Thanh lọc tâm để an lạc

03 Tháng Tư 201915:17(Xem: 8743)
THANH LỌC TÂM ĐỂ AN LẠC 
Thích Trung Hữu

ngoi thien hkst 04
Tăng sinh Tu viện Huyền Không Sơn Thượng đang ngồi thiền

Người ta hay nói đến chữ tu tâm. Điều này rất đúng. Con người hay xã hội có tốt hay xấu đều là do cái tâm có tốt hay xấu mà ra. Tâm xấu thì đưa đến khổ đau, còn tâm tốt thì đưa đến hạnh phúccho mình và người. Cho nên việc thanh lọc tâm là điều cần phải làm đối với những ai muốn có cuộc sống tốt đẹp không chỉ cho mình mà còn cho người khác. Sau đây là một số lời dạy của Đức Phật về những cấu uế của tâm cần được thanh lọc để có cuộc sống an lạc.


Trong kinh Trung bộĐức Phật dạy có hai nguyên nhân chính có thể dẫn tới đau khổ cũng như gây ra chiến tranh và xung đột, đó là tham ái và đam mê khoái lạc giác quanTham ái và khoái lạc giác quan thật ra là những nhu cầu bình thường của con ngườituy nhiên nếu chúng ta cứ chạy theo chúng mà không biết dừng lại, thậm chí vì chúng mà tạo ác nghiệp thì cái khổ liền đến ngay lập tức. Ví dụ ta thương yêu người thân của mình là điều tốt nhưng thương đến nỗi không muốn rời xa hay vì người thân mà bất chấp đạo lý thì không còn tốt nữa.

Đối với ngũ dục lạc cũng vậy, nếu ta biết thưởng thức thì ta có an lạc và hạnh phúc. Nhưng nếu ta lạm dụngchạy theo chúng không biết dừng thì hậu quả đau khổ không thể nào tránh khỏiĐơn giản như việc uống cà-phê. Nếu ta thưởng thức vừa phải thì cà-phê rất tốt cho sức khỏe và tâm trí. Cà-phê có thể làm cho tâm hồn ta thăng hoa và sáng tạo. Nhưng nếu ta uống quá nhiều thì cơ thể sẽ bị nóng với những biểu hiện như táo bón, nổi mụn. 

Để thỏa mãn ham muốn của mình, con người ra sức gom góp của cải, do vậy dẫn đến sự tranh giànhgiữa người này với người kia, nhóm này với nhóm nọ và nước này với nước khác. Đức Phật dạy rằng nếu con người có khả năng làm chủ các giác quan và loại trừ tham ái thì sẽ không có chuyện đấu tranh hay hãm hại kẻ khác, cũng không có chuyện ức hiếp hay lạm dụngtrộm cắp hay tước đoạt tài sản của kẻ khác. Đức Phật khuyên chúng ta nên nghĩ đến sự phù du của vật chất và sự vô thường các khoái lạc giác quan để giảm bớt sự ham muốn cũng như có thể thoát ra ngoài những cuộc tranh giành khốc liệt.

Ganh tỵ và bủn xỉn cũng là những hạt giống tâm thức xấu cần phải loại trừ. Trong kinh Đế Thích sở vấn (Kinh Trường bộ), vua trời Đế Thích đến hỏi Phật rằng, các vị trời và loài người luôn luôn muốn sống hài hòa với nhau nhưng tại sao họ cứ phải gây gổ và đấu tranh với nhau không dứt? Đức Phật giải thích rằng đó là do họ chưa bỏ được tâm ganh tỵ và bủn xỉnTâm lý muốn vơ vét nhưng lại không chịu đựng được khi thấy người khác hơn mình chính là nguyên nhân trực tiếp làm cho họ không thể sống hài hòa với nhau.

Truyện kể rằng có hai anh hàng xóm cùng nuôi heo. Heo của anh A thì khỏe mạnh và lớn nhanh như thổi. Còn heo của anh B thì ốm yếu và chậm lớn. Anh B vì vậy rất buồn và ngồi khóc. Bụt liền hiện đến hỏi “Vì sao con khóc?”. Anh B vừa khóc vừa kể cho Bụt nghe hoàn cảnh của mình. Bụt nói chuyện đó có gì khó. Bụt sẽ làm cho con heo của anh cũng khỏe mạnh và mau lớn như heo của anh bạn hàng xóm. Nhưng anh B lắc đầu không chịu. Bụt hỏi vậy anh muốn sao? Anh trả lời rằng anh không cần con heo của anh mau lớn mà chỉ cần Bụt làm cho con heo bên nhà hàng xóm chết đi là được. Tất nhiên đây chỉ là truyện ngụ ngôn nhưng nó phản ánh đúng tâm ganh tỵ của đa số chúng ta. Đó là thích thấy người khác thất bại chứ không muốn cùng nhau phát triển.

Hiếu chiến và kiêu căng cũng là nguyên nhân dẫn đến đau khổ cho mình và người khác. Có một số người cho rằng bản thân họ, tôn giáo họ hay dân tộc họ là cao quý nhất, còn những người khác, tôn giáo khác, dân tộc khác thì thấp kém hơn. Nhiều cuộc xung đột xã hội, đấu tranh vũ trang nổi lên đôi khi không phải do nhu cầu vật chất mà là do sự kiêu căng ngạo mạn, muốn người khác phải phục tùng mình, muốn làm bá chủ võ lâm. Một thanh niên giương cây súng hơi để bắn chết con chim đang hót không phải vì anh cần thịt mà chỉ vì muốn khẳng định bản thân, rằng anh ta có khả năng làm việc đó. Một số người tạo ra những cuộc chiến tranh tàn khốc chỉ để bảo vệ sự kiêu căng và tham vọng của họ. Đức Phật khuyên người Phật tử nên loại trừ sự kiêu căng như thế ra khỏi tâm mình.

