- Mục Lục
- 01. Bốn Chặng Đường Tỉnh Thức
- 02. Hồng Danh
- 03. Luận Vãng Sinh
- 04. Ý Nghĩa Trai Đàn Bạt Độ
- 05. Tương Quan Giữa Thiền Và Mật
- 06. Các Đề Mục Nguyên Thủy
- 07. Thân Hành Niệm
- 08. Ba Thời Chuyển Pháp
- 09. Câu Chuyện Dòng Sông
- 10. Ý Nghĩa Quy Y Ba Chặng Đường Tu Tập
- 11. Phương Pháp Học Phật
- 12. Tiến Trình Chết & Trung Ấm
- 13. Trung Ấm Tái Sinh
- 14. Kêu Dài Một... Lạnh Hư Không
- 15. Cách Chữa Tim Tại Mỹ
NGUỒN MẠCH TÂM LINH
Thích Nữ Trí Hải
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội 2003
CÁC ĐỀ MỤC NGUYÊN THỦY
Trong 40 đề mục nguyên thủy, là mười biến xứ (kasinas), mười giai đoạn tử thi, mười tùy niệm, bốn vô lượng, bốn vô sắc, một tưởng và một phân tích, thì xét về cách tu tập, có thứ cần được nhìn bằng mắt và cần khai triển rộng lớn dần, như đối với các biến xứ (kasinas); có thứ không cần khai triển mà chỉ quán bằng mắt và bằng tâm, như đối với mười giai đoạn thây chết; có thứ cần vận dụng xúc giác lúc đầu, như trong pháp quán hơi thở. Đấy là những đề mục có tướng bên ngoài. Những cái còn lại không có tướng bên ngoài, nhưng là những “tự tính pháp”, có thể tư duy sâu xa về nó, có thể đào sâu ý nghĩa.
Xét về kết quả, thì có thứ đề mục chỉ đưa đến định cận hành, có thứ đưa đến định an chỉ; lại có những đề mục chỉ đắc sơ thiền đến tam thiền là tối đa (như ba đề mục đầu trong bốn vô lượng tâm), có đề mục có thể đạt tứ thiền (như đề mục “Xả” trong bốn vô lượng).
Lấy ví dụ về một đề mục thuộc “tự tính” như đề mục niệm Phật trong mười tùy niệm. Trong khi tu tập hành giả tưởng niệm đến vô số đức của đấng Giác ngộ, là trí đức, đoạn đức, ân đức của Ngài, đến mười hiệu với ý nghĩa sâu xa theo nguyên ngữ Pàli như Arahant với các nghĩa “xa xôi” với nhiễm ô, “căm xe” của bánh xe sinh tử đã phá hủy, “kẻ thù” phiền não đã diệt, “xứng đáng” với sự cúng dường tối thượng của chư thiên và nhân loại; và là người không có những ác hành bí mật (rahu) như các bậc thầy ngoại đạo trong bẩn ngoài sạch, vân vân. Hoặc, về danh hiệu “Sugata”(Thiện thệ) của Phật, có những ý nghĩa như: Ngài đã đi một cách tốt đẹp, một đi không trở lui về con đường ô nhiễm, Ngài đã đi đến nơi tốt đẹp là Niết Bàn, và Ngài công bố Pháp tốt đẹp đưa những ai thực hành đúng đi đến giải thoát đau khổ. Niệm Pháp, niệm Tăng và các “tùy niệm” khác cũng vậy.
Vì tính chất sâu xa có thể phân tích, tư duy rộng rãi về chúng, mà tâm hành giả trở nên chuyên chú vào các thiện pháp, trừ được các ý xấu, nỗ lực làm điều lành. Đến gần một người như vậy ta có cảm tưởng như đứng trước một điện thờ Phật được trang hoàng đẹp đẽ, ta có cảm giác an lạc như tới chùa. Người chuyên tu các pháp tưởng niệm này thì trừ được năm triền cái (tham, sân, hôn trầm, trạo cử và nghi), tâm được định tĩnh trong định “cận hành” (upacàra), và khi chết sẽ hướng đến những cảnh giới tốt đẹp.
Với những đề mục thuộc loại “phi tự tính” như các kasinas, thì hành giả chỉ có mỗi một việc là khai triển cái tướng “đất”, vân vân (tùy đối tượng quán) chứ không thể tư duy gì về nó, nên tâm có thể tập trung cao độ, đạt đến tính “thắp sáng” đối tượng. Khi ấy tướng đất hiện ra khắp nơi nào tâm hành giả chạm tới: ấy là “tợ tướng” hay quang tướng xuất hiện, và hành giả đắc định an chỉ sơ thiền với năm thiền chi tầm, tứ, hỉ, lạc, nhất tâm. “An chỉ”, là định thực thụ, sâu xa hơn “cận hành” một bực. Muốn đắc định an chỉ thì nên quán những đối tượng thuộc loại phi tự tính pháp; do vì không thể tư duy sâu xa gì về nó, tâm dễ đi đến tập trung.
Khi quán những đề mục này, hành giả như đối diện với một vách tường, cái tâm cứ lăng xăng suy tưởng bỗng khựng lại, dội ngược lại chính nó. Như con chim của các thương thuyền ngày xưa được thả ra để tìm bờ, nếu bay đi mà không gặp bờ sẽ trở lại đậu trên cột buồm: Tâm hành giả cũng vậy, khi không tư duy được gì về đối tượng, sẽ phản quang lại chính nó; khi ấy chủ thể là cái tâm năng quán và đối tượng bị quán (ví dụ hơi thở, trong pháp mệm hơi thở) nhập làm một, nhờ đó hành giả đạt được sự “nhất tâm”(unification of mind). Cái tâm chuyên nhất trong đó không có hai thứ chủ thể đối tượng, thánh phàm thiện ác, Phật và chúng sinh... thì mới thực sự là an chỉ. Trong tâm thực sự thanh tịnh, thì chẳng những không có chúng sinh, mà Phật cũng không có.
Chúng ta thường nghe câu ca dao: “Mười phần chết bảy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình”. Đứng về phương diện tu tập, có thể mượn nó để giải thích an chỉ là thế nào. Cái tâm đa đoan thế sự của chúng ta thường nhật là một bãi chiến trường với đủ thứ tạp niệm. Bây giờ thiền định là chết bớt đi những ý tưởng lăng xăng ấy, từ mười niệm chết bớt bảy mệm, từ ba niệm chết bớt hai niệm, cho đến lúc chỉ còn một niệm thì tâm mới tạm an ổn thái bình. Nghĩa là đi từ đa tâm (mười phần) đến thiểu tâm (chết bảy còn ba: “ba” đây là tầm, tứ xung quanh đối tượng quán), từ thiểu tâm đến nhất tâm (chết hai còn một: đây là khi chỉ còn lại nhất tâm, tầm tứ cũng tiêu luôn).
Nhưng từ nhất tâm cho đến giải thoát thực sự cũng còn lâu: đối với nhiều mới nói một, hết nhiều thì một cũng không còn: “Vạn sự quy nhất, nhất quy hà xứ?” (Muôn việc trở về một, vậy thì một trở về đâu?) Cho nên phải tiến đến vô tâm là giai đoạn kế. Vô cũng còn đối đãi với hữu, vậy từ vô tâm còn tiến thêm chặng nữa là liễu tâm mới là cái tâm giác ngộ không còn thấy có hữu vô và các pháp đối đãi năng, sở (chủ thể, đối tượng) và đối nghịch (thánh, phàm v.v.). Các đề mục thuộc loại “phi tự tính pháp” như vậy không những có thể dẹp trừ năm triền cái, đắc định cận hành (như kết quả tối đa của các đề mục niệm Phật), mà còn đạt đến định an chỉ trang bị với năm thiền chi.
Thuộc loại phi tự tính pháp này là những công án trong lối tham tổ sư thiền về sau. Công án có thể xem như một đề mục không có đối tượng dù thuộc ngoại sắc như kasinas hay nội sắc như hơi thở, cũng không là một khái niệm có thể tư duy như từ bi hỷ xả, v.v.. Đó là những câu hỏi mà vị thầy đưa ra cho đệ tử tham cứu, như:
“Mặt mũi anh trước khi cha mẹ sinh ra sao?”
“Con chó có Phật tính không?”,
“Chết rồi đi đâu” v.v.
Tham công án không phải là tìm cách trả lời câu hỏi ấy, vì không thể trả lời được. Hành giả phải nghiền ngẫm công án như gặm phải một khối sắt cho đến kỳ gãy hết cả răng thì hoát nhiên đại ngộ; tâm vì không có gì để bám víu nên hồi quang phản chiếu lại tự tính của tâm. Đó cũng là lý do có khi Phật trả lời một câu hỏi bằng cách im lặng, để cho người tự hồi quang phản chiếu. Một du sĩ ngoại đạo tên Malunkya một hôm đến hỏi Phật về linh hồn. “Có linh hồn không ?” Phật im lặng. Lần thứ hai, du sĩ trở lại, đặt câu hỏi cách khác: “Không có linh hồn à?” Ngài cũng im lặng. Khi du sĩ ra về, tôn giả A Nan hỏi Phật tại sao Ngài giữ im lặng cả hai lần như thế. Phật dạy, nếu lần đầu ta nói có thì trái chân lý, lần hai ta nói không thì kẻ kia thêm hoang mang, nghĩ, “lâu nay mình có linh hồn, bây giờ mất rồi chăng?” Thái độ im lặng đầy từ bi của Ngài quả nhiên đã có một hiệu quả tốt lành, vì sau đó du sĩ trở lại không thắc mắc gì nữa, mà xin quy y theo Phật, và trở thành một thánh đệ tử.
Một lối giảng dạy có tính cách thông minh “khai phóng” là chỉ đặt câu hỏi chứ không trả lời. Đó là lối dạy của các bậc thầy ngày xưa, như Socrate, Khổng tử, và nhất là Nagarjuna (Long thụ). Trả lời câu hỏi thì chỉ là một lối giảng dạy có tính cách thông tin (“informer” tiếng Pháp) truyền đạt kiến thức; đặt câu hỏi cho người tham cứu mới là giáo hoá (“former” tiếng Pháp ) giúp họ trưởng thành về tâm thức. Chân lý thực sự không thể giảng dạy, mà mỗi người phải chứng nghiệm bằng bản thân, bằng nỗ lực và thất bại của chính mình qua nhiều thử thách cam go. Người đã giác ngộ chỉ có thể kể lại đoạn đường gian khổ đã đi qua, nhưng không thể diễn đạt về cái cứu cánh hạnh phúc họ đã đạt đến. Cũng như một người đã đứng trên đỉnh núi cao chót vót chỉ có thể mô tả con đường, ngõ ngách leo núi, nhưng không thể nào mô tả được cảm giác khi họ đang đứng ở độ cao kia, cùng với những quang cảnh trên đỉnh núi. Muốn biết tường tận như họ, chúng ta chỉ có việc nỗ lực leo núi như họ đã làm, không có cách nào khác. Không thể nghe người ta mô tả cảm giác khi uống nước mà mình đỡ khát đi được.
Có bốn loại câu hỏi:
- Loại một là những câu có thể đáp ngay không do dự, không cần suy nghĩ, vì câu trả lời đã hiển nhiên, có thể kiểm chứng, như: “Hôm nay thứ mấy? Trời đang nắng hay mưa?” v.v..
- Loại hai là những câu hỏi cần moi óc suy nghĩ một lát, như: “Tết năm ngoái anh ở đâu?” hoặc những câu hỏi thuộc kiến thức phổ thông.
- Loại ba là câu hỏi thuộc loại kiến thức chuyên môn như thiên văn, địa lý, toán học, điện tử thì cần thời gian học hỏi, nhưng cuối cùng cũng giải được.
- Còn loại câu hỏi cuối cùng là những câu hỏi không có giải đáp trong sách vở hay kiến thức, và cũng không thể kiểm chứng, như hỏi: “Mặt mũi anh khi chưa sinh thì thế nào?” Đó là những công án tổ sư thiền, thuộc loại “phi tự tính pháp”.
Những vấn đề thuộc kiến thức phổ thông, khoa học kỹ thuật, thuộc tầm hiểu của tai nghe mắt thấy và trí suy luận, là những vấn đề tạo nên khoảng cách giữa người biết nhiều kẻ biết ít, người trí kẻ ngu, người khôn kẻ dại trong thế gian, đồng thời làm nên những nấc thang giá trị trên đời: càng biết nhiều càng có triển vọng thăng quan tiến chức, được thêm tài sản vật chất, được kính trọng; biết ít thì bị khi dễ, khó kiếm tiền, dễ chết đói. Do vậy mà người ta ở đời cứ phải tranh đua tiến bộ về mặt kỹ thuật và kiến thức chuyên môn để khỏi bị đào thải trong guồng máy xã hội càng ngày càng phức tạp tinh vi.
Máy móc càng ngày càng cải tiến đáng lẽ giúp ta có nhiều thì giờ tu hơn, thế nhưng ngược lại, con người càng ngày càng bận rộn theo với đà tiến khoa học kỹ thuật và càng ít có lúc trở về “hồi quang phản chiếu” để tự đặt câu hỏi căn để: “TA LÀ AI?” “SINH TỪ ĐÂU ĐẾN, CHẾT ĐI VỀ ĐÂU?” Càng biết nhiều các kiến thức thuộc “thiết bị ngoại vi” để có tiền, có danh vọng, ta càng biết ít về chính mình, và càng trở nên kiêu căng xem tất cả thứ ấy là “ta” và “của ta”. Kiến thức khoa học kỹ thuật tự nó không có gì sai quấy, ngược lại nó là một ơn ích giúp đời sống con người thêm thoải mái tiện nghi. Nhưng khi nó biến thành thước đo nhân phẩm, thì sự sa đọa tâm hồn bắt đầu. Bởi thế, thỉnh thoảng ta cũng cần nêu lên câu hỏi: “SINH TỪ ĐÂU ĐẾN, CHẾT ĐI VỀ ĐÂU” để nhớ cái “không biết”, cái ngu dốt căn để. Như vậy, con người sẽ khiêm cung và giản dị hơn. Hỏi mà không tìm cách trả lời vì thực sự không thể trả lời, cho nên cứ hỏi mãi. Điều quan trọng là hỏi chứ không phải trả lời.
Tôi hỏi mãi nhưng biết lời đáp lại,
Chẳng bao giờ thỏa đáng giữa đời câm
Tôi ngó mãi những chiều về trở lại,
Mang những gì về trong cõi trăm năm?
(BG)
Thi sĩ Chế Lan Viên cũng tự hỏi những câu ngớ ngẩn như vậy:
Sao ở đâu mọc lên trong đáy giếng?
Lạnh như hồn u tối vạn yêu ma?
Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta?
Ý của ai tràn lên trong khối óc?
Để bay đi theo tiếng cười điệu khóc?
Và hỏi rằng: TA CÓ CÓ TA KHôNG?
Đối diện với cái ngu dốt căn để ấy nơi mình, cái trống rỗng của chính mình, ta thường cảm thấy khó chịu, sợ hãi, như người ca kỹ trong thơ Xuân Diệu:
Em sợ lắm, giá băng tràn mọi nẻo
Trời đầy trăng lạnh lẽo buốt xương da...
Chớ để riêng em gặp phải hồn em!
Hoặc ta cảm thấy bơ vơ lạc lõng không có chỗ nào bám víu, như “Gà con mất mẹ chạy bâng quơ” (BG) hay như con lạc đà giữa sa mạc:
Miền cát lạnh chân lạc đà bé bỏng
Bóng hình ai tơi tả dưới trăng rằm
(Mưa nguồn)
Những thứ kiến thức thủ đắc về sau, do xã hội đem lại, đã dần dần thay thế cái bản ngã thực thụ, đến nỗi nếu tước hết tài sản, địa vị, kiến thức kèm theo, thì “cái tôi” dường như không là gì cả. Đã quen với tính sở hữu, thủ đắc, theo lối cân đong đo đếm, ta luôn luôn phải biết thật nhiều, học nhiều thứ, làm được nhiều việc, tạo được nhiều phước...
Thiền định là đối mặt với chính mình, và càng ngắm kỹ càng thấy không có cái gì thật là mình, tất cả đều là những thứ vay mướn của cha mẹ của xã hội và của giống nòi di truyền từ nhiều kiếp, về tâm thức cũng như thể xác, mà Phật gọi là Danh (tâm) và Sắc (vật) hay Không và Sắc trong Bát Nhã. Tuy hai mà không phải hai, vì thiếu cái này thì cái kia bất thành. Hai thứ danh và sắc làm câu sinh duyên cho nhau, như anh mù cõng anh què. Một mình Danh không đi được vì không có chân, một mình Sắc không đi được vì không có mắt. Nhưng khi cả hai phối hợp thì có thể đi khắp các nẻo luân hồi trong ba cõi.
Thiền định sở dĩ khó khăn là vì nó quá đơn giản nghèo nàn đạm bạc cô liêu. Ta ưa sở hữu, nhưng ta đụng phải cái vô sở hữu. Ta ưa biết mà đụng nhằm cái không biết. Ta ưa thủ đắc nhưng phải chạm mặt cái vô sở đắc. Ta ưa thấy tướng mà chạm phải cái vô tướng. Ta quen sống trong đối đãi thì đụng phải cái bất nhị không có chủ thể đối tượng, một hay khác... vì trong thiền định, cốt yếu là không còn thấy có cái “tôi là con người thiền định”. Trong thiền định, tâm năng quán và cảnh sở quán chỉ là một. Khi thấy cái sự lẩm cẩm “đem tâm tìm tâm” chẳng khác gì cỡi trâu tìm trâu, hay trên đầu gắn thêm đầu, thì cái tâm đa đoan tự nhiên phản tỉnh. Nhìn lại thì tất cả không gì không phải là tâm: thiện ác thánh phàm thế gian hay xuất thế, có lý vô lý... đều do tâm bày đặt. Tâm vừa là diễn viên vừa là khán giả. “Khi tượng gỗ đánh đàn, thạch nữ bắt đầu ca múa”... Tâm đem lại sự sinh động cho cả gỗ đá, cho tứ đại, không phải ngã, không phải một con người, lại càng không có ông nọ bà kia. Đạt đến cái thấy thường trực như vậy thì “không có đời này, đời sau, đời chặng giữa, và như vậy là ĐOẠN TẬN KHỔ ĐAU” (Lời Phật dạy trong Trung Bộ kinh).
Đấy là tác dụng của những đề mục thiền thuộc loại “phi tự tính pháp”, những công án nghịch lý, những câu hỏi không thể trả lời.