Đặt gánh nặng xuống

28 Tháng Mười 201712:42(Xem: 7375)
ĐẶT GÁNH NẶNG XUỐNG
Thích Nguyên Hùng

Lửa lòng mong cạn chốn am không… 


blankTrong kinh Tăng nhất A-hàm Đức Phật nhận định: “Ta không thấy một pháp nào tối thắng, tối diệu, nó huyền hoặc người đời khiến không đi đến nơi vĩnh viễn tịch tĩnh, trói buộc vào lao ngục không giải thoát được như người nam thấy sắc của người nữ, hay người nữ thấy sắc của người nam”.1 

Kinh Pháp cú Bắc truyền, kệ 447 cũng nói: 

Cho bằng lửa dâm tà 
Con đường nào nhanh qua 
Cho bằng cơn phẫn nộ 
Lưới nào đan dày kín 
Cho bằng lưới ngu si 
Sông nào cuồn cuộn đi 
Cho bằng sông ái dục.
2 


Câu chuyện sau đây cho thấy để dập tắt được lửa lòng nếu khôngpháp hành đúng cách sẽ không dễ gì đạt được. Chuyện kể rằng, hồi đó, Tỳ-kheo Vaṇgīsa cùng với Tôn giả A-nan vào thành Rājagṛha để khất thực. Khi hai người đang đi trong một ngõ hẻm, Tỳ-kheo Vaṇgīsa trông thấy một thiếu nữ hết sức xinh đẹp, nhan sắc thù thắng, hiếm có ở đời, lập tức tâm Tỳ-kheo Vaṇgīsa bấn loạn, không giữ được bình tĩnh, lửa dục bừng bừng bốc cháy. Ý thức được sự nguy hiểm của dục vọng đang nhiệt não thân tâm, Vaṇgīsa liền cầu xin Tôn giả A-nan trợ giúp. Tôn giả A-nan liền đến bên cạnh lấy tay xoa đầu Tỳ-kheo Vaṇgīsa và khuyên thầy nên niệm Phật

Niệm Phật, không tham dục 
Nan-đà vượt dục kia 
Thấy trời, hiện địa ngục 
Ngăn ý, lìa năm đường. 

Tôn giả A-nan như vậy là vừa khuyên thầy Vaṇgīsa thực tập pháp môn niệm Phật, vừa nhắc lại sự kiện Đức Phật độ thầy Nan-đà3 - một trong những người có nhiều tâm luyến ái với nữ sắc, bằng cách dẫn lên cõi trời rồi dẫn xuống địa ngục cho thấy nhân quả của việc từ bỏ hay tham đắm nhục dục. Tuy nhiên, thầy Vaṇgīsa vẫn không trừ được lửa dục đang bừng cháy trong tâm. Ngay lúc đó, từ xa, người thiếu nữ trông thấy thầy Vaṇgīsa thì mỉm cười. Những tưởng nụ cười của người thiếu nữ như thêm dầu vào lửa, có thể thiêu đốt giới thân huệ mạng một đời người xuất gia, khiến thầy Vaṇgīsa mất ăn mất ngủ, tinh thần thêm bấn loạn; nhưng không, có thể nhờ phước từng làm thị giả, thầy Vaṇgīsa bỗng khởi lên niệm tưởng: “Cô này, với hình thể được dựng đứng bởi xương, được quấn chặt bởi da, cũng như cái bình vẽ, bên trong đựng đồ bất tịnh, lừa dối người đời, khiến sinh loạn tưởng”. 

Niệm tưởng này vừa khởi lên, thầy Vaṇgīsa liền có chỗ vào. Thầy tiếp tục tư duy thiền quán: “Dục này từ đâu sinh? Từ đất sinh chăng? Từ nước, lửa, gió sinh chăng? Nếu từ đất sinh, đất cứng chắc, không thể bị hư hoại. Nếu từ nước sinh, nước rất mềm, không thể nắm giữ. Nếu từ lửa sinh, lửa cũng không thể bị nắm bắt. Nếu từ gió sinh, gió không có hình, không thể nắm bắt.” Tôn giả lại nghĩ: “Tham dục này chỉ có từ tư tưởng sinh”. 