Thông thường, người ta hay đổ lỗi hoặc quy trách nhiệm cho kẻ khác mà không thấy lỗi và trách nhiệmcủa mình. Và đó cũng chính là nguyên nhân của mọi xung độtĐức Phật khuyên chúng ta nên xác định trách nhiệm của mình và đối xử tốt với người khác. 

Chuyện kể rằng có hai gia đình nọ nhà gần nhau. Một gia đình thì quanh năm gây gổ, còn gia đình kia thì luôn luôn hòa thuận. Một hôm người trong gia đình gây gổ hỏi hàng xóm mình rằng tại sao nhà anh được hòa thuận như vậy. Người kia trả lời rằng tại vì mọi người trong gia đình tôi ai cũng có lỗi. Anh kia ngạc nhiên không hiểu thì được giải thích rằng: Vì trong nhà tôi ai cũng biết nhận lỗi về mình nên mọi người được sống hòa thuận với nhau như vậy.

Đức Phật luôn khuyên chúng ta hãy trải lòng từ, thậm chí đối với kẻ thù. Trong kinh Ví dụ cái cưa (KinhTrung bộ)Đức Phật đã khen ngợi tính kiên nhẫn của một vị Tăng khi vị này đã trải lòng từ cho những tên cướp dù chúng đã cắt đi một phần cơ thể của mình và làm cho vị ấy đau đớn đến chết. Nếu mình muốn chinh phục, chiến thắng thì hãy chinh phục và chiến thắng những ô nhiễm của chính bản thân mình trước, thay vì kẻ khác. Sự tranh giành hơn thua chỉ đem lại khổ đau cho cả hai phía. 

Trong kinh Pháp cú, Đức Phật dạy rằng: “Kẻ thắng thì bị thù ghét, người thua thì sống trong đau buồn”. Ngài cũng dạy rằng chiến thắng được dục vọng của mình thì vĩ đại hơn là thắng ngàn kẻ thù bên ngoài. Còn kinh Cullabodhi Jataka (Kinh Tiểu bộthì nói rằng, chính lòng hận thù và ý muốn trả thù đã tiêu diệtcuộc sống con người. Cũng như hai cây gậy đập vào nhau, lửa tóe ra tiêu diệt cả hai cây.

Rõ ràng trong xã hội ngày nay, kinh tế càng phát triển nhưng con người thì lại càng khổ đau. Đó là vì chúng ta chỉ lo chạy theo vật chất và những danh vọng phù phiếm, ngỡ rằng những thứ này sẽ làm cho ta hạnh phúc. Nhưng thật ra, chúng ta cũng như nhân loại sẽ không bao giờ có hạnh phúc khi mà trong tâm chúng ta chứa đầy những tính xấu như tham lam, thù hận, kiêu căng hay ganh tỵ. Còn cái mà con người ngỡ là hạnh phúc đó, theo Đức Phật, chỉ là cảm giác đã ngứa của người bị bệnh lác hay bệnh cùi khi họ gãi hay hơ lửa mà thôi. Đó là cái hạnh phúc giả. Sau khi gãi xong thì người bệnh lác bị ngứa trở lại còn bệnh cùi thì lở loét thêm. Nếu chúng ta không nhận ra và loại trừ những cấu uế này ra khỏi tâm mình thì chúng ta đang tiêu diệt bản thân mình và thế giới xung quanh. Ngược lại nếu tâm ta được thanh lọc làm cho trong sạch thì hạnh phúc thật sự sẽ đến ngay.

Trong xã hội từ xưa đến nay thật sự không có trường hợp người làm ác mà có hạnh phúc trọn vẹn. Họ không sợ cái này thì cũng lo lắng cái kia. Tâm họ luôn luôn bất an vì sợ cái kết quả xấu sẽ đến với họ do hành vi ác mà họ đã gây cho người khác. Đức Phật là một người hạnh phúc, không phải vì Ngài có địa vị cao hay tiền bạc nhiều mà là vì tâm Ngài trong sạch. Ngài đã đạt Niết-bàn, một trạng thái thánh thiệnvà bình yên nhất. 
Khi Đức Phật còn là một vương tử trẻ, Ngài đã nhàm chán nhục dục cũng như từ bỏ con đường mà có thể dẫn đến chiến tranh và xung đột để đi tìm con đường có thể đem đến hạnh phúc tối cao cho tất cả chúng sanh. Ngài đã thanh lọc hết những cấu uế của tâm thức nên không bao giờ khởi lên ý niệm ích kỷlợi mình, hại người. 
Theo gương Đức Phật, người Phật tử đề cao lối sống đạo đức. Đối với bản thân, họ tìm an lạc và hạnh phúc trong sự thanh lọc tâm hồn. Còn đối với xã hội, họ không bao giờ làm hại người khác, xâm chiếm hay tước đoạt của ai bất cứ thứ gì. Một người có an lạc và hạnh phúc thật sự sẽ không bao giờ có nhu cầu não hại người khác, làm khổ đau cho người khác.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn