Lời Nói Đầu - David W. Chappell

24 Tháng Tám 201000:00(Xem: 36172)

NỀN TẢNG PHẬT HỌC THIÊN THAI TÔNG
NHỊ ĐẾ ĐƠM HOA TRÊN ĐẤT TRUNG QUỐC

(Foundations of T'ien T'ai Philosophy)
Paul L. Swanson biên soạn - Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch
Nhà xuất bản Phương Đông 2010

Lời nói đầu

David W. Chappell

 Bản văn nầy trình bày sự thâm cứu đầu tiên về giáo pháp Tam Đế qua Anh ngữ, có thể là một học thuyết quan trọng nhất của Phật học Thiên Thai Tông. Paul Swanson, người biên soạn, thuộc thế hệ học giả Phật giáo thứ nhất cố gắng cống hiến cho người Tây phương một sự phân tích sâu rộng về truyền thống Phật học Thiên Thai, và từ đó mở ra một lối nhìn bao quát đối với cái hiểu về Phật học Đông phương như một toàn thể.

 Là một tông phái Phật giáo chính và đầu tiên ở Á Đông, Thiên Thai Tông ghi dấu một chuyển biến quan trọng tư tưởng triết học Trung Hoa. Những phát triển tiếp nối đối với cái học về giáo pháp Phật đã tự xác định cho chính họ một chỗ đứng, và điều nầy đưa đến cái hiểu thâm sâu về lịch sử tri thức Phật giáo.

 Tuy nhiên, lấy một thí dụ, luôn có một chút gì huyền bí với câu hỏi tại sao Tam Luận Tông (San lun) là một truyền thống Trung Quán của Trung Hoa đã lu mờ sau khi đóng một vai trò chính yếu vào hai thế kỷ thứ 5 và thứ 6 ở đất Trung quốc. Sự tham cứu hiện nay phần nào cho chúng ta câu trả lời khi tranh biện rằng truyền thống Trung Quán không thực sự vĩnh viễn mất đi ở Trung Hoa, nhưng không còn hiện diện như một thực thể nổi bật đối với một số đông người bởi vì đã bị cuốn hút vào những tông phái Phật giáo vừa được khai sinh trên đất mới. Trong đó, như tác giả đã nói, Thiên Thai Tông là tông phái đầu tiên.

 Khuôn mặt chính của tông phái Phật học tiên phong nầy là Trí Khải (Chih-i, 538-597) là người đã được nhìn nhận như một triết gia vĩ đại nhất trong tất cả những triết gia Phật giáo ở Trung Hoa, có chỗ đứng ngang hàng với Thomas Aquinas và Al-Ghazali, là những người đã lập thành hệ thống lề lối tư tưởng và phương pháp hành trì về tôn giáo trong lịch sữ thế giới. Khác với Thiền Tông và Tịnh Độ Tông, tuy nhiên, Phật học Thiên Thai Tông có chiều kích đa dạng và sâu thẳm, thường thì không dễ gì hiểu được. Sự kiện nầy, cùng với sự thất bại trong việc đưa ra sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với người Tây phương, đã khiến giới học giả kỳ cựu quên lãng. Vào thập niên 1960, Leon Hurvitz đã mang sự lãng quên nầy trở lại trong một tác phẩm nghiên cứu đầu tiên về Trí Khải. Tác phẩm nầy giữ một chỗ đứng đặc biệt hơn mười lăm năm cho đến khi Neal Donner, một môn đồ của Hurvitz, tiếp nối con đường thâm cứu về tư tưởng của Trí Khải.

 Kinh Pháp Hoa, Thiên Thai Tông nhìn như một bản kinh huyền nhiệm, vậy mà cho đến năm 1884 bản dịch sang Anh ngữ của H. Kern mới xuất hiện từ kho tàng thánh điển Đông phương. Mãi đến thập niên 1970, hai bản dịch mới từ Hoa ngữ của Senchu Murano và Leon Hurvitz lần lượt ra đời. Cùng lúc, bản dịch sơ lược kinh Pháp Hoa của Kato Bunno và William Soothill được hiệu đính đầy đủ và phát hành. Những tác phẩm nầy, cùng với các bản dịch về hai bản kinh liên quan là Vô Lượng Nghĩa, và Quán Phổ Hiền Bồ Tát được các học giả chung sức phát hành năm 1975, mở màn một giai đoạn mới học hỏi về Thiên Thai Tông khởi đầu vào thập niên 1980. Năm 1983, nhóm nghiên cứu của chúng tôi ở Hawaii chuẩn bị một bản dịch về kiến trúc chân xác của Phật học Thiên Thai, và Paul Groner đã khởi công với tác phẩm lớn là “Saicho: The Establishment of the Japanese Tendai School ” vào năm sau.

 Tôi được gặp tác giả lần thứ nhất vào năm 1985 khi ông dừng bước ở Hawaii trên đường trở về Nhật, sau khi ông hoàn tất luận án tiến sĩ tại Đại học Wisconsin. Chỉ sau đó vài năm tư tưởng Thiên Thai Tông đã bước vào thế giới trường ốc, và Paul chắc chắn là một phần quan trọng trong đầu mối nầy. Với tôi, sự thu thập những tài liệu ông đã hiệu đính vào năm 1987 trong tập “Japanese Journal of Religious Studies” phát hành trong dịp kỷ niệm ngày sinh nhật thứ 1200 của truyền thống Tendai, là một tham chiếu độc đáo đối với truyền thống Thiên Thai hiện nay. Ông là một trong những khuôn mặt chính trong sự trao đổi tư tưởng giữa Japanese Tendai và Christianity được tổ chức tại Nanzan Institute for Religion and Culture cùng năm, và được phát hành năm 1988. Cùng lúc, American Academy of Religion tại Hoa Kỳ tổ chức buổi hội thảo đầu tiên về truyền thống Thiên Thai năm 1987.

 Tôi kỳ vọng rằng tác phẩm nầy sẽ góp phần vào việc đưa đường cho tư tưởng Thiên Thai Tông vượt qua thế giới của các nhà chuyên môn, và bước vào phạm vi rộng lớn hơn trong lãnh vực Triết học và Tôn giáo khi truyền thống nầy được giảng dạy trong các giảng đường đại học. Dù thế nào đi nữa, sự thành tựu của tác phẩm hẳn nhiên đã đưa Paul Swanson vào tầng lớp học giả mở đường giới thiệu tư tưởng Thiên Thai Tông với Tây phương.

 

Honolulu, Hawaii 

January, 1989

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3767)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 10845)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 4721)