tìm thấy sự vui thú, người tu tập sẽ dần dần thăng tiến và tránh được sự bám víu. Trên đây là quan điểm của Phật giáo. Về phần các tôn giáo khác thì mỗi tôn giáo đều có cách giải thích riêng của mình.

Trên phương diện thực tế, cuộc sống xuất gia đòi hỏi phải sống độc thân vì độc thân sẽ giải thoát cho người tu tập một phần lớn những ràng buộc đem đến mọi thứ phiền toái cho họ. Các tỳ kheo ni và các nhà sư khi đã lánh xa cuộc sống thế tục sẽ không còn bận tâm vì kẻ khác nhìn vào mình. Họ ăn mặc rẻ tiền và các nhu cầu vật chất thì được hạn chế tối đa.

Khi lập gia đình thì dù muốn hay không, ta cũng sẽ bị nô lệ cho một số ràng buộc xã hội. Phải chi tiêu nhiều hơn so với trước đây khi còn độc thân ; và thói thường khi càng tiêu xài thì lại càng phải làm việc, tính toán và hoạch định nhiều hơn. Càng làm việc và hoạch định nhiều thì lại càng phải đối đầu với những sức mạnh đối nghịch phát sinh, để rồi càng dễ bị xui khiến phạm vào những hành vi gây thiệt hại cho người khác. Những người nữ tu và các linh mục Thiên chúa giáo, khi từ bỏ đời sống gia đình để chọn đời sống tu hành, thì phải cầu nguyện từ năm đến sáu lần mỗi ngày, đọc sách, suy tư và gần như không có một sinh hoạt nào có tính cách thế tục. Cách thay đổi lối sống như thế mang đến thật nhiều lợi điểm.

Đến khi lìa đời thì người tu hành sẽ được thanh thản hơn. Thông thường thì những kẻ khác luôn có nhiều âu lo : « Con ta sẽ làm gì ? Ai đưa nó đi học ? Nó sẽ sống ra sao ? Còn vợ ta nữa, sẽ ra sao ? Làm thế nào mà ông chồng già của ta lo toan mọi việc cho xuể ? Rồi đây cô vợ trẻ của ta sẽ sống với một người đàn ông khác chăng... ». Nếu khi chết mà tránh được những điều buồn khổ như thế thì có phải là hay hơn không ?

Trong nhiều quốc gia, người cha là cột trụ duy nhất của gia đình. Nếu người cha ra đi thì người mẹ sẽ mất tất cả và rơi vào lo âu, không biết phải làm cách nào để sinh sống. Nếu có con cái thì cảnh huống lại trở nên thảm thương hơn nữa.

Khi chưa có gia đình thì ta hết sức bận tâm vì chưa tìm được người bạn đời. Thế nhưng khi đã có gia đình thì lại cũng không phải vì thế mà ta sẽ trở nên thanh thản hơn. Người đàn ông thì lo lắng không biết người vợ có còn nghe lời mình hay không, và người vợ thì không biết mình có còn làm vui lòng người chồng như trước hay không. Quả là rắc rối.

Cưới hỏi cũng là dịp để tiêu phí những số tiền lớn. Lễ cưới phải thật vĩ đại. Ở Ấn độ, người ta thường bỏ ra một phần lớn gia tài vào việc cưới hỏi. Thường thì họ tiện tặn đến độ không dám ăn tiêu. Sau lễ cưới, có gia đình lại gặp cảnh khổ đau vì không có con trong khi nhiều gia đình khác thì có thể có nhiều con nhưng lại không muốn nên phải phá thai.

Tránh được những thứ khổ sở ấy có phải là nhẹ nhàng hơn không ? Các nữ và nam tu sĩ đôi khi cũng có thể tự hỏi có nên chọn đời sống lứa đôi hay không, nhưng tốt hơn hết là nên bỏ cái ý nghĩ ấy đi vì như thế có lẽ họ sẽ ít bận tâm hơn ? Đời sống độc thân quả thật thanh thản hơn nhiều.

Một số người nghĩ rằng tôi vừa nêu lên một quan điểm ích kỷ. Tôi không tin là như thế. Những người lập gia đình vì nghĩ đến bản thân họ chứ cũng chẳng phải vì sự tốt lành của người khác. Lập gia đình với mục đích vị kỷ tức là tìm hạnh phúc cho riêng họ nhưng cũng không mấy khi họ thành công. Trong khi đó những người đã thệ nguyện sống độc thân, các nữ tu và linh mục Thiên chúa giáo chẳng hạn, thì họ hy sinh tất cả để giúp đỡ người khác, tận tình chăm sóc những kẻ ốm đau. Tôi nghĩ đến Mẹ Teresa, không chồng con, không gia đình để hy sinh tất cả thời giờ cho người nghèo khó. Nếu có gia đình thì mọi thứ sẽ khó khăn hơn nhiều. Dù có đủ thiện chí đi nữa nhưng còn công việc nhà đang chờ đợi, còn con cái ở trường và những thứ khác để phải lo nữa.

Trong nội các chính phủ lưu vong của chúng tôi, nếu cử một vị sư đi công tác ở một nơi nào đó thì vị ấy sẵn sàng ngay. Nếu bảo vị này hãy đến một quốc gia nào đó thì chẳng khó khăn gì cả. Nếu gọi vị ấy về thì vị ấy về ngay. Cứ thử yêu cầu một thương gia làm những việc ấy thì sẽ thấy ngay là mọi sự sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Có thể người này sẽ trả lời rằng : « Tôi vừa mở thêm một cửa hàng mới, tôi còn phải ở lại đây, cho tôi xin lỗi vậy...». 

Đến đây, tôi cũng xin đề cập đến bổn phận của những người tu hành vì họ lại còn có bổn phận giáo dục kẻ khác nữa. Tông Khách Ba (Tsongkapa) (2) nói rằng bất cứ trường hợp ta bước theo một con đường tâm linh nào thì cũng không nên chỉ biết biến cải người khác mà không tự biến cải lấy chính mình. Chẳng hạn khi ta muốn giảng về những nguy hại của sự giận dữ thì chính ta cũng không được giận dữ, nếu không thì khó mà thuyết phục được ai khác. Đối với việc thuyết giảng về dục vọng và sự thoả mãn cũng thế. 

Về vấn đề này, một vị lạt-ma mà tôi biết có lần viết thư cho tôi kể rằng tại Tây tạng từ khoảng ba mươi năm trở lại đây, người Tây tạng đã xây dựng được nhiều tu viện với những ngôi chùa nguy nga và những pho tượng quý giá, nhưng trong thời gian đó tuyệt nhiên không thấy họ nói là đã xây lên được một trường học nào hay bệnh viện nào cả. Tôi tin chắc rằng nếu là những cố đạo Thiên chúa giáo thì họ sẽ không làm như thế. Những vị lạt-ma trẻ tuổi thì ban ngày mặc áo nhà tu một cách bình thường, nhưng đến tối thì thay trang phục và đi dự những buổi tiếp tân của thế tục và lại còn hành động như những nhân vật quan trọng hoặc giả dạng là những nhà kinh doanh giàu có. Tôi tự hỏi Đức Phật có làm như thế hay không. Họ còn công khai đeo cả những chiếc đồng hồ hiệu Rolex nữa... Nói thế chứ tôi cũng có một cái ! (Ngài bật cười thật to). Tôi có nó từ khi tôi thoát khỏi Tây tạng, chỉ có cái dây đeo thì không phải thứ thật ! Tôi tự nghĩ rằng có thể những vị lạt-ma đeo đồng hồ Rolex bằng vàng, đi xe sang trọng, nhưng khi họ gặp một bà cụ già ăn mày đói khổ thì chưa chắc họ đã ném cho bà cụ một cái nhìn.

Sự thật là như thế : Đức Phật thuyết giảng về sự khiêm tốn và tận tụy vì kẻ khác, nhưng chúng ta thì không hề bận tâm chút nào về những lời dạy ấy. Theo ý tôi, đấy là một trường hợp mà báo chí nên tố cáo những hành vi đạo đức giả. Đấy là việc quan trọng phải làm.

Đức Phật dạy phải thuyết giảng cho kẻ khác sao cho thích hợp với nhu cầu của họ và đồng thời phải giữ những hành vi của mình đi đôi với những gì mình giảng. Hãy tuân thủ giới luật trước khi truyền lại cho kẻ khác. 

Ghi chú :

 1- Kinh sách gốc Hán gọi là « Thập nhị nhân duyên ».
 2- Tông Khách Ba (Tsongkhapa) (1357 – 1438), là một vị đại sư Tây tạng sáng lập học phái Cách lỗ (Guelougpa), một trong bốn học phái Phật giáo Tây tạng. 

Lời khuyên người hay suy tư

Cũng như các tôn giáo khác, Phật giáo gồm có một số giáo điều được đem ra học hỏi bằng phương pháp tự biện (1) và truyền lại cho những thế hệ sau, từ thầy đến đệ tử, tuy nhiên chính những người suy tư đã làm tăng thêm thật nhiều giá trị cho những lời giáo huấn ấy bằng những kinh nghiệm sống mà chính họ đã thực hiện được. Mặc dù số người này không đông đảo nhưng chính họ đã phất lên « lá cờ chiến thắng » trên phương diện thực hành. Nhờ vào sự bình lặng tinh thần và sự quán thấy sâu xa, họ đã đạt được những kinh nghiệm thiền định và những thành đạt nội tâm, đã thổi sự sống vào những hiểu biết lý thuyết mà nếu không có phần sinh khí đó thì những hiểu biết lý thuyết chỉ phảng phất một chút huyền thoại hay chỉ mang tính cách giả tạo mà thôi. Tôi không biết nói gì hơn là khuyến khích họ hãy tiếp tục cố gắng nhiều hơn.

Ghi chú :

 1- Tức có tính cách thuần lý. 

Lời khuyên người có đức tin lớn

Trong tất cả mọi tôn giáo thì hiển nhiên là đức tin nắm giữ một vai trò thật quan trọng. Tuy nhiên đức tin ấy cần phải được xây dựng trên những nền tảng chính đáng. Long Thụ, một đại triết gia Phật giáo người Ấn thuộc thế kỷ thứ II, có nói rằng sự hiểu biết và đức tin phải đi sát cạnh nhau, tay trong tay. Thật vậy, Phật giáo xem đức tin là nguồn gốc mang đến cho ta sự đổi mới toàn vẹn và sự hiểu biết là nguồn gốc đưa đến Giác ngộ, tuy nhiên cũng thấy Long Thụ khẳng định một cách rõ ràng là « đức tin phải thoát ra từ sự hiểu biết trong sáng » ; nếu nói cách khác thì câu ấy có nghĩa là phải hiểu được tại sao ta tin. 

Phật giáo phân chia đức tin thành ba cấp bậc khác nhau : sự cảm ứng, ước vọng và niềm tin vững chắc. Đức tin do cảm ứng là một hình thức của ngưỡng mộ, đó là đức tin mà ta cảm nhận được khi đọc một văn bản nào đó, khi gặp một nhân vật khác thường, hoặc khi nghe nói về Đức Phật. Đức tin của ước vọng hàm chứa khái niệm của một sự cố gắng : ta ước vọng được hiểu biết, được đào sâu thêm, trở thành giống như người mà ta ngưỡng mộ. Cả hai thứ đức tin vừa kể không có tính cách vững bền vì không dựa vào sự hiểu biết đích thực. Đức tin vững chắc được thiết lập trên sự hiểu biết minh bạch, tin rằng những gì mà ta ước vọng sẽ thực hiện được. Đức tin đó dựa trên lý trí. Trong kinh sách, Đức Phật có dặn dò các đệ tử của Ngài không nên tin một cách mù quáng vào những lời Ngài giảng mà hãy kiểm chứng những lời nói của Ngài giống như người thợ kim hoàn đập, nấu và kéo vàng để kiểm chứng độ tinh khiết của nó.

Trường hợp vừa nêu lên cũng tương tự như việc sùng kính. Nếu sự sùng kính không được đặt trên căn bản vững chắc sẽ rất hời hợt. Một số Phật tử, người Tây tạng hay những người khác cũng thế. Họ mang trong lòng một sự tôn kính lớn lao đối với người thầy tinh thần nhưng nếu người thầy qua đời thì lòng sùng kính của họ cũng biến mất. Tất cả đều chấm dứt trong lòng họ và nơi nương tựa trước đây để họ học hỏi cũng sẽ vĩnh viễn khép cửa lại. Tuy rằng trên phương diện tuyệt đối, dù cho người thầy đang hiện diện bằng xương thịt hay đã khuất thì cũng không có gì khác biệt cả. Người thầy tượng trưng cho bản thể tối hậu của tâm thức, lòng từ bi của người thầy không thể bị ngăn cách bởi không gian. Những ai hiểu được những điều ấy sẽ tránh được sự bám víu vào hình tướng nhân dạng của người thầy. Họ nên hiểu rằng, mặc dù người thầy đã rời bỏ lớp vỏ bên ngoài bằng xương thịt, nhưng xuyên qua phần thân xác tuyệt đối thì sự hộ trì và sinh hoạt của vị ấy vẫn luôn luôn hiện diện. Dù người thầy vẫn ở bên cạnh hay không còn nữa thì cũng chẳng có gì khác biệt. Lúc nào ta cũng có thể thiền định hướng vào người thầy của mình (1).

Nếu một ngày nào đó người thầy có rời bỏ thế giới này và khi đó ta nghĩ rằng lòng sùng kính của ta mất hết đối tượng thì đấy có nghĩa là sự sùng kính của ta vẫn còn vướng mắc trong sự bám víu. Ta chỉ xem vị thầy ấy như một người bạn đồng hành, một người bình thường, một người phối ngẫu hay một người thân thuộc mà thôi. Trong trường hợp như thế, sau khi mất đi thì người thầy sẽ hoàn toàn biến mất và phần ta thì cũng chẳng biết phải làm gì. Những gì mà ta đã cảm ứng trước đây nhất định không phải là sự sùng kính thực sự.

Ghi chú :

 1- Trong Phật giáo Tây tạng, vai trò của người thầy rất quan trọng. Thầy và đệ tử buộc chặt vào nhau bằng một mối tương quan thật thân thiết, trong mục đích giúp người đệ tử phát hiện được bản thể đích thực của mình. Trong bước đầu, người đệ tử đặt hết lòng tin vào thầy mình để hội nhập với thực thể sâu xa của vị ấy và người thầy thì giúp cho đệ tử tinh khiết hóa tâm thức của mình. Cuối cùng thì hai đối tượng thầy và đệ tử sẽ trở thành một, để khám phá ra bản thể đích thực của tâm thức, tức là « thân tuyệt đối của Phật », là hiện thân của trí tuệ và từ bi. 

Lời khuyên người không có thái độ
 chia rẽ tôn giáo

Tôi thấy có hai thái độ có thể gọi là không chia rẽ tôn giáo. Thứ nhất là sự kính trọng đối với tất cả các truyền thống. Chẳng hạn như tôi là một người Phật giáo nhưng đồng thời tôi cũng hết sức ngưỡng mộ Thiên chúa giáo và các tôn giáo khác.

Thái độ thứ hai là không những chỉ kính trọng các tôn giáo khác, mà lại còn muốn được tu tập theo các tôn giáo ấy nữa. Vì thế mà có một số người vừa tu tập cả Thiên chúa giáo lẫn Phật giáo. Đến một mức độ nào đó thì điều này hoàn toàn có thể thực hiện được.

Tuy nhiên nếu muốn tiến xa hơn trên con đường tu tập thì lại khác. Khi suy tư sâu xa về « tánh không » (1) và « hiện tượng tương liên » (2) của tất cả mọi sự vật thì sẽ rất khó để chấp nhận một vị Trời sáng tạo tự hiện hữu và bất biến. Cũng thế, nếu ai tin có một vị Trời đứng ra sáng tạo vũ trụ thì nguyên lý tương liên sẽ là một trở ngại cho họ. Đạt đến một mức độ nào đó, ta sẽ nhận thấy những hạn hẹp thuộc nền tảng chung của các tôn giáo và đến lúc đó thì ta bắt buộc phải chuyên môn hóa (3), nếu có thể nói như thế. Điều đó không hề ngăn cấm ta kính trọng các đường hướng tu tập khác, nhưng quả thật khó để tu tập chung.

Ngoài ra trong Phật giáo còn có một nghi thức riêng biệt gọi là « quy y ». Khi đã quy y Phật thì tôi không mấy tin là người ta còn có thể quy y chúa Ki-tô, nếu không muốn thấy mình đứng trước một ngã ba đường (4). Trong trường hợp đặc biệt như thế, tôi nghĩ rằng tốt hơn hết là hãy cứ xem đấng Ki-Tô như một vị Bồ-tát.

Ghi chú :

1- « Tánh không » là một khái niệm vô cùng quan trọng trong Phật giáo. « Tánh không » xác định bản thể đích thực của vạn vật. Tất cả mọi hiện tượng, tức mọi biến cố và sự vật kể cả những tư duy và xúc cảm, đều không có một thực thể tự tại mà chỉ là kết quả luôn luôn biến động và đổi thay, do vô số nguyên nhân và điều kiện góp phần làm cho chúng phát sinh, tự chúng không có một sự hiện hữu nội tại và bền vững nào cả. Vì thế bản thể của chúng gọi là « tánh không ».

2- Còn gọi là « Lý duyên khởi » trong các kinh sách gốc Hán. Khái niệm này chỉ định sự tương liên, tương kết, và tương tạo của tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ. Không có một hiện tượng nào trong vũ trụ này có thể tự nó hiện hữu một cách độc lập vì tất cả mọi biến cố và sự vật, mọi tư duy và xúc cảm, đều lệ thuộc vào nhau, tương tác với nhau. Không có một hiện tượng nào tự nó có thể hiện hữu một cách nội tại, bất biến và độc lập.

3- Tức là phải chọn một tôn giáo nào đó để tiến xa hơn.

4- Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thường nói rằng khái niệm về một vị Trời không đặt thành vấn đề cho người Phật giáo, nếu khái niệm đó được xem là tình thương yêu vô biên. Tuy nhiên nó sẽ tạo ra vấn đề, nếu xem đó là nguyên nhân đầu tiên sáng tạo ra thế giới này.

Theo thiển nghĩ của người dịch thì việc kính trọng tất cả các tôn giáo là một điều hiển nhiên, cần thiết và bắt buộc, vì tính cách đa dạng của con người và bối cảnh của nhân loại qua không gian và thời gian. Nếu biết kính trọng tôn giáo thì cũng phải biết kính trọng con người, nhất là nhân phẩm và sự tự do suy nghĩ của con người. Không nên dùng sức mạnh, uy quyền, tiền bạc, áp lực tình cảm, lợi dụng hoàn cảnh của kẻ khác...để áp đặt một tôn giáo, dù là bất cứ một tôn giáo nào cũng thế, vì đấy là nguồn gốc đưa đến chia rẽ và có thể gây ra chiến tranh, như người ta đã từng thấy qua lịch sử của xã hội con người, từ trước thời trung cổ cho mãi đến ngày nay.

Lời khuyên người muốn tu tập 
theo Phật giáo

Theo nguyên tắc chung, tôi nghĩ rằng tôn giáo của cha mẹ mình là tôn giáo thích nghi nhất cho mỗi người. Vả lại thật cũng không tốt nếu chạy theo một tín ngưỡng nào đó rồi sau này lại từ bỏ.

Ngày nay, nhiều người rất quan tâm đến đời sống tinh thần mà đặc biệt nhất là Phật giáo, nhưng thường thì họ không suy xét cẩn thận để ý thức mình đang dấn thân vào một lãnh vực tinh thần có những đặc tính như thế nào. Trước hết phải tìm hiểu xem con đường mà ta chọn lựa có thực sự phù hợp với bản chất và ước vọng của ta hay không. Hãy tự xét xem mình có đủ khả năng để theo đuổi hay không và sẽ gặt hái được những gì tốt lành sau khi tu tập. Hãy nghiên cứu những lời giáo huấn căn bản trước đã. Trước khi bước vào Phật giáo, ta không thể nào biết hết được, tuy nhiên ta vẫn có thể thâu thập được một số hiểu biết khá đầy đủ về những gì chính yếu và tiếp theo đó nên suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn. Sau cùng, khi đã xem xét cẩn thận thì ta mới nên quyết định và như vậy thì mới thật là trọn vẹn. Được như thế chẳng những ta có thể đi xa hơn và nếu muốn thì có thể phát nguyện và xuất gia hẳn.

Người ta có thể tìm thấy trong Phật giáo rất nhiều phương pháp thiền định. Các phương pháp ấy gồm có sự lý luận phân giải, tập trung phi khái niệm vào một vật thể duy nhất, lắng thật sâu vào nội tâm. Các đối tượng của thiền định có thể là hiện tượng vô thường, tính vô ngã, sự khổ đau, tình thương yêu, lòng từ bi và nhiều chủ đề khác nữa. Tuy nhiên, muốn tu tập một cách nghiêm túc thì cần phải có một vị thầy kinh nghiệm và đáng tin cậy để hướng dẫn.

Vị thầy giảng dạy cho ta sẽ giữ một vai trò thật then chốt. Vì thế cũng phải nhận xét xem vị ấy có chân chính hay không, có hội đủ những phẩm tính đúng như mong muốn hay không, còn về phần ta thì đã sẵn sàng và quyết định theo vị thầy ấy chưa.

Nói vắn tắt là ta hãy hết sức thận trọng. Không nên trở thành người Phật tử mà không nghĩ suy và không biết gì cả. Hãy cố tránh trường hợp theo Phật giáo chỉ vì cảm thấy thích rồi về sau mới biết là cách tu tập này hay cách tu tập kia không phù hợp với mình hoặc là mình không đủ sức để thực hiện.

Một số người khi nghe nói có một vị lạt-ma thuyết giảng ở đâu đó, liền đổ xô tới và đặt hết tin tưởng vào vị này mà chẳng cần tìm hiểu gì cả và cũng không hề tìm hiểu xem vị ấy có hội đủ những phẩm tính cần thiết hay không. Sau một thời gian, họ mới thấy vị thầy ấy mang nhiều khiếm khuyết. Nhiều người Mỹ đã đến đây tìm tôi và kể lại một số trường hợp như thế. Họ nghe nói có một vị lạt-ma gần nơi họ ở, tức thời họ đặt hết lòng tin vào vị này mặc dù nhưng chưa kịp tìm hiểu cặn kẽ. Họ tiếp nhận những lời giáo huấn và nhất là chịu lễ thụ pháp, nhưng một hôm thái độ của họ bỗng dưng thay đổi hẳn. Họ đùng đùng nổi giận và tuyên bố xem có ai muốn nghe chuyện tên lạt-ma ấy đã lạm dụng tình dục với các người bạn gái của họ hay không, thế là họ đã vơ đũa cả nắm để nghĩ sai lầm về Phật giáo. Những người ấy tự giao mình cho những vị lạt-ma thiếu khả năng và đã làm mất đi uy tín của những lời giáo huấn đích thực, rồi sau đó lại đổ trách nhiệm cho Đức Phật đã làm họ thất vọng. Việc ấy từ đâu mà ra ? Chính là thái độ của những người không được đúng đắn. Trước khi quyết định điều gì, phải tìm hiểu thật cẩn thận.

Quán xét một người thầy là bước quan trọng đầu tiên trên đường tu học, kinh sách đều có nói đến điều này. Nếu chọn một một vị thầy tinh thần mà không kịp nghĩ suy gì cả, đến khi những khiếm khuyết của vị ấy xuất hiện, lẽ tất nhiên là ta sẽ có cảm giác như bị giáng cho một tai họa. Dù sao, khi đã phát nguyện và tiếp nhận lễ thụ pháp thì tốt hơn đừng để cho những ý nghĩ không tốt phát sinh.

Bất cứ một con người nào cũng có những phẩm tính tốt và những khuyết điểm. Kinh sách nói rằng một vị thầy tinh thần phải hội đủ những phẩm tính cao hơn chúng ta, nhưng thật sự câu ấy có nghĩa là thế nào ? Ví dụ một người nào đó được thụ giáo trực tiếp bằng khẩu truyền, một phương pháp tu tập mà ngày nay đã trở nên rất hiếm hoi, thì dù cho người ấy không có những hiểu biết lớn lao nhưng trên phương diện truyền thụ thì họ đạt được một cái gì đó mà ta không có, và trong giới hạn của ý nghĩa ấy thì họ vẫn hơn ta.

Nếu ta liên hệ với một vị thầy không tốt và đã tiếp nhận từ vị này những lời giáo huấn của Đức Phật thì vị ấy vẫn xứng đáng để cho ta mang ơn. Nếu nhìn dưới góc cạnh đó và nếu như ta xem người thầy là một kẻ tầm thường, hoặc tệ hại hơn là bất thần ta khinh ghét vị ấy, thì thái độ của ta không được đúng đắn lắm. Ngay cả trường hợp ta có hối tiếc đi nữa thì vị ấy cũng từng là người hướng dẫn tinh thần cho ta, vì thế ta cũng nên tránh những thái độ quá cực đoan.

Nói như thế không có nghĩa là ta bắt buộc phải tiếp tục tiếp nhận sự giáo huấn của vị ấy. Ta hoàn toàn tự do tránh không gặp vị ấy nữa. Nói chung, khi ta đã tiếp nhận những lời giáo huấn của Đức Phật qua một người nào đó thì nếu có thể và tốt hơn hết là nên trau dồi lòng tin tưởng của ta nơi người ấy. Nếu không thực hiện được thì thôi, nhưng phải giữ thái độ dung hoà, không nghĩ tốt mà cũng không nghĩ xấu.

Còn một điều nữa là không nên nghĩ rằng khi tu tập Phật giáo là ta có thể bay bổng lên trời xanh, đi xuyên ngang được vật chất hay nhìn thấy được tương lai. Mục đích của việc tu tập Phật giáo là chủ động tâm thức của chính mình chứ không phải để đạt được những quyền năng kỳ diệu. Cũng có thể khi đã khắc phục được tâm thức thì dần dần từng chút, vài khả năng nào đó mà người ta gọi là « kỳ diệu » cũng có thể xảy ra, nhưng đấy chỉ những gì phụ thuộc. Nếu ta xem những thứ ấy là đối tượng chính của sự tu tập thì thật sự tôi không tin chút nào rằng đấy là sự tu tập Phật giáo. Những người ngoài Phật giáo cũng có những loại khả năng như thế. Hình như có một lúc KGB và cả CIA cũng chú ý đến những khả năng này (1). Vì vậy ta hãy nên giữ lấy sự thận trọng cho chính mình.

Ghi chú :

 1- KGB và CIA là các cơ quan tình báo của Nga và Mỹ. Các cơ quan này đã từng nghiên cứu việc dùng thần giao cách cảm ứng dụng vào việc truyền tin và gián điệp, nhưng hình như đã thất bại (?).

Lời khuyên người tu tập Phật giáo

Trong lãnh vực tu tập tinh thần, lúc khởi đầu thì thường thường mọi người đều rất hăng say, tiếp theo đó thì ngóng trông kết quả và sau cùng thì nản lòng rồi đâm ra chán nản. Trường hợp ấy là dấu hiệu cho thấy một cái nhìn quá thiển cận. Mong đợi kết quả nhanh chóng là một điều sai lầm, trừ trường hợp của nhà du-già Mật-lặc Nhật-ba (Milarepa) (1). Phải chăng vì muốn nhấn mạnh đến điều đó mà kinh sách đã ghi chép rằng Đức Phật mất đến « ba thời gian kalpa vô tận » (2) trước khi đạt được Giác ngộ hoàn hảo ? Như vậy về phần ta thì làm thế nào có thể đạt được Giác ngộ sau vài năm ẩn cư ? Những điều trên đây chứng tỏ ta chẳng hiểu gì về các lời giáo huấn cả. Nhiều người vẫn nghĩ rằng chỉ cần cầm cái chuông nhỏ (3) mà lắc trong ba năm thì sẽ đạt được thể dạng phật, quả thật hết sức ngây thơ. 

Nhiệt tình tu tập là một điều tuyệt vời, nhưng cũng phải hiểu rằng Đức Phật đã mất đến ba thời gian « kalpa » vô tận để tích lũy trí tuệ và những điều xứng đáng, vì vậy hãy nhìn vào đấy để hiểu rằng ta sẽ phải cần thật nhiều thời gian để đạt được sự Giác ngộ tối thượng. Theo Phật giáo Bắc tông, thì Đức Phật đã đạt được Giác ngộ từ trước qua thân xác trí tuệ (4). Sau đó Ngài hiển hiện trong thân xác hình tướng (5) để lập lại từ đầu quá trình của Giác ngộ. Nhưng đâu phải đấy là lý do để cho ta vin vào mà bắt chước thực thi như Đức Phật, có phải thế không ? Chúng ta chỉ là những chúng sinh tập bước theo vết chân của Phật, và cũng chớ bao giờ quên là ngay trong kiếp nhân sinh cuối cùng, chính Ngài cũng phải mất sáu năm gian khổ. Nếu hiểu được những điều ấy, ta sẽ tránh được cái nhìn thiển cận.

Quả đúng là người ta có nói con đường tu tập mau lẹ của Kim cương thừa có thể giúp đạt được thể dạng phật một cách nhanh chóng, không cần loại bỏ những xúc cảm tiêu cực. Nhưng như thế không phải là không nguy hiểm. Trong tiểu sử của ngài Mật-lặc Nhật-ba có một giai thoại như sau. Có một vị lạt-ma nói với ngài Mật-lặc Nhật-ba rằng: « Nếu ai thiền định về những lời giáo huấn của ta vào ban ngày thì sẽ thành phật ngay ban ngày, những ai thiền định lúc ban đêm sẽ thành phật lúc ban đêm, còn những người may mắn hưởng được nghiệp thuận lợi thì khỏi cần thiền định làm gì ». Ngài Mật-lặc Nhật-ba tự tin một cách chắc chắn mình là một trong những người may mắn ấy, và ngài liền đi ngủ ! Nếu ta bắt chước những chuyện ngược đời như thế thì có thể ta sẽ rất hùng hổ lúc đầu nhưng sau đó thì thất vọng nhanh chóng. Ngược lại, nếu hiểu rõ được những bước tiến hành trên con đường tu tập thì lòng nhiệt thành của ta sẽ không bao giờ suy giảm. Hiểu được điều ấy thật là quan trọng.

Một điểm khác nữa là tôn giáo thường đưa ra những giới luật hay những quy tắc đạo đức để nâng cao giá trị con người. Trong Phật giáo nói riêng, có một số người không quan tâm đúng mức đến khía cạnh đạo đức đó mà chỉ biết lo thiền định để mong chờ những kết quả diệu kỳ. Tuy nhiên chờ mãi mà không thấy gì xảy ra nên họ vô cùng chán nản.

Tôi xin lập lại một lần nữa, mục đích của việc tu tập Phật giáo không phải để đạt được những khả năng kỳ diệu mà là để biến cải lấy con người của chính mình. Trở ngại lớn nhất là ta chưa sẵn sàng để hy sinh thời giờ cần thiết cho việc thực hiện đó. Ta nghĩ rằng Đức Phật cần đến những thời gian « kalpa », nhưng mình thì chỉ cần hai hay ba năm là giải quyết xong mọi chuyện. Vì thế mà tôi nghĩ con đường tu tập Bắc tông rất cần thiết. Khi đã đạt được một sự hiểu biết vững chắc trên đường tu tập và nếu sau đó ta thật sự muốn bước vào Kim cương thừa, thì lúc ấy ta mới có thể hội đủ quyết tâm, dù cho phải để ra ba thời gian « kalpa » đi nữa. Khi đã hội đủ nghị lực, ta mới có thể tu tập theo Kim cương thừa được. Đấy là một phương pháp mang đến sự tĩnh lặng cho tâm thức và đạt được sự quán chiếu sâu xa một cách dễ dàng hơn, và khi đó ta mới có nhiều cơ may để thành công hơn.

Ngược lại, khi chưa thu đạt được căn bản vững chắc mà đã hấp tấp khởi sự ngay với Kim cương thừa thì ta có thể gặp nguy cơ tưởng lầm rằng mình sẽ đạt được dễ dàng thể dạng phật « trong một kiếp sống và bằng một thân xác » như người ta thường nói. Ta cũng có nguy cơ biến vị thần linh ảo giác (6) trong khi tu tập thiền định thành vị trời sáng tạo ra vũ trụ và nghĩ rằng nếu đặt hết đức tin vào vị này thì vị này sẽ ban cho mọi khả năng siêu việt, được sống lâu, giàu sang, và mọi thứ khác nữa, kể ra không hết.

Một số người không hoàn toàn tin tưởng vào các lời giáo huấn của Đức Phật nên chỉ lẩn quẩn trong việc tìm hiểu với tính cách học hỏi. Một số người khác thì tin tưởng vào giáo huấn của Đức Phật, nhưng lại chỉ nghiên cứu bằng những hiểu biết trí thức, hoàn toàn có tính cách lý thuyết. Mục đích chính của giáo huấn Phật giáo là giúp biến cải bản thân của chính mình, nhưng không phải là cách gán thêm cho mình những hiểu biết mới. Nếu sau khi học hỏi mà không đem ra để thực hành bằng thiền định, thì hoàn toàn không có một ích lợi gì cả. Ta sẽ gặp nguy cơ trở thành một « người Phật giáo chán nản », một người chỉ hiểu giáo huấn của Đức Phật trên mặt lý thuyết, nói thì rất hay nhưng hoàn toàn không biết gì về « hương vị » của Phật pháp, chẳng qua cũng vì họ không biết chuyển sự hiểu biết thành kinh nghiệm sống cho họ. Ngược lại, nếu biết áp dụng những lời giáo huấn vào bản thân mình thì ta sẽ khám phá ra những « hương vị đích thực », và nguy cơ trở thành « một kẻ chán nản » sẽ không còn nữa. Vì thế phải thấm nhuần thật sâu những lời giáo huấn vào tâm thức. Hiểu biết và thực hành luôn phải đi đôi với nhau.

