Tư tưởng phụng sự của đạo Phật trong truyền thống Việt Nam

09 Tháng Giêng 201522:12(Xem: 13546)
Ý NGHĨA ĐỜI SỐNG
Tuyển tập các bài viết của tác gỉa Nguyễn Thế Đăng
Nhà xuất bản: Thiện Tri Thức

TƯ TƯỞNG PHỤNG SỰ CỦA ĐẠO PHẬT 
TRONG TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM


                                                                
Cách hay nhất và độc nhất để có được hạnh phúc là làm cho người khác hạnh phúc. Không ai có thể hạnh phúc khi làm cho người khác đau khổ. Ngay trong phụng sự đã có niềm an vui, và phụng sự càng lớn thì an vui càng lớn. Và ý nghĩa cuộc đời có gì khác hơn là an vui ?

Phụng sự, đó là  sự sống của Phật giáo Đại thừa. Một câu trong kinh Hoa Nghiêm cô đọng tư tưởng này: “ Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”.

Chúng ta thường nghe nhận xét rằng Phật giáo Việt Nam có tính nhập thế tích cực. Tính cách nhập thế này của PGVN cũng xuất phát từ tư tưởng phụng sự, tức là tư tưởng điều động toàn bộ cuộc đời, tất cả thân khẩu ý của một người tu đạo Bồ tát.

Ở một nhà vua Phật tử như Trần Thái Tông, chúng ta thấy tư tưởng này nổi bật. Thời niên thiếu, vua bỏ triều đình lên núi Yên Tử để xin xuất gia. Vua kể lại: “Trẫm tự bảo mình, trên đã không có cha mẹ để tựa nương, dưới lại chẳng xứng với lòng dân mong đợi, biết làm thế nào ?

Suy đi nghĩ lại, không gì hơn là về rừng núi để học hỏi đạo Phật, để hiểu rõ nghĩa lớn của việc sống chết, cùng đền đáp công ơn cha mẹ, thế chẳng tốt hơn sao?

Khi lên núi gặp quốc sư Trúc Lâm, quốc sư bảo rằng: Trong núi không có Phật, Phật ở ngay trong tâm. Tâm lặng mà tỏ biết, gọi là chân Phật. Phàm làm bậc nhân quân, ắt phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng thiên hạ làm tấm lòng  mình. Nay muôn dân muốn đưa bệ hạ về thì bệ hạ không về sao được. Chỉ có điều là việc nghiên cứu kinh Phật, xin bệ hạ đừng chút xao nhãng.

Vì thế, Trẫm cùng mọi người về kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Trong khoảng hơn mười năm, thường đọc kinh Kim Cương, một hôm, đến chỗ “Hãy không chỗ trụ mà sinh tâm”, bỗng nhiên tự ngộ. Bèn viết sách Thiền tông chỉ nam này  theo lời khuyên bảo của quốc sư, để chẳng riêng chỉ dẫn đường mê cho đời sau mà còn muốn mở mang công nghiệp của các thánh nhân thưở trước”.

Muốn lên núi tu với ý phụng sự cha mẹ, rồi trở về làm vua là cũng để phụng sư muôn dân. Cho đến đại ngộ, viết sách cũng là để phụng sự đời sau, tiếp nối đời trước.
Một vị vua khác của  đời Trần là Trần Nhân Tông. Nhà vua cũng có  ý xuất gia từ nhỏ, rồi nghe lời can ngăn của vua cha mà lên ngôi.

 

Trong lần quân Mông Cổ xâm lăng lần thứ 2, vua đã cho triệu tập hội nghị  Diên Hồng để hỏi các ý kiến bô lão toàn quốc nên đánh hay nên hòa. Đây có thể nói là hội nghị có tính cách dân chủ đầu tiên của VN.

Thật sự, vua là một nhà chính trị, quân sự xuất sắc, nhưng trước quyết định sẽ gây tổn thất lớn về sinh mạng cho cả hai bên, vua đã hỏi ý kiến nhân dân. Đó là tư tưởng làm vua để phụng sự nhân dân, không phải ý nghĩ làm vua để giữ ngôi cho mình, bất chấp sinh mạng người khác.

Sự việc vì nhân dân hơn là quyền lực của một dòng tộc càng được thấy rõ khi chiến tranh càng khốc liệt mà chưa thấy có cơ chấm dứt, “vua cha là Trần Thánh Tông đi thuyền nhẹ ra Hải Đông, hỏi Trần Hưng Đạo: Lời xưa truyền rằng nếu đánh nhau để giành đất thì giết người đầy nội. Nay thế giặc như thế, hay là hàng để cứu muôn dân?

