Đức Tin Của Người Phật Tử

26 Tháng Hai 201400:00(Xem: 8016)

ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ
Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Tâm lý nhân loại xưa nay do sợ hãi các thế lực u minh, huyền bí, sợ bệnh tật ốm đau, sợ tai trời ách nước, sợ nghịch cảnh éo le, sợ tai ương hoạn nạn; hoặc do cơ khổ nghèo nàn, do làm ăn lụn bại thất bát, do tội tù nguy khốn, do sự nghiệp bấp bênh, do danh vọng địa vị lung lay; hay do rủi ro bất hạnh, do thất vọng tình đời... mà phát sanh tin cuồng, tin bậy. Tức là từ những lòng tin mù quáng để gởi gắm cuộc đời, số phận của mình. Họ nương tựa bất cứ ở đâu có thể nương tựa. Họ cầu khẩn, van xin đủ mọi ước mơ hão huyền, ngây thơ hoặc không tưởng... trên cuộc đời nầy!

Là người Phật tử, con của Đấng Giác Ngộ, chúng ta phải có đức tin chơn chánh, được đặt nền tảng trên sự hiểu biết đúng đắn và sáng suốt.

Đức tin chơn chánh ấy là:

- Không tin vào một vị Thượng đế, một vị Chủ Tể, một đấng Sáng Tạo Chủ, Hóa Sanh Chủ nào sáng tạo ra muôn vật, muôn loài.

- Không tin vào bất cứ một quyền lực siêu nhiên nào có quyền ban thưởng, phạt ác, chi phối định mạng, số phận con người.

- Không nhẹ dạ tin vào những quyền lực thuộc tín ngưỡng nhất thần, đa thần, vật tổ hoặc các thánh thần do thế gian tôn xưng, ngụy tạo (Thờ tổ tiên, cha mẹ là tín ngưỡng thuộc về đạo hiếu; thờ các vị khai quốc, công thần, anh hùng dân tộc, Thành hoàng, chiến sĩ trận vong... thuộc về pháp tri ân, đều có trong giáo lý đức Phật, nhưng không nằm trong lãnh vực Đức tin chơn chánh của bài này).

- Không mê tín thờ gốc đa, ông táo, thổ địa, thần tài, đốt vàng mã, xin xăm, bói quẻ, cúng sao, giải hạn để cầu lộc, cầu tài...

Ngoài ra, trong bài kinh dạy người dân xứ Kālāma, đức Phật còn có lời khuyên đầy minh triết về Đức tin chơn chánh cho người Phật tử, tóm tắt như sau:

- Không nên tin và chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy do tập tục cổ truyền từ xưa để lại.

- Đừng nên dễ dãi tin theo những lời do thiên hạ đồn đãi.

- Không tin, cả tin, nghe theo những điều đã được người ta nói lại từ trong kinh điển cổ thư truyền thống nào đó.

- Đừng nên tin vào những điều do chính mình ước đoán, ức đoán, suy luận...

- Không nên chấp nhận điều gì có vẻ hợp lý, có vẻ đúng đắn ở bề ngoài.

- Đừng nên tin vào những điều có vẻ phù hợp với nhận thức, định kiến hoặc thành kiến của mình.

- Đừng nên tin tưởng điều gì - vì điều ấy hình như có vẻ chấp nhận được.

- Không nên tin và chấp nhận dễ dàng chỉ vì điều ấy được thốt ra từ cửa miệng một giáo chủ, một đạo sư, một tu sĩ uy tín mà ta vốn đã kính trọng từ trước.

Rồi đức Phật xác lập về Đức tin chơn chánh như sau:

"- Này các con! Khi các con tự hiểu rõ rằng, những điều này không hợp với đạo đức và luân lý thế gian; những điều này là tội lỗi đáng bị khiển trách, những điều này bị các bậc thiện trí coi khinh, những điều này nếu thực hiện sẽ đưa đến sự phá sản tinh thần, đưa đến đau khổ và phiền muộn thì các con phải biết từ bỏ, không tin, không làm điều ấy.

Trái lại, khi các con đã hiểu rõ rằng, những điều này phù hợp với đạo đức, luân lý thế gian; những điều này là những việc lành, tốt, thường được ngợi khen; những điều này thường được các bậc thiện trí tán thán, ca ngợi; những điều này nếu thực hiện sẽ đưa đến sự thăng hoa tinh thần, được hạnh phúc và an vui thì các con nên tin theo, nên thực hành điều ấy".

Phật ngôn ấy đã được nói ra cách đây gần ba ngàn năm nhưng giá trị minh triết của nó còn soi rọi đến tận thế kỷ văn minh ngày nay, dẫn đường cho con người biết đặt đức tin đúng chỗ, rất khoa học, hợp với chánh trí. Chỉ có đức tin ấy mới giúp ta đi tìm chân lý, tìm sự thật vậy.

Đức tin ấy được gọi là Chánh Tín - tức là tin vào những điều sau đây:

1. Tin Phật

Tin vào sự có mặt của chư Phật ba đời, các Ngài đã đang và sẽ xuất trần để cứu độ chúng sanh đang đắm chìm trong sông mê, biển khổ (sông ái dục, biển sinh tử).

Tin rằng cách đây gần ba ngàn năm có Đấng Toàn Giác là vị Phật lịch sử, có sử liệu bi ký chứng minh, ra đời tại Ấn Độ; Ngài đã chiến thắng vô lượng ma chướng ngoại giới và nội tâm, đoạn trừ vô minh, phiền não, chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Sau đó, suốt 45 năm ròng rã, Ngài đã không mệt mỏi giáo hóa chúng sanh, đem hạnh phúc và an vui cho vô lượng chư thiên và nhân loại.

Đức Phật ấy dạy rằng: "Tất cả chúng sanh, ai cũng có khả năng thành Phật". Bởi vậy, chúng ta tin tưởng rằng, nếu biết bỏ ác làm lành, biết phục thiện và hướng thượng, biết nỗ lực kiên trì tu tập theo con đường Giới, Định, Tuệ thì trong một vị lai nào đó, chúng ta cũng sẽ thành Phật như Ngài.

2.Tin Pháp

Tin rằng, những lời dạy vàng ngọc, đầy trí tuệ và từ bi của Ngài còn được trân trọng bảo lưu, gìn giữ đầy đủ ở trong Tam Tạng Thánh Điển: Kinh, Luật và Abhidhamma. Đây là những lời dạy khôn ngoan, minh triết, như chân như thật, cụ thể, thiết thực... là Chân Lý Tối Thượng, đã vượt qua, vượt trên tất cả mọi tư tưởng tôn giáo, triết học, các học thuyết của các triết gia, hiền triết, giáo chủ nhân loại từ xưa đến nay.

Tin rằng, Pháp, Chân Lý, Sự Thật đã được đức Phật khéo thuyết có giá trị thiết thực hiện tại, vượt thời gian... mà những người có trí có thể chứng nghiệm trong lòng mình.

3. Tin Tăng

Tin rằng, tập thể Tăng-già quá khứ hiện tại, vị lai đã, đang và sẽ tu tập theo con đường Giới, Định, Tuệ và đắc các quả Thánh Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán.

Tin rằng những đức tính cao cả của Tăng-già như thiện hạnh (diệu hạnh), trực hạnh, ưng lý hạnh (như lý hạnh), và chánh hạnh (pháp hạnh) - chúng ta cũng có thể thành tựu được bằng cách rèn luyện thân, khẩu, ý cho đến chỗ trong lành, hoàn hảo.

4. Tin nhân quả nghiệp báo

Tin rằng, trồng cam được cam, gieo ớt được ớt, nhân nào quả nấy. Những bất đồng sai khác trên cuộc đời như giàu nghèo, sang hèn, trí ngu, vui khổ, rủi may, thọ yểu, xấu đẹp, phước tội... là đều do những nhân gieo sai khác từ rất nhiều đời trước mà ra cả.

Chính ý nghĩ, hành động và nói năng của ta từ quá khứ tạo tác, nó sinh ra đời sống và hoàn cảnh của ta trong hiện tại. Và chính ý nghĩ, hành động nói năng của ta trong hiện tại chúng sẽ tạo thành nghiệp để tạo tác, quyết định đời sống và hoàn cảnh cho chúng ta trong vị lai. Hiểu nhân quả nghiệp báo như thế thì ta chính là thượng đế của ta, tự ta sinh ra ta chứ không phải là ai khác.

Tuy nhiên một hạt thóc không thể trở thành cây lúa nếu không có đất, nước, phân, ánh sáng, thời gian... Các yếu tố phụ tùy hỗ trợ cho cái nhân ấy chính là duyên. Nếu là duyên lành, tức thuận duyên, trợ duyên tác động lên nhân thì quả mới thành, mới toàn hảo. Nếu là duyên xấu ác, là nghịch duyên hay chướng duyên tác động lên nhân thì quả sẽ không thành, sẽ bị diệt vong, tiêu hoại.

Là người con Phật, ta phải biết tin vào định luật nhân quả nghiệp báo đương nhiên này. Ta phải biết tạo nghiệp tốt từ ba cửa thân, khẩu, ý rồi luôn tạo thêm duyên lành hỗ trợ cho tam nghiệp ấy thì những kết quả tốt đẹp trong mai hậu, tuy chẳng mong cầu, nó vẫn tự đến với ta vậy.

5. Tin luân hồi tử sanh

Tin rằng, tất cả chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, do nghiệp thiện ác quyết định mà sinh tới sinh lui mãi trong 6 nẻo luân hồi. Các cảnh giới trong 3 cõi 6 đường kia chính do ta tạo ra chứ không phải là ai khác. Chính do tâm xấu, ác, lành, tốt sai khác mà tạo nên các cảnh giới sai khác sau đây:

- Khi độc ác, bạo tàn, hung dữ... xem chừng là ta đang mở cảnh giới địa ngục.

- Khi xan tham, khao khát quá độ, tham vọng quá độ, khát dục, khát ái vô độ... xem chừng chúng ta đang tạo cảnh giới ngạ quỷ.

- Khi si mê, đắm trước, trơ lì, đần độn, bản năng, thú tính... thì ta đã tự biến mình thành súc sanh!

- Khi sợ hãi, ngã mạn, cậy quyền, cậy thế, hung hăng, hiếu chiến, hiếu thắng... đưa đến việc sử dụng binh khí miệng lưỡi, binh khí đao, gậy, gươm, súng... để tranh chiến tranh thắng... thì ta đang sống trong cảnh giới a-tu-la.

- Khi xử sự có lý, có tình; sống có nhân có nghĩa, lành tốt nhiều hơn xấu ác thì ta được sanh làm người (hoặc có Tam qui, Ngũ giới, thập thiện).

- Khi có nhiều thiện tâm, khinh an, mát mẻ, hoan hỷ, biết tu hành, có bố thí, trì giới (Ngũ giới; bát giới), thập thiện, tham thiền... thì ta mở cửa bước vào 6 cảnh trời Dục giới.

- Khi tu thiền định đắc tứ thiền Hữu sắc, đắc tứ thiền Vô sắc thì ta vào trú xứ các cảnh trời Sắc giới, Vô sắc giới tương đương.

- Nếu ta tu tập Giới, Định, Tuệ đắc quả A-la-hán là ta giải thoát khỏi sự ràng buộc của 3 cõi. Và như vậy là ta sẽ không còn luân hồi tái sanh nữa.

6. Tin Tứ Diệu Đế

Tin vào lộ trình thoát khổ là trọng tâm, là cốt lõi giáo lý mà đức Phật đã thuyết giảng; đó là sự thật về khổ, sự thật về nguyên nhân khổ, sự thật về diệt khổ, và sự thật về con đường diệt khổ. Con đường diệt khổ ấy là Đạo Đế, là Bát Chánh Đạo, là con đường duy nhất thoát ly mọi đau khổ trần gian, đem lại nguồn hạnh phúc đích thực cho tất cả chúng sanh.

Nói tóm lại, Đức tin chơn chánh này rất quan trọng mà thiếu nó là thiếu tất cả. Tuy nhiên, đức tin này không phải có được một cách dễ dàng; nó có được phải qua quá trình nghiên cứu, học hỏi, suy tư, chiêm nghiệm, tìm kiếm... và nhất là phải có sẵn duyên lành từ nhiều đời kiếp.

Một người Phật tử có đức tin - với 6 loại đức tin kể trên - không những xứng đáng là người có trí, xứng đáng là một người Phật tử mà còn tin chắc, biết chắc mình đã dần dần bỏ xa những hành vi xấu ác.

Nếu đức tin này được huân trưởng, củng cố mãi, đến lúc sẽ trở thành “đức tin kiên cố bất động”, chẳng bao giờ dời đổi, chẳng thể nào bị lay động bởi bất cứ thế lực, hoàn cảnh nào, đức Phật còn gọi người Phật tử ấy là bậc đã đi vào dòng Thánh, mãi mãi bước trên con đường tiến hóa, không bao giờ còn sợ phải thối đọa hoặc rơi vào các cảnh giới đau khổ nữa.