Thầy Vaṇgīsa tư duy về tưởng bất tịnh, liễu tri các pháp bất khả đắc, ngay tại chỗ, tâm hoát nhiên giải thoát khỏi hữu lậu, liền nói kệ rằng: 

Dục, ta biết gốc ngươi: 
Ngươi từ tư tưởng sinh. 
Nếu ta không tưởng ngươi, 
Ngươi sẽ không hiện hữu


Bấy giờ, Tôn giả A-nan cùng thầy Vaṇgīsa ra khỏi thành Rājagṛha, trở về vườn Trúc ở Kāraṇḍa, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Vaṇgīsa bạch Thế Tôn

- Nay con đã được lợi thiện, vì có chỗ giác ngộ

Thế Tôn hỏi: 

- Nay ngươi tự giác thế nào? 

Vaṇgīsa bạch Phật

- Sắc không bền vững, cũng không chắc chắn, không thể trông thấy, huyễn ngụy, không thật. Thọ không bền vững, cũng không lõi chắc, cũng như đám bọt trên mặt nước, huyễn ngụy, không thật. Tưởng không bền vững, cũng không lõi chắc, huyễn ngụy, không thật, cũng như quáng nắng. Hành không bền vững, cũng không lõi chắc, giống như thân cây chuối, không có thật. Thức không bền vững, cũng không lõi chắc, huyễn ngụy, không thật

Tôn giả lại bạch Phật thêm: 

- Năm thủ uẩn này không bền vững, cũng không lõi chắc, huyễn ngụy không thật

Bấy giờ Tôn giả Vaṇgīsa liền nói kệ rằng:

Sắc như chùm bọt nổi, 
Thọ như bong bóng nước
Tưởng giống như quáng nắng, 
Hành như thân cây chuối, 
Thức là pháp huyễn hóa
Đấng Tối thắng nói vậy. 
Tư duy điều này xong, 
Quán sát hết các hành, 
Thảy trống không, vắng lặng
Không có gì chân chánh, 
Đều là do thân này 
Đức Thiện thệ dạy vậy. 
Cần phải diệt ba pháp. 
Thấy sắc là bất tịnh
Thân này là như vậy, 
Huyễn ngụy không chân thật
Đó là pháp hư hại. 
Năm uẩn không bền chắc, 
Đã biết là không thật
Trở về đạo tối thượng


- Như vậy, Thế Tôn, đó là những gì mà con đã tỏ ngộ. 

Đức Phật liền ấn chứng:

- Nay ngươi nên biết, phàm là hành giả thì phải quán sát gốc năm uẩn này đều không chắc thật. Vì sao vậy? Khi Ta đang quán sát năm thủ uẩn này ở dưới bóng cây bồ-đề mà thành Vô thượng đẳng Chánh giác, cũng như những gì hôm nay ngươi quán.4 

Ngũ uẩn giai không

Thành Vô thượng đẳng Chánh giác là nhờ quán sát năm uẩn và thấy được tự tánh vô thường, vô ngã của nó. Do đó, đối với Phật giáo, quán sát chân chánh là quán sát ngũ uẩn giai không. Bởi khi quán sát như vậy “sẽ sanh ra nhàm tởm. Khi đã nhàm tởm thì dứt sạch hỷ tham. Sự dứt sạch hỷ tham được gọi là tâm giải thoát”.

Người tu hành chỉ có được tâm giải thoát khi và chỉ khi nào hỷ tham, dục tham… được đoạn trừ. Mà dục tham chỉ được đoạn trừ khi tư duy chân chánh, quán sát và biết một cách như thật sắc là vô thường, vô ngã. Đối với sắc (thọ, tưởng, hành, thức) không biết, không rõ, không đoạn tận, không ly dục, tâm không giải thoát, thì không thể đoạn trừ khổ não, không vượt qua khỏi sự sợ hãi về sinh, già, bệnh, chết. Do đó, Đức Phật khuyên các Tỳ-kheo phải luôn quán chiếu để thể ngộ 5 uẩn là vô thường: “Các ông hãy quán sát biết rõ những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những thứ đó đều vô thường. Khi đã quán sát chân chính về vô thường rồi, thì sắc ái liền được trừ. Khi sắc ái đã được trừ rồi, thì tâm khéo giải thoát. Cũng vậy, quán sát thọ, tưởng, hành, thức hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những thứ đó đều vô thường. Khi đã quán sát chân chính về vô thường rồi, thì thức ái liền được trừ. Khi thức ái đã được trừ rồi, thì Ta nói là tâm khéo giải thoát.”6 Quán sát như vậy được gọi là quán sát chân chánh. Hiểu biết như vậy được gọi là hiểu biết chân chánh, tức là liễu tri ngũ uẩn giai không! 
Mục đích của giáo dục 

Phật giáo Tôn giả La-hầu-la từng trăn trở: “Bạch Thế Tôn, biết như thế nào, thấy như thế nào để cho thân thức này của con cùng tất cả những tướng trạng thuộc cảnh giới bên ngoài không có các kết sử trói buộc là ngã, ngã sở kiến, ngã mạn?” 

Thấy biết như thế nào để không còn các kết sử trói buộc là ngã, ngã sở kiến, ngã mạn có thể nói là mục đích tối hậu của giáo dục Phật giáo. Ta, của ta và những gì ta biết là chất liệu cho ngã mạn mà từ đó dòng sông sinh tử luân hồi cứ chảy dài vô tận. Mọi khổ đau hệ lụy của chúng sinh đều bắt nguồn từ tư duy hữu ngã. Do đó, vô ngã hay ngũ uẩn giai không như là cứu cánh tất yếu và là lý tưởng tu học mà người xuất gia tu đạo cần nỗ lực đạt được. Phật dạy: “Này La-hầu-la, hãy quán sát, những gì thuộc về các sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc xấu, hoặc tốt; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những thứ đó đều không phải của tôi, không phải là tôi, nó không phải là tự ngã của tôi; nên bằng tuệ bình đẳngquán sát như thật như vậy. Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc xấu, hoặc tốt; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những thứ đó đều không phải của tôi, không phải là tôi, nó không phải là tự ngã của tôi; nên bằng tuệ bình đẳng quán sát như thật như vậy.

“Như vậy, này La-hầu-la, Tỳ-kheo nên biết như vậy, thấy như vậy. Người nào biết như vậy, thấy như vậy, thì đối với thức thân này cùng tất cả những tướng trạng thuộc cảnh giới bên ngoài không có kết sử trói buộcngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn

“Này La-hầu-la, Tỳ-kheo nếu như vậy đối với thức thân này cùng tất cả những tướng trạng thuộc cảnh giới bên ngoài không có kết sử trói buộcngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn, thì Tỳ-kheo đó được gọi là người đoạn ái dục, chuyển đi các kết sử, chân chánh hiện quán đạt đến biên tế của khổ”.7 

Thế giới thành, hoại 

Đạt đến biên tế của khổ chắc chắn không thể bằng đôi chân, cho dù đôi chân ấy có thần lực nhanh chóng, giống như kiện sĩ, dùng mũi tên nhọn trong khoảnh khắc bắn xuyên qua chiếc bóng cây đa-la, có thể lên một núi Tu-di đến một núi Tu-di khác, cất bước từ biển Đông đến biển Tây và đi mãi đến trăm năm, ngàn năm hay lâu hơn nữa, cho tới khi mạng chung, rốt cuộc không thể vượt đến biên tế của thế giới, đến nơi không sinh, không già, không chết. Đó là kết luận dựa trên kinh nghiệm thực chứng khoa học không chỉ riêng Thiên tử Xích Mã mà còn là của nhiều giáo chủ các tôn giáo, các đạo gia, các nhà triết học… dù họ có tuyên bố hay không. Và Đức Phật cũng thừa nhận điều đó: “Không thể bằng đôi chân, vượt qua biên tế thế giới, đến chỗ không sinh, không già, không chết”. 

Nhưng, Đức Phật khẳng định: 

“Nay Ta chỉ bằng cái thân một tầm để nói về thế giới, về sự tập khởi của thế giới, về sự diệt tận của thế giới, về con đường đưa đến sự diệt tận của thế giới. Này Thiên tử Xích Mã, thế giới là gì? Là năm thủ uẩn. Những gì là năm? Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Đó gọi là thế giới”. 

Rồi Đức Phật giải thích

“Thế nào là sự tập khởi sắc? Ái đương lai hữu, câu hữu với hỷ tham, ưa thích chỗ này chỗ kia. Đó gọi là sự tập khởi của thế giới

“Thế nào là sự diệt tận thế giới? Sự diệt tận của ái đương lai hữu, câu hữu với hỷ tham, ưa thích chỗ này chỗ kia; đoạn tận, xả ly không còn sót, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh. Đó gọi là sự diệt tận thế giới

“Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận thế giới? Tám Thánh đạo: chánh kiến, chánh trí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận thế giới

“Này Xích Mã, biết khổ thế giới, đoạn khổ thế giới; biết sự tập khởi thế giới, đoạn sự tập khởi thế giới; biết sự diệt tận thế giới, chứng sự diệt tận thế giới; biết con đường đưa đến sự diệt tận thế giới, tu con đường đưa đến sự diệt tận thế giới. Này Xích Mã, nếu Tỳ-kheo nào đối với khổ thế giới, hoặc biết hoặc đoạn; sự tập khởi thế giới, hoặc biết hoặc đoạn; sự diệt tận thế giới, hoặc biết hoặc chứng; con đường đưa đến sự diệt tận thế giới, hoặc biết hoặc tu; thì này Xích Mã, đó gọi là đạt đến biên tế thế giới, qua khỏi biển ái thế gian”.8 

Đặt gánh nặng xuống 

Suy cho cùng, chúng sinh không thể đi đến tận cùng biên tế của sự khổ, đạt đến biên tế thế giới, vượt qua biển ái thế gian cũng bởi mang quá nhiều gánh nặng nề: gánh nặng năm uẩn. Đức Phật giải thích

“Thế nào là gánh nặng? Là năm thọ ấm: Sắc thọ ấm, và thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.” 

Gánh nặng càng trở nên nặng nề khi chúng sinh yêu thích, đắm trước: 

“Thế nào là thủ gánh nặng? Đó là ái, ái về hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm trước cái này hay cái kia”. 

Cho nên, muốn giải thoát, muốn đi đến tận cùng biên tế của sự khổ thì hãy đặt gánh nặng xuống, tức là “ái này, ái về hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm trước cái này hay cái kia, tất cả đều được đoạn trừ, diệt tận khổ, ly dục, tịch diệt, tĩnh chỉ”.9 

Đức Phật kết luận

“Năm uẩn là gánh nặng
Kẻ gánh nặng là người; 
Mang lấy gánh nặng lên, 
Chính là khổ ở đời. 
Còn đặt gánh nặng xuống, 
Tức là lạc, không khổ, 
Đặt gánh nặng xuống xong, 
Không mang thêm gánh khác. 
Nếu nhổ khát ái lên, 
Tận cùng đến gốc rễ, 
Không còn đói và khát, 
Được giải thoát tịnh lạc!
10


Đặt gánh nặng xuống là nhổ khát ái lên đến tận cùng gốc rễ! Đó là việc cần làm, phải làm và duy nhất quan trọng đối với sự nghiệp của một người xuất gia học Phật. 

Thích Nguyên Hùng
____________________________

(1) Tăng nhất A-hàm, phẩm Con một. 
(2) Kinh Pháp cú Bắc truyền, Thích Đồng Ngộ - Thích Nguyên Hùng dịch, Nxb Tôn Giáo, tr.122. 
(3) Xem Tạp bảo tạng kinh, ĐTK/ĐCTT, T04, n°.0203. 
(4) Tăng nhất A-hàm, phẩm Tà tụ, kinh số 9. Xem thêm Tạp A-hàm, kinh số 1115. Pāli, S. 8. 4. Ānanda. 
(5) Tạp A-hàm, kinh số 1. 
(6) Tạp A-hàm, kinh số 22. 
(7) Tạp A-hàm, kinh số 465. S. 18. 21. Anusaya. 
(8) Tạp A-hàm, kinh số 1221, Xích Mã. S. 2. 3. 6. Rohita. 
(9) Tạp A-hàm, kinh số 73. 
10) Tương ưng bộ kinh 22. 22. Bhāra, HT.Thích Minh Châu dịch
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3520)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 10319)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 4594)