Trần Hưng Đạo đã trả lời một câu nổi tiếng: Lời bệ hạ thực là lời của bậc nhân giả. Nhưng đất nước từ ngàn xưa thì sao ? Xin chém đầu thần trước, rồi hãy hàng. Đầu thần còn đây, thì đất nước vẩn còn. Xin bệ hạ đừng lo”.

Tư tưởng phụng sự  này càng nổi bật hơn khi vua Nhân Tông xuất gia giữa triều đình, với hoài bão đem đạo pháp thấm nhuần đất nước. Vua đã đi khắp mọi miền đễ giảng đạo, và qua cả Chiêm Thành đễ mưu tìm một nền hòa bình lâu dài cho hai nước Chiêm – Việt.

Chỉ  kể sơ lược một vài sự kiện trong cuộc  đời hai vị vua Phật tử để thấy rằng cái làm nên sự hiển hách cho cuộc đời hai vị không chỉ là tài trí, đức độ, mà cái chính yếu là sự phụng sự không mệt mỏi cho con người và đất nước.

Ý chí phụng sự này các vị cảm nhận từ đạo Bồ tát, mà một trong những cuốn kinh đầu tiên ở VN là Lục Độ Tập kinh, nói về sáu hạnh của Bồ tát, do Khương Tăng Hội dịch cả ngàn năm trước đó.

Quả thật, có thể nói không lầm rằng các vị vua đời Trần, qua sự tu học và phụng sự của mình, đã là những vị Bồ tát.

Ngày nay trong thế  kỉ này, tư tưởng Đạo pháp và Dân tộc mà  Giáo hội đã xiển dương từ mấy chục năm nay cũng đặt căn bản trên phụng sự. Phụng sự nối liền Đạo pháp và dân tôc, và tùy theo mức độ phụng sự thành công đến đâu thì Dân tộc và Đạo pháp được kết dính và phát huy đến đó.

Chính trong phụng sự mà có chữ Đại trong danh từ Đại Thừa. Chúng ta thấy, sở dĩ các vị theo con đường Bồ tát dùng danh từ Đại thừa, vì các vị cũng đạt đến vô ngã như truyền thống Thượng Tọa Bộ, nhưng trí huệ vô ngã này được đạt đến qua phụng sự, nghĩa là vừa giải thoát cho mình đồng thời giải thoát cho người khác, sự lợi lạc cho chính mình và cho người cùng nằm trong một tiến trình tu hành.

Đạt đến tánh Không vô ngã qua phụng sự là con đường Bồ tát, điều này có thể thấy rõ trong các kinh điển Đại thừa, ví dụ như kinh Kim Cang Bát Nhã.

Và có thể nói rằng càng đạt đến tánh Không vô ngã này bao nhiêu, thì nguyện lực phụng sự càng lớn lao, như lời thệ nguyện của ngài A Nan sau khi thấy rõ tánh Không trong bài công phu sáng: “Tương thử thâm tâm phụng trần sát. Thị tắc danh vi báo Phật ân”. Nguyện đem thân tâm này phụng sự cõi nước nhiều như bụi. Đó mới gọi là báo ơn Phật.

Trí huệ và Đại Bi luôn luôn là hai cột trụ tạo nên Đại thừa. Sự thể hiện ra ở đời của Trí huệ va Đại Bi chính là phụng sự.

Trong truyền thống Việt Nam, tư tưởng phụng sự này luôn được quí trọng. Chúng ta lập đền thờ những vị có công phụng sự đất nước, cả mặt chính trị quân sự lẩn mặt văn học nghệ thuật, cho đến y học, kiến trúc…

Ví dụ tổ của nghề đúc đồng là Thiền sư Nguyễn Minh Không, còn gọi là Lý Quốc sư, được các người làm nghề đồng thờ ở Hà Nội và phường Đúc, Huế.

Dân ta cũng thờ những người có công khai phá những vùng đất mới, lập đền thờ các vị lập ra một ngôi làng. Chùa thì có nơi không chỉ thờ tượng Phật, Bồ Tát mà cả tượng của các bậc có công với lịch sử.

Từ  thời xa xưa huyền sử, các vị có công giúp dân, có những đóng góp trong đời sống vật chất như con vua Hùng Vương đời thứ 6 làm ra bánh dầy bánh chưng, như An Tiêm bị đày ra đảo rồi đem về đất liền giống dưa hấu… đều được dân ta biết ơn nhắc nhở.

Tính cách một vị thần kì như thánh Gióng, từ một em bé vươn vai thành người khổng lồ, phá xong giặc Ân thì cả người và ngựa sắt điều biến lên trời, công thành thì thân biến, chẳng ở lại an hưởng, càng giống với một vị Bồ Tát Phật giáo.

Hoặc như một Thiền sư ở thế kỉ 18 được dân chúng gọi là Tổ Đỉa, đã hiến thân mình cho đỉa để vùng bưng biền bớt đỉa cho dân chúng có thể làm ruộng. Nhờ việc này, vùng ấy ( vùng Thủ Dầu Một) trở thành ruộng lúa phì nhiêu, nhân dân địa phương tôn Ngài là Tổ Đỉa.

Chúng ta thấy những cuộc đời đó gần gũi với hình ảnh một vị Bồ Tát Phật giáo bao nhiêu: trong kinh nói có Bồ tát chuyên làm, tu sửa đường xá, cầu cống, có Bồ tát chuyên về y dược cứu người…Với người ngoại quốc có công, chúng ta cũng không quên như bác sĩ Yersin, Pasteur…

Về mặt tư tưởng, với người Việt Nam, ý nghĩa phụng sự được  đưa lên làm thành ý nghĩa đời sống. Chỉ  kể riêng một người như Nguyễn Công Trứ,  ông hay lập đi lập lại trong các bài thơ phú: Vũ trụ giai phận sự. Trong cõi vũ trụ này, đâu cũng là phận sự của mình. Ở Nguyễn Công Trứ, tư tưởng Đại thừa và Nho giáo kết hợp nhuần nhuyễn làm nên một tính cách cương cường của riêng ông.

Hoặc là tư tưởng Đại nghĩa của Nguyễn Trãi. Cái nghĩa lớn làm cho nhà nhà thái hòa này ( trong bài luận về âm nhạc) quả là không khác với nguyện lớn của Bồ tát. Cuộc đời của Nguyễn Trãi trong nhiều mặt đã chứng minh điều đó.

Có  thể nói, trong thâm sâu của mỗi người Việt Nam, hình ảnh con người lý tưởng, hình ảnh mà những người lỗi lạc của dân tộc muốn trở thành, chính là  hình ảnh của một vị Bồ tát Phật giáo.
Phụng sự là  một giá trị của nhân loại. Con người luôn luôn tôn kính những người dùng cuộc đời mình để phụng sự nhân loại, gọi họ là những bậc vĩ  nhân. Lấy một ví dụ như nhà bác học Albert Einstein. Nhân loại tôn kính ông không chỉ vì ông là nhà vật lý khai phá,  mở đường cho vật lý hiện đại, mà còn vì tính cách giản dị, hiền từ của ông, nhất là cuộc đời ông luôn luôn chuyển động trong một ý hướng phụng sự: phụng sự cho con người, cho sự tiến bộ của con người, cho hòa bình trên trái đất.

Phụng sự làm cho con người có thêm tính chất người hơn, nhân bản hơn, hoàn thiện hơn, và nói theo danh từ Phật giáo, là trở nên gần với sự thành Phật hơn. Cũng phải nói rằng, nhờ có Đại thừa, tư tưởng phụng sự được gom tụ lại, đậm nét mà không tự phát và phân tán, và lấy đó làm nòng cốt, làm sức sống, làm ý nghĩa cho cuộc sống con người.

Có thể có  người cho rằng phụng sự hay thật, nhưng đó chỉ  là một lý tưởng, một lý thuyết có ăn nhập gì với thời buổi thực tế cạnh tranh một mất một còn hiện giờ trong mọi lãnh vực đời sống.

Lý  tưởng nào mà chẳng cao đẹp, chả hay, nhưng nó  có giải quyết được gì trong thời buổi mà  trong thế kỷ trước F. Nietzsche đã từng tiên đoán là thời “Hoàng hôn của những thần tượng”, thời “Đảo ngược của mọi giá trị”?

Còn nhớ cách đây vài năm, trên tờ Tuổi Trẻ chủ nhật có đăng một bài báo của một nhà tư bản vừa là nhà kinh tế học Nhật Bản, đề nghị nên thay đổi thể thức cạnh tranh sát hại đối thủ bằng một phương thức khác, lành mạnh hơn.

Động lực kinh tế không phải là cạnh tranh làm phá sản đối thủ, mà là cùng phát triển. Đó chẳng phải là một lý tưởng, đó là một thực tế vừa có lợi cho người làm kinh tế, vừa có lợi cho chính nền kinh tế, vì không đi vào những cuộc sát phạt lẫn nhau gây khủng hoảng kinh tế.

Chúng ta nhận thấy trong thời đại hiện nay, nạn tham nhũng đầu cơ trục lợi, quan liêu cửa quyền, ỷ mạnh hiếp yếu, nạn bạo lực có trong tất cả các nước, dầu thô thiển hay vi tế.  Những thứ ấy không phải chỉ có mới bây giờ, chúng đã có từ thời thượng cổ và còn tồn tại ngày nào còn có con người.

Chúng luôn luôn hiện diện ở nơi nào con người chưa tiến hóa cao, chưa thăng hoa nổi nhân cách của mình, vì chúng là cái phần bản năng động vật, giết nhau để sống, cá lớn nuốt cá bé, cái gì cũng giành lấy cho mình, bất chấp người khác.

Cuộc đời không được thăng hoa khỏi bản năng động vật thì, nói như kinh điển, rối ren như một cuộn chỉ rối.

Cho nên, đạo Phật không phải là một lý tưởng, mà đạo Phật là  một phương thuốc, như đức Phật đã tự nhận mình là bậc Y vương. Đó không phải là một lý tưởng nhân tạo mà nhân loại phải theo mà đó là phương thuốc mà nhân loại cần phải uống để lành bệnh.

Muốn chấm dứt chiến tranh trên mọi lãnh vực, không phải là kêu gọi lý tưởng hòa bình suông suông, mà mỗi người phải uống lấy món thuốc để chấm dứt chiến tranh trong lòng mình. Biện pháp đề chấm dứt những hỗn loạn, rối ren của đạo Phật thì có rất nhiều. Có thể kể 5 giới làm căn bản: không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không say sưa.

Ý nghĩa của 5 giới này đối với căn bệnh của nhân loại thì rất sâu xa, nói không bao giờ hết. Còn với Đại thừa, biện pháp chữa bệnh của nó là phụng sự.  Ai cũng thấy rằng, trong việc phụng sự người khác, là đã có sự tôn trọng người khác. Và ai cũng thấy rằng, mọi sự hổn loạn trong đời đều do sự không tôn trọng con người, không tôn trọng người khác lẫn chính mình.

Có thể nói vắn  tắt, mọi mặt của đời sống đều được trong sạch hóa và thăng hoa qua phụng sự. Kinh tế đễ phụng sự thì không còn là kinh tế chỉ biết lợi nhuận cho mình còn mặc ai sống chết; chính trị để phụng sự thì đem lại an hòa, khoa học để phụng sự là khoa học giúp con người biết thụ hưởng và biết mình là một đối với vũ trụ…

Phụng sự như hòn đá làm hóa vàng tất cả mọi sự : mọi lãnh vực đều được trong sạch hóa và thăng hoa, và nhờ đó, người ta hiểu được bản chất Phật của mình và của muôn loài chúng sanh.

Phụng sự không là “lý tưởng” hay “đạo đức”gì. Nó rất cụ thể, hiển nhiên, như là một định luật vật lý thông thường. Khi ta làm cho ai vui lòng, thì ta cũng vui. Khi ta thật sự cho ai một cái gì, ngay khi cho là ta đã nhận được một niềm vui. Cái nhân quả đồng thời đó là cái rất cụ thể mà đạo Phật dạy. Đền một cái nhân lớn hơn: khi ta đem đến hạnh phúc cho người khác, thì chính ta đang nhận được hạnh phúc.

Cách hay nhất và độc nhất để có được hạnh phúc là làm cho người khác hạnh phúc. Không ai có thể hạnh phúc khi làm cho người khác đau khổ. Ngay trong phụng sự đã có niềm an vui, và phụng sự càng lớn thì an vui càng lớn. Và ý nghĩa cuộc đời có gì khác hơn là an vui ?

Phụng sự là  cuộc cách mạng đối với mỗi người. Nó là một trường hấp dẫn thu hút mọi sự rối rắm hổn loạn trở thành một trật tự an hòa, mọi sự vô nghĩa tiêu cực thành những ý nghĩa tích cực. Nó là một ý nghĩa rộng lớn vô hạn thâu nhiếp mọi ý nghĩa cuộc đời. Nó là định hướng lớn lao, mà không có định hướng đó tất cả mọi sự cá nhân và xã hội phải rơi vào hỗn loạn và đau khổ.

Định hướng đó nằm trong ý nghĩa hồi hướng của đạo Phật. Và gọi phụng sự là một cuộc cách mạng đổi đời với mỗi cá nhân, vì sự phát khởi của phụng sự cũng chính là sự phát khởi của Bồ đề tâm.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn