Tp. Hồ Chí Minh Khai Mạc Hội Thảo Phật Giáo Quốc Tế Nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt Gửi Thư Chúc Mừng

30 Tháng Tám 201000:00(Xem: 13213)
TP. HỒ CHÍ MINH KHAI MẠC HỘI THẢO PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi thư chúc mừng
Tin và ảnh: Nguyễn Thuỷ (Tuổi trẻ)
blank
blank

Hôm qua 15/7, hội thảo "Phật giáo trong thời đại mới - Cơ hội và thách thức" đã khai mạc tại Thiền viện Vạn Hạnh, kéo dài đến ngày 17/7. Hội thảo quy tụ khoảng 40 đại biểu quốc tế và 150 đại biểu trong nước là các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu Phật học. Đến dự còn có đại diện Ban Tôn giáo TP.HCM, T.Ư Giáo hội Phật giáo VN, Hội Phật giáo các tỉnh thành, đại diện ngoại giao, các nhân sĩ, trí thức... Đây được coi là hội thảo Phật giáo quốc tế có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại VN.

Khai mạc hội thảo, Hòa thượng Thích Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN đã khái quát nguyên lý sống và lời khuyên hành động của Đức Phật Thích Ca: "Không làm điều ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch". Trong phần đề dẫn, Giáo sư tiến sĩ Lê Mạnh Thát - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN cho rằng thời đại công nghệ thông tin phát triển vượt bậc đã thu hẹp khoảng cách giữa các lãnh thổ, mọi người có cơ hội học hỏi, hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn. Mặt khác, tính thực dụng vật chất có nguy cơ đe dọa đến bản sắc văn hóa và truyền thống tâm linh tốt đẹp của các quốc gia, nhất là đối với các quốc gia đang phát triển. Hội thảo này nhằm nỗ lực tìm kiếm, hoạch định vị thế của Phật giáo trong bối cảnh như vậy để tìm ra phương sách hoạt động phù hợp.

Tại hội thảo, các đại biểu rất xúc động được nghe thư của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi chúc mừng. (Xem toàn văn trong trang này)

Tin, ảnh: Nguyên Thủy 

TP.HCM, ngày 14 tháng 7 năm 2006

Kính gửi: Chư vị Tăng ni phật tử cùng thiện hữu trí thức trong và ngoài nước

Thưa quý vị và các bạn,

blankNhận được giấy mời của Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam đến dự cuộc hội thảo “Phật giáo trong thời đại mới - Cơ hội và thách thức”, tôi rất xúc động. Tôi nhận thức rõ, sự kiện có ý nghĩa đặc biệt này vượt ra khỏi khuôn khổ một cuộc hội thảo khoa học. Rất tiếc, tôi không thu xếp được thời gian tới dự cùng quý vị được. Xin cho phép tôi chuyển đến quý vị và các bạn lời chào trân trọng, chúc cuộc hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên của Phật giáo Việt Nam (PGVN) thành công tốt đẹp.

Nhân dịp này, tôi xin chân tình chia sẻ, trao đổi cùng quý vị và các bạn đôi điều suy ngẫm. Những suy ngẫm của một người không có nhiều điều kiện nghiên cứu sâu về Phật giáo như quý vị, nhưng có may mắn được chứng kiến những đóng góp của PGVN và quý tăng ni phật tử trong lịch sử dân tộc và trải nghiệm những ý nghĩa của Phật giáo bằng chính cuộc đời mình.

Ở Việt Nam, Phật giáo chảy trong huyết quản của nhiều người dân qua hàng ngàn năm. Biết bao danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc đều là những tăng ni phật tử. Nhưng tôi nghĩ, thế đứng của đạo Phật trước hết nằm trong lĩnh vực văn hóa, và đạo Phật càng chứng minh được thế đứng đó trong đà phát triển của các trường phái tôn giáo, ý hệ xã hội trên hành tinh này.

Phật giáo Việt Nam trước hết là Phật giáo dân tộc. Hòa hợp đại chúng trên tinh thần từ bi hỷ xả là bản chất và truyền thống của Phật giáo, đồng thời cũng là một nhân tố căn bản, sâu xa, góp phần tạo nên tinh thần đoàn kết nhân ái và hòa hiếu của dân tộc. Chính nhờ triết lý ấy mà ngay trong thời điểm cực thịnh của mình, khi có sự trỗi dậy của những tôn giáo mới, PGVN vẫn chủ trương "tam giáo đồng nguyên" thay vì cạnh tranh. Tư tưởng "đồng nguyên" của Phật giáo đã góp phần kiến tạo nên một xã hội mà xung đột đã không trở thành "khổ nạn" của người dân và đất nước. Trong lịch sử trước đây ở ta, lúc Phật giáo cường thịnh nhất thì cũng là thời kỳ hùng mạnh và hưng vượng của đất nước. Còn những lúc PGVN bị áp chế thì, như những ai từng sống dưới xã hội miền Nam đầu những năm 1960 chứng kiến, sự kết thúc là không mấy tốt đẹp cho một chế độ đàn áp tôn giáo.

Khi Trần Nhân Tông bỏ ngôi báu để xuất gia, Vua đã được khuyên: "Phật ở trong tâm, nếu tâm lắng lại và trí tuệ xuất hiện thì đó là Phật. Đã làm vua thì phải lấy ý muốn của muôn dân làm ý muốn của mình". Chủ trương của Phật giáo là "nhập thế, cứu sinh", việc hành trì Phật pháp vì thế đã không tách rời với phụng sự chúng sinh và tổ quốc. Từ ngàn năm nay, triết lý đó của nhà Phật đã bám rễ vào những nhu cầu thường xuyên, cấp bách của dân tộc, thúc đẩy sự thăng tiến của xã hội và con người Việt Nam. Hồ Chủ tịch đã từng chỉ ra chỗ gặp nhau về mục đích giữa các tôn giáo và cách mạng là đem lại hạnh phúc cho con người. Tôi có may mắn được chia sẻ cùng nhiều chức sắc, đồng bào theo đạo, được chứng kiến quá trình hoạt động và phát triển của nhiều tôn giáo trên nhiều địa bàn và trong cả nước nên rất thấm thía tư tưởng ấy.

Trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước hiện nay, nguyện vọng hòa hợp, chấn hưng và phát triển Phật giáo ở Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Không chỉ nền kinh tế được giải thoát khỏi cơ chế "tập trung quan liêu, bao cấp", không gian hoạt động tôn giáo nói chung cũng đã được rộng mở. Phật giáo trên đà ấy mà mở rộng khắp nơi. Nhà chùa đang dần trở lại với vai trò như là một thiết chế văn hóa đóng góp to lớn vào việc củng cố, giữ vững những giá trị tinh thần cơ bản của người Việt, bảo tồn, sáng tạo và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam. Phật giáo cũng như những tôn giáo khác đều chủ yếu hướng con người tới những điều thiện và cái đẹp. Những chính sách chung và cách hành xử riêng của mỗi cấp chính quyền nhằm tạo cơ hội cho các tôn giáo phát triển nơi thờ phụng, trở lại với việc tham gia giáo dục thanh thiếu niên, theo tôi sẽ giúp cho giềng mối đoàn kết được củng cố, nền tảng đạo đức được khôi phục, làm cơ sở cho xã hội Việt Nam đủ "bản lĩnh" để tiếp thu những giá trị văn minh khác của loài người.

Sự cường thịnh của Phật giáo, từng là nền tảng cho sự thịnh vượng của nhiều triều đại phong kiến trước đây, liệu có còn là động lực phát triển cho đất nước trong giai đoạn hội nhập? Tôi hiểu, đây là một băn khoăn của nhiều người. Nhưng theo tôi, một thế giới mong muốn toàn cầu hóa chính là một thế giới mong muốn sự đa dạng. Những giá trị truyền thống mà Phật giáo giúp thiết lập và củng cố, chính là "bản sắc", là phần giá trị mà chúng ta có thể tham gia để góp phần tạo ra các giá trị toàn cầu. Mặt khác, tư tưởng "đồng nguyên" do Phật giáo chủ xướng, cũng không những không mâu thuẫn với dân chủ mà còn góp phần tìm kiếm sự "đồng thuận" của xã hội, trở thành "nội lực" của một quốc gia trên bước đường hội nhập. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay, đạo lý và những giá trị Phật giáo đang được tiếp nhận ngày càng sâu rộng ở nhiều nơi trên thế giới. Những xung đột tôn giáo và sắc tộc đang khiến thế giới có nhu cầu xích lại gần hơn với tinh thần từ bi, hỷ xả, tăng cường "đoàn kết hòa hợp".

Kính thưa quý vị và các bạn,

Người Việt Nam vốn tôn trọng đức tin tôn giáo. Nhưng đức tin ấy, trước hết là một đức tin thế tục, tin vào đạo đức con người. Bằng những lý lẽ như vậy, chúng ta hy vọng đồng bào các tôn giáo, trong đó có Phật giáo càng được thắp sáng đức tin của mình cho những giá trị lâu bền vững của con người Việt Nam. Tôi hy vọng cuộc hội thảo này sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp trong quá trình gặp gỡ, thảo luận và đóng góp thực sự cho những giá trị đó.

Cuối thư, một lần nữa, xin chân thành chúc cuộc hội thảo thành công. Nhân đây, cho phép tôi đặc biệt hoan nghênh và nói lên lòng biết ơn quý vị cùng các bạn quốc tế trước nay đã bền lòng thiện chí ủng hộ giúp đỡ dân tộc và Phật giáo Việt Nam.

Xin cảm ơn và trân trọng kính chào.

Võ Văn Kiệt
(Nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn