MỤC LỤC PHẦN 3
Núi Linh Thứu
Hình Ảnh Núi Linh Thứu
Trúc Lâm Tịnh Xá
Phế Tích Na Lan Đà
Hình Ảnh Na Lan Đà
Nhà Ngục Giam Vua Bình Sa Vương
Ao Rắn Tại Bồ Đề Đạo Tràng
Ngôi Làng Phật Giáo Gần Bồ Đề Đạo Tràng
Viện Bảo Tàng Bodhgaya
Phần 3
Núi Linh Thứu
(Đỉnh Linh Thứu—Ngay trước khi tới hương thất của Đức Phật)
Núi Linh Thứu là một trong những ngọn núi cao bao bọc chung quanh thành Vương Xá. Linh Thứu là nơi Đức Phật đã thuyết giảng nhiều bộ kinh quan trọng trong lịch sử Phật giáo, cũng như trong truyền thuyết Phật giáo, như kinh Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Kinh Đại Bát Nhã... Trước khi tới đỉnh Linh Thứu, sư Minh Thành hướng dẫn đoàn tới thăm hang đá làm hương thất của ngài A Nan và Xá Lợi Phất. Ngay sau khi qua cầu Linh Sơn, bên phải có một động đá nhỏ. Chính nơi này ngài A Nan đã thường ngồi tu tập thiền định, và phía sau động hãy còn một đường nứt lớn chạy dài từ hương thất của Đức Phật, theo truyền thuyết thì đó chính là chỗ Đức Phật đã dùng thần lực đưa tay từ phòng mình xuống đặt trên đầu ngài A Nan để trấn an ngài. Đi theo một đỗi nữa là động của ngài Xá Lợi Phất. Hang này có một mỏm đá nhô ra như hình của đầu một con rắn, chính nơi đây ngài Xá Lợi Phất thường trú ngụ để thiền định và quản chúng. Từ động của ngài Xá Lợi Phất đi theo con đường ngoằn ngoèo với những nấc thang, tới một mỏm đá hình con chim mỏ nhọn, mặt ngước lên. Có lẽ vì hình dạng này mà núi có tên là “Linh Thứu.”
(Phế
tích nền hương thất của Đức Phật trên đỉnh núi Linh
Thứu)
(Hòa
Thượng Thích Giác Nhiên đang hướng dẫn đoàn tụng kinh
cầu
an tại hương thất của Đức Phật trên đỉnh Linh Thứu)
Đi lên tới đỉnh là hương thất của Đức Phật. Hiện tại hương thất của Đức Phật chỉ còn trơ lại một nền gạch, chứ không còn tôn tượng hay bệ thờ gì cả. Gọi là hương thất vì chính nơi đây hương thơm trí tuệ của Đức Thế Tôn đã tỏa ra ngào ngạt bay đi cùng nơi khắp chốn. Hương thất này được xây trên một tảng đá lớn trên đỉnh núi. Về phía Đông Bắc của hương thất là một dòng suối, ngày nay không còn nước nữa, nhưng theo truyền thuyết Phật giáo thì đây là một con suối có nước trong và mát, thời đó vào mùa hạ Đức Phật thường hay tắm giặt tại con suối này. Từ trên đỉnh này chúng ta có thể nhìn thấy bên dưới thành Vương Xá cũng như những ruộng lúa đại mạch quanh vùng. Hòa Thượng Pháp Chủ đã nhắn nhủ Phật tử trong nỗi xúc động mãnh liệt: “Trên 25 thế kỷ về trước, Đức Phật đã từng đến đỉnh núi này để thuyết những bài pháp quan trọng như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm và Niết Bàn đã làm thay đổi cả vũ trụ nhân sinh.” Sau đó Hòa Thượng hướng dẫn đoàn tụng một thời kinh cầu an. Tại đây ngài Pháp Hiển cũng ghi lại trong Tây Vực Ký rằng khi ngài lên đến đỉnh Linh Thứu, ngài cảm thấy vô cùng đau xót vì tủi cho thân phận mình không gặp mặt Đức Thế Tôn, nhớ đến ân đức của Đức Phật nên ngài đã tụng một thời kinh Lăng Nghiêm, trong khi ngài Huyền Trang đến đây đã tụng hết một bộ kinh Pháp Hoa. Còn đoàn chúng tôi chỉ tụng được có một thời kinh cầu an và hòa bình thế giới. Đúng là sanh ra vào thời mạt pháp, phước mỏng, nghiệp nặng nên không có đủ duyên đủ phước như những bậc thầy đi trước.
Theo truyền thống Phật giáo thì cũng chính tại nơi đây trong một pháp hội, ngài Ca Diếp đã nhận sự truyền thừa từ Đức Phật. Theo truyền thuyết Phật giáo thì trong chúng hội này, Đức Phật đã không thuyết một lời nào mà chỉ đưa lên một cành hoa. Cả chúng hội đều ngơ ngác nhìn nhau, duy chỉ có Ngài Ca Diếp nhìn Phật mỉm cười. Cái cười của một người đại đệ tử giác ngộ. Từ đó ngài Đại Ca Diếp được Phật trao truyền nối tiếp dòng truyền thừa Chánh Pháp. Chúng ta sanh ra vào thời không có Phật, nên chỉ biết đến đây thành kính đảnh lễ các thánh tích một thời đã ghi lại dấu vết của Ngài.”Bên này đỉnh Linh Thứu chúng ta có thể nhìn thấy tháp Hòa Bình bên kia, cũng như toàn cảnh của thành Vương Xá bên dưới. Sau đó vào buổi trưa, đoàn xuống núi để tiếp tục thăm viếng Trúc Lâm Tịnh Xá. Gần tới chân núi Linh Thứu, sư Minh Thành chỉ cho đoàn tảng đá Mardukushi, mà theo truyền thuyết Phật giáo, thì chính Đề Bà Đạt Đa đã lăn nó từ trên núi cao xuống để hãm hại Đức Phật.
Trên đường đi đến núi Linh Thứu, phía bên trái hãy còn lại phế tích của những bức tường. Theo truyền thuyết thì đây là khu vườn xoài của một danh y thời Đức Phật, tên Kỳ Bà, đã từng là ngự y của vua Tần Bà Sa La và A Xà Thế. Ông đã theo gương vua Tần Bà Sa La, cúng khu vườn xoài của mình cho Đức Phật, và Đức Phật cũng đã nhiều lần ghé lại nơi này.
Tưởng cũng nên nhắc lại một chút về vua Tần Bà Sa La. Tần Ba Sa La là một vị quân vương Phật tử rất ngoan đạo, ngài đã thường xuyên viếng thăm, đảnh lễ và cúng dường phẩm vật lên Đức Phật và Tăng đoàn. Ngoài ra, nhà vua cũng trì giữ bát quan trai giới rất nghiêm nhặt. Việc vua Tần Bà Sa La quy-y Phật đã khiến cho rất nhiều người trong hoàng tộc thời đó quyết định quy-y theo. Người gần gũi ông nhất là hoàng hậu Vi Đề Hy, em ruột vua Ba Tư Nặc, cũng quy-y với Phật. Mặc dù ở ngai vị hoàng đế của một nước lớn, lúc nào vua Tần Bà Sa La cũng kính ngưỡng Đức Phật không sai khác. Mỗi lần lên núi Linh Thứu thăm Phật, khi lên gần đến hương thất của Đức Phật, nhà vua ra lệnh cho đoàn tùy tùng dừng lại, chỉ một mình mình đích thân lên đảnh lễ Phật. Để tiện việc đi lại cho Đức Phật trên núi Linh Thứu, nhà vua đã cho làm một con đường từ dưới chân lên đến đỉnh Linh Thứu. Con đường này ngày nay hãy còn và đã được người Nhật tu sữa lại rất thuận tiện. Con đường nguyên thủy rộng chứng 1.5 mét, toàn bộ chiều dài khoảng 1.5 cây số. Bên dưới chân núi có một tảng đá mà theo truyền thuyết chính là nơi Đề Bà Đạt Đa đã lăn đá hại Phật. Lưng chừng triền núi có một tấm bảng ghi lại sự kiện vua Tần Bà Sa La xuống kiệu, đi bộ lên đỉnh đảnh lễ Đức Phật. Tấm bảng thứ hai đánh dấu chỗ vua Tần Bà Sa La bỏ lại đoàn tùy tùng, một mình vào đảnh lễ Đức Phật. Tuy nhiên, vì nghiệp báo tiền khiên mà về sau này nhà vua bị chính đông cung thái tử A Xà Thế hạ ngục cho đến chết. Về sau này, khi Đức Phật đã nhập diệt, thì chính A Xà Thế cũng quay về với đạo Phật và trở thành một quân vương Phật tử tích cực yểm trợ cho 500 vị A La Hán trong lần kết tập kinh điển lần đầu tiên trong động Thất Diệp, tại thành Vương Xá.
Những Hình Ảnh Khác Tại Núi Kỳ Xà Quật-Linh Thứu Sơn
(Đường
lên Tháp Hòa Bình trên núi Kỳ Xà Quật)
(Cable
lên núi Kỳ Xà Quật-Linh Thứu)
(Từ
trên cable nhìn xuống dưới khu thung lũng Kỳ Xà Quật)
(HT
hướng dẫn đoàn đi nhiễu tháp Hòa Bình)
(Đoàn
chuẩn bị tụng kinh cầu an-tháp Hòa Bình-Kỳ Xà Quật)
(Từ
bên đỉnh Kỳ Xà Quật ngó qua núi Linh Thứu)
(HT
Thích Giác Nhiên và Thiện Tâm đang đi qua Linh Thứu)
(Thiền
thất của ngài Xá Lợi Phất-Linh Thứu)
(
(Thiền
thất của ngài A Nan-Linh Thứu Sơn)
(Nền
nhà tưởng niệm Ngài Huyền Trang trên núi Linh Thứu)
(Bảng
ghi chỗ Đề Bà Đạt Đa lăn đá hại Phật-Linh Thứu)
Trúc Lâm Tịnh Xá
(Cổng
Tịnh Xá Trúc Lâm-Thành Vương Xá)
Sau đó đoàn đến Trúc Lâm Tịnh Xá (Venuvana or Bamboo Grove) vào giữa trưa, nên Hòa Thượng cho phép đoàn dùng cơm trưa trước khi thăm viếng Tịnh Xá để hồi tưởng lại không khí sinh hoạt của Tăng đoàn thời xa xưa. Ngày đó, khi Đức Phật du hành từ Bồ Đề Đạo Tràng đến thành Vương Xá (Rajagaha), được vua Bình Sa Vương (Bimbisara) và thần dân nghênh tiếp một cách hoan hỷ.
(Quang
cảnh bên trong khu phế tích của Trúc Lâm Tịnh Xá năm
2005)
Sau khi quy-y Tam Bảo và nghe lời tuyên thuyết của Đức Phật, vua Bình Sa Vương chứng Thánh quả và cảm thấy an lạc tuyệt đối. Sau khi cúng dường Trai Tăng tại hoàng cung, vua thỉnh ý của Đức Phật muốn biết nơi nào yên tịnh thích hợp cho Đức Phật và Tăng đoàn. Đức Phật trả lời rằng “Nơi thích hợp cho Như Lai và Tăng đoàn là một nơi vắng vẻ, không xa mà cũng không gần thành thị, để cho ai muốn, có thể đến một cách dễ dàng. Một nơi mát mẻ, ban ngày không đông đảo ồn ào, ban đêm yên tĩnh, khoảng khoát và kín đáo, nơi ấy sẽ thích hợp.” Nghe xong, vua liền nghĩ ngay đến khu “Trúc Lâm”, tức là khu rừng trúc dùng làm vườn thượng uyển của ngài. Chỉ có khu này mới hội đủ điều kiện và thích hợp cho Đức Phật mà thôi. Vua bèn bạch với Đức Phật để xin dâng cúng ngôi Vườn Thượng Uyển đến Đức Phật và chư Tăng. Đây là một khu vườn rộng với thật nhiều khóm trúc xanh um, tuy không xa đô thị nhưng lại mang vẻ thanh u và tịch liêu của một vùng thôn dã với bóng mát thường xuyên của những khóm trúc. Đây cũng là khu an toàn của loài sóc. Đức Phật và Tăng đoàn đã trải qua ba mùa an cư kiết hạ tại khu vườn này (từ hạ thứ nhì đến hạ thứ tư). Khi Phật giáo bị mai một tại Ấn Độ thì khu Trúc Lâm trở thành một khu rừng hoang dại. Về sau này, khi các nhà khảo cổ đã xác định được rõ ràng vị trí của khu Trúc Lâm thì chánh phủ Ấn Độ một mặt phân khu tiếp tục khai quật, mặt khác cho phục hoạt khu Tịnh Xá Trúc Lâm cũng như những Thánh tích khác trong thành Vương Xá. Dù bóng thời gian đã trôi qua trên 25 thế kỷ, ngày nay những bụi trúc ở đây vẫn còn xanh um, hồ nước vẫn trong trẻo như ngày nào, nhưng bóng dáng Đấng Cha Lành chỉ còn lại trong tâm tưởng của những người con Phật mà thôi. Đây là khu tịnh xá đầu tiên được dựng lên cho Đức Phật và Tăng đoàn. Giữa khu tịnh xá là một cái hồ hình chữ nhật thật to, bốn phía đều được xây bằng gạch, theo truyền thuyết thì hồ này do ông Karanda dâng cúng trong việc xây dựng để cho Phật và chư Tăng tắm giặt. Ngày nay nước trong hồ vẫn còn khá nhiều. Bên cạnh hồ nước có một pho tượng Phật đứng trong một ngôi tháp do chánh phủ Ấn mới xây lên sau này để tưởng niệm nơi Đức Phật thường đi kinh hành quanh hồ. Hiện trong khuôn viên của Tịnh xá hãy còn lưu lại những nền gạch và ngôi tháp thờ xá lợi Phật do vua A Xà Thế xây dựng. Cạnh hồ nước hãy còn một cây Bồ Đề thật to mà theo truyền thuyết do chính ngài A Nan trồng, để mỗi khi nhìn cội cây là nhớ đến Đức Phật.
Phế
Tích Na Lan Đà
(Phế
tích trường Đại Học Na-Lan-Đà -Ruins of Nalanda University )
Khoảng 2:00 giờ chiều, đoàn rời Tịnh Xá Trúc Lâm để lên đường đi thăm di tích Tu Viện Na Lan Đà (Nalanda Buddhist University) cũng như trường đại học Na Lan Đà hiện tại. Na Lan Đà nằm trong vùng ngoại ô của thành Vương Xá ngày xưa. Na Lan Đà là một di tích quan trọng trong lịch sử phát triển Phật giáo tại Ấn Độ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung vì đây là trường Đại Học Phật giáo đầu tiên trên thế giới. Vùng Na Lan Đà khi xưa là nguyên quán của hai ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên (hai trong mười vị đại đệ tử của Đức Phật).
(Chánh
Điện trong Tu Viện Nalanda—Main Temple)
Na Lan Đà rộng trên 14 mẫu đất, là một trong những trường đại học lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ, mặc dù không có tài liệu nào minh xác được niên đại thành lập, nhưng theo lịch sử Phật giáo thì chính ngài Long Thọ đã từng tòng học rồi sau đó làm Viện trưởng tại đây, như vậy có lẽ Na Lan Đà được khởi xây từ trước thế kỷ thứ hai trước Tây Lịch, sau đó được phát triển rộng lớn vào thế kỷ thứ 5 dưới triều đại Gupta, và đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ thứ 9. Mặc dù khu Na Lan Đà không có giá trị lịch sử thời Đức Phật còn tại thế hay không liên quan gì đến cuộc đời của Đức Phật, dù thời đó Na Lan Đà đã hiện hữu, nhưng nó chính là nơi đã sản sanh ra rất nhiều danh Tăng Phật giáo như các ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên... Rồi về sau này, nó trở thành một viện đại học nổi tiếng đầu tiên của Phật giáo, chính nơi đây đã đào tạo ra rất nhiều nhà tư tưởng Phật giáo nổi tiếng khác như các ngài Long Thọ, Mã Minh, Vô Trước, Thế Thân, Sằn Đề Đề Bà, Huyền Trang, Nghĩa Tịnh... Thời ngài Huyền Trang theo học tại đây thì ngài Giới Hiền (Silabhadra) đang làm Viện Trưởng. Khu tu viện Na Lan Đà, nằm ở ngoại vi của thành Vương Xá. Từ khi thành lập vào thế kỷ thứ 5 sau Tây Lịch, đến khi đi vào quên lãng vào thế kỷ thứ 12, có rất nhiều vua quan tại xứ Ma Kiệt Đà (Magadha) và Kiều Tất La (Kosala), đã đến đây chiêm bái và dựng tháp kỷ niệm. Vì toàn khu Na Lan Đà rất lớn nên từ ngoài cổng đi vào những khu phế tích cũng rất xa. Ngày nay chánh phủ Ấn Độ đã cho sửa sang lại con đường từ ngoài đi vào hẳn hòi nên dù xa nhưng việc đi lại không mấy vất vả. Bên trong khu phế tích Na Lan Đà hiện còn một nền tháp rất lớn, chung quanh có rất nhiều ngôi tháp nhỏ, tất cả đều bị thời gian và con người tàn phá, nên nay chỉ còn trơ lại những nền đá, những đống gạch vỡ vụn, hay những bờ tường màu nâu cũ kỹ. Theo lịch sử Phật giáo và theo ký sự Tây Du của ngài Huyền Trang, thì đây chính là nền của ngôi tháp bảy tầng, bên trên có một tôn tượng Phật rất lớn. Trong khi bốn ngôi tháp nhỏ ở bốn góc hãy còn tương đối tốt. Những bức tượng Phật và các vị Bồ Tát chạm quanh các tháp vẫn còn rõ nét. Phía Đông của chánh tháp, nghĩa là phía bên trái của con đường vào tháp là hai kiến trúc nhỏ, có lan can chạy chung quanh, đây là những kiến trúc được xây trên các nền phế tháp cũ. Bên trong là phòng kín, chứa các quý vật của tu viện, mái được chống đỡ bởi những trụ đá. Bên phía Tăng xá chính, theo ngài Huyền Trang trong Tây Vực Ký thì có chín tầng, trong khi các Tăng xá phụ chỉ có vài ba tầng mà thôi. Mỗi Tăng xá đều có hành lang chia cách. Trường đại học Na Lan Đà thời này rất nổi tiếng về cả học tập lẫn tu hành, Tăng sĩ muốn vào đây tòng học phải trải qua những cuộc thi vô cùng gay go, vì thế mà các tăng sĩ suốt từ Bắc chí Nam Ấn Độ đều ao ước được đến tòng học tại đây, như ngài Long Thọ (Nagarjuna) ở tận miền Nam Ấn xa xôi, cũng tìm lên đây học và đã trở thành một danh Tăng, một Bồ tát, một nhà triết học Phật giáo nổi tiếng thế giới. Theo chân ngài Long Thọ là các ngài Đề Bà (Arya Deva), Nguyệt Xứng (Chandrakirti), Sằn Đề Đề Bà (Shantideva), Vô trước (Asanga), Thế Thân (Vasubandhu), Trần Na (Dignaga), Pháp Hộ (Dharmapala), Giới Hiền (Shilabhadra), Pháp Xứng (Dharmakirti). Ngay cả những Tăng sĩ Trung Quốc cũng mong mỏi được đến đây tu học. Khu di tích Na Lan Đà hiện chỉ còn lại một khu đất rộng với những nền gạch, những phế tích của một thời hoàng kim của Phật giáo. Trong khu phế tích, rõ nét nhất là khu tháp thờ Ngài Xá Lợi Phất. Tại đây, Hòa Thượng đã hướng dẫn đoàn tụng kinh cầu an cũng như cầu nguyện để tưởng nhớ đến các vị Thánh đệ tử đã một thời lưu trú tại đây như các ngài Thế Thân, Vô Trước, Huyền Trang...
(Bia
tưởng niệm trong khu phế tích Na Lan Đà)
Chính tại nơi này ngài Huyền Trang đã thu thập kiến thức tam tạng kinh điển cũng như học thuyết của các trường phái thời bấy giờ và lưu lại cho chúng ta ngày hôm nay. Đại Đường Tây Vực Ký của ngài Huyền Trang là một chứng tích xác thực về tu viện Na Lan Đà trước khi nó bị quân Hồi giáo tàn phá vào thế kỷ thứ 12. Tuy nhiên, bắt đầu từ thế kỷ thứ 8 trở đi Na Lan Đà bắt đầu đi vào quên lãng, có lẽ vì hoàn cảnh chính trị xáo trộn tại Ấn Độ thời đó, phần khác vì sự trỗi dậy một cách mạnh mẽ của Ấn Độ giáo, rồi đến sự tàn phá của đạo quân Hồi giáo. Thế kỷ thứ 12 là một trang sử bi thảm nhất của Phật giáo khi máu của trên mười ngàn chư Tăng đã loang đổ khắp tu viện, và cũng kể từ đó Na Lan Đà đã đi vào quên lãng. Theo truyền thuyết thì cái chết của những vị tăng sĩ trong tu viện này rất bi thảm. Quân Hồi đã đưa ra hai điều kiện: một là chết, hai là chấp nhận cuốn kinh Koran. Nhưng hàng chục ngàn Tăng sĩ đã ngồi yên bất động, chấp nhận cho mình một cái chết rất bi tráng “tử vì đạo.” Không biết màu huyết dụ của những nền gạch có phải là màu gạch nguyên thủy hay là màu máu nhuộm trên gạch của các Thánh Tăng tử vì đạo pháp? Theo truyền thuyết Phật giáo, và cũng theo truyền thuyết của dân chúng tại địa phương phụ cận Na Lan Đà, khi quân đội Hồi giáo vào đánh phá nơi đây, họ đã chiếm toàn bộ kho lương thực, giết toàn bộ Tăng sĩ, rồi sau đó họ đốt toàn bộ “tàng kinh các” của trường đại học này, máu chảy thành suối, và tàng kinh các đã cháy trên ba tháng trời. Lửa đã soi sáng cả một vùng trời, cả ngày lẫn đêm. Nhìn những phế tích hoang tàn với những nền gạch đổ nát, lòng tôi bỗng chùng xuống khi chạnh lòng nghĩ đến một thời vàng son của Phật giáo trên xứ sở này.
Ngài Huyền Trang đã ghi lại trong Đại Đường Tây Vực Ký như sau: “Từ thành Vương Xá đi về phía Bắc độ 30 lý là Tăng già lam Na Lan Đà. Theo truyền thuyết thì về phía Nam của tu viện này là một cái hồ nước. Nơi đó có một con rồng tên Na Lan Đà. Người ta đã xây một ngôi chùa bên bờ hồ và lấy tên con rồng đặt cho tên của tự viện. Nhưng thật ra thời Đức Như Lai còn là một vị Bồ Tát, Ngài đã từng làm vua trong một quốc gia lớn, thủ đô của quốc gia ấy là Na Lan Đà. Chỗ này ngày xưa là một vườn xoài, mà 500 vị thương gia đã mua đến mười triệu tiền vàng để cúng lên Bồ Tát. Sau khi Bồ Tát nhập diệt, một vị vua thời xa xưa của nơi này tên là Sakraditya đã cho xây dựng một ngôi già lam. Tuy nhiên, sau khi khởi công, ông đã vô tình làm bị thương một con rắn chúa. Lúc đó một nhà tiên tri Ni Kiền tử đã tiên đoán rằng 1.000 năm sau đó, nơi này sẽ là một địa điểm phát triển cùng cực. Những hàng Tăng sinh tại đây sẽ thành đạt vẻ vang, tuy nhiên, vì lời thề của con rắn chúa mà máu của nhiều người sẽ đổ ra tại đây.” Theo ký sự của Ngài Huyền Trang thì Na Lan Đà đã có tầm quan trọng ngay từ trước và ngay sau thời Đức Phật. Tuy nhiên, sau khi Vương Xá không còn là thủ đô của xứ Ma Kiệt Đà nữa thì Na Lan Đà đã từ từ đi vào quên lãng. Rồi đến thế kỷ thứ 12 thì lời tiên tri ấy đã xảy ra y như những gì đã xảy ra cho tu viện Na Lan Đà về sau này. Theo truyền thuyết Phật giáo thì vào thế kỷ thứ ba trước Tây Lịch, khi chưa có ngôi trường đại học Na Lan Đà, vua A Dục đã về đây và cho xây dựng một ngôi chùa và ngôi đền thờ ngài Xá Lợi Phất. Nhưng cho đến ngày nay, chưa có chứng tích nào xác nhận tu viện Na Lan Đà có trước thời đại Gupta, tức là vào thế kỷ thứ 5 sau Tây Lịch. Nhưng trở về lịch sử Phật giáo thì ngài Long Thọ có liên hệ tới tu viện Na Lan Đà lại sanh ra vào thế kỷ thứ hai sau Tây Lịch, như vậy có lẽ vào thời của ngài Long Thọ, Na Lan Đà đã có nhưng chưa được xây dựng và phát triển một cách quy mô như về sau thế kỷ thứ 5. Lúc ngài Huyền Trang đến Na Lan Đà thì ngài Giới Hiền đang làm viện trưởng. Khi đó thì Na Lan Đà đã là một viện đại học lớn vào bậc nhất Ấn Độ thời đó. Vào thời Gupta, khoảng thế kỷ thứ 5 thì trọng tâm của Na Lan Đà là giáo lý Trung Quán của ngài Long Thọ, nhưng đến thế kỷ thứ 8 thì Na Lan Đà lại chú trọng về Mật giáo nhiều hơn vì vị viện trường thời đó là ngài Abhayakaragupta, cũng là viện trưởng của chùa Vikramashila. Đến thế kỷ thứ 11, Naropa, sơ tổ của trường phái Karmapa bên Tây Tạng cũng là viện trưởng tu viện Na Lan Đà. Nói tóm lại, trước thế kỷ thứ 12, Na Lan Đà gắn liền với sự hưng thịnh của Phật giáo, nên đến thế kỷ thứ 13, sự triệt tiêu Na Lan Đà của đạo quân Hồi giáo đã đồng thời đưa đến sự biến mất của Phật giáo trên xứ sở này, mà người cầm đầu cuộc tàn sát này chính là vị vua Hồi giáo ở vùng Trung Đông tên Mohammed Bakhtiyar Khilzi. Ngày nay, tuy đã hoang tàn đổ nát, nhưng phế tích Na Lan Đà trông thật bi tráng và hùng vĩ, vì nơi đây còn lưu lại nhiều nhất những nền tháp hay những nền gạch vụn trong một khu đất trên 14 mẫu tây này. Ôi! Còn đâu nữa thời hoàng kim của Phật giáo ngay trên cái nôi đã sản sanh ra nó! Hiện nay người ta xây dựng một vòng rào chắc chắn để bảo vệ cho khu phế tích quan trọng này. Bước vào bên trong, ngay giữa đường là một tấm bảng lớn, ghi rõ khu khảo cổ Na Lan Đà. Một con đường rải đá rất tươm tất, hai bên trồng những hàng cây xanh mát. Bên trong là những nền phế tháp, dù nay chỉ còn là một đống gạch vụn, nhưng vẫn còn phảng phất nét uy nghi đồ xộ một thời. Nền gạch của ngôi phế tháp cao nhất còn lại tại đây cao khoảng 20 mét.
Sau
khi thăm viếng phế tích Na Lan Đà, một số anh em trong đoàn
chúng tôi vội vã đi ra cổng và ghé tạt qua thăm trường
Đại Học Na Lan Đà mới, được xây dựng vào năm 1948, cách
khu phế tích Na Lan Đà không xa lắm. Trường Đại Học Na
Lan Đà phân cách với khu phế tích Na Lan Đà bởi hồ sen Indra.
Kỳ thật đây chỉ là một viện nghiên cứu ngữ học Pali
và Phật học cho các sinh viên từ khắp nơi trên thế giới.
Tuy trường không có quy mô lớn như tu viện Na Lan Đà cũ,
ngược lại nó chỉ được dựng lên cho có hình thức và
mang tên cũ của tu viện Na Lan Đà mà thôi, nhưng chính nơi
đây đã đào tạo ra một số danh Tăng Việt Nam thời cận
đại như các ngài Minh Châu, Huyền Vi, Thiện Châu, vân vân.
Những
Hình Ảnh Khác Tại Khu Tu Viện Na Lan Đà
(Đường
vào khu phế tích Na Lan Đà)
(Bên
trong khuôn viên phế tích Na Lan Đà)
(Ngôi
tháp lớn trong phế tích Na Lan Đà)
(Khu
tháp bị tàn phá trong Na Lan Đà)
(Những
nền tháp trong khu Na Lan Đà)
(Khu
Tịnh Xá Na Lan Đà)
(Phế
tháp lớn còn lại trong khu Na Lan Đà)
Nhà
Tưởng Niệm Ngài Huyền Trang
Trên đường trở về Bồ Đề Đạo Tràng, đoàn ghé lại thăm Nhà tưởng niệm Ngài Huyền Trang (Hsuan-Tsang’s Memorial House). Cách khu Na Lan Đà cũ khoảng một cây số, người Trung Hoa đã cho xây lên một ngôi đền để tưởng niệm ngài Huyền Trang, với một đại sảnh có kiến trúc theo kiểu Trung Hoa. Tuy nhiên, vì không ai chăm sóc, nên nơi đây cũng trở nên điêu tàn hoang vắng.
Nhà Ngục Giam Vua Bình Sa Vương
(Phế
tích ngục giam vua Bình Sa Vương)
Sau đó chúng tôi ghé lại thăm phế tích Nhà Ngục nơi A Xà Thế giam vua Bình Sa Vương (Bimbisara’s Jail in Rajgir). Hiện nơi này chỉ còn lại một nền cỏ và một vòng tường thấp bằng gạch mà thôi. Trong lịch sử Phật giáo, ai cũng biết Bình Sa Vương, sau khi quy-y với Đức Phật đã trở thành vị quân vương Phật tử gương mẫu. Dầu vậy, ông cũng không tránh khỏi nghiệp lực tiền khiên vã vay tạo trong quá khứ, nên về sau này ông đã bị chính con mình là A Xà Thế hạ ngục cho đến chết. A Xà Thế bị Đề Bà Đạt Đa xúi giục âm mưu sát hại vua cha để chiếm ngôi, nhưng âm mưu bại lộ, A Xà Thế bị bắt quả tang. Thế nhưng vì lòng độ lượng, thương con mà vua Bình Sa Vương đã không nỡ xử phạt con mình theo quân pháp. Chẳng những vậy, nhà vua còn nhường ngôi lại cho con, vì thấy con mình đang thèm khát ngai vị. Trớ trêu thay, chẳng những A Xà Thế không chút ăn năn hối cải, mà ngược lại, vì sợ vua cha có thể lấy lại ngôi báu nên A Xà Thế quyết định hạ ngục cha mình. Không ai được quyến lui tới thăm viếng, ngoại trừ hoàng thái hậu. Sau nhiều lần bắt gặp chính hoàng thái hậu là người đã tiếp tế lương thực cho vua cha, nên A Xà Thế cấm luôn, không cho mẹ mình vào thăm cha. Thế nhưng vua Bình Sa Vương vẫn an nhiên tự tại.
(Nền
ngục nơi A Xà Thế giam vua cha Bình Sa Vương trong
thành
Vương Xá—Bimbisara’s Jail in Rajgir)
Vì lo cho chiếc ngai vàng nên A Xà Thế không muốn thấy cha mình tồn tại, sau đó ông sai người đến ngục hạ sát chính cha ruột của mình. Ngày vua cha bị hạ sát cũng là ngày đứa con đầu lòng của A Xà Thế chào đời, và cũng chính ngày đó A Xà Thế được nghe hoàng mẫu kể cho nghe về lòng thương con của vua cha. A Xà Thế hối hận đích thân cấp tốc chạy đến nhà giam, mong người mà mình sai đi chưa kịp đến để giết cha, vừa đi miệng ông vừa kêu la thật lớn: “Hãy lập tức thả ra người cha yêu quý của trẫm!” Nhưng khi đến nơi, thì cha ông đã chết một cách thảm thiết. Từ đó về sau này, A Xà Thế hối hận cực độ và tìm đến quy-y với Đức Phật và Tăng đoàn. Ông cũng trở thành một quân vương Phật tử và hết lòng hộ trì Tam Bảo như cha mình thuở trước không sai khác. Tương truyền khi bị A Xà Thế giam giữ tại đây, vua Tần Bà Sa La thường đi qua lại bên cửa sổ nhà ngục, nhìn lên núi Linh Thứu, chiêm ngưỡng Đức Phật lúc Ngài đi kinh hành. Hiện tại nhà ngục nơi vua A Xà Thế giam vua cha Bình Sa Vương đã đổ nát hết, chỉ còn lại một vòng tường trên nền cỏ, xung quanh câ cối um tùm.
(Từ
ngục giam vua Bimbisara ngó qua núi Linh Thứu)
Ngoài ra, theo dân chúng trong vùng thì cách núi Linh Thứu chừng 2 cây số, trên đường trở về Bồ Đề Đạo Tràng, bên trái có một suối nước nóng, nước vẫn còn nóng, nhiệt độ khoảng 105 độ F. Tương truyền từ thời Đức Phật, suối này đã chữa bệnh được cho rất nhiều người, và chính Đức Phật cũng thường đến tắm tại đây.
Bên trên suối nước nóng là động Thất Diệp (Pippala), nằm về phía Tây Nam của Trúc Lâm Tịnh Xá, trên đỉnh Baibhara có một động đá, đó là động Thất Diệp. Có một hành lang nhân tạo và một bức tường được xây bằng những tảng đá chồng lên nhau, nhưng không có chất dính ô dước hay hồ. Theo lịch sử Phật giáo của cả hai trường phái Đại Thừa và Nguyên Thủy, thì động Thất Diệp chính là nơi ngài Ca Diếp triệu tập 500 vị A La Hán tới trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất, dưới sự bảo trợ của vua A Xà Thế. Về sau vua A Dục cho xây tháp và trụ đá để đánh dấu nơi này.
Gần bên động Thất Diệp là nền nhà cũ của ngài Đại Ca Diếp, nơi Đức Phật thường ghé lại thăm ngài. Tuy nhiên, vì thời gian quá eo hẹp nên đoàn chúng tôi không thể ghé lại thăm suối nước này và những nơi khác được.
Ao
Rắn Tại Bồ Đề Đạo Tràng
Tờ
mờ sáng ngày 3 tháng 12 năm 2005, Hòa Thượng hướng dẫn đoàn
đi thăm Ao Rắn. Theo truyền thuyết Phật giáo thì khi Đức
Phật ngồi thiền tại Bồ Đề Đạo Tràng đến cuối tuần
lễ thứ năm, bỗng trời nổi cơn mưa thật lớn và thật
lâu, ngay lúc ấy có một con rắn lớn từ trong rừng đến
nơi, phùng mang ra che mưa cho Ngài. Hiện nay dưới Ao Rắn người
ta nuôi thật nhiều cá và nước trong ao có mùi thật khó chịu.
Quanh Bồ Đề Đạo Tràng hãy còn nhiều di tích khác, tuy nhiên,
trung tâm điểm tại đây vẫn là ngôi Đại Bảo Tháp với
hàng ngàn Phật tử từ khắp nơi đến chiêm bái và tu tập
mỗi ngày. Đa phần người ta lễ bái theo kiểu “ngũ thể
đầu địa,” nghĩa là năm phần của thân thể là đầu,
hai cùi chỏ và hai đầu gối đều chạm đất khi lễ lạy.
Riêng những người Tây Tạng thì họ lạy theo kiểu nằm dài
sát đất. Ngày nay những hình tượng Phật và Bồ Tát quanh
Đại Tháp đều có những đường nét theo kiểu Tây Tạng
vì chúng được trùng tu sau này bởi những người Tây Tạng
đến tỵ nạn sau khi Trung Quốc xâm chiếm đất nước này
vào năm 1959. Trong các tượng thì tượng Quan Âm Như Ý, nằm
bên phải Đại Tháp, là được nhiều người chiêm bái và
lễ lạy nhất.
Ngôi
Làng Phật Giáo còn Sót Lại Tại Bồ Đề Đạo Tràng
Sau đó, Hòa Thượng và chư Tăng Ni sinh hướng dẫn đoàn chúng tôi đi thăm viếng và ủy lạo cho một ngôi làng Phật giáo gần khu chùa Việt Nam. Thật là hy hữu, trong một xứ toàn là Ấn giáo lại còn sót lại một ngôi làng Phật giáo. Tại đây chúng tôi được dân làng tiếp đón rất trọng thể. Được biết đã có nhiều đoàn hành hương trước đây ghé lại viếng thăm và ủy lạo cho ngôi làng Phật giáo này.
(HT
thăm viếng ngôi làng PG-Bodhgaya)
(Quang
cảnh đoàn đang viếng thăm một ngôi làng
Phật
giáo gần Bồ Đề Đạo Tràng)
(3/12/05
HT chứng minh lễ quy-y-Bodhgaya)
(Phật
tử mới quy-y tại Bodhgaya 3/12/05)
(Làng
Phật giáo nghèo nàn gần Bodhgaya)
(Những
nhà tương đối khá giả trong làng PG gần Bodhgaya)
(Đường
vào làng chỉ là đồng khô cỏ cháy mà thôi)
(Đời
sống dưới rặng Tuyết Sơn của những người thuộc giai
cấp
Thủ
đà la tại Ấn Độ)
(Sự
khác biệt giữa bốn giai cấp tại Ấn Độ là như thế ấy
Thủ
đà la sống trong những khu nhà đất tồi tàn bên cạnh
những
khu nhà sang trọng của giai cấp Kshatriya)
(Miền
quê Ấn Độ hãy còn rất nhiều khu phế tích
đang
khai quật bên cạnh nhà dân )
(Thăm
làng Phật giáo gần Bồ Đề Đạo Tràng)
(Khu
vực phụ cận Bodhgaya)
Viện Bảo Tàng Bodhgaya-Bodhgaya Museum
Trưa ngày 3 tháng 12 năm 2005, chúng tôi tự do thăm viếng khu lân cận của Bồ Đề Đạo Tràng. Một số anh em trong đoàn như anh chị Thiện Tài và Thiện Minh ở Canada thì viếng thăm 7 nơi mà Đức Phật đã trải qua trong bảy tuần lễ sau khi Ngài giác ngộ, còn tôi và một số anh em khác quyết định viếng thăm Viện Bảo Tàng Bồ Đề Đạo Tràng. Từ ngoài đường đi vào Đại Tháp, Viện Bảo Tàng nằm bên tay phải cùng một bên với ngôi chùa Thái Lan và ở về phía Tây Đại Tháp khoảng non 1 cây số. Tại đây có rất nhiều tượng Phật cổ đại cũng như rất nhiều loại pháp khí khác do các nhà khảo cổ khai quật từ những thế kỷ 17, 18, 19, và 20 quanh khu vực Bồ Đề Đạo Tràng. Nhìn những tượng mất đầu hay mất tay, mất chưn làm tôi liên tưởng đến chuyến viếng thăm đảo Pulau Bidong thuộc Mã Lai Á vào tháng 3 năm 2005, tại chùa Từ Bi trên đảo này, tượng Phật lớn nhỏ, trong ngoài đều bị chặt đứt đầu. Người hướng dẫn trong viện Bảo Tàng tại đây cho biết đa số những tượng Phật và Bồ Tát khai quật được trong vùng đều bị mất đầu hay mất tay chân, vì đó là vết tích của những cuộc chiến xâm lược và tàn phá của đạo quân Hồi Giáo vào những thế kỷ thứ 11, 12, và 13. Đa số niên đại nghệ thuật chạm trổ và điêu khắc trên các tượng này đều vào khoảng đầu Tây Lịch.
Viếng Bồ Đề Đạo Tràng Lần Sau Cùng
Sau khi viếng Làng Phật Giáo trở về, đoàn được tự do tu tập hoặc đi mua sắm quà lưu niệm tùy ý. Ngày hôm đó, chúng tôi rảo quanh khắp các sạp lớn nhỏ quanh vùng Bodhgaya, người mua chuỗi, kẻ mua tượng Phật hay các Phật cụ khác làm quà kỷ niệm cho người thân. Đêm hôm đó là đêm cuối cùng chúng tôi lưu lại Bodhgaya mà không thể ở lại trong Tháp vì sáng sớm ngày mai lúc 4:30 giờ sáng chúng tôi phải rời Bodhgaya để đi Tỳ Xá Ly. Một cảm giác lưu luyến lạ lùng khó tả lâng lâng trong mỗi chúng tôi. Chúng tôi qua tháp, rồi trở về khách sạn, rồi lại trở qua tháp... Chúng tôi cứ đi đi về về như vậy cho đến khi Đại Tháp đóng cửa mà một số anh em chúng tôi vẫn còn lưu luyến đứng bên ngoài nhìn vào những ánh đèn lung linh bên trong tháp với những lời kinh tiếng kệ trầm bổng làm cho lòng chúng tôi như se thắt một nỗi niềm khó tả.