Lời Tựa Của Ngài Thupten Jinpa

22 Tháng Tám 201000:00(Xem: 32463)
Đức Đạt Lai Lạt Ma
TU TUỆ
Bản tiếng Anh:Practicing Wisdom - Nhà xuất bản Wisdom
Bản tiếng Pháp: Pratique de la Sagesse - Nhà xuất bản Presses du Châtelet
Bản dịch Việt ngữ: Hoang Phong - Nhà xuất bản Phương Đông TP. Hồ Chí Minh 2008

Lời tựa
(Của Ngài Thupten Jinpa (1))

Hành trình đến Giác ngộ (2) là một tập Luận của Tịch Thiên (Shantideva), được Đức Đạt-Lai Lạt-ma bình giảng. Tập Luận nêu lên một điều tiên quyết : tất cả những lời Phật dạy đều nhắm vào mục đích khuyến khích ta trau dồi Trí tuệ. Điều khẳng định này tuy có vẽ đơn giản nhưng thật ra đã phản ảnh một sự hiểu biết thâm sâu, và cũng là trọng tâm của thông điệp Phật giáo. Tuy rằng một vài môn đệ của Đức Phật sau này có chủ trương sai lạc đi, nhưng từ nguyên thủy Đức Phật đã dạy rằng nếu ta có đạt được Giác ngộ hoàn hảo, thì chắc chắn sự Giác ngộ ấy ta không đạt được bằng cách hành hạ thân xác, cũng không phải bằng những nghi lễ phức tạp hay bằng những lời cầu nguyện, nhưng bằng cách bảo vệ thật kỷ cương tâm thức của chính ta. Khi nào ta vẫn còn vướng mắc trong chu kỳ luân hồi vì vô minh cội rễ không cho phép ta quán nhận được bản chất thật sự về sự hiện hữu của bản thân ta, thì khi đó xoá bỏ tấm màn vô minh vẫn còn là một yếu tố chính yếu thúc đẩy việc tu tập Trí tuệ. Hiểu được như thế ta sẽ ý thức được tầm quan trọng của con đường đưa ta đến sự hiểu biết.

Tập thơ của Tịch Thiên được ghi chép từ thế kỷ thứ VIII, và ngay sau đó đã trở thành một văn bản nòng cốt giúp cho người Bồ-tát trên đường tu tập, một con đường thật dài hướng đến sự hiển lộ hoàn toàn của Phật tính. Trong tập thơ này khởi sự từ chương V đến chương IX các chủ đề như Bảo toàn sự Tinh tấn, Nhẫn nhục, Kiên trì, Suy tư và Sự Hiểu biết Siêu nhiên được nêu lên và tập trung vào hai điều sau cùng trong số Sáu điều hoàn thiện Trí tuệ (3). Bốn chương đầu tiên tiên từ I đến IV của tập thơ – gồm có các chủ đề Tán tụng về Tư duy tỉnh thức ; Xám hối, Ý thức về Tư duy tỉnh thức và Ứng dụng về Tư duy tỉnh thức – lại dành riêng để nói đến các thể dạng khác biệt của Bồ-đề tâm (tức ước vọng đạt được tâm linh tỉnh thức). Chương X trình bày những ước vọng vô cùng cảm động về lòng thương người của những vị Bồ-tát. 

Tập Hành trình đến Giác ngộ khi mới được phổ biến đã sớm chinh phục được một số quần chúng rộng rải trên đất Ấn và Tây tạng – tác phẩm này được dịch sang tiếng Tây tạng ngay từ thế kỷ thứ IX. Và suốt trong nhiều thế kỷ sau đấy, đã trở thành một « văn bản cội rễ », ảnh hưởng sâu đậm đến nhiều trào lưu quan trọng của Phật giáo, các vị thầy lừng danh Ấn độ và Tây tạng thay nhau đưa ra nhiều lời bình giải.

Ảnh hưởng này vẫn không suy yếu trên giòng thời gian, Vị Đạt-Lai Lạt-Ma hiện tại vẫn thường trích dẫn nhiều đoạn trong bài thơ trường thiên đó của Tịch Thiên vào những buổi thuyết giảng của Ngài về Phật giáo. Ngài cho rằng tiết thơ tứ tuyệt sau đây có thể xem là một rong những nguồn hứng khởi lớn lao và hùng mạnh nhất :

 Khi nào không gian còn tiếp tục,
 Khi nào chúng sinh còn hiện hữu,
 Tôi van xin được còn đây,
 Để làm tan biến những khổ đau của thế gian này.

Đức Đạt-Lai Lạt-Ma sẽ trình bày về chương IX của tâp thơ, dựa trên hai cách bình giải đáng chú ý nhất đã được soạn thảo vào thế kỷ thứ XIX, hai cách bình giải này tiêu biểu cho hai trường phái Phật giáo khác nhau. Cách bình giải thứ nhất do Khentchen Kunzang Palden đưa ra trong tập luận Hương vị tuyệt vời về những lời giảng của Manjushri, và tập luận này thuộc truyền thống Ninh-mã (Nyingmapa). Cách bình giải thứ hai của Minyak Kunzang Seunam trình bày trong tập luận Ngọn đuốc sáng ngời, một tập sách phản ảnh đường hướng của trường phái Cách-lỗ (Guélougpa). Không những Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đã trình bày thật cặn kẽ văn bản của Tịch Thiên, mà Ngài còn góp thêm những lời bình giải xuất phát từ những suy tư của riêng Ngài trong việc tu học Phật Pháp. Những suy tư đó được trình bày riêng rẽ với phần bình giải của tập sách và mang tiểu đề « Sự hiểu biết siêu nhiên », trong mục đích giúp người đọc theo dõi phần trình bày văn bản nguyên thủy một cách dễ dàng hơn. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma so sánh song song hai cách bình giải xưa của Tây tạng, đồng thời trình bày thêm cách bình giải của riêng của Ngài. Với những lời bình giải trên đây, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma sẽ đưa ta đi sâu vào một trong những trước tác quan trọng nhất của Đại thừa, còn gọi là Cỗ xe lớn.

Bài giáo huấn này được Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thuyết giảng tại viện Vajra Yogini trên đất Pháp vào tháng mười một năm 1993, do lời mời của Hiệp hội những người Phật giáo Tây tạng tại Pháp. Bài giáo huấn này là phần tiếp nối của một loạt thuyết trình đã được tổ chức trước đó trong vùng Dordogne (Pháp) từ tháng tám năm 1991, đề cập đến tám chương đầu tiên trong tập Hành trình đến Giác ngộ. Quyển sách này của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đã ban cho chúng ta những lời bình giải thâm sâu, minh bạch, hàm chứa nhiều xúc động về một trong những tác phẩm cổ điển và đẹp nhất của Phật giáo.

Thupten Jinpa
Montréal, 2004
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2250)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8386)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3078)