Phẩm Thứ Iii: Nghi Vấn

28 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 28438)

PHÁP BẢO ĐÀN KINH
Tác gỉa Đòan Trung Còn
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải - Nguyễn Minh Hiển hiệu đính Hán văn
Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2009

PHẨM THỨ III: NGHI VẤN


Một ngày kia, Vi Thứ sử thiết lập hội trai cúng dường Sư. Thọ trai xong, Thứ sử thỉnh Sư lên tòa, rồi cùng các vị quan liêu và sĩ thứ nghiêm trang lễ bái mà thưa hỏi rằng: “Đệ tử nghe Hòa thượng thuyết pháp, thật chẳng thể nghĩ bàn. Nay có chút lòng nghi, xin Hòa thượng đại từ bi vì chúng đệ tử mà giảng giải.”

Sư nói: “Có điều nghi cứ hỏi, ta sẽ giảng thuyết cho.”

Vi công thưa: “Giáo thuyết của Hòa thượng có phải là tông chỉ của Đạt-ma Đại sư chăng?” Sư đáp: “Đúng vậy.”

Vi công nói: “Đệ tử nghe chuyện Đạt-ma thuở xưa giáo hóa cho Lương Võ Đế. Vua hỏi: ‘Một đời trẫm cất chùa, cúng dường tăng, bố thí, làm chay, có công đức gì không?’ Đạt-ma đáp: ‘Thật không công đức gì.’ Đệ tử chưa hiểu lẽ ấy, xin Hòa thượng giảng giải cho.”

Sư đáp: “Thật không có công đức. Đừng nghi ngờ lời của bậc Thánh đời trước. Võ Đế lòng mê, chẳng rõ pháp chánh. Cất chùa, cúng dường tăng, bố thí, làm chay, gọi là cầu phước. Không thể lấy phước ấy mà xem là công đức. Công đức ở nơi Pháp thân, chẳng phải ở sự tu phước.”

Sư lại nói: “Thấy tánh là công, bình đẳng là đức. Mỗi niệm tưởng không ngăn ngại, thường thấy bản tánh, chân thật diệu dụng, gọi là công đức. Trong lòng khiêm nhượng là công, việc làm theo lễ là đức. Tự tánh sanh ra muôn pháp là công, tâm lìa vọng niệm là đức. Chẳng rời tự tánh là công, ứng dụng mà không đắm nhiễm là đức. Muốn tìm Pháp thân công đức, cứ nương theo đó mà làm, ấy là công đức chân thật. Nếu người tu công đức thì lòng chẳng khinh mạn, thường cung kính hết thảy. Lòng hay khinh người, tánh tự tôn chẳng dứt là tự mình không có công, tánh hư vọng chẳng thật là tự mình không có đức. Vì tánh tự đại tự tôn, nên thường khinh hết thảy.

“Các vị thiện tri thức! Chánh niệm không gián đoạn là công; trong tâm công bình, chánh trực là đức. Tự tu tánh mình là công, tự tu thân là đức.

“Các vị thiện tri thức! Công đức nên nhìn từ trong tự tánh, không phải do bố thí, cúng dường mà cầu được. Bởi vậy, phước đức với công đức khác nhau. Võ Đế chẳng biết chân lý, không phải lỗi nơi Tổ Sư ta.”

Quan Thứ sử lại hỏi: “Đệ tử thường thấy người xuất gia, tại gia niệm Phật A-di-đà, cầu sanh Tây phương. Xin Hòa thượng vì trừ chỗ nghi ngờ mà giảng cho việc có được sanh về nơi ấy hay không.”

Sư nói: “Sứ quân hãy lắng nghe Huệ Năng giảng giải việc ấy. Đức Thế Tôn nơi thành Xá-vệ thuyết việc sanh về Tây phương, Kinh nói rõ ràng đến đó không xa. Nếu theo cách nói về hình tướng, thì số dặm là qua mười muôn ức cõi, chính là nói mười điều ác ngăn trở trong thân người, nên nói là xa. Nói xa, là với những kẻ căn cơ thấp kém. Nói gần, là với những bậc thượng trí.

“Người có hai loại, pháp không hai đường. Mê, ngộ khác nhau, chỗ hiểu biết có mau, chậm. Người mê niệm Phật cầu sanh Tây phương, người ngộ chỉ tự làm tâm tịnh. Cho nên Phật nói: ‘Tùy tâm mình tịnh, tức cõi Phật tịnh.’ Sứ quân! Người phương Đông, chỉ cần tâm tịnh tức là không có tội. Dù là người phương Tây Phương Đông là chỉ cõi Ta-bà này, phương Tây là chỉ cõi Cực Lạc của Phật A-di-đà. mà tâm chẳng tịnh cũng có lỗi. Người phương Đông tạo tội, niệm Phật cầu sanh phương Tây. Người phương Tây tạo tội, biết niệm Phật cầu sanh cõi nào? Người ngu chẳng hiểu tự tánh, không biết có cõi Tịnh độ trong thân, mới nguyện Đông, nguyện Tây. Người ngộ dù ở đâu cũng vậy. Cho nên Phật nói: ‘Tùy chỗ mình ở mà thường an vui.’ Sứ quân! Chỉ cần tâm thiện thì Tây phương chẳng xa. Nếu giữ hoài tâm bất thiện, niệm Phật cũng khó vãng sanh.

“Nay khuyên các vị thiện tri thức: Trước trừ mười điều ác, tức là qua được mười muôn cõi nước, trừ được mười sự ác chướng ngăn che. Mỗi niệm thường thấy tánh, thường làm chuyện công bằng, chánh trực, thì đến nơi như búng móng tay, liền thấy Phật Di-đà. Sứ quân! Chỉ cần làm mười điều lành, cần gì phải nguyện vãng sanh? Nếu tâm chẳng dứt mười điều ác, Phật nào đến rước? Nếu ngộ pháp Vô sanh Đốn giáo, thì thấy Tây phương ngay trong giây lát. Chẳng ngộ, niệm Phật cầu sanh, đường xa làm sao mà đến? Huệ Năng sẽ vì chư vị, dời Tây phương về trước mắt trong giây lát. Mọi người muốn thấy hay chăng?”

Mọi người đều đảnh lễ, bạch rằng: “Nếu tại đây được thấy, cần chi phải nguyện vãng sanh. Xin Hòa thượng từ bi hiện cõi Tây phương cho chúng tôi được thấy.”

Sư nói: “Này đại chúng! Người đời, sắc thân là thành quách, mắt, tai, mũi, lưỡi đều là cửa. Ngoài có năm cửa, trong có cửa ý. Tâm là cõi đất, tánh là vua. Vua ở trên đất tâm. Tánh còn thì vua còn, tánh đi thì vua mất. Tánh còn thì thân tâm còn, tánh đi thì thân tâm hoại. Phật do trong tánh khởi lên, đừng cầu tìm ở bên ngoài.

“Tự tánh ngu mê là chúng sanh, tự tánh giác ngộ là Phật. Từ bi là Quán Âm. Hỷ xả là Thế Chí. Thường tịnh tức Thích-ca. Bình trực là Di-đà. Tâm chấp ngã là núi Tu-di, tâm tà là biển cả. Phiền não là sóng cuộn. Độc hại là rồng dữ. Hư vọng là quỉ thần. Trần lao là cá trạnh. Tham sân là địa ngục, ngu si là súc sanh.

“Các vị thiện tri thức! Thường làm mười điều lành thì thiên đường tự đến. Trừ tâm chấp ngã thì làm đổ núi Tu-di. Bỏ tâm tà thì biển cả khô cạn. Phiền não không còn thì sóng cuộn phải yên, độc hại quên đi thì cá, rồng phải diệt. Tự trong tâm địa là tánh giác Như Lai, phóng ánh đại quang minh, chiếu ra sáu cửa đều thanh tịnh, phá được các cõi trời Lục dục. Lục dục chư thiên: Sáu cảnh trời thuộc trong cõi Dục giới: Tứ thiên vương thiên, Đao-lỵ thiên (cũng gọi là Tam thập tam thiên), Dạ-ma thiên, Đâu-suất thiên, Lạc biến hóa thiên, Tha hóa tự tại thiên. Tự tánh soi chiếu bên trong, ba độc Ba độc: tham, sân, si. liền trừ, các tội địa ngục đồng thời tiêu diệt. Trong ngoài sáng rỡ chẳng khác Tây phương. Còn nếu không tu hành như vậy, làm sao tới được nơi đó?”

Đại chúng nghe giảng thuyết, rõ ràng thấy tánh, cùng nhau lễ bái, xưng tán, nguyện rằng: “Lành thay! Nguyện cho hết thảy chúng sanh nghe được pháp này đều tức thời tỏ ngộ.”

Sư nói: “Các vị thiện tri thức! Nếu muốn tu hành, tại gia cũng tu được, không nhất thiết phải đến ở chùa. Tại gia thường tu hành, như người phương Đông mà tâm thiện. Ở chùa chẳng tu hành, như người phương Tây mà tâm ác. Chỉ giữ tâm thanh tịnh, tức là tự tánh Tây phương.”

Vi công lại hỏi: “Tại gia tu hành như thế nào? Xin Đại sư chỉ dạy cho biết.”

Sư đáp: “Ta thuyết với đại chúng bài tụng ‘Vô tướng’. Chỉ theo đó mà tu, như thường ở bên ta. Nếu chẳng theo đó mà tu, dầu cạo tóc xuất gia, có ích gì cho đạo?”

Tụng rằng:

Tâm bình đẳng cần chi trì giới?

• Hạnh chánh trực há đợi tu thiền?

• Ân thời hiếu dưỡng mẹ cha,

• Nghĩa thời kính trên, nhường dưới.



• Nhường nhịn, trên dưới thuận hòa,

• Nhẫn nhục, chuyện dữ lắng yên.

• Nếu biết lấy lửa ở cây, Muốn lấy lửa ở cây thì phải cọ hai khúc cây một cách mạnh mẽ, không ngừng nghỉ, cho tới chừng được lửa mới thôi. Tu hành cũng như thế, phải tinh tấn mãi mà diệt các sở dục thì mới đắc quả.

• Bùn nhơ nở đóa sen hồng. Sen tuy từ dưới bùn sình mà mọc lên, nhưng không ô nhiễm; người tu thành đạo cũng từ trong cõi ác trược mà thoát ra.


• Đắng miệng mới là thuốc tốt,

• Lời ngay ắt phải chướng tai.

• Sửa lỗi, trí tuệ tất sanh,

• Điều xấu giấu che chẳng tốt.

• Hằng ngày làm việc lợi ích,

• Đạo thành chẳng do thí tiền.

• Bồ-đề chỉ tự trong tâm,

• Nhọc chi hướng ngoại cầu tìm?

• Nghe thuyết, y vậy tu hành,

• Thiên đường hiện ngay trước mắt.


Sư lại nói: “Các vị thiện tri thức! Mọi người nên y theo kệ ấy mà tu, sẽ thấy được tự tánh, thẳng đến quả Phật. Các pháp chẳng chờ đợi nhau. Các ngươi nên giải tán đi, ta về Tào Khê. Nếu có điều chi nghi ngờ, cứ đến đó hỏi.”

Khi ấy, Thứ sử và quan liêu, thiện nam, tín nữ tại hội đều được khai ngộ, tin lãnh giáo thuyết, kính cẩn theo đó thực hành.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Mười Một 2014(Xem: 14792)
Gần đây, thầy Nhất Hạnh đã dịch lại Tâm kinh Bát-nhã. Trang Làng Mai có đăng tải bản dịch mới, kèm theo những giải thích của thầy về việc phải dịch lại Tâm kinh. Rất nhiều trang mạng đã đăng tải bản dịch mới này, trong đó có cả Thư viện Hoa Sen. Bên dưới bài đăng ở Thư viện Hoa Sen có nhiều nhận xét của người đọc để lại, cho thấy khá nhiều ý kiến trái chiều nhau quan tâm đến việc này.
24 Tháng Mười 2014(Xem: 11887)
Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh (phiên latinh từ Phạn ngữ: Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra,Prajnaparamitahridaya Sutra; Anh ngữ: Heart of Perfect Wisdom Sutra, tiếng Hoa: 般若波羅蜜多心經; âmHán Việt: Bát nhã ba la mật đa tâm kinh) còn được gọi là Bát-nhã tâm kinh, hay Tâm Kinh. Đây là kinh ngắn nhất chỉ có khoảng 260 chữ của Phật giáo Đại thừa và Thiền tông. Nó cũng là kinh tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn. Dưới đây là sáu bản dịch Việt từ sáu bản dịch tiếng Trung khác nhau:
10 Tháng Mười 2014(Xem: 12403)
Viên giác là nói về tuệ giác viên mãn của Phật. Nên kinh này rõ ràng duyệt xét khá kỹ về trí thức con người. Điều kỳ dị trong việc này là đối với trí thức ấy không công nhận mà có vẻ công nhận. Thí dụ chương Tịnh chư nghiệp chướng nói về sự tự ý thức tự ngã: tự biết mới hiện ra tự ngã, vậy là không công nhận, nhưng tự hiểu như vậy nên cũng hiểu tự ngã ấy không đáng nhận, vậy là có vẻ công nhận.
19 Tháng Chín 2014(Xem: 12095)
Kinh Hiền Ngu thuộc bộ phận “Thí dụ” hoặc “Nhân duyên”, là một trong mười hai phần giáo của Kinh điển. Nội dung kinh này gồm những mẩu chuyện ghi chếp về tiền thân của đức Phật ở đời quá khứ có liên hệ với hiện tại, hoặc ở đời hiện tại có liên hệ với quá khứ, cũng là những chuyện được Phật hóa độ, Phật thụ ký, và những chuyện khuyến thiện trừng ác… Về kỹ thuật thuyết minh, chuyện dựa trên căn bản nhân duyên hoặc thí dụ, thiện nghiệp và ác nghiệp. Căn cứ vào những phần tướng của thiện và ác nên mới có hiền và ngu. Vì vậy nên tên kinh gọi là Hiền Ngu, nay gọi tắt là “Kinh Hiền”
14 Tháng Chín 2014(Xem: 12067)
(Bản dịch Tâm Kinh mới của Sư Ông Làng Mai)....Tâm kinh Bát-nhã có chủ ý muốn giúp cho Hữu Bộ (Sarvāstivāda) buông bỏ chủ trương ngã không pháp hữu (không có ngã, mà chỉ có pháp). Chủ trương sâu sắc của Bát-nhã thật ra là để xiển dương tuệ giác ngã không (ātma sūnyatā) và pháp không (dharma sūnyatā) chứ không phải là ngã vô và pháp vô. Bụt đã dạy trong kinh Kātyāyana rằng phần lớn người đời đều bị kẹt vào ý niệm hữu hoặc vô. ...
01 Tháng Tám 2014(Xem: 7960)
01 Tháng Bảy 2014(Xem: 8520)
29 Tháng Sáu 2014(Xem: 9132)
12 Tháng Sáu 2014(Xem: 10150)
Dhammapada là giáo nghĩa thiết yếu của các kinh. Dhamma là pháp, Pada là câu, là cú, là kệ. Pháp Cú có nhiều bộ khác nhau: có bộ có 900 câu kệ, có bộ 700 câu, và có bộ 500 câu. Kệ là những lời ngắn gọn, như bài thơ, bài tụng. Những câu ấy do Bụt nói ra, không phải một lần tất cả các câu, mà chỉ khi nào xúc sự thì mới nói lên một câu. Tất cả các câu ấy đều có gốc gác rải rác trong các kinh.