- Mục Lục / Lời Giới Thiệu / Lời Người Dịch
- Chương 1 Khoảng Lặng
- Chương 2: Hành Trình Về Thiền
- Chương 3: Ly Đã Bể
- Chương 4: Căn Bản Thiền
- Chương 5: Bình An & Tĩnh Lặng
- Chương 6: Bước Sen
- Chương 7: Nước Và Sóng
- Chương 8: Tu Tập Giải Thoát
- Chương 9: Con Đường Chuyển Hoá
- Chương 10: Cánh Cửa Giải Thoát
- Chương 11: Khám Phá Ánh Sáng
- Chương 12: Phấn Đấu Đến Giải Thoát
- Chương 13: Thiền Và Hội Họa
- Chương 14: Hoa Tâm Thức
- Chương 15: Đôi Mắt Là Viên Ngọc Quý
- Chương 16: Ai Chữa Lành?
- Chương 17: Phật Pháp Trong Đời Sống Gia Đình
BƯỚC SEN
NỮ TU VÀ CƯ SĨ PHẬT GIÁO
CUỘC SỐNG, TÌNH YÊU VÀ THIỀN ĐỊNH
Walking On Lotus Flowers: Buddhist Women Living, Loving and Meditating
Tác Giả: Martine Batchelor - Biên Tập Viên: Gill Farrer-Halls
Việt Dịch: Diệu Ngộ -Mỹ Thanh & Diệu Liên-Lý Thu Linh
Nhà xuất bản Phương Đông 2010
PHẦN I : THIỀN LỘ.
Chương 3
LY ĐÃ BỂ
Ayya Khema
Ni sư Ayya Khema là người Đức, nhưng đã chu du thế giới thuyết pháp. Là một phụ nữ bình thường, Bà cũng đã tạo dựng gia đình. Người ta tìm thấy nơi Bà sự thẳng thắng, sáng tạo. Tuy nhiên đôi khi người ta cũng thấy sự gay gắt nơi Bà, nhưng điều đó xuất phát từ lòng từ bi, ấm áp, chân thật của Bà. Là người lãnh đạo Phật giáo ở Âu Châu, Ni sư cũng là tác giả của quyển Being Nobody, Going Nowhere (ND: Vô Ngã Vô Ưu).
Sống hay Chết
Mới đây khi tôi được biết mình bị ung thư ngực, cần được chữa trị, tôi không coi đó là một tin mới lạ gì. Tôi tự biết mình mắc bịnh đã hơn 10 năm và đã sông với căn bệnh như thế từ ấy, cố gắng sử dụng tốt thời gian còn lại của mình, để khi không còn có thể chống đỡ nổi với căn bịnh, tôi có thể nhẹ nhàng ra đi. Tôi hoàn toàn không tìm cách chữa trị cho căn bịnh ung thư của mình, không dùng thuốc hay hóa trị, vì tôi không muốn bị dính vào cái bẩy của y học, của thuốc men và tái khám.
Tôi nghĩ nếu tôi phải chết, thì sẽ chết; nếu được sống thì sẽ sống. Nhưng cũng đến thời điểm tôi không còn có thể sống với sự đau đớn triền miên. Phải gần chín năm, cơn đau mới bộc phát, và trở nên nghiêm trọng đến nổi tôi phải dùng đến thuốc giảm đau, nhưng cũng thấy chẳng hiệu qủa gì.
Cuối cùng tôi cũng bằng lòng giải phẩu, giờ tôi chỉ phải uống viên một viên hormone mỗi ngày. Tất cả các bác sĩ, y tá đều rất tử tế với tôi, và những ngày sống trong bịnh viện đã để lại nhiều kinh nghiệm thú vị. Tôi rất vui vì các cô y tá đặt những câu hỏi về giáo Pháp. Đó cũng là dịp để tôi nghỉ ngơi, một sự nghỉ ngơi tôi rất cần nhưng đã trì hoãn quá lâu, nên tôi kiệt sức. Tôi ở trong bịnh năm tuần, bốn tuần ở viện hồi sức.
Cuộc sống của tối đã thay đổi từ đó. Tôi vẫn tiếp tục công việc hoằng pháp như trước đây, nhưng giờ đây tôi cảm thấy mình hoàn toàn buông xả, giải thoát khỏi mọi ham muốn. Có những ngày trọng bịnh viện, đặc biệt là hai ngày mà tôi không thể nào quên, khi tôi cảm thấy rất cần kề với cái chết, vì dường như bao sinh lực trong tôi đều tan biến. Tôi không nói được nữa, và các bộ phận khác của cơ thể cũng đang rời bỏ tôi. Tôi sẳn sàng chấp nhận, nhưng các bác sĩ, y tá bằng mọi cách quyết định cứu sống tôi. Lúc đó tôi nghĩ nếu họ đã cố gắng đến như thế, thì có lẻ mình cũng phải cố lên đôi chút, và tôi đã cố gắng chống chọi.
Thêm nữa, bạn bè, đệ tử, những người ủng hộ tôi cũng gửi thiệp, hoa; có người điện thoại. Họ nói không quan trọng việc tôi có còn thuyết pháp được nữa hay không, nhưng biết tôi còn ở bên họ, đó mới là điều quan trọng. Điều đó cũng giúp tôi thêm sức mạnh cố chống chọi để được ở bên họ.
Giờ đối với tôi, "chiếc ly đã bể". Một người Tây phương hỏi ngài Achaan Chah, một vị đại sư Thái Lan, vì sao Ngài giữ qúa nhiều những đồ đạc, vật chất trong phòng. Vị thầy đáp: " Bạn nhìn cái ly kia, đối với tôi, nó đã bể. Giờ nó còn nguyên trên bàn, tôi còn dùng nó. Cái ly rất đẹp có màu sắc óng ánh dưới ánh sáng mặt trời, và phát ra những âm thanh thánh thót khi tôi khẻ chạm muổng vào. Nhưng đối với tôi, cái ly như đã bể". Điều ấy có nghĩa là không bám víu, không chấp chặt vào bất cứ thứ gì.
Bịnh Hoạn Là Một Ông Thầy Tốt
Nếu bạn đang hành theo Phật Pháp, bạn sẽ biết coi sự bịnh hoạn như một ông thầy tốt, vì nó là cái khổ (dukkha) chung của mọi người. Khi Đức Phật còn là một vị Bồ Tát, chưa đắc đạo, Ngày nhận ra được sự vô thường, và khổ, là những động lực thúc đẩy Ngài đi tìm phương cách giải thoát chúng sanh ra khỏi khổ đau.
Có người phải trãi qua hoàn cảnh khổ đau mới biết tu, vì thế đôi khi bịnh hoạn lại giúp con người tìm đến con đường tâm linh. Nếu bạn đã bước trên con đường đạo, thì bịnh hoạn giúp bạn phát khởi tâm xả ly. Vì chúng ta nhận ra rằng đó cũng chỉ là một trong bao cái khổ của nhân loại.
Trong bệnh viện ta chỉ thấy toàn người bịnh, bác sĩ, y tá và thuốc men. Có hằng trăm người bịnh trong một bệnh viện, trong mỗi quôc gia lại có hàng trăm bệnh viện. Nhận thức được như thế giúp ta biết các ưu tiên trong đời là gì, vì khi bạn bịnh nặng thì cái chết là một kết thúc tất yếu. Bịnh hoạn tạo cho ta cơ hội để buông xả tất cả. Lúc ấy bạn có thể thật sự nhận thấy mình mất hết các khái niệm về cá nhân và cá tính; chúng hòa nhập vào bản thể ban đầu, mà từ đó vạn pháp phát sinh.
Nếu may mắn ra, chúng ta bịnh hoạn mà không chết, thì hãy coi đó như một kinh nghiệm cận kề vơi cái chết. Chúng ta có thể coi như mình đã chết, nhưng được cho thêm một ít thời gian để giúp đỡ người khác. Coi như mình đã chết có nghĩa là ta không còn tìm kiếm những thành quả, lợi lộc cá nhân. Chúng có ích lợi gì khi ta đã chết? Trái lại, ta có thể dùng khoảng thời gian còn lại cho những việc ích lợi hơn, ở trường hợp của tôi, đó là hoằng pháp.
Hướng Dẫn Người Mới Bắt Đầu
Người bắt đầu học thiền có thể thấy dể thực hành hơn nếu có phương thức giúp họ theo dõi hơi thở. Nếu thích con số, họ có thể đếm hơi thở. Nếu thích văn tự, họ có thể dùng các từ như "từ bi" hay "bình an". Nếu thiên về hình ảnh, họ có thể dùng hình ảnh các làn sóng biển. Tưởng tượng hơi thơ như làn sóng biển, tấp vào, giạt ra, có thể giúp tâm an định, cũng như thở vào, ta nói: 'từ bi', thở ra, 'bình an'.
Một khi tâm thiền đã ổn định hơn, họ có thể theo dõi khúc khởi đầu, khúc giữa và khúc cuối của từng hơi thở, và chú tâm đến các cảm thọ đi kèm. Họ cũng có thể tỉnh giác theo dõi các cảm thọ từ mũi đến bụng.
Sau đó tôi sẽ hướng dẫn họ về vô thường, bằng cách quan sát sự vô thường của hơi thở cũng như các vọng tưởng. Nếu bạn có thể đặt tên các vọng tưởng của mình, thì bạn có thể nhận ra những thói quen suy tưởng của mình. Chỉ dùng một từ để diễn tả như 'tương lai', 'quá khứ', 'dự tính', 'nghĩ nhớ', 'ao ước', 'chán nản', 'mộng mơ'. Không cần quan tâm từ nào đến trong đầu bạn trước tiên. dần dần, bạn sẽ nhận ra một khuôn mẫu, thí dụ, bạn không ngừng dự tính. Khi bạn đã nhận ra được khuôn mẫu tư tưởng của mình, bạn sẽ thấy là chúng không ích lợi gì cả, và sẽ buông bỏ đi.
Người Quan Sát Không Phải Là Người Suy Tưởng
Một lợi ích lớn nữa từ việc đặt tên các suy nghĩ là bạn nhận ra rằng người quan sát không phải là người suy tưởng. Chúng ta có thể áp dụng điều này trong cuộc sống hằng ngày bằng cách thay thế các tư tưởng bất thiện bằng tư tưởng thiện, giống như khi ta thay thế vọng tưởng bằng cách chú tâm vào hơi thở khi hành thiền. Đức Phật gọi sự hoán chuyển nầy là 'Tứ Chánh Cần', tóm tắt là không để cho tư tưởng bất thiện được duy trì, mà thay thế chúng bằng tư tưởng thiện. Đây là một trong những cách thực tập thanh tịnh hóa. Để có thể thực hiện điều này, ta phải biết tâm ta chứa đựng những gì.
Việc đặt tên chỉ áp dụng cho những người mới bắt đầu. Đối với các thiền sinh đã có thể định tâm, ít có các vọng tưởng, thì phương pháp này không ích lợi, nhưng với người sơ cơ thì rất hữu dụng. Cách này cũng có ích lợi về mặt giúp ta nhận ra tư tưởng không đáng tin; chúng chỉ là vọng tưởng. Không cần phải hành động theo chúng. Nếu ta có thể nhận thức được điều này, ta sẽ không còn hay tranh cãi, là một sự chuyển đổi tuyệt vời.
Trong Đời Sống Hàng Ngày
Chánh niệm rất quan trọng trong cuộc sống đời thường. Chánh niệm trong thực tế đi kèm với trí tuệ; cái này không thể thiếu cái kia. Trí tuệ có nghĩa là bạn quan sát xem mục đích, động lực của mình, xét xem bạn có sử dụng những phương tiện thiện xảo không. Ngoài ra, ta cũng phải giữ cho tâm trí được thanh tịnh, để chắc rằng ta không duy trì các tư tưởng, hành động bất thiện, mà luôn hoán đổi chúng bằng những hành động, tư tưởng thiện. Sự hoán chuyển này, cộng với Chánh niệm, tự động giúp chúng ta được thanh tịnh.
Chứng Nghiệm
Ta cần phải thực sự hiểu mọi chứng nghiệm của mình ở mọi giai đoạn. Nếu không hiểu thì chúng có ích lợi gì cho ta? Một phụ nữ 60 tuổi đến gặp tôi, bảo rằng bà đã có một chứng nghiệm 30 năm về trước, mà bà không thể nào quên, nhưng bà không hiểu đó là gì. Bà đã vào tầng định thứ năm một cách tự nhiên.
Sau khi chúng tôi trao đổi về chứng nghiệm của bà, cuối cùng bà cũng hiểu, có được chút tri kiến về điều đó, và theo con đường tu thiền. Nếu bà biết tìm kiếm câu giải đáp trong những lời dạy của Đức Phật, bà đã có thể hiểu được sớm hơn. Sự chứng nghiệm mà ta có được ở trong tim ta, đó là những cảm xúc của ta; sự hiểu biết lại ở trong đầu ta. Cả hai cần kết hợp thành một.
Thiền Định
Phương pháp tu tập chính của tôi là thiền định (jhanas). Đó là thực hành thiền chỉ (samatha). Các tầng thiền cao hơn -năm, sáu, bảy- được gọi là minh sát tuệ (vipassana-jhanas). Chúng mang đến cho ta tri kiến tự nhiên về vô ngã, giúp ta bỏ được ảo tưởng về sự hiện hữu của một cái ngã. Làm sao để buông bỏ được ngã tưởng được Đức Phật thuyết giảng chi tiết trong Trung Bộ Kinh Majjhima Nikaya).
Ba định cao hơn được gọi là ' không vô biên xứ', 'thức vô biên xứ' và ' vô sở hữu xú'. Nếu chúng ta thực sự chứng nghiệm được các định này, thì ta biết thực sự không có ngã, chúng ta chỉ tạo ra 'cái tôi' trong tâm mình mà thôi. Từ đó ta mới thực sự có thể buông bỏ ngã tưởng này. Không bám víu và thức tỉnh là con đường Đức Phật đã đi và chỉ dẫn lại cho chúng ta.
Có tất cả tám tầng thiền định. Tầng đầu tiên có thể được coi là 'an định, hỷ lạc'; nói vậy cũng không diễn tả được gì nhiều, nhưng đó là một cảm giác thật tuyệt vời. Bốn tầng thiền đầu tiên được gọi là rupa-jhanas, có nghĩa là thiền sắc giới. Bốn tầng kế tiếp được gọi là arupa-jhanas, có nghĩa là vô sắc giới. Bốn tầng đầu tiên mang đến cho ta những tri kiến thực nghiệm nếu ta biết sử dụng chúng hợp lý và được sự hướng dẫn tận tình. Chúng ta phải từ bỏ các ngã tưởng và ngã sở trên nhiều bình diện để có thể đạt được thiền định, đưa đến sự hiểu biết sáng suốt.
Các tầng thiền năm, sáu và bảy đem lại cho ta những tri kiến rõ ràng về ngã tưởng. Sau khi nói về các tầng thiền định jhanas, tôi sẽ hướng dẫn các thiền sinh thực tập để xem thực sự tâm chúng ta có muốn buông bỏ cái ngã mà ta hằng yêu quý, và có thể chứng nghiệm được sự giải thoát không. Có nhiều phương thức để thực hiện được điều đó, không phải là điều không tưởng như ta nghĩ.
Tôi thường hướng dẫn thiền định jhanas cho những người đã chút ít kinh nghiệm thực hành thiền, tuy nhiên các khóa thiền này cũng mang đến nhiều ích lợi cho những người chưa từng hành thiền trước đây. Sư phụ của tôi bảo rằng điều đó phụ thuộc vào những đời trước của ta. Nếu bạn đã từng thực hành thiền trong các kiếp sống trước, bạn sẽ làm được thôi, bằng không thì bạn cũng có thể bắt đầu ngay từ bây giờ.
Cuộc Đời Là Một Sân Khấu
Quan niệm rằng thiền định jhanas nguy hiểm vì thiền giả có thể bám víu vào các chứng nghiệm, là đã lỗi thời. Trước hết, nếu ta bám víu vào cái gì đó, thì ta không thể nhận thức được điều đó. Hơn nữa, tri kiến thực sự mang đến cho ta một sự bình an thực sự. Chúng ta không thể có được một ít thứ này, mà thứ kia thì nhiều hơn. Sự an tĩnh tạm thời chỉ mang đến những nhận thức hạn chế.
Điều thú vị là bất cứ ai đã từng hành thiền đều có thể đạt được thiền định jhanas. Lúc ấy việc hành thiền trở thành là một thực tại, đáp ứng được nguyện vọng của chúng ta. Chúng ta chứng nghiệm được rằng thế giới còn có những cái mà mắt ta không nhìn thấy được, và điều đó khiến cho cuộc sống tâm linh của ta thêm ý nghĩa.
Đức Phật vẫn tiếp tục hành thiền sau khi đạt giác ngộ. Trước lúc nhập diệt, Ngài còn nhập định đến tầng thiền thứ tám, rồi xuất định, nhập định trở lại từ sơ thiền, diệt độ ở khoảng giữa tầng thứ tư và thứ năm. Điều này đã được tôn giả Anuruddha, là người có khả năng tâm linh, nhắc đến trong kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahaparanibbana Sutra), nói về sự nhập diệt của Đức Phật.
Đức Phật bảo ta có thể kinh nghiệm được sự giải thoát sau khi chứng được bất cứ thiền na nào. Tuy nhiên điều này cũng khó thành hiện thực sau sơ thiền, vì nó chưa mang đến cho ta đủ trí tuệ. Sau khi đã đạt được các thiền quả, cảm nhận được sự an tịnh tuyệt đối, tâm thức đã được chuyển đổi, đó mới là lúc ta có thể hướng tâm đến giải thoát.
Bạn có thực hiện được điều đó hay không tùy thuộc vào bạn có hoàn toàn xả bỏ. Những lời hướng dẫn để đưa tâm đến chỗ giải thoát dành cho tất cả những ai có thể làm chủ được các tầng thiền định. Làm chủ có nghĩa là bạn có thể vào định nếu muốn, trụ ở đó bao lâu cũng được, sau đó chiêm nghiệm lại từng tầng thiền định, cũng như có thể đi từ tầng thiền này qua tầng thiền khác. Điều này được xem là rất khó thực hiện. Tuy nhiên thật là diệu kỳ, khi bao nhiêu người, với chút khả năng, và chủ tâm, có thể thực hành thiền định.
Nhờ thiền định, ta có thể nhìn thế giới một cách khác. Việc hành thiền làm thay đổi chúng ta, cái nhìn của ta đối với thế giới bên ngoài cũng thay đổi, dầu là ta chưa đạt tới giác ngộ. Như Shakespeare (ND: Nhà đại văn hào người Anh) đã nói: "Thế giới chỉ là một sân khấu, mà chúng ta đều là những diễn viên".
Tuy nhiên, vì chúng ta còn sống, nên vẫn còn tiếp diễn vở kịch. Người mà có thể nhìn cuộc đời là một sân khấu, và đã thấu đáo lời Phật dạy, sẽ có thể hoằng pháp và sẽ giang tay đến với cuộc đời bằng lòng từ bi. Họ còn có thể làm gì khác hơn chứ?
Kinh Nghiệm Bản Thân
Năm 1963 tôi tham dự một khóa Thiền ở tịnh thất Sri Aurobindo, ở Pondicherry. Ngài Sri Aurobindo đã mất, nhưng mẹ ngài vẫn còn sống, và bà đã hướng dẫn chúng tôi hành thiền. Chúng tôi thường ngồi ngoài trời, trên sân trường lắng nghe bà thuyết giảng. Đó là lần đầu tiên tôi được biết đến Thiền, và tôi lập tức thích ngay.
Cái tôi cảm thấy còn thiếu sót là sự hướng dẫn chính xác. Tôi luôn nghĩ thật là kỳ diệu khi một hiền triết có thể chúng đắc, nhưng còn tôi, tôi phải làm thế nào? Tôi cố gắng tìm ra con đường. Tôi đọc sách của bà mẹ, cảm thấy chúng rất thực dụng, không giáo điều, nhưng không thể hiểu nổi thầy của bà, là ngài Sri Aurobindo.
Vào năm 1973, một tăng sĩ người Anh, Đại đức Khantipalo đến Úc, và qua thầy, lần đầu tiên tôi biết đến Phật giáo. Đây rõ ràng là con đường đạo tôi có thể hiểu, tin và hành theo. Tôi cảm thấy đây đích thực là con đường tâm linh chân chánh để tôi theo.
Tôi bắt đầu học giáo lý của Đức Phật được dịch từ kinh tạng Pali sang tiếng Anh. Tôi tìm được những lời hướng dẫn cụ thể, thực tế, phù hợp với những gì xảy ra hằng ngày trong đời sống của tôi. Khi học về năm điều chướng ngại, tôi đã cố gắng thực tập buông bỏ chúng. Thật là kỳ diệu. Sau ba năm, đại đức Khantipalo mời tôi tham gia thuyết giảng với thầy.
Mỗi lần đọc một bài kinh, tôi cố gắng đem ra thực hành. Tôi vẫn còn đọc các kinh vì có quá nhiều, nên tôi luôn tìm được những điều mới lạ để học hỏi. Tôi thường giảng dạy dựa vào các kinh. Nếu bạn chưa từng hành thiền Phật giáo, bạn sẽ thấy kinh điển khá khó hiểu; chúng ta không thể đọc kinh điển như những quyển sách bình thường.
Thành Quả Tốt Đẹp Nhất Của Tôi!
Tôi xuất gia năm 1979. Tôi đã thành lập được tu viện Wat Buddha Dhamma ở Úc và cùng với Đại đức Phra Khantipalo hoằng pháp tại đây. Tôi nghĩ trở thành một nữ tu sĩ là việc đáng làm nhất. Đó là cách duy nhất để bảo vệ tôi khỏi những việc thế gian làm mất nhiều thì giờ, công sức của tôi. Tôi đã thực hiện được nhiều việc và đã làm việc cho ngân hàng Bank of America bảy năm. Nhưng có ai lại muốn làm việc đó suốt đời?
Làm người tu sĩ đem lại nhiều lợi ích cho tôi. Tôi không cần phải lái xe, phải lo có xe cộ. Không cần có tài khoảng ở ngân hàng để lo lắng. Tôi không cần phải đi mua sắm, lo lắng về việc ăn uống, để ý đến đầu tóc, quần áo. Đến việc trả lời điện thoại, tôi cũng không phải làm.
Đó là một sự bảo vệ tuyệt đối cho bạn, và là một lợi ích vô hạn cho việc tụ tập. Gần như lập tức ngay sau khi vừa xuất gia, tôi đã có cảm giác được giải thoát. "Tôi không cần phải là ai cả. Không cần phải làm đẹp, làm duyên, phải giàu có hay quan trọng. Tôi chỉ cần khoác y vào, và cố gắng hết sức mình".
Đó là một cảm giác buông xả thực sự, hoàn toàn nhẹ nhỏm. Môt khi bạn đã cạo tóc và khoác y. Nếu ai có thích bạn cũng tốt, không thích cũng chẳng hề gì. Đó là việc tốt đẹp nhất tôi đã làm được!
Hỗ Trợ Phong Trào Ni Giới
Ở Sri Lanka, tôi có thiết lập một hòn đảo dành cho ni giới tên là Pappuduwa Nuns' Island, gần bên một đảo của chư tăng do Đại đức Nyanyatiloka lập ra năm 1911, cũng ở bên hồ Radgania. Tôi có thể thực hiện được điều đó vì tôi có một đệ tử thuần thành, sống bên cạnh bờ hồ. Tôi cảm thấy hoàn toàn có thể tin tưởng người này, nên tôi trao cho ông tất cả tiền cúng dường tôi đã nhận được, và ông ấy đã xây một ni viện ngay trên đảo. Đã có rất nhiều phụ nữ Tây Phương đến đảo này để tu tập, hay xuất gia. Hai trong số các vị ni này đang ở đó, lo việc giảng dạy và trụ trì ni viện.
Bạn tôi, Ayya Nyanyasiri, môt nữ tu sĩ người Mỹ ở Sri Lanka, đã thành lập được một nơi dành cho quý sư cô thuyết pháp và tu tập. Vị trí của ni giới ở Sri Lanka khá thấp kém, nhưng nhờ vào những cố gắng này, mà nó đã được cải thiện. Giờ thì chính quyền nơi ấy cũng đang rất cố gắng để nâng cao trình độ học vấn cho ni chúng. Hai trong số các thiền sinh của tôi đã có thời gian hướng dẫn thiền cho các vị ni ở đấy.
Năm 1987, tôi thọ đại giới ở Chùa Tây Lai ở Los Angeles. Tôi làm việc này chỉ là cho giống như các vị nữ tu sĩ Tây phương khác khi họ thọ giới tỳ kheo ni. Việc này không thay đổi cuộc sống của tôi cũng như công việc của tôi dưới hình thức nào, nhưng là một kinh nghiệm thật thú vị, và tôi cũng mừng là nó đã qua đi nhanh chóng.
Ngay hiện tại tôi rất hoan hỷ được hỗ trợ các phong trào nữ Phật giáo quốc tế. Điều quan trọng là nữ giới thuộc nhiều tôn giáo trên thới giới cần nhận lãnh nhiều trách nhiệm hơn, điều nầy hoàn toàn không có nghĩa chống đối, thù hằn đối với nam giới. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng các nữ tu và cư sĩ Phật giáo mà tôi biết không hề có vấn đề này.
Tôn giáo là lãnh vực cuối cùng trong guồng máy phụ hệ khiến người phụ nữ cảm thấy khó phát triển hết khả năng của họ. Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy là người phụ nữ mạnh mẽ lúc nào cũng để lại dấu ấn.
Năm 1987, tôi được mời tham dự môt cuộc trao đổi giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo tại trường Đại Học Berkeley, bang California. Chúng tôi có hai nhóm phụ nữ, gồm hai vị thuộc Phật giáo và hai vị thuộc Thiên Chúa giáo. Các vị bên Thiên Chúa giáo phát biểu trước về những vấn đề hàm chứa trong đề tài 'phụ nữ và tôn giáo'. Khi đến phiên tôi, tôi bảo rằng là tôi rất mừng là các vị bên Thiên Chúa giáo cũng có nhiều vấn đề giống như chúng tôi. Cả phòng họp cười rộ, nhưng tôi thật sự rất nghiêm túc khi phát biểu. Có khoảng tất cả 700 thính giả và tất cả dường như rất thông cảm, ủng hộ chúng tôi.
Có 12 buổi tối, mỗi buổi có một bài thảo luận. Mười một bài là của phái nam, chỉ có một của phái nũ. Tất cả các vị kia được phát biểu trong một tiếng đồng hồ, còn bốn phụ nữ chúng tôi chỉ được trình bày mỗi người 15 phút. Chúng tôi nói với ban tổ chức: "Quý vị rất may mắn là chỉ trả một lệ phí cho cả bốn người!". Đó là vào năm 1987 ở Đại Học California ở Mỹ, được coi là xứ sở cởi mở nhất về giới tính. Nhưng tất cả những việc đó đều là vô tình, không có dụng ý xấu.
Truyền Thống Không Phải Là Giáo Điều
Tôi thật sự vui mừng vì đã gặp được giáo lý của Đức Phật để tụ tập. Tôi dựa vào truyền thống này để bồi dưỡng sự tu học và hiểu biết của mình. Tôi không thể làm được điều đó nếu không có những lời chỉ dẫn của Đức Phật. Khi giảng dạy, tôi giải thích những điều cơ bản dựa vào những kinh nghiệm của chính mình, mà không đi ra ngoài cái khung căn bản mà Đức Phật đã đề ra, dầu rằng tôi có thể thêm vào đó sự diễn giải riêng của tôi về các giáo lý truyền thống.
Tôi đã tìm được cả một kho tàng các lời giáo huấn của Đức Phật trong tàng kinh Pali mà tôi đã cố gắng chuyển tải qua kinh nghiệm và hiểu biết của riêng mình. Trong nhiều năm, tôi đã trao đổi kinh nghiệm với Thầy tôi, Sư Nannarama, một người hoàn toàn theo truyền thống và được Thầy chứng minh. Mười bốn năm trước, Sư Nannarama trở thành Thầy tôi, khi tôi đi tìm một người để có thể trao đổi và chứng minh cho các chứng nghiệm của mình. Tôi đã thưa hỏi các vị thiền sư khác, nhưng họ không giúp được tôi nhiều. Sư Nannarama viên tịch đầu năm 1992, thọ 91tuổi. Ngài đã hỗ trợ tôi rất nhiều. Qua nhiều lần trình thưa với Thầy về những chứng nghiệm, và tri kiến của mình, tôi có thể chắc rằng tôi không tưởng tượng hay diễn đạt sai lạc các hiện tượng đó.
Sư Nannarama dạy tôi phải đi khắp nơi, giảng dạy thiền định jhanas vì không còn nhiều người biết đến những điều này. Lúc đầu tôi cũng ngần ngại, nhưng tôi thấy nhiều người có thể chứng nghiệm và điều đó làm cuộc đời họ thay đổi hoàn toàn.
Tôi theo truyền thống, nhưng chắc chắn không phải là chính thống vì tôi thấy rằng chính thống, giáo điều chỉ trói buộc con người, chứ không phải giải thoát. Là người Do Thái, tôi thấy rằng Do thái Giáo Chính Thống có thể khiến người ta không có những hành động thích hợp, thí dụ phải đổi mũ lông trong lúc thời tiết nóng. Những sai lầm tương tự cũng tiềm ẩn trong các giáo điều của truyền thống Nguyên Thủy.
Truyền thống có thể mang đến cho ta sự an tâm vì ta biết rằng chúng được dựa trên những sự thật tuyệt đối đã được thử thách với thời gian. Do đó truyền thống cần được gìn giữ, tuân theo. Trái lại giáo điều, theo tôi, là mù quáng tuân theo một số khuôn mẫu hành động không thích hợp ở một đất nước khác, một thời điểm khác. Tôi thường thay đổi một số hành động khuôn mẫu để thích hợp với xã hội mình đang sống, để chúng không gây khó khăn cho những người bình thường khác.
Phật Giáo Có Thể Được Xã Hội Hóa Không?
Phật giáo ở Tây phương không nên dùng ngoại ngữ của Châu Á, nên dùng ngôn ngữ Tây phương hiện đại. Đức Phật có bài Kinh gọi là Sự Diễn Giải Không Xung Đột (The Exposition of Non-Conflict), trong đó Đức Phật dạy rằng phải học Phật pháp bằng tiếng mẹ đẻ và phải được truyền đạt một cách chính xác. Không được thay đổi những điều cốt lõi của giáo lý. Khi chúng ta cố gắng chiều theo quan niệm của nhiều người, để được xã hội chấp nhận là chúng ta đã đánh mất đi sự vĩ đại, siêu việt của một lý tưởng hoàn toàn giải thoát.
Mục đích của xã hội nhằm đạt được, trở thành, được sở hữu và duy trì. Trong khi giải thoát là con đường của xả bỏ, không trở thành gì cả; chỉ hiện hữu và buông bỏ. Nó hoàn toàn trái ngược lại với những gì xã hội thường mong muốn. Phật giáo đã bị biến chế theo ý hướng của xã hội sẽ trở thành là pháp tâm ( psycho-dharma), chỉ chứa đựng một phần sự thật. Tu theo Phật giáo là phải chuyển hóa hoàn toàn nội tâm, không phải là chỉ để cải thiện các hành động, cư xử của chúng ta. Ở phương Tây, với khuynh hướng biến chế Phật giáo đe dọa tính xác thực của tôn giáo nầy.
Chúng ta phải chắc chắn rằng Phật giáo chỉ được thuyết giảng vì một mục đích duy nhất đó là để đạt được Niết bàn. Đó là lý do để chúng ta tụ tập, thuyết giảng, hành thiền theo con đường của Đức Phật. Cần luôn ghi nhớ điều đó trong tâm như là một đường hướng chung. Nếu Niết bàn không phải là điều chúng ta theo đuổi, thì pháp Phật chỉ là một triết lý hay tâm lý học, hay tệ hơn là cái hội của những người có ý hướng giống nhau.
Niết Bàn
Niết bàn là sự biến mất hoàn toàn các ý niệm về ngã. Thật ra chúng ta dễ sống ở đời hơn nếu không có ngã sở. Nếu bạn có thân hình quá kích cỡ, khi đi qua một khung cửa hẹp, bạn phải va chạm đau đớn cả thân. Cũng thế nếu ngã của bạn qúa lớn, thì bạn cũng gặp trở ngại ở khắp nơi, là điều luôn làm ta đau đớn. Nếu không còn ngã, thì không còn gì để đau.
Chúng ta sẽ sống tốt hơn nếu không còn ngã chấp. Cuộc sống sẽ trở nên một màn kịch sân khấu thú vị với nhiều điều đáng nhớ. Kinh Hạnh Phúc (Mahamangala Sutra) nói rằng: "Dầu những hoàn cảnh cuộc đời có tác động, tâm người giác ngộ không lay chuyển". Các nghịch cảnh trong đời có xảy ra, tâm họ không dời đổi theo chúng. Hoàn toàn diệt ngã là Niết bàn, nhưng con đường đó gồm nhiều chặng, nhiều giai đoạn của sự đoạn diệt, cho đến khi chúng ta có thể hoàn toàn buông bỏ mọi giấc mơ ảo tưởng.
Chúng ta có thể thực hành các lời dạy của Đức Phật, chứng nghiệm chúng, dầu ta có thuộc một truyền thống tôn giáo nào hay không. Con người thường hay tranh cãi; nhưng thực tế thì chỉ có một sự thật duy nhất và tất cả mọi thần bí của tất cả thời đại cũng tìm đến một sự thật. Có một tâm thức về vũ trụ mà chúng ta có thể chứng nghiệm trong thiền định - thức vô biên xứ.
Tất cả các tâm hành thiền cuối cùng đều đi theo một con đường, vì không còn con đường nào khác. Dầu ta tự cho mình là Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo hay Phật giáo, không quan trọng, tất cả chúng ta đều có cùng tâm con người. Sự bài xích tôn giáo thì cũng vô lý như tính vị kỷ của chúng ta.
Tâm vũ trụ không phải là Phật giáo, nhưng là vô cùng tận. Thức vô biên xứ là cội nguồn của sự chứng nghiệm của cái không nơi mọi thứ đều hòa lẫn vào nhau.
Ứng Xử Với Lòng Từ Bi
Sau một khoá tu chuyên sâu, ta thường cảm thấy bực bội vì những uế nhiễm quanh ta. Chỉ có một thuốc chữa duy nhất đó là lòng từ bi - cư xử với lòng từ bi ở khắp nơi, bất cứ nơi nào ta có mặt. Mỗi khi ta tiếp xúc với ai, cũng được coi là một thử thách cho sự tu tập của ta.
Trong suốt khóa tu, mỗi tối chúng ta đều hành thiền từ bi chung với nhau. Điều đó giúp ta trở nên quen thuộc, thân thiết với cảm giác này. Tất cả chúng ta đều có nhiều va chạm với người khác, vì thế điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm là thực hành lòng từ bi. Ngồi yên lặng khi thiền chỉ là một phương pháp. Chúng ta không thể ngồi trước ai đó và nói: "Hãy chờ một chút, tôi phải ngồi xuống, tôi mới tử tế với bạn được". Lòng từ bi là điều ta có thể thực hành ngày này qua ngày khác cho đến khi nó trở thành một cách cư xử tự nhiên.