Những ai muốn chọn một cuộc sống thiền định và những khoảng thời gian ẩn cư lâu dài, chẳng hạn như cách ẩn cư ba năm theo truyền thống Tây tạng, thì phải chuẩn bị trước thật cẩn thận qua những lần « tu tập mở đầu » (7). Tự giam mình giữa bốn bức tường mà không biết thực thi đúng đắn sự tu tập để hướng tâm thức vào con đường tâm linh thì cũng không khác gì ngồi trong tù mà thôi. Nếu trong khi thiền định mà ta chỉ biết tụng niệm nhưng không ý thức được gì cả thì ẩn cư cũng chẳng có ích lợi gì. Trước khi ẩn cư, ta là một người bình thường, nhưng khi trở ra ta cũng vẫn còn nguyên như cũ. Biết đâu ta chỉ thực hiện được thêm một thứ mới, ấy là sự kiêu hãnh, vì có thể ta nghĩ rằng đã tự giam mình trong ba năm nên ta xứng đáng mang danh một vị « lạt-ma ». Như thế có ích lợi gì hay không ?

Trái lại nếu chuyên cần ngay trong lúc tu tập mở đầu, và sau đó thực hành một cách thường xuyên việc tu tập chính yếu trước khi ẩn cư ba năm, thì chắc chắn sau khi hết thời gian ẩn cư, tư duy, ngôn từ và hành vi của ta sẽ hoàn toàn biến cải. Hoặc ít ra ta cũng trở thành một người kỷ cương hơn, và đó cũng là một điều đáng mừng.

Với tư cách một Phật tử, nếu ta ước muốn xả thân cho các công trình nhân đạo thì đấy cũng là một điều tốt nhưng cần phải xét lại xem chủ tâm của ta có hoàn toàn tinh khiết hay không. Dù sao thì một hành động xã hội đơn thuần, không đi đôi với tình thương và lòng từ bi , cũng chưa phải là một hình thức dấn thân của Phật giáo, nhất là khi ta chưa quy y Phật. 
Chính vì thế mà ngoài những công tác xã hội, ta nên dành ra một phần thời giờ để tu tập, ẩn cư và thiền định về vô thường, khổ đau, v.v.

Ghi chú :

1- Mật-lặc Nhật-ba (Milarepa) (1052-1135) là một đại sư du-già Tây tạng, được xem như một Thánh nhân. Ngài để lại thật nhiều bài thi ca bất hủ, được góp nhặt và ghi chép lại trong một tập sách rất nổi tiếng, mang tên là « Thập vạn ca » (Mười vạn bài ca của Mật-lặc Nhật-ba).

2- Kalpa là tiếng Phạn, dịch âm là Kiếp hay là Kiếp-ba, kinh sách Tây phương dịch là éon hay aeon, là một khái niệm trong Phật giáo chỉ định một thời gian thật dài. Mỗi Kiếp tượng trưng cho một chu kỳ gồm có sinh, thành, hoại, diệt của các thế giới. Trường hợp trên đây có ý nói Đức Phật đã trải qua vô lượng kiếp trong một thời gian thật dài trước khi đắc đạo.

3- Trong các buỗi lễ thuộc Phật giáo Tan-tra, người hành lễ thường lắc một cái chuông nhỏ để tượng trưng cho Tánh không hay là Trí tuệ. Ba năm là có ý nhắc đến thời gian ẩn cư ba năm, ba tháng, ba ngày theo truyền thống Tây tạng. Qua câu nói có tính cách châm biếm trên đây, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma muốn nhấn mạnh đến cách tu tập mù quáng của một số người chưa thực hiện được gì mà đã nghĩ đến kết quả.

4- Còn gọi là Pháp thân hay Chân như.

5- Còn gọi là Báo thân hay Thụ dụng thân. 

6- Các vị « thần linh » làm đối tượng cho sự quán tưởng trong khi thiền định không phải là những vị thần linh hiện hữu bên ngoài mà chỉ là những biểu hiện của thực thể nội tâm của chính mình, hay bản thể tối hậu của chính mình. Tu tập bằng cách quán tưởng như thế nhắm vào mục đích biến cải tâm thức của người hành giả trở thành hoàn hảo hơn. 

7- « Tu tập mở đầu hay khai mào » là để chuẩn bị tâm thức trước khi bước vào cách « tu tập chính thức ». Trong các giai đoạn này phải có một vị thầy gỉỏi hướng dẫn và xác nhận đủ sức, sau đó mới được ẩn cư ba năm, ba tháng, ba ngày. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn