Ngày Thứ 33 PHÁP THOẠI 27

14 Tháng Mười Hai 201503:14(Xem: 8543)

Minh Đức Triều Tâm Ảnh 
(Sīlaguṇa-Mahāthera)
NHẶT LÁ RỪNG XƯA 2
(Pháp Thoại An Cư 2015)

Nhà xuất bản Văn Học

Ngày Thứ Ba Mươi Ba
PHÁP THOẠI 27 (Tối ngày 19/7/ÂL)

 

Hôm nay thầy sẽ nói đến thất giác chi liên hệ với việc ta đang ngồi thiền bây giờ đây. Đó là niệm, trạch pháp, tấn, hỷ, an, định, xả. 7 yếu tố này được gọi là satta bojjhaṅgā. Đây là 7 thành phần, 7 yếu tố đưa đến giác ngộ; nó cũng có nghĩa là những pháp đồng sanh với giác ngộ hoặc những pháp có sẵn trong tâm bậc giác ngộ.

Giác ngộ có nghĩa là thấy rõ ràng, sáng suốt, không còn mê si, ngu ngốc để làm chuyện điên đảo, sai lầm nữa; cũng có nghĩa là không còn để cho vô minh chi phối nữa. Giác ngộ ấy đi liền với giải thoát nên nói giác ngộ, giải thoát. Giải thoát là giải thoát tham sân si, phiền não ngay tại đây và bây giờ. Nó là cái rất thực, rất cụ thể, rất hiện tiền, không mông lung trừu tượng, không đao to búa lớn, không lý luận hư huyền, không lấp lửng bí mật... Còn nữa, nó là cái như chơn, như thực, chúng ta có thể thấy rõ ngay khi “tuệ tri như thực” qua 6 căn, 6 trần và 6 thức, chứ không ở đâu xa.

Chúng ta có thể thấy ngay điều ấy khi nói về thất giác chi.    

1- Niệm giác chi (Satisambojjhaṅgā).

Đầu tiên, niệm nầy là niệm giác chi, có chữ giác đi kèm.

Ở đâu cũng có niệm. Trong Bát chánh đạo có chánh niệm. Trong Tứ niệm xứ có 4 chỗ niệm. Trong ngũ quyền, ngũ lực cũng có niệm dẫn dắt, điều chỉnh. Dù niệm nằm ở đâu chăng nữa, tuỳ theo chức năng và nhiệm vụ, nó có 2 nghĩa chính:

- Sati: Ghi nhận đối tượng

- Anussati: Theo dõi đối tượng, áp sát đối tượng hay niệm tưởng đối tượng (có thể đọc lên như niệm Phật)

Ghi nhận đối tượng là nghĩa chính. Ở đây khi một đối tượng đi qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thì niệm có chức năng ghi nhận đối tượng ấy. Do vậy, có nhiều nơi dịch là trí nhớ, có nghĩa là đừng có quên, đừng có lơ là, phải thường trực đứng ở đấy như người canh cửa (canh 6 cửa).

Theo dõi đối tượng, rà soát đối tượng là nghĩa phụ, nghĩa thứ 2. Ta có thể đưa ví dụ. Khi ta đang ngồi thiền, đang nghe hơi thở vào ra, xuống lên, ngắn dài... Ở đây có một số người ghi nhận hơi thở một cách nhẹ nhàng, tự nhiên dường như không có một gắng sức nào thì đó là sati. Nhưng có người ngại sati không ghi nhận rõ, không nhẹ nhàng tự nhiên như vậy được, hoặc ngại phóng tâm nó trượt mất đối tượng thì niệm phải bước qua chức năng thứ 2, là rà soát, áp sát liên tục theo hơi thở vào ra, xuống lên, và đây là anussati! Mọi kinh văn đây đó đều dịch là tuỳ niệm. Ngài Viên Minh sử dụng một nghĩa rất mới, chưa đâu có, đó là niệm phó, niệm phụ (phó hay phụ tương tự phụ tá, làm phó cho anh trưởng).

Với nghĩa nào chăng nữa, một sắc tướng, một âm thanh, một mùi hương, một vị, một xúc chạm, một ý nghĩ... niệm có chức năng ghi nhận chúng, nắm bắt chúng. Ở đây không được phân biệt đối tượng ấy là xấu tốt, thiện ác, chánh tà, hay dở, thích hay không thích... tất cả chúng đều được ghi nhận như thực, trọn vẹn. Ở đây cần một ghi chú: Nhiều nơi định nghĩa chánh niệm (sammā sati) là niệm cái chánh, cái chơn, cái đúng... Định nghĩa ấy tuy đúng nhưng dễ sinh hiểu lầm là có cái chánh, cái đúng để niệm. Nội hàm từ sammā có rất nhiều nghĩa: Chánh, chơn, đúng,  như thực, đầy đủ, toàn diện, trọn vẹn. Khi một đối tượng đến như thế nào ta ghi nhận đầy đủ, toàn diện, trọn vẹn đối tượng ấy mới đúng là sammā-sati (như thực niệm, như chơn niệm).

