Cây Bồ Đề A Nan Tại Vườn Kỳ Thọ
Hình Ảnh Xá Vệ Quốc
Thành Phố Varanasi
Sông Hằng
Hình Ảnh Tại Varanasi
Vườn Lộc Uyển
Đức Phật Và Năm Anh Em Kiều Trần Như
Khu Vườn Nai
Tháp Dhamekh
Nền Tịnh Xá Phật Trong Khu Lộc Uyển
Trụ Đá A Dục Tại Lộc Uyển
Tịnh Xá Mulagandhakuti
Viện Bảo Tàng Sarnatha
Hình Ảnh Lộc Uyển
Bảo Tàng Viện Varanasi
Taj Mahal – Agra
Hình Ảnh Họp Mặt Tăng Ni Sinh Tại New Delhi
Phần 6
Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên
Trong thành Vương Xá, kinh đô của xứ Ma Kiệt Đà có Trúc Lâm Tịnh Xá, được một vị quân vương Phật tử gương mẫu như Bình Sa Vương dâng cúng cho Đức Phật và Tăng đoàn, thì trong thành Xá Vệ, thuộc xứ Câu Tát La (Kosala), một vị đại thí chủ tại gia tên Tu Đạt cũng mang hết tiền hết của, hết công, hết sức ra dâng cúng cho Đức Phật và Tăng đoàn khu Tịnh Xá Kỳ Thọ Cấp Cô Độ Viên, mà lịch sử của tự nó đã nói lên hết tấm lòng của một người Phật tử gương mẫu.
Chính tại hai nơi này là hai nơi mà Đức Phật lưu lại lâu nhất trong các kỳ an cư kiết hạ. Và cũng chính tại hai nơi này, Đức Phật đã tuyên thuyết những bài kinh cực kỳ quan trọng trong giáo thuyết Phật giáo. Mặc dù đã bị thời gian tàn phá, khu tịnh xá Kỳ Viên vẫn còn là một nơi khá lý tưởng, khí hậu ôn hòa, không nóng, không lạnh lắm, không khí thoáng mát và tỉnh lặng. Khi chúng tôi đến nơi bình minh vừa ló dạng, những tia nắng đầu ngày hãy còn dễ chịu. Bước vào khu vườn lòng chúng tôi cảm thấy khoan khoái lạ thường, cảm tưởng như đâu đây Tăng đoàn và Đức Phật hãy còn đây. Tiếng gió xào xạc trên cành cây kẽ lá mà lòng tôi liên tưởng như mình đang được nghe tiếng pháp âm từ Phật hay chư Thánh Tăng của thuở xa xưa. Chúng tôi tự nghĩ, từng bước chân đi qua, từng tiếng gió xạc xào đều gởi trao cho chúng tôi một ý nghĩa cao siêu sâu sắc nào đó. Tiếng niệm Phật đều đều của cả đoàn càng khiến tôi liên tưởng là mình đang sống ngay trong thời của Đức Phật mấy ngàn năm về trước.
(Phế
tích đào được về Kỳ Viên Tịnh Xá
do
ngài Cấp Cô Độc dâng cúng lên Phật
và
chư Tăng trong thành Xá Vệ—Sravasti)
Theo
sự thuyết minh của sư cô Liên Phụng, thì vào năm thứ hai
sau khi Đức Phật thành đạo, trong khi Phật đang ngự tại
Trúc Lâm Tịnh Xá bên xứ Ma Kiệt Đà thì có một vị trưởng
giả Bà La Môn giàu có đến ra mắt Đức Thế Tôn. Đó là
ông Tu Đạt (Sudatta), một tín đồ Bà La Môn tốt bụng tại
thành Xá Vệ (Sravasti), thường hay giúp đỡ người nghèo,
nên được người đương thời gọi ông là “Cấp Cô Độc”
(Anathapindika), có nghĩa là người nuôi dưỡng trợ cấp những
kẻ cùng khổ. Hôm ấy ông có việc đến thành Vương Xá để
thăm một người anh rể, nhưng ông anh rể không ra tận cửa
trước đón ông như mọi khi. Đến khi ông vào nhà và đi ra
tận nhà sau thì thấy mọi người đang bận rộn chuẩn bị
một bữa tiệc. Hỏi ra mới biết là gia đình người anh rể
đang chuẩn bị đón tiếp Đức Phật vào ngày hôm sau. Vừa
nghe đến tiếng “Phật” là lòng ông cảm thấy một niềm
hoan hỷ lạ thường, nên từ đó ông cũng mong mỏi gặp được
Phật để thấy tận mắt xem sao, mà mới vừa nghe nói tới
là lòng đã thấy an lạc như vậy, tuy nhiên bên cạnh đó
là một nỗi nao nức muốn gặp mặt Phật càng sớm càng tốt.
Ông tự nghĩ dù sao thì ngày mai Phật cũng tới đây, rồi
mình sẽ gặp thôi chứ có việc gì mà phải nôn nao? Rồi
ông lên giường ngủ, nhưng không thể nào chợp mắt. Thế
rồi nửa khuya đêm ấy, ông một mình băng rừng đi đến
khu rừng Sitavana, nơi Đức Phật đang ngự. Khi ông tới rừng
Sitavana thì cũng nhằm lúc Đức Phật đang ra tọa thiền ngoài
trời, vì biết rằng ông sẽ tới. Đức Phật gọi ông bằng
tên tộc ‘Sudatta’ và bảo ông đến gần. Trưởng giả Tu
Đạt rất lấy làm hoan hỷ khi được diện kiến Đức Phật.
Và sau một thời pháp của Thế Tôn, ông đã xin quy-y Phật,
rồi sau đó cả nhà ông đều xin quy-y với Đức Thế Tôn.
Sau đó ông thỉnh Phật sang nước Xá Vệ hoằng hóa. Khi trở
về thành Xá Vệ, ông đã tìm mua một thửa đất thích hợp
cho Đức Phật và Tăng đoàn, nhưng tìm mãi chỉ thấy có khu
vườn thượng uyển của Thái Tử Kỳ Đà là thích hợp nhất
mà thôi. Theo truyền thuyết Phật giáo thì Thái tử Kỳ Đà
vì không muốn bán khu vườn của mình nên nói khích trưởng
giả Tu Đạt: “Nếu ông có khả năng xếp phủ đầy vàng
trên khu vườn thì nó sẽ thuộc về ông.” Tưởng rằng nói
như vậy sẽ khiến cho trưởng giả Tu Đạt thối chí, và
thấy Tu Đạt đang trầm ngâm suy nghĩ điều gì. Thái tử Kỳ
Đà cho rằng Tu Đạt đã thối chí nên nói lời an ủi: “Nói
vậy chứ đây là khu vường hượng uyển của phụ hoàng ta
ban cho, rộng rãi bao la thì vàng ở đâu mà lót cho đủ!”
Nào ngờ trưởng giả Tu Đạt bằng lòng mua ngay và hẹn ngày
mai sẽ đem vàng đến phủ đầy vườn. Thưa ngài, “Sở dĩ
lúc nãy tôi có phần suy nghĩ là vì không biết phải sử dụng
vàng ở kho nào cho vừa đủ lót khu vườn và những cây của
ngài trong khu vườn này mà thôi.” Bấy giờ Thái tử Kỳ
Đà muốn rút lời lại cũng không phải là dễ. Đúng hẹn
hôm sau trưởng giả Tu Đạt cho gia nhân chở vàng đến lót
đầy khu vườn thượng uyển của Thái Tử Kỳ Đà. Lúc ấy
trong lòng thái tử Kỳ Đà không muốn bán khu vườn này, nhưng
sau khi biết rõ tấm lòng của ngài Cấp Cô Độc, mua khu vườn
dùng để kiến tạo Tịnh Xá cho Phật và Tăng đoàn, chẳng
những ông đã bằng lòng bán đất, mà còn dâng cúng những
cây trong vườn để làm bóng mát tịnh xá cho Đức Phật và
Tăng đoàn, và hiệp sức với ông Cấp Cô Độc lo việc xây
dựng khu tịnh xá này. Chính vì thế mà khu vườn này có tên
là “Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên.” Sau đó trưởng giả Tu
Đạt kiến tạo và cúng dường ngôi tịnh xá Kỳ Viên lên
Đức Phật và Tăng đoàn làm nơi tịnh tu và thuyết giảng
cho dân chúng trong vùng. Khu vườn Kỳ Thọ ngày nay nằm trong
vùng Balrampur.
(Cây
Bồ Đề A Nan trong Khu Phế Tích Tịnh Xá Kỳ Viên)
Trong thời Đức Phật, Xá Vệ, mà ngày nay người ta gọi là Sahet Maheth, là một trong những kinh thành nổi tiếng trù phú, dân cư phồn thịnh, do vua Ba Tư Nặc trị vì. Vào năm thứ ba sau khi thành đạo, Đức Phật đã đến đây hóa độ cho vua Ba Tư Nặc và quần thần tại Xá Vệ Quốc. Và cũng chính nơi này Đức Phật đã trải qua 24 mùa an cư kiết hạ, và chính nơi này Đức Phật đã thuyết giảng những bộ kinh lớn như A Hàm, Kim Cang, vân vân. Ngày đó, khi Đức Phật về an cư tại đây thì Ngài thuyết pháp, khi Ngài đi hoằng hóa thì các vị đại đệ tử của Ngài thay nhau thuyết pháp cho dân chúng trong thành. Theo truyền thuyết Phật giáo thì khu vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc là khu tịnh xá yên tịnh và đẹp nhất thời bấy giờ. Chính vì vậy mà Đức Phật và Tăng đoàn đã trải qua 24 mùa an cư kiết hạ tại đây. Giờ đây khu tịnh xá chỉ còn trơ lại những nền tháp đổ nát, đây là nền hương thất của Đức Phật, còn kia là Tăng phòng, phòng tắm và giếng nước. Tất cả đã hoang tàn đổ nát, thời huy hoàng nào đó của Kỳ Viên Tịnh Xá chỉ còn lại trong tâm tưởng của những người con Phật về sau này mà thôi.
Hiện nay trong khu Tịnh Xá Kỳ Viên, gần cổng ra vào, chỉ còn lại cây Bồ Đề của ngài A Nan là còn nguyên vẹn, nhưng cây cũng đã quá già và chắc không còn sống được bao lâu nữa, vì thế mà người ta rào lại một cách cẩn thận. Thân cây tuy đồ sộ, nhưng nhìn toàn cảnh chúng ta thấy hình như cây toát ra một dáng vẻ thiêng liêng khó tả. Theo truyền thuyết Phật giáo, cây Bồ Đề ở đây chính là cây Bồ Đề mà Ngài A Nan đã cho chiết nhánh từ cây Bồ Đề mẹ ở Bodhgaya để chư Tăng Ni chiêm bái mỗi khi về đây đảnh lễ và tưởng nhớ Đức Phật những khi Ngài không có mặt tại nơi này. Sự tích của cây Bồ Đề trong Vườn Kỳ Viên này cũng bắt nguồn từ sự thỉnh cầu của ngài Cấp Cô Độc (Anathapandika), một đại thí chủ của Tăng đoàn và Đức Phật thời bấy giờ, người đã trải vàng đầy đất để mua cho bằng được khu vườn: “Bẩm Đại Đức A Nan, bấy lâu nay Đức Thế Tôn bận châu du hoằng hóa phương xa và chỉ về đây ẩn cư trong mùa mưa mà thôi. Các thiện nam tín nữ từ phương xa đến đây vấn an Đức Phật thường mua hoa quả cúng dường. Trong những lúc vắng Phật các vị ấy chỉ biết đặt hoa quả trước tịnh thất của Ngài rồi ra về. Xin Đại Đức bẩm Phật xem coi có nên lập tháp cho thiện nam tín nữ đến cúng dường khi Đức Phật đang châu du hoằng hóa phương xa hay không. Đức Phật không cho làm như vậy, nhưng Ngài nói nếu thiện tín muốn tưởng nhớ Phật khi không có Phật tại đây, thì cây Bồ Đề khi xưa đã che mưa chở nắng cho Phật chính là vật xứng đáng cho chư thiện tín lễ bái cúng dường, dầu Phật còn tại thế hay nhập diệt. Thật vậy, cây Bồ Đề, một loại cây bình thường trên xứ Ấn đã trở thành một biểu tượng quí báu của Phật giáo từ khi nó che mưa chở nắng cho Đức Phật trong cuộc thiền định chiến đấu với ma quân. Dù là loài cây vô tri vô giác, nhưng với công đức trợ giúp Đức Phật thành đạo, nó đã xứng đáng cho Ngài ngoái nhìn về trong suốt một tuần lễ không nháy mắt, thì quả tình nó xứng đáng được chư thiện nam tín nữ lễ bái cúng dường khi không có Đức Phật hiện diện. Sau khi nghe lời Đức Phật giảng giải về công đức của cây Bồ Đề, A Nan bèn bạch Phật: “Bẩm Đức Thế Tôn, ngay tại Kỳ Viện Tịnh Xá này, khi Ngài đi hoằng hóa phương xa, thiện nam tín nữ đến đây không biết nương vào đâu để lễ bái cúng dường, thì con phải làm sao?” Đức Phật biết A Nan đang nghĩ gì, nhưng Ngài vẫn hỏi: “Này A Nan, nếu vậy thì ông giải quyết thế nào?” A Nan bẩm Phật: “Bẩm Đức Thế Tôn! Xin Ngài hoan hỷ cho con đem hột Bồ Đề từ cây Bồ Đề nơi Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Thế Tôn đã thành đạo mang về đây trồng trước cửa tịnh xá.” Đức Phật đồng ý: “Được lắm A Nan! Hãy trồng cây Bồ Đề tại đây và hãy nói với chư thiện nam tín nữ là ta luôn hiện diện dưới cội Bồ Đề này.” Sau khi ngài Mục Kiền Liên đem hạt Bồ Đề về đến Kỳ Viên Tịnh Xá thì A Nan dâng nó lên vua Ba Tư Nặc để vị này ban cho ông Cấp Cô Độc gieo trồng nó trước cổng Tịnh Xá Kỳ Viên. Từ đó cây Bồ Đề này được đặt tên là Ananda. Mà thật vậy, cây Bồ Đề này từ thuở hồng hoang đến nay, cây Bồ Đề nguyên thủy đã nhiều lần bị ngoại giáo bách hại, tuy nhiên, lần nào nó cũng được cứu sống, hay trồng lại cây con của chính nó. Có lẽ cây Bồ Đề hiện tại là cháu chắt nhiều đời của cây Bồ Đề A Nan, nhưng chúng được gieo trồng ngay tại địa điểm nguyên thủy của nó. Và trải qua bao ngàn năm nay, đã là nhân chứng quan sát không biết bao nhiêu là khách hành hương qua lại. Chính nó đã từng nồng nàn tiếp đón đại đế A Dục năm xưa, rồi bây giờ, chúng tôi cũng được nó tiếp đón một cách nồng nàn không sai khác, bao nhiêu chiếc lá rơi là bấy nhiêu cảm xúc kính ngưỡng trào dâng trong lòng chúng tôi. Tiếng cành lá Bồ Đề chạm gió xạc xào làm tôi liên tưởng đến một thứ mật chú của Đức Phật và chư Thánh Tăng. Bồ Đề là một loại cây rất thông thường bên xứ Ấn Độ, vì nó mọc hầu như khắp nơi từ Bắc chí Nam ở Ấn Độ, nhưng dưới mắt chúng tôi, cây Bồ Đề ở đây không tầm thường như những cây Bồ Đề khác, ngược lại, nó mang một ý nghĩa thật cao quý và được hàng Phật tử chúng tôi nâng niu từ hàng ngàn năm qua, vì mỗi khi nhìn thấy nó, dù chỉ qua hình ảnh, là lòng chúng tôi đều tưởng nghĩ đến Ngài A Nan, một thị giả trung thành của Đức Phật, một con người có trí nhớ siêu phàm. Chính nhờ con người ấy mà bây giờ hàng hậu bối chúng tôi mới có được “Tạng Kinh” làm hành trang cho cuộc đời tu tập hướng thượng ngày nay. Theo lịch sử Phật giáo, ngài A Nan Đà, em con chú bác với Đức Phật. Ngài là con của Amitodana, hoàng đệ của vua Tịnh Phạn. Ngài cũng thuộc dòng dõi vương tôn công tử. Ngài đã được sanh ra và lớn lên trong cung vàng điện ngọc, cũng như người anh họ của mình là Thái Tử Tất Đạt Đa thuở trước, không có thứ gì ngài muốn mà không được thỏa mãn, thế nhưng ngài đã từ bỏ tất cả để sống đời cô thân vạn lý du như Đức Phật. Tấm gương xuất gia tu hành của ngài cũng rạng ngời như những vương tôn công tử trong dòng họ thời bấy giờ như Nan Đà, A Nậu Lâu Đà, vân vân. Hai năm sau khi Đức Phật thành đạo, A Nan Đà cùng với năm vương tôn công tử khác của dòng họ Thích Ca đã đến gặp Phật xin xuất gia. Và sau khi nghe thời pháp của ngài Phú Lâu Na, Đại Đức A Nan Đà đã chứng quả “Nhập Lưu”, một trong tứ Thánh quả. Mười tám năm sau ngày xuất gia, A Nan Đà được các vị đại đệ tử của Phật đề nghị cho đi theo làm thị giả cho Đức Phật vì ngài A Nan Đà có trí nhớ siêu phàm, có thể trùng tuyên lại những lời Phật dạy. Rồi từ đó mãi đến hai mươi lăm năm về sau này, nghĩa là cho đến Đức Phật nhập Niết Bàn, ngài A Nan Đà luôn theo từng bước chân Phật. Ngài luôn quan tâm chăm sóc cho sức khỏe của Phật. Ngài phục vụ Đức Phật không kể ngày đêm. Tuy nhiên, ngài A Nan chỉ chứng quả A La Hán sau khi Đức Phật nhập diệt, khi các Thánh đệ tử và Tăng đoàn khởi đầu cuộc kết tập kinh điển đầu tiên mà không ai cho ngài tham dự vì ngài chưa chứng quả A La Hán. Chính vì thế mà ngài quyết tâm thiền định và chứng quả ngay trong đêm ấy để được cho dự vào cuộc kết tập kinh điển, mà ngay từ đầu không thể thiếu ngài, vì nếu thiếu ngài thì không cách chi cuộc kết tập này có được “Tạng Kinh” mà chúng ta đang có ngày hôm nay. Chúng tôi quây quần quanh Hòa Thượng Thích Giác Nhiên để tụng một thời kinh cầu an dưới cội Bồ Đề A Nan. Sau đó, sư Minh Thành đã ôn lại, chính ngay chỗ này hình ảnh của Đức Phật và Tăng đoàn ngày xưa. Tăng chúng đã quây quần xung quanh Đức Phật để nghe Ngài thuyết giảng, cũng giống như chúng ta quây quần bên vị Pháp Chủ Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới hôm nay, cùng chiêm bái và đảnh lễ cội Bồ Đề, cùng ôn lại những lời Phật dạy qua lời thuyết pháp của Hòa Thượng, và cùng nguyện vâng giữ những lời Phật dạy như lúc Ngài còn tại thế. Sau đó cả đoàn cùng đi nhiễu vòng quanh cây Bồ Đề, tiếng niệm Phật phát ra âm vang đều đặn khiến lòng chúng tôi cảm thấy thanh thản lạ thường, và tôi lan man mường tượng tới không khí sinh hoạt của Tăng đoàn của Đức Phật ngày đó, chắc cũng với một niềm cảm xúc lâng lâng như chúng tôi bây giờ. Sau đó chúng tôi tiếp tục thăm viếng các nền phế tháp trong khu Kỳ Viên. Bên trong khu Tịnh Xá Kỳ Viên hãy còn khu phế tích của một ngôi chùa. Theo truyền thuyết Phật giáo thì đây là ngôi chùa thiêng liêng nhất, do chính ông Cấp Cô Độc xây dựng lên để làm nơi thường trú cho Đức Phật. Mặt tiền của nền chùa hãy còn hai bệ gạch xây trên con đường mà ngày trước Đức Phật thường dùng để đi kinh hành, gần đó có một pho tượng của một vị Bồ Tát, trên tượng có bia ký có niên đại khoảng thế kỷ thứ nhất sau Tây Lịch, nói rằng tượng này được dựng lên bởi ngài Bala dưới triều vua Kushan, tại chỗ Đức Phật thường đi kinh hành. Trong Đại Đường Tây Vực Ký, ngài Huyền Trang cũng có nhắc tới bức tượng của vị Bồ Tát này. Sau đó, chúng tôi đi qua khu tịnh xá lớn nhất trong Vườn Kỳ Viên, nằm về phía Tây, gồm có một nền tháp của điện thờ Phật, một cái giếng ở giữa sân, và một số trụ đá lớn, được dựng đi dựng lại nhiều lần trên nền cũ. Tại một khu tịnh thất trong tịnh xá này có đào lên được một miếng đồng có khắc những dòng chữ sau đây: “Thái tử Govindachandra xứ Kanauj, năm 1130 sau Tây Lịch, có để dành lợi tức của một vài chùa quanh thành Xá Vệ để cung cấp cho Tăng đoàn trong Tịnh Xá Kỳ Viên.” Nhờ miếng đồng này mà người ta tìm được vị trí đích xác của khu Kỳ Viên sau này.
Theo truyền thuyết Phật giáo thì chính vua Ba Tư Nặc, trị vì Xá Vệ Quốc, là người đầu tiên đã thỉnh cầu Đức Phật cho phép tạc tượng của Ngài để mỗi khi Ngài đi hoằng hóa phương xa, thiện nam tín nữ có nơi có chỗ đảnh lễ và nương tựa.
Còn nhiều truyền thuyết Phật giáo cũng như dân gian khác đã xảy ra tại thành Xá Vệ. Chính tại thành Xá Vệ, sau khi thất bại trong cuộc tranh luận với Đức Phật, ngoại đạo đã để tâm trả thù bằng cách mướn người giết một phụ nữ rồi vùi xác dưới một đống rác gần Kỳ Viên Tịnh Xá để vu oan cho Đức Phật. Nhưng nhờ oai lực của Phật mà về sau này, chính người được ngoại đạo thuê giết người đã khai thật với quan quân sở tại, càng làm lộ rõ bộ mặt sát nhân của ngoại đạo. Cũng tại thành xá Vệ, vì uy tín của Đức Phật ngày càng lên cao nên ngoại đạo đã tìm cách hãm hại Ngài bằng cách vu khống. Họ mướn nàng Cinca mỗi ngày đi đến Tịnh Xá Kỳ Viên như nhiều tín nữ khác đi chùa làm công quả vậy. Đến một hôm, nàng mang một cái bụng bầu đến giữa đám đông, la toáng lên rằng chính Đức Phật là tác giả của cái bầu này. Nàng hết lời chưởi rủa thậm tệ. Đức Phật cứ thản nhiên chịu đựng những lời chưởi rủa ấy. Tương truyền ngay lúc ấy vua trời Đế Thích không chịu đựng được nữa nên ông đã hóa ra làm một con chuột nhắt, chung vào bên trong lớp áo của nàng Cinca và cắn cho rớt xuống đất khúc gỗ độn trong bụng. Mọi người lấy làm tức giận xua đuổi nàng Cinca ra ngoài hoặc muốn hành hung nàng, nhưng Đức Phật không cho. Ngài dạy: “Lấy oán báo oán, oán thêm chất chồng, chứ không bao giờ đi đến hòa bình an lạc được. Sân hận không bao giờ dập tắt sân hận, chỉ có tâm từ mới diệt lòng sân hận mà thôi.” Sau đó nàng Cinca được cho ra về một cách an nhiên, nhưng theo truyền thuyết Phật giáo thì khi nàng vừa ra khỏi Tịnh Xá một đỗi là bị đất sụp mà chết. Tục truyền nơi nàng bị đất rút hiện nay là một cái ao sen. Đoàn chúng tôi được thầy Minh Thành chỉ cho xem ao sen bên ngoài tịnh xá Kỳ Viên.
Tại thành Xá Vệ, ngoài ông Cấp Cô Độc còn một nữ đại thí chủ khác tên là Tỳ Xá Khư (Visakha). Do có nhân duyên bà được gặp Đức Phật, nghe Ngài thuyết giảng và xin được quy-y Phật.
Sau đó chúng tôi tiếp tục thăm viếng những nền tháp trong Vườn Kỳ Thọ, đó là những phế tích của những ngôi tịnh thất của các vị Thánh Tăng trong tịnh xá Kỳ Viên. Chúng tôi đi qua từng nơi mà cảm thấy lòng mình như chùng xuống vì cảnh hoang tàn của toàn khu tịnh xá. Mới ngày nào đây Phật và Thánh chúng đã trải qua 24 mùa an cư kiết hạ tại đây, mà bây giờ, ôi vật đổi sao dời, tịnh xá xưa kia đâu không thấy mà chỉ còn trơ lại những nền đá vụn vỡ. Khi đã ra khỏi khu vườn Kỳ Viên mà những câu tự hỏi về số phận của khu Kỳ Viên cùng các Thánh tích Phật giáo khác. Tại sao số phận của Phật giáo trên đất nước này lại hẩm hiu đến như vậy? Tại sao một triết lý Phật giáo sáng ngời đã từng làm lu mờ hoàn toàn triết thuyết cứng nhắc bất công như triết thuyết Bà La Môn lại không được người ta hoan nghênh? Tại sao một tôn giáo có một thời, trải qua hàng chục thế kỷ được các vương triều Ấn Độ bảo trợ và phát triển lại bị mai một ngay trên cái nôi sanh ra nó? Rất nhiều câu tự hỏi được đặt ra trong đầu, nhưng không có lấy được một câu trả lời xác thực nào ngoài những suy nghĩ lan man về sự trả thù của Bà La Môn, một tôn giáo vừa khởi dậy sau mười mấy thế kỷ suy tàn, rồi sự tàn bạo về cả lý thuyết và thực tế của một tôn giáo vừa mới được thành lập ở vùng Trung Cận Đông. Chính tôn giáo ấy đã tàn phá toàn cõi xứ Ấn Độ, đã đốt phá tất cả chùa tháp và giết hại tất cả chư Tăng không gớm tay. Rồi sau đó là sự đô hộ của thực dân Anh với chủ trương phát triển Chính Thống Cơ Đốc giáo... Có lẽ bây giờ những hình ảnh chết chóc hãi hùng của chư Tăng tại Na Lan Đà vào thế kỷ thứ 12 vẫn còn in sâu trong đầu của người dân Ấn, nên dù có muốn làm Tăng họ cũng rất e dè. Mà thật vậy, ngày nay các chùa Phật giáo quanh các Thánh tích rất ít có chư Tăng người Ấn, mà đa số chỉ là chư Tăng đến từ các quốc gia khác như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Tây Tạng, Cao Miên, Lào, Trung Quốc và Việt Nam...
Cách tịnh xá Kỳ Viên chừng 2 cây số là tháp Vô Não (Angulamali), dù đã bị đổ nát, nhưng nền tháp hãy còn rất cao. Theo sự thuyết minh của sư cô Liên Phụng thì chàng Ương Quật Ma La trước kia tu theo tà giáo, vì nghe theo tà sư nên quyết chí chặt đủ 100 ngón tay để kết thành tràng hạt. Khi đã chặt được 99 ngón thì tiếng dữ đồn xa nên ai cũng tìm cách tránh chàng ta. Vì thế mà không thể nào chàng ta tìm đâu cho ra ngón tay thứ 100. Bữa nọ quyết định chặt ngón tay của mẹ cho đủ số 100, May mắn lúc ấy chàng gặp Đức Phật nên liền bỏ ý định chặt ngón tay của mẹ, mà quay sang quyết chí đuổi theo Đức Phật. Tuy Đức Phật đi từng bước khoan thai mà chàng vẫn không đuổi theo kịp, nên chàng quát: “Này ông Cồ Đàm, ông hãy dừng lại.” Đức Phật ôn tồn đáp: “Ta đã dừng lại từ lâu, tại ngươi chưa chịu dừng lại đó thôi.”Khi ấy chàng lấy làm thắc mắc hỏi nguyên cớ gì Đức Phật vẫn đi nhanh mà lại bảo là đã dừng. Đức Phật nhân đó thuyết một thời pháp làm chàng tỉnh ngộ, quỳ trước Phật, xin sám hối, và được Phật hóa độ.
Bên cạnh nền tháp Vô Não là nền tháp của ông Cấp Cô Độc (Anathapindika). Nền tháp này cũng bị tàn phá rất nhiều. Chúng tôi rời nền tháp của Ngài Cấp Cô Độc mà lòng vẫn còn lâng lâng niềm thương kính một vị đại thí chủ, đã hết lòng vì đạo pháp. Ngài đã đem hết những gì mình có ra cúng dường lên ngôi Tam Bảo đến độ trở nên nghèo nàn mà Ngài vẫn an nhiên tự tại. Quả là một tấm gương sáng ngời đáng cho hàng Phật tử tại gia chúng ta kính ngưỡng và noi theo.
(Bảng
tưởng niệm Ngài Cấp Cô Độc ngay trước nền tháp của
Ngài)
Xung
quanh tịnh xá Kỳ Viên có nhiều chùa Phật Giáo được các
quốc gia Á Châu như Trung Hoa, Tích Lan, Miến Điện và Thái
Lan xây dựng.
(Bình
minh tại Ba La Nại-Xá Vệ Quốc)
(Tháp
Cấp Cô Độc-Xá Vệ Quốc)
(Đường
lên nền tháp Cấp Cô Độc)
(Nền
tháp chàng Vô Não-Xá Vệ Quốc)
(Kỳ
Viên Tịnh Xá-Xá Vệ Quốc)
(Tượng
Phật lớn nhất tại Xá Vệ Quốc)
(Ga
xe lửa Vanarasi-Delhi)
2:00 giờ chiều ngày 7 tháng 12, đoàn lên đường đi Ba La Nại (Benaras), nay là thành phố Varanasi, nơi có chiều dài lịch sử trên mấy ngàn năm nay. Đây là một trong những thành phố được dân Ấn xem là thiêng liêng nhất trong lịch sử của họ, từ thời xa xưa và mãi cho đến ngày nay. Chẳng những thế, Varanasi còn là biểu hiện cho nền văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật, giáo dục và sinh hoạt xã hội của Ấn Độ trong mọi thời đại. Đây là một trong những thành phố cổ mà sống động vào bậc nhất của thế giới, lôi cuốn hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới cũng như ngay tại xứ Ấn Độ, và là nơi của thế giới tâm linh. Theo các nhà khảo cổ thì thành phố Ba La Nại được thành lập vào khoảng thế kỷ thứ 10 trước Tây Lịch, nhưng nét độc đáo của thành phố này là sự kết hợp hài hòa giữa quá khứ và hiện tại một cách liên tục. Ngày nay thành phố này nằm giữa hai thành phố Varuna và Assi nên có tên là “Varanasi”. Tuy nhiên người dân ở đây vẫn quen gọi là Ba La Nại (Banares). Thời xa xưa, Ba La Nại còn có tên là Kashi, nghĩa là một nơi sáng chói hay thành phố của ánh sáng. Thời Đức Phật còn tại thế, Ba La Nại là một trong những thành phố lớn nhất của Ấn Độ, là trung tâm điểm của giáo phái Bà La Môn, và cũng là nơi mà Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn, vì khi Đức Phật sắp nhập diệt thì Ba La Nại là một trong 6 thành phố mà ngài A Nan đã thỉnh cầu Phật đến. Theo Đại Đường Tây Vực Ký, vào thế kỷ thứ 7 ngài Huyền Trang cũng đã ghi lại một số nét về Ba La Nại như sau: “Ba La Nại tọa lạc về hướng Tây bờ sông Hằng Hà, rộng khoảng 4.000 lý, dân chúng sống rất đông đúc ở vùng này, rất nhiều gia đình giàu có và nơi họ ở thường có nhiều bảo vật quý giá. Người dân tại vùng này rất nhân ái, thanh nhã và hiếu học. Đa số họ là người không có tín ngưỡng, tuy nhiên, họ cũng rất tôn kính giáo pháp của Đức Phật. Thời tiết ở đây dễ chịu, mùa màng phong nhiêu, cây cỏ xum xuê và rừng rậm có ở khắp nơi. Lúc này Lộc Uyển có khoảng 30 tự viện và trên 3000 Tăng sĩ theo truyền thống Chánh Lượng Bộ (Samatiya). Trong khi đó cũng có cả trăm ngôi đền Ấn giáo và khoảng 10.000 ngoại đạo. Họ tu tập khổ hạnh như để tóc dài, lõa thể, và trét đầy tro trên người. Trong thời gian này, Lộc Uyển là trung tâm của Chánh Lượng Bộ, một trong 18 tông phái Phật giáo đương thời. Phía Đông Bắc của thành phố, bờ Tây của dòng sông Varana có một ngôi tháp cao trên 30 mét do vua A Dục xây dựng với một trụ đá trước mặt. Cách dòng sông Varana chừng 10 lý có một tự viện lớn với 8 dãy phòng nối nhau, có những bức tường lớn bao quanh. Những tháp lớn đều có lan can với cách kiến trúc rất tinh xảo. Gần đó có một tịnh xá cao khoảng 60 mét, chính giữa có một tượng Phật trong tư thế đang chuyển Pháp Luân. Phía Tây Nam tịnh xá có một tháp do vua A Dục xây. Mặc dù tháp đã bị hư hại, nhưng nền tháp vẫn còn cao khoảng 30 mét. Trước tháp lại có một trụ đá khác cao khoảng 15 mét, mà theo truyền thuyết thì đây chính là nơi Đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên. Không xa nơi này là một nền tháp đánh dấu nơi ở của năm người bạn đồng tu với Đức Phật.” Trong các ký sự ghi lại về những di tích Phật giáo thì Ngài Huyền Trang ghi lại đầy đủ nhất. Chẳng những ngài ghi lại hiện trạng của Thánh tích, mà ngài còn ghi cả về phong tục, tập quán, văn hóa, tinh thần và ngay cả phong thổ thời tiết.
Chúng tôi đến Ba La Nại vào lúc nửa đêm và đoàn nghỉ đêm tại khách sạn Sarnath, thuộc thành phố Varanasi, bang Uttar Pradesh. Vanarasi là một trong những thành phố lớn thuộc bang Uttar Pradesh, Bắc Ấn. Nơi nổi tiếng về lụa Kasi và sông Hằng Hà thiêng liêng đối với những người theo Ấn giáo.
(Quang
cảnh từng đoàn người ùn ùn xuống tắm giặt
bên
bờ Tây sông Hằng Hà)
4:30 giờ sáng ngày 8 tháng 12, đoàn đi sông Hằng (Ganges River) xem mặt trời mọc. Sông Hằng cũng như nhiều con sông lớn khác ở Á Châu, phát nguyên từ dãy Hy Mã Lạp Sơn, thuộc cao nguyên Tây Tạng. Nó là một trong hai nguồn nước chính nuôi sống người dân Ấn trong vùng Đông Bắc và vùng vịnh Bengal. Ngay vào thời Đức Phật còn tại thế, sông Hằng phải quan trọng và có một vị thế lớn trong tâm linh của người dân Ấn vì trong các kinh điển, Đức Phật hay đem cát sông Hằng ra để ví với thứ gì vô lượng vô biên, hoặc con số không thể đếm được. Sông Hằng bắt nguồn từ những khe suối phủ đầy tuyết trắng trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, chảy qua Tây Tạng rồi vào Ấn Độ, dài trên 5.575 cây số. Sông Hằng chẳng những là nguồn nước chính cho dân Ấn, nó còn mang tính thiêng liêng, đặc biệt là khúc sông có khu đền “Ghat”, người dân Ấn tôn sùng và kính ngưỡng như là nơi linh thiêng bậc nhất.
(Đoàn
hành hương xuống ghe ra sông Hằng vào lúc
4:30
giờ sáng trong khi bầu trời tại đây vẫn còn tối đen như
mực)
Thành phố Varanasi vào buổi rạng sáng, trời hãy còn tối đen như mực, thế mà các con hẻm dẫn xuống bến sông Hằng đã chật nít người. Từng đoàn cả ngàn hay cả chục ngàn người kéo nhau đi về hướng bờ sông. Khắp thành phố có một mùi thật khó ngửi vì nó được kết hợp bởi nhiều hợp chất không tìm được ở bất cứ nơi nào khác trên địa cầu này: mùi cống rãnh, mùi hơi người, mùi quần áo lâu ngày không giặt, mùi rác, hòa quyện với những thứ thải ra từ những con bò ‘thiêng’ tự do đi lại khắp nơi trong phố. Trời hãy còn tối đen, đường đi đã khó, nhưng lòng tôi không thể không chạnh nhớ đến những lời Phật dạy về những giáo phái ngoại đạo kỳ quặc. Bây giờ họ vẫn còn y nguyên đây không sai khác, mà có phần còn nhiều hơn nữa là khác. Trời cuối thu vào Đông trên sông Hằng thoáng gió lạnh từ dãy Hy Mã Lạp Sơn thổi xuống. Tiết trời đã lạnh lại thêm gió lạnh khiến cho mọi người cảm thấy lạnh hơn dù đã mặc nhiều lớp áo. Khi chúng tôi ra đến bờ sông trời vẫn chưa sáng.
Hai chiếc ghe đưa cả đoàn chúng tôi thả trôi chầm chậm dọc theo bờ sông trước khi ra giữa dòng. Bờ phía Bắc là những ngôi nhà cổ kính theo lối kiến trúc Ấn giáo. Thấp thoáng từ xa là một ánh lửa, theo lời sư Minh Thành đó là chỗ thiêu người chết. Ôi! Thân tứ đại vô thường, mới đó còn danh còn lợi, rồi bất động, rồi tan thành tro bụi được vung rải ngày trên sông Hằng. Loáng thoáng quanh be ghe là những xác thú chết trôi, chó có, heo có, gà có... Đằng sau chúng tôi là một chiếc xuồng kéo xác một con bò thật to, ra đến giữa dòng, chiếc dây được tháo ra cho xác tự do trôi bập bềnh trên sông. Quang cảnh buổi sáng mai trên sông Hằng thật bận rộn. Những chiếc xuồng rao bán đồ kỷ niệm cứ cập sát hai chiếc ghe của chúng tôi. Họ rao bán đủ thứ, nào chuỗi, nào tượng Phật, nào postcards, nào những chiếc bình đựng nước sông Hằng...
Trên bờ Tây sông Hằng từng toán, từng toán người đổ xô xuống bờ sông tắm giặt. Những toán rước lễ có nhạc và kèn theo nghi thức Ấn Độ giáo tạo ra một âm thanh rộn ràng náo nhiệt. Trong khi bờ Đông sông Hằng vẫn còn yên ngủ và mặt trời vẫn chưa lên. Khi hai chiếc ghe ra tới giữa dòng thì ghe bên kia có anh Thiện Tài nhảy xuống tắm sông Hằng. Vì tiết trời quá lạnh nên tôi hơi lo cho sức khỏe của anh, nhưng khi nhúng tay xuống dòng nước tôi mới phát giác ra nước sông Hằng ấm và dễ chịu vô cùng.
(Cảnh
bình minh trên sông Hằng Hà)
Theo kinh điển Vệ Đà, nó là dòng sông linh thiêng của Ấn Độ Giáo, vì họ cho rằng nước sông Hằng phát nguồn từ Hy Mã Lạp Sơn huyền bí, là trung tâm của địa cầu, nên những ai có duyên mai được tắm trên dòng sông này thì cả thân lẫn tâm đều được thanh sạch. Chính vì vậy mà người dân theo Ấn giáo rất tin tưởng nơi sự thiêng liêng của sông Hằng. Và họ tin rằng những ai được tắm trong dòng nước này thì được rửa sạch hết mọi tội lỗi và có thể tái sanh lên cõi trời. Trời chưa sáng hẳn mà hàng hàng lớp lớp người kéo nhau xuống tắm giặt trên sông, tạo nên một cảnh tượng náo nhiệt lạ thường vào buổi bình minh trên một khúc sông này: họ tắm, họ giặt, thậm chí họ uống từng ngụm nước một cách ngon lành. Ngay từ thời Đức Phật còn tại thế Ngài đã chu du hoằng hóa nhằm đánh đổ niềm tin mù quáng này bằng chánh tín Phật giáo. Xa xa đằng kia gần khu đền “Ghat” chập chùng ánh lửa hỏa táng một thân xác nào đó bên bờ sông. Khi ghe chúng tôi đến gần thì tôi mới nhận ra, đó là một bãi đất trống, người ta mang xác người chết trên một chiếc cáng làm bằng hai khúc cây rất đơn sơ. Không biết vì tâm linh họ đã tiến bộ đến mức thượng thừa hay vì dân số của họ quá đông (gần một tỷ ba trăm triệu) mà người Ấn xem cái chết của một con người rất ư là bình thường, bình thường đến độ bạc bẽo vô tình. Bầu trời sông Hằng lúc này hãy còn tối nên chúng tôi thắp những ngọn nến thả trôi trên dòng nước trong khi ấy sư Minh Thành cùng đoàn khởi niệm hồng danh Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Khi các ngọn nến đã trôi xa thì sư Minh Thành bắt đầu giới thiệu sơ lược về con sông thiêng liêng này. Bình minh bắt đầu ló dạng bên bờ Đông, lộ rõ một dãy cát thật rộng khiến tôi liên tưởng đến những bài kinh trong đó Đức Phật thường đem số cát sông Hằng ví với số nhiều không diễn tả được. Lúc này trời đã khá sáng tỏ, những ghe bán hàng ngày càng tấp vào ghe chúng tôi nhiều hơn. Tôi để ý thấy một tấm postcard hết sức đặc biệt: những người lõa thể đang đứng hoặc ngồi trên một chiếc thuyền. Người bán chỉ cho tôi chỗ người ta chụp hình các du sĩ lõa thể ngay tại vị trí của chiếc ghe của chúng tôi đây, nhưng hôm nay trời hãy còn quá sớm nên những đạo sĩ này chưa xuất hiện tại đây. Tiếc thật!!!
Buổi bình minh trên sông Hằng đẹp tuyệt. Bây giờ tôi mới hiểu lý do tại sao những đoàn hành hương trước đều đến đây xem sông Hằng vào buổi bình minh. Chúng tôi chụp một số hình lưu niệm trên sông trước khi lên đường trở về khách sạn dùng bữa sáng.
(Lõa
thể khổ hạnh trên sông Hằng Hà)
(Đoàn
chuẩn bị xong xuôi cho cuộc du hành trên sông Hằng)
(Ghe
buôn bán theo đoàn hành hương)
(Đã gần 6 giờ sáng mà mặt trời vẫn còn yên ngủ trên sông Hằng)
(Ghe
buôn bán luôn cặp sát ghe của đoàn
Anh
thanh niên người Ấn này đang rao bán cá phóng sanh)
(Khoảng
6:15 mặt trời mới bắt đầu ló dạng trên sông Hằng)
(Cảnh
tắm giặt buổi sáng sớm trên sông Hằng)
(Khu
phế tháp trong Vườn Lộc Uyển)
Sau đó viếng khu vườn Lộc Uyển (Sarnath), khu Lộc Uyển, thuộc thành phố Varanasi, bang Uttar Pradesh, về phía Tây Nam của thủ đô Tân Đề Li, cách Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) khoảng 200 cây số, cách thành phố Ba La Nại khoảng 12 cây số. Sở dĩ nơi này có tên là Lộc Uyển vì xưa kia nơi này có nhiều đàn nai sinh sống tự do và an ổn dưới sự bảo vệ của vua xứ Ba La Nại. Lộc Uyển theo tiếng Phạn là Mrigadaya hay Mrgadava, đây là tên xưa kia của Sarnatha bây giờ, có nghĩa là Vườn Nai. Còn tên Sarnatha hiện nay, theo các nhà ngữ học, có lẽ nó xuất xứ từ một từ kép của tiếng Sanskrit cổ là “Saranganatha,” có nghĩa là nai chúa hay lộc vương. Theo thời gian tiến hóa của ngôn ngữ, từ này được giản lược thành “Sarnatha” mà người ta đang dùng trong ngôn ngữ Prakrta hiện nay tại Ấn Độ. Đây là một khu đất rộng với nhiều sân cỏ và những nền phế tháp rải rác khắp nơi. Hôm chúng tôi đến thăm khu Lộc Uyển có rất nhiều đoàn hành hương cũng đến thăm nơi này. Ngày trước, khu vườn Lộc Uyển cách xa thành phố, lại nằm trong một vùng hoang sơ, với những ngọn núi cheo leo hiểm trở, nên rất ít người qua lại, chỉ có các du sĩ Phật giáo và các tôn giáo khác tìm đến tu tập mà thôi. Tuy nhiên, đối với Phật giáo, Lộc Uyển trở thành Thánh địa kể từ ngày Đức Thế Tôn cất tiếng “sư tử hống” khởi chuyển Pháp Luân tại khu vườn này. Tuy nhiên, theo truyền thuyết Phật giáo thì Lộc Uyển không chỉ là nơi Đức Thích Ca Mâu Ni thị hiện chuyển bánh xe Pháp thời đó, mà cả ngàn chư Phật trong hiền kiếp cũng đã và sẽ chuyển bánh xe pháp tại đây. Ngoài ra, Lộc Uyển còn có tên là “Chư Thiên Đọa Xứ” (Rishipatana) vì đây là nơi có nhiều chuyện liên quan đến những vị độc giác Phật. Khi ngài Huyền Trang đến đây vào khoảng những năm 629, ngài còn trông thấy ngôi tháp lớn, nơi đánh dấu 500 vị độc giác Phật nhập diệt. Sau khi Đức Phật nhập diệt, dù sinh hoạt Phật giáo không còn nhộn nhịp như thời Đức Phật còn tại thế, hãy còn rất nhiều trung tâm tu học. Sarnatha đã trải qua nhiều thăng trầm với các triều đại vương triều thời cổ đại tại Ấn Độ. Vào thế kỷ thứ ba trước Tây Lịch, vua A Dục của triều đại Khổng Tước (Maurya) cũng đã thân hành đến đây chiêm bái và đảnh lễ nơi Đức Phật chuyển Pháp Luân, và ngài đã cho xây dựng một số tháp thờ Phật, cũng như một số trụ đá ghi lại chứng tích Đức Phật đã chuyển Pháp Luân tại đây. Tuy nhiên, ngoài những cổ vật của vua A Dục ra, người ta không tìm ra được tại Sarnatha cổ vật của các vị vua khác dưới triều Khổng Tước. Năm 184, sau khi triều đại Khổng Tước (Maurya) bị sụp đổ, triều đại Sunga hưng khởi. Đây là triều đại của các vị vua theo Ấn giáo, tuy không đánh phá Phật giáo một cách quyết liệt, nhưng họ cũng không thiết tha gì đến sự tồn vong của Phật giáo, nên họ chỉ cho xây dựng tại Sarnatha những đền đài dùng trong việc tế tự theo nghi thức Ấn giáo, và xem đây là những đối tác với các chùa tháp Phật giáo còn lại tại vùng Sarnatha. Về sau vào thế kỷ thứ nhất trước Tây Lịch, Kushan thuộc bộ tộc Nguyệt Chi (Yuehchi) đã đánh chiếm vùng Bắc Ấn và lập lên triều đại Kushans mà lãnh thổ mở rộng từ khắp vùng Bắc Ấn, đến Kabul, Ganghar và Punjab. Vị vua đầu của triều đại Kushans là Kaphise I là một người sùng đạo thờ thần Siva, nên không có hoạt động nào liên hệ tới Sarnatha, nhưng đến đời vua Ca Nị Sắc Ca (Kanishka) thì có một sự thay đổi lớn tại Sarnatha. Ban đầu vua Ca Nị Sắc Ca cũng thờ thần lửa, nhưng về sau này vua Ca Nị Sắc Ca cảm thấy mến phục đạo Phật nên ông đã vận dụng hết khả năng của mình nhằm chấn hưng tôn giáo này tại đây. Ngài cho trùng tu lại những tu viện cũ và xây cất thêm một số tu viện mới tại vườn Lộc Uyển. Tuy nhiên, theo bức tượng Bồ Tát (được đúc năm thứ ba dưới triều Ca Nị Sắc Ca) khai quật được có niên đại của thời ngài, chứng tỏ ngài là vị quân vương ủng hộ Phật giáo Đại Thừa rất mạnh mẻ. Theo chứng cứ thì pho tượng có đường nét chạm trổ và nghệ thuật Mathura. Hơn nữa, theo một tấm bia ký đào được ở Sarnatha do tỳ kheo Bala khắc vào thời đại Ca Nị Sắc Ca cũng ghi lại rõ ràng: “Thành Ba La Nại nằm dưới sự thống trị của Đại Vương Ca Nị Sắc Ca và do một phó vương dưới quyền của ngài. Có thể nói hầu hết các đại vương đều có doanh trại ở Mathura. Tỳ kheo Bala và Pusyabuddhi thuộc gia đình hoàng gia. Họ đã hành hương chiêm bái những Thánh tích Phật giáo và cúng dường tượng ở những nơi mà họ đến chiêm bái.” Sau khi triều đại Kushans sụp đổ, triều đại Gupta lên thay vào thế kỷ thứ tư sau Tây Lịch. Tuy trải qua các vị vua Chandra Gupta, Samudra Gupta, Chandra Gupta Isipatana, Kumara Gupta, Skanda Gupta và các vị vua khác dưới triều đại này đều theo Ấn giáo, nhưng họ không hề thù địch và tàn phá Phật giáo. Những bia ký khai quật được đã chứng tỏ các vị vua triều Gupta thường hay ban hành các chỉ dụ bảo vệ cộng đồng Phật giáo. Ngoài ra, các vị vua dưới triều Gupta còn trợ cấp bảo trì các ngôi chùa Phật giáo tại đây. Dưới thời Gupta, một loại mỹ thuật mới về điêu khắc xuất hiện và cũng chính dưới triều đại này, mỹ thuật điêu khắc đạt đến đỉnh cao hoàng kim của nó. Tại ngôi tháp Jagatsingh, từ các chữ khắc trên bia ký đã cho thấy rằng phái Nhất Thiết Hữu Bộ, một trong mười tám bộ phái tiểu thừa thời đó, có ảnh hưởng rất lớn ở vùng Sarnatha vào trước thế kỷ thứ tư. Khi sự hưng thịnh của bộ phái này chấm dứt vào thế kỷ thứ tư thì phái Chánh Lượng Bộ (Sammitiya) trở thành nổi tiếng. Cứ thế mà tuần tự các bộ phái đã cố gắng duy trì sự hấp hối của Phật giáo tại Sarnatha dưới các triều vua theo Ấn giáo cho đến thế kỷ thứ bảy.
Vào thế kỷ thứ năm, khi du hành sang Ấn Độ, ngài Pháp Hiển có ghi lại rằng, vào thời gian ngài đến Vườn Lộc Uyển, có hai ngôi tự viện với nhiều Tăng sĩ tu học và bốn tháp lớn. Đến thế kỷ thứ 7 (khoảng năm 629), ngài Huyền Trang có ghi lại trong Đại Đường Tây Vực Ký như sau: “Tại đây có khoảng 30 ngôi tự viện với trên 3.000 Tăng sĩ theo truyền thống Chánh Lượng Bộ (Samatiya). Bên cạnh những Tăng sĩ Phật giáo cũng có khoảng 10.000 du sĩ Ấn giáo đang tu tập khổ hạnh quanh vùng. Họ cắt tóc hoặc buộc tóc dài, thân không mặc quần áo, mình mẩy trét đầy tro. Thường thì họ tu tập trong các ngôi đền của Ấn giáo. Phía Đông Bắc thành phố, về hướng Tây của dòng sông Varana, có một ngôi tháp cao khoảng 3 mét, do vua A Dục xây lên với một trụ đá phía trước. Trên mặt trụ đá lấp lánh và sáng láng như gương. Tương truyền nhiều người đã trông thấy hình Phật trên trụ đá này.”
Trong phần phụ đính về tu viện Sangharama, ngài Huyền Trang đã ghi lại trong Đại Đường Tây Vực Ký như sau: “Tại Chư thiên đọa xứ có mười lăm ngàn Tăng sĩ đang tu học theo Phật giáo Tiểu Thừa. Tại đây cũng có một tu viện cao gần 70 mét, được xây dựng kiên cố, mái chùa được lợp bằng vàng hình lá xoài. Chính giữa tu viện là một tượng Phật Chuyển Pháp Luân to bằng người thật. Phía Tây Nam có một ngôi tháp bằng đá do vua A Dục xây. Phía trước tu viện là một trụ đá đánh dấu nơi Đức Phật thuyết Pháp lần đầu tiên. Gần đó có một tháp khác, được xây để kỷ niệm năm vị ẩn sĩ hành thiền trước lúc Đức Phật tới đây, và một tháp khác ghi dấu 500 vị Phật Bích Chi nhập Niết Bàn. Kế đó là một cái tháp kỷ niệm nơi Đức Phật Thích Ca thọ ký cho Ngài Di Lặc sẽ trở thành Phật trong tương lai.” Tuy nhiên, những điều mà ngài Huyền Trang đã ghi lại đều đã bị tàn phá và vùi lấp trong lòng đất vào những thế kỷ sau đó. Đến thế kỷ thứ 12 thì thế lực quân Hồi giáo hiếu chiến rất mạnh. Họ kéo đến xâm lăng Ấn Độ nhiều lần. Theo lịch sử Ấn Độ thì vào năm 1193, sau khi đánh bại vua Jayachandra, vua Hồi giáo Mahommada tuyên bố chấm dứt chế độ Ấn giáo tại đây và khởi đầu một vương triều Hồi giáo trên toàn lãnh thổ vùng Bắc Ấn Độ. Ngay từ những ngày đầu, Mahommada đã cho đập phá tan tành trên 1.000 chùa tháp, cả Ấn giáo lẫn Phật giáo, để xây tại chỗ đã đập phá những ngôi đền Hồi giáo. Kể từ đó đến nay, những ngôi tháp và tự viện Phật giáo bị chìm hẳn vảo quên lãng, trong khi các đền tháp Ấn giáo được phục hồi vào những thế kỷ sau này khi Ấn giáo bắt đầu phục hoạt trở lại. Hơn thế nữa, ngay sau khi đạo quân Hồi giáo bị đánh bật ra khỏi Ấn Độ, có nhiều nguyên nhân khác khiến Phật giáo bị khai tử tại chính nơi đã khai sanh ra nó. Khi ấy những người đánh đuổi được quân Hồi giáo lại là những người chủ trương phục hoạt Ấn Độ giáo trên toàn cõi Ấn Độ, nên giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử Phật giáo tại Ấn Độ từ thế kỷ thứ 12 đến thế kỷ thứ 18 tưởng đã qua đi, nhưng chưa hết, sau sự tàn phá cực kỳ dã man tàn bạo của đạo quân Hồi giáo đến từ vùng Trung Đông, sau sự khởi dậy của Ấn Độ giáo ở khắp nơi trên xứ Ấn. Đây là thời kỳ mà Kumarila và Sankara đang phát triển và đánh thốc một cú chí tử cuối cùng vào Phật giáo. Họ không chỉ đánh Phật giáo bằng vũ lực, hay bằng những bài giảng khơi dậy lòng tham của những giai cấp có thế lực thời bấy giờ như giai cấp Bà La Môn và Kshatriya (giai cấp cầm quyền), để làm sống lại Ấn giáo, họ đã cho xây lại rất nhiều ngôi đền Ấn giáo ngay trên nền cũ của các ngôi đền Hồi giáo, tức là nền cũ của những chùa viện Phật giáo mà các ông vua Hồi đã đập phá trước đây. Thêm vào đó là lòng tham danh tham lợi của con người tiếp tục tàn phá. Ôi thảm thương quá cho số phận của những khu phế tích Phật giáo! Năm 1794, một vị quan giàu có tại vùng Varanasi tên Shri Jagat Singh, đã bỏ tiền ra mướn người đến đào xới khu di tích Sarnatha, phá hủy tháp Dharmarajika, rồi lấy toàn bộ gạch đá trong vùng đem về xây dinh thự cho riêng mình và đặt tên cho dinh thự này là “Jagatganji,” nhưng về sau này để cho dễ nhớ, ban quản lý khoa khảo cổ học Ấn Độ đã gọi tháp này là là tháp “Jagat Singh.” Đến năm 1798, chính quyền Ấn Độ công bố khu Sarnatha là khu di tích quốc gia và cấm ngặt mọi sự đào xới bừa bãi của tư nhân. Sau đó những nhà khảo cổ chân chính tiếp tục đào xới để tìm thêm chứng liệu cho một giai đoạn cực kỳ quan trọng của Phật giáo tại vùng này. Năm 1815 đại tá C. Mackenzee phụ trách khai quật toàn bộ khu Sarnatha, rồi năm 1835, ông Alexander Cunningham tiếp nối công trình. Trong thời gian này, đoàn khảo cổ của ông Cunningham đã khai quật được một tu viện cùng nhiều hình tượng và cổ vật khác. Tại đây ông Cunningham đã tìm thấy một kho chôn cất tượng và cổ vật quý ở Sarnatha, điều này cho thấy có lẽ Sarnatha đã bị quân Hung Nô (Mông Cổ) tàn phá trong cuộc viễn chinh đến vùng Bắc Ấn vào thế kỷ thứ năm. Do cuộc xâm lăng của Hung Nô mà triều đại Gupta bị sụp đổ. Sau đó cả nước Ấn Độ bị bao trùm dưới cảnh loạn lạc của ngoại xâm và nội chiến. Đến thời Hậu Gupta, không có dấu hiệu nào Phật giáo được phục hồi. Đến thời vua Harshavardhana, có nhiều hoạt động khôi phục lại những kiến trúc chùa tháp. Mới ngày nào đây Phật giáo hãy còn được mọi người tại đây ấp ủ như một triết lý sống tuyệt vời. Có thời Lộc Uyển trở thành một trung tâm nghệ thuật và giáo dục cũng như tín ngưỡng cho toàn xứ Ấn Độ, thế mà trải qua một thời gian không lâu xa về sau thì ảnh hưởng tốt đẹp này đã bị tàn phá một cách nặng nề, bị tai trời thì ít mà họa người thì nhiều. Sau đó ông Major Kittoe tiếp nối vào năm 1851, ông Thomas năm 1853, ông C. Horn năm 1856, ông F. O. Oertel năm 1905. Năm 1905, ông Vieroy Lord Curzon xây dựng viện Bảo Tàng Sarnatha, năm 1914 ông Hargraves tiếp tục công cuộc khai quật này. Và sau khi giành lại độc lập, chính phủ Ấn Độ vẫn tiếp tục cho khai quật và bảo trì những khu di tích lịch sử quan trọng này.
Thời ngài Huyền Trang đến đây thì Lộc Uyển chỉ mới phần nào điêu tàn vì ảnh hưởng trỗi dậy của Ấn Độ giáo. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ thứ 12 trở về sau này thì các đạo quân Hồi giáo liên tục xâm chiến Ấn Độ và các ông vua Hồi giáo đã tuần tự tàn phá hàng trăm, hàng ngàn ngôi chùa lớn tại đây. Những ông vua Hồi giáo tàn bạo ấy là Mohammed và Kutubuddin. Vào đầu thế kỷ thứ 12 sau khi xâm chiếm thành Ba La Nại, tên vua Mohammed đã ra lệnh giết chết đức vua của thành này, đốt phá toàn bộ chùa chiền và giết sạch Tăng sĩ, biến thành Ba La Nại thành bình địa với máu và hoang tàn đổ nát. Rồi đến cuối thế kỷ thứ 12 (khoảng năm 1194), một tên vua Hồi khác là Kutubuddin trở lại khai tử Ba La Nại. Lần này bọn giặc Hồi hung hãn và tàn bạo hơn tiền nhân của chúng gấp vạn lần. Chúng đến và chúng giết hầu hết những người chưa chạy kịp. Kể từ đó Ba La Nại trở thành hoang địa, không một bóng người và bị quên lãng trong nhiều thế kỷ. Ngày nay Lộc Uyển vẫn còn dáng vẻ thơ mộng, nhưng không còn nhộn nhịp như thời vàng son của nó nữa. Vào khoảng năm 1856, nhà khảo cổ Cunningham đã đào được tại khu Lộc Uyển hơn 300 tượng Phật, mà nét nghệ thuật của những pho tượng này đã lôi cuốn hàng ngàn sinh viên cũng như các nhà nghiên cứu đổ xô về đây tìm thêm tài liệu về lịch sử cũng như mỹ thuật Phật giáo qua các thời đại. Hầu hếu những pho tượng này đều bị cháy nám, chứng tỏ những tự viện hay chùa tháp đã từng bị đốt cháy.
Pháp Đầu Tiên Cho Năm Anh Em Ông Kiều Trần Như
Bên cạnh ngôi tháp là nơi thờ tượng Phật đang thuyết pháp cho năm anh em A Nhã Kiều Trần Như. Theo sư cô Liên Phụng thì những pho tượng này được tô đắp vào năm 1988 với những đường nét sắc xảo. Sau bức tượng có cội Bồ Đề được mang từ Tích Lan về trồng năm 1931, xung quanh cội Bồ Đề là hình ảnh của 28 vị Phật quá khứ. Chính nơi đây Đức Phật đã thuyết bài pháp đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như. Tương truyền sau khi thấy Đức Phật nhận bát sữa của nàng Sujata, năm anh em Kiều Trần Như đã từ bỏ Đức Phật vì cho rằng Ngài đã đi sai đường bằng cách từ bỏ pháp tu khổ hạnh. Chính vì thế mà sau khi đạt được giác ngộ, Đức Phật đã trải qua bảy tuần lễ đầu tại những khu vực quanh Bồ Đề Đạo Tràng, đến tuần lễ thứ tám, Ngài muốn trao lại bức thông điệp cứu khổ của Ngài đến với mọi người. Thoạt tiên, Ngài nghĩ tới việc độ cho những vị thầy thuở ban đầu của Ngài như các vị A La Ra Ka La Ma (Alara Kalama), và Uất Đà Ka La Ma Tử (Uddaka Ramaputta), nhưng cả hai đều đã nhập diệt trước đó. Sau đó Đức Phật nghĩ đến năm anh em A Nhã Kiều Trần Như, những người bạn đồng tu khổ hạnh với Ngài trước đây, và Ngài biết rằng hiện họ đang trú tại khu Vườn Nai (Sarnath), nên Ngài quyết định đi đến đó để thuyết pháp độ họ. Đức Phật đã đi bộ trên 250 cây số từ Bồ Đề Đạo Tràng đến Vườn Nai tại Ba La Nại, Ngài đã băng qua sông Hằng Hà bằng phà để đi đến các đền đài của thành phố Kasi, rồi sau đó Ngài du hành đến Sarnatha. Tại đây Ngài đã gặp lại họ, tuy nhiên, khi mới thấy thấp thoáng bóng Ngài trở lại khu Vườn Lộc Uyển, họ đã dự tính ngoảnh mặt với Ngài, nhưng khi thấy dáng vẻ uy nghi của Đức Phật, cả năm anh em đã tự động đến gặp Ngài, nhưng thoạt đầu họ không chịu đảnh lễ Ngài với lòng tôn kính như xưa. Tuy nhiên, khi Đức Phật càng bước đến gần họ, thấy cốt cách oai nghi và dáng vẻ sáng ngời của Ngài, họ quyết định đảnh lễ và lắng nghe thời Chuyển Pháp Luân đầu tiên của Phật. Bài pháp nói về “Trung Đạo,” loại bỏ hai thái cực hưởng thọ dục lạ và tu hành khổ hạnh. Đức Phật đã dõng dạc tuyên thuyết: “Này các Tỳ Kheo, Như Lai không hề xa hoa, không hề ngừng cố gắng và không trở về đời sống lợi dưỡng. Như Lai là Đức Thế Tôn, là đấng Toàn Giác. Như Lai đã thành đạo quả Vô Sanh Bất Diệt và Như Lai sẽ giảng dạy giáo pháp. Nếu hành động đúng theo lời giáo huấn của Như Lai, các thầy cũng sẽ sớm chứng ngộ bằng trí tuệ trực giác, và trong kiếp sống này các thầy sẽ hưởng một đời sống cùng tột thiêng liêng và trong sạch. Này các Tỳ Kheo, có hai cực đoan mà những người từ bỏ thế tục để tìm cầu con đường giải thoát không nên tu tập. Những gì là hai? Một là truy tầm và đắm say trong ngũ dục. Đây chỉ là sự theo đuổi hạ liệt, trần tục, đê tiện, thô thiển và ô uế chứ không có ích lợi. Hai là thực hành tu khổ hạnh, khổ đau và thô thiển chứ không có lợi ích gì. Này các Tỳ Kheo, từ bỏ và tránh xa hai cực đoan này là đi theo con đường ‘Trung Đạo’ do Như Lai giác ngộ, mở tâm và mắt, đưa đến an tịnh, nhất thiết trí, giải thoát và cuối cùng đạt đến Niết Bàn.” Ngày đó khi vừa nghe xong thời Pháp chuyển luân của Đức Phật, ngài A Nhã Kiều Trần Như đã chứng ngay quả vị A La Hán, và sau đó các vị còn lại cũng lần lượt đắc Pháp Nhãn thanh tịnh khi Đức Phật thuyết đến bài kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhana Sutta). Và cũng kể từ đó Pháp luân thường chuyển và Tăng đoàn cũng được thành lập. Và cũng chính tại đây, Ngài đã thuyết những thời pháp cực kỳ quan trọng khác, chẳng những cho năm anh em ông Kiều Trần Như, mà cho hết thảy chúng sanh trên toàn cầu, như Tứ Điệu Đế, và Bát Thánh Đạo... Chính nhờ những lời dạy dỗ vàng ngọc ấy, mà kể từ thời Đức Phật đến nay có biết bao nhiêu chúng sanh đã thọ hưởng và đã đi đến chỗ an lạc, hạnh phúc và giải thoát. Cũng chính tại nơi này, Tăng đoàn cổ đại nhất của Đức Phật đã được thành lập. Như vậy, Sarnatha trở thành nơi chuyển bánh xe pháp đầu tiên của Đức Phật, nơi khai sanh ra Tăng đoàn đầu tiên của Đức Phật, và là chiếc nôi của Phật giáo. Thời Đức Phật còn tại thế, từ vua quan đến thường dân tại đây đều hoan hỷ đón nhận tinh thần giải thoát và giáo lý bình đẳng của Đức Phật. Chẳng những thế, bài pháp thoại đầu tiên này của Đức Phật bao gồm một sự nhận định sáng ngời và độc đáo của một bậc đại giác ngộ về những vấn đề cơ bản nhất của cuộc đời và những giải pháp đưa đến cuộc sống an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc. Nói cách khác, chính Sarnatha là trung tâm biểu tượng chân lý, là nơi chôn nhao cắt rún của Phật giáo.
Ngày hôm sau đó một vị trưởng giả trong làng tên là Da Xá (Yasa) đến quy y với Đức Phật, và chỉ ngay sau một thời pháp của Phật, tất cả đều chứng Thánh quả. Như vậy Sarnatha cũng là nơi mà Đức Phật khai sanh ra chúng Phật tử tại gia. Ngài đã thuyết giảng cho Da Xá và gia đình của ông rất nhiều về bổn phận hộ pháp của một người Phật tử tại gia, cũng không kém phần quan trọng và cao quý như một sa môn. Ngài không tuyên thuyết rằng tất cả mọi người phải từ bỏ đời sống thế tục để đắp y mang bát, trở thành tu sĩ làm thân “cô lữ vạn lý du” như các vị sa môn, không cửa, không nhà, không tiền, không bạc. Bởi lẽ nếu ai cũng làm như vậy thì lấy ai hộ trì giáo pháp?
Lộc Uyển ngày nay không còn các vị tu hành khổ hạnh như thời Đức Phật nữa, mà hình như chính phủ Ấn Độ muốn biến nơi đây thành một địa điểm du lịch với những khu Thánh tích Phật giáo, những nền chùa tháp xưa hãy còn sừng sững đó đây, những công viên đầy bóng mát. Dù thế nào đi nữa, thì đối với chúng tôi Lộc Uyển vẫn là một trong những nơi thân thiết nhất trong tâm tưởng.
Hòa Thượng hướng tán thán công đức của Đức Phật và các vị Thánh Tăng, sau đó ngài hướng dẫn đoàn tụng một thời kinh cầu an, sau đó đi nhiễu quanh các Thánh tượng và niệm hồng danh Đức Bổn Sư cầu nguyện cho thế giới hòa bình an lạc.
Sau đó chúng tôi lần lượt thăm viếng khu Vườn Nai, tháp Dhamekh (Tháp Chuyển Pháp Luân), khu nền tịnh xá nơi Phật ngụ, đường Phật đi kinh hành, trụ đá A Dục, khu Tịnh Xá Mulagandhakuti, những nền tháp khác tại Sarnath, Bảo Tàng Viện Khảo Cổ Sarnath, và Bảo Tàng Viện Varanasi.
(Tượng
Đức Thế Tôn đang thuyết Pháp cho năm
anh
em Kiều Trần Như tại Sarnath)
(Những
chú nai vàng ngơ ngác trong khu Vườn Nai tại Sarnath)
Sau đó Hòa Thượng hướng dẫn đoàn qua thăm khu vườn nai, nằm ngay phía sau khu tịnh xá Mulgandhakuti. Đây là một khu đất rộng lớn, tuy không có nhiều cây như một khu rừng, nhưng cũng thanh u và mát mẻ hơn nhiều nơi mà chúng tôi đã đi qua trong xứ Ấn Độ. Ngày trước là khu vườn Nai thiên nhiên, với những bóng cây xanh mát, thanh u và tịch tĩnh, là một môi trường rất tốt cho việc tu tập thiền quán. Bây giờ thì người ta rào lại và nuôi rất nhiều nai ở đó. Những chú nai vàng ngơ ngác nhìn khách hành hương qua lại khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh của vườn Lộc Uyển năm xưa mà lòng ngậm ngùi cho thân phận của những chú nai và của chính mình hiện tại. Ngày đó những chú nai xem vậy mà có phước, tuy mang thân súc sanh mà ngày ngày đều thấy Phật. Còn bây giờ! Phật pháp vẫn còn đây mà chúng con vẫn tiếp tục lăn trôi trong sanh tử trầm luân.
(Tháp
Dhamekh uy nghi trong khu vườn Lộc Uyển—
The
imposing Dhamek Stupa at Sarnath)
Trong vườn Lộc Uyển hãy còn một ngôi tháp Dhamekh thật lớn, đây có lẽ là ngôi tháp nổi bậc nhất trong khuôn viên Lộc Uyển, vì tháp được xây dựng trên một khoảnh đất khá cao. Tháp cao khoảng 34 mét và đường kính khoảng 28 mét. Theo sư Minh Thành thì ngôi tháp này được vua A Dục xây vào khoảng thế kỷ thứ ba trước Tây Lịch để ghi nhận nơi Đức Phật lần đầu tiên chuyển Pháp Luân, nơi Đức Phật đã từng đến đây thuyết pháp ban rải ánh sáng chân lý cho chúng sanh. Tuy nhiên, theo nhiều nhà khảo cổ học thì ngôi tháp đồ sộ này với trên 300 bức tượng đang trưng bày trong Viện Bảo Tàng Khảo Cổ Sarnatha hiện nay, trong đó có một pho tượng Đức Phật đang ngồi chuyển pháp luân đều thuộc thời đại Gupta. Theo truyền thuyết Phật giáo thì ban đầu ngôi tháp này chỉ là một ngôi tháp nhỏ được xây lên để thờ xá lợi của Đức Phật, nhưng về sau này người ta cứ xây thêm nên ngôi tháp lớn dần theo năm tháng và cuối cùng trở thành một kiến trúc qui mô như ngày nay. Trên tường tháp những hoa văn sắc xảo vẫn còn y nguyên, ghi dấu một thời “tiếng sư tử hống” của Đức Phật đã vang dội cùng nơi khắp chốn. Xung quanh bờ ngoài của tháp còn có 8 bệ thờ bên trong tường có kích cỡ lớn như người thật. Tuy nhiên, trong các bệ thờ ấy không còn một tượng Phật nào cả. Theo tiếng Phạn, chữ ‘Dhamekha’ có nghĩa là ‘trầm tư về giáo Pháp’. Hòa Thượng Pháp Chủ tóm lược đại ý của bài pháp đầu tiên mà Đức Phật đã thuyết cho năm anh em Kiều Trần Như, bài pháp đề cập đến con đường “Trung Đạo,” không bất cập, mà cũng không thái quá. Sau đó Thầy hướng dẫn đoàn tụng một thời kinh và đi nhiễu quanh tháp để tưởng niệm nơi Đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên.
Theo Đại Đường Tây Vực Ký, Huyền Trang đã ghi lại về nơi này trong khoảng thời gian ngài lưu lại nơi này như sau: “Nơi này có khoảng 30 tu viện với hơn 3.000 Tăng sĩ tu học.” Thế mà bây giờ cạnh ngôi tháp lớn chỉ còn trơ lại những nền tháp hay những đống gạch đổ nát từ các tự viện thuở xa xưa. Theo tài liệu khảo cổ học tại đây thì vào cuối thế kỷ thứ 18, hai nhà khảo cổ là đại tá MacKenzee và Cunningham khi đào bới phần trên cùng của ngôi tháp đã tìm thấy một tấm bia đá nhỏ ghi rằng “Dharmekha” chính là nơi Đức Phật thuyết giảng bài pháp đầu tiên. Theo các nhà Phạn ngữ học thì Dharmekha có thể dịch là “trầm tư về giáo pháp” mà có thể nó bắt nguồn từ hai chữ “Dharma” và “Chakra”, nghĩa là bánh xe pháp hay pháp luân. Tấm bia cũng ghi rõ đây chính là nơi trú ngụ của năm anh em Kiều Trần Như khi họ rời bỏ Đức Phật tại Bồ Đề Đạo Tràng. Đây là một trong những tài liệu quý giá và chính xác cho lịch sử Phật giáo. Bên cạnh Tháp Dhamekh hãy còn dấu vết của rất nhiều những nền tháp nhỏ rải rác khắp nơi trong khuôn viên Vườn Lộc Uyển.
Nơi Đức Phật Ngự Tại Khu Sarnath
(Đường
Kinh Hành của Đức Phật, cạnh nền Tịnh Xá trong khu Sarnath)
Rời khu vườn nai, chúng tôi qua thăm nền tịnh xá nơi Phật đã từng ngự và tọa thiền, rồi đến con đường nơi Đức Phật đã từng đi kinh hành. Nền tịnh xá ngày nay chỉ còn là một chuỗi gạch, lớp lớp chồng lên nhau, có lẽ được xây vào niều giai đoạn khác nhau. Lớp dưới cùng có một phiến đá có niên đại vào thế kỷ nhất trước Tây Lịch. Theo truyền thuyết, dân gian vùng này gọi đó là đá ‘tạ ơn’. Có hai bia ký khắc trên trụ của mái hiên được chấp vá lại với nhau, một cái thuộc thế kỷ thứ 2 trước Tây Lịch, còn cái kia thuộc thế kỷ thứ 5 sau Tây Lịch.
Đoàn tiếp tục thăm viếng trụ đá do vua A Dục dựng lên. Theo truyền thuyết Phật giáo, thì vua A Dục là vị quốc vương đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ có liên quan đến vùng Sarnatha. Vào khoảng những năm 250 trước Tây Lịch, vua A Dục, một trong những vị đại đế của triều đại Khổng Tước (Maurya), một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo mà rất nhiều người đã gọi ông là một vị Á Phật. Ông đã tiến hành rất nhiều cuộc chiến tranh xâm lăng các lân quốc nhỏ. Tuy nhiên, sau trận chiến tiêu diệt bộ tộc Kalinga, những cảnh tượng giết chóc và bắt làm tù binh hàng trăm ngàn người đã khiến cho lương tâm ông bị cắn rức, và ông đã quyết định chuyển hướng bằng cách trở thành một Phật tử và dùng giáo pháp nhà Phật làm kim chỉ nam trong việc trị dân. Sau đó ông đã vận dụng tất cả lòng nhiệt thành và khả năng sẵn có của mình để truyền bá thông điệp của Đức Phật đi khắp mọi nơi. Ông cũng là vị quốc vương Ấn Độ lần đầu tiên đích thân đến Sarnatha chiêm bái và xây dựng trụ đá này để đánh dấu nơi Đức Phật đã chuyển Pháp Luân lần đầu tiên và để kỷ niệm nơi Đức Phật thành lập Tăng đoàn đầu tiên gồm năm anh em Kiều Trần Như, Da Sá (Yasa) cùng 54 người bạn trong thành Ba La Nại. Theo truyền thuyết Phật giáo thì trụ đá này cao 15,25 mét (có sách viết cao trên 21 thước, tuy nhiên theo thiển ý thì khó có lý để dựng lên một trụ đá giữa trời mà đường kính chỉ có 7 tấc trong khi chiều cao lại lên đến trên 21 thước, như vậy giả thuyết trụ cao 15 thước có thể đứng vững hơn), có tượng hình 4 con sư tử trên đầu. Phần chân trụ gồ ghề và đặt trên một nền đá lớn, phần thân trụ thon và thẳng, đường kính bên dưới là 71 phân, đường kính bên trên trụ là 56 phân, trụ được mài bóng láng trước khi khắc chỉ dụ của vua. Đây chẳng những là một tác phẩm nghệ thuật vô giá trong kho tàng lịch sử Phật giáo và cũng là phế tích có niên đại xưa nhất được tìm thấy trong khu Vườn Lộc Uyển này, mà còn là một chứng liệu lịch sử xác thực của Phật giáo nữa. Trụ được làm bằng một loại sa thạch tuyệt hảo, nên trải qua mười mấy thế mà nó không bị thời gian tàn phá, ngược lại nếu không giảo nghiệm niên đại, người ta cứ tưởng đây là những trụ đá mới là về sau này, vì chúng vẫn còn sáng chói. Trụ đá A Dục đã bị vùi lấp vào quên lãng của thời gian cũng như không gian qua nhiều thế kỷ. Mãi đến khoảng năm 1934, nhà khảo cổ Kittoe mới tìm thấy một mảnh của trụ đá tại đây. Sau khi giảo nghiệm niên đại, người ta xác nhận đây chính là trụ đá do vua A Dục dựng lên vào thế kỷ thứ ba trước Tây Lịch để đánh dấu nơi Đức Phật và Tăng đoàn đầu tiên của Ngài được thành lập. Tuy trụ đã bị gãy gần sát đất, nhưng những nét chỉ dụ của vua A Dục trên đá vẫn còn đó. Hiện phần trên của trụ đá được chính phủ Ấn Độ cho đem trưng bày trong Viện Bảo Tàng Khảo Cổ Lộc Uyển, còn phần dưới và những khúc gãy khác được để nguyên tại chỗ khai quật. Trên trụ đá có khắc ba tấm bia ký và chữ trên bia ký là một loại chữ Phạn. Tấm bia thứ nhất trừ hai dòng đầu bị bể nên không còn thấy rõ, phần còn lại hãy còn rất rõ ràng như sau: “... Tăng đoàn không được chia rẽ. Bất cứ người nào, dù là quý thầy hay quý cô phân chia bè phái, sẽ bị cho mặc y trắng và đuổi ra khỏi tự viện. Sắc chỉ này phải được thông báo khắp công đồng Tăng và Ni. Đấng hoàng đế đã dạy ‘Hãy sao chép lại sắc chỉ này và hãy dán ở những giảng đường của tu viện một bản sao khác cho các Phật tử tại gia. Những Phật tử tại gia đến bố tát cần phải biết những sắc chỉ này...” Tấm bia ký thứ hai thuộc giai đoạn Kushan, có nhắc đến năm thứ 40 của vua Asvaghosha. Vị vua này cai trị xứ Kausambi, nhưng cũng có thời chiếm cứ toàn cõi Ba La Nại và Sarnath. Bia ký thứ ba được khắc vào thời đại Gupta, đề cập đến các tổ sư của phái Chánh Lượng Bộ (Sammmitiya) và Độc Tử Bộ (Vatsiputraka). Phế tích của những trụ đá tại Sarnatha hiện được xem như là những tích hùng hồn về sự huy hoàng của Phật giáo từ đầu Tây Lịch đến thế kỷ thứ 12. Sau khi quan sát những trụ đá tại đây, ngài Huyền Trang đã ghi lại trong Đại Đường Tây Vực Ký như sau: “Về phía Tây Nam ngôi chùa có một tháp do vua A Dục xây dựng, dù đã bị đổ nát nhưng vẫn còn một trụ đá bóng loáng, chẳng khác gì ngọc thạch. Đây là những trụ đá nhẵn bóng như ngọc bích và chiếu sáng như gương. Những ai đến đây chiêm bái vá thành tâm đảnh lễ, thì tùy theo lời cầu nguyện của mình, sẽ thấy những hình ảnh tốt hay xấu ứng hiện. Chính tại chỗ này, sau khi đắc thành đạo quả, Đức Phật đã chuyển Pháp Luân lần đầu tiên.” Hiện nay người ta cho rào phế tích của trụ đá lại trong một hàng rào sắt cao trên 2 mét để bảo vệ phần còn lại của nó. Tưởng cũng nên nhắc lại là hiện nay hình trụ đá có hình sư tử trên đỉnh trụ đã trở thành quốc huy của Ấn Độ, và trên quốc kỳ Ấn, bánh xe pháp nằm ở giữa cũng được lấy ra từ trụ đá sư tử ở đây. Như vậy, Sarnatha chẳng những là niềm tự hào cho nước Ấn dân Ấn, mà còn là niềm tự hào cho những Phật tử khắp nơi, và cho cả thế giới nữa.
(Trụ
đá do vua A Dục dựng lên tại Sarnath)
Trong khuôn Vườn Lộc Uyển
Trong khuôn viên Vườn Lộc Uyển, Tích Lan đã xây một ngôi Tịnh Xá tên Mulagandhakuti Vihara vào năm 1931 với lối kiến trúc giống như Đại Bảo Tháp tại Bồ Đề Đạo Tràng để thờ xá lợi Phật. Theo các vị sự Tích Lan đang trụ trong chùa thì ngôi chùa này được xây ngay trên nền của túp lều nguyên thủy nơi mà Đức Phật đã từng trú ngụ trong thời gian Ngài ở Sarnath, vì vậy chùa mới có tên là Hương Phòng Nguyên Thủy (Original Fragrant Hut). Theo lịch sử Phật giáo Ấn Độ thì trong nhiều thế kỷ sau này, hương phòng của Đức Phật được trùng tu nhiều lần và từ từ phát triển thành một ngôi chùa lớn mà Ngài Huyền Trang có ghi lại trong Đại Đường Tây Vực Ký như sau: “Hàng rào lớn của chùa cao khoảng 70 thước, trên mái hình cây xoài mạ vàng. Nền chùa bằng đá và cầu thang cũng vậy, những ngôi tháp và khung thờ bằng gạch. Những khung thờ được sắp xếp kế tiếp nhau và mỗi khung đều có thờ một tượng Phật bằng đồng, kích thước bằng như Đức Phật thật và tượng ngồi ở tư thế đang chuyển bánh xe pháp.”
(Tượng
Đức Phật trong Tịnh Xá Mulagandhakuti Vihara
trong
tư thế ngồi kiết già đang chuyển Pháp Luân tại Sarnath)
Ngoài
những khu phế tích chính, Sarnath còn rất nhiều tháp khác.
Tháp Chaukhadi hình bát giác được vua Akbar xây vào năm 1588
trên một mô đất lớn, để tưởng niệm vua cha là Humayun
đã đến chiêm bái nơi này. Tháp Dharmarajika, gần trụ đá
A Dục do chính vị vua này xây vào khoảng thế kỷ thứ hai
trước Tây Lịch để thờ xá lợi Phật và cũng để đánh
dấu nơi chuyển Pháp Luân đầu tiên của Đức Thế Tôn. Trong
những lần khai quật cho thấy ngôi tháp này đã được xây
thêm sáu lần rộng hơn ngôi tháp nguyên thủy của nó. Nền
tháp nguyên thủy thời vua A Dục có đường kính là 13,49 mét,
xây bằng loại gạch có kích thước 49,50 x 36,80 x 6,40 và những
loại gạch mỏng và nhẹ khác. Ngày trước khi ngài Huyền
Trang đến đây vào tiền bán thế kỷ thứ 7 (629) thì ngôi
tháp hãy còn cao 30 mét, thế mà hiện nay chỉ còn trơ lại
một cái nền gạch cao không đầy một thước tây, trông thật
là tiêu điều buồn bã.
(Bên
ngoài khu Lộc Uyển-Ba La Nại)
(Bia
tưởng niệm tháp Chakhandi-Ba La Nại)
(Tháp
Chaukhandi nhìn từ xa-Ba La Nại)
(Khu
phụ cận Lộc Uyển nhìn từ đỉnh tháp Chaukhandi)
(Trên
đỉnh phế tháp Chaukhandi-Ba La Nại)
(Chụp
hình lưu niệm tại Lộc Uyển)
(Tháp
Dhamek uy nghi sừng sững trong Vườn Lộc Uyển)
(Phế
tháp Dhamek hầu như còn nguyên vẹn trong khu Lộc Uyển-
Chỉ
mất những tượng Phật chung quanh tường tháp)
(HT
Thích Giác Nhiên đang hướng dẫn đoàn đi nhiễu quanh tháp
Dhamek)
(Bên
trong vườn Lộc Uyển-Ba La Nại)
(Phế
tích những tịnh xá trong khu Lộc Uyển)
(Những
chú nai trong Vườn Lộc Uyển)
(Nền
các phế tháp nhỏ-Lộc Uyển)
(Chụp
hình lưu niệm tại phế tháp-Lộc Uyển)
(H
T Giác Nhiên tại khu phế tháp-Lộc Uyển)
Sau khi thăm viếng vườn Lộc Uyển, đoàn chúng tôi ra xe tiếp tục đi thăm viện bảo tàng Varanasi và đảnh lễ xá lợi Phật. Đây cũng là một trong những viện bảo tàng lớn của Ấn Độ. Tuy nhiên, không như tại viện bảo tàng Sarnath, viện bảo tàng Varanasi trưng bày di tích của cả Ấn giáo lẫn Phật giáo. Vì thế có rất nhiều vị trong đoàn, dù đã đi đến tận nơi nhưng lại không chịu vào, có lẽ các vị chỉ thích thú thăm viếng và chiêm bái những gì có liên quan đến Phật giáo mà thôi.
(Xá
lợi Phật tại viện Bảo Tàng Vanarasi)
(Nền
văn minh Harappan trong lưu vực Ấn Hà)
(Triều
đại Maurya từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 3 trước
TL)
(Triều
đại Satavahana từ thế kỷ thứ 2 trước TL đến thế kỷ
thứ 2 sau TL)
2:00 giờ chiều về lại khách sạn ăn trưa. Sau đó, lúc 3:00 giờ chiều Hòa Thượng ngỏ lời cảm ơn và tán thán công đức của chư Tăng Ni và Phật tử trong đoàn hành hương. 4:00 giờ chiều ra ga Varanasi, và lúc 6:30 giờ chiều đáp tàu Shiv Ganga Express trở về Delhi.
7:30
giờ sáng ngày 9 tháng 12, 2005, đoàn về đến Delhi. Đoàn Canada
và Hòa Thượng nghỉ tại khách sạn Grand, trong khi đoàn từ
Mỹ và Pháp nghỉ tại khách sạn Tourist. Cả buổi chiều ngày
9 tháng 12, đoàn tự do đi mua sắm quà.
5:00 giờ sáng ngày 10 tháng 12, đoàn khởi hành đi Agra thăm viếng đền Taj Mahal.Từ Delhi đi Agra, dù đường tương đối tốt, chúng tôi vẫn phải đi trên 2 giờ xe buýt. Đền Taj Mahal là một trong bảy kỳ quan của thế giới. Nó là niềm tự hào của dân tộc Ấn Độ. Đền được xây vào thế kỷ thứ 16, với lối kiến trúc cẩm thạch trắng khá độc đáo, nghệ thuật điêu khắc tỉ mỉ và sắc xảo. Sau đó đoàn đi qua Agra Fort thăm viếng cung điện của nhà vua. Từ bên cung điện này có thể nhìn thấy đền Taj Mahal rất rõ ràng.
Đoàn về đến Delhi lúc 10:30 giờ tối cùng ngày.
(Đền
Taj Mahal, được vua Mughal thuộc triều đại Shah Jahan xây dựng
vào
năm 1648 tại tỉnh Agra, cách New Delhi khoảng
200
cây số về phía Đông Nam)
(Taj
Mahal-Agra, nhìn từ cổng vào)
(Bia
tưởng niệm nơi cổng vào đền Taj Mahal-Agra
(Cổng
cung điện Amar Singh tại Agra-Được vua Akbar xây năm 1565)
(Bên
hông hoàng cung của vua Akbar)
9:00 giờ sáng ngày 11 tháng 12, đoàn đi thăm Viện Bảo Tàng New Delhi, chiêm bái xá lợi Phật. Sau đó một số anh em trong đoàn tiếp tục thăm viếng đền Bahai hoặc khu lưu xá của Tăng Ni sinh tại New Delhi.
(Khu
lưu xá Tăng sinh-New Delhi)
5:30giờ
chiều ngày 11 tháng 12, 2005, Hòa Thượng cùng phái đoàn họp
mặt với Tăng Ni sinh du học Ấn Độ tại khách sạn Ashoka,
New Delhi. Đây là cơ hội cho chư Tăng Ni sinh thăm viếng vấn
an sức khỏe của Hòa Thượng, và cũng là cơ hội để các
Phật tử khắp nơi từ Mỹ, Canada và Pháp gặp gỡ Tăng Ni
sinh tại Ấn Độ. Trong buổi họp mặt này, Hòa Thượng cũng
gặp gỡ thăm hỏi sức khỏe và việc học tập, cũng như
khuyến tấn, tặng quà và một số tịnh tài cho Tăng
Ni sinh.Hòa Thượng nói trong sự xúc động mạnh: “Trước
khi đến thăm quý vị, tôi đã mang theo mình một số tịnh
tài, nhưng thấy số tịnh tài ấy không thấm vào đâu nên
tôi đã làm một chuyến hoằng pháp ở Úc trong vòng một tháng,
từ 30 tháng 10 đến 25 tháng 11, tôi đã thuyết trên 50 thời
pháp, đồng thời kêu gọi thêm sự đóng góp của các Phật
tử ở Úc Châu. Tôi nói vì tôi đã quá già, nay đã 84 tuổi, có thể đây là lần cuối cùng tôi sang đây giúp đỡ quí
vị, nên ai cũng hết lòng hỗ trợ.” Lời nói chân tình của
Hòa Thượng làm cho người người có mặt trong buổi họp
mặt hôm đó đều ngấn lệ lưng tròng. Buổi họp mặt chấm
dứt trong không khí luyến tiếc ngậm ngùi. Lúc ra về, một
vị Tăng sinh đang du học tại Ấn Độ chia sẻ với chúng
tôi: “Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho Hòa Thượng
luôn pháp thể khinh an, để Ngài tiếp tục hoằng pháp độ
sanh, tiếp tục ban rải tình thương và lòng từ đến
cho mọi người, để Tăng Ni sinh chúng con thỉnh thoảng tiếp
tục nhận được sự trợ giúp của Ngài.” Riêng thầy Chúc
Thông từ Đài Loan tâm sự: “Tôi là thầy tu Bắc Tông, nhưng
khi gặp được Hòa Thượng, lòng từ bi nhân ái của Ngài
khiến tôi không còn thấy đâu là bờ mé của Bắc Nam nữa.
Đức độ của Hòa Thượng vượt hẳn bờ mé của bất cứ
sự phân biệt nào nếu có.”
(Tăng
Ni sinh và đoàn hành hương mừng sinh nhật lần thứ 84
của
Hòa Thượng Giác Nhiên-Delhi)
(Chiếc
bánh sinh nhật đầy tình nghĩa của Tăng Ni sinh và đoàn
hành
hương dành cho Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên)
(Họp mặt Tăng Ni sinh-New Delhi 11/12/05)
(Họp
mặt chia tay trong bùi ngùi xúc động)
(Chư
Tăng Ni sinh tại Delhi đang lắng nghe những lời nhắn nhủ
của
Đại
Lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên)
11:00 giờ tối ngày 11 tháng 12, đoàn đưa tiễn đoàn Canada do Thầy Minh Giác hướng dẫn lên máy bay về lại Canada.
Sáng ngày 12 tháng 12, đoàn Mỹ đi tour Delhi. Đoàn chúng tôi có người ở lại khách sạn nghỉ ngơi, có người tháp tùng chư Tăng Ni sinh du học ở Ấn Độ đi thăm viếng khu trường Đại Học Delhi và phân khoa Phật Học. Sau đó chúng tôi đi mua sắm một ít quà lưu niệm rồi trở về lại khách sạn.
11:00 giờ sáng ngày 13 tháng 12, Hòa Thượng cùng đoàn lên đường trở về Mỹ. Và khuya hôm đó đoàn 4 người từ Canada gồm các anh chị Thiện Minh, Thiện Tài, Thiện Hiếu và chị Mỹ cũng lên đường trở về Canada.
Cuộc hành hương chiêm bái Phật tích của chúng tôi coi như đã hoàn mãn, nhưng hương vị của cuộc hành trình thiêng liêng vẫn còn phảng phất trong tâm tư của mỗi người chúng ta. Đã chiêm bái hết các Thánh tích, đã nghe hầu hết các truyền thuyết cũng như chánh sử Phật giáo về Đức Phật, chúng ta mới thấy được sự bình dị và mộc mạc của chính Đức Phật. Lúc nào Ngài cũng hòa mình với thiên nhiên, với cỏ cây, với đất trời. Tại Lâm Tỳ Ni, chúng ta thấy dù là con của một vị vua trị vì một vương quốc trú phú, nhưng khi sanh ra Ngài không sanh ra trong cùng vàng điện ngọc, giữa nệm ấm chăn êm, mà lại sanh ra giữa một vườn cây thiên nhiên của núi rừng. Khi lớn lên, Ngài không khứng chịu cảnh sống trong kinh thành tráng lệ nguy nga với một cuộc sống xa hoa trong khi thần dân của Ngài hãy còn trầm luân trong thống khổ triền miên. Thế nên Ngài đã rời bỏ cung vàng điện ngọc, ra đi về với núi rừng để tầm đạo giải thoát. Khi Ngài thành đạo, Ngài cũng thành đạo dưới cội Bồ Đề bên dòng Ni Liên Thiền, cũng trên một vùng đất hoang dã của khu Gaya. Lúc chuyển Pháp Luân, Ngài đã làm rung chuyển đất trời trong một khu vườn Nai thanh u tịch mịch chứ không tại một đền tháp nào như bao nhiêu đạo sĩ thời bấy giờ. Để rồi cuối cùng trước khi nhập diệt, Ngài lại cũng đi về một nơi vắng vẻ của vùng Câu Thi Na mà buông bỏ xác thân tứ đại giữa hai cây Sa La song thọ. Ngài thật là một vĩ nhân, một bậc Đại Giác “Vô tiền tuyệt hậu.” Ngài là một bậc Thánh đã khai mở chân lý giải thoát cho chúng sanh mọi loài, rồi sau đó Ngài an nhiên ra đi, không muốn để lại một dấu tích nào tại những nơi hoang dã. Thế nhưng đời sau chúng con vẫn muốn tìm về những dấu tích ấy, dù những nơi ấy ngày nay chỉ còn trơ lại những nền tháp hay những đống gạch vụn vỡ. Nhưng đối với chúng con, nó là di tích khai sanh ra một nền văn hóa thật vĩ đại, thật tuyệt vời mà chúng con đang thọ hưởng. Riêng đối với dân tộc Việt Nam chúng ta, đạo Phật và dân tộc quê hương tương quan như xương máu với thịt da. Sự thịnh suy thăng trầm của đạo pháp và đất nước đã bao đời nay gắn liền nhau như hình với bóng. Hình ảnh đấng cha lành lại một lần nữa đậm nét trong mỗi chúng ta. Ngài cũng là một con người như bao người chúng ta nhưng Ngài đã dũng cảm vượt thoát khỏi bờ mé sanh tử để tìm đường giải thoát cho chúng sanh vạn loài. Chính vì vậy mà từng nơi chúng ta chiêm bái, từng chiếc lá Bồ Đề rơi rụng trong Bồ Đề Đạo Tràng, từng đống gạch vụn vỡ nơi vườn Lâm Tỳ Ni và Thành Ca Tỳ La Vệ, hay từng nhúm cát, từng giọt nước trên sông Hằng, hoặc những chú nai vàng ngơ ngác trong vườn Lộc Uyển... đều là những bài pháp thật, những món quà muôn thuở mà Đức Thế Tôn như muốn trao truyền lại cho chúng ta trong lần trở về tìm lại cội nguồn này. Và ai trong chúng ta đều vẫn còn mang tâm trạng ngậm ngùi, dù là con Phật ai cũng hiểu rõ luật vô thường, nhưng làm sao khỏi ngậm ngùi cho một thời hoàng kim của những nơi thiêng liêng, những nơi đã từng lưu lại bóng dáng của đấng cha lành. Ngậm ngùi cho thân phận kém phước vô duyên nên không được sanh ra vào thời có Phật, để rồi hôm nay dù có diễm phúc được đến đây, đến tận nơi, thấy tận mắt những dấu tích một thời đã ôm ấp bước chân Phật, chỉ còn biết xúc động và tự hứa với lòng quyết chí đi theo bước chân Ngài. Chúng con xin nguyện đem sự tinh tấn tu trì nơi tự thân cúng dường lên chư Phật.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật