Chương 11: Khám Phá Ánh Sáng

18 Tháng Giêng 201100:00(Xem: 10364)

Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay
BƯỚC SEN
NỮ TU VÀ CƯ SĨ PHẬT GIÁO
CUỘC SỐNG, TÌNH YÊU VÀ THIỀN ĐỊNH
Walking On Lotus Flowers: Buddhist Women Living, Loving and Meditating
Tác Giả: Martine Batchelor - Biên Tập Viên: Gill Farrer-Halls
Việt Dịch: Diệu Ngộ -Mỹ Thanh & Diệu Liên-Lý Thu Linh
Nhà xuất bản Phương Đông 2010

PHẦN III: CUỘC SỐNG ĐẦY SÁNG TẠO.

Chương 11: Khám Phá Ánh Sáng

Yahne Le Toumelin

 

Yahne Le Toumelin là một hoạ sĩ trường phái siêu thực Pháp, với những bức hoạ đầy màu sắc và các hình dạng biến đổi. Bà cũng là một nữ tu sĩ Phật giáo Tây Tạng. Bà Yahne rất hóm hỉnh, không quan trọng hoá vấn đề, thường chơi chữ đến độ không thể dịch ra được. Tuy nhiên, bà là người tu tập miên mật, đã thực hiện nhiều khoá tu thiền kéo dài cả năm.

 

“KHÔNG HÀNH ĐỘNG”

Tôi trở thành một nữ tu sĩ Phật giáo từ năm l968. Đây là cuộc cách mạng năm 68 của cá nhân tôi. Đối với tôi, trở thành một nữ tu sĩ Phật giáo, trước tiên có nghĩa là không hành động – ‘nun-action’. (ND: Ở đây Ni Sư đã chơi chữ, non-action ‘không hành động’ và nun-action ‘hoạt động của ni’ đều phát âm giống nhau). Giống như ánh sáng đổ phía sau lưng; nó không hiện hữu. Tôi cảm thấy rất tuyệt vời được làm một nữ tu sĩ.

Trước khi xuất gia, tôi luôn thầm ao ước tình yêu sẽ đến với tôi, nhưng tôi khám phá ra rằng cuộc sống tình cảm của tôi hoàn toàn thất bại vì tình yêu của tôi chính là cuộc tìm kiếm chân lý, ý nghĩa thật sự của cuộc đời. Từ lúc tôi từ bỏ những cuộc chạy đuổi theo tình ái, trở thành người tu, cuộc sống của tôi trở nên hữu hiệu hơn, vậy là sự buông bỏ đã mang lại kết quả.

Nếu chúng ta muốn thoát khỏi những vấn đề tình cảm, nhưng lại muốn tìm được hạnh phúc qua các cảm xúc, thì thật là mâu thuẫn, bởi vì các cảm xúc là nguồn gốc của khổ đau. Tôi quan tâm đến các cảm xúc của mình bởi vì tôi không chỉ là một người nghệ sĩ, mà còn là một người phụ nữ giàu cảm xúc. Vì thế tôi đã tự gây cho mình nhiều đau khổ.

Bây giờ sự khổ đau của tôi hoàn toàn khác: đó là nỗi đau của tha nhân- nhưng tôi chưa giải quyết được điều nầy. Ở Tây Tạng, người ta nói rằng nếu một que diêm có thể làm cháy cả cánh rừng, thì một thiện ý có thể mở cửa thiên đường cho kẻ khác. Tôi tin rằng hoà bình trên thế giới tùy thuộc vào chúng ta.

Chúng ta có một kho báu, đó là bản tánh của ta, và ta có thể tỉnh thức trong niềm hạnh phúc và hoà hợp của nó. Để khám phá ra kho báu, ta phải phá vỡ những gì đang che đậy nó, như các tình cảm, các tư tưởng tiêu cực. Để đoạn diệt đau khổ, ta phải tự giải thoát mình ra khỏi các nguyên nhân của khổ đau: sự bám víu, tình cảm, tư tưởng, quan điểm. Thật là đơn giản, nhưng không phải dễ dàng.

Ngày xuất gia, tôi được thọ giới, được phát nguyện. Xuất gia, tôi coi như đã đánh mất mọi hy vọng vào thế giới hão huyền tầm thường nầy, nhưng tôi có được sự tự do và niềm vui to lớn. Đó là một nghi lễ oai nghiêm; thọ giới là một quà tặng tuyệt diệu, một sự trao truyền thanh khiết từ thời đức Phật. Tuy nhiên, tôi không phát nguyện là không vẽ nữa, vì tôi có thể dễ dàng ngừng vẽ rồi cũng dễ dàng vẽ lại.

Tôi không ở trong giai đoạn vô-thiền, dù tôi cho rằng thật ra không có gì để phải thiền hết. Vì thế tôi hành thiền để có được sự vững chãi trong vô-thiền. Lời khuyên của tôi cho mọi người, cũng như cho bản thân, là hãy tiếp tục hành thiền cho đến ngày bạn không còn bất cứ một ảo tưởng nào về thực tại.

ÁNH SÁNG CỦA LẠT MA

Thiền trụ trên Lạt Ma, nhưng Lạt Ma không phải là một người. Đó là hào quang, ánh sáng, không gian của Lạt Ma. Nhờ chúng, ta khám phá ra tất cả. Dĩ nhiên ta cần sự thanh tịnh hoá để khám phá ra những gì ở phía sau các uế nhiễm của tấm mạng vô minh.

Khi tôi nói, hơi đùa một chút, là không có gì để thiền, đấy là vì các ảo tưởng của ta đã nhạt phai, không gian trở nên mênh mông, trong sáng hơn, không còn có sự giới hạn nào. Khi tôi nói về bầu trời, cái quan trọng nhất trong bầu trời là sự trong sáng cần thiết cho ánh sáng mặt trời tỏ rạng. 

Lòng từ bi của lạt ma có thể khiến bạn cảm nhận được lòng từ bao la, trùm phủ cả vũ trụ, vì họ không phải là một cá thể và bạn cũng thế. Công phu miên mật dành cho lạt ma cũng giống như mặt trời trên bầu trời; đấy là lòng từ bi trong cái không hay cái không trong lòng của từ bi. Chúng ta có sự liên hệ với vị lạt ma đương thời, qua đó có được khả năng tâm linh. Nếu chúng ta có bạn hay người yêu, thì chính người đó biểu lộ các tình cảm thân hữu hay tin yêu, sự vĩ đại, tiềm năng, và năng lực của tình cảm đó dành cho ta.

Có một vị lạt ma duy nhất của riêng mình hiện hữu, và khi ta tìm được vị nầy, ta sẽ tìm thấy họ trong tất cả chúng sinh. Họ đều giống nhau. Tuy nhiên, có một người mà ta phải thọ ơn nhiều nhất, vì người đó phải khó nhọc dẫn dắt ta và giúp ta thanh tịnh hoá bản thân. Những lời giáo huấn của lạt ma chính là sự có mặt của người. Chiêm ngưỡng thầy tôi, trên tất cả đó là sự hiện hữu của người. Ông dạy như ông sống, và sống theo những điều mình dạy. Chúng ta có thể nhận biết được bậc chân tu qua những lời dạy, hành động, và oai nghi của họ.

Chúng ta không cần có niềm tin mù quáng. Vị thầy biểu lộ cho ta biết bản chất riêng của chính ta, và sự chứng nghiệm về điều nầy. Sau sự chứng nghiệm đó, ta lại đòi hỏi thêm ở Thầy nữa, và vì Người không có giới hạn, con đường được mở ra cho chúng ta. Đấy là vị thầy bên trong được khám phá, nhờ vào vị thầy bên ngoài. Nếu đã được chứng nghiệm, ta sẽ không cần đến vị thầy bên ngoài vì chúng ta đã sẵn có vị thầy bên trong. Ta sẽ không cần đến thầy nào cả. Chứng nghiệm là một lạt ma tự động!

Chúng ta thật sự cần một người như bà mụ, bác sĩ hay một người làm vườn, nhưng người làm vườn không phải là đất hay hạt giống. Chúng ta tựa như hạt giống đầy tiềm năng, nhưng vị lạt ma giúp cho sự tỉnh thức của chúng ta dễ dàng hơn, như mặt trời và mưa, giúp cho hạt giống nẩy mầm, và được nẩy mầm tươi tốt là ý nghĩa của hạt giống, là sự tỉnh thức, là niềm hạnh phúc của nó.

ÂN SỦNG

Ân sủng là gì? Đó là niềm hạnh phúc trổ hoa của nội tại, đầy đủ một cách huyền bí, một khoảng không gian đầy tin yêu dễ chịu, một sự tươi mát, phóng khoáng nội tại, mà chúng ta cần tri ân vị lạt ma. Nếu bạn có thể cảm thấy điều này với ai đó, dĩ nhiên bạn sẽ hướng đến đó hơn là sự đau đớn và thống khổ. Tôi từng là một hoạ sĩ, một người mẹ, rất ư là thống khổ, nhưng nhờ được gặp gở các vị thầy Tây Tạng và được nhận những ân sủng từ họ, tất cả đã được thay đổi.

Không phải chỉ với những ý định, khái niệm tốt mà người ta có thể vẽ nên một bức tranh đẹp, vì thế khi một sáng kiến, một điều mới lạ phát khởi trong tôi, tôi đều làm lễ tạ ơn. Những thôi thúc sáng tạo nầy hoàn toàn tự nhiên và tôi tạ ơn chúng. Tôi tạ ơn đất lành, để hạt giống tốt sẽ dần trở thành một đoá hoa, nghĩa là, một bức tranh. Thay vì vẽ ánh sáng, tôi cố gắng sống trong ánh sáng; vì ánh sáng, giống như lửa, là biểu tượng của đời sống.

Tự bản thân, tôi không thể tạo nên bức hoạ nầy. Tôi hiến tặng màu xanh với kỹ thuật nhịp nhàng cho tình yêu của lòng dâng hiến, rồi nó tự phác hoạ mình dưới những hình thể khác nhau. Đấy là hội hoạ. Nếu có ai thích, thì càng tốt. Củng như có người thích bánh chanh, người không. Tóm lại, mọi thứ đều đơn giản thế thôi. Nếu là mẹ của bạn đã làm cái bánh chanh ấy, bạn có thể cảm nhận được năng lượng của tình thương trong đó; do đó bạn hãy thiết lập mối liên hệ với tất cả những ai đã cảm nhận được nguồn năng lượng đó.

KHÁM PHÁ ÁNH SÁNG

Ở phòng triễn lãm Uffizi ở Florence, 80 phần trăm các bức hoạ là những bức marouflés, là tranh dán giấy. Loại giấy nầy thường màu trắng. Màu trắng là ánh sáng. Ánh sáng là nền, và khi gỡ màu sơn đi thì ánh sáng sẽ được phơi bày. Người Đức tạo nên những kỷ xão phim trường từ đó, còn tôi khám phá ra các tác dụng nầy một cách tình cờ. Kỹ thuật nầy giúp tôi tạo ra được nhiều ứng dụng về ánh sáng. Khi tôi khám phá ra điều nầy, cũng giống như khám phá ra bánh xu kem, và khi đang đói, ai mà không ăn quá nhiều.

Turner thường dùng rất nhiều giẻ để bôi bỏ lớp màu sơn. Còn Degas, có lần Degas tự giam mình trong xưởng vẽ để tạo ra một mô-nô-tip (một bản in độc đáo từ kiếng hoặc từ miếng kim loại), vì ông đã khám phá ra rằng bằng cách gở bỏ lớp sơn sẽ cho ta những hiệu quả ánh sáng diệu kỳ. Hội họa Đức chấp cánh cho tôi và có thể một cách vô thức tôi bị ảnh hưởng của Max Ernst, người mà trong những năm cuối đời cũng đã khám phá ra những kỹ thuật nầy. Tôi khám phá ra kỷ thuật đó bằng cách gở lớp sơn, để ánh sáng phơi bày ra ở phía sau, từ bên dưới, bằng cách phát hiện ra vai trò của màu trắng trong giấy. Thường điều đó hoàn toàn trái ngược lại với những gì chúng ta đã học ở trường, nơi người ta xử dùng bóng, rồi thêm vào màu trằng để tạo ra ánh sáng.

Tôi làm một khung cửi, một cái khung thích hợp với tôi ngày hôm đó. Rồi trên cái khung nầy một tay tôi dùng cọ tô màu, tay kia lại gỡ sơn ra. Tất cả trường phái ấn tượng trong tôi – trường phái tranh mà tôi ngưỡng mộ như là của Rembrandt, Turner, Monet – tôi thêm vào, rồi lại gở bỏ, đó là trường phái hội họa Đức, của những hoạ sĩ Albrecht Altdorfer và Matthias Grunewald của thế kỷ mười sáu.

Kỹ thuật nầy tương ứng với những gì tôi tìm kiếm về mặt tâm linh. Nhờ việc gở bỏ, phân huỷ, hoà tan mà ánh sáng được phơi bày. Động tác nầy thật là một biểu tượng tuyệt vời. Phần nào đó, phương cách nầy gò bó tôi, nhưng cũng lại lôi cuốn tôi vô cùng, vì nó phơi bày rất nhiều ánh sáng. Thật là kỳ diệu. Tôi ngạc nhiên với chính mình, từ bất ngờ nầy sang bất ngờ khác, từ huyền diệu nầy đến huyền diệu khác. Phương cách của tôi tạo ra một hiện tượng tõa sáng lạ thường.

Đây là một phong cách mới trong hội họa. Rất nhiều thứ có mặt trong tranh của tôi, nhưng chúng không lấn át nhau. Đây hơi giống như một cuộc lướt sóng; tôi phải giữ sự cân bằng. Đây là một lối đối thoại mà tôi cố gắng không để rơi vào đối đãi.

MỘT THỂ, MỘT ÁNH SÁNG

Khi bạn thực hiện một bức tranh trên giá vẽ, với một chủ đề mà bạn sao chép lại theo phương cách cổ điển. Sau lưng bạn, có cả một nền lịch sử nghệ thuật đang chiêm nghiệm, và trước mắt bạn là bức tranh. Riêng tôi, tôi làm việc theo chiều ngang. Khi tôi hoạ, các hình ảnh xuất hiện và tôi trở thành một với các đợt sóng, với sự xuất hiện. Tôi vừa ngạc nhiên vừa thú vị. Mỗi lần như thế là một khám phá mới cho tôi.

Trong tranh của tôi như có sự kiếm tìm thứ ánh sáng thuần khiết nhất. Thường thì chỉ có một loại. Đó là nhờ một nhà buôn tranh nghệ thuật có thế lực, ông René Drouin, người hết lòng tin vào tranh của tôi. Ông bảo rằng vì tôi có trí tưởng tượng phong phú như thế, tôi có thể thử chuyên hoạ về một dạng duy nhất, theo xu hướng cô đọng, với chỉ một màu. Trong hai năm, tôi đã thử sử dụng phương thức nầy trong các trại sáng tác.

Những dạng đơn giản nhất là hình tròn và hình vuông. Thường hình của tôi gần như vuông. Chúng mong manh đến độ phải có vài lớp sơn mỏng. Ánh sáng phía sau và bạn thấy một lớp màn, một lớp nữa. Rồi tiếp theo một lớp nữa. Tôi gọi chúng là “những tấm gương soi” vì tôi thích cái mà Marguerite Porète viết về “tấm gương soi những tâm linh mỏng manh đã bị huỷ diệt”. Tấm gương soi có vỏ bề ngoài rạng rỡ. Trong các loại văn chương tín ngưỡng có rất nhiều hình ảnh gương soi: trong Do Thái giáo (Talmudism), chủ nghĩa đạo Xu-Phi (Sufism), Phật giáo Tây Tạng (Tibetan Buddhism). Đó là một biểu tượng phong phú đa dạng.

Tôi muốn bày tỏ lòng kính trọng đến Marguerite Porète, người đã bị các cha ngươì Pháp đốt ở Toà Thị Sảnh Ba-Lê vào năm 1310, bởi vì bà ta đã viết một bản thảo về một linh hồn ngất ngưỡng trên các ngọn núi, trên các ngọn gió. Bản văn đó thật sự kỳ diệu, rất giống với các công trình nghiên cứu của tôi. Paris cần phải bày tỏ lòng kính trọng đến Marguerite vì họ đã hoả thiêu bà với bản thảo ấy. Tuy nhiên, một bản thảo đã được bảo tồn. Sự diễn tả của bà về linh hồn thật là tuyệt vời.

Khi người Eskimo muốn diễn tả một điều gì, họ xếp các viên đá theo một cách nào đó để tạo thành các hình ảnh. Những viên đá nầy được gọi là ‘inuchnuk’. Một người quản lý bảo tàng Nhật rất xúc động khi ông nhìn thấy những viên đá này, thế là ông mang chúng về bảo tàng viện của ông. Người xem bình thường nhìn vào chỉ thấy là một đống đá, nên họ nghĩ rằng ông quản lý bảo tàng chắc là điên rồi. Sau đó, người quản lý sắp xếp các viên đá lại như người Eskimo đã từng làm, thật là đẹp.

Mỗi ngày, kể cả khi tôi đã hoạ tranh ‘baroque’, rất mệt mỏi, tôi vẫn kết thúc bằng cách xếp đặt để tạo ra một ‘inuchnuk’. Không một ánh sáng nào giống nhau, cho dù tôi làm cả trăm lần. Hình ảnh đơn sơ nhất của ánh sáng cũng diễn tả một điều gì đó. Giống như người nam để xuống một viên đá, một ‘inuchnuk’, và người nữ để ánh sáng. Điều đó quá rõ ràng đến độ tôi không thể lý giải thêm, nên sẽ không thêm gì nữa cả. Đôi lúc tôi thêm vào một phản diện của ánh sáng giống như một thanh gươm, kế đó một phác dạng của ngọn sóng. Sự chuyển động, một sức sống to lớn, trùm phủ bởi ánh sáng tối thượng.

HÌNH GIỌT

Có hai sự chuyển động. Thứ nhất sự chuyển động đầy màu sắc. Giống như một vũ điệu. Khi tôi gỡ bỏ đi, thì nó cũng vẫn giống điệu vũ. Tôi không xóa bỏ trong một động tác, như khi ta buông màn xuống, nhưng một cách từ từ. Đây là động tác hội hoạ, nhưng nó cũng được gọi là trừu tượng, ảo giác hay kỳ quái. Tôi không quan tâm đến các chỉ định chuyên nghiệp; tranh của tôi có thể theo xu hướng nghệ thuật baroque kỳ dị hay cổ điển, tĩnh lặng hay sôi nổi.

Trong các bức hoạ gần đây của tôi có những gương soi giống như các cánh cửa sổ mở, giống như thuỷ triều, cả một cuộc sống đang tuôn chảy như bầy chim đang vỗ cánh bay. Victor Hugo nói các thiên sứ là những thành phố thiên đàng, chim chóc của ngoại ô. Trong vài bức tranh của tôi, bạn sẽ thấy các thiên sứ ở mặt nổi và bầy chim đang vỗ cánh. Chúng là xao động của đường thẳng và màu sắc, thật ra là những xao động của không gian. Mặt trời phản ảnh trong các gương này. Tôi cố gắng giảm bớt sự mênh mông của không gian, mà không làm mất đi hương vị của nó. Khoảng trống mênh mông nầy giống như đại dương đang nuôi dưỡng hồ muối và cho nhân loại muối. Tôi đã sống trong một khung cảnh như thế trong một thời gian rất dài.

Vào năm 1978, tôi đã hoàn thành một loạt tranh được gây hứng khởi bởi Talièsin. Ông là một nhà thơ người Celte đã viết nhiều bài thơ tuyệt tác. Truyền thuyết Celte về con đường tâm linh đã gây hứng khởi rất nhiều cho tranh của tôi. Có truyền thuyết nói rằng: ‘Một trăm ngàn năm nằm ở đầu lưỡi gươm của tôi’. Câu nầy thật sự tạo nhiều cảm xúc trong tôi.

Có một lần tôi vẽ cây chỉa ba tượng trưng cho ly thánh Grail. Tranh có một chất nền ánh sáng với một hình giọt (a drop). Người ta thường tìm thấy rất nhiều hình giọt trong tranh của tôi. Đây cũng là một sáng tạo cổ điển. Khi các bản thảo Kinh Thánh được tìm thấy ở Biển Chết (Dead Sea Scrolls), tôi nhận thấy những người Thiên chúa giáo đầu tiên gọi sự ban ơn “giọt” (drop): “Nó đến giống như mưa thu trên trái đất cằn cỗi của con tim chúng ta.” Đây là sự kết hợp của trời và đất, nhân tố đầu tiên.

Khi đến Darjeeling, tôi được thấy một số trang hoàng có hình giọt nước. Tôi mang về một giọt pha lê cho thầy tôi. Trường phái Nyingmapa(6) thường nói về giọt tim. Tất cả dường như nung nấu trong tôi lòng nhiệt tình đối với các hình giọt.

HỘI HOẠ, MỘT NGÔN NGỮ TÂM LINH

Tôi rất quan tâm về hình giọt, một khối trong suốt, thánh thiện; đó là ngôn ngữ. Tôi cũng vẽ khá nhiều các lâu đài. Một lần tôi vẽ cho thầy dạy múa Maurice Bejart, 120 thước lâu đài, những lâu đài thuỷ tinh với các cửa mở đầy ánh sáng, có các thiên thần đang bay lượn, và một biển ánh sáng trải dài. Tôi có một kỹ thuật đặc biệt để tạo ra biển. Khi vẽ biển, tôi với biển là một.

Gần đây tôi được mời vẽ Đấng Cứu Thế của Handel (Handel’s Messiah). Tôi muốn thực hiện một cái gì thật to lớn - một khối ánh sáng, những biển đầy ánh sáng, rất nhiều thứ bay lượn và ánh sáng. Giống như ngôn từ của tâm linh, không dừng dứt. Tôi đã tạo ra vô số thiên thần ở ngay đầu mũi kiếm của tôi.

Trong nghệ thuật tạo hình của tôi cũng có rất nhiều các ngọn núi bằng vàng. Tôi khám phá ra các ý tưởng nầy trong những bài thánh văn của các vị nữ tu Hildegard ở Bingen và Hordewich ở Anvers, vào thế kỷ thứ 14. Họ đã nhắc đến những biển ánh sáng; những lâu đài thuỷ tinh và các cánh cửa mở lên thiên đàng. Tuy nhiên, hiện nay xu hướng nói về địa ngục nhiều hơn thiên đàng.

CẦU VÒNG VÀ MẦU SẮC

Sự quan tâm của tôi về các phong thái của hình thức hội hoạ và đời sống tâm linh cũng giống nhau. Khi còn nhỏ, tôi đã có rất nhiều thắc mắc. Tôi đã nghĩ Thượng đế là một vòng tròn và tôi đã vẽ các hình thể liên hệ đến vấn đề siêu hình nầy. Cuối cùng tôi hoàn tất chương trình thạc sĩ về môn triết cùng lúc trở thành một hoạ sĩ. Tôi đã đến các phòng tranh để vẽ và vẽ.

Ở tuổi 17, tôi đã sao chép lại hàng trăm bức vẽ cổ điển. Tôi đã vẽ chân dung cho tất cả bạn bè và cả phong cảnh. Lúc đó tôi là một hoạ sĩ thuộc trường phái cổ điển. Nhưng một hôm, có một điều gì đó đã xảy ra trong xưỡng vẽ của thầy tôi – tôi chỉ nhìn thấy các cầu vồng, với các màu sắc hoà quyện vào nhau, và tôi đã vẽ lại hình ảnh nầy. Nhưng thầy tôi, Mac Avoy, chỉ nói là tôi cần uống thêm thuốc bổ (lúc nầy đang thời kỳ chiến tranh). Vì thế có người giới thiệu tôi đến với hoạ sĩ André L’hote. Trái với thầy tôi, hoạ sĩ nầy khen tôi hết lời, và khoe tôi với nhiều người khác, nhưng vì ông không hề sửa lỗi cho tôi, nên cuối cùng thì tôi cũng chẳng học được gì. Ông luôn tán thưởng rằng tranh của tôi thật lý tưởng.

NHANH HƠN, NHANH HƠN NỮA

Cuối cùng thì tôi hiểu ra đấy là nghệ thuật đưong đại. Sau đó, tôi gặp được Gurdjieff, người khiến tôi phải vẽ nhanh hơn, nhanh hơn nữa. Ông thường nói với tôi đấy là du già Huedia (Huedia yoga). Ông luôn bắt tôi phải vẽ, nhắc nhở: ‘Nhanh hơn, nhanh hơn nữa!’. Cách vẽ nầy phần nào giúp tôi khám phá ra kỹ thuật vẽ nhanh.

Tôi cũng vẽ theo phái cổ điển, như Bosch và Bruegel - những tác phẩm tuyệt vời mà cũng kỳ quặc, một loại tempera. Tôi tiếp thu được phương pháp nầy chính ra ở Mễ Tây Cơ, với một trong những người bạn của Max Ernst là Leonora Carrington. Chúng tôi muốn đi Tibet với nhau vì chúng tôi cũng rất hợp nhau về vấn đề tâm linh. Leonora là một phụ nữ tuyệt vời, thật sự là người theo chủ nghĩa siêu thực, với những khả năng siêu nhiên và rất sáng tạo trong mọi hoạt động. Bà giới thiệu tôi với hoạ sĩ siêu thực, André Breton, cho tôi là một ảo thuật gia, vì thế Breton đã thực hiện một chuyến viễn du để gặp tôi, nhưng cũng vì ông ta muốn biết về Gurdjieff. Thời đó, người ta nhìn Gurdjieff như một hiện tượng huyền bí, với một chút phô trương, rẻ tiền.

Cuối cùng thì tôi đã vẽ mà không cần phụ thuộc vào nguời thầy nào, tuy nhiên tôi vẫn nhớ đến Gurjieff, với cách làm việc nhanh chóng. Tôi đã lao động ở Paris trong nhiều năm, đặt rất nhiều hy vọng vào các tác phẩm của mình, mong muốn tìm ra được chân lý về các phong thái trong hội hoạ. Đó là những năm tháng kinh hoàng nhất vì tất cả đều kết thúc trong sự tuyệt vọng, khổ đau. Tôi thật sự cảm thương cho các hoạ sĩ vì thật ra không có gì để khám phá cả. Các phong thái đều cạn cợt, tất cả không có gì sâu sắc.

CON TIM GIẢI PHÓNG

May mắn thay, lúc ấy tôi đang đọc các sách thần bí, như là quyển Biển Chết, vân vân. Mỗi tối, tôi lại thấy ảo ảnh. Tôi đã thấy những lâu đài, núi non, và các thiên thần. Các hoạ phẩm của tôi đều phản ảnh cuộc sống của bản thân. Cuối cùng tôi tổ chức một cuộc triễn lãm vào tháng 2, năm 1968. Lúc ấy đã phảng phất chút gì của tháng 5, 1968 trong không khí. Chủ đề của tôi là ‘giải phóng sự tưởng tượng sáng tạo’, và tôi đã treo nhiều biểu ngữ lớn mà sau nầy được tái tạo trong những ngày của tháng 5, năm 68.

Cuộc triễn lãm nầy kết hợp chặt chẻ với đời sống tâm linh của tôi, và là cuộc triễn lãm lần đầu thành công. Tôi kiếm được ít tiền vào ngày kết thúc cuộc triễn lãm, tôi đi tới Darjeeling, Ấn độ. Bản tuyên ngôn của cuộc triễn lãm đó là ‘Cách mạng trái tim muôn năm’. Tôi mang một trái tim nhỏ bằng bạc kiểu Breton cho vợ của thầy tôi ở Ấn độ. Ngay lập tức bà đặt điểm nhọn của trái tim hướng lên trên. Đó là cuộc cách mạng của trái tim. Sau đó thầy Kangyur Rinpoche nói với tôi là có những vị du sĩ với trái tim trở ngược. Những cuộc gặp gở như thế cho tôi thêm sức mạnh, vì đối với tôi, trái tim thường giống như ngọn núi, và tôi cũng đã vẽ nó với điểm nhọn trở lên trên.

Khi đến Darjeeling, tôi đeo ở cổ một tấm gương tròn với hình xoắn ốc ở phía trên. Tôi đã hỏi Rinpoche cái nầy nghĩa là gì. Thầy trả lời: ‘Không là gì hết’. Tôi đã bật khóc. Hai mươi năm nghiên cứu về hình xoắn ốc và gương, nhưng tất cả đều không nghĩa lý gì! Vì thế, tôi chấp nhận một cách tự nguyện vượt lên trên mọi biểu tượng mà tôi đã sáng tạo từ cuộc sống tâm linh của dân Paris.

Tôi đã ở lại Darjeeling và chẳng vẽ gì trong suốt bảy năm đó. Tôi đã vượt lên khoảng không gian của hội hoạ. Tôi đã buông bỏ những bức tranh ương dở của mình mà không hối tiếc, nhất là cách sống của dân Paris, một lối sống nghệ sĩ. Cuối cùng tôi đã hoàn toàn cắt đứt khỏi cuộc sống đó.

GIỐNG NHƯ LÀM BÁNH

Tôi trở về Pháp vào năm 1975 khi thầy tôi qua đời và đã sống ở lâu đài Chaban ở Dordogne. Chúng tôi đã đón tiếp rất nhiều vị thầy Tây Tạng ở đó. Tôi đã tình nguyện nấu ăn cho các thầy trong nhiều năm.

Ngày nọ, thầy Dudjom Rinpoche nhận xét là không thấy tôi còn vẽ nữa. Thầy đã nhìn thấy nhiều bức tranh của tôi ở nhà các bạn tôi. Tôi thưa với Thầy tôi không biết vẽ thế nào sau bảy năm không cầm cọ. Thầy trả lời: ‘Thì cũng giống như lúc bà nấu ăn’. Tôi nghĩ, ‘Tại sao không? Nếu người ta có thể nấu ăn ngon, làm bánh khéo, hay làm việc gì đó hoàn hảo, thì sao không thể vẽ cũng như thế?’

Vì thế, tôi bắt đầu vẽ lại. Trong lúc vẫn nấu ăn cho thầy Dudjom Rinpoche, tôi đã thực hiện được 30 bức hoạ trong 30 ngày, hoàn toàn do sự khuyến khích của thầy. Thật tuyệt vời.

Đến lúc nầy, tôi đã biết không chấp vào phong cách của tranh nữa. Tương tự, tôi cố gắng không bám víu vào người khác.

Vào năm 1979, tôi được mời tổ chức một triễn lãm của riêng mình ở Grand Palais, về chuyên môn, đó là một điều thật thú vị. Mỗi ngày tôi thức dậy với niềm phấn khởi như đang ở thiên đàng. Đôi khi đó được gọi là người họa sĩ ‘với một chủ đề’; đối với tôi, lúc đó nó là một chủ đề không giới hạn. Mỗi bức tranh của tôi đều thất bại, thật sự không diễn tả được những gì tôi thấy hay cảm nhận, nhưng điều đó lại khiến cho chúng tốt hơn thường lệ. Tất cả tranh của tôi từ lúc đó đều thất bại. Mỗi lần vẽ, tôi muốn tự thú nhận sự ngu dốt của mình. Giống như khi ta nói: “Cái bánh đây!”, có người thích, có người không. Có người cảm nhận được sức sống trong tranh của tôi; thí dụ, Thầy Deshimaru thường nói là có khí trong tranh.

HỌA PHẨM CỦA NIỀM TIN

Hiện tại, đôi khi tôi không vẽ. Khi tôi theo khoá tu chuyên sâu bốn năm, tôi không hề vẽ mà cũng chẳng thấy thiếu vắng điều gì.

Khi tôi bắt đầu trở lại, tôi gặp lại Maurice Bejart trong buổi lễ kỷ niệm Cách mạng Pháp ở Grand Palais. Ông nói: ‘Tại sao bà không thực hiện một hình ảnh của niềm vui? Hẳn là bà rất mong được làm như thế?’ Dĩ nhiên sự mong muốn đó tràn ra như thác đổ trong tôi. Ông ấy cho tôi sử dụng Grand Palais và tôi được độc quyền xử dụng những lúc cuối tuần.

Trong hai năm tôi vẽ cả trăm bức tranh, những hoạ phẩm của niềm vui. Tôi không thể giải thích như thế nào, chúng chỉ đến một cách rất tự nhiên. Đó hoàn toàn không phải là những bức hoạ theo truyền thống. Đọc luận án của Shintao về tranh Tàu, cuối cùng tôi tìm được sự liên hệ với các họa sĩ Trung Hoa, những người đã vẽ núi non, sông nước, âm và dương.

MỘT CÔNG THỨC DIỆU KỲ

Ở trường Nyingmapa, có một chương trình tu chuyên sâu dài hạn, một công thức tuyệt diệu được hiển lộ trong không gian khép kín, với bao ân sủng và năng lực. Mục đích là giác ngộ, giải thoát và khả năng có thể nói lên sự thật, bớt nói láo. Khó thể định nghĩa được sự giác ngộ, nhưng con đường đưa ta đến đó được phát triển qua đủ các phương cách, các sự cầu nguyện, nghiên cứu và thuật du già, với thuật du già tâm linh, dĩ nhiên là điểm chánh yếu trong tất cả.

Vì chúng tôi nhận được nhiều sự khai tâm trong suốt khóa tu, nên có một số thực hành chúng tôi phải tiếp tục mỗi ngày tiếp sau đó. Chừng nào chúng ta còn chưa đạt được sự an định, chúng ta còn cần đến sự hỗ trợ của việc tinh tấn thực hành, đọc tụng và quán tưởng. Riêng tôi, tôi chưa đến trình độ không cần thực tập nữa; tôi không phải là một dzogchenpa sống một cuộc sống an nhiên, hoàn hảo.

MUÔN HÌNH, VẠN VẺ

Thầy tôi, Tulku Pema Wangyal, không phê phán tranh tôi vẽ. Thầy không hề nói gì về các phong thái biểu hiện, chỉ để tôi được diển tả những hiện tượng nầy, là điều không giống như đạt được ước mơ hay sự rỗng không của chúng. Sự rỗng không nầy không giống như tôi đã tưởng. Nó không phải là hư không để thêm vào các biểu hiện. Sẽ dễ dàng hơn để xếp nó đơn giản như là vô thường, sự dồi dào, phong phú của các phong thái, của các biểu hiện đến, rồi đi, phù du và không kiên định.

Vị Đạt Lai Lạt Ma bấy giờ thường nói về sự đầy đủ và sung túc, và ở Bhutan, người ta thường đọc từ bài Kinh Bát Nhã (Prajnaparamita sutra), trong đó có câu: ‘Sắc tức thị không’. Tuy nhiên, họ lại có những sáng tạo phong phú trong các vũ điệu, điêu khắc, và nghi lễ. Trong cuộc sống của họ lại đầy bao sắc thái, hoàn toàn không có một sự giới hạn. Thật là một sự rỗng không phong phú! Ở những nơi mà người ta cho rằng hình thể là cố định, thì họ hoàn toàn cứng ngắc, giống như các hoạ sĩ Tây phương. Đó là một cái ách. Khi người hoạ sĩ tìm ra một thể hiện nào đó, họ không thể buông ra được; họ bị dính vào đó, đông cứng. Có một cuộc triễn lãm tranh bộ ba ở Louvre – các bức hoạ, một đen, một trắng và một xám. Đã bao thế kỷ, người ta đã không được làm thế. Thật là đáng chán!

Đối với tôi sự sáng tạo là một trạng thái tự nhiên. Giải thoát trạng thái tự nhiên, là chúng ta giải thoát ‘sự tử tế nguyên thuỷ’. Điểm gốc ngọn, là giây phút hiện tại, có một tiềm năng, một khả năng mong mỏi được thăng hoa, cởi mở, một không gian bao trùm.

Thường người ta không hiểu khi họ nhận thấy sự hồ hởi, phấn khởi của tôi. Họ không hiểu làm sao mà sự phấn khởi đó có thể đến từ một người đang trên con đường tìm kiếm tâm linh. Họ tưởng rằng hoạ phẩm của tôi sẽ trơ nhạt. Tôi không được những người thực hành thiền như một thứ trang sức tán thưởng lắm, ngược lại tôi cũng thấy họ cạn cợt, khô cằn. Đối với tôi, ngược lại, sự rỗng không, sự tan rã, là biển của niềm vui. Đây không phải là một sa mạc nơi mà cát cũng chẳng có.

CẢM NHẬN VỀ KHÔNG GIAN

Tôi cũng bị ảnh hưởng bởi tình bạn với các hoạ sĩ Pierre Soulages và Georges Mathieu. Tôi rất ngưỡng mộ sự phóng túng trong điệu bộ của họ, theo phong cách Jackson Pollock. Họ đối nghịch nhau trong quan điểm sáng tạo và nhận thức. Soulages thường nói rằng Mathieu có những điệu bộ dễ gây xúc cảm, trong khi Soulages thì có những điệu bộ của sự hiện hữu.

Từ họ, tôi học cảm nhận về sự tự do và trở nên cởi mở hơn đối với sự tự do. Khi ngắm tranh của tôi, họ đã nói: “Sao bà không vẽ lớn hơn?” Tôi đến Brittany nơi tôi có một studio để vẽ trong một căn nhà rộng rãi. Tôi tìm mặt phẳng lớn nhất mà tôi có thể tìm được (những tấm vải nhựa vinyl), rồi đặt chúng trên sàn nhà. Thật là tuyệt diệu; cuối cùng tôi cũng tìm ra được không gian thích hợp cho những gì tôi muốn diển tả. Tôi mang cảm nhận về không gian nầy lên các khung vẽ của mình.

Người ta thường nói về không gian của người hoạ sĩ. Khi đó là một tác phẩm tượng trưng, người ta sẽ thấy một con thuyền nhỏ nơi đường chân trời. Khi đó là một bức hoạ điệu bộ (gestural painting), nó có thể là một không gian không lệ thuộc vào kích thước hoặc khái niệm giống như không gian âm nhạc.

Có những người bản chất phóng khoáng (không gian nội tại) dù họ không phải là hoạ sĩ. Tôi cảm nhận được điều nầy khi tôi gặp nhà nhiếp ảnh Henri Cartier-Bresson ở studio của L’hote. Bổng nhiên tôi nhận ra một người phóng khoáng. Trong các bức ảnh chụp của ông, người ta nhận ra điều ấy. Và giờ đây điều đó thể hiện trong các bức họa của ông. Ông là một người theo tự do chủ nghĩa, một nhà cách mạng. Người phóng khoáng chắc chắn phải có tính cách mạng vì họ đã vượt lên trên mọi điều lệ.

ĐUỔI THEO NHỮNG ÁNG MÂY

Khi còn nhỏ, hãy còn bận rộn với sách vở ở trường, tôi đã từng muốn đến Tibet, sau khi đọc những quyển sách của Alexandra David-Neel, nhà du lịch, nhà văn viết về Tibet. Đó là mơ ước của tôi, nỗi ám ảnh của tôi. Tôi khổ sở, bất mãn về việc học của mình, dù cha mẹ tôi tử tế, dễ thương, không từ chối tôi điều gì cả. Dưới mắt của họ, mọi thứ đều tốt đẹp, duy chỉ có tôi đau khổ vì không thể ở nơi mà tôi có thể thực hiện được điều gì đó sâu sắc hơn những thứ mà tôi đang hưởng thụ, đang tìm kiếm. Tôi đã kiếm tìm. Tôi đã tìm đến với những vị thầy tu dòng Dominic, nhưng điều đó cũng không tốt; lúc đó, nếu bạn đọc Master Eckhart, bạn cũng bị phê phán.

Năm 1968, nhờ duyên lành tôi được biết đến Phật giáo. Tôi cảm thấy mình không xứng đáng được có niềm hạnh phúc đó, nó hơn tất cả những gì tôi đã mơ ước, phác hoạ ra. Khi diện kiến vị Thầy Tây Tạng của mình lần đầu tiên, tôi thấy nơi Thầy toả một sự rỗng không, mà tôi không xác định được, và tình thương yêu mà tôi đang tìm kiếm, bao trùm tất cả như ánh mặt trời. Cho đến tận phút ấy tôi chỉ toàn chạy đuổi theo những áng mây.

MỘT LẰN XANH

Phần lớn các tranh của tôi trước đây theo trường phái biểu hiện, tràn đầy những đau khổ. Tôi hối tiếc đã vẽ loại tranh đó. Đó là những gì khiến tôi không thích trong hội hoạ, chúng vừa u ám vừa không mang lại lợi ích gì cho ai. Và thường đưa người ta đến tự tử hoặc điên loạn, giống như Van Gogh và Nicolas de Stael. Tôi tránh được điều đó, nhưng vẫn thấy nao lòng khi chứng kiến những sự lãng phai trước mắt. Giống như một nhà tù, như đang đền tội. Tôi không thể nào thích được các bức hoạ ấy, vì chúng không phải là những bức hoạ của tình thương. Chúng là những bức hoạ của khổ đau, không mang lại được gì cho ai cả.

Hiện tại, tôi cố gắng vẽ một cách tự nhiên. Bạn có thể bộc lộ tính tự nhiên ở mọi nơi. Bạn có thể phác họa cả lòng tử tế trong hội hoạ. Trước kia, tôi thường lo âu, bức rức, vì thế hình dáng của dấu thập tự cho tôi biết tôi đang làm việc với lòng tức giận bên khung vẽ. Có khá nhiều tranh như thế, từ Soutines đến những hoạ sĩ đương thời. Họ xé nát hoạ phẩm của mình và mọi người nói đó là sự kết thúc của hội hoạ thủ công. Hội hoạ điệu bộ không bắt buộc giống như đấu quyền anh, hung hản. Nó có thể là sự hài hoà giữa trời và đất, một vũ điệu của thái cực.

Một ngày, tôi vẽ một đường màu xanh trên một bức hoạ. Tôi cảm thấy thật là tuyệt diệu. Cùng ngày đó, một vị bác sĩ đã nhìn thấy bức tranh, ông mua ngay và mang nó đi. Tôi rất vui mừng vì đã bán được bức tranh. Ngày hôm sau, tôi cũng vẽ một lằn màu xanh, nhưng tôi không thể nào vẽ lại được cái lằn xanh của hôm đó nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Tư 2016(Xem: 7833)
Nói đến Giáo hội Tỳ-kheo Ni, lập tức chúng ta nghĩ ngay đến sự kiện Đức Thế Tôn chưa chấp thuận lời cầu xin gia nhập Tăng đoàn của Di mẫu Mahaprajapati. Để được phép xuất gia, Di mẫu Mahaprajapati đã chấp thuận tuân thủ Bát Kỉnh Pháp một cách vô điều kiện. Thế nhưng, theo như lời Phật dạy, Ni chúng được chư vị Tỳ-kheo truyền giới. Không có nơi nào trong Luật tạng đề cập chư Đại đức Tăng phải yêu cầu các giới tử Ni tuân thủ Tám pháp Bát kỉnh mà Đức Thế Tôn đã đưa ra cho Tôn giả Mahapajapati. Các Tỳ-kheo Ni ý thức rằng, chính vì sự nhận thức chưa thấu đáo về bối cảnh và con người, trong sự kiện Đức Phật chế định Bát Kỉnh Pháp mà ngày nay Giáo đoàn Tỳ-kheo Ni tại Ấn Độ và các quốc gia Phật giáo khác đã phải nỗ lực, phấn đấu rất nhiều mới có thể khẳng định sự tồn tại của mình trong lòng Phật giáo.
25 Tháng Ba 2016(Xem: 6923)
Chúng ta cần phải lưu ý đến một điểm thật quan trọng và tế nhị là dù mình đã đạt được nhiều kinh nghiệm luyện tập thiền định, nhưng không phải vì thế mà tránh được sự mê hoặc của các cảm tính (feeling/cảm nhận) thích thú (pleasant/dễ chịu), chẳng qua vì chúng tạo ra cho mình mọi thứ ảo giác ở nhiều cấp bậc khác nhau. Thật hết sức khó cho chúng ta nhận thấy được các sự biến đổi và tính cách phù du của chúng. Chẳng những chúng không mang lại được sự thích thú thật sự nào mà chỉ tạo ra thêm căng thẳng cho mình, và chỉ vì không hiểu được điều đó nên mình cứ tiếp tục bám víu vào chúng.
19 Tháng Ba 2016(Xem: 7630)
Dưới đây là phần chuyển ngữ bài báo của một nữ ký giả và biên tập viên người Thái Sanitsuda Ekachai trên báo Bangkok Post về một phụ nữ Mỹ thật phi thường là bà Jacqueline Kramer. Bà từng là một ca sĩ có tiếng, từng độc diễn trên các sân khấu ở San Francisco, nhưng đã hy sinh tất cả để nuôi con nhờ vào tâm Phật bên trong lòng bà. Bà tin rằng một phụ nữ nuôi nấng con cái, làm bếp, dọn dẹp nhà cửa cũng có thể đạt được giác ngộ.
19 Tháng Ba 2016(Xem: 7580)
Dưới đây là phần chuyển ngữ bài thuyết trình của bà Gabriela Frey với chủ đề "Phụ nữ và Phật giáo", trước cử tọa của tổ chức Ki-tô giáo FHEDLES (Femmes et Hommes, Égalité, Droits et Libertés, dans les Églises et la Société/Nữ và Nam giới, Công bằng, Luật pháp, Tự do, trong Nhà thờ và ngoài Xã hội). Buổi thuyết trình diễn ra ngày 5 tháng 12 năm 2013, và sau đó đã được ghi chép lại và phổ biến trên nhiều trang mạng, trong số này có trang mạng của Tổ chức FHEDLES trên đây và Hiệp hội Sakyadhita Quốc Tế (Sakyadhita International Association of Buddhist Women/Hiệp hội Phụ nữ Phật giáo trên thế giới).
19 Tháng Ba 2016(Xem: 7156)
Lời giới thiệu của người dịch Một người con gái sinh trưởng trong một gia đình bình dị ở một khu phố nghèo của thành phố Luân Đôn, tình cờ một hôm đọc được một quyển sách về Phật giáo, bỗng chợt cảm thấy mình là một người Phật giáo mà không hề hay biết. Cơ duyên đã đưa người con gái ấy biệt tu suốt mười hai năm liền, trong một hang động cao hơn 4000m trên rặng Hy-mã Lạp-sơn. Ngày nay cô gái ấy đã trở thành một ni sư Tây Tạng 73 tuổi, pháp danh là Tenzin Palmo, vô cùng năng hoạt, dấn thân và nổi tiếng khắp thế giới.