Tam tạng pháp sư Na Liên Đề Da Xá, người nước Thiên-trúc, dịch từ Phạn văn ra Hán văn, tại Trung quốc, vào thời Cao-Tề (Bắc-Tề, 550-577). Cư sĩ Hạnh Cơ dịch từ Hán văn ra Việt văn, tại Canada, năm 2016.
Phẩm 12
PHÓ CHÚC CHÁNH PHÁP
Lúc ấy đức Phật lại bảo tôn giả A Nan:
“Bây giờ Như Lai nói về công đức và lợi ích của ngày hôm nay, khi Như Lai đã chứng được đạo quả Vô-thượng Bồ-đề.
“Thuở xưa, khi Như Lai tu hành hạnh Bồ-tát, công đức và lợi ích của Như Lai, hàng Duyên-giác còn không có được, huống chi là hàng Thanh-văn và các chúng sinh khác. Này A Nan! Thuở xưa, khi tu hành hạnh Bồ-tát, trải qua thời gian dài, Như Lai đã từng tu khổ hạnh, bỏ cả vương vị, vợ con, thể nữ; bỏ cả tay chân, đầu mắt tai mũi, máu thịt xương tủy, cho đến thân mạng; và nhận chịu vô lượng khổ đau. Tất cả là đều vì chúng sinh để mong cầu đạo quả Vô-thượng Bồ-đề. Này A Nan! Tất cả những gì khó buông bỏ, Như Lai đã buông bỏ; và vì chúng sinh mà Như Lai đã chịu đựng bao khổ sở! Này A Nan! Công đức như thế, Như Lai nói không thể hết được. Này A Nan! Nếu có người khởi một niệm quí kính đối với việc tu khổ hạnh của Như Lai trong thời kì tu hành hạnh Bồ-tát, mà nói rằng: [Đức Thế Tôn đã vì chúng ta mà làm những việc khó làm, đã nhận chịu vô lượng đau khổ!], này A Nan, Như Lai nói rằng, người đã khởi sinh một niệm như vậy, chắc chắn sẽ đạt được đạo quả niết-bàn. Người chỉ khởi sinh một niệm như thế mà còn đạt được đạo quả niết-bàn, huống chi người đã trồng nhiều căn lành nơi Như Lai! Này A Nan! Hoặc có người ngu muội chống lại, không tin, nghe những việc tu khổ hạnh của Như Lai trong thời kì tu hành hạnh Bồ-tát, đã không khởi sinh tâm bi, không nói Như Lai có lợi ích lớn, lại cũng không kính tin; vậy mà, nếu người này có pháp hành thù thắng, cũng có thể đạt được đạo quả niết-bàn. Này A Nan! Công đức và lợi ích của pháp hành thù thắng đó, hàng Duyên-giác còn không có được, huống hồ là hàng Thanh-văn và hàng phàm phu, có thể có được ư? Này A Nan! Tâm đại bi mà những người tu hành hạnh Bồ-tát có được, hàng Duyên-giác không thể có được. Này A Nan! Những ai có được tâm đại bi khi tu hành hạnh Bồ-tát giống như Như Lai, chắc chắn đều sẽ chứng được đạo quả Vô-thượng Bồ-đề. Vì vậy, pháp hành này thu nhiếp cả tâm đại từ và tâm đại bi. Do nhân duyên đó mà hàng Duyên-giác không có được pháp hành thù thắng, và không thể trở thành bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, không có đủ mười sức mạnh, bốn điều không sợ hãi, và tâm đại từ đại bi.
“Này A Nan! Thuở xưa Như Lai tu hành hạnh Bồ-tát, chỉ cầu pháp lành; đối với dòng sinh tử thì tâm luôn kinh sợ; đối với chúng sinh thì tu tâm đại bi. Lúc ấy, trong mộng Như Lai thấy núi Thiết-vi có chỗ bị sụp đổ. Trong thế giới ấy có các chúng sinh trong địa-ngục lớn, đang bị các ngục tốt hành hạ, thân thể dập nát, lửa cháy hừng hực bao chung quanh, trông như đống lửa lớn. Họ chịu khổ sở cùng cực, như cái khổ mất mạng. Như Lai đến nơi, các chúng sinh ấy đều chắp tay lễ bái, nói rằng: [Thưa nhân giả! Bây giờ Ngài đang sung sướng, còn chúng tôi thì đang chịu khổ sở tàn độc nơi địa-ngục. Nỗi khổ này rất khó chịu đựng, như nỗi khổ mất mạng; không có người cứu hộ, không có chỗ quay về! Thưa bậc đại trượng phu! Nếu Ngài muốn cứu chúng tôi thì chắc chắn Ngài có thể cứu được.] Này A Nan! Lúc ấy vẫn đang ở trong mộng, Như Lai liền phát khởi tâm đại bi, thương khóc cho các chúng sinh ở trong địa-ngục kia, đến nỗi nước mắt chảy nhiều như nước sông Hằng! Rồi Như Lai an ủi họ, nói rằng: [Này chư vị, xin đừng sợ hãi! Tôi sẽ cứu chư vị thoát khỏi nơi đau khổ.] Này A Nan! Bấy giờ Như Lai bảo các chúng sinh trong địa-ngục kia tụ tập lại một chỗ, rồi dùng bàn tay phải rờ khắp trên đầu họ, nói rằng: [Này chư vị, xin đừng sợ hãi! Tôi chắc chắn sẽ cứu độ chư vị.] Như Lai nói lời ấy xong, tức thì bao nhiêu lửa trong địa-ngục đều tắt hết; chỉ trong khoảnh khắc, tất cả các chúng sinh kia đều được an vui. Này A Nan! Ngay sau đó Như Lai tỉnh mộng, liền giũ áo lấy nước mắt đựng vào bình. Này A Nan! Thuở xưa, khi đang tu hạnh Bồ-tát mà Như Lai đã có đầy đủ tâm đại bi như vậy, huống chi ngày nay Như Lai đã chứng được đạo quả Vô-thượng Bồ-đề. Này A Nan! Thầy nên biết, tâm đại bi như thế, hàng Duyên-giác cũng không có được, huống nữa là hàng Thanh-văn và người phàm phu! Này A Nan! Người nào có tâm đại bi như thế, tức là người đang tu hạnh Bồ-tát. Này A Nan, thầy hãy xem đó! Thuở xưa, trong thời kì tu hạnh Bồ-tát, Như Lai đã có đầy đủ tâm đại bi, thương xót và làm lợi ích cho chúng sinh, công đức ấy không thể nào nói cho cùng!
“Này A Nan! Đời quá khứ có một vị đại thương chủ, dẫn một đoàn thương nhân đi ra biển để tìm châu báu. Khi thuyền của họ đã chứa đầy của báu, và còn đang ở giữa biển thì bị bể nát. Lúc ấy các thương nhân vô cùng sợ hãi, lo lắng cực cùng, có người ôm được tấm ván thuyền, có người nổi trên mặt nước, cũng có người bị chết chìm… Này A Nan! Như Lai chính là vị thương chủ lúc bấy giờ, nhờ nắm một cái túi mà nổi được trên mặt biển. Bỗng có năm thương nhân gọi vị thương chủ, nói rằng: [Thưa đại sĩ thương chủ! Xin Ngài bố thí cho chúng tôi sức vô úy!] Vị thương chủ nghe lời thỉnh cầu ấy, bèn trả lời rằng: [Quí vị trượng phu, xin đừng sợ sệt! Tôi sẽ đưa quí vị vào bờ yên ổn.] Này A Nan! Vị thương chủ lúc ấy đang mang một thanh kiếm bén bên mình, bèn suy nghĩ rằng: ‘Phép tắc của biển cả là không dung chứa tử thi. Nếu bây giờ ta xả bỏ thân mạng thì các vị thương nhân này có thể được đưa vào bờ, thoát khổ nạn.’ Suy nghĩ như thế rồi, vị thương chủ liền bảo các vị thương nhân kia bơi đến vây quanh bám lấy thân thể mình. Các vị thương nhân liền bơi đến, người thì ngồi trên lưng vị thương chủ, người thì bá vai, người thì nắm chân… Bấy giờ, vị thương chủ, vì muốn bố thí sức vô úy cho các vị thương nhân, bèn phát khởi tâm đại bi thật dũng mãnh, rút cây kiếm bén, nhanh chóng tự chấm dứt mạng sống của mình! Tức thì, thân xác của vị thương chủ nổi bềnh bồng, được nước biển xô đẩy vào bờ, đưa theo năm vị thương nhân lên bờ, thoát khỏi khổ nạn, trở về đất liền bình an. Này A Nan! Vị thương chủ thuở đó đâu có phải ai khác, mà chính là tiền thân của Như Lai vậy; và năm vị thương nhân kia chính là năm vị tì-kheo(74) ngày nay vậy. Năm vị tì-kheo này, ngày xưa được Như Lai cứu độ trên biển cả, ngày nay lại được độ thoát ra khỏi biển cả sinh tử này, đến được bờ cõi niết-bàn an lạc.
“Này A Nan! Thầy hãy nghĩ xem, phải tu khổ hạnh đến thế nào mới gọi được là đầy đủ? Công đức nhiều đến thế nào mới gọi được là đại Bồ-tát? Này A Nan! Thầy nên biết, công đức ấy, hàng Duyên-giác không thể có được. Này A Nan! Công đức ấy của chư vị Bồ-tát, các đức Phật Bích-chi không thể có được, cho nên không thể trở thành bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, không chứng được đạo quả Vô-thượng Bồ-đề. Này A Nan! Do tu khổ hạnh đến như thế nên được gọi là vị Bồ-tát đại bi thương xót tất cả chúng sinh.
“Này A Nan! Lại có kẻ ngu muội, không phát khởi lòng kính tin đối với Như Lai, do đó mà không gieo được hạt giống căn bản cho quả vị Vô-thượng Bồ-đề, cũng sẽ không chứng được niết-bàn vô thượng; nếu kẻ ấy phát khởi lòng kính tin đối với Như Lai, liền gieo được hạt giống giác ngộ, sẽ chứng được niết-bàn. Này A Nan! Tu hành phần ít thì được công đức phần ít; tu hành toàn phần thì được công đức toàn phần.
“Này A Nan! Như Lai lại sắp nói đến các công hạnh quyết định khác. Nếu có người, dù chỉ phát khởi một niệm kính tin nơi chư Phật, cũng đủ để tạo nên hạt giống thiện lành, huống hồ còn trồng nhiều căn lành thù thắng khác nữa! Này A Nan! Nếu có người trồng căn lành nơi chư Phật, dù chỉ khởi một niệm nghĩ nhớ đến Phật, Như Lai nói rằng, người đó là nước cam lồ tối thượng. Này A Nan! Người tu hành nên nghĩ nhớ tới Như Lai về nhiều đặc tính khác nhau. Đó là nhớ nghĩ đến những gì Như Lai nhớ nghĩ, như nhớ nghĩ đến căn lành của Như Lai, nhớ nghĩ đến chủng tánh Mặt-trời của Như Lai; dòng họ Cam-giá của Như Lai là dòng họ cao thượng, không giống như các dòng họ khác. Chủng tánh Mặt-trời là làm ra ánh sáng, làm tan biến bóng tối. Này A Nan! Như Lai sinh ra trong dòng họ Thích; đó là chủng tánh thanh tịnh. Này A Nan! Hãy nên nhớ nghĩ đến sự sinh ra đời của Như Lai, nhớ nghĩ đến chủng tộc của Như Lai, nhớ nghĩ đến họ của Như Lai, nhớ nghĩ đến tài sản đầy đủ của Như Lai, nhớ nghĩ đến sự uy nghiêm của Như Lai, nhớ nghĩ đến quốc độ mà Như Lai đã sinh ra, nhớ nghĩ đến các tướng tốt chính của Như Lai, nhớ nghĩ đến các vẻ đẹp phụ của Như Lai, nhớ nghĩ đến mười sức mạnh của Như Lai, nhớ nghĩ đến bốn đức không sợ sệt của Như Lai, nhớ nghĩ đến mười tám pháp không cùng chung của Như Lai, nhớ nghĩ đến sự sống đầy đủ của Như Lai, nhớ nghĩ đến đời sống tốt đẹp của Như Lai, nhớ nghĩ đến sự sáng suốt của Như Lai, nhớ nghĩ đến bản hạnh đầy đủ của Như Lai, nhớ nghĩ đến nguyện lực đầy đủ của Như Lai, nhớ nghĩ đến giới định tuệ giải thoát và giải thoát tri kiến đầy đủ của Như Lai, nhớ nghĩ đến từ bi hỉ xả đầy đủ của Như Lai, nhớ nghĩ đến oai nghi đầy đủ của Như Lai. Này A Nan! Nếu có người nhớ nghĩ đến nhiều công đức như thế của Như Lai, người ấy sẽ có được thần thông, lợi ích và công đức vô cùng rộng lớn, giống như cam lồ tối thượng trong các thứ cam lồ.
“Này A Nan! Thuở xưa, trong thời kì tu hạnh Bồ-tát, Như Lai đã thực hành hạnh bố-thí ba-la-mật. Như Lai dùng Phật trí quán sát, thấy công đức ấy rộng lớn vô biên; đó là chưa nói đến công đức thực hành các pháp khác nữa như trì-giới ba-la-mật, nhẫn-nhục ba-la-mật, tinh-tấn ba-la-mật, thiền-định ba-la-mật, và trí-tuệ ba-la-mật, thì rộng lớn biết chừng nào! Hơn nữa, trong lúc vị Bồ-tát kia chưa được thọ kí mà còn được công đức rộng lớn như thế, huống chi là công đức mà vị Bồ-tát kia có được sau khi đã được thọ kí! Còn nếu nói đến công đức có được sau khi vị Bồ-tát kia thành Phật, thì dù trải qua trăm ngàn ức na-do-tha kiếp, cũng không thể nói cho cùng tận được! Vì sao vậy? Công đức của bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, là công đức vô lượng vô biên!
“Này A Nan! Như Lai dùng thật trí quán sát thấy những lợi ích như thế, nên đã nói những lời trên. Nếu có người nhớ nghĩ đến công đức của Như Lai trong thời kì tu hạnh Bồ-tát mà sinh lòng kính tin, thì do căn lành này, người ấy chắc chắn sẽ chứng được đạo quả niết-bàn trong đời vị lai. Vì vậy cho nên, này A Nan, thầy chớ nên lo buồn! Như Lai vì làm lợi ích cho thầy và khắp hàng trời, người, nên đã dạy đạo pháp, khiến cho tất cả đều an ổn hướng đến đạo quả niết-bàn trong đời vị lai. Thầy và tất cả trời, người hãy siêng năng tu hành, không nên buông lung.”
Lúc bấy giờ, đức Phật bảo chư vị tì-kheo rằng:
“Như Lai sau nửa đêm hôm nay sẽ nhập niết-bàn. Hôm nay quí thầy hội họp với Như Lai lần cuối cùng, trông thấy Như Lai lần cuối cùng, tiếp nhận những giáo huấn cuối cùng của Như Lai; từ nay quí thầy không còn thấy Như Lai nữa, mà Như Lai cũng không còn thấy quí thầy nữa!
“Này các tì-kheo! Quí thầy hãy chấm dứt sự đau buồn! Tất cả những vật thích ý đều sẽ lìa tan. Này các tì-kheo! Pháp sinh, pháp có, pháp hữu vi, pháp sai biệt, pháp giác tri, đó là những pháp do nhân duyên sinh khởi nên phải hoại diệt; nếu không hoại diệt là không có lẽ đó. Này các tì-kheo! Dù ai trụ thế lâu dài, rồi cuối cùng cũng phải ra đi. Này các tì-kheo! Phàm đã có sinh thì phải có tử. Tất cả các hành đều không thường còn, không cố định; không có vật gì vĩnh viễn không biến đổi. Này các tì-kheo! Sinh-tử là đau khổ, niết-bàn là an vui. Quí thầy nào chưa được niết-bàn mà muốn được niết-bàn, chưa đạt niết-bàn mà muốn đạt niết-bàn, chưa chứng niết-bàn mà muốn chứng niết-bàn, thì phải chuyên cần tu tập, không nên buông lung! Chư Phật Thế Tôn vì không buông lung nên đã chứng được đạo quả Vô-thượng Bồ-đề, đầy đủ tất cả các pháp lành trợ đạo. Vì vậy cho nên, này các tì-kheo, quí thầy nên tiếp nhận lời giáo huấn của Như Lai!”
Lúc bấy giờ, đại chúng tì-kheo, tì-kheo-ni, cư-sĩ nam, cư-sĩ nữ, trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, trời Phạm Thiên, trời Đế Thích, trời Tứ Vương, vân vân, nghe được những lời giáo huấn sau cùng của đức Phật, đều buồn khổ, đau xót như bị tên bắn, nước mắt chảy ràn rụa, than rằng:
“Đức Thế Tôn nhập niết-bàn sao mà nhanh thế! Đức Thiện Thệ nhập niết-bàn sao mà nhanh thế! Thế gian trở thành mù tối sao mà nhanh thế, vì con mắt của thế gian sắp ẩn mất rồi! Chúng con cùng với viên ngọc quí của chúng sinh biệt li sao mà nhanh thế!”
Khi ấy, tôn giả A Nan nghe mấy lời than của đại chúng xong, liền chiêm ngưỡng đức Phật, mắt nhìn chăm chú không rời; rồi đau buồn, khóc thành tiếng, gieo mình xuống đất, như cây đại thọ bên sườn núi bị đốn ngã. Đức Phật bảo tôn giả A Nan:
“Thôi đi A Nan, thầy chớ nên lo buồn! Như Lai trước đây đâu phải đã không từng nói với thầy rằng, tất cả những gì xứng ý đều sẽ phải lìa tan? Pháp sinh, pháp có, pháp hữu vi, pháp sai biệt, pháp giác tri, đó là những pháp nhân duyên sinh, nên chắc chắn phải bị hủy diệt; nếu không hủy diệt thì không đúng lí.”
Tôn giả A Nan bạch Phật rằng:
“Bạch đức Thế Tôn, con làm sao không buồn cho được! Bạch đức Thiện Thệ, con làm sao không đau xót cho được! Con sắp phải biệt li với viên ngọc quí của chúng sinh, với bậc Đạo Sư của chúng sinh, bậc mà tất cả chúng sinh nương nhờ, bậc mà cả thế gian đều mong cầu và quay về, bậc Đại Sư của trời, người. Bởi vậy, bạch đức Thế Tôn, con làm sao không buồn cho được! Bạch đức Thiện Thệ, con làm sao không đau xót cho được!
“Bạch đức Thế Tôn! Con lấy làm lạ rằng, con sắp phải biệt li với đức Thế Tôn như thế, mà sao trái tim của con đã không bị vỡ ra thành trăm mảnh? Tại sao con đã không chết đi, mà vẫn còn sống ở đây? Bạch đức Thế Tôn! Con lại suy nghĩ rằng, sở dĩ con đã không chết đi là vì nhờ có thần lực của đức Thế Tôn gia trì!
“Bạch đức Thế Tôn, làm sao mà con không buồn! Bạch đức Thiện Thệ, làm sao mà con không đau xót! Bậc Đạo Sư của thế gian, bậc thương xót thế gian, bậc được tất cả chúng sinh nương tựa, sắp tới không còn trụ thế nữa, không bao giờ còn trông thấy lại được nữa!”
Bấy giờ đức Phật hỏi tôn giả A Nan rằng:
“Thầy thương quí Như Lai chăng?”
Tôn giả A Nan bạch:
“Dạ, con rất quí kính đức Thế Tôn!”
Đức Phật lại hỏi:
“Thầy quí kính Như Lai như thế nào?”
Tôn giả A Nan bạch:
“Con quí kính đức Thế Tôn không thể dùng lời nói hết được! Cũng không thể lấy gì để thí dụ được! Bạch đức Thế Tôn, con quí kính đức Thế Tôn như thế đó! Bạch đức Thế Tôn! Con có vì đức Thế Tôn mà xả bỏ thân mạng, con cũng không hối tiếc! Lòng quí kính của con đối với đức Thế Tôn chỉ có đức Thế Tôn chứng tri. Bạch đức Thế Tôn, con quí kính đức Thế Tôn như thế đó! Bạch đức Thiện Thệ, con quí kính đức Thiện Thệ như thế đó!”
Đức Phật lại bảo tôn giả A Nan:
“Nếu thầy quí kính Như Lai như thế, thầy hãy đưa bàn tay phải của thầy ra đây!”
Tức thì, tôn giả A Nan đưa bàn tay phải ra. Đức Phật cũng đưa bàn tay phải của Ngài ra, với những ngón tay mềm mại màu hoàng kim, nắm lấy bàn tay của tôn giả A Nan, dạy rằng:
“Này A Nan! Nếu thầy quí kính Như Lai thì thầy nên làm công việc mà Như Lai hằng quí kính. Đó là công việc gì? Này A Nan! Kho tàng Pháp Bảo bồ-đề vô thượng mà Như Lai đã tích tập từ vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha a-tăng-kì kiếp, nay Như Lai đem phó chúc cho thầy! Thầy hãy tùy thuận chuyển bánh xe pháp này như Như Lai đã chuyển, khiến cho giáo pháp lưu truyền rộng rãi, không bị dứt tuyệt; đừng để cho mình biến thành kẻ giữa chừng tiêu diệt giáo pháp! Này A Nan! Như Lai sẽ hộ trì cho thầy, làm cho giáo pháp do Như Lai nói, được tăng trưởng, không tổn giảm, không hoại diệt. Như Lai sẽ nói thí dụ sau đây, người trí nghe thí dụ này sẽ hiểu ý của Như Lai.
“Ví như, có ông trưởng giả quí tộc vô cùng giàu có, kho tàng chứa nhiều của báu, không vật trân quí gì là không có. Ông chỉ có một người con trai. Khi người con đến tuổi trưởng thành, ông cho học tập các môn như lịch số, toán học, thư tịch, cùng các môn kĩ thuật cao thâm, trí tuệ sâu sắc khác. Sau đó ông trưởng giả quí tộc bảo người con rằng: [Những gì cần làm cho con, nay cha đã làm xong rồi. Con đã học các môn lịch, toán, vân vân đầy đủ cả rồi. Nay cha có lời cuối cùng muốn nói với con: Tất cả kho tàng quí báu của cha hiện có, nay cha giao phó hết lại cho con. Từ nay con nên học ba việc để có thể bảo tồn sự nghiệp của dòng họ chúng ta. Ba việc đó là gì? Một là mong muốn, hai là siêng năng, ba là không buông lung.] Ông trưởng giả quí tộc cự phú kia đã khéo léo dạy con như thế đó, mà người con lại dại dột buông lung, phá tán hết tài sản của cha mẹ; này A Nan, ý thầy thế nào? Người con của ông trưởng giả có nghe lời dạy bảo của phụ thân không?”
Tôn giả A Nan thưa:
“Dạ thưa không, bạch đức Thế Tôn!”
Đức Phật lại hỏi:
“Này A Nan! Ông trưởng giả kia có làm tròn những việc cần làm cho người con không?”
Tôn giả A Nan thưa:
“Dạ thưa có, bạch đức Thế Tôn!”
Đức Phật dạy:
“Này A Nan! Như Lai là cha của thế gian; thầy như là người con. Đây là lời giáo huấn cuối cùng của Như Lai. Hôm nay Như Lai đem kho tàng Pháp Bảo vô thượng mà Như Lai đã tích tập trong trăm ngàn ức na-do-tha a-tăng-kì kiếp, phó chúc cho thầy! Quí thầy cũng nên học ba việc: một là mong muốn, hai là siêng năng, ba là không buông lung. Nếu quí thầy giữ gìn được ba việc này thì kho tàng Pháp Bảo vô thượng của Như Lai sẽ được trụ thế lâu dài; những người chưa thông đạt được pháp lành thì khiến cho họ được thông đạt, những người đã thông đạt thì khiến cho họ tiến tới mãi. Vì vậy cho nên, quí thầy nên giữ gìn vững chắc kho tàng Pháp Bảo vô thượng mà Như Lai đã tích tập trong vô số kiếp. Những người chưa giữ gìn ba việc thì khiến cho họ giữ gìn, những người chưa thông đạt được pháp lành thì khiến cho họ được thông đạt, những người đã thông đạt thì khiến cho họ tiến tới mãi. Vì sao vậy? Vì Như Lai từ bi thương xót, muốn đem lại lợi ích cho thế gian, khiến cho chúng sinh được an lạc. Này A Nan! Như Lai đã làm xong công việc của người cha đối với thế gian; và cũng đã làm xong những việc cần làm đối với quí thầy.
“Lại nữa, này A Nan! Kho tàng Pháp Bảo vô thượng bồ-đề mà Như Lai đã tích tập trong vô số kiếp, có thể sẽ bị ẩn mất do ba nhân duyên sau đây: một là không có lòng tin, hai là không có sự thực hành quyết định, ba là không sám hối. Vì vậy cho nên, này A Nan! Quí thầy hãy hộ trì kho tàng Chánh Pháp, phải vững chắc trong lòng tin sâu sắc, sự thực hành quyết định và tâm chân thành sám hối; phải làm ba việc: mong muốn, siêng năng và không buông lung.
“Như thế đó, này quí thầy! Đối với giáo pháp, Như Lai được tôn xưng là cha của thế gian, và đã làm xong những gì cần làm cho người con. Do ý nghĩa đó, này A Nan, Như Lai lại nói thêm một thí dụ, khiến cho việc phó chúc kho tàng Pháp Bảo vô thượng này được thành tựu tốt đẹp. Với thí dụ này, người trí sẽ hiểu được ý của Như Lai, lại có được lòng kính tin sâu sắc mà nảy sinh ý niệm rằng: ‘Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, vì chúng ta mà lúc sắp nhập niết-bàn, đã dùng tay phải của Ngài cầm lấy bàn tay của tôn giả A Nan, phó chúc cho kho tàng Pháp Bảo vô thượng bồ-đề mà Ngài đã tích tập từ vô số kiếp.’
“Này A Nan! Ví như, có vị thương chủ đang đi trên đường xa; bấy giờ, những gì đáng làm ông đã làm xong. Vậy ý thầy thế nào? Vị thương chủ đó, lúc ấy đang trở về nhà, hay đang ở chơi giữa đường?”
Tôn giả A Nan thưa:
“Vị thương chủ đó đang trở về nhà, chứ không phải đang ở chơi giữa đường.”
“Này A Nan! Như Lai là cha của thế gian, là người bạn thân thiết của thế gian, là bậc đạo sư của thế gian, cũng như vị thương chủ kia, đã dùng trí tuệ giác ngộ vô thượng mà làm xong những gì cần làm, không còn Phật sự nào phải làm nữa. Tất cả chúng sinh đáng được độ, đều đã được độ, đều đã được khéo léo điều phục.
“Này A Nan! Có ba điều nếu không đạt được đầy đủ thì Như Lai không nhập niết-bàn. Ba điều đó là: Trước hết là chư vị đại Bồ-tát chưa được an trú nơi quả vị bất thối chuyển. Này A Nan! Nếu vào lúc chánh pháp vô thượng của chư Phật ẩn mất, hoặc trải qua một kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, hoặc trăm ngàn kiếp, trăm ngàn ức na-do-tha kiếp, mà chư vị đại Bồ-tát chưa chứng đạo quả Vô-thượng Bồ-đề, thì chư Phật, tuy giờ phút nhập niết-bàn đã đến, nhưng thấy căn lành của chư vị Bồ-tát ấy chưa thuần thục, vì khiến cho họ được thuần thục, được an trú nơi quả vị bất thối, chư Phật sẽ dùng thần lực, giữ cho chính thân mình được trụ thế thêm, chờ cho tới khi chư vị Bồ-tát kia đạt được quả vị bất thối rồi, lại tuần tự thọ kí cho chư vị ấy được bổ xứ thành Phật; sau đó chư Phật mới nhập vô dư niết-bàn. Trong trường hợp của Như Lai, cho tới hôm nay, Như Lai đã thọ kí thành Phật cho Bồ-tát Di Lặc và trăm ngàn vạn ức na-do-tha chư vị Bồ-tát khác, khiến cho chư vị ấy đã an trú nơi quả vị bất thối chuyển. Đó là Như Lai thương xót chúng sinh, đã làm xong những việc cần làm.
“Thứ nữa, này A Nan! Nếu có các chúng sinh đáng được Như Lai độ thoát mà chưa được độ, thì Như Lai không nhập niết-bàn. Nếu có đức Phật Thế Tôn biết các chúng sinh kia, từ vô lượng trăm ngàn ức kiếp chưa từng được gặp chư Phật Thế Tôn khác ra đời, hoặc ở ngay thế giới của họ, hoặc ở các thế giới khác; các chúng sinh hiện có trong năm nẻo đường, trải qua một tuổi, hoặc trăm tuổi, ngàn tuổi, hoặc trăm ngàn tuổi, hoặc trăm ngàn ức na-do-tha tuổi, cho đến một kiếp hay hơn một kiếp, tất cả các chúng sinh ấy đáng được Phật độ thoát – chứ không phải đáng được các hàng Thanh-văn, Duyên-giác độ thoát, đức Phật Thế Tôn kia dùng Phật trí biết rõ như thế rồi, tuy lúc ấy giờ phút nhập niết-bàn đã đến, nhưng vì thương xót chúng sinh, Ngài dùng thần lực tự giữ gìn thân mạng, chờ cho đến khi các chúng sinh kia tâm ý thuần thục, rồi mới độ thoát. Này A Nan! Đó là điều thứ hai mà chư Phật Thế Tôn, làm xong những gì cần làm, sau đó mới nhập vô dư niết-bàn.
“Sau nữa, này A Nan! Như Lai đã nói, những nghĩa lí sâu xa trong Kinh Luật Luận, các chúng hữu học(75) và vô học(76) của hàng Thanh-văn không thể bàn luận mà thông hiểu được. Khi ấy trong đại chúng, giả sử có vị tì-kheo, có điều nghi ngờ muốn hỏi, nhưng vì kính trọng Như Lai, sợ gây xáo động, nên không dám hỏi. Bấy giờ Như Lai dùng Phật trí quán sát biết rõ điều đó, liền hóa làm một vị tì-kheo, tiến đến chỗ Như Lai, hỏi rằng: [Bạch đức Thế Tôn! Việc làm này nên làm như thế nào?] Như Lai liền bảo vị tì-kheo hóa thân kia rằng: [Này tì-kheo! Việc làm đó, thầy nên như thế mà làm!]
“Này A Nan! Đó là ba điều mà chư Phật Thế Tôn chắc chắn phải làm, nếu chưa làm xong thì không nhập niết-bàn. Đối với tất cả mọi người, những gì cần làm hôm nay Như Lai đã làm xong, trọn vẹn đầy đủ. Như Lai không còn gì phải làm nữa, không còn gì phải nói nữa!
“Này A Nan! Hôm nay Như Lai đã vì hàng Thanh-văn mà nói việc tu học giới luật, vì chấm dứt khổ đau mà chỉ bày chánh đạo. Vì vậy cho nên, này A Nan, này quí thầy! Từ hôm nay, điều gì Như Lai không nói thì quí thầy hãy cẩn thận, không nên nói; điều gì Như Lai đã nói thì đừng để cho tiêu mất! Này A Nan! Những điều Như Lai đã nói, quí thầy cứ như thế mà học tập, thực hành. Hãy cẩn thận, chớ nên buông lung chạy theo dục lạc! Không buông lung thì đạt được đạo quả. Do ý nghĩa đó mà Như Lai khuyên quí thầy không nên lo buồn.
“Này A Nan! Sau nửa đêm hôm nay Như Lai sẽ nhập niết-bàn! Hôm nay Như Lai rời bỏ quốc độ và cảnh giới của mình, sẽ không trở lại thế giới này nữa, cũng không sinh vào thế giới nào khác. Từ nay quí thầy không còn thấy Như Lai nữa, mà Như Lai cũng không còn thấy quí thầy nữa! Này A Nan! Như Lai sẽ nhập vô-dư niết-bàn, một cảnh giới tịch tĩnh, thanh lương, sạch băng trần cấu, không sinh, không già, không bệnh, không chết, không lo, không buồn, không khổ não, không thích ý, không hối hận, không có cảnh oán ghét gặp nhau, không có cảnh yêu thương nhau mà chia lìa, giống như cảnh giới của vô lượng chư Phật Thế Tôn và tất cả các hàng Thanh-văn, Duyên-giác đã ra đi, hiện đang ra đi, hoặc sẽ ra đi.
“Này A Nan! Thầy hãy quán sát để biết rằng Như Lai rất yêu thích cảnh giới niết-bàn kia; còn những kẻ phàm phu ngu si thì không yêu thích cảnh giới niết-bàn an lạc, tịch tĩnh, thắng diệu ấy; lại cũng không phát khởi một niệm muốn giải thoát. Nếu có người phát khởi một niệm muốn giải thoát, thì đó là hạt giống để đạt được đạo quả niết-bàn. Nhưng, này A Nan! Những kẻ phàm phu có được khả năng đó không? Tất cả hàng phàm phu đều yếu kém, không thể có được khả năng đó, không thể phát khởi một niệm muốn giải thoát. Nếu có thể phát khởi một niệm như thế thì nhất định có hạt giống niết-bàn.
“Này A Nan! Tất cả những kẻ phàm phu đều không có giới lực, định lực và tuệ lực. Như Lai đã có đầy đủ vô lượng Phật lực; đầy đủ vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn giới lực, định lực, tuệ lực, giải thoát lực, giải thoát tri kiến lực; đầy đủ tàm lực, quí lực, tích tập lực, trí lực, xả lực, phúc lực, tuệ lực, căn lực, gia trì lực; đầy đủ mười trí lực; cho nên rất yêu thích cảnh giới vô-dư niết-bàn. Có những kẻ phàm phu tối tăm vô trí, ít hiểu biết về giáo pháp, vui đắm trong ngục tù sinh tử, đến nỗi một niệm muốn giải thoát cũng không thể phát sinh được; thì này A Nan! Hãy khiến cho những kẻ ấy có được hạt giống căn bản của đạo quả niết-bàn. Này A Nan! Các kinh điển và những gì Như Lai đã nói, đã xưng tán, đều được lưu lại trong đời vị lai. Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người được nghe, nghe rồi thì phát tâm, người đó liền được nhập vào kho tàng chánh pháp, và tiến đến cảnh giới vô-dư niết-bàn. Này A Nan! Bây giờ Như Lai sẽ nói một thí dụ để làm rõ thêm ý nghĩa này.
“Này A Nan! Ví như có một vị thương chủ dẫn một đoàn thương nhân đi qua một vùng hoang dã đầy hiểm trở. Họ đã thoát được các nạn giặc cướp, và đến được thành Vô-úy. Nhưng có một thương nhân bị bỏ lại phía sau, vô cùng lo sợ, cứ tìm theo dấu chân của những người trước mà đi theo một cách khổ cực; cuối cùng, người này cũng qua khỏi được con đường nguy hiểm và gặp lại các bạn thương nhân kia. Này A Nan! Sau khi chứng quả Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, Như Lai đã diễn nói bao nhiêu kinh điển để lại cho đời vị lai; sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người thiện nam hoặc tín nữ nào được nghe, nghe rồi liền phát tâm, thì họ sẽ đến được bảo thành chánh pháp do Như Lai lưu lại, và nhập vào cảnh giới vô-dư niết-bàn. Đến bảo thành chánh pháp rồi thì tư duy nhớ nghĩ, hộ trì diễn nói pháp bảo của Như Lai. Này A Nan! Như Lai vì một người mà còn phó chúc chánh pháp vô thượng, khiến thầy giữ gìn vững chắc, huống chi là đối với vô lượng trăm ngàn chúng sinh. Vì vậy cho nên, hôm nay Như Lai đem kho báu chánh pháp vô thượng mà Như Lai đã tích tập trong vô số kiếp, phó chúc cho thầy. Quí thầy nên siêng năng đọc tụng, giữ gìn vững chắc, hãy vì bốn chúng mà diễn nói chỉ bày, đừng để mình trở thành kẻ giữa chừng hủy diệt chánh pháp.
“Này A Nan! Trong đời vị lai, nếu các chúng sinh không được nghe nghĩa lí kinh điển, thì đó là sự mất mát lớn. Ví như có ông trưởng giả giàu có tột bậc, kho tàng đầy ắp của cải châu báu, tất cả các vật dụng cần thiết đều có đầy đủ. Ông chỉ có một người con duy nhất. Một hôm, đúng vào lúc người con đang đi chơi ở một nơi thật xa, thì ông bị bệnh nặng, thân thể vô cùng đau đớn. Biết mình sắp chết, ông đem cả kho tàng tài sản, bao nhiêu châu báu vàng bạc, gửi gấm cho một ông trưởng giả khác, nói rằng: [Xin ông biết cho, con tôi đang đi chơi xa, mà hiện giờ tôi đang bệnh nặng, chắc không còn sống được bao lâu nữa. Tôi vì con tôi mà xin đem tất cả tài sản này gửi cho ông. Khi nào con tôi trở về, xin ông thay tôi mà dạy dỗ nó, bảo nó đừng sống buông lung, hãy giữ gìn vững chắc đức tánh không buông lung. Sau đó xin ông giao lại tất cả tài sản này cho nó, và khuyên bảo nó rằng: ‘Này cháu! Cha cháu trước khi chết đã vì cháu mà gửi tất cả tài sản này cho ta. Nay ta giao lại cho cháu. Từ nay tài sản này là của cháu. Cháu hãy nhận lấy, hãy giữ gìn cẩn thận, đừng buông lung, đừng để cho bị mất mát!’] Ông trưởng giả cự phú kia nói mấy lời ấy xong, liền đem tất cả tài sản quí báu của mình gửi hết cho ông trưởng giả bạn; ông này nhận lãnh đầy đủ. Sau đó không lâu, người con kia trở về, nhưng ông trưởng giả nhận giữ giùm tài sản kia, đã không giao tài sản ấy lại cho người con trai ấy. Này A Nan! Ý thầy thế nào? Đây là lỗi của ai?”
Tôn giả A Nan bạch Phật:
“Bạch đức Thế Tôn! Đó là lỗi của ông trưởng giả nhận tài sản gửi gấm; chứ không phải lỗi của ai khác. Vì sao vậy? Vì ông này đã đích thân nhận kho tàng tài sản do ông trưởng giả cự phú gửi gấm, nhưng rồi không giao lại cho người con của ông trưởng giả cự phú kia.”
Đức Phật dạy:
“Này A Nan! Ông trưởng giả cự phú trên kia là dụ cho Như Lai. Sắp chết là dụ cho Như Lai sắp nhập niết-bàn. Một người con là dụ cho các thiện nam tín nữ ở đời vị lai. Đi chơi xa là dụ cho sự lưu chuyển trong năm nẻo đường. Kho tàng tài sản quí báu là dụ cho kho tàng Pháp Bảo vô thượng mà Như Lai đã tích tập từ vô số kiếp. Ông trưởng giả nhận sự gửi gấm là dụ cho quí thầy, gồm chư vị đại Thanh-văn và đại Bồ-tát đang hộ trì chánh pháp. Như vậy, này A Nan! Kho tàng Pháp Bảo vô thượng mà Như Lai đã tích tập từ vô số kiếp, vì các thiện nam tín nữ trong đời vị lai, Như Lai đem phó chúc cho thầy và tì-kheo Đại Ca Diếp, Bồ-tát Di Lặc và chư vị đại Bồ-tát. Quí thầy hãy tùy thuận sự phó chúc này của Như Lai, và hãy trao truyền chánh pháp cho các hàng Phật tử tịnh tín trong đời vị lai. Vì sao vậy? Này A Nan! Có những chúng sinh đã thuần thục từ đời quá khứ, trong thời kì Như Lai còn tu hạnh Bồ-tát; nhưng do những nghiệp ác cũ mà phải đọa lạc trong các chốn địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sinh. Sau khi Như Lai diệt độ, những chúng sinh kia thoát khỏi ác đạo, được sinh làm người, các căn lành vốn có nay được tăng trưởng, trở nên thuần thục, rồi do chút ít nhân duyên mà sinh lòng kính tin đối với giáo pháp của Như Lai; trong số đó, có thể có người được xuất gia, được nghe kinh điển do Như Lai nói, rồi phát tâm tu hạnh thù thắng, hoặc ở nơi Thanh-văn thừa, hoặc ở nơi Duyên-giác thừa, hoặc ở nơi Đại thừa mà nhập niết-bàn.
“Này A Nan! Như Lai vì các thiện nam tín nữ trong đời vị lai mà phó chúc cho thầy kho tàng Pháp Bảo vô thượng mà Như Lai đã tích tập từ vô số kiếp, khiến cho họ được nghe, vì sao vậy? Nếu họ không được nghe chánh pháp này thì đó là sự mất mát lớn lao. Vì vậy cho nên, hôm nay Như Lai vì các thiện nam tín nữ trong đời vị lai kia mà đem kho tàng Pháp Bảo phó chúc cho thầy. Nếu họ được nghe thì vô cùng lợi lạc. Do nhân duyên này mà Như Lai lại nói một thí dụ khác:
“Này A Nan! Ví như vị Chuyển Luân Vương mở rộng kho tàng, rồi ban lệnh cho các quan viên giữ kho rằng: [Các khanh hãy cúng dường cho chư vị sa-môn và bà-la-môn; hãy bố thí cho những người nghèo cùng, đi xin ăn và những kẻ qua đường. Hãy tùy theo nhu cầu của họ, ai cần thức ăn thì cho thức ăn, ai cần thức uống thì cho thức uống, cần xe thì cho xe, cho đến các loại hương, hoa, y phục, đồ nằm, nhà cửa, và những thứ khác cần thiết cho đời sống.] Các quan viên giữ kho được lệnh vua nhưng không thi hành lệnh ấy, không cúng dường, không bố thí. Này A Nan! Ý thầy thế nào? Đó là lỗi của ai?”
Tôn giả A Nan bạch Phật:
“Bạch đức Thế Tôn! Đó là lỗi của các quan giữ kho, chứ không phải lỗi của Chuyển Luân Vương.”
Đức Phật dạy:
“Đúng vậy! Đúng vậy! Này A Nan! Như Lai là Pháp Vương, trong vô số kiếp đã tích tập được kho tàng Pháp Bảo vô thượng như thế, từ khi giác ngộ rồi, Như Lai muốn cho kho tàng ấy được phát triển sâu rộng thêm, bèn đem chỉ bày diễn nói trong các hàng trời, người. Riêng về thầy, Này A Nan! Như Lai chỉ dạy cho thầy là vì muốn cho các hàng sa-môn, bà-la-môn và phàm phu có tâm kính tín, muốn tìm cầu nghĩa lí giáo pháp, tất cả đều phải được nghe. Bởi vậy, Này A Nan! Hôm nay Như Lai đem kho tàng Pháp Bảo này phó chúc cho thầy; nếu thầy không diễn nói rộng rãi cho các hàng tịnh tín sa-môn, bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ và phàm phu yêu thích nghĩa lí của giáo pháp, thì thầy sẽ có lỗi. Vì sao vậy? Này A Nan! Như Lai là Chuyển Luân Vương của Pháp Bảo vô thượng, có nhiều kho tàng công đức, nhiều pháp trợ đạo, đầy đủ bảy thứ pháp tài,(77) mười sức vô úy, hoàn toàn tự tại ở giữa vạn pháp, nên được gọi là Pháp Vương. Thầy nên giữ gìn kho tàng Pháp Bảo gồm tám vạn bốn ngàn pháp môn của Như Lai, và hãy vì chư vị tịnh tín sa-môn, bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ và phàm phu đang tìm cầu nghĩa lí của giáo pháp, mà diễn nói đầy đủ; đừng để mình trở thành người giữa chừng tiêu diệt chánh pháp! Vì vậy cho nên, này A Nan! Thầy hãy vì bốn chúng(78) mà diễn nói rõ ràng Pháp Bảo vô thượng mà Như Lai đã tích tập từ vô số kiếp. Làm được như thế thì đối với Như Lai, thầy không có lỗi gì cả; nếu không làm được như thế thì thầy có lỗi rất lớn.
“Lại nữa, này A Nan! Đối với các vị tì-kheo A-la-hán, vì họ đã chứng pháp vô vi nên không thể diễn nói Pháp Bảo cho họ nghe được. Các vị này không giúp ích cho Như Lai làm bậc đạo sư cho thế gian, cũng không hộ trì chánh pháp của Như Lai; vì vậy cho nên hôm nay Như Lai đem kho tàng Pháp Bảo phó chúc cho thầy. Vì sao vậy? Này A Nan! Ví như có người ở một nơi tối tăm, cầm đuốc đi về nhà; lại có nhiều người khác cũng muốn rời khỏi chỗ tối tăm ấy. Người cầm đuốc kia, nhờ có cây đuốc mà đi về đến nhà; nhưng đến nhà rồi thì liền phá bỏ cây đuốc, chứ không đem cho mấy người đang cần đuốc kia. Này A Nan! Ý thầy thế nào? Người cầm đuốc kia biết rằng cây đuốc trong tay ông ta chưa cháy hết, đồng thời cũng biết rằng đám đông người kia đang cần đuốc để rời khỏi chỗ tối tăm; nhưng ông dùng xong thì liền phá bỏ cây đuốc, chứ không đem cho mấy người kia. Vậy có thể gọi ông ta là người tốt, đã có hành động chánh đáng được không?”
Tôn giả A Nan bạch Phật:
“Dạ thưa không, bạch đức Thế Tôn!”
Đức Phật dạy:
“Đúng vậy! Đúng vậy! Này A Nan! Nếu vị tì-kheo chứng quả A-la-hán, chứng pháp vô vi rồi, vị ấy cũng biết đại chúng đang cần thoát khỏi nơi tối tăm sinh tử, nhưng không vì họ mà diễn nói giáo pháp, không làm cho Pháp Bảo của Như Lai được lưu truyền rộng rãi, thì vị ấy không được gọi là vị đạo sư có ích lợi, không được gọi là người nhiếp thọ chánh pháp của Như Lai. Vì vậy cho nên, này A Nan! Hôm nay Như Lai đem kho tàng Pháp Bảo mà Như Lai đã tích tập trong vô số kiếp, phó chúc cho thầy. Thầy hãy giữ gìn vững chắc, và diễn nói rộng rãi cho mọi người được nghe; đừng để cho giáo pháp bị dứt tuyệt, đừng để mình trở thành người tiêu diệt chánh pháp ở đời sau!
“Này A Nan! Nếu có các hàng tì-kheo, tì-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, đã tự mình an trú trong ngôi nhà Pháp Bảo, thì hãy vì họ mà diễn nói rõ ràng giáo pháp quí báu mà Như Lai đã tích tập từ vô số kiếp. Thầy hãy tiếp tục phó chúc cho họ, để họ cũng được dự phần trong công việc lưu truyền chánh pháp. Như vậy, này A Nan! Kho tàng Pháp Bảo mà Như Lai đã tích tập từ vô số kiếp, sẽ được phó chúc lần thứ hai, để đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh đời vị lai; đừng khiến cho các chúng sinh kia không được nghe giáo pháp, vì nếu không được nghe thì đó là sự mất mát lớn lao của các chúng sinh ấy!
“Lại nữa, này A Nan! Ví như có ông trưởng giả giàu có tột bậc, kho tàng đầy ắp của cải châu báu, tất cả các vật dụng cần thiết đều có đầy đủ. Lúc bấy giờ, có kẻ oan gia đốt cháy kho tàng của ông. Ông trưởng giả có nhiều kẻ oán hận, kể cả bạn bè. Họ thường để tâm muốn làm điều bất lợi cho ông. Có kẻ không vui vì thấy ông luôn sung sướng; có kẻ không vui vì thấy ông được luôn an ổn. Những kẻ oan gia này, khi thấy kho tàng của ông trưởng giả bị lửa cháy thì cứ điềm nhiên đứng nhìn, không muốn giúp dập tắt đám lửa. Ông trưởng giả còn có các bạn bè thân thiện. Ông thường để tâm thương xót, giúp ích họ, luôn muốn cho họ được an ổn. Nhưng, những người này, khi thấy kho tàng của ông bị lửa cháy, cũng cứ điềm nhiên đứng nhìn, không muốn giúp dập tắt đám lửa. Này A Nan! Ý thầy thế nào? Những người bạn như thế, có thể được coi là thuận tình lí không?”
Tôn giả A Nan bạch Phật:
“Dạ thưa không, bạch đức Thế Tôn!”
Đức Phật hỏi tiếp:
“Này A Nan! Những người bạn kia thấy đám lửa lớn đang đốt cháy kho tàng của ông trưởng giả mà làm ngơ không cứu, thì đám lửa kia lại càng cháy mạnh thêm, cho đến khi cái kho tàng bị thiêu hủy hoàn toàn, có phải không?”
Tôn giả A Nan bạch Phật:
“Dạ đúng vậy, bạch đức Thế Tôn!”
Đức Phật dạy:
“Đúng vậy! Đúng vậy! Này A Nan! Kho tàng Pháp Bảo vô thượng mà Như Lai đã tích tập trong vô số kiếp, khi đến thời kì hoại diệt, có các vị tì-kheo tâm không kính tin, phá hủy tịnh giới, làm các việc ác, thường tới lui những nơi ca vũ, không thích hạnh li dục, không tu tập thiền định, tâm luôn tán loạn, lười biếng, ít nghe pháp, không thích đọc tụng; những vị tì-kheo như thế thì làm sao có thể diễn nói giáo pháp cho người khác, khiến họ được nghe và hành trì giáo pháp!
“Lại nữa, này A Nan! Ví như vị quốc vương chỉ có một người con trai duy nhất, đang du hành ở nơi xa xôi. Đúng lúc đó nhà vua bị bệnh nặng, liền đem kho báu và tất cả các thứ trân quí khác, giao phó cho các vị đại thần, bảo rằng: [Khi nào thái-tử trở về, các khanh hãy tôn thái-tử lên kế thế ngôi vua, rồi đem kho báu và tất cả mọi thứ trân quí giao lại cho thái-tử.] Các vị đại thần đều nhận lãnh sự phó thác của nhà vua, sau đó thì nhà vua mạng chung. Khi thái-tử trở về, liền được các vị đại thần tôn lên ngôi kế tục làm vua, nhưng kho báu và các tài vật khác thì họ giữ lại. Họ tâu vua rằng: [Lành thay, thưa đại vương! Xin đại vương lấy chánh pháp để trị hóa nhân dân, còn các báu vật này thì xin ban cho chúng hạ thần!] Này A Nan! Ý của thầy thế nào? Những vị đại thần kia đã nhận lãnh sự phó thác của nhà vua, rồi lại làm như thế thì có lỗi không?”
Tôn giả A Nan bạch Phật:
“Dạ, họ có lỗi, bạch đức Thế Tôn!”
Đức Phật dạy:
“Này A Nan! Vị thái tử du hành ở nơi xa xôi kia là dụ cho chúng sinh đang lưu chuyển trong năm nẻo đường. Nhà vua bị bệnh nặng là dụ cho Như Lai sắp nhập niết-bàn. Kho tàng với nhiều châu báu là dụ cho ba mươi bảy thiện pháp trợ đạo. Các vị đại thần là dụ cho các vị tì-kheo A-la-hán. Phó thác kho tàng bảo vật là dụ cho Như Lai đem kho tàng Pháp Bảo đã tích tập trong vố số kiếp này, phó chúc cho thầy và các đệ tử nối tiếp trong đời vị lai. Này A Nan! Trong đời vị lai có các chúng sinh, mà trong quá khứ đã được Như Lai giáo hóa thuần thục, nhưng do các nghiệp ác đã tạo mà phải bị đọa lạc trong các chốn địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sinh. Sau khi Như Lai diệt độ, khi họ đền trả hết quả báo ở các chốn đau khổ ấy thì mạng chung, và được sinh làm người; các căn lành vốn sẵn có sẽ tăng trưởng thuần thục, họ phát khởi tâm kính tín đối với giáo pháp của Như Lai, có người ở tại gia tu hành, có người được xuất gia; có người chứng quả Tu-đà-hoàn, có người chứng quả A-la-hán; có người ở ngay nơi địa vị Hữu-học mà mạng chung, có người phát khởi lòng tin sâu xa nơi địa vị Phật-đà, có người trồng căn lành nơi các cõi Trời, Người; tất cả những người như thế đều sẽ được đầy đủ lợi ích. Những người có được tâm kính tín như thế, bèn nói rằng: [Đấng Cha Lành của thế gian đã khéo phó chúc cho chúng ta!] Do nói lời ấy mà tâm kính tín của họ lại càng thêm lớn mạnh.
“Này A Nan! Như Lai vì tất cả những chúng sinh kia mà đem kho tàng Pháp Bảo phó chúc cho thầy. Hãy khiến cho họ được nghe Pháp Bảo này. Vì vậy cho nên, Này A Nan! Thầy hãy tạo cơ hội cho tất cả các tịnh tín nam nữ được nghe Pháp Bảo của Như Lai! Nếu họ không được nghe thì thầy sẽ có lỗi lớn đối với Như Lai. Vì sao vậy?
“Này A Nan! Nếu các thiện nam tín nữ kia được nghe Pháp Bảo này, hoặc có người nghe rồi liền thành tựu được công hạnh thù thắng, hoặc có người nghe rồi thì khởi sinh niềm vui thích lớn lao, hoặc có người nghe rồi liền rơi nước mắt; này A Nan! Nếu lại có người nghe các pháp môn này rồi, liền nhớ nghĩ tới công đức của Phật mà xúc động chảy nước mắt, Như Lai sẽ thọ kí cho tất cả những người như thế, do căn lành này mà tất cả sẽ được niết-bàn!