Lưu ý rằng, niệm, ở đây là niệm giác chi, như vậy, đối tượng là chân đế, thuộc thế giới paramattha, chưa chế biến qua tình cảm, tư duy hay nhận thức của người nhìn ngắm. Đối tượng, sự vật như vậy, đang còn nguyên xi, trong sáng, ban sơ, bản nguyên.

Đấy, quý vị thấy không, mình ngồi yên, ngồi nghe hơi thở vào ra thôi mà nó mang nội hàm giáo pháp vi diệu như vậy đó. Do vậy, niệm giác chi là yếu tố quan trọng đầu tiên trong 7 yếu tố đưa đến giác ngộ, mà ai cũng cần phải thông suốt ngữ nghĩa.

Niệm nầy là niệm của giác ngộ đó, rõ ràng chưa?

2- Trạch pháp giác chi (dhammavicaya-sambojjhaṅgā).

Vicaya là chia chẻ, phân tích. Chia chẻ, phân tích này cũng thuộc phạm trù của giác ngộ đó. Tại sao?

Khi niệm giác chi nắm bắt một đối tượng như thực, chưa kinh qua một lăng kính nào, đối tượng ấy là chân đế, paramattha.

Trong Bát chánh đạo, nếu chánh niệm là ghi nhận đối tượng, nắm bắt đối tượng thì chánh kiến là thấy trong sáng, rõ ràng đối tượng ấy; và chánh tư duy thì biết đối tượng ấy là tốt hay xấu, thiện hay ác. Cũng tương tợ vậy, khi niệm giác chi nắm bắt, ghi nhận đối tượng một cách trong sáng thì trạch pháp giác chi, tức là tuệ phân tích xuất hiện để làm nhiệm vụ của nó.

Đây là trạch pháp giác chi nên không còn bị chi phối bởi tư tâm sở nữa mà được dẫn dắt bởi tuệ tâm sở. Do vậy, trạch pháp giác chi chính là tuệ phân tích. Niệm giác chi đặt để đối tượng trong sáng (còn nguyên vẹn như nó đang là) rồi trạch pháp giác chi phân tích đối tượng ấy. Gọi là phân tích nhưng nó không phân tích theo kiểu thiện ác, tốt xấu như của chánh tư duy; mà nó chỉ theo dõi tiến trình duyên khởi của nó. Theo dõi để thông giải lý duyên sinh, hướng này thì đi về đâu, hướng kia thì đi về đâu đều được nhìn ngắm trọn vẹn. Ví dụ, khi nghe một tiếng động lớn, lùng bùng lỗ tai. Trạch pháp giác chi làm việc thấy tiếng động ấy làm thần kinh tai khó chịu. Nó ghi nhận khó chịu. Tâm bực bội rồi nổi sân, nó ghi nhận bực bội rồi nổi sân. Có trường hợp ghi nhận sân mà sân cứ có khuynh hướng gia tăng, biến sân thành ưu rồi thành hận. Trường hợp khác, ghi nhận bực bội một hồi thì bực bội sẽ lắng dịu, tâm sẽ nhẹ nhàng, thanh thản. Từ hai khuynh hướng như vậy, trạch pháp giác chi phân giải và thông suốt tiến trình duyên khởi ấy. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp hành động theo sân thì tiến trình duyên khởi của nó chắc chắn đưa đến sầu bi ưu não. Nếu trường hợp sân chấm dứt thì tiến trình duyên khởi của nó chấm dứt không đưa đến sầu bi ưu não.

Do trạch pháp giác chính là tuệ phân tích soi rọi nên đối tượng phân tích vẫn là cái đang là, đang duyên sinh, đang hiện tồn, đang còn trong sáng của thế giới paramattha, chân đế. Và đây là trạch pháp của sự giác ngộ, trạch pháp của bậc giác ngộ!

3- Tấn giác chi (Viriya-sambojjaṅgā)

Tấn giác chi sẽ trợ giúp cho trạch pháp giác chi nếu đối tượng bị vô minh và hành chi phối mạnh, có khuynh hướng đi theo tiến trình xấu ác đưa đến sầu bi ưu não.

Do là tấn giác chi nên nó không nỗ lực tích cực thái quá như Tứ chánh cần trong sinh hoạt tu tập thường nhật. Tấn ở đây, chỉ cần không buông xuôi, thụ động, không hôn trầm thuỵ miên và cả không lao xao phóng dật: Là năng lực vừa đủ để duy trì và theo dõi tiến trình cho đến khi nó diệt mất. Ở đây cả hai khuynh hướng đều trạm nhiên thanh tịnh; nói cách khác, cả lành tốt, cả xấu ác đều được nhìn thấy rõ ràng. Đều giác ngộ trọn vẹn.

4- Hỷ giác chi (Pīti-sambojjaṅgā).

Hỷ này là pīti, là hỷ trong thiền chi chứ không phải là hỷ (somanassa) khi làm việc thiện hay ác mà hoan hỷ, thích thú; cũng không phải là hỷ (muditā) trong Tứ vô lượng tâm. Hỷ giác chi này là do cả niệm, trạch pháp và tấn giác chi đã phát huy đúng độ nên thân an. Do thân an nên thân cảm thấy có ánh sáng, nhẹ lâng lâng, rần rần mọc ốc... (5 hiện tượng phỉ). Cũng có hành giả không phát sanh 5 hiện tượng trên mà chỉ cảm nhận người nhẹ nhàng, thanh thản, dễ chịu. Chúng đều là những phát sanh tự nhiên khi có niệm, có trạch pháp, có tấn. Do thấy rõ nó phát sanh tự nhiên nên hành giả sẽ không dính mắc, chấp thủ. Thân an thì có hỷ, hỷ giác chi là vậy, thấy rõ (giác) hỷ là như vậy.

5- An giác chi (Passaddhi-sambojjaṅgā).

An này là khinh an. Hỷ giác chi xuất hiện ở nơi thân thì an giác chi xuất hiện ở nơi tâm. Cả thân tâm đều hỷ an.

An này không phải là lạc (sukha) trong thiền chi, vì lạc sẽ đưa đến định sơ thiền. An này cũng tương tợ lạc nhưng nhẹ nhàng, thư thái trong sinh hoạt thường nhật, nó không đưa đến các tầng định. Nó chính là khinh an tâm sở ở trong 25 tịnh quang tâm sở. Tâm sơ khinh an này thường xuất hiện khi ta làm những việc lành tốt. Có an giác chi thì nó hầu như vắng mặt toàn bộ sự nặng trệ, cong queo, khô cứng trầm mịch của các bất thiện tâm sở, làm cho tâm trở nên nhu nhuyến, thích ứng, tinh luyện và chánh trực! Do vậy, an giác chi trong sinh hoạt thường nhật giúp ta không hôn trầm, thuỵ miên, không lăn xăn trạo hối – mà người luôn nhẹ nhàng, thư thái, thanh thản như “làn khói trắng lơ lửng, thong dong giữa bầu trời xanh!” Nó tuyệt vời, thơ mộng như vậy đó! Nhưng là tuyệt vời như thực và thơ mộng cũng thơ mộng như thực! Thầy nói thêm tí chút vậy cho vui, cho đỡ khô khan!

6- Định giác chi (Samādhi-sambojjaṅgā).

Định giác chi này không phải định thiền, định chỉ mà là định của tuệ, định trong mọi lúc, mọi khi mà vẫn thấy biết rõ ràng tất thảy mọi đối tượng đi qua thân tâm.

Sở dĩ gọi định này là định của tuệ vì nó luôn luôn đồng hành, vừa tịch tịnh, vừa chiếu soi như mặt kiếng giữ yên (định) thì mặt kiếng mới phản ánh rõ ràng (tuệ) mọi đối tượng.

Định giác chi giúp chư hành giả luôn luôn bình tĩnh, ổn định, trầm tĩnh trước mọi tình huống của cuộc đời. Định giác chi có mặt thì 8 ngọn gió đời không lay chuyển được: Được lợi, mất lợi; danh thơm, tiếng xấu; khen ngợi, chê bai; hạnh phúc, đau khổ (Tăng chi bộ - phẩm 8 pháp). Ngoài ra, định giác chi giúp bậc giác ngộ linh động sử dụng các loại định mà không hề dính mắc.

7- Xả giác chi (Upekkhā-sambojjaṅgā).

Cuối cùng là xả, xả này cũng chính là xả vô lượng, như lá sen nó trượt đi tất cả giọt nước, không dính. Cũng vậy, xả giác chi vừa là tâm thái trung chính, quân bình tuyệt hảo, vừa không dung chứa bất kỳ một hạt bụi hữu vi nào, môt bóng dáng của ngã, ngã sở nào.

Xả giác chi đồng một nghĩa với giải thoát.

Nói tóm lại, thất giác chi là 7 yếu tố đưa đến giác ngộ. Nó có thể tu tập từng giác chi một. Nó cũng là một tiến trình từ niệm đến xả khi nhìn ngắm một đối tượng. Và nó cũng là 7 yếu tố có sẵn trong tâm của bậc thánh giả.

Đừng nói đâu xa, khi đang ngồi hít thở đây, đến giai đoạn minh sát, ta có thể nhìn ngắm các đối tượng và cảm nhận, chứng nghiệm các giác chi như thế nào. Và ta sẽ nếm được hương vị của pháp trong từng sát-na, từng sát-na giác ngộ, giải thoát hiện tiền vậy.

*- Minh hoạ về Bát phong.             

Bát pháp, bát phong, 8 ngọn gió đời... thầy chợt liên tưởng đến chuyện của thiền sư Phật Ấn và thi hào Tô Đông Pha. Câu chuyện này nhằm để minh hoạ cho người có định giác chi sẽ không bị lay động bởi tám ngọn gió đời.

Thiền sư Phật Ấn và thi hào Tô Đông Pha sống khoảng thế kỷ 11 bên Trung Quốc, một tu sĩ, một cư sĩ, bạn rất thân với nhau. Một người ở bên này sông, một người ở bên kia sông.

Tương truyền, kiếp trước Tô Đông Pha là một thiền sư, nghe nói là do “còn dạt dào trăng nước, còn lắm nợ phong trần” nên kiếp này bị đoạ, tuy cũng đỗ đạt, cũng làm quan, có gia đình, vợ con nhưng sống trôi nổi, đoạ đày giữa dòng đời hệ luỵ. Kiến văn Phật học, thiền học của Tô thi sĩ rất uyên bác nên ông ta có mối thâm giao đặc biệt với thiền sư Phật Ấn. Giữa hai vị có nhiều cuộc tranh luận và có rất nhiều giai thoại, đặc biệt là giai thoại sau đây:  

Chuyện kể rằng, hôm ấy, Tô Đông Pha sáng tác được một bài thơ và ông rất tâm đắc, bèn cho gia nhân bơi ghe qua sông mang sang cho thiền sư Phật Ấn xem:

“Khể thủ thiên trung thiên

Hào quang chiếu đại thiên

Bát phong xuy bất động

Đoan tọa tử kim liên”.

Tạm dịch:

“Đảnh lễ đức Đại Giác

Hào quang chiếu ba ngàn

Tám gió thổi chẳng động

Nghiêm toạ đài sen vàng!”

Phật Ấn xem qua bài thơ xưng tán cảnh giới định bất động của bậc Giác Ngộ của họ Tô, thấy chữ nghĩa và ý tứ cũng bình thường, chẳng có gì là xảo diệu. Do biết rất rõ đời sống và cả tâm ý của bạn mình, tuy ca tụng đức Phật nhưng ẩn ý là tự ca tụng mình: “Lúc này tôi đã có nội lực ‘tám gió thổi chẳng động’ rồi đó, đừng xem thường nghe!” Do vậy, thay vì khen ngợi, Phật Ấn liền cầm bút phê ngay hai chữ “phóng thí” (đánh rấm) và bảo gia nhân đem về trình lại cho Tô Đông Pha.

Quả đúng như Phật Ấn dự đoán. Tô thi sĩ vừa liếc mắt xem liền đùng đùng nổi giận, lập tức chèo ghe sang sông hỏi tội Phật Ấn. Trên bến, Phật Ấn đang nhàn nhã đứng đợi. Đông Pha lớn tiếng trách:

- Bài thơ của tôi sai sót ở chỗ nào mà ngài lại phê vào hai chữ “đánh rấm” kia.

Thiền sư Phật Ấn cười ha ha:

- Thấy chưa! Ông nói nội lực của ông đã “Tám gió thổi chẳng động”, nhưng chỉ mới cái đánh rấm của tôi là ông đã bị bốc tung, bay từ bên kia sông, sang tận bên này sông rồi!

Truyện không nói rõ thái độ của Tô Đông Pha sau đó ra sao, nhưng có lẽ họ Tô sẽ “tẽn tò” một chút rồi mới cười ha hả. Thua trí nhau một chút là chuyện nhỏ, họ còn đụng nhau nhiều trận nữa kìa, mà rất đạo vị, rất thiền vị!   

34- Ngày thứ 34 đến ngày thứ 45

(Từ ngày 20/7 đến ngày 01/8 do chư tăng có việc quan trọng phải đi Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hoá và Hà Nội – lúc 2,3 ngày lúc 4,5 ngày nên chương trình bị gián đoạn. Mỗi buổi tối vẫn có hành thiền nhưng không có pháp thoại).

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn