Hướng đến ánh sáng

02 Tháng Bảy 201415:49(Xem: 6075)

HƯỚNG ĐẾN ÁNH SÁNG

Quảng Tánh


blankMột thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến đảnh lễ Thế Tôn. Thế Tôn nói với vua Pasenadi đang ngồi xuống một bên: Thưa đại vương, có bốn hạng người này có mặt, hiện diện ở đời.

Thế nào là bốn? Hạng người sống trong bóng tối và hướng đến bóng tối. Hạng người sống trong bóng tối và hướng đến ánh sáng. Hạng người sống trong ánh sáng và hướng đến bóng tối. Hạng người sống trong ánh sáng và hướng đến ánh sáng.(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 3, phần Người [trích], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.209)

LỜI BÀN:

Mỗi người được sinh ra ở trên đời với một thân phận, hoàn cảnh khác nhau. Họ không có quyền chọn lựa cho mình nơi để sinh ra vì đó là nghiệp dĩ. Tuy nhiên, con người hoàn toàn có thể phấn đấu cải tạo nghiệp lực, chuyển hóa thân tâm và hoàn cảnh theo hướng tích cực, tốt đẹp hơn. Cuộc sống là một quá trình đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Và tất nhiên không phải ai cũng đạt đến thành công trong việc tự hoàn thiện mình. Do đó, mỗi người cần nỗ lực hướng thiện bền bỉ và liên tục.

Theo tuệ giác Thế Tôn, có hạng người thiếu phước “sống trong bóng tối và hướng đến bóng tối” sinh ra trong đói khổ, thất học, thiếu vắng tình thương và từ đó không tìm ra lối đi sáng sủa cho cuộc đời mình. Nếu không phải là tội phạm thì họ cũng không đoan chánh, không có niềm tin và chẳng tạo ra được chút phước lành nào trong đời. Hạng người này thật đáng thương và rất cần sự trợ duyên, đùm bọc của xã hội.

Hạng người thứ hai “sống trong bóng tối và hướng đến ánh sáng” cũng xuất thân từ đói khổ, bất hạnh nhưng nhờ còn chút phước duyên nên gặp được thiện tri thức và biết phấn đấu vươn lên từ đói nghèo để đi đến thành công. Chuyện những cô Tấm và nàng Lọ Lem thời hiện đại cùng những tấm gương vượt khó của họ thật đáng cho chúng ta suy gẫm để học tập, noi theo.

Thế nhưng lại có hạng người “sống trong ánh sáng và hướng đến bóng tối”. Tuy xuất thân trong môi trường tốt, gia đình danh giá nhưng vì lười biếng và ỷ lại cùng với thói quen hưởng thụ, một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên rơi vào sa đọa, nghiện ngập và trở thành tội phạm. Họ không làm được gì giúp cho bản thân và gia đình mà còn trở thành gánh nặng cho xã hội.

Hạng người sau cùng “sống trong ánh sáng và hướng đến ánh sáng” vốn đầy đủ phước duyên. Họ nhờ những thuận duyên nên ngay từ nhỏ đã biết phấn đấu học tập, tu dưỡng đạo đức và trở thành người tài đức vẹn toàn.

Một xã hội, đất nước mà tích tụ được nhân tài từ hai hạng người hướng đến ánh sáng như lời Phật dạy thì chắc chắn đất nước ấy đang thực sự phát triển, đi lên trong sự thịnh vượng bền vững, dài lâu.


Nguyên văn kinh:
Đại Tạng Kinh Việt Nam
KINH TƯƠNG ƯNG BỘ
Samyutta Nikàya

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt - Phật Lịch 2537 - 1993
III Phẩm Thứ Ba

I. Người (S.i,93)

1) Ở tại Sàvatthi.

2) Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với vua Pasenadi nước Kosala đang ngồi một bên:

-- Thưa Đại vương, có bốn loại người này có mặt, hiện diện ở đời.

3) Thế nào là bốn? Sống trong bóng tối và hướng đến bóng tối, sống trong bóng tối hướng đến ánh sáng, sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối, sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng. (Xem A ii, 85; Tăng II 85).

4) Thưa Đại vương, và thế nào là người sống trong bóng tối hướng đến bóng tối? Ở đây, thưa Đại vương, có một số người sanh trong gia đình hạ tiện, gia đình kẻ chiên-đà-la hay gia đình người đan rổ, hay gia đình người làm bẫy sập, hay gia đình người làm xe, hay gia đình người đổ rác nghèo đói, ăn uống thiếu thốn, sanh kế khó khăn, khó kiếm đồ ăn mặc, và người ấy xấu xí khó nhìn, còm lưng, nhiều bệnh, mù lòa, quẹo tay, bại chân, hay nửa thân tê liệt. Người ấy không nhận được đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, không nhận được chỗ nằm, chỗ ở, đèn đuốc. Người ấy thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Thưa Đại vương, ví như một người đi từ tối tăm này đến tối tăm khác, hay đi từ hắc ám này đến hắc ám khác, hay từ vết máu đỏ này đến vết máu đỏ khác. Thưa Đại vương, Ta nói người ấy với ví dụ như vậy. Thưa Đại vương, như vậy là người sống trong bóng tối, hướng đến bóng tối.

5) Và thưa Đại vương, thế nào là người sống trong bóng tối hướng đến ánh sáng? Ở đây, thưa Đại vương, có một số người sanh trong gia đình hạ tiện, gia đình kẻ chiên-đà-la, hay gia đình người đan rổ, hay gia đình người làm bẫy sập, hay gia đình người làm xe, hay gia đình người đổ rác, nghèo đói, ăn uống thiếu thốn, sanh kế khó khăn, khó kiếm đồ ăn mặc. Và người ấy xấu xí, khó nhìn, còm lưng, nhiều bệnh, mù lòa, quẹo tay, bại chân hay nửa thân tê liệt. Người ấy không nhận được đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, không nhận được chỗ nằm, chỗ ở, đèn đuốc. Người ấy thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Do thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, sau khi thân hoại mạng chung người ấy được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Thưa Đại vương, ví như một người từ đất leo lên kiệu, hay từ kiệu leo lên lưng ngựa, hay từ lưng ngựa leo lên thân voi, hay từ thân voi leo lên lầu. Thưa Đại vương, Ta nói người ấy với ví dụ như vậy. Thưa Đại vương, như vậy là người sống trong bóng tối hướng đến ánh sáng.

6) Và thưa Đại vương, thế nào là người sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối? Ở đây, thưa Đại vương, có số người sanh ra trong gia đình cao quý, trong gia đình Sát-đế-lỵ đại phú, hay trong gia đình Bà-la-môn đại phú, hay trong gia đình gia chủ đại phú, phú hào có tiền của lớn, có tài sản lớn, có nhiều vàng và bạc, có nhiều tài sản vật dụng, nhiều tiền của, ngũ cốc. Người ấy đẹp trai, dễ nhìn, dễ thương, với màu da tuyệt đẹp, mỹ miều. Người ấy lại nhận được đồ ăn, đồ uống, áo mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ trú, đèn đuốc. Người ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ví như, thưa Đại vương, một người từ lầu leo xuống thân voi, hay từ thân voi leo xuống lưng ngựa, hay từ lưng ngựa leo xuống chiếc kiệu, hay từ chiếc kiệu leo xuống đất, hay từ đất leo xuống lòng đất tối tăm. Thưa Đại vương, Ta nói người ấy với ví dụ như vậy. Thưa Đại vương, như vậy là người sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối.

7) Và thưa Đại vương, thế nào là người sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng? Ở đây, thưa Đại vương, có người sanh ra trong gia đình cao quý, trong gia đình Sát-đế-lỵ đại phú, hay trong gia đình Bà-la-môn đại phú, hay trong gia đình gia chủ đại phú, phú hào, có tiền của lớn, có tài sản lớn, có nhiều vàng và bạc, có nhiều tài sản vật dụng, có nhiều tiền của, ngũ cốc. Và người ấy đẹp trai, dễ nhìn, dễ thương, với màu da tuyệt đẹp, mỹ miều. Người ấy lại nhận được đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ trú, đèn đuốc. Người ấy thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Do thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, người ấy khi thân hoại mạng chung được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Ví như, thưa Đại vương, một người từ chiếc kiệu này bước qua chiếc kiệu khác, hay từ lưng ngựa này bước qua lưng ngựa khác, hay từ thân voi này bước qua thân voi khác, hay từ lầu này bước qua lầu khác. Thưa Đại vương, Ta nói người ấy với ví dụ như vậy. Thưa Đại vương, như vậy là người sống trong ánh sáng, hướng đến ánh sáng.

8) Thưa Đại vương, những người như vậy có mặt, hiện diện trong đời.

9) Thưa Đại vương, người nghèo đói bất tín và xan tham :

Keo kiết, ác tư duy,
Tà kiến, thiếu lễ nghĩa,
Nhiếc mắng và mạ lỵ
Sa-môn, Bà-la-môn,
Cùng các khất sĩ khác;
Không cho, làm phiền nhiễu,
Ngăn chận sự bố thí,
Cơm nước cho người xin;
Đại vương, người như vậy,
Khi thân hoại mạng chung,
Sanh địa ngục hãi hùng.
Ôi Nhân chủ, người vậy,
Được gọi sanh bóng tối,
Và hướng đến bóng tối.
10)
Đại vương, người nghèo đói
Có tín, không xan tham,
Bố thí, thiện tư duy,
Có chí, tâm không loạn,
Đứng dậy và chào đón
Sa-môn, Bà-la-môn,
Cùng các khất sĩ khác,
Tu học hạnh thăng bằng;
Không ngăn sự bố thí,
Cơm nước cho người xin;
Đại vương, người như vậy,
Khi thân hoại mạng chung,
Được sanh lên Thiên giới,
Ôi Nhân chủ, người vậy,
Được gọi sanh bóng tối,
Nhưng hướng đến ánh sáng.
11)
Đại vương, người hào phú,
Bất tín và xan tham,
Keo kiết, ác tư duy,
Tà kiến, không lễ nghĩa,
Nhiếc mắng và mạ lỵ.
Sa-môn, Bà-la-môn,
Cùng các khất sĩ khác,
Không cho, làm phiền nhiễu,
Ngăn chận sự bố thí,
Cơm nước cho người xin.
Đại vương, người như vậy,
Khi thân hoại mạng chung,
Phải sanh vào địa ngục.
Ôi Nhân chủ, người vậy,
Được gọi sanh ánh sáng,
Và hướng đến bóng tối.
12)
Đại vương, người hào phú,
Có tín, không xan tham,
Bố thí, thiện tư duy,
Có chí, tâm không loạn.
Đứng dậy và chào đón,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Cùng các khất sĩ khác,
Tu học hạnh hòa bình,
Không ngăn sự bố thí,
Cơm nước cho người xin.
Đại vương, người như vậy,
Khi thân hoại mạng chung,
Được sanh lên Thiên giới,
Ôi Nhân chủ, người vậy,
Được gọi sanh ánh sáng,
Và hướng đến ánh sáng.
(http://dieungu.org/p13272a23580/2/03-chuong-iii-tuong-ung-kosala)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Mười Một 2014(Xem: 7482)
Sự tu tập trong Phật giáo, cốt tủy vẫn là “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Nghĩa là tự lực và tha lực luôn tương tác, hỗ trợ nhau trong tu tập nhưng tự lực vẫn là chính, trọng tâm của việc thực hành giáo pháp. Người tu muốn thành công phải theo thứ lớp, tuần tự từ thấp lên cao. Trước phải có lòng tin, không rời kinh điển rồi sau mới tự mình thân chứng và đến nơi các Thánh quả.
18 Tháng Mười Một 2014(Xem: 5337)
Nhà vua đứng trên muôn dân, là chủ của đất nước nhưng nếu vua thiếu đạo đức thì dân khốn, nước nguy. Lịch sử đã cho thấy những triều đại thịnh trị đều nhờ có minh quân. Nếu vua mà hôn quân vô đạo thì chắc chắn triều đại ấy sẽ nhanh chóng sụp đổ.
12 Tháng Mười Một 2014(Xem: 6460)
Trong các pháp thoại của Thế Tôn, những hình ảnh trực quan luôn được Ngài vận dụng để minh họa cho sinh động và dễ hiểu. Nhìn một khúc gỗ lênh đênh xuôi trên một dòng sông hướng về biển cả, Ngài liên tưởng ngay đến hình ảnh của người tu đang trên đường xuôi về Niết-bàn.
02 Tháng Mười Một 2014(Xem: 5853)
Bố thí là một trong những pháp hành phổ biến của người đệ tử Phật. Hãy cho đi một phần những gì mình có để tạo phước cho hiện tại và mai sau. Dĩ nhiên, người con Phật bố thí luôn hướng đến mục tiêu lợi mình, lợi người, lợi cả hai. Cho đi để mình và người đều lợi ích, an lạc mới được gọi là bố thí đúng nghĩa.
28 Tháng Mười 2014(Xem: 6336)
Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa. Vì bệnh tật ốm đau vốn không chừa một ai, kể cả các vị lậu tận La-hán, nên hiểu về bệnh trạng của mình nhằm có cách trị liệu và điều dưỡng thích hợp khiến bệnh mau lành là điều rất cần.
22 Tháng Mười 2014(Xem: 6689)
Có lẽ ai cũng cảm nhận được rằng, cuộc sống này hiếm khi yên bình mà luôn đầy ắp những biến động. Với nghịch cảnh, chúng ta bị tác động và chi phối thì đã đành. Nhưng với thuận cảnh, nếu không khéo giác tỉnh thì chúng ta cũng dễ bị tác động để tạo ra những chao đảo và lệch chuẩn khó lường. Nói cách khác, chúng ta luôn bị những ngọn gió thuận nghịch trong cuộc đời quăng quật, làm trở ngại sự tĩnh tại và bình an.
22 Tháng Mười 2014(Xem: 7041)
Có người tìm đến Phật pháp không chỉ mong cầu lợi ích cho chính mình, mà còn mong cầu mang lại lợi ích cho những người khác, không chỉ mong cầu giác ngộ giải thoát cho chính mình mà còn mong cầu mang lại giác ngộ giải thoát cho tất cả chúng sinh. Vì những người này, đức Phật thuyết giảng giáo lý Đại thừa.
15 Tháng Mười 2014(Xem: 8049)
“Đường về” là một tuyển tập gồm một số bài tiểu luận về Phật pháp do cố Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải thực hiện. Tập sách chủ yếu làm sáng tỏ một số điểm giáo lý và pháp môn thực hành nòng cốt của Phật giáo từ Nguyên thủy cho đến Đại thừa mà tác giả đã có nhân duyên được học tập, thực hành và mong muốn chia sẻ với người khác.
15 Tháng Mười 2014(Xem: 6084)
Hẳn ai cũng từng biết và suy ngẫm về câu “Có phước có đức thì mặc sức mà hưởng”. Quả đúng như vậy, những người có phước đức thì mọi chuyện trong cuộc sống đều thuận lợi, thành công dễ dàng. Nhưng phước đức không phải tự nhiên hoặc thánh thần nào ban cho mà tự chúng ta phải gieo trồng, tưới tẩm mới mong có ngày gặt hái.
30 Tháng Chín 2014(Xem: 5641)
Bất cứ chúng sanh nào, dù là bậc cao hay thấp, thì đời sống và thọ mạng của họ cũng có hạn lượng. Có sanh thì ắt phải chết, có chết thì mới tái sanh để tạo ra vòng xoáy luân hồi vô cùng vô tận. Điều đáng nói là sau khi chết thì chúng ta đi về đâu? Được sanh lên trời hưởng phước hay sanh xuống ác đạo chịu khổ? Và ai hay cái gì có quyền quyết định xu hướng tái sanh ấy?