Phẩm 10-19

12 Tháng Giêng 201100:00(Xem: 14385)

PHẬT THUYẾT
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH
BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Nguyên Hán bản: Ngài HẠ LIÊN CƯ (hội tập)
Việt dịch: HT. Thích Đức Niệm & Cư sĩ Minh Chánh
NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO
HÀ NỘI - PL. 2553 – DL.2009

PHẨM THỨ MƯỜI

ĐỀU NGUYỆN LÀM PHẬT

Lúc đức Phật nói A Di Đà Phật khi làm Bồ Tát viên mãn hạnh nguyện rồi, A Xà Vương tử cùng với năm trăm trưởng giả biết được đều rất vui mừng, mỗi mỗi cầm một bó hoa bằng vàng đến trước Phật đảnh lễ và dâng hoa xong ngồi về một phía. Họ đồng tâm nguyện rằng, khi chúng tôi thành Phật đều như đức Phật A Di Đà”.

Đức Phật biết tâm nguyện của họ, bảo các Tỳ kheo rằng: “Các vương tử này sau sẽ thành Phật. Đời trước khi còn tu hạnh Bồ Tát, trải qua vô số kiếp đã cúng dường bốn trăm ức đức Phật. Thời Phật Ca Diếp họ là đệ tử ta, nay lại đến cúng dường ta”. Các Tỳ kheo nghe đức Phật nói đều rất vui mừng.

 

PHẨM MƯỜI MỘT

CÕI NƯỚC NGHIÊM TỊNH

Này A Nan! Cõi Cực Lạc kia có vô lượng công đức đầy đủ trang nghiêm, tuyệt không có danh từ khổ nạn, ác thú ma não, cũng không có bốn mùa nóng lạnh sáng tối, không có sông biển lớn nhỏ, gò nổng hầm hố, gai gốc đá sỏi, núi Thiết vi, núi Tu di, đất đá núi non, chỉ là tự nhiên bằng bảy báu. Vàng ròng làm đất rộng rãi bằng phẳng không có hạn lượng, kỳ diệu tú lệ, thanh tịnh trang nghiêm, thù thắng hơn tất cả thế giới khắp mười phương.

Tôn giả A Nan nghe rồi thưa Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Nếu cõi đó không có núi Tu di thì Tứ Thiên Vương và Đao Lợi Thiên nương tựa vào đâu?”

Này A Nan! Trời Dạ Ma, Trời Đâu Suất cho đến chư Thiên cõi Sắc và Vô sắc nương vào đâu?

Tôn giả A Nan thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Do nghiệp lực tạo nên không thể nghĩ bàn được”.

Đức Phật hỏi A Nan: “Bất tư nghì nghiệp ông có thể biết chăng?”

Quả báo thân ông bất khả tư nghì, nghiệp báo chúng sanh cũng bất khả tư nghì, căn lành của chúng sanh bất khả tư nghì, Thánh lực chư Phật, thế giới chư Phật cũng bất khả tư nghì, đất nước chúng sanh, công đức thiện lực, trú hành nghiệp địa và thần lực chư Phật cũng đều như vậy cả”.

Tôn giả A Nan thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Nghiệp nhân và quả báo không thể nghĩ bàn được. Đối với pháp này thật con không hoài nghi, nhưng vì muốn phá trừ sự nghi ngờ của chúng sanh đời sau nên thưa hỏi lời này”.

 

PHẨM MƯỜI HAI

ÁNH SÁNG CHIẾU KHẮP

Này A Nan! Oai thần và quang minh của Phật A Di Đà tối tôn đệ nhất, quang minh của chư Phật khác chẳng sánh kịp. Quang minh ấy chiếu khắp hằng sa cõi Phật ở Phương Đông, Tây, Nam , Bắc, trên dưới và bốn phương phụ cũng lại như vậy. Hào quang trên đảnh chiếu xa một hai ba bốn do tuần, hoặc trăm ngàn vạn ức do tuần. Hào quang các đức Phật khác hoặc chiếu đến một hai cõi Phật, hoặc trăm ngàn cõi Phật, chỉ có hào quang đức Phật A Di Đà chiếu khắp vô lượng vô số vô biên cõi Phật. Hào quang chư Phật chiếu ra có xa có gần vì bổn nguyện công đức đời trước cầu đạo có lớn nhỏ không đồng, nên khi thành Phật tự có hạn lượng.

Quang minh đức Phật A Di Đà sáng chói gấp bội trăm ngàn vạn lần ánh sáng nhựt nguyệt, tôn quý trong các ánh sáng, nên Phật Vô Lượng Thọ cũng hiệu là Phật Vô Lượng Quang, Phật Vô Biên Quang, Phật Vô Ngại Quang, Phật Vô Đẳng Quang, Phật Trí Huệ Quang, Phật Thường Chiếu Quang, Phật Thanh Tịnh Quang, Phật Hoan Hỷ Quang, Phật Giải Thoát Quang, Phật An Ổn Quang, Phật Siêu Nhựt Nguyệt Quang, Phật Bất Tư Nghì Quang.

Quang minh ấy chiếu khắp mười phương thế giới, chúng sanh nào gặp được quang minh ấy thì cấu uế tiêu diệt, điều lành phát sanh, thân ý hòa dịu. Nếu ở tam đồ chịu khổ cùng cực thấy được quang minh này liền được dừng khổ, mạng chung được giải thoát. Chúng sanh nào nghe được oai thần công đức quang minh này ngày đêm khen nói chí tâm không nghỉ, tùy theo ý nguyện được sanh về Cực Lạc.

PHẨM MƯỜI BA

THỌ MẠNG ĐẠI CHÚNG VÔ LƯỢNG

Này A Nan ! Đức Phật Vô Lượng Thọ mạng sống trường cửu không thể tính được. Lại có vô số chúng Thanh văn thần trí thông đạt, năng lực tự tại có thể nắm tất cả thế giới trong bàn tay. Trong hàng đệ tử ta, đại Mục Kiền Liên có thần thông bậc nhất, trong một ngày đêm biết hết số lượng chúng sanh của tất cả tinh cầu trong đại thiên thế giới.Giả sử chúng sanh trong mười phương tất cả đều chứng quả Duyên giác, mỗi mỗi Duyên giác thọ vạn ức năm, có thần thông như Mục Kiền Liên, đem hết trí lực suốt đời cũng không tính đếm được, ngàn vạn phần cũng không bằng một số phần Thanh văn trong Phật hội kia.

Ví như biển lớn sâu rộng vô biên, nếu lấy một sợi tóc chẻ làm trăm phần, tán ra thành bụi, rồi lấy một hột bụi ấy thấm một giọt nước biển, nước nơi bụi tóc ấy so với biển cả chẳng lấy gì nhiều. Này A Nan! Các vị Mục Kiền Liên thảy còn biết được số lượng, còn nước nơi bụi tóc so với biển cả không thể tính được. Thọ mạng của Phật và thọ lượng chúng Bồ Tát, Thanh văn, Thiên, Nhơn ở cõi ấy cũng như vậy, không thể lấy toán số thí dụ mà biết được.

 

PHẨM MƯỜI BỐN

CÂY BÁU KHẮP NƯỚC

Cõi nước Cực Lạc có nhiều cây báu, có cây thuần bằng vàng, hoặc thuần bạc, lưu ly, thủy tinh, hổ phách, mỹ ngọc, mã não, hoặc do một thứ báu mà thành, hoặc do hai ba cho đến bảy báu xen nhau hiệp thành. Gốc thân cành do báu này thành, hoa lá quả do báu khác thành. Có cây gốc bằng vàng, thân bằng bạc, lưu ly làm cành, thủy tinh làm ngọn, hổ phách làm lá, mỹ ngọc làm hoa, mã não làm quả. Lại có các cây do bảy báu xen lẫn nhau làm gốc thân cành lá hoa quả. Mỗi báu có hàng hàng khác nhau, hàng hàng thẳng nhau, thân thân xây nhau, cành lá hướng nhau, hoa quả xứng nhau, màu sắc rực rỡ tươi đẹp không thể tả xiết. Khi gió lay động phát ra âm thanh vi diệu. Các hàng cây báu ấy cùng khắp trong cõi nước.

 

PHẨM MƯỜI LĂM

BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG

Cây Bồ đề nơi đạo tràng cao bốn mươi vạn dặm, chu vi rộng năm ngàn do tuần, cành lá bốn phía hai mươi vạn dặm, do các báu tự nhiên hiệp thành, hoa quả sum sê chói sáng cùng khắp, lại có các ngọc ma ni hồng lục xanh trắng, và các báu quý nhất kết thành chuỗi trang hoàng các cột báu. Vàng ngọc chuông khánh treo khắp nơi. Lưới võng trân diệu trăm ngàn vạn sắc giăng mắc trên không. Vô lượng tia sáng phản chiếu lẫn nhau rất vi diệu, tất cả trang nghiêm tùy ý hiện nên. Gió nhẹ thổi đến lay động cành lá phát ra vô lượng âm thanh diệu pháp, vang khắp các cõi Phật, âm thanh du dương hòa nhã, tối thắng bậc nhất hơn các âm thanh ở mười phương thế giới.

Nếu chúng sanh nào thấy được cây Bồ đề, nghe tiếng, ngửi mùi, nếm trái, chạm được ánh sáng, nghĩ đến công đức của cây thì sáu căn thanh tịnh không có não loạn, trụ vào bất thối chuyển cho đến khi thành Phật. Nếu thấy được cây ấy thì được ba nhẫn: Một là âm hưởng nhẫn, hai là nhu thuận nhẫn, ba là vô sanh pháp nhẫn.

Này A Nan ! Hoa quả cây cối và các chúng sanh cõi Phật ấy làm các Phật sự như vậy, là do sức oai thần, bản nguyện đầy đủ kiên cố cứu cánh của Phật Vô Lượng Thọ vậy.

 

PHẨM MƯỜI SÁU

NHÀ CỬA LẦU GÁC

Giảng đường, tịnh xá, lầu quán, lan can nơi cõi Phật Vô Lượng Thọ cũng do bảy báu tự nhiên hóa thành. Lại có bạch châu ma ni nghiêm sức, sáng chói không bì được. Cung điện của Bồ Tát ở cũng lại như vậy. Nơi đó có chỗ giảng kinh, tụng kinh, thọ kinh, nghe kinh, đi kinh hành trên đất. Tư đạo và tọa thiền trên không trung, cũng có chỗ giảng tụng thọ thính kinh hành.

Những vị tư đạo và tọa thiền là bậc đã chứng Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, hoặc A la hán. Vị chưa chứng A duy việt trí thì chứng A duy việt trí. Các vị ấy tự niệm đạo, thuyết đạo, hành đạo đầy đủ pháp hỷ.

 

PHẨM MƯỜI BẢY

SUỐI AO CÔNG ĐỨC

Hai bên giảng đường có ao suối chảy quanh, ngang dọc sâu cạn bằng nhau, hoặc mười hai mươi hoặc trăm ngàn do tuần, phẳng lặng thơm sạch, nước đủ tám công đức. Trên bờ có vô số cây chiên đàn hương, cây trái cát tường, hoa quả thơm tho, chiếu sáng rực rỡ. Lá dày che khắp trên ao, tỏa ra các mùi thơm, hương thơm thoảng trong gió theo nước bay xa, thế gian không ví được. Các ao bằng bảy báu, đáy bằng cát vàng, các hoa sen ưu bát la, bát đàm ma, câu vật đầu, phân đà lợi, nhiều màu rực rỡ khắp trên mặt nước. Chúng sanh muốn tắm, nếu muốn nước đến chân, đến gối, đến lưng, đến cổ hoặc muốn rưới khắp thân, muốn lạnh, muốn ấm, chảy mạnh hay từ từ, nhất nhất theo ý muốn, giúp phát giác tánh, phá mê khai ngộ, sạch sẽ yên tịnh.

Cát báu dưới đáy phản chiếu khắp nơi, sóng gợn lăn tăn phát ra vô lượng âm thanh vi diệu, nào tiếng Tam Bảo, tiếng Ba la mật, tiếng chỉ tức tịch tịnh, tiếng vô sanh vô diệt, tiếng thập lực vô úy, tiếng vô tánh vô tác vô ngã, tiếng đại từ bi hỷ xả, tiếng cam lộ quán đảnh thọ vị. Khi nghe các âm thanh như vậy tâm liền thanh tịnh không còn phân biệt, chánh trực bình đẳng, thành thục căn lành. Ý muốn nghe pháp nào chỉ có pháp đó phát ra, nếu không muốn nghe nữa liền im lặng, vĩnh viễn không thối tâm Bồ Đề. Những người trong mười phương thế giới được vãng sanh đều hóa sanh từ trong hoa sen ở ao thất bảo, được thân pháp tánh, thể chất bất sanh bất diệt, không còn nghe tên khổ não khổ nạn của tam đồ. Giả dụ còn không có, huống là có khổ. Chỉ có tiếng vui thích tự nhiên, do vậy nước đó gọi là Cực Lạc.

 

PHẨM MƯỜI TÁM

HIẾM CÓ, SIÊU VƯỢT THẾ GIAN

Dung sắc chúng sanh ở nước Cực Lạc lộng lẫy hơn hẳn thế gian, đồng một hình thể không có tướng sai biệt; chỉ vì thuận theo lề lối các phương khác nên có tên Thiên, Nhơn.

Này A Nan! Ví như ở thế gian kẻ nghèo khổ ăn xin, đứng bên đế vương, diện mạo hình trạng há có thể sánh bằng không? Đế vương nếu so với Chuyển luân Thánh vương thì thô bỉ xấu xí như kẻ ăn xin. Chuyển luân Thánh vương oai tướng bậc nhất, nếu so với vua cung trời Đao Lợi lại càng xấu tệ. Trời Đế Thích so với cõi trời thứ sáu thua xa trăm ngàn lần. Cõi trời thứ sáu tuy dung mạo xinh đẹp ngàn vạn lần, làm sao sánh bằng dung sắc của Bồ Tát Thanh văn ở cõi Cực Lạc được.

Đến như cung điện, y phục ẩm thực như là những vật ở cung trời Tha hóa tự tại. Còn như oai đức phẩm vị thần thông biến hóa của họ thì gấp trăm ngàn vạn ức lần hơn tất cả cõi nhơn thiên, không thể tính nổi được.

A Nan nên biết, cõi nước Cực Lạc của Phật Vô Lượng Thọ có công đức trang nghiêm không thể nghĩ bàn như thế.

 

PHẨM MƯỜI CHÍN

THỌ DỤNG ĐẦY ĐỦ

Lại nữa, chúng sanh ở thế giới Cực Lạc, hoặc đã sanh, hoặc đang sanh, hoặc sẽ sanh đều có sắc thân xinh đẹp như vầy: hình dung tướng mạo đoan nghiêm, phước đức vô lượng, trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại, thọ dụng phong túc, cung điện, phục sức, hương hoa, phan cái tất cả đều trang nghiêm, các sự cần dùng đều theo ý muốn. Khi muốn ăn, chén bát bằng bảy báu tự nhiên hiện ra, trăm thứ thức ăn tự nhiên sung mãn, tuy có đồ ăn nhưng không phải ăn, chỉ thấy sắc ngửi hương, ăn bằng ý tưởng. Sắc lực tăng trưởng, không có đại tiểu tiện, thân tâm nhẹ nhàng, không tham luyến hương vị, dùng rồi liền biến mất, đến giờ ăn lại hiện ra. Lại có nhiều y phục báu đẹp, giải mũ áo bằng anh lạc trăm ngàn màu sắc sáng chói vô lượng, tất cả tự nhiên mặc vào thân. Nhà cửa xứng với hình sắc. Lưới báu giăng trên không, linh báu treo khắp, đẹp đẽ lạ lùng, bóng loáng sáng ngời hết sức tráng lệ.

Lầu các lan can, mái hiên điện đường, rộng hẹp vuông tròn, hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc giữa không trung, hoặc trên đất bằng, thanh tịnh yên ổn vi diệu an vui, tùy ý hiện đến đầy đủ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1521)
27 Tháng Chín 2022(Xem: 84076)
Lúc đầu, kinh điển Phật giáo gồm hai bộ chính là “kinh” (sutra) và “luật” (vinaya): “Kinh” ghi lại giáo lý của Đức Phật, “Luật” là những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho hàng tăng nhân tu hành tại các tự viện. Về sau này có thêm những lời chú giải về kinh và luật đó, và được gọi chung là “luận” (abhidharma), kết quả là có ba bộ sách gồm kinh, luật, và luận, tức là “Tam Tạng” (Tripitaka). Dần dần xuất hiện những dị biệt trong những lời giải thích về giáo lý của Đức Phật và giới luật của tự viện; và, điều đó gây ra sự phân rẽ trong cộng đồng Phật giáo, đưa tới sự phân chia thành hai bộ phái chính yếu đó là Thượng Tọa Bộ (Therevada) có tinh thần bảo thủ và Đại Chúng Bộ (mahasamghika) có tinh thần cấp tiến. Mỗi bộ phái có một bộ kinh điển riêng, được coi là chính thức bao gồm những quan điểm của mỗi phái.
16 Tháng Chín 2020(Xem: 6002)
20 Tháng Tám 2018(Xem: 7803)