Kinh Lợi Dưỡng

09 Tháng Sáu 201409:49(Xem: 8007)
利養品法句經第三十三
KINH LỢI DƯỠNG
Dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán tạng
Kinh thứ 33

blankPhẩm này có 20 bài kệ. Phẩm này không có trong bản Pháp Cú tiếng Pali. Trong Xuất Diệu Kinh (Đại Chánh 212), phẩm này là phẩm thứ 14, và trong Pháp Tập Yếu Tụng Kinh (Đại Chánh 213) phẩm này là phẩm thứ 13.

Lợi dưỡng ở đây là sự hưởng thụ tiện nghi. Người tu phải để hết thì giờ và tâm lực để tìm cầu giải thoát, chứ không phải để chạy theo lợi dưỡng. Hai mươi bài kệ trong kinh này là hai mươi tiếng chuông chánh niệm cho người xuất gia. Bài kệ thứ 20 dạy: thà nuốt viên sắt cháy, thà uống nước đồng sôi, còn hơn là phá giới mà cứ tiếp tục tiếp nhận của tín thí cúng dường. Tăng đoàn xuất gia phải được tổ chức và giáo hóa cho hết lòng và khéo léo mới tránh được sự hư hỏng của người xuất gia, dù lớn tuổi hay còn nhỏ tuổi.

Bài kệ 1

Ba tiêu dĩ thật tử 芭 蕉 以 實 死

Trúc lô thật diệc nhiên 竹 蘆 實 亦 然

Cự lư tọa nhâm tử 詎 驉 坐 妊 死

Sĩ dĩ tham tự tang 士 以 貪 自 喪

Cây chuối có hoa có trái rồi chết, cây tre và cây lau có hoa rồi cũng chết, con lừa có thai cũng chết. Con người vì tham lam cũng tự chôn mình.

Bài kệ 2

Như thị tham vô lợi 如 是 貪 無 利

Đương tri tùng si sanh 當 知 從 癡 生

Ngu vi thử hại hiền 愚 為 此 害 賢

Thủ lãnh phần vu địa 首 領 分 于 地

Tham như vậy là thực sự không có lợi ích. Cái tham do cái si sinh ra. Người u mê vì tham lam mà đang tâm làm hại người hiền. Cả đến các vị thủ lĩnh cũng đã phải rơi rụng như thế.

Bài kệ 3

Thiên vũ thất bảo 天 雨 七 寶

Dục do vô yếm 欲 猶 無 厭

Lạc thiểu khổ đa 樂 少 苦 多

Giác giả vi hiền 覺 者 為 賢

Dù trời có rơi mưa thất bảo xuống thì cái ham muốn của con người cũng không thỏa mãn. Cái vui ít mà cái khổ thì nhiều, biết được như thế thì có thể trở thành bậc hiền nhân.

Bài kệ 4

Tuy hữu thiên dục 雖 有 天 欲

Tuệ xả vô tham 慧 捨 無 貪

Lạc ly ân ái 樂 離 恩 愛

Vi Phật đệ tử 為 佛 弟 子

Tuy có những cõi trời ở dục giới, nhưng người có trí tuệ vẫn biết buông bỏ mà không ham sinh lên. Biết vui cái vui của sự xa lìa ân ái, đó mới là đệ tử của Bụt.

Bài kệ 5

Viễn đạo thuận tà 遠 道 順 邪

Tham dưỡng Tỳ-kheo 貪 養 比 丘

Chỉ hữu san ý 止 有 慳 意

Dĩ cung bỉ tính 以 供 彼 姓

Đi theo hướng tà, tham đắm lợi dưỡng, chỉ có ý mong cầu được người ta cúng dường cho mình, vị Tỳ-khưu dần dần bỏ xa con đường đạo.

Bài kệ 6

Vật y thử dưỡng 勿 猗 此 養

Vi gia xả tội 為 家 捨 罪

Thử phi chí ý 此 非 至 意

Dụng dụng hà ích 用 用 何 益

Đừng vì phẩm vật cúng dường mà làm lễ cầu an xả tội cho người tại gia. Làm như thế không đúng đạo pháp và không đem lại lợi ích nào cho cả hai phía.

Bài kệ 7

Ngu vi ngu kế 愚 為 愚 計

Dục mạn dụng tăng 欲 慢 用 增

Dị tai thất lợi 異 哉 失 利

Nê hoàn bất đồng 泥 洹 不 同

Những kẻ si mê thì tính toán một cách u mê, do đó cái tham dục và cái kiêu mạn càng ngày càng tăng. Tính toán như vậy thì thật là lạ quá, bởi vì làm như thế thì lợi ích chân thực cũng không đạt được mà Niết Bàn cũng trở nên xa vời.

Bài kệ 8-9

Đế tri thị giả 諦 知 是 者

Tỳ-kheo Phật tử 比 丘 佛 子

Bất lạc lợi dưỡng 不 樂 利 養

Nhàn cư khước ý 閑 居 却 意

Tự đắc bất thị 自 得 不 恃

Bất tòng tha vọng 不 從 他 望

Vọng bỉ Tỳ-kheo 望 彼 比 丘

Bất chí chánh định 不 至 正 定

Người thấy được sự thực đó mới là một vị Tỳ-khưu đích thực, đệ tử của Bụt. Người ấy không tìm cái vui nơi sự tìm cầu lợi dưỡng; trái lại, biết sống thong dong một mình, dẹp bỏ dục ý, tự mình là mình, không nhờ cậy ai, cũng không mong cầu cái gì từ một kẻ khác. Một vị Tỳ-khưu mà cứ trông cầu nơi người khác thì không bao giờ đạt được chánh định.

Bài kệ 10

Phu dục an mạng 夫 欲 安 命

Tức tâm tự tỉnh 息 心 自 省

Bất tri kế số 不 知 計 數

Y phục ẩm thực 衣 服 飲 食

Nếu muốn an tâm lập mạng phải biết tự tỉnh, làm lắng dịu tâm ý, đừng quá lo lắng về chuyện ăn uống và y phục.

Bài kệ 11

Phu dục an mạng 夫 欲 安 命

Tức tâm tự tỉnh 息 心 自 省

Thủ đắc tri túc 取 得 知 足

Thủ hành nhất pháp 守 行 一 法

Nếu muốn an tâm lập mạng phải biết tự tỉnh, làm lắng dịu tâm ý, biết tri túc khi tiếp nhận cúng dường, quyết tâm bảo hộ và hành trì một phép tri túc ấy.

Bài kệ 12

Phu dục an mạng 夫 欲 安 命

Tức tâm tự tỉnh 息 心 自 省

Như thử tạng huyệt 如 鼠 藏 穴

Tiềm ẩn tập giáo 潛 隱 習 教

Nếu muốn an tâm lập mạng, thì phải như con chuột đất ẩn mình trong hang để chuyên lo thực tập.

Bài kệ 13

Ước lợi ước nhĩ 約 利 約 耳

Phụng giới tư tánh 奉 戒 思 惟

Vi tuệ sở xưng 為 慧 所 稱

Thanh cát vật đãi 清 吉 勿 怠

Đừng thọ dụng nhiều, đừng nghe và nói chuyện thế gian, phải sử dụng thì giờ mà thực tập giới luật và thiền định. Đừng có lười biếng thì mới xứng đáng với đời sống phạm hạnh và mới có cơ hội đạt được tuệ giác.

Bài kệ 14

Như hữu tam minh 如 有 三 明

Giải thoát vô lậu 解 脫 無 漏

Quả trí tiên thức 寡 智 鮮 識

Vô sở ức niệm 無 所 憶 念

Phải nuôi ý đạt cho được tam minh và đi đến quả vị giải thoát vô lậu. Nếu kiến thức hẹp hòi và trí tuệ thô lậu thì sẽ không ghi nhớ được những gì mình học hỏi.

Bài kệ 15

Kỳ ư thực ẩm 其 於 食 飲

Tùng nhân đắc lợi 從 人 得 利

Nhi hữu ác pháp 而 有 惡 法

Tùng cúng dường tật 從 供 養 嫉

Những kẻ chỉ vì ẩm thực, chỉ đi theo người để tìm cầu lợi dưỡng sẽ làm phát sinh ra nhiều điều xấu. Bởi vì cái ganh ghét cũng được phát sinh từ sự tranh giành lợi dưỡng.

Bài kệ 16

Đa kết oán lợi 多 結 怨 利

Cường phục pháp y 強 服 法 衣

Đãn vọng ẩm thực 但 望 飲 食

Bất phụng Phật giáo 不 奉 佛 教

Tranh giành, tìm cầu lợi dưỡng tạo thành nhiều oán hận. Khoác chiếc pháp y mà chỉ cầu chuyện lợi dưỡng thì không thể nào nói rằng mình đang phụng hành theo lời Bụt dạy.

Bài kệ 17

Đương tri thị quá 當 知 是 過

Dưỡng vi đại úy 養 為 大 畏

Quả thủ vô ưu 寡 取 無 憂

Tỳ-kheo thích tâm 比 丘 釋 心

Phải biết hành xử như thế là một lỗi lầm rất lớn, phải biết sợ hãi khi thấy có người hành xử như thế. Vị Tỳ-khưu chỉ cần tiếp nhận phẩm vật cúng dường một cách chừng mực, do đó mà luôn luôn được mãn ý và đạt tới vô ưu.

Bài kệ 18

Phi thực mạng bất tế 非 食 命 不 濟

Thục năng bất sủy thực 孰 能 不 揣 食

Phu lập thực vi tiên 夫 立 食 為 先

Tri thị bất nghi tật 知 是 不 宜 嫉

Đã đành rằng không có thức ăn thì không có sinh mạng, ai cũng cần phải ăn mới sống. Dù phải công nhận nguyên tắc “dĩ thực vi tiên”, nhưng nếu ta biết thực hành phép tri túc thì không bao giờ còn có xảy ra sự ganh ghét.

Bài kệ 19

Tật tiên sang kỷ 嫉 先 創 己

Nhiên hậu sang nhân 然 後 創 人

Kích nhân đắc kích 擊 人 得 擊

Thị bất đắc trừ 是 不 得 除

Cái ganh ghét hại ta trước rồi lại hại người. Đánh người thì bị người đánh, điều đó bao giờ cũng đúng.

Bài kệ 20

Ninh đạm thiêu thạch 寧 噉 燒 石

Thôn ẩm dương đồng 吞 飲 洋 銅

Bất dĩ vô giới 不 以 無 戒

Thực nhân tín thí 食 人 信 施

Thà nuốt viên sắt cháy, thà uống nước đồng sôi, còn hơn phá giới mà cứ tiếp nhận của tín thí cúng dường

(Nguồn: Làng Mai)



Hai bản văn kinh liên quan đến bài kinh trên:



KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán Dịch: Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà
Việt dịch: Thích Đức Thắng - Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ
(PL.2549 - 2005 sửa chữa và bổ sung)

BA PHÁP

23. PHẨM ĐỊA CHỦ

KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại Ca-lan-đà, trong vườn Trúc, thành La-duyệt, cùng với năm trăm Tỳ-kheo.

Bấy giờ vua A-xà-thế thường xuyên cung cấp cho Đề-bà-đạt-đâu năm trăm chõ cơm. Lúc đó, Đề-bà-đạt-đâu danh vang bốn phương, giới đức trọn vẹn, danh xưng đầy đủ, mới có thể khiến cho vua hằng ngày đến cúng dường.

Khi các Tỳ-kheo nghe Đề-bà-đạt-đâu đã được lợi dưỡng này, họ đến bạch Thế Tôn:

“Nhân dân trong nước ca ngợi Đề-bà-đạt-đâu nổi tiếng khắp nơi, mới khiến cho vua A-xà-thế thường xuyên đến cúng dường.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo các ngươi chớ ôm lòng ham muốn lợi dưỡng của Đề-bà-đạt-đâu này. Vì sao vậy? Vì Đề-bà-đạt-đâu là người ngu gây ra ba sự này, các hành vi của thân, miệng, ý, nhưng không hề kinh sợ, cũng không sợ hãi. Như Đề-bà-đạt-đa hiện nay là người ngu nên tiêu hết các công đức thiện. Như bắt chó dữ mà đánh vào mũi nó, càng làm nó hung dữ thêm. Người ngu Đề-bà-đạt-đâu cũng như [614a] vậy, nhận lợi dưỡng này liền nổi lên cống cao. Cho nên, này các Tỳ-kheo, cũng đừng khởi lên ý tưởng đắm trước lợi dưỡng. Tỳ-kheo nào đắm trước lợi dưỡng thì không được ba pháp. Ba pháp gì? Đó là không thành tựu giới Hiền Thánh, tam-muội Hiền Thánh, trí huệ Hiền Thánh. Tỳ-kheo nào không đắm vào lợi dưỡng thì sẽ được ba pháp. Ba pháp gì? Đó là thành tựu giới Hiền Thánh, tam-muội Hiền Thánh, trí huệ Hiền Thánh. Nếu thành tựu được ba pháp nầy sẽ phát thiện tâm, không đắm vào lợi dưỡng.

“Này các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy”.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

http://dieungu.org/p13273a31622/3/ba-phap


Đại Tạng Kinh Việt Nam
KINH TƯƠNG ƯNG BỘ
Samyutta Nikàya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt - Phật Lịch 2537 - 1993

TẬP II - THIÊN NHÂN DUYÊN

[17] Chương VI
Tương Ưng Lợi Đắc Cung Kính

I. Phẩm Thứ Nhất

V. Trùng Phẩn (Tạp, Đại 2, 346a) (S.ii,228)

1) ... Tại Sàvatthi.

2) -- Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

3) Ví như, này các Tỷ-kheo, một con trùng phẩn, ăn phân, đầy những phân, tràn ngập những phân, và trước mặt có một đống phân lớn.

4) Nó khinh miệt các con trùng phẩn khác và nói: "Ta ăn phân, đầy những phân, tràn ngập những phân, và trước mặt ta, có đống phân lớn này".

5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có Tỷ-kheo bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm bị xâm chiếm, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào làng hay thị trấn để khất thực. Vị ấy tại đây đã ăn uống no đủ, lại được mời vào ngày mai, và bình bát của vị ấy được tràn đầy.

6) Vị ấy đi đến ngôi vườn (tịnh xá) và giữa chúng Tỷ-kheo khoe khoang như sau: "Ta ăn uống no đủ, lại được mời vào ngày mai, và bình bát này của ta tràn đầy. Ta nhận được các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bịnh. Nhưng các Tỷ-kheo khác công đức ít, ảnh hưởng ít, không nhận được các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh".

7) Vị ấy bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm bị xâm chiếm, khinh miệt các Tỷ-kheo chánh hạnh khác. Này các Tỷ-kheo, như vậy sẽ đem lại bất hạnh, đau khổ lâu dài cho kẻ ngu si ấy.

8) Như vậy khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...

9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

http://dieungu.org/p13272a23595/2/17-chuong-vi-tuong-ung-loi-dac-cung-kinh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Mười Một 2014(Xem: 14780)
Gần đây, thầy Nhất Hạnh đã dịch lại Tâm kinh Bát-nhã. Trang Làng Mai có đăng tải bản dịch mới, kèm theo những giải thích của thầy về việc phải dịch lại Tâm kinh. Rất nhiều trang mạng đã đăng tải bản dịch mới này, trong đó có cả Thư viện Hoa Sen. Bên dưới bài đăng ở Thư viện Hoa Sen có nhiều nhận xét của người đọc để lại, cho thấy khá nhiều ý kiến trái chiều nhau quan tâm đến việc này.
24 Tháng Mười 2014(Xem: 11884)
Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh (phiên latinh từ Phạn ngữ: Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra,Prajnaparamitahridaya Sutra; Anh ngữ: Heart of Perfect Wisdom Sutra, tiếng Hoa: 般若波羅蜜多心經; âmHán Việt: Bát nhã ba la mật đa tâm kinh) còn được gọi là Bát-nhã tâm kinh, hay Tâm Kinh. Đây là kinh ngắn nhất chỉ có khoảng 260 chữ của Phật giáo Đại thừa và Thiền tông. Nó cũng là kinh tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn. Dưới đây là sáu bản dịch Việt từ sáu bản dịch tiếng Trung khác nhau:
10 Tháng Mười 2014(Xem: 12396)
Viên giác là nói về tuệ giác viên mãn của Phật. Nên kinh này rõ ràng duyệt xét khá kỹ về trí thức con người. Điều kỳ dị trong việc này là đối với trí thức ấy không công nhận mà có vẻ công nhận. Thí dụ chương Tịnh chư nghiệp chướng nói về sự tự ý thức tự ngã: tự biết mới hiện ra tự ngã, vậy là không công nhận, nhưng tự hiểu như vậy nên cũng hiểu tự ngã ấy không đáng nhận, vậy là có vẻ công nhận.
19 Tháng Chín 2014(Xem: 12080)
Kinh Hiền Ngu thuộc bộ phận “Thí dụ” hoặc “Nhân duyên”, là một trong mười hai phần giáo của Kinh điển. Nội dung kinh này gồm những mẩu chuyện ghi chếp về tiền thân của đức Phật ở đời quá khứ có liên hệ với hiện tại, hoặc ở đời hiện tại có liên hệ với quá khứ, cũng là những chuyện được Phật hóa độ, Phật thụ ký, và những chuyện khuyến thiện trừng ác… Về kỹ thuật thuyết minh, chuyện dựa trên căn bản nhân duyên hoặc thí dụ, thiện nghiệp và ác nghiệp. Căn cứ vào những phần tướng của thiện và ác nên mới có hiền và ngu. Vì vậy nên tên kinh gọi là Hiền Ngu, nay gọi tắt là “Kinh Hiền”
14 Tháng Chín 2014(Xem: 12055)
(Bản dịch Tâm Kinh mới của Sư Ông Làng Mai)....Tâm kinh Bát-nhã có chủ ý muốn giúp cho Hữu Bộ (Sarvāstivāda) buông bỏ chủ trương ngã không pháp hữu (không có ngã, mà chỉ có pháp). Chủ trương sâu sắc của Bát-nhã thật ra là để xiển dương tuệ giác ngã không (ātma sūnyatā) và pháp không (dharma sūnyatā) chứ không phải là ngã vô và pháp vô. Bụt đã dạy trong kinh Kātyāyana rằng phần lớn người đời đều bị kẹt vào ý niệm hữu hoặc vô. ...
01 Tháng Tám 2014(Xem: 7948)
01 Tháng Bảy 2014(Xem: 8511)
29 Tháng Sáu 2014(Xem: 9123)
12 Tháng Sáu 2014(Xem: 10134)
Dhammapada là giáo nghĩa thiết yếu của các kinh. Dhamma là pháp, Pada là câu, là cú, là kệ. Pháp Cú có nhiều bộ khác nhau: có bộ có 900 câu kệ, có bộ 700 câu, và có bộ 500 câu. Kệ là những lời ngắn gọn, như bài thơ, bài tụng. Những câu ấy do Bụt nói ra, không phải một lần tất cả các câu, mà chỉ khi nào xúc sự thì mới nói lên một câu. Tất cả các câu ấy đều có gốc gác rải rác trong các kinh.