MỤC LỤC PHẦN 1
Hành Hương Xứ Phật
Tân Đề Li
Bồ Đề Đạo Tràng
Cây Bồ Đề
Kim Cang Tòa
Hình Ảnh Bồ Đề Đạo Tràng
Phần 1
HÀNH HƯƠNG XỨ PHẬT
Vào cuối tháng 10 năm 2005, chúng tôi có duyên may được tháp tùng Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới, đi một vòng Úc Châu hoằng pháp nhằm vận động giúp chư Tăng Ni sinh đang du học ở Ấn Độ trước khi chánh thức hành hương về xứ Phật vào cuối tháng 11 năm 2005. Hòa Thượng tâm sự với chúng tôi là riêng phần Hòa Thượng mang theo chỉ có vài chục ngàn đô la Mỹ, e rằng không đủ để tài trợ cho số Tăng Ni sinh ở Ấn Độ hiện lên đến gần 200 vị, vì thế dù tuổi cao (năm nay Hòa Thượng 84 tuổi) nhưng Hòa Thượng vẫn cố gắng đi một chuyến vòng quanh Úc Châu, vừa hoằng pháp vừa vận động chư Tôn Đức và Phật tử phát tâm trợ giúp thêm. Trong suốt một tháng trời bên Úc, Hòa Thượng đã thuyết trên 50 thời pháp. Quả là tấm lòng từ ái vô bờ vô bến của một vị Đại Lão Hòa Thượng, luôn luôn hết lòng lo lắng cho những mầm non đạo pháp. Đoàn chúng tôi gồm 7 người: Hòa Thượng Pháp Chủ, 3 Tăng Ni là sư Minh Đạo, Ni sư Hân Liên và Ni cô Liên Hương, và 3 Phật tử anh Thiện Trí, Thiện Phúc và Viên Giác. Chúng tôi khởi hành từ phi trường Los Angeles vào lúc 12:15 rạng sáng ngày 31 tháng 10 năm 2005, sau gần 25 giờ bay, chúng tôi đến Sydney vào lúc 9:00 đêm ngày mồng 1 tháng 11 năm 2005. Chúng tôi lưu lại Thiền Viện Minh Quang 3 ngày và sau đó đáp phi cơ đi Melbourne vào ngày 3 tháng 11, lưu lại Melbourne 5 hôm trước khi đi Adelaide vào ngày 8 tháng 11, lưu lại Adelaide một tuần lễ. Sau đó đoàn khởi hành đi Perth vào hôm 15 tháng 11, đi Brisbane ngày 21 tháng 11, và cuối cùng trở về lại Sydney vào ngày 25 tháng 11 để kịp dự lễ khánh thành Thiền Viện Minh Quang hôm 27 tháng 11, 2005. Ngày 26 tháng 11, một đoàn thứ hai gồm 12 người từ Mỹ sang, nhập với đoàn I của Hòa Thượng tham dự lễ Khánh Thành Thiền Viện Minh Quang. Sau đóù đoàn lại rời Sydney đi New Delhi vào lúc 8:45 sáng ngày 28 tháng 11, 2005.
Chúng tôi không có duyên may như chư Tăng Ni, được xuất dương du học nơi xứ Phật, nhưng một lần trong đời được chiêm bái và đảnh lễ các Thánh tích thiêng liêng ấy, thiết tưởng cũng đủ mãn nguyện cho một đời người. Một lần đến tận nơi, thấy tận mắt những di sản tinh thần vô giá ấy, dù bây giờ nơi chốn ấy chỉ còn trơ lại một nền đá hay một đống gạch vụn, cũng đủ làm trào dâng niềm cảm xúc không thể diễn tả được bằng lời. Một lần được mục kích sông Hằng, con sông thiêng liêng không riêng gì cho dân Ấn, mà cho cả một vùng trời của thế giới phương Đông, cũng đủ làm cho tâm hồn mình thanh thản, dù có ai đó cho rằng như vậy là quá thần thoại và hoang tưởng cũng không sao. Một lần tận mắt mục kích những địa danh, chẳng những liên hệ với người dân Ấn, mà chúng còn thân thương và quan trọng đối với rất nhiều dân tộc trên thế giới. Có người con Phật nào mà không cảm thấy thân thương với những địa danh Lâm Tỳ Ni, Ca Tỳ La Vệ, Vương Xá Thành, Bồ Đề Đạo Tràng, sông Ni Liên Thiền, núi Linh Thứu, tu viện Na Lan Đà, Trúc Lâm Tịnh Xá, thành Tỳ Xá Ly, vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, tháp Vô Não, thành Câu Thi Na, thành Ba La Nại, vườn Lộc Uyển, sông Hằng Hà, vân vân. Trong nhiều thế kỷ nay, bức tranh toàn cảnh tại vùng Đông Bắc Ấn Độ không còn là di sản văn hóa của riêng dân tộc Ấn Độ nữa, mà từ bấy lâu nay nó đã trở thành di sản chung cho toàn thế giới, Phật giáo cũng như không Phật giáo, Ấn giáo cũng như không Ấn giáo. Ngày nay, lịch sử Phật giáo tại xứ Ấn đã sang trang. Ngay chính nơi sản sanh ra nó mà không có tới một phần trăm dân số theo đạo Phật, quả là một vấn đề đáng suy gẫm. Nhìn lại quá trình phát triển của Phật giáo trên đất nước Ấn kể từ ngày Đức Thế Tôn thành đạo cho tới ngày nay, đạo Phật đã trải qua trên 15 thế kỷ hưng thịnh khắp từ Bắc Ấn tới Nam Ấn, nhưng chính Đức Thế Tôn đã dạy về luật vô thường thì có cái gì mà trường tồn mãi đâu? Đúng như Thế Tôn tiên đoán, tại xứ Ấn độ sau 500 năm chánh pháp, đến 500 năm tượng pháp, rồi 500 mạt pháp phải đến. Như vậy sau 15 thế kỷ, đến thế kỷ thứ 13, Phật giáo ở Ấn Độ đang trong thời mạt pháp của xứ này lại vướng nạn xâm lăng từ đạo quân Hồi giáo dã man. Chính đạo quân ấy đã khai tử Phật giáo ngay trên cái nôi sanh ra nó. Ôi cũng là luật “sanh-trụ-dị-diệt”! Ôi luật thạnh suy của trời đất! Phật giáo đã chính thức tàn lụi trên đất Ấn ngay từ thế kỷ thứ 13. Và thời kỳ đen tối này kéo dài trong nhiều thế kỷ. Trong suốt thời kỳ đen tối đó, từng đoàn ngoại nhân xâm lăng đã đến thay phiên nhau tàn phá tất cả những gì có dính líu đến Phật giáo, vì họ không thể nào chịu đựng nổi chân lý không thể nghĩ bàn của Phật giáo. Chân lý đó trong sáng và sẵn sàng lật đổ mọi huyền hoặc u mê. Chính vì vậy mà trải qua nhiều triều đại của các vị vua theo Hồi giáo, tất cả các đền đài và chùa tháp Phật giáo đều bị đập phá, các kinh sách quí báu của Phật giáo đều bị đốt sạch, chư Tăng Phật giáo đều bị bắt và giết sạch. Suốt thời kỳ điêu tàn của Phật giáo trên đất nước Ấn Độ, tất cả những chùa tháp uy nghiêm, tất cả những kinh điển thánh ngôn... đều bị vùi sâu trong lòng đất trong nhiều thế kỷ. Một thời hoàng kim về văn hóa Phật giáo của những dân tộc vùng Bắc Ấn bị chính con cháu họ quên lãng và quay lưng ngoảnh mặt. Cả một vùng không gian bao la trở thành hoang địa, không còn thấy một dấu tích gì cho thấy thời hoàng kim xưa cũ nữa. Lịch sử Phật giáo của vùng Bắc Ấn nói riêng, và của cả Ấn Độ nói chung bị phủ một màu tang thương đen tối không có cơ may quang phục. Cũng giống như hoàn cảnh Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, để tự tồn, chư Tăng Ni phải giả dại qua ải, tất cả đều biến thành những thầy tụng, có vợ có con để tránh sự theo dõi cú vọ của những tên Tây khát máu, luôn chực chờ tiêu diệt toàn bộ Phật giáo trên đất nước Việt Nam. Cũng như vậy, để sinh tồn, chư Tăng bên Ấn Độ, từ thế kỷ thứ 13 mãi đến thế kỷ thứ 18, đã phải đào tỵ sang Miến Điện, Népal, Sri Lanka, Tây Tạng, vân vân, để lại cả nước Ấn Độ bao la trong nhiều thế kỷ vắng bóng Phật giáo. May mà vào thế kỷ thứ hai trước Tây Lịch, một vị Á Phật đã ra đời (A Dục) và đã kịp thời đưa Phật giáo sang các xứ Nam Ấn (Sri Lanka) và Đông Độ (Trung Quốc). May mà chính vị Á Phật ấy lại dựng những trụ đá với những bia ký khắc trên đó, ghi rõ những chỉ dụ liên quan đến Phật giáo. Và may mà chúng ta còn có những nhà chiêm bái nổi tiếng Trung Hoa vào thế kỷ thứ 5 và thứ 7 như các ngài Pháp Hiển, Huyền Trang và Nghĩa Tịnh... Họ đã không màng an nguy, trải qua hàng chục năm du hành đến xứ Phật để thỉnh kinh, để học hỏi giáo lý Phật đà, và để ghi lại những diễn tiến Phật giáo tại xứ này từ thời nó được Đức Thế Tôn khai sáng. Bây giờ lịch sử Phật giáo tại Ấn Độ đã sang trang, nhưng lịch sử tại đó cũng đã an bài một cách khắc nghiệt cho số phận của đạo Phật trên đất nước này với chưa đầy một phần trăm dân số của xứ này theo đạo Phật. Ôi nghiệt ngã làm sao cho số phận của một tôn giáo mà giáo lý của nó sáng ngời như ánh bình minh trên sông Hằng!
Nói gì thì nói, những người con Phật không thể ngồi đó bi quan trước định luật vô thường. Chúng ta hành hương về xứ Phật, không phải tiêu cực đến những vùng đất thiêng này để góp nhặt cát đá của những vùng đất này về làm quà kỷ niệm suông, hay chúng ta không chỉ đến đó để ngậm ngùi thương tiếc cho một thời vàng son đã qua. Mà những người con Phật phải có thái độ tích cực hơn để phục hoạt Phật giáo ngay chính trên chiếc nôi của nó. Tất cả những bia ký của hoàng đế A Dục, tất cả những ký sự của các ngài Pháp Hiển, Huyền Trang và Nghĩa Tịnh... sẽ góp phần tích cực trong việc khai quật những Thánh tích thiêng liêng của Phật giáo. Rồi đây Phật giáo tại Ấn Độ sẽ được phục hoạt cũng như các Thánh tích Lâm Tỳ Ni, Ca Tỳ La Vệ, Vườn Nai, Câu Thi Na sẽ được phục hoạt và sẽ được chính hàng hậu duệ của Đức Thế Tôn và chư Thánh Tăng trên đất nước của Ngài nâng niu gìn giữ.
NEW DELHI
Sau gần 16 giờ bay chúng tôi đến Delhi vào lúc 3:00 giờ sáng ngày 29 tháng 11, 2005. New Delhi là thủ đô của Ấn Độ, mộ nước rộng lớn từ thời xa xưa vì nó bao gồm cả Pakistan về phía Tây Bắc và Bangladesh về phía Đông Bắc. Hiện tại, hai nước này đã được tách rời khỏi Ấn Độ từ khi người Anh trao trả độc lập. Diện tích Ấn Độ khoảng 3.288.000 cây số vuông, với 26 tiểu bang. Cực Bắc Ấn Độ giáp với vùng Hy Mã Lạp Sơn, và cực Nam chạy gần tới vùng xích đạo trong vùng Ấn Độ Dương. Mặc dù Ấn Độ là cái nôi của Phật giáo, nhưng hiện nay hình ảnh của đạo Phật hình như không còn hiện hữu ở bất cứ nơi nào trên đất Ấn nữa. Theo thống kê mới nhất (2005) của chánh phủ Tân Đề Li thì có trên 85% dân Ấn theo Ấn giáo, 10% theo Hồi giáo, trên 2% theo đạo Thiên Chúa, trên 2% theo đạo Sikh, chỉ có khoảng 0.78% theo đạo Phật mà thôi (nghĩa là chưa được một phần trăm). Nhưng không sao, đối với Phật tử chúng tôi, hành hương về xứ Phật cũng giống như cuộc trở về thăm lại quê cha đất tổ, trở về tìm lại cội nguồn thiêng liêng, hoặc trở về tìm lại di sản tinh thần cao quí mà mình đang thọ hưởng. Thật tình mà nói, đây không phải là một chuyến du lịch bình thường, đây cũng không phải là một chuyến ngao du sơn thủy, mà đây là một chuyến trở về, dù rằng đây là những nơi mà chúng tôi chưa đến bao giờ. Quả thật, đến tận nơi, thấy tận mắt những nơi thiêng liêng, dù rằng những nơi ấy ngày nay đã hoang tàn đổ nát, chỉ còn trơ lại những nền đá hay những đống gạch vụn được khai quật từ trong lòng đất, nhưng đối với chúng tôi, đó là những di sản vô cùng quí giá vì đó là chứng tích của cội nguồn thiêng liêng nhất của những người con Phật. Chứng tích đậm nét về con người rất thật của Đức Phật, chứ không huyền hoặc mơ hồ.
Sau khi đến Delhi, ba đoàn khác, hai từ Canada và một từ Pháp nhập vào đoàn chúng tôi để bắt đầu chuyến hành hương Về Xứ Phật. Lần này tôi lại có dịp tái ngộ với các anh Thiện Minh và anh chị Thiện Tài từ Toronto, Canada. Chúng tôi lưu lại khách sạn Raunak trong vùng Karol Bagh, thuộc Tân Đề Li. Có đến tận nơi mới thấy sự nghèo nàn thê thảm của trên 80% dân Ấn thuộc giai cấp cùng đinh (Untouchable). Sáng sớm khi chúng tôi vừa mới bước ra khỏi khách sạn, thì từ tứ hướng một đám người, già có, trẻ có, bé có, lớn có, nguyên vẹn có, mà cùi hung sức mẻ cũng có... bám sát lấy chúng tôi, lớp rao hàng, lớp xin ăn. Họ cứ bám sát lấy mình, mặc dù mình đã nói không mua, họ cũng cứ bám theo và tiếp tục năn nỉ chúng tôi mua hàng. Ban đầu chúng tôi đã đổi ra một số tiền lẻ dự tính cho từng người một, nhưng thấy không ổn, chúng tôi đành quăng đại mớ tiền bay lả tả ra ngoài cửa rồi quầy quả quay ngay vào khách sạn. Ngồi trong phòng khách của khách sạn, suy ngẫm lại cách mình mới cho vừa rồi, quả là không lịch sự chút nào, nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác, nên đành chịu. Trưa ngày 29 tháng 11, đoàn chia làm hai toán để khởi hành đi Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya), toán thứ nhất khởi hành lúc 11:30 trưa và đến Bodhgaya lúc 7:00 giờ sáng ngày 30 tháng 11, 2005. Toán thứ hai rời khách sạn lúc 8:00 đêm ngày 29 tháng 11 và khởi hành từ ga Delhi lúc 10:30 tối và đến Bodhgaya lúc 2:00 giờ chiều ngày 30 tháng 11. Trước khi ra xe buýt để đi đến sân ga Delhi, chúng tôi được Thầy Minh Thành hướng dẫn. Theo những gì thầy nói thì chưa đi mà đã thấy bạt vía kinh hồn rồi. Trời mùa Đông ở Ấn Độ, sáng thì lạnh cóng cả tay chân, nhưng trưa đến thì nắng chói chan. Đây là cuộc hành trình giáo đầu của chúng tôi trên đất Ấn Độ. Ai cũng biết đất nước Ấn Độ có gần một tỉ ba trăm triệu con người, tuy nhiên, những ai chưa từng đến ga Delhi và chưa từng đáp xe lửa từ sân ga này sẽ không bao giờ có được cái cảm nhận đầy đủ về sự đông dân của xứ Ấn Độ. Tôi cứ tưởng, đoạn đường ngắn từ ngoài lộ vào sân ga rồi tới chỗ đậu xe, đi một cái vèo cũng tới, chứ nào ngờ những gì thầy Minh Thành đã lưu ý chúng tôi là không sai một mảy may nào cả. Sân ga Delhi có nhiều tầng cấp, tấp nập người qua lại, lên xuống. Bên cạnh quá nhiều khách lữ hành là vô số những phu khuân vác, cái gì họ cũng đội lên đầu, có người đội cả hai hay ba cái va li lớn, thêm vào đó, những người xin ăn lang thang, làm cho sân ga đã chật nít người thêm phần chật hơn. Ngoài ra, ngày cũng như đêm, bò ở đâu mà nhiều quá sá, chúng đi tới, đi lui, đi xuôi, đi ngược, choán rất nhiều lối đi, nhưng hình như người Ấn Độ ai cũng đặt cho “bò” vị trí ưu tiên số một nên không ai tranh giành lối đi với chúng cả. Cả một vùng sân ga rộng lớn vào buổi xế trưa toát ra một thứ mùi hôi khó tả, thứ mùi hợp chất pha lẫn của mùi quần áo dơ, mùi con người lâu ngày không tắm, mùi phóng uế của con người, và đặc biệt là mùi phân và nước tiểu của những chú bò rải rác khắp đường phố. Hình như ở đây không ai dám dẹp những đống phân bò trên đường và hình như người ta cảm thấy thích thú khi giẫm phải những đống phân bò. Dù đoạn đường từ ngoài đường đi vào sân ga rồi tới chỗ xe lửa đậu không xa mấy, nhưng chúng tôi phải trải qua một cuộc chen lấn chưa từng có trong đời để đi được đến đúng trạm xe lửa của mình (Purshottam Express 2802). Đi vào đám đông ai trong chúng tôi cũng đều như lọt vào mê hồn trận, không còn biết đường đâu lối đâu nữa, chỉ còn biết tiếp tục lủi đi bằng cách nhìn theo những chiếc nón màu cam đang di động loăng quăng như con “huỳnh xà”. Tôi nghĩ hôm đó nếu có một đoàn nào khác cũng có nón cam như chúng tôi, chắc chắn là sẽ có chuyện một số anh em chúng tôi đi theo họ rồi. Nhưng rồi việc gì cũng qua, chúng tôi cũng đến trạm trước giờ xe lửa ghé qua. Trong khu vực chờ đợi, chúng tôi quây quần quanh Hòa Thượng Pháp Chủ để nghe Ngài nói chuyện, cả đạo lẫn đời. Hòa Thượng nhắc nhở Phật tử trong đoàn về kinh nghiệm chen lấn để đến được trạm xe lửa vừa rồi cũng là một pháp tu tuyệt vời, và những gì mắt thấy tai nghe tại ga Delhi quả là một bài pháp vô cùng hữu ích. Ngoài Hòa Thượng ra còn có có những vị hướng dẫn khác như sư Minh Thành, sư Giác Hành, sư Minh Huệ, sư Minh Hoa, sư Minh Thường, sư cô Liên Phụng, Liên Hiệp, Liên Mẫn, Liên Quí... những vị đang du học tại Delhi cũng hết lòng giúp đỡ và hướng dẫn chúng tôi. Chúng tôi nhìn những người Ấn gầy guộc, áo quần xốc xếch một cách tò mò. Họ cũng nhìn lại chúng tôi một cách tò mò thể như chưa từng thấy những con người này bao giờ vậy. Rồi tàu cũng đến và chúng tôi cũng an vị ngay sau khi con tàu vừa dừng hẳn lại. Đối với những khách hành hương từ Mỹ, Pháp và Canada như chúng tôi thì việc chen lấn để được lên tàu quả là vất vả vô cùng, nhưng đối với những người Ấn tại đây, đó là việc hết sức bình thường. Họ chen lấn, lấn chen để lên tàu như thể không có chuyện gì xảy ra.
(Chỉ
có khu phố này tương đối vắng xe)
(Ở
New Delhi người ta họp chợ trái cây ngay ngoài đường phố)
(Hai
bên đường cũng những bảng hiệu lụp xụp như ở Việt
Nam)
(Xe
hơi, xe gắn máy, xe đạp và người cũng như bò đều được
phép qua lại lang thang trong chợ)
(Táo
nhập cảng thì mắc nhưng ai cũng thích mua vì trái to hơn táo
của Ấn Độ)
(Chợ
trái cây ở New Delhi )
(Khu
phố gần khách sạn Tourist-New Delhi)
(Đường
vô chợ Baya Bazaar-New Delhi)
(Chợ
Baya Bazaar-New Delhi)
Bồ Đề Đạo
Tràng
Trên đường đi từ Delhi đến Bodhgaya, nhà cửa hai bên đường lụp xụp nghèo nàn, có lẽ còn nghèo nàn hơn cả xứ Việt Nam của mình nữa, và hình như trước sân nhà nào cũng có một vài chú bò thảnh thơi đi tới đi lui, nhìn thiên hạ qua lại, có chú lười hơn, không muốn đi nên nằm yên một chỗ, hàm cứ nhai đi nhai lại mớ cỏ khô bên cạnh. Ở đây hình như cả người lẫn thú đều gầy ốm như nhau, mặt mày hốc hát, đờ đẫn. Đêm hôm đó, dù mệt mỏi sau cuộc hành trình nhiều ngày bên Úc Châu, nhưng tôi vẫn không chợp mắt được, vì đây là đêm đầu tiên tôi chứng kiến tận mắt sự nghèo nàn đói khổ của người dân xứ Phật. Bihar ngày trước đã từng là một vương quốc giàu có thịnh vượng dưới thời vua A Dục, có kinh đô là Pataliputra (ngày nay là Patna), nơi đã diễn ra cuộc kết tập kinh điển lần thứ ba dưới triều vua A Dục. Tưởng cũng nên nhắc lại, A Dục Vương là vị vua thứ ba dưới triều đại Mauryan. Sau trận chiến Kalinga, vương quốc của Ngài trải rộng hầu hết xứ Ấn Độ hiện nay. Tuy nhiên, chính trận chiến này (150.000 tù binh và trên số người chết lên đến gần nửa triệu) đã biến Ngài trở thành một cư sĩ Phật giáo quan trọng trong lịch sử Phật giáo. Tại nhiều nơi trong xứ Ngài cho dựng nhiều trụ đá, trên đầu có hình sư tử chạm trổ rất đẹp (ngày nay hình ảnh này vẫn còn là biểu tượng trên quốc kỳ Ấn Độ). Vua A Dục chính là vị vua đầu tiên đưa Phật giáo đi khắp các nơi từ Tích Lan ở phía Nam, đến Miến Điện ở phía Đông và Trung Hoa ở phía Bắc. Nhà vua đã bảo trợ nhiều công trình truyền bá giáo huấn của Đức Phật khắp nơi. Hai người con của Ngài sau này trở thành hai vị A La Hán nổi tiếng là Mahinda và Sanghamitta.
(Đại
Tháp trong Bồ Đề Đạo Tràng—
Main
Temple in Bodhgaya in Bihar State, North India)
Có lẽ vì bang này có nhiều chùa tháp nên nó có tên là Bihar, vì Bihar theo tiếng Phạn có nghĩa là chùa tháp. Bihar là một trong những tiểu bang nghèo nhất và có thời tiết khắc nghiệt nhất của xứ Ấn Độ. Tuy nhiên, nói về các Thánh tích Phật giáo thì Bihar là một tiểu bang quan trọng nhất. Lúc sắp tới Gaya thì cả hai anh chị Thiện Tài và bạn Thiện Minh đều thúc tôi tìm hỏi coi trạm sắp tới có phải là Gaya hay không, vì nếu để lỡ chuyến một cái là cả đoàn phải đón xe khác trở về quả là vất vả lắm. Tôi chạy tới chạy lui, hỏi hết người này đến người khác, nhưng có người nào biết tiếng Anh đâu mà hỏi? Tôi cứ tưởng chỉ mới có hơn nửa thế kỷ sau khi Anh trao trả độc lập thì Ấn Độ phải còn nhiều người biết tiếng Anh lắm chứ! Vả lại những người Ấn tôi quen bên Mỹ đều nói tiếng Anh rất giỏi kia mà! Thế mà mấy bạn Thiện Tài, Thiện Minh, Thiện Hiếu và Thiện Trí cứ đốc tôi tiếp tục đi hỏi, vì lần nào thấy tôi hỏi chuyện thì những người Ấn cũng đều trả lời, nhưng mấy bạn có ngờ đâu tôi thì hỏi họ bằng tiếng Anh, mà họ thì cứ trả lời tôi bằng tiếng Ấn, cứ thế mà tôi cứ tiếp tục đi hỏi hết người này lại kiếm người kia hỏi tiếp. Tôi chỉ cần họ nghe được chữ “Gaya” của tôi mà gật đầu là đủ. Và tôi ráng hỏi càng nhiều người chừng nào càng tốt chừng ấy, vì như vậy dầu sao cũng an tâm hơn. Nhưng rồi trưa hôm sau chúng tôi cũng đến ga Gaya vào lúc 2:00 giờ chiều. Tại đây, đoàn thứ hai của chúng tôi được các sư trong đoàn thứ nhất tiếp đón và đưa về khách sạn bằng xe buýt. Tuy khoảng đường từ ga Gaya về khách sạn không xa lắm, khoảng trên dưới 16 cây số, nhưng vì đường đá gồ ghề lỡm chởm nên phải mất gần một tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới đến khách sạn. Chúng tôi lưu lại khách sạn Prince trên đường Birla, gần Bồ Đề Đạo Tràng, thuộc bang Bihar. Bihar là một trong những bang nghèo nhất của xứ Ấn Độ. Nhìn những mái tranh nghèo lụp xụp bên đường, lòng tôi bỗng chùng xuống. Vùng đất một thời sản sinh ra một vĩ nhân của thế giới bây giờ chỉ còn trơ lại những mái tranh nghèo, với những con người xanh xao gầy guộc, quần áo xốc xếch. Quả đúng như lời của một bài kinh Phật: “Đời người như một giấc mơ, trăm năm nào khác cuộc cờ đổi thay...”Trăm năm đã như cuộc cờ đổi thay rồi, huống là 26 thế kỷ tang điền thương hải! Bồ Đề Đạo Tràng nằm bên bờ sông Ni Liên Thiền, nơi Đức Phật thành đạo, cách Tân Đề Li khoảng trên dưới 1.000 cây số, cách ga Gaya khoảng 16 cây số, và cách thành Hoa Thị (Pataliputra) ngày nay là Patna thủ phủ của bang Bihar khoảng 115 cây số đường chim bay, nhưng trên thực tế con đường ngoằn ngoèo ấy dài đến gần 200 cây số. Trên bản đồ thế giới thì Bồ Đề Đạo Tràng nằm trên khoảng vĩ độ Bắc từ 24 đến 25.9, kinh độ Đông từ 84 đến 86. Cao độ 112 mét cao hơn mực nước biển. Nhiệt độ từ 24 đến 46 độ C vào mùa hè, và từ 5 đến 24 độ C vào mùa Đông. Mực nước mưa trung bình tại đây khoảng 118 cm3.
Đại
Tháp Giác Ngộ-Mahabodhi Stupa
Buổi chiều và tối ngày 30 tháng 11, Hòa Thượng hướng dẫn đoàn đi thăm và đảnh lễ Đại Tháp. Giữa những mái tranh nghèo lụp sụp, một Đại Tháp uy nghi sừng sững như thách thức với thời gian. Vừa thoáng thấy hình ảnh của ngôi đại tháp là tim tôi như bàng hoàng rung động một cách lạ thường. Ôi! Đây chính là nơi Thái Tử Tất Đạt Đa giác ngộ thành Phật. Ôi! Đây chính là ngôi Thánh địa thiêng liêng vào bậc nhất của những người con Phật! Ngọn tháp đứng sừng sững giữa một hàng cây xanh biếc. Khác với rất nhiều kiến trúc khác trên thế giới, ngọn tháp chỉ có bốn mặt thẳng tắp từ dưới rộng, đi dần lên đỉnh thì nhọn dần để chỉ còn là một điểm trên đỉnh mà thôi, chứ không như những ngôi chùa ngôi tháp nổi tiếng khác trên thế giới. Bảo Tháp có một chiều dài lịch sử kể từ thời vua A Dục, người đã xây dựng Tháp vào khoảng thế kỷ thứ hai trước Tây Lịch để tưởng niệm nơi Thành Đạo của Đấng Giác Ngộ trong dòng họ Thích Ca. Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về lịch sử của ngôi Bảo Tháp này. Theo truyền thuyết Phật giáo thì khoảng 300 năm sau ngày Đức Phật nhập diệt, vua A Dục đã đến đây chiêm bái và đảnh lễ. Sau đó Ngài đã cho xây tháp thờ để tưởng niệm nơi Đức Thế Tôn thành đạo. Tháp này được vương quốc Bengal cho trùng tu vào thế kỷ thứ 7, nhưng đến thế kỷ thứ 12 lại bị quân Hồi giáo phá hủy. Mãi đến thế kỷ thứ 14, các vương triều của xứ Miến Điện cho trùng tu lại, nhưng sau đó thì thiên tai lũ lụt đã nhận chìm và biến khu tháp này thành những phế tích bị lãng quên. Dù sao đi nữa thì đây cũng chính là nơi Đức Phật đã thành đạo, là một trong những điểm quan trọng trong các Thánh tích Phật giáo. Hầu như hiện nay các nhà khảo cổ đều đồng ý về niên đại của nền gạch đầu tiên, gần như chắc chắn rằng ngôi Đại Tháp này được vua A Dục xây dựng vào thế kỷ thứ 3 trước Tây Lịch (khoảng năm 259 trước TL), sau khi ngài chiêm bái và đảnh lễ khu Thánh tích này. Tuy nhiên, theo niên đại của những đồng tiền vàng trong số những di vật được chôn trước Kim Cang Tòa, nên có sách cho rằng ngôi đại tháp ngày nay được xây vào thế kỷ thứ hai sau Tây Lịch và nó được xây lên ngay trên nền tháp cũ của ngôi tháp cũ do vua A Dục xây, nhưng vị trí của ngôi tháp, Kim Cang Tòa và cây Bồ Đề vẫn giữ nguyên không thay đổi. Tuy nhiên, bảng ghi khắc về sự cúng dường của một người Tích Lan tên Buddharaksta được khắc ghi trên tường rào ở Bồ Đề Đạo Tràng thì có niên đại khoảng thế kỷ thứ nhất và thứ hai trước Tây Lịch (nghĩa là có niên đại đồng thời với vua A Dục). Ngôi tháp vĩ đại như một Kim Tự Tháp bốn cạnh, mỗi cạnh dài 15 mét, cao 52 mét. Bốn góc có bốn tháp nhỏ tô điểm cho phần Đại Tháp thêm phần mỹ thuật. Ngôi tháp được xây bằng gạch nung và được tô lên bằng một lớp thạch cao. Phía trước lối đi chính có một cổng vào được chạm khắc rất tinh xảo. Ngay trước cổng vào có một ngôi tháp nhỏ bằng đá xây rất cân xứng với tỷ lệ của ngôi tháp lớn. Cửa ra vào được làm bằng đá. Ngay từ bậc thang từ cổng ngoài đi xuống Tháp Đại Giác có một trụ đá to và cao hơn hai thước, tương truyền đây cũng chính là một trụ đá do vua A Dục dựng lên. Tầng trên của Tháp có sân trước và sân sau với một hành lang kinh hành chung quanh, ra phía sau ngó xuống là cây Bồ Đề và Kim Cang Tòa. Bên trong tháp chỉ là một bệ thờ nhỏ, thờ tôn tượng Đức Bổn Sư đang ngồi kiết già. Pho tượng này đã có trên 1.750 năm nay và được Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 cho phết vàng cũng như kẻ lại nét mặt, nên pho tượng phảng phất nhiều đường nét Tây Tạng. Tuy nhiên, nét nguyên thủy của pho tượng vẫn còn nguyên. Theo truyền thuyết Phật giáo thì tượng này do Bồ Tát Di Lặc hóa thân tạc nên. Chánh điện trước một bệ thờ rất nhỏ, chỉ chứa được khoảng trên dưới 20 người mà thôi, nên chỉ một số trong đoàn phải vất vả lắm mới vào được bên trong với Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, số còn lại phải ở ngoài chánh điện. Phía sau Đại Tháp là cội Bồ Đề cành lá xum xuê và Kim Cang Tòa, làm bằng những tảng sa thạch màu đỏ. Đây chính là nơi Đức Phật tọa thiền cho đến khi thành đạo. Chính nơi đây, gần 26 thế kỷ về trước, Đức Phật đã ngồi thiền định liên tục 49 ngày đêm cho đến khi đạt thành đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác.
Cây
Bồ Đề-BodhiTree
Cây Bồ Đề có tên khoa học là “Ficus religiosa,” nghĩa là biểu tượng cho tuệ giác của Đức Phật, sự chứng ngộ Phật quả của Ngài hay là chính hiện thân của Ngài, nên người ta còn gọi nó là cây giác ngộ hay cây Bồ Đề. Chính vì vậy mà Đức Phật đã nói với Đại Đức A Nan trong Kinh Niết Bàn rằng: “Bồ Đề Đạo Tràng, nơi có cây Bồ Đề là một trong bốn Thánh địa mà người con Phật với lòng kính tin nên đến để chiêm bái lễ lạy. Người nào thác sanh với lòng tin tưởng khi đi chiêm bái này sẽ được tái sanh vào cõi an vui.” Thật vậy, trong Kinh Bổn Sanh, Ca Lăng Già Bồ Đề (Kalinga Bodhi) và Cô Si Da (Kosiya) đã kể rằng trong suốt thời Đức Phật còn tại thế, cây Bồ Đề rất được kính trọng và người ta thờ phượng nó như chính Đức Phật vậy. Theo truyền thống Phật giáo thì cây Bồ đề là một trong ba đối tượng thờ phượng thiêng liêng của người Phật tử. Hai biểu tượng kia là xá lợi Phật và tháp thờ Phật. Cây Bồ Đề hiện nay là cháu chắt của cây Bồ Đề nguyên thủy đã nhiều lần bị bách hại. Tuy nhiên, theo các nhà khảo cổ thì đây chính là địa điểm chính xác của cây Bồ Đề nguyên thủy. Theo tạp chí “Maha Bodhi” ấn bản tháng 7 năm 1903: “Cây Bồ Đề mà Đức Phật ngồi thiền và đạt đạo quả trước kia bây giờ không còn nữa, nó đã bị tiêu diệt năm 1874. Vì một nhánh của cây Bồ Đề này đã được con vua A Dục là Tỳ Kheo Ni Sanghamita mang sang trồng tại thủ đô Anuradhapura, Tích Lan. Khi cây gốc bị hủy diệt năm 1874, một nhánh cây con mới mọc lên và đó là cây Bồ Đề xum xuê tại Bồ Đề Đạo Tràng hiện nay.” Lịch sử cội cây Bồ Đề nguyên thủy, nơi Đức Phật thành đạo đã được nhiều nhà chiêm bái Trung Hoa ghi lại. Pháp Hiển, một nhà chiêm bái Phật tích năm 409 đã ghi lại trong ký sự hành hương của mình như sau: “Sa môn Cồ Đàm đi tới phía trước, đến dưới gốc cây Bồ Đề, trải cỏ cát tường, mặt hướng về phía Đông. Ngài bắt đầu chứng nghiệm quả vị an lạc giải thoát trong suốt bảy ngày...” Ngài Huyền Trang đã đến đây vào năm 629 và đã trải qua 16 năm chiêm bái cũng như tu học tại đây. Trong Tây Du Ký Sự, ngài đã kể về Bồ Đề Đạo Tràng như sau: “Đi về phía Tây Nam từ đỉnh núi Pragbudhi khoảng 14 hay 15 dặm, chúng ta sẽ đến cây Bồ Đề. Cây này được bao quanh bởi một bức tường gạch cao lớn và vững chắc. Bức tường này hình chữ nhật cạnh dài chạy từ Đông sang Tây, cạnh ngắn chạy theo hướng Bắc Nam. Chu vi của bức tường này khoảng 500 bước. Những loại cây hiếm với những đóa hoa xinh đẹp kết tàng lại với nhau. Những cây biển bá với những cây khác mọc đầy cả nền tạo thành một tấm thảm trên đất. Cánh cổng chính mở ở phía Đông, đối diện với sông Ni Liên Thiền rộng lớn. Bên trong bức tường bao quanh nơi Thánh địa này có nhiều lối đi ngang chéo lẫn nhau ở các hướng.”
Cây
Bồ Đề chính là nơi Thái Tử Tất Đạt Đa đã ngồi và
đã chứng đắc chân lý, nằm phía Tây Nam sau Tháp Đại Giác,
tàng lá xum xuê. Hơn 25 thế kỷ trôi qua với bao lần vật
đổi sao dời thì cũng là bao lần ‘tang điền thương hải’
xảy đến với cội Bồ Đề này, nó đã chịu chung số phận
thăng trầm của lịch sử Phật giáo. Đã bao lần nó bị bách
hại, chặt đốn hoặc thiêu hủy do thiên tai, do ngọn gió
vô thường soi mòn hay do lòng người ganh ghét tàn ác đã bao
lần muốn xóa tan vết tích của nó. Nhưng kỳ diệu thay! Cây
Bồ Đề cháu chít vẫn tiếp tục đâm chồi nẩy lộc và
trường tồn. Theo nhà khảo cổ Buchanan, viếng Bồ Đề Đạo
Tràng năm 1811 cho rằng “Cây Bồ Đề hiện tại chỉ trên
100 tuổi, là cháu chít trên 20 đời của cây Bồ Đề nguyên
thủy, nhưng vị trí cây Bồ Đề nguyên thủy cũng chính tại
ngay chỗ này.” Vào năm 1862, nhà khảo cổ Alexander Cunningham,
người có công lớn trong việc khai quật các di tích Phật
giáo chẳng những tại Bồ Đề Đạo Tràng, mà còn ở nhiều
nơi khác, đã nhận xét như sau: “Cây Bồ Đề đã bị tàn
úa rất nhiều, thân cây hơi ngả về phía Tây với ba nhánh
lớn vẫn còn màu xanh, nhưng những nhánh khác thì đã vàng
vọt mục nát.” Lần thứ hai vào năm 1871, và lần thứ ba
vào năm 1875, Cunningham lại viết: “Lúc này cây Bồ Đề đã
hoàn toàn bị héo hon mục nát và sau đó vào năm 1876, sau một
cơn giông, cây Bồ Đề cũ đã bị cuốn phăng đi, chỉ còn
lại thân cây nằm ngả về hướng Tây của bức tường. Nhưng
may thay, có nhiều hạt giống đã rơi rớt lại để rồi những
mầm chồi non của cây cha mẹ chúng đã nhú mầm sinh sống
lại tại chính nơi đó.” Cũng theo Cunningham, Bồ Đề là
một loại cây phát triển nhanh và có đời sống ngắn, chỉ
trên dưới 100 năm, nên không thể nào cây nguyên thủy
còn được đến ngày hôm nay. Tuy nhiên, cây Bồ Đề tại
Bồ Đề Đạo Tràng có sức sống nối tiếp từ các hạt
giống của chính cây mẹ của nó, và cây Bồ Đề hiện nay
chắc hẳn phải là cây cháu đời thứ 20 nếu kể từ cây
Bồ Đề thời Đức Phật. Lại cũng có nhiều nghiên cứu
khác cho rằng cây Bồ Đề hiện tại là cháu đời thứ năm
của cây nguyên thủy? Phía bên trái cội Bồ Đề, người
ta tạc “Hai Dấu Chân Phật” để tưởng nhớ đến dấu
chân của Đức Thế Tôn từng đã lưu lại đây, trước cũng
như sau khi Ngài thành đạo. Bên dưới gốc Bồ Đề là
Kim Cang Tòa, tưởng niệm nơi Đức Phật tọa thiền. Tòa Kim
Cang là một thành xi măng vuông để giữ gốc cây Bồ Đề.
Một tấm vải vàng thật lớn được quấn bên dưới gốc
cây để làm tăng thêm vẻ trang nghiêm cho cây. Bên ngoài Tòa
Kim Cang khoảng hai thước là một vòng rào vuông khác bao bọc
quanh cây Bồ Đề và Tòa Kim Cang. Khách hành hương có thể
vào bên trong chiêm ngưỡng, nhưng không được vào nội vi
vòng rào của Kim Cang Tòa. Cây Bồ Đề và Kim Cang Tòa được
chăm sóc rất kỹ lưỡng, lúc nào cũng có một vị sư người
Ấn Độ thuộc chùa Phật giáo Ấn Độ (Maha Bodhi Mahavihara),
nằm trong Ban Quản Trị Đại Tháp, chăm sóc, và túc trực
để hướng dẫn khách hành hương.
Kim
Cang Tòa-Diamond Throne
Tòa Kim Cang nằm khoảng giữa Đại Tháp và cội Bồ Đề. Theo lịch sử Phật giáo thì tòa này được vua A Dục xây vào khoảng thế kỷ thứ ba trước Tây Lịch. Tương truyền thời xa xưa, tòa Kim Cang được trang hoàng bằng những loại đá quí như san hô, mã não, hồng ngọc, bích ngọc, hổ phách, lưu ly, trân châu, ngà, vàng, bạc, vân vân. Nhưng theo thời gian những bảo vật đã bị mất dần. Ngày nay tòa Kim Cang được bảo vệ trong một hàng rào xi măng có lối kiến trúc cổ và một hàng rào có trụ bằng kim loại mạ vàng do nước Tích Lan xây dựng. Ngay trên tòa là một mái cong được xây lên để che mưa tránh nắng. Đây là nơi Đức Phật đã ngồi thiền định trong suốt 49 ngày đêm. Năm 1881, các nhà khảo cổ đã đào được tại đây một tòa bằng đồng mạ vàng, dài 2.28 mét, ngang 1.29 mét, cao 0.914 mét. Trên mặt và chung quanh tòa có khắc rất nhiều hoa văn rất mỹ thuật. Đối với Thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng thì Kim Cang Tòa là một di vật thiêng liêng nhất vì nó chính là trung tâm của vũ trụ, nơi tọa thiền và thành đạo của một bậc Đại Giác, bậc thầy của trời người. Nơi mà các đệ tử Phật tin là cái nôi của Phật giáo. Trong ký sự, Ngài Huyền Trang đã kể về Bồ Đề Đạo Tràng như sau: “Đi về phía Tây Nam từ đỉnh núi Pragbudhi khoảng 14 hay 15 dặm, chúng ta sẽ đến cây Bồ Đề. Cây này được bao quanh bởi một bức tường gạch cao lớn và vững chắc. Bức tường này hình chữ nhật cạnh dài chạy từ Đông sang Tây, cạnh ngắn chạy theo hướng Bắc Nam. Chu vi của bức tường này khoảng 500 bước. Chính giữa khu tường là tòa Kim Cang, nơi Đức Phật ngồi thiền. Trong thời xa xưa đời hiền kiếp khi quả đất được tạo ra thì tòa Kim Cang này cũng đã xuất hiện. Tòa nằm ngay giữa trung tâm của vũ trụ và đi sâu vào kim luân rồi ăn sâu xuống lòng đất. Tòa được làm bằng Kim Cương. Chu vi khoảng chừng 100 bước, trên tòa này có 1.000 vị Phật đời hiền kiếp đã ngồi và nhập kim cang định vì vậy mà tòa được gọi là Kim cang. Đây cũng chính là nơi Đức Phật đã đạt được Thánh đạo, vì vậy nó cũng được gọi là Bồ Đề Đạo Tràng.”
Hiện tại ngôi Đại Tháp được bao bọc bởi hàng rào gạch. Bên trái Đại Tháp có lối kinh hành trên nền cao hình chữ nhật với những đóa sen để kỷ niệm hoa sen xuất hiện nâng những bước chân của Đức Phật khi Ngài vừa mới xuất định đi hành thiền. Bên ngoài ngôi Đại Tháp có rất nhiều chùa, tháp, khách sạn, nhà ăn, và những sạp bán đồ Phật cụ cũng như những vật kỷ niệm liên quan đến Phật giáo khác.
Chung quanh Đại Tháp có tất cả ba đường “Kinh Hành.” Đường trong cùng gần Đại Tháp, đường giữa nằm tương đối cao hơn và đường ngoài cùng nằm gần vòng rào, khoảng lưng chứng Đại Tháp. Chung quanh Đại Tháp còn có nhiều tháp nhỏ, do các vị vua và các nhà doanh thương giàu có xây dựng về sau này. Dù niên đại xây dựng có khác nhau, nhưng các tháp đều có lối kiến trúc giống nhau. Kể từ khi vua A Dục chiêm bái khu Bồ Đề Đạo Tràng, khu này đã trở nên khu Thánh tích thu hút chẳng những các hàng vua chúa, mà ngay cả hàng dân dã các nơi cũng tề tựu về đây chiêm bái và đảnh lễ. Không riêng gì các vương triều tại Ấn Độ mà các vương triều lân bang như Miến Điện, Népal, Bhutan, Thái Lan, Tích Lan... đã thi nhau làm cho Bồ Đề Đạo Tràng ngày càng phát triển và đẹp đẽ hơn. Bất cứ nơi nào có in dấu chân Phật, nơi ngày lưu trú, tắm giặt, hay thọ thực...mỗi nền tháp, mỗi ao nước, gốc cây, vân vân đều được tạc vào trụ hay bia đá và không có thứ gì có thể làm mờ nhạt đi những nét đậm lịch sử một thời của Phật giáo này. Khoảng năm 450 AD vương triều Miến Điện đã cho trùng tu Đại Tháp. Và theo bia ký (588- 89), một người trong hoàng gia Tích Lan tên Mahanama đã cho xây tại đây một ngôi già lam có sức chứa hơn 1.000 chư Tăng mà theo ký sự của Ngài Huyền Trang có ghi: “Năm 635 khoảng 1.000 Tỳ Kheo thuộc Thượng Tọa Bộ đã trú ngụ trong ngôi già lam này.” Vào khoảng năm 600, một vị vua Bà La Môn của xứ Bengal, vì thù nghịch với Phật giáo nên đã cho chặt và đốt phá cội Bồ Đề. Đến năm 620 thì vua Purna Varma cho phục hồi lại cội Bồ Đề và cho dựng một hàng rào cao khoảng 7 mét để bảo vệ. Từ đó đến nay, cây Bồ Đề tại đây không còn bị ai hại nữa.
Trong khuôn viên Đại Tháp có hai ngôi tháp, một bên trái và một bên phải, sát bên cửa Đại Tháp, không phải là tháp của Phật giáo, mà là của Ấn giáo. Những vị giáo sĩ Bà La Môn đã khéo léo đặt thêm trong tháp một vài tượng Phật cho Phật tử hành hương lầm tưởng là Tháp Phật giáo. Bên trong mỗi ngôi tháp này đều có năm pho tượng thần Shiva.
Sau khi tụng một thời kinh và cúng đèn Đại Tháp, sư Minh Thành thuyết minh về lược sử Đức Phật và việc thành đạo của Ngài. Gần hai mươi sáu thế kỷ về trước, vào một đêm Đông lạnh giá, trong khi chúng sanh còn đang nửa tỉnh nửa mê trong cơn trường mộng, thì một ánh sáng kỳ diệu đã xuất hiện nơi Vườn Lâm Tỳ Ni, trong vùng Đông Bắc Ấn Độ. Thái Tử Tất Đạt Đa đản sanh. Theo tục lệ Ấn Độ thời bấy giờ, Thái Tử kết hôn với công chúa Da Du Đà La (Yasodhara) rất sớm, ở tuổi 16. Là một Đông cung Thái Tử trong một vương quốc phồn thịnh, Ngài muốn gì được nấy trong xa hoa lộng lẫy. Thế nhưng Ngài đã sớm thức tỉnh được cơn trường mộng ‘sanh-già-bệnh-chết’ của chúng sanh vạn loài nên năm 29 tuổi, Ngài quyết định từ bỏ cung vàng điện ngọc, xuất gia tầm đạo giải thoát cho nhân loại. Sau khi rời bỏ cung vàng điện ngọc, Ngài trở thành một vị ‘khất sĩ’ cô thân vạn lý du. Ngài đã đi bộ gần 650 cây số đến thành Vương Xá để bắt đầu cuộc tu khổ hạnh. Tại đó Ngài đã tòng tu với Đạo sĩ A Ra La Ca La Ma (Alara Kalama), rồi sau đó Ngài đến tu thiền định với đạo sư Uất Đà Ca La Ma Tử (Uddaka-Ramaputta), nhưng sau đó Ngài nhận chân ra rằng những thứ này đều không phải là con đường giải thoát mà Ngài đang đi tìm. Ngài bèn từ giả vị đạo sư và tiếp tục đi đến khu rừng Khổ Hạnh (Uruvela) cách đó khoảng 65 cây số. Tại đây Ngài cùng năm anh em Kiều Trần Như tu tập khổ hạnh. Không có phép khổ hạnh nào mà Ngài không tập qua. Ngài cùng các huynh đệ đã thực hành những phương pháp tự hành xác khắc nghiệt nhất trong sáu năm liền. Nào nín thở, nào nhịn ăn hay chỉ ăn ngày một giọt súp hoặc một hột mè, nào đè lưỡi, nào cắt đứt hơi thở, nhưng tất cả đều là sự hủy hoại thân thể một cách oan uổng chứ không đem lại kết quả như Ngài mong đợi. Dáng dấp tươi trẻ ngày nào của một vị Thái Tử phương phi tuấn tú đã biến đâu mất tự lúc nào, nhường chỗ cho một tấm thân gầy còm khô đét, chỉ còn lại da bọc xương mà thôi. Thần chết như vẫy gọi đâu đó mà con đường tầm đạo giải thoát hãy còn mờ mịt. Sau đó Ngài quyết định từ bỏ con đường khổ hạnh thái quá này. Ngài tự nhủ, muốn tu hành để đạt đến đạo quả giải thoát, phải duy trì tấm thân này chứ không thể để cho nó chết dần mòn một cách vô bổ. Do đó một sáng nọ Ngài nhận bát cháo sữa trộn với mật ong do nàng Sujata cúng dường. Chính việc làm này khiến cho năm anh em Kiều Trần Như xa lành Ngài mà đi đến vườn Lộc Uyển để tiếp tục tu hành khổ hạnh. Sau khi nhận bát cháo sữa, sức khỏe Ngài hồi phục, Ngài qua bên kia sông Ni Liên Thiền (Neranjara), nằm về phía Nam thành phố Gaya chừng 10 cây số, thả chiếc bình bát xuống dòng sông và nguyện rằng: “Nếu dòng sông này xác chứng được sự quyết chí tu hành của ta để thành đạo cả, thì xin chiếc bát này hãy trôi ngược dòng Ni Liên.” Thật vậy, sau khi Ngài thả chiếc bát xuống sông, nó đã trôi ngược dòng như lời nguyện của Ngài. Khi bước lên bờ, Ngài nhận bó cỏ kiết tường do một người nông dân cúng dường. Sau đó Ngài đi đến Gaya, ngồi dưới gốc cây Tất Bát La và lại phát nguyện: “Nếu ta ngồi tòa này mà không chứng được đạo vô thượng bồ đề, thì thân này dù tan xương nát thịt, ta quyết không đứng dậy.” Phát nguyện xong Ngài đã ngồi thiền định trong suốt 49 ngày đêm. Và chính dưới gốc cây Bồ Đề thiêng liêng này vào năm 528 trước Tây Lịch, Ngài đã giác ngộ nguyên lý giải thoát. Ngài đã lần lượt chứng đắc các tầng thiền từ sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, cũng như tứ thiền vô sắc là không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ. Sau đó với tâm định tĩnh, Ngài tuần tự chứng đắc túc mạng minh (nhớ hết các đời quá khứ), thiên nhãn minh (thấy hết sự sống chết của chúng sanh muôn loài), và lậu tận minh (thấy tất cả các lậu hoặc, nguyên nhân đưa đến các lậu hoặc, và phương cách diệt trừ các lậu hoặc). Từ đó một tri kiến khởi lên trong Ngài “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.” Sau khi thành Phật, Đức Phật đã lưu lại Bồ Đề Đạo Tràng thêm một tuần nữa để tiếp tục an trú trong thiền định. Tuần thứ hai Ngài đến tháp Animesalochana, tại đây Ngài nhìn về hướng cội Bồ Đề không chớp mắt trong suốt một tuần lễ để tạ ơn sự trợ giúp che chở của nó trong suốt 49 ngày đêm thiền định của Ngài. Từ đó trở về sau này, cây Bồ Đề trở thành một biểu trưng đặc biệt cho sự giác ngộ tối thượng của Đức Phật. Và cũng vì thế mà nó được lễ bái và thờ kính như chính bản thân Đức Phật vậy. Tuần thứ ba Ngài đi kinh hành từ ngôi tháp Animesalochana này trở về cội Bồ Đề mà theo truyền thuyết Phật giáo thì từng bước chân Ngài đi là từng đóa sen nở nâng bước chân Ngài. Hiện tại khối đá Chankramenar, nơi đánh dấu quãng đường nơi Đức Phật qua lại gần cội Bồ Đề vẫn còn đây. Chiều dài khối đá khoảng 16 mét, chiều ngang khoảng 1.1 mét và chiều cao khoảng 0.914 mét. Tuần lễ thứ tư Đức Phật an trú trong điện Ratanaghara. Tại đây Ngài quán chiếu sâu hơn về định luật Nhơn Quả cũng như những vấn đề thuộc về siêu hình học của Vi Diệu Pháp (Abhidharma), mà theo truyền thuyết thì chính tại đây kim thân của Đức Phật tỏa ra ánh sáng năm màu “Xanh, vàng, đỏ, trắng và cam.” Đây cũng chính là năm màu mà Đại Hội Phật giáo tại Tích Lan năm 1958 đã công nhận làm màu cờ cho Phật giáo quốc tế. Tuần thứ năm Đức Phật an trú dưới gốc đa (Ajapala) gần cổng Đại Tháp để chứng nghiệm sự an lạc và khinh an của giải thoát, có sách viết là cây Ni câu đà (Nigrodha). Vị trí của cây này hiện nay người ta không xác định được, tuy nhiên các nhà khảo cổ cho rằng nó nằm gần cổng Đại Tháp. Chính tại nơi đây các vị Bà La Môn đã đến vấn nạn Ngài và Ngài đã nói cho họ nghe về sự cao quí của một con người không phải từ dòng họ, mà do nhân cách và cách hành sử hiện đời của con người ấy. Ngài nói: “Một người không phải khi sanh ra là Bà La Môn mà chính là khi chết đi việc ấy mới quyết định tùy theo nghiệp anh ta đã làm trong đời này. Bà La Môn có nghĩa là phạm chí và chỉ những người nào tạo nghiệp lành mới có thể sanh thiên thì mới gọi được như vậy.” Tuần lễ thứ sáu Đức Phật an trú tại hồ Muchalinda, phía Nam đại tháp. Trong một đêm mưa to gió lớn, sấm chớp nổi lên ầm ầm, rắn thần Mucalinda đã hiện đến bảo vệ Ngài. Về phía Nam của hồ hãy còn có một tượng Phật được che chở bên trên bởi một tượng rắn rất lớn. Trong hồ người ta trồng rất nhiều sen, súng và nuôi rất nhiều cá. Dọc hai bên bờ hồ có hàng rào chắn, sát bên là khu vườn đầy hoa muôn sắc. Nước trong hồ ngày nay đã bị ô nhiễm khá nặng nề, tuy nhiên, vào buổi sáng sớm thường có những vị theo Ấn giáo đến đây tắm rửa và dâng nước lên thần mặt trời. Mới sáng sớm là đoàn người bán cá cho người hành hương phóng sanh đã tụ tập đầy nơi cổng đi vào hồ, quang cảnh nơi đây thật vô cùng náo nhiệt. Hiện nay có một ngôi làng nằm về phía Nam Đại Tháp chừng 1.6 cây số có tên là Muchilinda, có lẽ bắt nguồn từ sự cố này. Tuần lễ thứ bảy Đức Phật an trú nơi cây Rajayatana ở phía Đông Nam của Đại Tháp để chứng nghiệm sự an lạc của quả vị giải thoát hoàn toàn. Tại đây Ngài đã tuyên thuyết giáo pháp cho hai vị thương buôn, một tên là Đế Lê Phú Bà (Tapussa) và người kia tên là Bạt Lê Ca (Balluka). Đây là hai vị Phật tử tại gia đầu tiên của Đức Phật.”Sau đó Đức Phật du hành về thành Ba La Nại, đến Vườn Lộc Uyển để tìm năm người bạn đồng tu trước kia, hầu truyền đạt cho họ những gì Ngài đã chứng ngộ.
Sự thành đạo của Đức Phật chẳng những là một chiến thắng vẻ vang cho riêng Ngài, mà còn là một cuộc cách mạng tâm linh vô tiền khoáng hậu. Chính Đức Phật đã mở ra cho nhân loại một con đường giải thoát, giải thoát khỏi mọi hệ lụy của khổ đau phiền não, hầu mang lại cho con người một cuộc sống an lạc và hạnh phúc, một cuộc tu đến chân thiện mỹ cũng như giải thoát rốt ráo.
Sau đó, Hòa Thượng hướng dẫn cả đoàn đi nhiễu vòng quanh Đại Tháp và chiêm ngưỡng Kim Cang tòa. Tôi cảm thấy niềm xúc động thật mạnh trên toàn thân toàn tâm, một nỗi xúc động không thể diễn tả được bằng lời. Cả thân tâm tôi bị thu hút không phải bởi sự hùng vĩ của đại tháp, mà bởi kính ngưỡng sự vĩ đại và cao cả của Đức Phật. Tôi nghĩ chắc mọi người, ai cũng có một nỗi cảm xúc như tôi. Lúc quỳ đảnh lễ Kim Cang Tòa và cội Bồ Đề uy nghi sừng sững, tôi thấy mình nhỏ bé quá trước sự vĩ đại của Đức Thế Tôn, lòng tôi như cảm thấy mình đang quỳ trước mặt Đức Thế Tôn mà nghe lòng lâng lâng niềm kính ngưỡng. Có nhiều người cho rằng mình bất hạnh vì sanh ra vào thời không có Phật. Riêng tôi, tôi không nghĩ như vậy. Tôi không có cái may mắn như các ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, hay A Nan, Ca Diếp... là được sanh ra ngay vào thời có Phật, nhưng tôi vẫn còn cái may mắn là có giáo pháp và Tăng đoàn, tôi vẫn còn có Hòa Thượng là vị hướng dẫn tinh thần, là ân sư đã dìu dắt tôi từng bước hướng thượng.
(HT dẫn đoàn đi nhiễu quanh Đại Tháp)
(Tụng kinh & dâng hoa-Bồ Đề Đạo Tràng)
(Lễ xuất gia gieo duyên-Bồ Đề Đạo Tràng)
(Bồ
Đề Đạo Tràng by night)