 

Minh Đức Triều Tâm Ảnh

(CÙNG TÁC GIẢ)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Mười Một 2014(Xem: 7519)
Sự tu tập trong Phật giáo, cốt tủy vẫn là “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Nghĩa là tự lực và tha lực luôn tương tác, hỗ trợ nhau trong tu tập nhưng tự lực vẫn là chính, trọng tâm của việc thực hành giáo pháp. Người tu muốn thành công phải theo thứ lớp, tuần tự từ thấp lên cao. Trước phải có lòng tin, không rời kinh điển rồi sau mới tự mình thân chứng và đến nơi các Thánh quả.
18 Tháng Mười Một 2014(Xem: 5348)
Nhà vua đứng trên muôn dân, là chủ của đất nước nhưng nếu vua thiếu đạo đức thì dân khốn, nước nguy. Lịch sử đã cho thấy những triều đại thịnh trị đều nhờ có minh quân. Nếu vua mà hôn quân vô đạo thì chắc chắn triều đại ấy sẽ nhanh chóng sụp đổ.
12 Tháng Mười Một 2014(Xem: 6486)
Trong các pháp thoại của Thế Tôn, những hình ảnh trực quan luôn được Ngài vận dụng để minh họa cho sinh động và dễ hiểu. Nhìn một khúc gỗ lênh đênh xuôi trên một dòng sông hướng về biển cả, Ngài liên tưởng ngay đến hình ảnh của người tu đang trên đường xuôi về Niết-bàn.
02 Tháng Mười Một 2014(Xem: 5883)
Bố thí là một trong những pháp hành phổ biến của người đệ tử Phật. Hãy cho đi một phần những gì mình có để tạo phước cho hiện tại và mai sau. Dĩ nhiên, người con Phật bố thí luôn hướng đến mục tiêu lợi mình, lợi người, lợi cả hai. Cho đi để mình và người đều lợi ích, an lạc mới được gọi là bố thí đúng nghĩa.
28 Tháng Mười 2014(Xem: 6356)
Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa. Vì bệnh tật ốm đau vốn không chừa một ai, kể cả các vị lậu tận La-hán, nên hiểu về bệnh trạng của mình nhằm có cách trị liệu và điều dưỡng thích hợp khiến bệnh mau lành là điều rất cần.
22 Tháng Mười 2014(Xem: 6716)
Có lẽ ai cũng cảm nhận được rằng, cuộc sống này hiếm khi yên bình mà luôn đầy ắp những biến động. Với nghịch cảnh, chúng ta bị tác động và chi phối thì đã đành. Nhưng với thuận cảnh, nếu không khéo giác tỉnh thì chúng ta cũng dễ bị tác động để tạo ra những chao đảo và lệch chuẩn khó lường. Nói cách khác, chúng ta luôn bị những ngọn gió thuận nghịch trong cuộc đời quăng quật, làm trở ngại sự tĩnh tại và bình an.
22 Tháng Mười 2014(Xem: 7072)
Có người tìm đến Phật pháp không chỉ mong cầu lợi ích cho chính mình, mà còn mong cầu mang lại lợi ích cho những người khác, không chỉ mong cầu giác ngộ giải thoát cho chính mình mà còn mong cầu mang lại giác ngộ giải thoát cho tất cả chúng sinh. Vì những người này, đức Phật thuyết giảng giáo lý Đại thừa.
15 Tháng Mười 2014(Xem: 8076)
“Đường về” là một tuyển tập gồm một số bài tiểu luận về Phật pháp do cố Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải thực hiện. Tập sách chủ yếu làm sáng tỏ một số điểm giáo lý và pháp môn thực hành nòng cốt của Phật giáo từ Nguyên thủy cho đến Đại thừa mà tác giả đã có nhân duyên được học tập, thực hành và mong muốn chia sẻ với người khác.
15 Tháng Mười 2014(Xem: 6109)
Hẳn ai cũng từng biết và suy ngẫm về câu “Có phước có đức thì mặc sức mà hưởng”. Quả đúng như vậy, những người có phước đức thì mọi chuyện trong cuộc sống đều thuận lợi, thành công dễ dàng. Nhưng phước đức không phải tự nhiên hoặc thánh thần nào ban cho mà tự chúng ta phải gieo trồng, tưới tẩm mới mong có ngày gặt hái.
30 Tháng Chín 2014(Xem: 5677)
Bất cứ chúng sanh nào, dù là bậc cao hay thấp, thì đời sống và thọ mạng của họ cũng có hạn lượng. Có sanh thì ắt phải chết, có chết thì mới tái sanh để tạo ra vòng xoáy luân hồi vô cùng vô tận. Điều đáng nói là sau khi chết thì chúng ta đi về đâu? Được sanh lên trời hưởng phước hay sanh xuống ác đạo chịu khổ? Và ai hay cái gì có quyền quyết định xu hướng tái sanh ấy?